Số lần đọc/download: 34747 / 370
Cập nhật: 2015-11-23 16:30:36 +0700
Hồi 85 - Tống Giang Đêm Vượt Ích Tân Quan
Đ
ang nói chuyện Âu Dương thị lang tâu rằng:
- Bọn Tống Giang đều là những kẻ anh hùng hảo hán ở Lương Sơn Bạc. Nay vua nhà Tống bị bốn tên gian thần là Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dương Tiễn lộng quyền. Bọn chúng ghen ghét kẻ tài, rào đường rấp lối người hiền, không phải người thân thích thì không tiến cử, không có tiền tài đút lót thì không tin dùng; lâu dài về sau làm sao mà dung nạp được bọn Tống Giang! cứ như ngu ý của thần thì bệ hạ nên phong quan ban tước cho bọn Tống Giang, trọng thưởng vàng lụa cùng nhiều áo cừu, ngựa quý. Thần xin làm sứ giả đến thuyết phục Tống Giang về hàng nước Đại Liêu ta. Nếu bệ hạ thu phục được đội quân người ngựa ấy thì việc nhòm ngó đất Trung nguyên dễ như lật bàn tay. Thần không dám tự ý định liệu, cứ mong bệ hạ soi xét.
Vua Liêu nghe xong phán:
- Ý hay đấy. Vậy người hãy lĩnh mệnh làm sứ thần, đem một trăm linh tám con ngựa tốt, một trăm linh tám tấm đoạn quý, cùng với đạo sắc dụ của ta đến phong cho Tống Giang tước Trấn quốc đại tướng quân, giữ chức Đại nguyên soái tổng lĩnh quân lính nước Liêu, ban cho vàng một để, bạc một xứng, để tạm làm rin, rồi bảo làm một bản sao kê họ tên các đầu lĩnh đưa về triều để ta xét phong quan tước.
Lúc ấy, quan đô thống quân là Ngột Nhan từ trong hàng chầu bước lên tâu:
- Chiêu hàn bọn giặc cỏ Tống Giang ấy làm gì? xin bệ hạ cứ để cho thủ hạ của hạ thần cả thảy hai mươi tám viên tướng quân, mười một viên đại tướng, có binh hùng tướng mạnh trong tay lo gì không thắng? nếu quân giặc vẫn không chịu lui, hạ thần xin đích thân dẫn quân đi đánh.
Vua Liêu nói:
- Ngươi kể cũng là tay hảo hán như rắn hổ mang mọc cánh rồi đấy, nếu thêm bọn Tống Giang thì ngươi sẽ mọc thên cánh nữa, can gì mà ngăn trở?
Thấy nhà vua không nghe lời Ngột Nhan, chẳng ai dám nói thêm gì nữa. Ngột Nhan giữ chứ đô thống, là chức thượng tướng cao cấp nhất của nước Liêu, mười tám ban võ nghệ đều tinh thông, binh thư chiến sách thuộc làu làu, tuổi vừa băm lăm, băm sáu, uy nghi bệ vệ khác thường, lẫm liệt, tấm thân cao hơn tám thước, môi hồng mặt trắng, mắt biếc râu vàng; ra trận quen dùng một ngọn thương bằng thép, xông xáo giữa chốn hiểm nguy, bất chợt lại rút chiếc hốt sắt giắt bên mình vung lên, phát tiếng gió vù vù, đúng là kẻ có sức vạn người không địch nổi.
Tạm gác chuyện Ngột Nhan thống quân canh ngăn nhà vua để nói tiếp việc Âu Dương thị lang lĩnh sắc chỉ của vua Liêu, đem theo lễ vật cùng nhiều ngựa quý lên đường đi Kế Châu.
