Bất hạnh là liều thuốc thử phẩm chất của con người.

Seneca

 
 
 
 
 
Biên tập: Nguyễn Hà
Upload bìa: Võ Lâm Như Tâm
Số chương: 42 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 6301 / 65
Cập nhật: 2016-07-27 21:36:40 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Những Cuộc Kiếm Tìm - Hồ Anh Thái
rong lúc ngồi đợi đến lượt, chúng tôi bàn nhau sẽ thuê một chiếc thuyền đôi và một chiếc thuyền ba người. Phiền một nỗi là có thể đã hết thuyền ba. Cô người yêu của Hùng lật mấy cái chứng minh thư để thuê thuyền trong tay, rồi bất chợt kêu to:
- Tại sao đến giờ chúng mình vẫn không chịu tìm cho anh Kim một cô bạn gái nhỉ?
Chẳng khác gì một giọt dầu rơi vào tổ kiến lửa. Cả bốn cặp mắt cùng lúc đổ dồn vào tôi, và một cuộc bàn cãi tóa ra. Rồi bỗng nhiên anh chàng Thước sáng mắt, phát vào đùi thật mạnh:
- Phải rồi, có một đám rất hợp với Kim. Cũng là trí thức, lại rất "con nhà". Thế nào, Hạnh sẽ giới thiệu Kim với cô bạn Li chứ? - Vừa hỏi, Thước vừa sỗ sàng ghé sát vào bên má Hạnh như định hôn. Cô liền ý tứ né sang bên cạnh.
Hùng và cô người yêu ồn ào tán thưởng. Thế là Hạnh phải vui vẻ gật đầu Đã gặp Thước đi với Hạnh đến lần thứ ba, lúc này tôi vẫn lấy làm lạ. Thước có cặp môi bóng mỡ trên bộ mặt tròn căng, trông rất xôi thịt. Mới có hơn một năm quen nhau, tôi đã không nhớ nổi Thước thay người yêu năm hay sáu lần. Với cô nào, Thước cũng không ngần ngại ôm eo, vuốt tóc và hôn phớt ngay trước mặt bạn bè. Không hiểu sao một cô gái đoan trang và chín chắn như Hạnh lại yêu Thước? Chưa lần nào tôi thấy Hạnh để cho Thước cư xử một cách trơ trẽn với cô.
Lúc này cũng vậy, sau khi nhích tránh Thước, và hồ hởi tán thành cái nghị quyết bất thường giúp đỡ những người độc thân, Hạnh nhẹ nhàng xách túi đứng dậy:
- Em phải về trước. Hôm nay em đi làm từ sáng sớm, nên bây giờ rất sốt ruột, không biết nhà cửa thế nào...
Mặc cho Thước hấp tấp đi theo thuyết phục, Hạnh dứt khoát lấy xe đạp ra về. Cô có vẻ tất bật như một người có con mọn.
Sáng chủ nhật, tôi cùng Hạnh đến chơi nhà "đối tượng". Thực ra tôi không thuộc loại người chẳng thiết gì chuyện yêu đương như một vài đứa bạn tô vẽ. Dạo học phổ thông và những năm học đại học ở nước ngoài, cũng có vài cô bạn gái để ý đến tôi, và tôi cũng thấy xao xuyến. Nhưng rốt cục chúng tôi không đi quá ranh giới của sự cảm tình. Tôi lại chìm đắm vào những con số, những công thức toán học. Nhà thơ bị Nàng Thơ bỏ bùa mê thuốc lú thế nào, thì tôi cũng bị "Nàng Toán Học" quyến rũ đến mê mẩn như thế. Tôi có cảm tưởng mình không thể yêu ai hơn, mặc dù theo sự hình dung của tôi "Nàng Toán Học" là người luống tuổi, khô khan và khó chiều. Tham gia một vài cuộc vui, chuyện trò với cô này cô kia, và đùa trêu một chút... chẳng qua là nhằm thay đổi không khí, và chính là để cảm nhận sâu sắc hơn giá trị của những giờ phút sống với "Nàng Toán Học" đầy sức cám dỗ nọ. Tuy nhiên càng ngày tôi càng nhận thấy sự thiếu hụt của mình. Ban đầu chỉ có lác đác vài đứa bạn cũ xây dựng gia đình. Dần dần tôi mới thấy xung quanh mình chẳng ai mà không có đôi. Khi biết Hùng sắp cưới, tôi càng thấm thía rằng lấy vợ lấy chồng là cái bệnh đua đòi khó chữa nhất của con người. Bạn bè gửi thiếp mời đến, thân mật mời "hai bạn". Tôi bật cười. Gặp nhau ở ngoài đường, chúng nó ngạc nhiên: - Cậu đi một mình thôi à? - Chả lẽ lại đi bằng hai mình? Tôi đánh trống lảng bằng cách hỏi lại. Rồi những cuộc chơi như buổi đua thuyền chiều hôm qua, tôi cảm thấy mình thành một nhân vật rất vô duyên bên cạnh hai cặp người yêu ấy. Chính vì tôi thừa ra mới gây khó khăn vì phải thuê thuyền đôi, thuyền ba...
