People sacrifice the present for the future. But life is available only in the present. That is why we should walk in such a way that every step can bring us to the here and the now.

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Dược Trần
Upload bìa: Ngô Quang Hoàng
Số chương: 29 - chưa đầy đủ
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 7574 / 93
Cập nhật: 2016-08-01 22:05:00 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
heo đúng kế hoạch, dọc đường Mi-rô-nốp ra hiệu xin vượt xe của tổ Lu-ga-nốp và xe anh phóng vượt lên chạy nhanh về Crai-xcơ trước Lu-ga-nốp và Trê-nhi-a-ép. Cuộc hỏi cung đầu tiên sẽ tiến hành ở ngay trong phòng trước đây vẫn tiếp Trê-nhi-a-ép ở Cục điều tra. Mi-rô-nốp không phải chờ lâu. Về được chừng mười lăm phút, Lu-ga-nốp cũng dẫn Trê-nhi-a-ép vào.
Chăm chú nhìn thẳng vào khuôn mặt Trê-nhi-a-ép, Mi-rô-nốp không nhận thấy một nét lo lắng hay hồi hộp hoang mang nào của đối tượng hỏi cung. Trê-nhi-a-ép vẫn bình tĩnh, tự tin, lần này có vẻ chủ động nữa. Mỗi dáng điệu, cử chỉ của ông ta đều biểu hiện thái độ bực mình và đầy phẫn nộ trước hành động "cưỡng bức" của mấy nhân viên công an đối với mình. Và cứ bình thản, tự tin lạnh lùng như thế, Trê-nhi-a-ép bước thẳng tới bàn, kéo chiếc ghế trước mặt Mi-rô-nốp, cau có ngồi xuống mà chả cần ai mời.
Ông ta quay mặt lại nhìn Lu-ga-nốp hỏi:
-- Có lẽ bây giờ thì đồng chí có thể giải thích cho tôi rõ hành động của đồng chí được chứ?
Mi-rô-nốp, -- người mà từ lúc vào đến giờ Trê-nhi-a-ép vẫn làm ra vẻ không thèm để ý đến và coi như không có trong phòng này -- đột nhiên nghiêm mặt lại, nói với Trê-nhi-a-ép bằng một giọng hết sức lạnh lùng mà ở anh ít có.
-- Ông Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích. Tôi xin nhắc lại để ông biết rằng, từ giờ phút này trở đi: người được phép hỏi là chúng tôi. Và chỉ là chúng tôi chứ không phải là ông. Nhiệm vụ của ông là trả lời, và chỉ trả lời thôi.
-- Sao? -- Trê-nhi-a-ép quay phắt lại nhìn Mi-rô-nốp. -- Lại còn thế nữa cơ ư?
Ném vào Mi-rô-nốp một cái nhìn khinh bỉ, Trê-nhi-a-ép lại quay lại với Lu-ga-nốp:
-- Đồng chí Lu-ga-nốp ạ, tôi xin nhắc lại rằng: ở đây, tôi chỉ nói chuyện với đồng chí thôi còn những ý kiến cũng như những câu thẩm vấn của anh nhân viên giúp việc của đồng chí thì... xin lỗi, tôi không thèm nghe đâu.
Lu-ga-nốp chỉ nhún vai vẻ như nói: ồ, tôi không thể nào chiều ý ông được. Mi-rô-nốp thì vẫn bình tĩnh nói, giọng nói không hề thay đổi:
-- Yêu cầu ông nhớ hộ cho điều này: vai trò giữa tôi và đồng chí Lu-ga-nốp đã thay đổi, hiện nay đồng chí ấy sẽ là người giúp việc của tôi. Còn ông, ông sẽ phải trực tiếp trả lời những câu hỏi của tôi và chúng tôi không cần biết là ông có thích hay không thích những câu đó.
-- À, ra thế! -- Trê-nhi-a-ép thốt lên, trố mắt vẻ chế diễu nhìn Mi-rô-nốp. -- Vậy thì, nếu có thể, anh hãy cho tôi biết việc gì đang xảy ra ở đây. Tôi cứ coi như anh là người có quyền ở đây mặc dầu tôi không cần biết anh là ai, làm gì!
-- Tiện thể xin tự giới thiệu luôn, tôi là An-đrây I-va-nô-vích -- nếu như ông cần biết. Còn chuyện gì đang xảy ra ở đây thì tôi nghĩ rằng ông đã quá hiểu. Nhưng dầu sao thì tôi cũng nói để ông rõ -- đây là cuộc hỏi cung. Một cuộc hỏi cung bình thường. Tôi chắc ông đã hiểu khá rõ ràng, thế nào là một cuộc hỏi cung?
-- À ra thế! -- Trê-nhi-a-ép cười. -- Tôi đã nghe rõ. Vậy thì ông hãy cho biết thêm: trên cơ sở và quyền lực nào, các ông bắt giữ tôi và bây giờ lại hỏi cung tôi? Tôi xin nhắc lại rằng, các ông phải chịu trách nhiệm về hành động vi phạm pháp luật!
-- Về cơ sở để mời ông đến đây, -- Mi-rô-nốp nói, -- thì có nhiều và rất đầy đủ. Tôi nghĩ rằng, ông hiểu rất rõ điều này. Còn chúng tôi dựa vào quyền lực nào để hỏi cung ông thì ông cũng đã rõ: đó là luật pháp của Chính quyền xô-viết mà chúng tôi là người đại diện. Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ hiểu nhau hơn. Và, để khỏi mất thì giờ, chúng ta nên đi vào công việc. Tôi yêu cầu ông hãy kể lại tỷ mỉ hơn trường hợp cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na, người vợ cũ của ông, bỏ ra đi như thế nào. Yêu cầu kể một cách chính xác, trung thực. Tôi xin nói trước: bất kỳ sự dối trá nào dù là nhỏ nhất cũng sẽ làm xấu thêm tình hình của ông.
