Số lần đọc/download: 4267 / 143
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Chương 2
T
hế kỷ XIII Đại Việt ba lần chiến thắng lẫy lừng quân Nguyên hung bạo. Nhưng ngay sau đó, thế kỷ XIV nhất là nửa sau của nó, Đại Việt trở nên suy yếu, làm mồi cho sự tấn công liên miên của người Chiêm Thành phương Nam. Vào thời kỳ đó, có thể nói quân Chiêm ra vào tấn công Đại Việt như đi chợ, muốn đánh lúc nào thì đánh, muốn rút lúc nào thì rút.
Tính từ khi vua Nghệ Tôn dẹp loạn Dương Nhật Lễ, chiến tranh Chiêm - Việt xảy ra mười lần, hầu hết quân Việt bị thua.
Sau trận đại bại của quân Việt năm Đinh Tỵ (1377), khi vua Duệ Tôn đem mười hai vạn quân vào thành Đồ Bàn, đại quân tan tác. Duệ Tôn tử trận, từ đó Đại Việt hoàn toàn mất hết nhuệ khí, quân Việt từ chỗ khinh thường quân Chiêm, đã quay ngược trở lại, trở nên sợ hãi quân Chiêm. Còn quân Chiêm từ chỗ nhút nhát, sau chiến thắng, đã trở thành đội quân thiện chiến, gan dạ.
Quân Chiêm, dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Chế Bồng Nga, thường đem quân ra đánh phá nước ta vào mùa gió nồm nam. Bình thường họ đánh phá cướp bóc các tỉnh miền Trung: Thanh đô trấn, Nghệ An, Tân Bình. Thuận Hoá. Khi thời cơ thuận tiện, Chế đem quân ra tận kinh đô Thăng Long cướp phá.
Vua Nghệ Tôn tính tình nhu hoà, vô cùng sợ người Chiêm. Nghệ Tôn sợ hãi đến nỗi đem tất cả mồ mả cha ông chuyển về làng Yên Sinh ở Đông Triều. Lại đem chôn dấu vàng bạc, tiền đồng và của quý vào trong núi đá.
Trong vòng hai mươi năm, từ năm 1370 đến năm 1390, quân Chiêm Thành đã xâm nhập đốt phá Thăng Long bốn lần. Lần thứ nhất, ngay sau khi Nghệ Tôn mới lên ngôi. Đại Việt sử ký còn ghi:
"Tháng ba nhuận năm Tân Hợi (1371), người Chiêm thành sang cướp phá, tiến quân vào từ cửa biển Đại An, tiến thẳng đến kinh sư. Dụ binh của giặc đến bến Thái Tổ, phường Phục Cổ (ngày nay khoảng phố Nguyên Du). Vua đi thuyền sang Đông Ngàn lánh giặc. Ngày 27, quân Chiêm vào Thăng Long, đốt phá cung điện, cướp lấy con gái đẹp, vàng bạc châu báu đem về... Giặc đốt cung điện đồ thư trụi cả...
Lần đốt phá Thăng Long thứ hai của quân Chiêm xảy ra năm 1877.
Lần đốt phá Thăng Long thứ ba xảy ra năm Mậu Ngọ (1378).
Lần đốt phá Thăng Long thứ tư, quân Chiêm tiến hành vào năm Quý Hợi (1383). Sử cũ ghi:
"Quý Ly phải sai nghĩa đệ là Nguyễn Đa Phương dựng rào trại quanh kinh thành ngày đêm canh giữ."
Nghệ Hoàng sợ hãi, xuống thuyền ngự định sang Đông Ngàn lánh nạn. Có người nho sinh Nguyễn Mộng Hoa ra bến sông, lội xuống nước níu thuyền vua, xin thượng hoàng ở lại đánh giặc. Thượng hoàng bảo:
- Ta cũng giống như Bái Công, Hán Cao Tổ; còn Chế Bồng Nga chẳng khác nào Hạng Võ. Thua được; bên chạy bên đuổi là lẽ thường tình. Kẻ kia hung hăng, còn ta mềm dẻo, cũng lại là lẽ thường tình. Chỉ đến phút cuối ai được ai thua rõ ràng mới quan trọng.
Thực ra, Chế Bồng Nga không chỉ là một con người hung hăng, hữu dũng vô mưu. Nói công bằng, ông ta là một thiên tài quân sự, một vị anh hùng cuối cùng của người Chiêm Thành.