Bấy giờ Tống Giang đang cho quân lính nghỉ ngơi ở Kế Châu nghe báo tin nước Liêu sai sứ thần đến. Tống Ginag chưa biết việc tốt xấu ra sao, bèn lấy sách bói lời Cửu Thiên Huyền Nữ ra bói, bốc được quẻ "Thượng thượng cát" bèn bàn với quân sư Ngô Dụng:
- Điềm quẻ "thượng thượng cát" chắc là vua Liêu sai sứ đến chiêu hàng, nếu vậy nên đối phó ra sao?
Ngô Dụng đáp:
- Nếu thật như thế thì ta sẽ tương kế tựu kế, cứ nhận lời chiêu an, rồi giao cho Lư Tuấn Nghĩa đóng giữ Kế Châu, ta sẽ dùng mưu chiếm Bá Châu. Lấy được Bá Châu thì nước Liêu chẳng lo gì không phá được. Nay ta chiếm Đàn Châu, tức là đã chặt cánh tay trái của nước Liêu đó. Thu xếp việc này kể cũng dễ thôi, nhưng trước hết phải làm ra vẻ khó khăn rồi sau mới nhận, như thế bọn chúng mới không nghi.
Lại nói khi Âu Dương thị lang đến dưới thành, Tống Giang truyền lệnh mở cổng cho vào. Âu Dương thị lang vào thành, đến trước cổng phủ nha thì xuống ngựa đi vào dinh. Hai bên chào hỏi xong, chia ngôi chủ khách cùng ngồi, Tống Giang hỏi:
- Quan thị lang đến đây chắc có việc gì?
Âu Dương thị lang nói:
- Có chút việc nhỏ muốn trình bày lên tiên phong, xin cho tả hữu lui ra ngoài.
Tống Giang liền quát tả hữu lui ra rồi mời Âu Dương thị lang vào phòng riêng sau hậu đường nói chuyện. Vào hậu đường, Âu Dương thị lang kính cẩn cúi mình nói với Tống Giang:
- Nước Liêu chúng tôi từ lâu được nghe danh của tướng quân, nay chẳng dám nề hà núi sông xa cách, tới đây chỉ mong đựợc yết kiến uy nhan. Lại nghe nói tướng quân từng đóng trại ở đất Lương Sơn Bạc thay trời hành đạo, anh em trên dưới cùng đồng lòng chung sức. Nay bọn gian thần trong triều đình nhà Tống rào đường rấp lối người hiền, ai có vàng lụa đút hót thì được bổ quan cao chức trọng, không có tiền của hối lộ thì dù có công lớn cũng bị dìm dập không cho thăng thưởng. Chính vì bọn gian thần lộng quyền gièm pha nịnh hót, mưu lợi, ghen ghét hiền tài, thưởng phạt bất công nên thiên hạ mới sinh đại loạn. Khắp vùng Giang Nam, giặc giã hoành thành, khiến cho lương dân phải chịu cảnh lầm than, không được làm ăn yên ổn. Nay tướng quân thống lĩnh mười vạn tinh binh, một tấm lòng son trở về quy thuận, thế mà triều đình chỉ giao cho chức mọn tiên phong, còn như phẩm tước thì không mảy may ban thưởng. Các anh em đầu lĩnh vất vả đền đáp ơn vua, nhưng hết thảy vẫn chỉ là dân chân trắng. Nay triều đình lại giao cho dẫn quân lên miền sa mạc, chịu lao khổ lập công cho nước, thế mà cũng không ban thưởng. Đây hẳn là mưu kế của bọn gian thần. Nếu dọc đường đại quân ra sức vơ vét vàng bạc châu báu của dân, sai chở về nuôi béo bọn bốn tên gian thần Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dương Tiễn, thì hẳn sẽ được phong quan ban tước, bổng lộc cao sang. Còn như không muốn dằn lòng làm thế thì dù tướng quân có tấm lòng son báo đền ơn nước, lập được công to, đến lúc về kinh có khi lại bị triều đình khép tội cũng chưa chừng. Nay Âu Dương tôi vâng mệnh vua nước Đại Liêu đến đây, đem một đạo sắc phong cho tướng quân giữ chức đại nguyên soái tổng lĩnh binh mã của nước Liêu, tước Trấn quốc đại tướng quân, tài vật ban thưởng mang theo có một đề vàng, một xứng bạc, một trăm linh tám tấm đoạn mầu, một trăm linh tám con ngựa quý. Tiếp đó xin sao lục cho một bản kê họ tên một trăm linh tám vị đầu lĩnh để chuyển về kinh, vua nước Đại Liêu chiếu theo danh sách sẽ phong quan ban tước cho tất cả. Không phải tiểu nhân dám tự ý đến chiêu dụ mà do hoàng đế nước Liêu từ lâu biết tiếng tướng quân là người nhân đức nên đặc cách sai tiểu nhân đến đây thỉnh cầu tướng quân cùng các tướng thuộc hạ vui lòng về giúp rập cho nước Đại Liêu!