Trê-nhi-a-ép bực dọc ngồi lắng nghe, ngả mình trên ghế, tự tiện châm thuốc hút bất cần hỏi ai và uể oải trả lời:
-- Tôi không hiểu rõ ý ông. Tất cả những gì liên quan đến việc vợ tôi bỏ trốn khỏi Crai-xcơ, tôi nghĩ rằng đó là việc riêng của tôi. Hơn thế nữa, tôi đã hai lần đến đây và đã kể hết với các ông cũng chính ngay trong phòng này. Đã hai lần rồi. Vậy bây giờ các ông còn đòi gì nữa?
-- Này, công dân Trê-nhi-a-ép, -- Mi-rô-nốp nghiêm giọng, -- tôi cảnh cáo ông về kiểu ngồi như vậy. Ông hãy ngồi lại cho tề chỉnh. Hãy trả lời vào thực chất câu hỏi và trước hết là câu: vì lý do gì mà vợ ông -- cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na, bỏ đi khỏi Crai-xcơ. Đi như thế nào? -- Mi-rô-nốp im lặng một lát và hỏi tiếp:
-- Họ cô ấy là gì?
Khi nghe Mi-rô-nốp dằn giọng, Trê-nhi-a-ép vội ngồi lại nhưng khi nghe câu hỏi cuối cùng, ông ta hơi giật mình.
-- Họ cũ của vợ tôi? -- Ông ta hỏi lại. -- Họ cũ của vợ tôi là Vê-lít-cô. Các ông còn lạ gì mà phải hỏi nữa.
-- Vê-lít-cô à? Cô ta còn họ gì khác không?
-- Tôi không hiểu ý ông. Cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na không còn họ nào khác và trong trường hợp nếu có thì tôi cũng không được biết.
-- Đúng chứ? Cô ta không còn họ nào khác hay là có nhưng ông không biết?
Một nét bối rối thoáng qua, nhưng Trê-nhi-a-ép điềm tĩnh lại ngay:
-- Tất nhiên là tôi không bảo đảm điều này. Vì như ông đã biết, tôi không chú ý lắm đến quá khứ của Ôn-ga. Tôi chỉ được biết họ cũ của cô ta là Vê-lít-cô. Còn họ khác thì tôi không biết. Cũng có thể là cô ta giấu tôi điều đó chăng? Tại sao lại giấu, và giấu để làm gì?
-- Thôi cứ cho là như vậy. Chúng ta sẽ ghi như thế. Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, -- Mi-rô-nốp quay lại nói với Lu-ga-nốp. -- Đồng chí bắt đầu ghi biên bản hộ. Còn về ông Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích, -- Mi-rô-nốp quay nói với Trê-nhi-a-ép, -- tôi xin nhắc lại câu hỏi: ông có thể bổ sung gì về trường hợp cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Vê-lít-cô bỏ đi khỏi Crai-xcơ? Yêu cầu nói thật đúng.
Trê-nhi-a-ép hơi ngẩng đầu, giọng chậm rãi, uể oải nói một cách cộc lốc những điều ông ta đã nói hai lần trước. Trong khi nói ông ta cố giữ thái độ nói để mà nói, vì bắt buộc phải nói chứ sẽ không có gì mới mẻ.
Đại loại là: khi ông ta, Trê-nhi-a-ép, phát hiện ra vợ mình đã thay lòng đổi dạ thì họ thấy không thể tiếp tục sống với nhau được. Theo sự thỏa thuận chung, họ quyết định không làm ầm ĩ vấn đề này lên và Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na sẽ ra đi với lý do: đi nghỉ. Thế là cô ra đi, đi mãi. Còn Ôn-ga đi với ai, đến với ai thì Trê-nhi-a-ép không biết và cũng không cần biết. Đấy, câu chuyện chỉ có thế, ngoài ra không có gì thêm nữa.
Trê-nhi-a-ép nói chậm chạp nhưng bình tĩnh, thỉnh thoảng điểm nụ cười biểu lộ vẻ khinh bỉ của mình đối với người vợ hư đốn.
-- Thế tức là, theo như tôi hiểu, thì ông không biết và cũng không muốn biết sau khi rời khỏi Crai-xcơ, vợ ông đi đâu và ở đâu?
-- Đúng, tôi không quan tâm tới điều đó.
-- Tốt, ta ghi vào biên bản như vậy. Có kịp ghi không Va-xi-li? Bây giờ tôi yêu cầu ông giải thích thêm vài chi tiết. Trước hết, ông vui lòng cho biết là do đâu mà ông biết được có một người đàn ông nào đó đã len vào cuộc sống của gia đình ông và vợ ông đã thay lòng đổi dạ, theo như lời ông nói. Yêu cầu nói thật đúng...
-- Ồ cái điều đó, -- Trê-nhi-a-ép vội thốt lên, -- chả lẽ tôi chưa nói với các ông ư? Nhưng dầu sao, nếu vì do sự tò mò, thì tôi cũng có thể giải thích rằng chỉ có một kẻ hoàn toàn ngu ngốc thì mới không nhận thấy điều đó. Ngoài ra tôi còn có tang chứng nữa, những tang chứng trực tiếp.
-- Ông định nói đến bức thư chứ gì? -- Mi-rô-nốp hỏi ngay với một giọng hết sức tự chủ làm cho Trê-nhi-a-ép sửng sốt.
-- Bức thư à? Vâng, đúng là bức thư. Vâng, chính bức thư đó đã mở mắt cho tôi.
-- Bức thư này phải không? -- Mi-rô-nốp rút bức thư của Cu-dơ-nét-xốp gửi Dê-len-cô để trong ngăn kéo ra, đưa cho Trê-nhi-a-ép.
Ông ta gật đầu xác nhận.
-- Nhưng, có một điều chưa rõ là, tại sao lần trước ông không muốn để nó lại đây cho chúng tôi? -- Mi-rô-nốp hỏi. -- Có thể có những lý do gì đó chăng? Ông có thể cho biết rõ hơn không?