Đêm đã tàn, đã thưa thớt ánh sao, đột nhiên một ngôi sao băng bỗng lóe lên rực rỡ trên bầu trời Chiêm Thành. Ông ta như một khắc tinh đối với Nghệ hoàng. Ông ta đã vây hãm khốn đốn Đại Việt, đã huỷ diệt nốt những năng lượng cuối cùng của dòng họ Trần, đã một thời leo lên đến tột đỉnh vinh quang. Nhưng một ngôi sao dù sáng đến thế nào. cuối cùng cũng phải đi hết con đường xạ quang của nó. Cả cơ đồ nhà Trần, cả đến sự nghiệp rực rỡ của Chế Bồng Nga, cuối cùng cũng phải kết thúc như vậy mà thôi.
Lần vật lộn khốc liệt cuối cùng giữa Chế Bồng Nga và quân Đại Việt là lần thứ năm quân Chiêm Thành định ra cướp phá Thăng Long. Lần này, họ Chế chuẩn bị rất chu đáo.
Trước tiên, về mặt chính trị và ngoại giao, họ Chế đã tiến hành cô lập Đại Việt. Năm 1870, Chế Bồng Nga đem cống nhà Minh voi, hổ và các sản vật phương Nam. Năm 1372. sau khi đánh bại Đại Việt, Chế lại mang lễ vật sang nhà Minh, vừa báo tin thắng trận, vừa xin vua Minh cung cấp vũ khí. Năm 1386, Chế sai con trai sang chúc thọ Minh Thái Tổ, y đã được nhà Minh tiếp đãi long trọng.
Trong khi ấy, nhà Minh lại giả trá, lặp lại thủ đoạn xưa cũ mà nhà Nguyên đã dùng, họ mượn đường Đại Việt đi đánh Chiêm Thành. Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương yêu cầu Đại Việt phải đem cống voi, và đặt các trạm ở dọc đường suốt từ biên giới Trung Việt cho tới Nghệ An. Chuyện này ta không đáp ứng, nhà Minh cũng không trách cứ. Nhưng về thực chất, có lẽ đằng sau những cử chỉ ấy đã có sự bàn ngầm giữa nhà Minh và Chiêm Thành. Họ toan tính muốn xoá sổ Đại Việt bằng cách đánh từ hai đầu.
Đang lúc quân Minh còn rập rình ở biên giới, thì Chế Bồng Nga đã đem đại quân tiến vào Đại Việt.
Đó là năm Canh Ngọ (1390), tình hình Đại Việt lúc đó, ngoài nước cũng như trong nước đều hết sức rối ren. Nghệ Tôn đã hơn 70 tuổi. Vua con Trần Thuận Tôn vừa lưới lên ngôi. Tất cả quyền hành bấy giờ đã hoàn toàn nằm trong tay Thái sư Quý Ly.
Nhìn toàn cục, có thể nói số phận Đại Việt đang như ngàn cân treo sợi tóc. Phía Bắc quân Minh rập rình ở biên giới. Phía Nam, quân Chế Bồng Nga ào ạt tràn vào Trong nước có ba cuộc nổi loạn: ở Thanh Hoá, Nguyễn Kỵ xưng vương tại Nông Cống, Nguyễn Thanh xưng vương ở Sông Lương. Sát kinh đô, nhà sư Phạm Sư Ôn đã tập hợp được ba vạn quân ở lộ Quốc Oai.
Quan đứng đầu Thanh Hoá là tôn thất Trần Nguyên Diệu đã ra hàng Chế Bồng Nga.
Họ Chế, qua báo cáo của Trần Nguyên Diệu, đã nắm chắc tình hình Đại Việt. Ông ta vui mừng:
- Thời cơ đã đến. Vận số Đại Việt đã hết. Phen này diệt xong Thăng Long, sẽ giao Quý Ly cho ông xử tội. Sẽ phong ông làm vua. Sẽ giống như nhà Tống và nước Liêu nước Hạ. Đại Việt và Chiêm Thành sẽ kết anh em.
Nguyên Diệu nhất nhất đều đồng ý với họ Chế. Vua Chiêm liền chọn Thanh Hoá là vùng tấn công đầu tiên. Sở dĩ Chế Bồng Nga chọn Thanh Hoá vì nơi đó là đất phong của Trần Nguyên Diệu, vả lại Nguyễn Kỵ và Nguyễn Thanh nổi loạn nên chính quyền ở Thanh đô trấn hầu như đã tan rã.