Vẫn thường nghĩ rằng ai cũng nên tự làm lấy mọi việc, tôi không hề tin vào sự thành công của việc mai mối, giới thiệu. Tuy thế tôi đã chấp nhận ý kiến của mấy người bạn, tạm thời bớt nặng lòng với "Nàng Toán Học" một thời gian, để tìm kiếm và khám phá thứ tình cảm bấy lâu mình sao nhãng.
Hạnh dẫn tôi vào biệt thự hai tầng, có một cái sân lát gạch rợp bóng cây. Đang đi dưới giàn hoa giấy mầu tím dẫn tới mấy bậc thang lên thềm, tôi thấy một cô gái xinh xắn đứng bên cửa sổ. Nhìn thấy chúng tôi, cô vội đưa cặp mắt mơ màng lên ngọn cây muỗm trước nhà, làm như không thấy có khách. Tôi và Hạnh đã đứng trước cửa, cô gái vẫn xoay lưng về phía chúng tôi, như đang tìm kiếm cái gì trên vòm lá muỗm.
- Li! - Hạnh cất tiếng gọi - Tiểu thư Ê Li ra đón khách nào.
Cô gái giật mình một cái rất kịch trước khi quay lại, rồi mở tròn cặp mắt to, tỏ ý mừng rỡ thái quá:
- úi giời thế á? Li đang mải nhìn đôi vành khuyên trên cây muỗm. Hai con chim xinh lắm, trông yêu ơi là yêu. Hạnh nhìn này, cái đơ-retx mặc trong nhà này có vừa không? Ba Li mới mua khi về qua Thái Lan đấy.
Li cố tình không nhìn thấy tôi, chắc để tôi phải lên tiếng chào trước. Thảo nào Hùng và Thước đã bảo tôi rằng "đối tượng" là sinh viên tiếng Anh, là con gái yêu chiều của ông tổng giám đốc một công ty, nên kiêu hãnh lắm. Cô ta đang cưa sừng làm nghé! Tôi chỉ nghĩ vậy khi nhìn gương mặt chừng hăm mốt hăm hai tuổi của Li, tương phản với kiểu nói năng, quay trước quay sau khoe cái váy dài như một cô bé mười lăm tuổi. Hạnh khen cái váy đẹp, và giới thiệu tôi đang đứng cạnh tấm mành ni-lông sặc sỡ. Li lại giật mình thêm một cái nữa, và phải sau khi tôi cất lời chào, Li mới xuýt xoa:
- úi giời, Li vô ý quá, mời anh Kim vào trong nhà. ấy, anh đi đôi hài vải vào kẻo buốt chân. Hôm nay trận gió mùa đông bắc đầu tiên tràn về đấy.
Tôi bước trên nền nhà không phải bằng gạch, mà là một lớp nhựa kẻ ô đỏ và trắng, trông như gạch hoa. Tưởng đâu không phải ở Hà Nội, tôi đang sống trong không khí một phòng khách nước ngoài.
- Anh Kim và Hạnh uống một chút rượu săm-pa-nơ cho ấm người. Thời đại này mà tốt nghiệp Lô-mô-nô-xốp, lại công tác ở viện khoa học như anh Kim thì đắc dụng quá rồi. à, dạo ở Mốt-xcâu anh có thấy con gái Nga mặc áo da không? Ba đi công tác ở Pari, mua cho Li một cái áo da mầu huyết dụ. Chưa kịp mặc, mẹ đã bảo: - Bán ngay cái áo đi, rồi mua loại áo khác. Tuần trước mẹ thấy một thằng trấn lột bị bắt cũng mặc áo da đấy.
Hạnh đưa mắt nhìn tôi, mỉm cười, không rõ châm biếm hay làm dịu, nhắc nhở tôi đừng lộ vẻ phản ứng. Tuy nhiên tôi cảm thấy đặc biệt bị hấp dẫn. Lúc này tôi không có cái hào hứng của một người muốn tiếp cận và tìm hiểu một "đối tượng", mà chỉ muốn nghiên cứu và tìm cách thể hiện bằng cặp mắt của một họa sĩ vẽ biếm họa.
- ở bên ấy, anh Kim hay xem phim, chắc cũng biết Nga có nhiều diễn viên kiệt xuất? Tsu-si-na, hay Prô-klô-va phải nói là mê hồn! Những diễn viên Pháp, ý cũng ghê. Tuần trước Li xem phim Sự phán quyết, thích cái vai Giăng Ga-banh và Xô-phi-a Lo-ren tưởng phát điên được.
Bây giờ tôi thực sự khẳng định cái điều lúc nãy mới lờ mờ cảm thấy. Li luôn luôn tạo ra một đôi mắt mơ màng, vô tội của Prô-klô-va trong phim Duy nhất. Còn lúc ngước lên nhìn tôi, chờ câu chào của khách, là với cặp mắt sắc sảo và hơi hoang dã của Tsu-si-na trong phim Ô-lê-xi-a. Rất may tôi là người thích phim ảnh và đã xem mấy phim ấy. Nhưng đáng tiếc là Li đã không trở thành diễn viên, nhất là diễn viên cải lương.