Tống Giang nghe xong, đáp:
- Quan thị lang nói đúng. Chỉ ngại là Tống Giang tôi xuất thân hèn kém, được làm chức tiểu lại ở huyện Vận Thành, trót phạm tội phải trốn tránh, đành tạm nương náu ở chốn thuỷ bạc đất Lương Sơn. Thiên tử nhà Tống ba lần hạ chiếu xá tội chiêu an, dẫu quan thấp chức nhỏ, nhưng Tống Giang tôi tự xét thấy chưa lập công lao gì để báo đáp ơn đựợc triều đình xá tội. Nay đội ơn quân vương quý quốc ban cho tước hậu lộc nhiều. Tuy thế nhưng Tống Giang tôi chưa dám nhận, xin quan thị lang hãy tạm lui. Hiện giờ đang giữa mùa hè nóng bức, Tống Giang tôi mượn tạm của quý quốc hai thành này để người ngựa đóng trại nghỉ ngơi. Sớm muộn sang thu tiết trời dịu mát, khi ấy sẽ cùng bàn bạc.
Âu Dương thị lang nói:
- Xin tướng quân cứ vui lòng tạm nhận cho số vàng bạc, vóc lụa, ngựa mà quốc vương tôi gửi biếu. Tiểu nhân xin cáo lui, còn công việc bàn sau cũng chưa muộn.
Tống Giang nói:
- Quan thị lang không biết một trăm linh tám anh em chúng tôi tai mắt cũng nhiều, chẳng may chuyện lọt ra ngoài thi Tống Giang tôi tất tự chuốc lấy tai vạ.
Âu Dương thị lang nói:
- Binh quyền trong tay tướng quân, ai dám không tuân theo?
Tống Giang nói:
- Quan thị lang chưa rõ nội tình; anh em chúng tôi nhiều người tính tình cương trực, Tống Giang tôi phải bàn tính, dàn xếp cho mọi người ai nấy đều chung lòng rồi sẽ xin trả lời sau cũng chưa muộn.
Có bài thơ làm chứng như sau:
Kim Bạch trọng đà xuất Kế Châu,
Huân phong hồi thủ bất thăng tu.
Liêu vương nhược vấn quy hàng sự,
Vân tại thanh sơn, nguyệt tại lâu.
Vàng bạc nặng xe khuất Kế Châu
Vời trông trời rộng thẹn mày râu.
Vua Liêu hỏi chuyện chiêu hàng ấy,
Mây ở trên non, nguyệt ở lầu!
Nói đoạn Tống Giang sai dọn rượu khoản đãi, rồi đưa tiễn Âu Dương thị lang ra ngoài thành lên ngựa trở về.
Tống Giag cho mời quân sư Ngô Dụng đến hỏi:
- Ngô tiên sinh thấy câu chuyện của viên thị lang nước Liêu thế nào?
Ngô Dụng chỉ thở dài, cúi đầu trầm ngâm không đáp. Tống Giang hỏi:
- Sau quân sư lại thở dài?