-- Tôi không muốn để bức thư này lại cho các ông à? Chả lẽ lại thế ư? -- Trê-nhi-a-ép nhún vai tỏ vẻ không hiểu và cười một cách khoan dung. -- Ông tin chắc vào điều đó chăng? Điều này, quả là tôi cũng không nhớ rõ nữa.
Trê-nhi-a-ép vẫn giữ một giọng diễu cợt hình như cốt để khiêu khích những người đại diện Chính quyền và cố làm họ mất bình tĩnh. Nhưng cả hai người đều vẫn bình tĩnh cứ tiến hành hỏi cung như kế hoạch đã vạch sẵn.
-- Có thật là ông không nhớ rõ chứ? -- Mi-rô-nốp bình tĩnh hỏi, giọng không hề thay đổi. -- Nếu như chúng tôi giúp ông nhớ lại thì sao?
Lần này thì Trê-nhi-a-ép cười vang khinh miệt ra mặt:
-- Tôi đã nói với các ông rằng, tôi không nhớ, tức là không nhớ, có thế thôi. Còn bức thư ấy là cái gì? Tôi muốn để lại cho các ông hay không đó là việc của tôi. Nó chả có nghĩa lý gì cả. Đúng thế!
-- Không, không hẳn như vậy, -- Mi-rô-nốp ngắt lời. -- Việc đó có ý nghĩa không phải là nhỏ. Ông biết rõ hơn ai hết ý nghĩa của nó. Chúng tôi cũng vậy. Chỉ riêng việc ông không muốn để lại bức thư này cũng là một chứng cớ mà ông không thể biện bạch được. Không phải bây giờ chúng tôi mới nói đến điều đó. Ông có thể cho biết là bức thư đó gửi cho ai không?
-- Gửi cho ai là thế nào? -- Trê-nhi-a-ép vặn lại. -- Các ông định chơi cái trò gì ở đây đấy? Bức thư đó còn gửi cho ai khác ngoài Ôn-ga. Tôi đã nói rõ ràng, nó được gửi cho chính vợ tôi.
Nếu nhìn thẳng vào mặt Trê-nhi-a-ép lúc bấy giờ thì ai cũng cho rằng ông ta đã nổi giận thực sự.
-- Đúng, đúng là gửi cho chính Ôn-ga, -- Mi-rô-nốp vẫn thản nhiên. -- Nhưng là Ôn-ga Dê-len-cô, láng giềng của ông chứ không phải Ôn-ga Vê-lít-cô -- vợ ông. Lấy gì làm chứng cớ? Vấn đề chưa rõ là bức thư này đã lọt vào tay ông như thế nào. Bây giờ đã đến lúc có thể và cần phải nói cho ông rõ điều này.
-- Dê-len-cô à? -- Trê-nhi-a-ép lấy tay bóp trán, thốt hỏi. -- Dê-len-cô ư? Thật không thể nào hiểu được. Tại sao lại dính Dê-len-cô vào đây? Bức thư này chính là gửi cho Ôn-ga vợ tôi...
-- Thôi được, -- Mi-rô-nốp ngắt lời, -- ông vẫn cứ bám lấy những gì ông đã nói trước kia, phải không? Được thôi. Chúng tôi sẽ ghi như vậy, nhưng ông nhớ cho rằng, sau này không thể ăn năn được đâu. Lúc đó thì đã muộn rồi. Đồng ý thế chứ?
-- Ông định dọa gì tôi? -- Trê-nhi-a-ép cau có. -- "hối hận" với lại "ăn năn", ông bỏ cái kiểu dọa dẫm ấy đi.
-- Tất cả đều tùy thuộc ở ông. Câu trả lời của ông đã được ghi vào biên bản rồi. Dọa dẫm? Thế nào là dọa dẫm? Tôi chỉ muốn khuyên ông một điều là, hãy nói sự thật. Thôi, chúng ta tiếp tục. Theo như tôi còn nhớ thì chính ông đã tiễn cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na... Vê-lít-cô ra ga. Và chính ông đã tự dẫn cô ấy lên chuyến tàu Crai-xcơ đi Mát-xcơ-va lúc hai mươi mốt giờ năm mươi lăm phút theo giờ địa phương. Có phải thế không?
-- Đúng thế. Tôi đã nói rõ việc này rồi...
-- Tốt. Chúng ta ghi như vậy. Còn một câu hỏi nữa. Ông dừng lại ở ga cho đến lúc tàu chuyển bánh hay là đi ngay khi vợ ông vừa lên toa. Điều này ông phải nói thật đúng.
-- Không. À, tức là... Tôi đứng ngay cạnh toa, dưới cửa sổ phòng vợ tôi ngồi, cho đến lúc tàu chạy. Thậm chí, tàu chạy một lúc rồi tôi vẫn chưa quay ra khỏi ga ngay cơ mà.
-- Vậy ông rời nhà ga lúc mấy giờ? Ông có nhớ không?
-- Không nhớ. Tôi không xem đồng hồ.
-- Thế từ ga ông về thẳng nhà hay là còn ghé vào đâu?
-- Còn đi đâu nữa? Về nhà ngay chứ còn đi đâu lúc bấy giờ nữa? -- Trê-nhi-a-ép nói, vẻ bực tức.
-- Ông về nhà bằng gì? Xe ô-tô chứ?
Các câu hỏi dồn dập liền nhau đòi hỏi người bị hỏi phải trả lời ngay thật chính xác, đã làm thần kinh của Trê-nhi-a-ép bắt đầu dao động. Thái độ ông ta thay đổi rõ rệt.
-- Vâng, về bằng xe. -- Trê-nhi-a-ép đáp sau một giây ngập ngừng. -- Xe của tôi.
-- Xe nào?
-- Còn xe nào nữa? Tôi không hiểu câu hỏi của ông? -- Trê-nhi-a-ép định dùng cách hỏi vặn để tranh thủ thời gian lấy lại tinh thần.