- Anh Kim chắc không thích ca nhạc lắm nhỉ? Li lại được hưởng cái gien âm nhạc của ba. Ba Li kể rằng dạo trước ba mê mẩn bản Thư gửi nàng Ê-li của Bê-thô-ven, đến mức đã đặt tên cho con gái là Nguyễn Thị Ê Li đấy.
Trên đường tới nhà Li, Hạnh đã kể cho tôi nghe nguồn gốc cái tên ngoại quốc của cô bạn thời phổ thông. Cho nên nghe Li kể lại một cách trơn tru, tôi có cảm tưởng cô đã phải nói với những người mới quen chuyện này không biết bao nhiêu lần.
Đột ngột, như người tỉnh mộng, Li quẳng cả Bê-thô-ven, Xô-phi-a Lo-ren, lẫn Tsu-si-na vào một xó, cuống cuồng đứng dậy:
- Anh Kim và Hạnh ra ngoài sân, Li cho xem cái này. Yêu lắm cơ.
Hai người khách vừa bị biến thành thính giả từ lúc bước chân vào nhà, lúc này lại tất tưởi theo chân chủ nhà ra khoảng sân sau. Dưới gốc một cây xà cừ là một cái chuồng sắt nhốt một con gà tới ba cân. Tôi nhìn con gà, băn khoăn liệu có phải cái "yêu lắm" đây hay không, thì Li gọi:
- Chỗ này cơ, anh Kim. Chíp chíp kiu kiu, các em xinh xắn ơi. Hạnh nhìn này, đây là Na-ta-sa, đây là Ma-tin-đơ, đây là ăng-toa-net.
Tôi bấm bụng vừa kịp, nếu không một luồng hơi đã phụt qua miệng thành tiếng cười. Tên của ba cô gái xinh đẹp đã được đặt cho ba con vịt mới nở, trông như ba túm tơ vàng óng. Quả là trông dễ thương thật! Nhưng đặt cho chúng những cái tên như thế chắc chỉ có Li làm. Cô tỏ vẻ yêu mấy con vịt con, tay làm ra bộ vuốt ve, nhưng còn xa mới dám chạm vào lông chúng. Hễ con nào xoay người, cái đuôi cong xuýt chạm vào bàn tay trắng trẻo của Li là cô hoảng hốt rụt tay lại, không giấu được vẻ ghê sợ vì mất vệ sinh. Thế mà Li vẫn kiên nhẫn trình diễn màn yêu gia cầm trong khoảng mười lăm phút. Cô cho biết ba "cô em" này do một ông chú mới đem cho.
Đang chuyện trò tíu tít, thình lình Li thốt lên khi xem đồng hồ tay:
- úi giời, đã gần mười giờ. Buổi sáng trước khi đi, ba dặn Li nói với mẹ làm thịt con gà. Vậy mà mẹ vẫn chưa về. Thế này thì muộn mất.
Hạnh sốt sắng:
- Để mình và anh Kim làm cho. Li nấu nước sôi đi.
- Phải đấy! - Li sung sướng reo lên - Li không dám nhìn gà bị cắt tiết đâu, thương ơi là thương.
Li bắc ấm nước, rồi ngồi im re trong bếp. Bắt con gà ra khỏi chuồng, Hạnh bảo tôi giữ chân và cánh nó, rồi thành thạo vặt lông cổ và cắt tiết. Khi đã dúi đầu con gà vào trong cánh, bỏ vào chậu, chờ nước sôi, tôi hỏi vọng vào bếp, giọng châm biếm:
- Con gà này chắc tên là Giên E-rơ đấy nhỉ?
- úi giời thế á? à, có tên đấy, nhưng Li quên mất rồi - Li nói vóng ra, giọng vô tư. Lẽ nào một cô gái rất yêu "các em gà vịt" như Li lại nói một cách thản nhiên như thế về một con gà từng có tên, nay bị cắt tiết?
Mổ xong con gà và làm sạch sẽ đâu đấy, chúng tôi đặt vào trong chạn bát để mẹ Li về nấu nướng. Hạnh và tôi bước vào phòng khách đã thấy Li ngồi đợi sẵn. Tôi bỗng trở nên linh hoạt, nên quyết định không để cho Li dẫn chúng tôi vào những câu chuyện lan man, mà lái cô ta theo hướng mình muốn:
- Li có thích thịt gà không?
- Li không ăn được thịt lợn, nên thích thịt gà lắm. Tất nhiên là thịt gà xé phay, bóp với hoa chuối hoặc giá đỗ, cho thêm nhiều tiêu, nhiều dấm và rau thơm vào...