Ngô Dụng đáp:
- Tiểu đệ có một ý đáng suy nghĩ nhưng biết huynh trưởng trước sau vẫn lấy trung nghĩa làm đầu nên chưa dám nói. Tiểu đệ thấy Âu Dương thị lang nói kể cũng có lý. Thiên tử nhà Tống vốn là bậc chí thánh chí minh, nhưng nay quả thật đã bị bọn bốn tên gian thần Sái Kinh, Đồng Quán, Cao Cầu, Dương Tiễn lấn quyền, việc gì thiên tử cũng tin lời bọn chúng. Giả sử ngày sau anh em ta có lập công to cũng không chắc gì đã được thăng thưởng. Ba lần chiêu an mới xong, thế mà đối với anh em ta, huynh trưởng là bậc đứng đầu cũng chỉ giữ chức tiên phong, thực ra là một hư chức mà thôi. Cứ như ngu ý của tiểu đệ, thì bỏ Tống theo Liêu lại thành hay, có điều như thế thì phụ mất tấm lòng trung nghĩa của huynh trưởng.
Tống Giang nghe nói liền nói:
- Quân sư sai rồi! chuyện theo Liêu nhất thiết không được nói tới nữa. Dù cho nhà Tống phụ ta, nhưng lòng trung nghĩa của ta quyết không phụ nhà Tống. Sau này, dù không được thưởng công, anh em ta cũng còn được lưu danh sử sách. Nếu bỏ chính theo tà, trời đất hẳn không dung thứ! anh em ta đều nên dốc lòng trung báo đền ơn nước.
Ngô Dụng hỏi:
- Nếu huynh trưởng vẫn giữ lòng trung thì cứ theo kế ấy thế nào cũng lấy được Bá Châu. Nay đang giữa mùa hè oi bức, hãy tạm cho người ngựa nghỉ ngơi.
Tống Giang, Ngô Dụng bàn mưu tính kế nhưng tạm giữ kín, cùng các tướng đóng ở Kế Châu, chờ cho qua mùa hè oi bức.
Ngày hôm sau, nhân rỗi việc quân, Tống Giang cùng ngồi nói chuyện với Công Tôn Thắng, Tống Giang nói:
- Từ lâu nghe tiếng La chân nhân sư phụ của hiền đệ là bậc cao sĩ đời này. Lúc trước nhân đánh châu Cao Đường, cần phải phá tà thuật của Cao Liêm, ta đã đặc cách sai Đái Tôn và Lý Quỳ đến tìm hiền đệ, hai người trở về nói: "tôn sư La chân nhân phép thuật rất linh nghiệm". Dám phiền hiền đệ ngày mai đưa ta đến cửa pháp đốt hương làm lễ, xin sư phụ cho lời chỉ bảo để tẩy lòng trần tục. Chưa biết hiền đệ có bằng lòng không?
Công Tôn Thắng đáp:
- Bần đạo cũng đang muốn về thăm mẹ già và yết kiến sư phụ, nhưng bấy nay thấy huynh trưởng chưa đóng quân ổn định nên chưa tiện xin về. Hôm nay bần đạo cũng định thưa chuyện, không ngờ huynh trưởng cũng muốn đến yết kiến La Chân nhân, vậy thì sáng sớm mai bần đạo xin mời huynh trưởng cùng đi, sau đó bần đạo sẽ về nhà thăm mẹ.
Ngày hôm sau, Tống Giang giao cho quân sư Ngô Dụng ở lại coi giữ việc quân, rồi cho sửa soạn hương nhang quả vật cùng vàng ngọc vóc lụa. Sáu tướng Hoa Vinh, Đái Tôn, Lã Phương, Quách Thịch, Yến Thuận, Mã Lân cùng đi với Tống Giang và Công Tôn Thắng. Tám người đi tám ngựa, dẫn theo năm nghìn quân bộ đi tuỳ tòng, lên đường đi về núi Nhị Tiên ở huyện Cửu Cung.