Nhưng Mi-rô-nốp cũng chả kém, anh cố tình không cho ông ta nghỉ.
-- Bỏ cái kiểu ấy đi, ông Trê-nhi-a-ép ạ. Ông mà lại không hiểu câu này à? Tôi nhắc lại vậy: từ ga về, ông đi xe nào?
-- Xe nào à? Xe của tôi...
-- Không, ông Ca-pi-tôn ạ, không xong đâu. Ông đã cho xe ông về ngay khi ông đến ga. Ông đừng vờ vĩnh. Dù sao thì ông cứ phải nói thật. Hay là ông cứ khăng khăng chối quanh điều này?
-- Tôi cần gì phải chối. Tôi về bằng xe tắc-xi do tôi thuê. Có gì là khác nhau?
-- Ông nghĩ xem, -- Mi-rô-nốp nhận xét. -- Sao lại không có gì khác nhau. Khác nhau quá đi nữa là đằng khác. Chả lẽ ông lại vờ không biết điều đó, nhưng chuyện xe cộ lát nữa ta sẽ nói sau, còn bây giờ chúng ta quay lại vấn đề ra đi của cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na. Thế tức là ông khẳng định rằng, ông chờ cho đến lúc tàu chuyển bánh rồi mới về, phải không? Hay nói một cách khác, Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na rời khỏi Crai-xcơ ngay trước mắt ông và chính ông đã chứng kiến rõ ràng là cô ta đã rời khỏi thành phố bằng tàu? Có đúng vậy không?
-- Đúng, hoàn toàn đúng.
-- Và từ bấy đến nay cô ta không trở lại Crai-xcơ nữa.
-- Đúng, không trở về nữa.
-- Ông có bảo đảm chắc chắn như vậy không?
-- Đúng, tôi bảo đảm.
-- Thế... thì được... lắm. -- Mi-rô-nốp kéo dài giọng, -- nhưng... nếu như tôi không tin lời ông và nói với ông rằng, vợ ông -- cô Ôn-ga, hiện đang ở tại Crai-xcơ thì sao? Và ông biết rõ hơn ai hết về điều này, ông nghĩ sao? Ông sẽ nói sao?
-- Không sao cả. Tôi tự cho tôi quyền suy xét là, trong cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay tôi sẽ không cần nghe và trả lời những câu bông đùa vô nghĩa lý.
-- Nhưng tôi thì lại không hề nói đùa, -- Mi-rô-nốp nghiêm nghị ngắt lời, -- cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Vê-lít-cô, vợ ông, đúng là không đi khỏi Crai-xcơ. Hơn thế nữa, đúng ngày hai mươi tám tháng Năm, trong khi ông, như biên bản đã ghi đúng theo lời khai của ông, tiễn vợ ra ga và chờ tàu chạy, thì trái lại vợ ông không hề đi đâu cả. Cô ta không hề được đi trên chuyến tàu Crai-xcơ - Mát-xcơ-va khởi hành lúc hai mươi mốt giờ năm mươi lăm phút cũng như bất cứ chuyến tàu nào khác. Nói thẳng ra là cô ấy không kịp đi khỏi Crai-xcơ, và điều này thì ông biết rõ hơn ai hết. Chả lẽ chưa đến lúc vất cái trò hề này đi và nói thật vấn đề ra chăng?
Mặt Trê-nhi-a-ép vẫn tỉnh khô. Không một nét biến chuyển nào hiện trên khuôn mặt lạnh lùng đó cả. Ông ta ngồi im, và tỏ ra rất tự tin. Ông ta không trả lời ngay câu hỏi của Mi-rô-nốp mà chỉ hơi nhún vai và rút điếu thuốc khác, châm hút.
-- Thế nào ông Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích? -- Mi-rô-nốp gặng hỏi. -- Ông định không trả lời tôi chăng?
-- Không, sao lại không? Tôi luôn sẵn sàng và đã từng trả lời những câu hỏi đúng đắn, nhưng với những câu có tính chất khôi hài hoặc vô nghĩa thì tôi không có ý định trả lời.
-- Thế ông cho như vậy là khôi hài chăng? -- Mi-rô-nốp kêu lên và kéo ngăn bàn, cầm mấy tấm ảnh chụp lại khuôn mặt phục hiện của Cô-nhi-lê-va, rồi xòe ra trước mặt Trê-nhi-a-ép.
Đòn bất ngờ này đã làm thay đổi hoàn toàn thái độ Trê-nhi-a-ép. Vừa mới trông mấy tấm ảnh, ông ta suýt nhổm dậy nhưng lại kìm được ngay, và nặng nề ngồi xuống.
-- Cái... cái gì... thế này? A -- ai...ai...đây? -- Trê-nhi-a-ép rên rỉ, tay giơ lên như muốn bưng lấy mặt, để khỏi phải nhìn vào khuôn mặt đáng sợ trong bức ảnh.
-- Ông không nhận ra chăng? -- Mi-rô-nốp hỏi rất mỉa mai, -- ông không muốn biết? Thế mà đây lại chính là ảnh cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na, vợ ông đấy. Bức ảnh này là... nhưng dầu sao thì chắc cũng không giống lắm phải không? Vì quả là được chụp lại từ sau cái ngày mà ông bảo là ngày "tan vỡ" của gia đình ông. Nó được chụp lại ngay ở đây, ở Crai-xcơ.
-- Xin phép, -- ngập ngừng, Trê-nhi-a-ép hỏi, -- xin phép cho tôi xem kỹ hơn, được không?
-- Sẵn sàng thôi. -- Mi-rô-nốp gật đầu và đưa mấy tấm ảnh cho Trê-nhi-a-ép. -- Đây, ông cứ xem đi.
Dè dặt, thận trọng như sợ bị bỏng tay, Trê-nhi-a-ép cầm lấy ảnh. Hai tay ông ta run run, mặt đanh xám lại.