Ngay từ lúc mới gặp, tôi đã không cần tranh thủ cảm tình của Li như người ta thường cư xử với các đối tượng. Tôi đã hơi sốt ruột vì phải làm người nghe quá lâu cho một diễn giả độc tài, và đành chịu nhìn ngắm, lắng nghe để phân tích và đánh giá một con người. Li muốn làm một diễn viên, và trên thực tế đã có phong cách của một nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng với một nghệ sĩ, một tính cách khác lạ thôi chưa đủ, cần phải ném tính cách ấy vào một tình huống thử thách.
- Li sắp được ăn thịt gà xé phay của con Giên ấy đấy - Tôi nói giọng độc ác.
- úi giời thương quá! - Li buồn rầu nói.
- Chắc Li chưa nhìn thấy người ta làm thịt gà bao giờ? - Không để cho Li kịp gật đầu, hoặc nhăn mặt ngăn lại, tôi nói tiếp một cách hào hứng - Vậy thì Li nên biết. Đầu tiên phải dứt một túm lông cổ, rồi kề dao vào khoảng da cổ đỏ au với những lỗ chân lông bị tấy lên của nó, đưa một nhát thật ngọt...
- úi giời thế á? Khủng khiếp thật! - Li đưa tay bưng mặt.
Một lát cô bỏ tay xuống, tưởng rằng tôi sẽ buông tha khi nhìn thấy vẻ yếu đuối ấy. Nhưng cô tiểu thư khuê các đừng vội mừng!
- Tới đó chưa thể gọi là biết làm gà. Người ta phải nhúng nó vào nước sôi, vặt lông, tuốt móng và mỏ rồi mới mổ bụng. Cũng có thể mổ bằng cách từ từ moi lòng ruột, tim gan và mề ra...
- úi giời, sát sinh! Ghê rợn quá! - Li giẫy lên trên ghế như bị tra tấn.
Tất nhiên tôi sẽ không bao giờ xử sự nghiệt ngã như thế với một cô gái yếu đuối. Nhưng tôi dám đánh cuộc rằng cô tiểu thư ngoại quốc này đã hơn một lần nhìn thấy người ta cắt tiết gà, và chỉ chốc nữa, cô ta sẽ thỏa mãn nhấm nháp những miếng thịt gà xé phay. Chẳng qua Li chỉ tỏ vẻ yếu ướt, và tưởng rằng khi làm bộ như thế mình sẽ trở nên tốt đẹp và hấp dẫn hơn trước mặt mọi người. Lúc Hạnh kéo tay tôi, như nhắc nhở không nên đi quá đà, tôi liền chủ động đứng dậy, chấm dứt cuộc gặp gỡ.
- Em không ngờ anh Kim lại quyết liệt như thế! Em hơi sợ đấy - Đi đã xa nhà Li, Hạnh mới nói, vừa như đồng tình vừa như trách. Tôi nhìn nét mặt thành thực của Hạnh, và cảm thấy ân hận như đã làm tổn thương đến cô:
- Tôi xin lỗi. Nhưng Hạnh thông cảm, cuộc gặp gỡ đầu tiên với Li cũng là lần cuối cùng. Tôi không thích.
- Em cũng đoán thế. Chỉ vì anh Hùng và anh Thước nhiệt tình quá, nên ban đầu em nghĩ: Biết đâu hai người có thể hợp tính nhau?
Tiễn Hạnh về tới cửa, tôi mới nghĩ ra rằng chưa đến thăm nhà cô bao giờ. Vậy là tôi quyết định sẽ vào cho biết sinh hoạt gia đình "bà mối". Một cậu con trai chừng mười bảy tuổi đón Hạnh ở cửa với một câu thông báo:
- Sáng nay không có dầu. Người ta bảo may ra buổi chiều mới có dầu bán.
Hạnh gật đầu:
- Thôi được, để chiều chị đi mua. Toàn đã học bài chưa?
- Em xách can về là chui ngay vào bếp, thì giờ đâu?
- Để đấy chị nấu cơm, em học đi, cả chiều và tối chắc mới hết bài.
Hạnh nhanh nhảu cắt đặt như một người mẹ, rồi vội chạy xuống bếp, vì có tiếng nước trào xèo xèo.
- à, chị Hạnh ơi, anh Thắng mới về lúc nãy, bảo là bận ôn thi nên chủ nhật này không ở nhà được. Nghe nói mẹ ốm, anh ấy mang về mấy lạng đường tiêu chuẩn, để chị mang vào Thanh Xuân cho mẹ.
Một lát sau, tôi hướng dẫn xong cho Toàn cách giải một bài hình học khá hóc búa. Cậu ta vỗ vỗ đầu vẻ thích chí:
- Có vậy chứ! Em vớ được anh khác nào đang khát cháy cổ lại được cốc nước đá.