Nghe tin Thanh Hoá nổi loạn và Chế Bồng Nga đã đem quân sang xâm lấn, Lê Quý Ly vội đem quân đến vùng này.
Cũng cần phải nói thêm, lần này Chế Bồng Nga xuất quân, sau khi Đại Việt xảy ra cuộc chính biến lớn. Phe bảo thủ do Trần Phế Đế chủ trương định tiêu diệt Quý Ly song thất bại. Phe canh tân, do Quý Ly cầm đầu thực lực rất mạnh. Thượng hoàng Trần Nghệ Tôn vẫn hoàn toàn dựa vào phe Quý Ly. Nghệ Tôn không thích những sự xáo trộn, cho rằng Phế Đế làm vua như vậy sẽ gây chia rẽ và suy yếu đất nước. Quý Ly lại khéo kích động vào tình cảm hơn kém giữa con và cháu, nên cuối cùng Nghệ Tôn truất Phế Đế là cháu để lập con là trần Thuận Tôn lên ngôi vua.
Trần Nguyên Diệu, em trai Phế Đế, vì thù anh bị giết, và cũng vì ngấp nghé muốn nhòm ngôi vua, nên đã trốn vào thành Đồ Bàn hàng Chế Bồng Nga. Vua Chiêm được hàng tướng tầm cỡ như Nguyên Diệu, mừng như bắt được vàng. Thực ra. trước đó đã có hai người dầu hàng Chiêm: đó là thái hậu Dương Thị, và Nguỵ Câu Vương Trần Húc con cả Trần Nghệ Tôn. Tuy nhiên. hai người đó đều không có uy tín trong Đại Việt, nên họ Chế không lợi dụng được nhiều lắm. Lần này, được Nguyên Diệu, một đại thần em vua, lại là quan đứng đầu một lộ, lại là người có nhiều quan hệ với các đại thần đương quyền ở Đại Việt. Chế nghĩ: "Câu được con cá này mới là cá to." Chế bảo Diệu:
- Ta sẽ giúp ông diệt Quý Ly, còn ông cũng phải giúp ta.
Diệu nói:
- Để công việc thuận lợi, tôi sẽ viết mật thư cho quan tư đồ Trần Nguyên Đĩnh, quan thiếu bảo Trần Tôn, cả Trang Định Vương Ngạc nữa. Những người này thù ghét Lê Quý Ly đến tận xương tuỷ.
Lúc đó ở Đại Việt, triều đình chia rẽ năm bè bảy mối, lòng người khảng tảng, nhiều kẻ quan cao chức trọng, thân ở đất Việt mà lòng ở đất Chiêm, do đó quân đội mất hết sức mạnh.
Quý Ly đi vào vùng sông Lương Thanh Hoá, vùng ảnh hưởng của Trần Nguyên Diệu khá mạnh. Diệu và Chế nêu cao ngọn cờ diệt Quý Ly phục Trần, nên quan lại ở Thanh Hoá theo họ khá đông. Chí ít, người nào không theo cũng không cộng tác với thái sư.
Khi quân Quý Ly đến, ông ở trên đất Việt nhưng lại hoá ra như kẻ ngoại lai đến. Lòng người quay trở, nên đất của ta biến thành đất của địch. Quý Ly sai đóng cọc trên sông Lương, ngăn không cho quân Chiêm tiến. Chế Bồng Nga có Nguyên Diệu chỉ điểm địa hình, đã đáp đập ở thượng nguồn sông Lương. Sau đó, họ Chế cho quân và voi mai phục rồi giả vờ thua chạy. Quý Ly sai mở cọc trên sông đưa thuỷ binh truy kích. Trên bộ, quân tinh nhuệ cũng đuổi theo quân Chiêm. Đúng lúc đó Chế Bồng Nga phá đập ở thượng nguồn sông Lương. Nước ào ạt chảy như thác đổ, đẩy chiến thuyền Quý Ly trôi xuống hạ lưu. Đồng thời. voi và quân mai phục cũng nhất tề xông ra. Voi gầm, quân thét vang trời. Quân Quý Ly rơi vào thế bị động. Quân bộ và quân thuỷ bị tách rời, không ứng cứu được cho nhau. Quân sĩ bị tiêu diệt. Bảy mươi viên tướng bị bắt. Quý Ly và một nắm tàn quân thất trận, tơi tả trở về Thăng Long.