Hai ba phút trôi qua. Trê-nhi-a-ép vẫn cứ im lặng xem ảnh. Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp cũng ngồi im quan sát những diễn biến trên nét mặt ông ta. Cuối cùng, Trê-nhi-a-ép thở một hơi dài não nuột, trao ảnh cho Mi-rô-nốp và ngả người dựa lưng vào thành ghế.
-- Trời! -- Trê-nhi-a-ép nói, giọng khàn khàn. -- Đúng là cô ấy -- Ôn-ga -- vợ tôi rồi. Nhưng sao lại thay đổi ghê quá: tôi không làm sao hiểu nổi...
-- Ông không hiểu à? Ông nói dối! Ông thừa biết rằng vợ ông -- cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Vê-lít-cô như ông vừa gọi đấy, đã bị giết. Bị giết ở đây, ở Crai-xcơ, ngày hai mươi tám tháng Năm vào lúc gần mười giờ tối tức là đúng lúc theo lời ông khai, ông Trê-nhi-a-ép ạ, ông CÙNG ĐI VỚI CÔ TA, -- Mi-rô-nốp nhấn mạnh mấy chữ trên đây, -- ra ga và đưa cô ấy lên chuyến tàu Mát-xcơ-va. Ảnh chụp từ bức chân dung vẽ lại mặt người chết...
Từ khi nghe mấy tiếng "bị giết" Trê-nhi-a-ép như sững người lại, ông ta có vẻ rất chú ý nghe Mi-rô-nốp nói. Ông ngồi ngay đơ, mặt ngây dại, mắt long lanh như muốn khóc. Mi-rô-nốp chưa kịp nói hết câu thì Trê-nhi-a-ép đã gục đầu xuống bàn, hai tay ôm chặt lấy đầu và khóc nấc lên.
-- Bị giết... ôi, Ôn-ga, Ôn-ga... Tại sao?.. Vì sao? -- Tiếng nói ngắt quãng của ông ta như bị những tiếng nấc đau khổ chặn lại
Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp liếc nhìn nhau. An-đrây đứng dậy, rót đầy một cốc nước lạnh và đưa cho Trê-nhi-a-ép.
-- Uống đi, Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích; hãy chấm dứt cái kiểu kêu gào ấy đi. Chúng ta không phải trẻ con nữa.
Nhưng Trê-nhi-a-ép đã gạt phắt cốc nước sang một bên đến nỗi nước bắn tung tóe ra bàn và cứ tiếp tục khóc nức lên đầy vẻ đau đớn, hai tay ôm chặt lấy mặt.
-- Bỏ cái trò ấy đi, Trê-nhi-a-ép, -- Lu-ga-nốp bỗng xẵng giọng vẻ rất tức giận. -- Chả ăn thua gì đâu. Dầu sao thì ông cũng không lẩn tránh được những câu hỏi đâu. Ông hãy nói rõ ngay vào sự việc buổi tối hôm hai mươi tám tháng Năm?
-- Tôi...ở nhà ga... Tôi đã...tiễn Ôn-ga. Cô...ấy đã đi...
-- Công dân Trê-nhi-a-ép, -- Mi-rô-nốp nghiêm giọng. -- Hãy ngồi dậy. Cái trò trẻ con của ông đã phá sản rồi. Ông đã thề thốt khẳng định ra vẻ như là ông đã ở tại sân ga cho đến lúc tàu chạy và chính mắt ông đã trông thấy rõ ràng cô Ôn-ga đã ngồi trên tàu lúc nó chuyển bánh. Làm sao ông có thể thấy được điều đó, vì thực tế cô Ôn-ga không đi đâu cả và chỉ ngay sau đó một lúc cô ấy đã bị giết chết? Thật là dối trá, dối trá hoàn toàn! Chúng tôi đòi ông phải bỏ thái độ ngoan cố này đi và khai rõ toàn bộ sự thật về vụ ám hại cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na... Vê-lít-cô. Ông không thể trốn tránh tội lỗi được. Ông đã bị vạch mặt.
-- Tôi ư?..Vạch mặt tôi?.. Các ông không mất trí đấy chứ? -- Trê-nhi-a-ép thốt lên, nước mắt ràn rụa. -- Các ông sao lại có thể vu cho tôi tội giết người? Vu cho tôi là...
-- Tôi nói để ông biết rằng, -- Mi-rô-nốp vẫn điềm tĩnh nói, -- ông nên biết điều và tỏ ra minh mẫn một chút. Trước các chứng cớ hiển nhiên, ông nên tỏ ra tự giác, thành khẩn. Hãy nói ra tất cả những gì ông đã làm. Nhưng nếu như ông cứ khăng khăng đi theo con đường cũ, vẫn tiếp tục ngoan cố thì chúng tôi buộc lòng phải tiếp tục vạch rõ tội lỗi cho ông thấy.
Mi-rô-nốp bấm nút chuông điện. Cửa phòng sịch mở, một thiếu úy công an hiện ra trong khung cửa. Lu-ga-nốp gật đầu, người thiếu úy liền quay ra và một thoáng sau lại trở vào tay xách chiếc va-li của Cô-nhi-lê-va mà mấy hôm trước đây Trê-nhi-a-ép đã đem đi gửi ở phòng gửi hành lý nhà ga. Đặt chiếc va-li lên ghế, người công an quay ra ngay.
Lu-ga-nốp từ từ đứng dậy bước lại mở chiếc va-li. Trê-nhi-a-ép nhìn chằm chằm theo Lu-ga-nốp. Ông ta đã ngừng khóc, nét mặt đã thay đổi.
-- Thôi được rồi, -- ông ta thở dài nặng nề nói khi thấy chiếc va-li đã mở nắp. -- Tôi sẽ nói tất cả, nhưng nếu có thể, cho tôi xin cốc nước. Các ông cũng biết đấy, -- ông ta cười, đau khổ man dại, -- điều này không phải đơn giản và dễ dàng gì...