Đoàn người ngựa của Tống Giang rời Kế Châu đi sâu vào chốn núi rừng trùng điệp, thông xanh rợp đường, khí trời mát rượi. Thật là một nơi danh sơn thắng cảnh. Công Tôn Thắng ngồi trên lưng ngựa nói:
- Núi ấy gọi là núi Mũi Cá.
Đoàn người ngựa của Tống Giang và Công Tôn Thắng đã đến trước Tử Hư quán. Mọi người đều xuống ngựa, sửa lại khăn áo cho ngay ngắn. Một viên tiểu hiệu bưng khay hương nhang, lễ vật đến trước cửa Hạc Hiên. Các đạo nhân trong quán chào Công Tôn Thắng và Tống Giang. Công Tôn Thắng nói:
- Sư phụ ta đâu?
Các đạo nhân đáp:
- Mấy ngày nay sư phụ lui về tĩnh toạ ở nhà nghỉ sau núi, ít khi đến quán.
Công Tôn Thắng nghe nói, liền cùng Tống Giang men đường núi đi đến nơi ở của La chânh nhân. Hai người vòng ra sau quán, đi theo một lối nhỏ gồ ghề nhiều bậc quanh co. Chưa đầy một dặm đã thấy khu vườn có dãy rào gai, phía ngoài là thông xanh tùng biếc, trong vườn có dãy rào gai, phía ngoài là ba gian nhà tuyết. La chân nhân đang tĩnh toạ tụng kinh. Tiểu đồng thấy có khách mở cửa tiếp đón. Công Tôn Thắng một mình vào thảo am, đến trước Hạc Hiên chào sư phụ rồi thưa:
- Người bạn cũ của đệ tử là Tống Công Minh ở Sơn Đông đã về nhận chiêu an, nay vâng mệnh triều đình giữ chức tiên phong đưa quân đi đánh giặc Liêu, tiện quan Kế Châu, muốn được đến bái yết sư phụ, hiện người ấy đã đến đây.
La chân nhân nghe nói liền sai mời vào.
Tống Giang đi vào thảo am. La chân nhân xuống dưới thềm đón tiếp. Tống Giang hai ba lần thỉnh cầu La chân nhân ngồi để lạy chào, nhưng La chân nhân nói:
- Tướng quân là bậc thượng tướng của quốc gia, còn bần đạo chỉ là kẻ thôn phu nơi sơn dã, có đâu dám thế!
Tống Giang vẫn một mực khiêm nhường muốn được quỳ lạy làm lễ bái kiến, La chân nhân mới chịu ngồi. Tống Giang đốt lò hương làm lễ lạy tám lạy, sau mới gọi bọn Hoa Vinh sáu đầu lĩnh vào lạy. La chân nhân mời mọi người cùng ngồi rồi sai tiểu đồng pha trà, bày hoa quả mời khách. La chân nhân nói:
- Tướng quân trên ứng sao thiên khôi, ngoài hợp chư vị quần tinh chiếu mệnh, cùng nhau thay trời hành đạo, nay về quy thuận triều đình nhà Tống, tấm thanh danh ấy vạn năm không phai mờ!
Tống Giang nói:
- Tống Giang tôi vốn là kẻ tiểu lại ở huyện Vận Thành, trót phạm tội phải trốn tránh nơi rừng núi, nhờ có hào kiệt bốn phương tin yêu tìm đến. Anh em chúng tôi quả là đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, cùng chịu ơn nhau như da với thịt, tình nghĩa như chân tay. May có điềm trời giáng xuống, mới biết anh em chúng tôi đều ứng với các thiên tinh địa dược, cùng chung sống với nhau. Nay Tống Giang tôi vâng chiếu chỉ triều đình thống lĩnh đại binh tiến đánh nước Liêu, đi qua đây được đến bái yết chân nhân, thật là nhờ duyên kiếp trước. Muốn trông chân nhân chỉ giáo cho biết việc tiến trình, thật muôn vàn may mắn.
