Good friends, good books and a sleepy conscience: this is the ideal life.

Mark Twain

 
 
 
 
 
Thể loại: Giáo Dục
Biên tập: Vô Tranh
Upload bìa: Vô Tranh
Số chương: 31
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 42
Cập nhật: 2021-09-05 12:05:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Cầu Nguyện Trong Đạo Ki-Tô
au khi phân tích phương cách cầu nguyện trong đạo Bụt qua bài Đệ tử kính lạy, bây giờ chúng ta hãy đọc vài câu trong bài Lạy Cha, một bài cầu nguyện rất phổ thông của các tín hữu Cơ-đốc giáo:
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyền danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến (Our Father in Heaven, Hallowed be your Name, your Kingdom come, your will be done, on earth as it is in heaven - Tiếng Pháp là Notre Père qui es aux Cieux, que ton nom soit sanctifié).
Trong những câu kinh trên, nếu mình nhìn bằng con mắt của người Phật tử biết quán chiếu, thì ở đây mình thấy rằng mình đang thực tập để tiếp xúc với bản môn. Mình đang đi tìm kiếm gì? Tìm một cái rất lớn. Không phải cái nho nhỏ như Lạy Chúa hôm nay cho trời nắng để chúng con đi picnic.
Mình không phải chỉ đi tìm những hạt đậu phụng nho nhỏ mà mình đi kiếm một cái gì thật lớn. Cái đó gọi là Nước Chúa. Mục tiêu đầu tiên của sự cầu nguyện là tìm cầu nước Chúa.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, tức là cái bản thể của mình nó nằm ở bản môn. Trên trời có nghĩa là không nằm ở bình diện thế giới hiện tượng. Chúng ta không thể đem Thiên Chúa, đem Thượng đế ra để so sánh với những vật thụ tạo! Chúng ta không thể đem Thiên Chúa để một bên con sông, hay đặt cạnh một trái núi, rồi nói đây là Thiên Chúa, còn đây là trái núi. Cũng như chúng ta không đem nước ra so sánh với đợt sóng được, vì một bên là bản thể và một bên là hiện tượng.
Chúng ta có thể đem một đợt sóng này để so sánh với một đợt sóng khác, nhưng chúng ta không thể đem nước để so sánh với sóng. Chúng ta có thể đem nước để so sánh với tuyết, với mây. Nhưng chúng ta không thể đem H2O để so sánh với nước, với tuyết hay với mây. Tại vì một bên là tướng, còn một bên là tánh. Một bên là hiện tượng (nước, tuyết, mây), một bên là bản thể (H2O). Bản thể, tuy nó là bản chất của hiện tượng nhưng không thể đặt chúng ngang hàng với hiện tượng. Tại vì nó là bản thể, và bất cứ một danh từ, tĩnh từ hoặc một hình dung từ nào cũng không thể dùng để dặt tên hoặc miêu tả cho bản thể đó được. Mình gọi là Thượng đế, mình gọi là Allah, là Đấng sáng tạo v.v... thì chỉ là những cách gọi mà thôi. Tất cả những danh từ và những ý niệm mình có về Thượng đế, đều vô hiệu trong ý muốn diễn tả Thượng đế. Niết bàn cũng vậy. Niết bàn là một thực tại mà ta có thể tiếp xúc và sống được với, nhưng niết bàn không phải là một tên gọi. Tên "niết bàn" chỉ là một tên gọi tạm thời. Niết bàn có nghĩa là sự tắt ngấm, sự tắt ngấm của tất cả ý niệm, sự tắt ngấm luôn của tất cả các danh từ. Vì vậy cho dù chúng ta gọi là God, hay Dieu, hay Thượng đế, hay Allah thì đó chỉ là những cái tên, và những cái tên đó không đủ sức để dung chứa cái thực tại nhiệm mầu kia mà có khi ta gọi Cái chân như, hoặc Cái bản môn. Có khi chúng ta gọi niết bàn là vững chãi, là thảnh thơi. Nhưng niết bàn còn hơn thế nhiều nhiều nữa.
Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyền danh Cha cả sáng. Chúng ta đâu muốn Thượng đế nổi tiếng trong xã hội loài người, bởi vì Thượng đế đâu có cần nổi tiếng như một cô đào chiếu bóng, hay là một ông tổng thống? Thượng đế đâu có phải là những hạt đậu phụng để chúng ta tranh giành? Thượng đế cũng đâu có muốn tranh đua với chúng ta để nổi tiếng hơn chúng ta đâu? Danh cha cả sáng tức là sự tiếp xúc được với thực tại nhiệm mầu của bản thể. Phải thoát ra khỏi danh thì mới nắm được cái sáng chân thật.
Đạo Đức Kinh nói rằng:
Đạo khả đạo, phi thường đạo.
Danh khả danh, phi thường danh.
có nghĩa là cái đạo mà còn có thể đàm luận được thì chưa phải là đạo chân thường. Cái tên mà có thể gọi được tên thì chưa phải là tên chân thường. Vậy thì "Danh Cha cả sáng" là thứ danh đó, cái danh mà không thể gọi được, bất khả tư, bất khả nghị, bất khả thuyết. Cái đó mới đúng là Thượng đế.
Người Cơ-đốc giáo cũng vậy, trong khi cầu nguyện cũng phải biết rằng có những cái thứ tự, có những cái ưu tiên, và niềm ao ước, lớn nhất, nỗi ưu tư lớn nhất của người hành đạo là đạt tới bản môn, đạt tới sự sống không sinh, không diệt. Đó là Thượng đế, đó là nước Chúa.
Trong khi chúng ta đi thiền hành, ngồi ăn cơm im lặng, là chúng ta muốn niết bàn có mặt, muốn niết bàn đến với chúng ta trong giây phút hiện tại. Sự cầu nguyện của các bạn Ki-tô cũng như vậy. Họ ăn Bánh thánh, họ làm lễ cưới, họ làm đám ma, họ hát thánh ca, tất cả những điều đó đều là những lời cầu nguyện để cho nước Cha trị đến (Que ton règne vienne - Your Kingdom come), tức là để cho nước Chúa có mặt trong giây phút hiện tại. Đem bản môn về có mặt trong tích môn và chúng ta sống được trong cả hai mặt. Vừa sống được trong bản môn, vừa sống được trong tích môn.
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời (Your will be done, on Earth as it is in Heaven). Cái bất sanh bất diệt đó, cái hạnh phúc, cái vững chãi, cái thảnh thơi đó, nó không phải chỉ nằm ở bản môn mà nó còn nằm ở tích môn nữa. Đó là nhờ cái chìa khóa của đạo Bụt, nhờ ba cái chìa khóa trong chùm Tam pháp ấn mà mình mới thấy được rằng cái vững chãi, cái thảnh thơi, cái bất sanh bất diệt kia không phải chỉ tìm được trong niết bàn, mà còn được tìm thấy ngay trong sinh diệt, trên trời cũng như ở dưới đất này. Cũng vì vậy mà một thiền sư Việt-
nam, khi đệ tử hỏi: Con đi tìm sự bất sinh bất diệt ở đâu? thì vị đó trả lời rất rõ ràng: Con đi tìm sự bất sinh bất diệt ngay trong chỗ sinh diệt. Tìm nước ngay trong sóng, rất là rõ ràng! Cho nên chúng ta nói rằng Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời, là điều lớn nhất của sự cầu nguyện trong đạo Ki-tô.
Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, (Donnez nous aujourd'hui notre pain de ce jour). Bản dịch tiếng Pháp rất hay. Câu này là một sự thực tập chánh niệm. Con không đòi phải có lương thực cho ngày mai, ngày mốt và nhiều năm tháng sắp tới. Con chỉ xin có thức ăn trong ngày hôm nay mà thôi. Con muốn sống sâu sắc trong giây phút hiện tại. Give us this day our daily bread (Donne nous aujourd'hui notre pain de ce jour). Câu dịch tiếng Anh không hay bằng câu dịch tiếng Pháp. Notre pain không phải de tous les jours mà de ce jour, rất hay! Chữ aujourd'hui đã hay rồi, nhưng chữ "de ce jour" lại càng hay hơn. Cũng như kinh Bụt nói rằng "Sắc tức thị không" thì chưa đủ, mà phải nói "Không tức thị sắc" nữa thì mới trọn vẹn. Cũng vì lý do đó, cũng trong nghĩa đó mà quý vị thường nghe tôi dùng nhiều lời khác nhau để giải thích cùng một ý trong những bài pháp thoại.
Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có nhiều lo lắng, chúng ta tham lam, muốn tích trữ. Chúng ta không biết rằng giây phút hiện tại là quan trọng. Sự sống chỉ có mặt trong giây phút hiện tại. Nếu chúng ta chỉ lo đầu tư cho ngày mai là chúng ta có thể bỏ quên sự sống mầu nhiệm trong giờ phút hiện tại. Vì vậy cho nên chúng ta phải trở về với giây phút hiện tại để sống cho sâu sắc, cho đàng hoàng. Sống như thế nào để nước Chúa có mặt ngay trong giây phút hiện tại. Đó là một lời cầu nguyện phải được thực tập 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Tại vì muốn sống trong giây phút hiện tại và sống sâu sắc trong mỗi giây mỗi phút, thì lời cầu nguyện đó đâu có phải chỉ để trước khi đi ngủ mới được đọc lên? Phải đọc cả ngày chứ!
Chúng ta có đủ những điều kiện để có hạnh phúc ngày hôm nay, chúng ta phải cầu nguyện như thế nào để chúng ta có thể tiếp xúc được với những điều kiện hạnh phúc đó trong ta và chung quanh ta. Chúng đang có sẵn. Chúng ta đừng tham lam, đừng đòi hỏi sự sống kéo dài đời đời! Sự sống đời đời làm sao có được nếu ngay trong giờ phút hiện tại không có sự sống?
Tha nợ cho chúng con như chúng con cũng tha nợ cho kẻ nợ chúng con vậy (Pardonnez-nous nos offenses, come nous pardonnons aussi à ce qui nous ont offensés - And forgive us our debits as we have also forgiven our debtors). Những món nợ nói đây là những lầm lỗi mà chúng ta đã làm đối với người thương của chúng ta. Chúng ta đã nói một câu, chúng ta đã làm một hành động, chúng ta đã có một tư tưởng. Câu nói, hành động và tư tưởng ấy đã gây khổ đau cho người kia, và đó là những món nợ sâu dày của chúng ta.
Sống như thế nào để mỗi ngày ta có thể tha thứ được cho những người khác, vì họ chưa có đủ chánh niệm, họ chưa có đủ hiểu biết, họ chưa có đủ thương yêu, họ còn có những tri giác sai lầm, và chúng ta phải buông bỏ. Tại vì chúng ta cũng đã lầm lỡ như vậy đối với những người khác. Nếu chúng ta muốn đức Chúa Trời bỏ qua cho chúng ta thì chúng ta cũng phải bỏ qua cho những người khác, những lỗi lầm, những nợ nần mà họ đã gây ra. Trong đời sống, chúng ta có thể đã làm những lỗi lầm đối với cha mẹ, với anh em, với bè bạn, và chúng ta muốn được tha thứ. Vì vậy cho nên chúng ta phải tha thứ những thiếu sót, những vụng dại, những lỗi lầm, trước tiên là của những người trong gia đình huyết thống của chúng ta.
Đó là một sự thực tập, đó là một sự cầu nguyện, cầu nguyện bằng hành động, bằng sự sống. Nên nhớ rằng những lời cầu nguyện này là do chính Chúa Ki-tô dạy cho tín đồ, chứ không phải do những con chiên của Chúa sáng tác ra.