Nguyễn Đa Phương và Phạm Khả Vĩnh mang hậu quân từ tuyến sau lên cầm chân giặc. Thế giặc, theo đà chiến thắng. trở nên quá mạnh. Đa Phương biết không giữ nổi, liền bỏ Thanh Hoá, bảo toàn lực lượng, đem quân về đồng bằng sông Hồng để bảo vệ Thăng Long. Chế Bồng Nga thắng lớn, cờ rong trống mở đưa quân ra biển, rồi định tràn vào vùng châu thổ sông Hồng, phen này quyết đại phá Thăng Long.
Như ta đã biết, Đa Phương là con cụ Sư Tề, thầy dạy võ của Quý Ly. Quý Ly nhận Phương làm em và có ý gây dựng làm thủ túc. Đa Phương sức khỏe hơn người, nức tiếng dũng sĩ Thăng Long. Để đề cao Đa Phương, Quý Ly cho mở võ đài tỉ thí ở tháp Báo Thiên. Đa Phương giữ đài, thách đấu với võ sĩ cả nước. Đa Phương đánh bại tất cả, được tôn vinh là đệ nhất võ sĩ. Phương lấy làm đắc ý, thường coi người bằng nửa con mắt. Cụ Sư Tề lấy làm lo sợ, bảo con:
- Thời này, thời đại loạn, thời của những mưu sâu, kế lạ, đâu có phải thời của những kẻ hữu dũng vô mưu. Hãy cẩn thận, kẻo đến lúc không có đất mà chôn.
Đa Phương ngoan cố, không cho lời cha dạy là phải. Cụ Sư Tề buồn bực, bỏ Thăng Long trở về quê, rồi biệt tăm biệt tích.
Sau trận sông Lương (Thanh Hoá) Đa Phương tự cho mình võ cũng giỏi, mà cầm quân cũng giỏi. Phương thấy Quý Ly thua trận, cho rằng thời thế của Quý Ly đã hết. Nay thái sư chỉ như khúc gỗ mục trôi sông, bám vào con người hết thời ấy làm gì. Phương về Thăng Long, rêu rao:
- Thái sư bất tài quân sự, chỉ có tài nói giỏi và bày vẽ ra lắm chuyện viển vông.
Đa Phương không hiểu thế của Quý Ly đã vững như bàn thạch. Thế ấy là nhờ một phe đảng đông đúc, như tấm lưới dày chăng ra từ trong triều đến các địa phương. Đến ngay như Nghệ Tôn còn phải nể sợ cái thế này.
Quý Ly nói với Nguyên Trừng:
- Đáng lẽ ra những lúc này, Phương cần phải trung thành với ta. Ta tin hắn nhưng thực không ngờ, lúc bão tố hắn lại quay đầu phản ta.
Nguyên Trừng bảo cha:
- Chẳng cứ gì Phương, trong triều lúc này, rất nhiều lời xì xào. Họ tưởng rằng ta đã lung lay. Nhất là khi thấy người thân cận của ta quay đầu: chống lại ta.
Quý Ly bỗng trở nên buồn rầu:
- Ta đâu phải là kẻ không tình nghĩa. Nhưng những kẻ càng gần ta trong lúc này lại phản ta, kẻ ấy càng cực kỳ nguy hiểm.
Quý Ly bèn tâu với Nghệ hoàng:
- Con người này quá thô thiển và kiêu căng vô lối. Làm tiểu tướng thì được, làm đại tướng thì hỏng.
Bèn thu hết binh quyền của Phương. Đa Phương ngẩng mặt lên trời than thở:
- Trời hại ta rồi. Con chim kia vì tiếng hát hay nên bị sa lưới, vì bộ lông đẹp nên bị tên bay. Trời sinh ra Đa Phương này có tài để làm gì. Đức chí tôn cũng bị quáng mắt rồi.
Nghệ hoàng nghe thấy bảo:
- Người này quá kiêu căng. Cần trị tội nhẹ để răn bảo.
Quý Ly tâu:
- Đa Phương có sức khỏe dũng sĩ. Nếu bất mãn, sợ hắn sẽ chạy sang phương Bắc với nhà Minh, hoặc vào phương Nam với Chiêm Thành. Thả cọp về rừng sẽ di hoạ về sau. Chi bằng giết đi là xong.