La chân nhân nói:
- Đội ơn tướng quân có lòng hỏi tới. Bần đạo xuất gia lánh tục đã lâu, lòng trần cơ hồ nguội lạnh, không giúp ích gì được cho tướng quân, xin miễn thứ cho!
Tống Giang quỳ lạy hai lạy để cầu xin chỉ giáo. La chân nhân nói:
- Tướng quân hãy tạm ngồi, hiện đang cho sửa soạn bữa chay mà bây giờ trời cũng đã tối, mời tướng quân tạm nghỉ lại chốn rừng hoang núi rậm một đêm, sáng mai hãy trở về. Chẳng hay ý tướng quân thế nào?
Tống Giang nói:
- Tống Giang đang muốn nghe lời chỉ giáo của sư phụ để tỉnh ngộ những điều tăm tối u mê, đâu dám vội về ngay!
Nói đoạn gọi quân sĩ bưng mâm vàng ngọc gấm vóc vào biếu La chân nhân. La chân nhân nói:
- Bần đạo là kẻ già nua lánh đời, gửi thân nơi quán vũ, nếu nhận vàng ngọc cũng không biết để làm gì. Che thân đã có tấm áo vải, gấm vóc bần đạo xưa nay không quen dùng. Tướng quân thống lĩnh mấy vạn quân binh, việc khen thưởng cần đến nhiều. Chỗ vàng ngọc này, xin tướng quân thu nhận lại cho!
Tống Giang lại quỳ lạy, La chân nhân một mực chối từ, liền đó gọi dọn bữa chay. Ăn xong, mọi người cùng ngồi xuống uống trà. La chân nhân cho Công Tôn Thắng về nhà thăm mẹ, hẹn sáng mai quay lại để theo Tống Giang về thành. Đêm ấy La chân nhân lưu Tống Giang nghỉ lại cùng trò chuyện trong thảm am. Tống Giang đem hết chuyện tâm phúc kể lại với La chân nhân, xin được nghe lời chỉ giáo. La chân nhân nói:
- Tấm lòng trung nghĩa của tướng quân cao cả như trời đất, ắt sẽ được thần linh phù hộ. Tướng quân lúc sống thì được phong hầu, lúc chết có miếu đường thờ phụng, điều ấy chẳng phải nghi ngờ. Có điều là tướng quân một đời phận mỏng, kết cục không được trọn vẹn.
Tống Giang hỏi lại:
- Thưa sư phụ, như thế phải chăng Tống Giang sẽ phải bất đắc kỳ tử?
- Không phải thế! tướng quân mất tại chính tẩm, mai táng có phần mộ hẳn hoi, chỉ có điều là tướng quân phận mỏng, gặp nhiều điều trắc trở, vui ít lo nhiều, đế khi đắc ý mãn nguyện thì nên cáo lui, đừng lưu luyến ở lâu nơi phú quý.
Tống Giang lại nói:
- Thưa sư phụ, phú quý không phải là ý nguyện của Tống Giang tôi, chỉ ước mong sao cho anh em mãi mãi cùng nhau đoàn tụ, dẫu nghèo hèn mà mọi người được bình yên vui vẻ cũng thoả lòng.
La chân nhân cười nói:
- Gặp lúc vận hạn rủi ro, anh em các vị muốn lưu luyến mà được sao?
Tống Giang lạy hai lạy, xin La chân nhân cho lời pháp ngữ. La chân nhân sai tiểu đồng đưa giấy bút ra, viết tám câu thơ đóan mệnh đưa cho Tống Giang, tám câu thơ ấy như sau:
Trung tâm giả thiểu,
Nghĩa khí giả hi.