Nhiều khi chúng ta cầu nguyện cũng đã khá rồi, nhưng trong đó chúng ta chưa biết được cái nghệ thuật cầu nguyện sâu sắc nhất. Chúng ta có vấn đề, chúng ta gọi Bụt, gọi Bồ tát, gọi Thượng đế tới cứu độ chúng ta. Điều đó không sao hết, chúng ta có quyền làm. Nhưng những lời cầu nguyện đó chúng ta đã không làm dưới bối cảnh của những lời cầu nguyện lớn, tức là cầu nguyện như thế nào để vượt thoát sinh tử.
Thường thường khi cầu nguyện, gần như mình muốn nhờ Bụt làm chuyện mà mình không làm được, nhờ Thượng đế làm chuyện mà mình không làm được: Thượng đế ơi, người thương của con đang bị nghẹt tim, xin Thượng đế cứu người thương của con ra khỏi tình trạng nguy ngập đó! Chúng ta gởi cho Thượng đế những thông điệp như thế. Hoặc là "Thượng đế ơi! ảnh bị ung thư! Xin Thượng đế chữa lành cho ảnh".
Theo nguyên tắc, Thượng đế biết ngài cần làm gì, nhưng thường thường thì ta chỉ muốn ra toa cho Thượng đế thôi! Làm như là ngài
không biết, cho nên mình phải nói rõ ra đó là ung thư, hay đó là đứng tim. Cái nhất tâm kia thật ra nó sáng suốt hơn mình nhiều lắm!
Buồn cười hơn nữa, nhiều khi mình mặc cả với Bụt, với Thượng đế: Lạy Bụt, nếu Bụt cho con cái đó thì con sẽ cạo đầu, con sẽ ăn chay ba tháng! Đúng là mình trả giá! Hoặc có khi ta "ra giá" rõ ràng hơn: Nếu con của con thi đậu thì con sẽ đi cúng 10 chùa!
Có một lần cách đây mười mấy năm, tôi nghe sư cô Chân Không cầu nguyện một điều tương tự như vậy: Lạy Bụt làm sao cho thầy con sống lâu thêm, tại vì nếu thầy con sống lâu thêm thì rất nhiều người được hưởng cái lợi lạc của chánh pháp.
Dù sao thì trong lời cầu nguyện đó cũng có ý trao đổi: Có nhiều người được chánh pháp và tu tập, tức là có lợi cho Bụt, thành ra tốt hơn hết là Bụt nên cho thầy con sống lâu hơn! Trái tim của sư cô rất lớn khi cầu nguyện như vậy. Hình như sư cô nghĩ rằng điểm yếu của Bụt là muốn cho giáo pháp được trường tồn, muốn nhiều người được cứu độ, cho nên sư cô mới dùng cái cán cân đó. Lạy Bụt, nếu Bụt để cho thầy con sống thêm 10 năm nữa thì không biết bao nhiêu người sẽ được thừa hưởng sự dạy dỗ của thầy con. Có phải đó là một hình thái mặc cả không, tuy rằng nó không thô bằng chuyện "Nếu con của con thi đậu thì con sẽ cúng 10 chùa, hay là con sẽ cạo đầu". Làm như khi mình cạo đầu thì Bụt sẽ có lời lắm!
Nếu quan chiếu sâu hơn chút nữa về lời cầu nguyện của sư cô Chân Không, mình sẽ thấy một điều nữa cũng rất dễ thương nhưng sư cô đã không nói điều ấy ra. Đó là sư cô nghĩ rằng thầy là người nương tựa của mình, mình chưa đủ vững chãi mà nếu thầy mình không còn với mình nữa, thì mình sẽ cảm thấy hơi hụt hẫng! Cho nên sư cô Chân Không cũng có cái tâm trạng như tất cả các sư em của sư cô: Muốn cho thầy sống càng lâu càng tốt. Vì vậy trong lời cầu nguyện đó có một chút vị kỷ, đó là muốn mình đừng bị bơ vơ, muốn mình có nơi nương tựa lâu dài hơn. Có phải như vậy không các sư cô Phúc Nghiêm và Thiều Nghiêm? Có phải các con cũng muốn cho thầy sống thêm, sống càng lâu càng tốt để cho nhiều người được lợi lạc, và để các con còn có chỗ nương tựa không? Mới xuất gia chưa lâu mà sư ông đã tịch thì rầu quá!