Sau khi đã uống liền mấy ngụm nước, Trê-nhi-a-ép quệt tay lau miệng, lau trán và chậm rãi nói. Giọng ông ta trầm trầm, đục, ngắt quãng.
-- Vâng, các ông đúng: chính tôi đã giết Ôn-ga, chính tôi đã giết bằng đôi tay này đây. -- Vừa nói, Trê-nhi-a-ép vừa giơ hai tay và chằm chặp nhìn vào các ngón tay đang xòe ra, run run. -- Nếu các ông biết được rằng mấy tháng nay tôi đã sống trong tâm trạng bàng hoàng như thế nào từ sau cái ngày kinh khủng đó... Tôi đã sống những ngày đêm u ám, trong nỗi lo sợ thường xuyên ám ảnh. Ngày cũng như đêm, lúc nào tôi cũng như trông thấy rõ ràng Ôn-ga hiện ra trước mắt tôi. Cả hình ảnh khi Ôn-ga đang sống và cả hình ảnh khi đã chết. -- Trê-nhi-a-ép bóp mạnh thái dương và rên rỉ trong họng.
-- Ông uống nước nữa chứ? -- Chẳng cần giấu vẻ châm biếm, Lu-ga-nốp hỏi.
-- Không, xin cảm ơn. Có lẽ các ông cho rằng tôi sợ trách nhiệm và nghĩ rằng nỗi sợ hãi bị trừng phạt sẽ ám ảnh tôi chăng? Không! Tôi không sợ gì hết. Tôi cho tôi có quyền xét xử cô Ôn-ga và tự tôi đã phán quyết và thi hành bản án. Tôi đã làm như vậy đấy. Nhưng sau khi tất cả những gì đã xảy ra thì nỗi sợ hãi lại xâm chiếm, ám ảnh tôi, làm cho tôi không thể chịu được, không thể sống nổi...
-- Vậy thì tại sao, trong trường hợp dằn vặt như vậy mà ông lại không đến đây gặp chúng tôi, không chịu thú nhận tất cả? Tại sao ông lại còn ương bướng và ngoan cố đến phút cuối? Và, tại sao ông vẫn bình thản phân tán hết đồ dùng của vợ ông và định thủ tiêu luôn cả chiếc va-li của cô ấy? Vậy thì làm gì có chuyện "lo sợ" và "dằn vặt" ở đây. Không, rõ ràng là mỗi việc làm, mỗi bước đi của ông đều có tính toán tất cả. Không đâu, ông Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích ạ, lời nói và việc làm của ông không khớp nhau đâu. Không làm sao khớp nhau được.
-- Tôi hiểu, tôi biết là các ông không tin tôi ngay được vì tôi đã tỏ ra rất ngu xuẩn. Nhưng tôi thì cho rằng tất cả những việc này đều là chuyện riêng, là niềm đau khổ riêng của tôi và chỉ có tôi là phải âm thầm chịu đựng, không cần phải chia sẻ cho ai cả. Tôi thề rằng tôi đã nói hết sự thật.
-- Những điều đó không có gì đúng với sự thật cả, -- Mi-rô-nốp khẳng định. -- Chả lẽ ông không biết rằng giết người là một tội ác và sẽ bị pháp luật trừng trị nghiêm khắc. Dù việc giết người đó là theo lý luận của ông đi nữa. Cho đến tận bây giờ ông vẫn không nói rõ nguyên nhân nào đã khiến ông hành động như vậy.
-- Ôi! lạy Chúa, còn phải nói gì nữa. Điều đó đã quá rõ ràng rồi! Ôn-ga đã phụ bạc tôi, đã lừa dối tôi. Cô ta đã khinh thường tôi, đã chà đạp lên lòng tự trọng của tôi, đã bỏ tôi để theo người khác. Các ông khó mà hình dung được thế nào là sự ghen tuông -- sự ghen tuông mãnh liệt và phũ phàng.
-- Thế có nghĩa là, ông giết vợ vì ghen tuông, theo như chúng tôi hiểu lời ông như vậy?
-- Đúng, chính là vì ghen.
-- Còn nguyên nhân của sự ghen tuông đó là bức thư, có phải không? -- Mi-rô-nốp hỏi dồn, nhưng đầy vẻ chế diễu.
-- Bức thư nào ở đây? Nhưng dù sao nó cũng đóng một vai trò nhất định.
-- Không xong rồi, Trê-nhi-a-ép ạ. Chúng tôi và ông đã thống nhất là bức thư đó không phải gửi cho vợ ông cơ mà. Vậy thì nó còn đóng vai trò gì ở đây được?
-- Nhưng tôi... tôi không biết, không... không biết điều đó. Tôi thề với ông như vậy. Tôi tìm thấy bức thư trong cuốn sách Ôn-ga đang đọc và cô ta cũng nhận rằng đó chính là bức thư của cô ta. Người ta gửi cho cô ta. Chả lẽ tôi lại nghi ngờ nữa hay sao. Mà vấn đề không phải chỉ ở trong bức thư. Nếu như các ông biết rằng, gần một năm nay Ôn-ga đã ăn nói, đã đối xử với tôi như thế nào! Không, tôi không đủ sức để chịu đựng, để quên đi những nỗi nặng nề đau khổ, những hành vi cử chỉ, những dày vò của cô ta đối với tôi hàng ngày và thậm chí hàng giờ, hàng phút. Dầu sao tôi đã rất mực yêu, rất quý cô ta... Làm sao các ông có thể hiểu được điều đó? Vậy thì làm thế nào tôi có thể yên tâm được với ý nghĩ dày vò tôi là: cô ta đã lừa dối tôi, đã yêu một kẻ khác. Tôi tự lên án tôi, lên án bản thân tôi. Phải giết, phải thủ tiêu, phải trả thù; từ bấy lâu tôi không còn nghĩ đến điều gì khác nữa. Quả là lúc đầu mới thoáng nghĩ đến điều đó tôi đã thấy rùng mình nhưng rồi thời gian, ngày một ngày hai, giờ khắc nghiền ngẫm lại cái ý nghĩ đó càng ngày càng hình thành rõ rệt, càng ngày càng chín muồi, càng vững chắc trong tôi... và, thế là hậu quả đã dẫn đến...