U, yên công tất,
Minh nguyệt hư huy.
Thủy phùng đông mộ,
Hồng nhạn phân phi.
Ngô đầu Sở vĩ,
Quan lộc đồng quy.
(Người trung thì ít
Kẻ nghĩa chẳng nhiều
U, yên công hết
Trăng sáng vắng teo
Trời đông mờ tối
Nhạn bay theo nhau
Đầu Ngô mình Sở
Quan lộc dừng theo.)
Tống Giang xem xon không hiểu, bèn vái tạ thỉnh cầu:
- Xin sư phụ cho lời vàng, giảng giải giúp cho Tống Giang thoát đuợc điều ngu tối.
La chân nhân nói:
- Đấy là thiên cơ không tiết lộ được. Ngày sau thấy ứng hợp, tướng quân sẽ tự suy ra. Bây giờ đêm đã khuya, mời tướng quân ra quán nghỉ ngơ, sáng mai gặp lại. Bần đạo năm nay đã yếu nhiều, ngủ thường chập chờn không mấy khi yên giấc. Bây giờ bần đạo cũng đã muốn đi nghỉ, mong tướng quân bỏ quá cho.
Tống Giang gấp bài thơ đoán mệnh cất vào người, từ biệt La chân nhân trở ra ngoài đạo quán, các đạo nhân đưa Tống Giang đến nhà phương trượng nghỉ ngơi.
Sáng hôm sau, Tống Giang lại vào yết kiến La chân nhân, khi đến thảo am đã thấy Công Tôn Thắng ở đấy. La chân nhân sai dọn tiệc chay khoản đãi. Mọi người ăn uống đã xong, La chân nhân nói với Tống Giang:
- Trên có tướng quân, bần đạo xin thưa điều này: đồ đệ Công Tôn Thắng đây theo bần đạo vào núi tu hành, lẽ ra phải lánh tuyệt bụi trần, nhưng duyên tiền định ứng với thiên tinh, thì cũng đành kể như chưa đến với bần đạo. Nhưng tục duyên chỉ ngắn ngủi, đường tu luyện mới thật dài lâu. Nếu hôm nay giữ luôn ở đây thì phiền cho đồ đệ ấy không được vẹn tròn tình nghĩa với các anh em. Hôm nay đồ đệ Công Tôn Thắng lại theo tướng quân đi lập công, khi thắng trận về kinh, đồ đệ ấy có lời xin từ biệt thì mong tướng quân vui lòng chấp thụân cho. Được như thế thì một là bần đạo có học trò mà truyền đạo, hai là mẹ già của đồ đệ ấy khỏi tựa cửa chờ trông. Tướng quân là người trung nghĩa, thấy việc trung nghĩa hẳn sẽ làm. Chưa biết tướng quân có vui lòng chấp nhận lời thỉnh cầu của bần đạo hay không?
Tống Giang đáp:
- Sư phụ đã dạy thế, Tống Giang tôi đâu dám trái lời! hiền đệ Công Tôn Thắng đây đã cùng anh em Tống Giang tôi kết nghĩa, việc về hay ở là do ý nguyện riêng, Tống Giang tôi đâu dám ngăn trở!
La chân nhân và Công Tôn Thắng nghe Tống Giang nói thế đều cúi đầu đáp tạ:
- Đa tạ lời hứa vàng ngọc của tướng quân!
Rồi mọi người bái từ La chân nhân. Lúc theo tiễn Tống Giang ra cửa thảo am, La chân nhân nói:
- Tướng quân hãy cẩn thận giữ gìn để sớm được phong quan ban tước!
Tống Giang vái chào từ biệt La chân nhân đi ra nhà chính quán. Ngựa buộc trong vườn đều được ăn no, lúc này đã dắt ra chờ trước cổng. Các đạo nhân tiễn chân anh em Tống Giang ra ngoài quán mới từ biệt quay về. Tống Giang sai dắt ngựa đến chỗ bằng phẳng giữa lưng chừng núi mới cùng bọn Công Tôn Thắng lên ngựa trở về Kế Châu.