Và Toàn vui chuyện kể về gia đình mình. Người cha hy sinh ở miền nam năm 1971. Khi đó Toàn bé nhất, chưa đầy ba tuổi. Chị Hạnh là con đầu lòng cũng mới lên tám. Người mẹ ở vậy nuôi con được thêm chín năm, rồi mới đi bước nữa, chuyển đến nhà chồng ở Thanh Xuân. Ba chị em sống bằng tiền lương công nhân Xí nghiệp bánh kẹo của Hạnh và tiền tuất ít ỏi của bố. Cuộc sống khá chật vật, nên lúc Thắng đỗ vào Đại học Bách khoa, cậu ta xin ở nội trú để giảm bớt gánh nặng cho chị. Tạm thời phải như vậy, chờ đến khi tốt nghiệp, có việc làm, lại quay về sống với chị và em. Hạnh mỗi ngày thêm vất vả, vì gần đây mẹ và em bé hay ốm đau. Ông bố dượng là người đuểnh đoảng, nên cô phải lui tới săn sóc mẹ. Nghe Toàn kể, tôi cảm thấy mình thật vô duyên vì đã lấy mất của Hạnh một buổi sáng. Cô có cả một núi việc phải làm. Trên đường về, tôi băn khoăn mãi, không hiểu sao một cô gái như Hạnh lại gần gũi một gã trai nhí nhắng như Thước?
Được biết cú mai mối đầu tiên không thành, Thước, Hùng, và cô người yêu cuống lên như thể chính họ đã lỡ làng. Những người tự cho mình là hạnh phúc thường không hiểu người khác tưởng mọi người đều thua thiệt so với mình. Ba người bạn tôi cũng thế, nên tỏ ra thương hại tôi. Họ nhíu mày nhăn trán một lúc, và người tìm ra lần này là Hùng:
- Đám này thì khỏi chê, "thành phần cơ bản" đấy nhé. Cậu biết cư xử sẽ được chiều hơn một ông Phật sống.
Đó là Lánh, bạn của cô người yêu Hùng. Nhưng khi được giao nhiệm vụ đưa tôi đến nhà Lánh, cô bạn Hùng giẫy lên như bị lửa phụt vào người:
- Em còn phải đi tìm mua một đôi xăng-đan gót nhọn. Với lại em và Lánh đang giận nhau!
Mặc dù Hạnh không thích làm tiếp công việc ông tơ bà nguyệt này, và tôi cũng không muốn làm phiền cô nữa, nhưng cuối cùng Hạnh phải nhận "trọng trách" vì lý do cả nhóm đưa ra: Hạnh ở gần nhà Lánh.
Tôi không phải loại người chẳng biết nói năng gì với một cô bạn gái mới quen. Cho nên Lánh và tôi chuyện trò được một lát, Hạnh đứng dậy, xin phép ra về. Lánh có gương mặt khá xinh. Thân hình rất phù hợp với sự hình dung thông thường về một cô mậu dịch viên bán thịt: chắc khỏe và hơi bệ vệ. Lánh kể có lần cô đi làm lúc ba giờ sáng, qua trước công viên thì bị hai gã thanh niên chặn trước mũi xe, lè nhè cất giọng tục tằn. Ngay lập tức, Lánh vươn người rút phắt con dao bầu từ chiếc làn mây treo trên ghi đông, hoa một vòng như múa kiếm. Hai gã kia ôm đầu chạy dạt, và Lánh vun vút phóng xe qua.
Xen giữa lời kể của Lánh là tiếng cười vạm vỡ và phóng khoáng. Tôi thực sự bị cuốn hút, không phải vì hình thức của cô, mà bởi sự mới lạ của một kiểu người tôi ít gặp. Đang cười vui, thì ông bố Lánh sầm sầm chạy vào:
- Này chàng trai, ra phụ bác một tay.
Tôi và Lánh theo ông ra khoảnh đất sau nhà. Bên cạnh mấy tấm gỗ mới xẻ, một anh chàng trạc tuổi tôi đang hí hoáy chêm chêm gõ gõ cái bào gỗ. Lánh nói với tôi đó là Bảo, người yêu của chị gái cô. Anh chàng Bảo vẫn không ngẩng lên, kiên trì làm việc với cung cách của một kẻ phục dịch cần mẫn, đang muốn tranh thủ cảm tình của ông chủ.
- Bác phải chuyển nốt đám gỗ để làm lại cái nhà. Hai chàng trai bào giúp mấy tấm gỗ này nhá. Nhà chỉ có hai cô gái rượu, động đến việc cưa đục là chịu.
Cứ gì các cô gái rượu, một đấng nam nhi như tôi cũng chưa hề sờ tới cái bào! Còn may, vì tôi đã đứng xem ông phó mộc cạnh nhà bào gỗ mấy lần. Đợi ông bố Lánh lật đật đi khỏi, tôi cầm cái bào lên, cũng ra vẻ săm soi nhìn ngó. Các chi tiết của công cụ lao động đơn giản này dường như vẫn ở đúng chỗ. Thấy ông anh rể tương lai của Lánh ném sang mình một cái nhìn khinh khỉnh như nhìn một đối thủ sức vóc chẳng được mấy nả, tôi điên tiết mắm môi mắm lợi đưa mấy đường bào. Lạ quá, có nhát xớt trên mặt gỗ, không đứt một cái xơ. Nhát khác như cắm phập vào tấm gỗ. Lánh bật cười giật lấy cái bào, rồi đẩy tôi sang bên cạnh:
- Nhìn em làm đây này- Cô đưa mấy đường bào ngọt xớt - trí thức các anh phải cho tập trung vào trại cải tạo lao động dăm bảy năm mới khá lên được.