Lối cầu nguyện ấy cũng dễ thương, cũng tốt. Nhưng khi cầu nguyện mà mình biết quán chiếu thì mình sẽ biết được chiều sâu của tâm mình. Cầu nguyện như vậy nghe rất cảm động, nhưng mình phải quán chiếu thêm để thấy rõ rằng dù mình là người đạo Bụt hay đạo Ki-tô thì trong khi cầu nguyện mình cũng thường có khuynh hướng muốn mặc cả với Thượng đế, với Bụt, dù mặc cả một cách rất dễ thương.
Your Kingdom come. Chữ Kingdom, nước Cha trị, là dịch từ chữ
Basileia. Kingdom có thể dịch bằng ba cách:
Một là royaume tức là Vương quốc, là nước Chúa. Đó là đứng về phương diện tướng.
Thứ hai, Kingdom cũng có thể dịch là royauté tức là tính chất của Vương quốc, La nature du royaume, tại vì cái Vương quốc đó nó có tính chất của hạnh phúc, của vĩnh cửu, của an lạc. Tiếng Anh là Kingdomness, The nature of the Kingdom, cái thể của tướng. Royauté là cái thể còn Royaume là cái tướng. Cũng như trong tiếng Anh, Kingdom là cái tướng và Kingdomness là cái thể. Thể là niết bàn, tướng là cái thể tướng sinh diệt, tức là có tướng và có tánh.
Cách dịch thứ ba là règne, tức là trị, cái hành động trị, tức là làm thế nào để cho nước đó, đời sống trong đó diễn biến ra. Règne là thuộc về hành động. Như vậy thì Royaume là thuộc về tướng (tích môn); Royauté là thuộc về bản thể (bản môn); và Règne là thuộc về hành động (hạnh môn).
Bản môn, the ultimate dimension - dimention de l'utile (Royauté), là niết bàn, là Ground of Being. Tích môn, the historical dimension - dimention historique (Royal), là nước Chúa, là Beings, là thế giới hiện tượng, là thế giới sinh tử. Trong thế giới sinh tử có sự có mặt của niết bàn. Cuối cùng là Hạnh môn, The dimension of action - Dimension de l'action (Règne), The functioning of the Kingdom, đó là trị, nước Cha trị an, làm thế nào để cõi nước đó có an lạc, có hạnh phúc, người trong nước đó phải biết sống như thế nào để có an lạc, có hạnh phúc. Cái đó là hạnh. Bản môn thuộc về thể, tích môn thuộc về tướng, và hạnh môn thuộc về dụng.
Tông Thiên Thai mà đại biểu là thầy Trí Giả, đã nghiên cứu kinh Pháp Hoa và chia kinh ra làm hai môn là Tích môn và Bản môn, mà không đề cập đến Hạnh môn. Tuy vậy trong kinh Pháp Hoa có những phẩm nói về các vị Bồ tát lớn như Thường Bất Khinh, Dược Vương, Dược Thượng, Diệu Âm, Quán Thế Âm v.v... Những phẩm đó nói về môn thứ ba là Hạnh môn. Làng Mai chúng ta đã khám phá ra rằng cái khía cạnh thứ ba, khía cạnh Hạnh môn rất quan trọng. Đem đạo Bụt đi vào cuộc đời, làm cho thế giới ta bà trở nên tịnh độ, là công tác của các vị Bồ tát. Cho nên Làng Mai đã đề nghị đưa thêm phần Hạnh môn vào kinh Pháp Hoa và xếp đặt lại thứ tự các phẩm của kinh để chia thành ba phần là Tích môn, Bản môn và Hạnh môn [1].
Hiệu Lực Cầu Nguyện Hiệu Lực Cầu Nguyện - Thích Nhất Hạnh Hiệu Lực Cầu Nguyện