Bèn ra lệnh cho Đa Phương uống thuốc độc tự vẫn.
Đa Phương lại than:
- Ta vì có tài nên được sang. Lại cũng vì cái tài nên phải chết. Chỉ hận không được chết ở chốn sa trường.
Tình thế bây giờ quá đôi rối ren. Đang đêm, có ngựa trạm mang thư về Thăng Long cấp báo:
"Quân của Chế Bồng Nga đã từ biển đi vào sông Hoàng Giang. Thế lực quân Chiêm khá mạnh. Hơn một trăm chiến thuyền đậu kín một khúc sông. Bọn chúng còn đóng binh ở Hoàng Giang chờ hậu quân. Bộ binh và tượng binh đang từ Thanh Hoá tiến ra."
Nghệ hoàng cho triệu Lê Quý Ly. Thái sư tâu:
- Chế Bồng Nga rất thâm hiểm. Hễ khi nào có người đầu hàng dẫn đường là chúng kéo quân ra Thăng Long. Bởi vì chúng đã có tay sai để lập vua hờ. Lần này, Trần Nguyên Diệu đầu hàng. Diệu là đại thần, thông thuộc mọi chuyện trong nước. nhất định quân Chiêm sẽ đánh Thăng Long.
- Ta nên đối phó ra sao?
- Tâu bệ hạ, liêm phóng sứ ở lộ Quốc Oai mật báo về rằng quân của thầy chùa Phạm Sư Ôn nổi loạn cũng định nhân cơ hội này kéo về Thăng Long. Như vậy, kinh sư đang bị tấn công từ hai phía. Xin bệ hạ cứ yên tâm. Thần đã trù tính kỹ càng. Mọi việc đã sẵn sàng. Khi cần, thượng hoàng và hoàng gia hãy tạm lánh sang Đông Ngàn, sau đó đi thuyền đến Lục đầu giang. Thần đã cho người đến hành cung Bình Than chuẩn bị tiếp đón hai vua.
- Vậy ai sẽ là người cầm quân chống Chiêm Thành? Ai sẽ là người đi dẹp bọn giặc cỏ ở lộ Quốc Oai?
- Thần đã suy tính nát óc. Tướng già nhiều kinh nghiệm ta còn Phạm Khả Vĩnh và Hoàng Phụng Thế. Hoàng Phụng Thế thì quá già, còn Khả Vĩnh vừa qua lại rất thân thiết với Đa Phương. Phương vừa bị giết, ta lại chưa dò biết được lòng Vĩnh hiện nay ra sao. Chi bằng, cứ để Vĩnh và Thế đóng quân ở Hoàng giang đối phó với tiền quân Chiêm Thành do tướng La Ngai chỉ huy. Hiện nay, ta đang rất cần một viên tướng trẻ có khả năng táo bạo, bất ngờ với địch để chỉ huy toàn quân.
- Khanh đã chọn được ai?
Thần thấy trong đám tướng trẻ có hai người khả dĩ. Người thứ nhất là Đặng Tất rất năng nổ táo bạo. Người này đã cầm quân ở Châu Hoá, có nhiều kinh nghiệm đối phó với quân Chiêm. Ngặt một nỗi hiện nay Tất ở xa. Gọi về cũng mất hàng tháng.
- Nước xa làm sao cứu được lửa gần. Vậy, còn người thứ hai?
Quý Ly hiểu ngay lòng Nghệ Hoàng... Sở dĩ ông vua già không đậm với Tất bởi vì Đặng Tất là người thân tín của thái sư. Vừa qua, Quý Ly trừ khử Nguyễn Đa Phương. Nghệ hoàng cũng chẳng tỏ vẻ thương tiếc gì lắm, phần nào cũng vì lẽ ấy.
Quý Ly là người giầu óc thực tế. Ông cũng hiểu sự tương quan lực lượng. Vả lại, lúc này ông và Nghệ Hoàng đang ngồi chung một chiếc thuyền. Việc lớn là chuyện lâu dài, còn trước mắt cần phải tìm ra một người mà cả hai phía đều động thuận, để con thuyền không bị đắm. Vì những lý do ấy, việc tìm người chỉ huy quân đội lúc này. Quý Ly làm rất công tâm. Vốn có tài nhìn người và dùng người, Quý Ly luôn để mắt đến những vị quan trẻ. Không những chỉ ở hàng quan văn, những quan võ trẻ cũng không lọt khỏi mắt ông. Ông ngẫm nghĩ hồi lâu rồi tâu với Nghệ Hoàng:
- Còn người thứ hai chẳng được mấy ai chú ý, nhưng thần đã gặp và hỏi chuyện mấy lần. Con người này chín chắn, chững chạc, khoảng 40 tuổi. Đó là đô tướng Trần Khát Chân.