Tôi rụng rời vì hiểu đằng sau câu nói chen lẫn tiếng cười ấy là ý nghĩ thật của Lánh. Anh chàng Bảo cười phụ họa, hàm răng trắng lóe trên gương mặt tối. Anh ta đã xơi gọn hai tấm, sắp bào tấm thứ ba. Cứ cười đi, bây giờ ra cho một bài toán lớp bảy, bắt làm, thì cắn bút khóc đến đêm! Tôi tức tối nhìn anh ta một lần nữa, và bỗng nhiên thấy những gã xun xoe lấy lòng thân phụ các cô gái đáng ghét quá chừng. Vì vậy, khi Lánh buông cái bào, tôi cũng đứng dậy luôn, nói giọng rẻ rúng:
- Đây không phải là công việc của anh.
Tôi không hề coi thường lao động chân tay. Sau khi bố mẹ qua đời vì một trận bom cuối năm bảy hai, để nuôi em, chị gái tôi đã từng phải cầm chổi quét rác, về sau mới chuyển vào một xí nghiệp may mặc. Những năm học phổ thông tôi cũng đi bán bánh mì ở phố này chợ khác. Chẳng qua ghét Bảo nên nói vậy.
Hai ngày sau, lúc tôi đang nghĩ về Hạnh, nhận ra sự tần tảo của cô rất giống với chị gái tôi, thì Lánh chủ động đến rủ tôi đi xem triển lãm Vân Hồ. Với cô, tôi chưa cảm thấy mến, chỉ thích cái hoạt bát rất đàn ông ở một người con gái. Sau khi xem hết các gian triển lãm, chúng tôi đến quầy bán hàng tiêu dùng. Lánh nhìn ngắm một lúc lâu, rồi bất chợt reo to:
- Cái dây chìa khóa xinh quá! Anh Kim bảo họ cho xem thử đi.
Đó là cái vòng chìa khóa, có móc một chiếc gương nhỏ xíu hình mỏ neo. Vì đông người mua, tôi phải chen vào đề nghị cô bán hàng cho xem một chiếc, rồi đưa cho Lánh đứng ở sau lưng. Vừa cầm lấy cái vòng, Lánh lại đòi:
- Cái khung mầu đỏ trông quê quá, anh mượn thêm cái mầu khác đi.
Lánh loay hoay xem đi xem lại khá lâu, vẫn không quyết nổi sẽ mua cái mầu gì. Khách đến mua ngày càng đông, toàn những xoong nồi, phích nước, quần áo, đáng tiền gấp trăm lần cái dây chìa khóa. Thế mà cô bán hàng vẫn phải kiên nhẫn đợi Lánh chọn cho được một cái vòng có chiếc gương mỏ neo. Tôi cảm thấy tai mình nóng như bị hun, chắc nó đang đỏ dần lên, nên bực mình nói với cô bán hàng:
- Chị cho mua mỗi mầu năm chiếc.
Tôi trả tiền, rồi vốc một nắm các mầu đi vùn vụt ra cửa. Lánh hấp tấp chạy theo, trật guốc mấy lần. Tôi bước vào một hiệu giải khát trước nhà triển lãm, gọi hai ly cà phê đen, rồi thả cái vốc gương mỏ neo lên mặt bàn trước mặt Lánh:
- Bây giờ Lánh có thể ngồi chọn đến tối cũng được - Trên đường đi ra, tôi tưởng mình sẽ nổi cơn thịnh nộ, song lúc này lại nói năng rất từ tốn - Lánh cũng là mậu dịch viên mà không thông cảm với người bán hàng khi đông khách. Sẽ ra sao nếu có những người mua dai dẳng như thế đòi Lánh đổi cho miếng thịt?
- Em mắng cho vào mặt ấy chứ! - Lánh đốp ngay, chẳng rõ cô khiêu khích tôi, hay nói thật. Có lẽ đến lúc này mới hiểu thái độ cáu kỉnh của tôi khi rời quầy hàng, Lánh đẩy cả hai cốc cà phê về phía tôi.
- Em không khát.
Làm như không nhận thấy vẻ tự ái của Lánh, tôi điềm nhiên ngồi nhấm nháp hết hai ly cà phê. Sau đó, thấy Lánh không động đến một cái vòng chìa khóa nào, tôi vơ cả nắm bỏ túi quần. Cả hai lặng lẽ ra về. Tôi mang mấy cái vòng mỏ neo đến, tặng Hạnh một cái, và bảo thằng Toàn:
- Anh cho phép Toàn đem tặng những cô bạn nào em thích.