Trê-nhi-a-ép im bặt. Ông ta gục đầu xuống, thở dài não nuột.
-- Vậy ông đã thực hiện quyết định man rợ ấy như thế nào? -- Lu-ga-nốp hỏi tiếp. -- Ông phải nói cho thật. -- Điều này rất cần thiết cho việc điều tra. Nói thật chính xác.
-- Tôi thực hiện thế nào ư? Ôi, tôi đã phác ra bao kế hoạch hành động. Nhưng tôi vẫn cứ thuyết phục Ôn-ga. Cho mãi đến khi cô ta nói rõ ý định của mình ra là muốn bỏ đi thì tôi đã quyết định rất nhanh. Tôi thỏa thuận với cô ta là, để tránh những lời đồn đại không hay, chúng tôi giả vờ làm như cô ta chỉ đi nghỉ thôi. Đi chữa bệnh. Tôi sẽ lo việc lấy giấy tờ và mua vé. Tôi làm việc đó không khó lắm. Nhưng sau khi đã đưa giấy tờ cho Ôn-ga, tôi đã giữ vé lại và tôi đã lấy vé ngày hai mươi chín chứ không phải là hai mươi tám như dự định. Tôi không nói cho cô ta biết điều này. Những việc tiếp theo thì đơn giản thôi. Chiều tối hai mươi tám chúng tôi ra ga và tất cả những ai quen biết như cô láng giềng Dê-len-cô, bà giúp việc và anh lái xe cùng một số bạn ở cơ quan tôi đều đến tiễn. Mọi người đều tin rằng, Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na đã ra đi thực sự. Nhưng mãi đến lúc lên tàu cô ta mới phát hiện ra sự "nhầm lẫn" vé đi không đúng ngày. Ôn-ga buộc phải trở lại căn phòng vắng vẻ, vì cô láng giềng Dê-len-cô đã đi trực ca đêm: tôi đã dò biết điều này trước. Tôi còn một hy vọng cuối cùng. Tôi khuyên Ôn-ga hãy nghĩ lại, hãy bỏ cái anh chàng nào đó đi, hãy sống yên lành với tôi. Tôi khuyên nhủ. Tôi van lơn và đe dọa. Nhưng tất cả đều vô ích. Cô ta tỏ ý không thèm nghe tôi nói. Thế là tôi...tôi đã nổi khùng lên và đánh luôn cô ta ngã xuống... -- Trê-nhi-a-ép nấc lên và im lặng, hai tay bưng mặt. -- Có nên nói tiếp nữa không? -- Ông ta thều thào hỏi.
-- Có ai biết tội lỗi này của ông không? -- Lu-ga-nốp hỏi.
-- Không, làm sao mà biết được?
-- Ông đánh bằng tay phải hay tay trái? -- Mi-rô-nốp bỗng hỏi.
-- Tôi ấy à? Tất nhiên là tay phải. Tôi không phải là người thuận tay trái.
-- Thế có ai trong số người quen, bạn bè của ông thuận tay trái hay không? -- Mi-rô-nốp hỏi tiếp.
Trê-nhi-a-ép ngạc nhiên chằm chằm nhìn Mi-rô-nốp.
-- Không, hình như không. Tôi không biết. Tôi cũng chưa bao giờ nghĩ đến điều này, nhưng việc này có ý nghĩa gì?
-- Có thể cũng có ý nghĩa gì đó. Nhưng chả sao, không có ai thì thôi. Chúng ta quay lại vấn đề chính. Ông còn có thể nói thêm điều gì nữa không?
-- Tôi đã nói hết rồi. Hãy xử án tôi. Hãy bắn tôi đi. Chết là hết.
Mi-rô-nốp cười vang, thong thả rút thuốc lá ra châm hút. Anh thoải mái nhả khói và chậm rãi nói:
-- Tôi nhìn kỹ, ông Trê-nhi-a-ép ạ, và tự hình dung về ông. Ông là ai vậy? Một người Xô-viết, một sĩ quan, vào đảng đã lâu nhưng lại tỏ ra như thế nào: "tôi tự lên án", "tôi tự thi hành bản án", "việc riêng của tôi", "tôi", "của tôi" và "hãy tin tôi". Ai cho ông quyền xử án một con người? Ông dựa trên cơ sở nào? Đây là tôi chưa nói đến pháp luật xô-viết mà ông đã chà đạp lên mà chỉ nói đến những nguyên tắc xã hội cơ bản mà mọi người đều biết, đến những tiêu chuẩn của con người trong xã hội. Ông cũng đã chà đạp lên tất cả những điều đó. Đầu tiên thì ông đã tự tay giết vợ mình mà không coi mình là tội phạm. Bây giờ thì ông lại tự quyết định một cách dễ dàng cái biện pháp trừng phạt đối với số phận của ông. Thật là kinh khủng đối với một con người như ông. Kinh khủng và... không thể nào hiểu nổi. Những lời tuyên bố của ông không có giá trị bằng một xu. "Tôi đã nói hết!", "tôi đã nhận hết!", "hãy xử án tôi!", "hãy bắn tôi đi!". Thế nào là hết? Tôi nói thật, ông chưa nói hết những điều cần nói từ đầu.
Trê-nhi-a-ép định nói nhưng Mi-rô-nốp đã giơ tay kiên quyết ngăn lại. Anh dằn giọng:
-- Đúng thế. Ông chưa đi vào đầu đề đâu. Cuộc điều tra mới chỉ bắt đầu thôi. Ông đã nói được điều gì? Ông đã nhận điều gì? Chả lẽ chỉ nhận là đã giết Ôn-ga Vê-lít-cô là đủ chăng?