- Trần Khát Chân ư?
Vị đô tướng trẻ này tinh thông binh pháp. dòng dõi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Ông ta chỉ huy quân Thánh Dực. Đã có lần dưới quyền của thần đánh nhau với Chiêm Thành. Thần ưng nhất người này ở điểm vô cùng bình tĩnh.
Nghệ Hoàng chợt tươi tỉnh hẳn lên:
- Người này có thể được. Ta biết Khát Chân từ nhỏ. Cái khác ta không biết. chứ riêng lòng trung nghĩa của Khát Chân rất đáng tin cậy. Khi Chế Bồng Nga vào Thanh Hoá, Khát Chân đã dâng tờ biểu, xin tình nguyện đem quân ra trận.
Quý Ly thăm dò:
- Thần đã nghe chuyện ấy. Từ lâu, thần đã muốn tiến cử. Chỉ e một nỗi, ông ấy mới là đô tướng. chức còn quá thấp 2 khó có thể thống lĩnh một đạo quân lớn.
Thượng hoàng cười, bảo:
- Không sao! Lúc biến phải tuỳ cơ. Chẳng nên câu nệ.
o O o
Ngay hôm ấy, Nghệ Hoàng gọi Khát Chân vào cung. Ông vua già từ cao bước xuống, đỡ viên tướng đang quỳ thi lễ. Ông nói:
- Đất nước lâm nguy. Chế Bồng Nga lăm le tràn vào Thăng Long. Giặc đã ở Hoàng Giang, cửa ngõ kinh sư. Ngoài ra, còn lũ giặc cỏ Phạm Sư Ôn ở Quốc Oai, sát nách Thăng Long. Nay trẫm tin cậy ở khanh, trao binh quyền cho khanh cầm quân diệt giặc. Chớ có phụ lòng tin cậy của trẫm.
Trần Khát Chân xúc động:
- Thần chỉ là viên tướng nhỏ, đã được bệ hạ tin cậy, giao trọng trách. Tổ tiên nhà thần, cả dòng họ nhà thần mấy đời đều ăn lộc nước, hưởng ân huệ sâu dầy của nhà Trần. Thần nguyện hết lòng báo đáp, dù phải thân phơi chiến trường.
Hôm sau, Khát Chân thống lĩnh binh mã lên đường, bí mật xuất quân trong đêm. Một đoàn thuyền dài đậu trên sông Cái. Cả ngựa và voi cũng chở bằng thuyền để đi cho nhanh, đảm bảo bí mật. Quân sĩ ngậm tăm im phăng phắc. Chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng ngựa hí làm rung động cả những ngọn đèn lắc lư trên thuyền.
Thượng hoàng ra tận bãi dâu sông Hồng tiễn đưa đoàn quân của Khát Chân. Ông trao cho viên tướng thanh ngự kiếm:
- Ta trao toàn quyền cho khanh. Khanh có thể tiền trảm hậu tấu. Toàn quân thấy thanh kiếm này như nhìn thấy trẫm.
Trần Khát Chân quỳ lạy từ biệt thượng hoàng. Thượng hoàng rơi lệ nhìn theo đoàn quân quyết tử cứu nước lên đường.
Quan thái sư Quý Ly dặn dò:
- Chế Bồng Nga là người thâm hiểm. Hắn thuộc ngòi lạch của ta. Lại có Nguyên Diệu đầu hàng dẫn đường. Ông phải cẩn trọng, tránh rơi vào cạm bẫy của chúng. Chế Bồng Nga kỳ này ra Bắc không đúng quy luật của chúng. Không có gió nồm. Lại đang có đợt gió bấc mang rét lạnh về. Bất lợi cho giặc mà có lợi cho ta. Gió thế này, lại xuôi dòng, chỉ mờ sáng, quân ta đã đến điểm chọn. Nhớ dấu quân cho kỹ. Chỉ dùng mưu mới thắng được Chế Bồng Nga...
Khát Chân cung kính:
- Tiểu tướng ghi tạc những lời thái sư căn dặn.