Lánh làm lành một cách đơn giản. Mấy hôm sau, cô đến lấy phiếu thực phẩm của hai chị em tôi rồi mua cho một miếng thịt sấn thật ngon. Trách nào đám bạn tôi bảo chọn vợ phải xét "thành phần cơ bản" xem có làm nghề lương thực, thực phẩm và rau quả... hay không. Tôi chẳng thích sự giúp đỡ mang tính chất thực phẩm như vậy, nhưng không tỏ ý phản ứng. Có lẽ tiếp tục duy trì một quan hệ bình thường, để được quan sát và tìm hiểu tâm lý kiểu người như Lánh cũng là điều hay? Lời lẽ đưa đẩy được một lát, bỗng nhiên Lánh nhìn khắp người tôi, ái ngại:
- Anh Kim phải chăm tập thể thao vào. Anh khí gầy và hơi thấp bé nhẹ cân đấy.
Thôi chết, Lánh bắt đầu nhìn tôi bằng cặp mắt của một cô bán thịt! Cô đã quen với ý nghĩ cái gì hơn về cân lạng dứt khoát phải đáng tiền hơn cái hụt cân. Lánh kết thân với tôi, muốn cho tôi đáng giá hơn trước mặt bạn bè cô. Giá trị của tôi sẽ được nâng lên, tỷ lệ thuận với sự tăng lên của chiều cao và cân nặng. Của đáng tội sáng nào tôi cũng đi bơi, nhưng không vượt quá chiều cao một mét sáu lăm, và cũng không cải biến nổi cái dáng người gầy mỏng. Lánh hẹn tôi: "Buổi tối nay anh đi bộ đến nhà em". Chẳng rõ cô sẽ phát hiện thêm ở tôi những điểm nào chưa hoàn thiện?
Buổi tối, theo yêu cầu của Lánh, tôi đèo cô đến chơi nhà một cô bạn cũ. Khi quay về đến cửa nhà Lánh, cô nhận lấy cái xe từ tay tôi, và nói:
- Từ nay buối tổi anh đi bộ đến nhà em, rồi chúng mình đi chơi. Còn lúc anh trở về nhà thì phải chạy bộ. Anh chạy đi.
- Chạy đi đâu? Và để làm gì? - Tôi ngơ ngác.
Lánh nói giọng đáo để:
- Chạy cho khỏe người lên, chả hơn cứ bé nhỏ đỏ đầu, lả lướt đến nỗi "tình tình gió bay" như thế à?
Tôi kinh hoàng vì đã chơi nhầm với một bà huấn luyện viên chạy việt dã. Phản ứng đầu tiên của tôi là định bướng bỉnh quay ngoắt đi, song kịp nén xuống. Chưa một cô bạn gái nào của tôi có biện pháp lạ lùng như vậy, nên tôi định bụng để yên xem sự thể tới đâu. Vả lại dù sao tôi vẫn là một đấng mày râu, đừng vội tỏ ra thua kém phái yếu (yếu mà như Lánh thì vô khối người được nhờ!) Thế là tôi co cẳng chạy một mạch đến đầu phố, và rẽ sang phải. Bây giờ thì Lánh chịu, không tài nào nhìn thấy tôi chạy hay đi bộ nữa. Tôi sung sướng như vừa thoát được một tai họa, chầm chậm đi bộ trên vỉa hè. Cả tai mũi họng đều được thở một lúc.
Thình lình tiếng Lánh cất lên như lệnh vỡ:
- ái chà, bắt được quả tang nhớ. Chạy tiếp đi, anh Kim.
Lánh phóng xe tới. Còn khiếp đảm hơn một kẻ vi phạm luật, sợ bị bắt và sợ bị phạt vi cảnh, tôi lại lồng tới trước. Đáng ngượng thật, mất cảnh giác đến mức để cho Lánh phát hiện ra cái ranh vặt của mình.
Tối hôm ấy, Lánh giám sát tôi về đến tận nhà.
Phải chạy hơn ba cây số vào một đêm gió rét, đầu tôi đau nhức. Suốt đêm đó, tôi ho khúc khắc như một con cóc cụ. Sốt lâm râm. Sáng dậy, trước khi đi làm, chị tôi cặp nhiệt độ, thấy ba chín độ hai. Trời ơi, ma xui quỷ khiến thế nào, tôi lại gặp một cô gái ghê gớm làm vậy. Chưa phải là người yêu mà đã đe nẹt điều khiển tôi như một bà gia sư. Tôi tự xỉ vả mình, vì hiếu kỳ muốn tìm hiểu cá tính cô ta mà phải chịu hứng cái hậu quả này. Bây giờ thì phải kiên quyết dứt bỏ. Nghĩ tới Hạnh, tôi lại cảm thấy ấm lòng. Nếu không có được người yêu như Hạnh, tôi sẽ dành chọn thời gian cho "Nàng Toán Học" khô khan của mình. Nhất định không tìm kiếm gì nữa.