-- Thế những điều tôi nói với các ông như vậy còn ít lắm hay sao? -- Trê-nhi-a-ép cau có hỏi lại, -- còn ít lắm hay sao? Tôi...tôi quả là... các ông.
Trê-nhi-a-ép ngồi phịch xuống ghế, hai tay ôm đầu rên rỉ.
-- Trời ơi! Các ông có biết cho rằng, -- ông ta rên qua đôi môi nghiến chặt, -- tôi đã phải trả giá như thế nào cho sự thú nhận này không? Tôi hoàn toàn thành khẩn thú nhận... Các ông có thể hiểu nổi điều đó không? Có hiểu nổi không?
-- Có, tôi hiểu chứ, -- Mi-rô-nốp cười. -- Sao lại không hiểu được. Cả một tấn hài kịch. Ông đã thú nhận, đã thành khẩn ra sao? Ông đã tự giác, đã thành khẩn nhận điều gì nào? Ông chả nhận gì cả, ông chả tự thú điều gì cả.Ông đã thông báo về hoàn cảnh giết cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na... Vê-lít-cô chăng? Nếu vậy thì không cần "sự thú nhận" của ông, chúng tôi cũng biết được, và ông nói lên điều đó khi mọi người đã biết rõ về nó. Cái giá của "sự thú nhận" này là gì? Ông làm ra vẻ đau xót, nhưng ông chỉ nói lên những điều mà ông đã bị vạch mặt. Ông không nói gì hơn ngoài những điều mà chúng tôi đã biết... Không, ông Trê-nhi-a-ép ạ, câu chuyện của chúng ta còn lâu mới kết thúc. Nó mới chỉ bắt đầu thôi.
-- Thế, thế các ông còn đòi hỏi gì ở tôi nữa? Tôi còn phải thú nhận gì nữa? Chả lẽ những điều tôi nói như vậy còn ít ỏi hay sao? Chả lẽ tôi đã tự nhận là chính tay tôi đã giết vợ -- cô Ôn-ga, người quý mến nhất đời tôi -- còn chưa đủ để các ông tin hay sao? Chả lẽ như vậy còn nhẹ hay sao? -- Giọng nói Trê-nhi-a-ép ra vẻ căm uất và cuối cùng ông ta làm như gào lên.
-- Ông Trê-nhi-a-ép, không cần, thế đủ rồi, -- Mi-rô-nốp nói với vẻ khinh bỉ và kinh tởm. -- Ông chả cần phải đóng kịch làm gì. Dù ông có gào to hơn nữa thì ở đây cũng chả ai tin ông. Ông hiểu rõ hơn ai hết là, cần phải nói gì. Ông hiểu rất rõ! Từ đầu cuộc nói chuyện tới giờ, ông chưa hề nói tới một lời nào về việc vợ ông đã làm gì trong trại tập trung phát-xít, trong các trại trao trả của quân Mỹ. Tại sao cô ta lại đổi họ là Vê-lít-cô? Đổi như vậy để làm gì? Chả lẽ chúng tôi lại có thể tin được rằng, ông không biết gì những điều đó hay sao?
-- Ôn-ga bị bắt làm tù binh và đã ở trong các trại trao trả của quân đội Mỹ ư? Họ cô ta không phải là Vê-lít-cô ư? Không, không phải như vậy, không thể như vậy được. Các ông suy diễn như vậy thôi... Các ông cần gì mà phải nhạo báng tôi như vậy?
-- Này, ông phải biết rằng, sự kiên nhẫn cũng chỉ có hạn thôi. -- Mi-rô-nốp, lần đầu tiên từ lúc hỏi cung đến giờ mới sẵng giọng, nói. -- Tôi kiên quyết đòi ông phải nói hết sự thật. Chúng tôi chờ sự thành khẩn của ông đấy, ông Trê-nhi-a-ép ạ! Hay là ông thích để chúng tôi phải tiếp tục vạch mặt ông?
-- Tôi không còn gì để mà nói nữa, -- Trê-nhi-a-ép khăng khăng chối từ. -- Tôi khẳng định với các ông rằng, tôi đã nói hết những điều tôi biết rồi.
-- Được, -- Mi-rô-nốp trầm ngâm, giọng đã dịu lại. -- Ông Trê-nhi-a-ép ạ, ông cần phải suy nghĩ thêm cho nghiêm chỉnh. Nhưng trước hết, ông phải biết tự xử sự ra sao đã. Đồng chí Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích, -- Mi-rô-nốp quay lại nói với Lu-ga-nốp, -- công dân Trê-nhi-a-ép đòi phải có lệnh bắt thì ông ta mới nghe. Vậy đồng chí đưa lệnh cho ông ấy đọc.
Lu-ga-nốp lặng lẽ đưa tờ lệnh ra.
-- Như vậy để làm gì? -- Trê-nhi-a-ép nói, giọng vẫn bình thản như không. -- Tôi có phản đối gì đâu...
-- Nhưng dầu sao thì ông cũng cứ đọc đi đã, -- Lu-ga-nốp nói. -- Cho nó đúng thủ tục.
Trê-nhi-a-ép miễn cưỡng cầm tờ lệnh trong tay Lu-ga-nốp, lướt mắt đọc nhanh những dòng chữ, nhưng bỗng rùng mình rồi đọc lại từng chữ, từng câu.
-- À ra...a thế.. ế, -- ông ta kéo dài giọng và bặm môi lại. -- Thế.. ế đấy. Té ra không phải là công an mà là cơ quan an ninh nhà nước bắt tôi. Thế mà trước đây tôi không hề nghĩ tới điều này.
Sợi Chỉ Mỏng Manh Sợi Chỉ Mỏng Manh - Yakov Naumov, Aleksandr Yakovlev Sợi Chỉ Mỏng Manh