Tôi phải nghỉ ốm gần một tuần. Trong mấy ngày đó, tôi nằm im re trên gác xép, bảo chị tôi trước khi đi làm cứ khóa cửa như không có người ở nhà. Nếu chị tôi có nhà, Lánh hỏi, nhớ bảo tôi bận đi công tác. Một buổi, chị tôi lúi húi dưới bếp, tôi đang nằm dưới nhà cho thoáng, bất chợt có tiếng gõ cửa. Tôi kinh hoàng vùng dậy, vớ lấy cái chăn, chạy tuốt lên gác xép. Tưởng Lánh đến, hóa ra là Hạnh. Cô xách cái cặp lồng nhỏ.
- Nghe nói anh ốm, em mang tới cho anh bát canh miến.
Tôi cảm động nhìn Hạnh. Cũng vẻ dịu dàng ấy, sự chăm chỉ lo toan ấy. Hạnh giống chị tôi quá chừng. Vì lo vun vén cho em, đã hai mươi tám tuổi, chị tôi vẫn bàn với anh người yêu lui ngày cưới lại. Nhìn Hạnh, tôi bỗng tỉnh thức một điều: Nên tự làm lấy mọi việc nhà, và dứt khoát giục chị tôi đi xây dựng gia đình riêng.
- Lánh hỏi, biết anh ốm, nó bảo tối nay sẽ đến thăm anh đấy.
- Không, không! - Tôi khiếp sợ kêu to, như thể Lánh sắp bước vào đến nơi - Sẽ không bao giờ cả.
Hạnh mỉm cười hiền hậu:
- Em cũng đoán vậy, anh không hợp với họ. Rồi anh có thể tự tìm được, đâu cần phải mối manh giới thiệu.
Trong việc này Hạnh cũng có những ý nghĩ tự tin như tôi. Không thể ngờ rằng cô có thể chịu được khi đi cùng với một người như Thước. Vừa nghĩ thế, tôi đã buột mồm nói ra.
- Chưa bao giờ em chịu được anh Thước - Hạnh lắc đầu, rồi hạ giọng tâm tình - Anh ấy là người không biết ý. Giữa lúc em đang bận việc nhà, hoặc tranh thủ học ôn, anh ấy lại đến, viện mọi lý do để rủ em đi chơi. Em nể và phải xuôi theo cũng là có nguyên cớ. Chả là lần ấy em đi đến chợ Giảng Võ thì bị mấy thằng quần thụng áo bay giật mất cái mũ vải. Em chưa biết kêu ai, và chẳng biết làm gì. Anh Thước đang làm đường ở gần đấy liền lao theo mấy thằng kia. Bị anh ấy giần cho một trận, chúng nó vứt cái mũ lại, bỏ chạy. Nhưng anh ấy cũng bị toạc da vai, máu chảy nhiều. Em đưa anh ấy về nhà băng bó, và từ đó anh ấy hay lui tới. Em biết ơn anh Thước, nhưng không phải là tình yêu. Bởi tính tình không thể dung hòa được. Phải mất ba năm vất vả em mới học hết lớp mười bổ túc, bây giờ được nhà máy đồng ý cho đi học đại học tại chức. Vậy mà thấy em học, anh ấy vặn cong quyển Vật lý và bảo: - Có hứa cho anh nhà lầu xe hơi mà bắt anh đọc hết quyển này, anh cũng xin vái đủ ba vái. Mới tuần trước, anh ấy ôm vai em ngay trước mặt đám bạn bè. Em vùng ra, thì anh ấy nói: - Hạnh cứ hỏi mấy thằng bạn anh xem chúng nó gọi bồ chúng là gì? Thực chất người yêu cũng gọi là vợ là chồng được, thời mới nó thế... Em ghê quá, bỏ về ngay. Sự cả nể cũng có giới hạn. Cần phải dứt khoát, phải không anh?
Tôi bật đứng dậy, cảm thấy khỏe khoắn trở lại. Nếu không làm chủ được mình, tôi đã nhảy chồm lên mà kêu to như Ac-si-met khi ông tìm ra lực đẩy của chất lỏng: " -Ơ-rê-ca! Tìm ra rồi! Tôi đã thấy rồi".
Tôi khỏe ngay. Và bắt đầu từ tối hôm sau, tôi đến chỉ dẫn cho Hạnh và thằng Toàn cách giải những bài Toán, bài Lý khó. Mùa hè tới, cả hai chị em sẽ cùng thi đại học. Rồi một tối thứ bảy, tôi ngập ngừng nói với Hạnh:
- Biết Hạnh vẫn thường vào Thanh Xuân đỡ đần cho mẹ và em đang ốm, nên ngày mai tôi định đi cùng. Chẳng rõ Hạnh có đồng ý không?
- Sao anh lại nghĩ là em không bằng lòng? - Hạnh hỏi lại, giọng nhỏ dần, cô bối rối không dám nhìn tôi.
Sáng hôm sau, tôi đèo Hạnh đi. Đây là tôi tự nguyện, không phải bị giám sát như những lần chạy việt dã ban đêm nọ.
Tháng 7-1985
Truyện Ngắn Chọn Lọc Truyện Ngắn Chọn Lọc - Nhiều Tác Giả Truyện Ngắn Chọn Lọc