Chuyện trên đường đi không có gì đáng nói, mọi người đi gấp về thành, đến trước cổng phủ nha mới xuống ngựa. Hắc toàn phong Lý Quỳ ra đón, nói:
- Huynh trưởng đi thăm La chân nhân, sao không cho tiểu đệ cùng đi?
Đái Tôn nói:
- Vì hiền đệ có lần toan giết La chân nhân, cho nên chân nhân chẳng thích gì hiền đệ!
Lý Quỳ nói:
- Ông ta đã thế thì mỗ đây cũng cóc cấn
Mọi người cười ồ, Tống Giang vào trong phủ, còn những người khác trở về nơi an nghỉ sau hậu đường. Tống Giang lấy bài thơ pháp ngữ của La chân nhân đưa cho Ngô Dụng. Ngô Dụng xem kỹ cũng không hiểu, mấy người xung quanh cũng cầm lấy xem nhưng không biết gì hơn. Công Tôn Thắng nói:
- Thưa huynh trưởng đấy là lời huyền ngữ nói việc thiên cơ, không thể tiết lộ được. Huynh trưởng cứ cất giữ bên mình, trọn đời suy nghiệm, chớ nên băn khoăn dò đoán. Lời pháp ngữ của sư phụ ra sao, say này rồi sẽ hiểu.
Tống Giang đem cất vào chiếc tráp đựng tờ chiếu thư.
Kể từ hôm ấy, quân mã còn đóng tại Kế Châu hơn một tháng nữa, trong quân không xảy ra việc gì. Đến hạ tuần tháng bảy, Triệu khu mật ở Đàn Châu gửi văn thư đến báo tin cho triều đình đã có sắc chỉ thúc giục đưa quân xuất chiến. Nhận được văn thư của khu mật viện, Tống Giang liền bàn với quân sư Ngô Dụng, định trước hết sẽ đưa quân đến huyện Ngọc Điền hợp binh cùng Lư Tuấn Nghĩa để thao luyện quân mã, chỉnh đốn khí giới, cắt đặt quân ngũ đâu đó xong xuôi lại trở về Kế Châu làm lễ tế cờ, chọn ngày xuất quân. Đang lúc hai người bàn việc thì tả hữu vào báo:
- Có sứ thần nước Liêu đến!
Tống Giang ra tiếp, thấy Âu Dương thị lang, Tống Giang mời vào hậu đường nói chuyện. Hai bên chào hỏi xong, Tống Giang hỏi:
- Lần này thị lang đến có việc gì?
Âu Dương thị lang nói:
- Xin cho lui tả hữu!
Tống Giang lập tức quát lui hết quân sĩ. Âu Dương thị lang nói;
- Quốc vương nước Đại Liêu tôi hâm mộ danh đức của tướng quân. Nếu tướng quân đồng ý quy thuận, giúap rập cho nứớc Đại Liêu thì quốc vương tôi sẽ cắt đứt phong hầu cho tướng quân. Việc đại nghĩa, dám mong tướng quân thu xếp ngay để khỏi phụ lòng quốc vương tôi mong chờ.
Tống Giang đáp:
- Ở đây không có ai là người ngoài, xin thưa thực tình để quan thị lang biết cho: lần trước thị lang tới đây, tướng sĩ chúng tôi đã đoán được, có đến nửa anh em không ưng quy thuận. Nếu Tống Giang tôi theo quan thị lang về U Châu triều kiến vua Liêu thì phó tiên phong Lư Tuấn Nghĩa ắt sẽ đem quân đuổi theo. Để xảy ra việc xô xát dướii cửa thành của quý quốc thì mất hết tình nghĩa anh em tôi từ trước đến nay. Nay tôi đem theo một số người tâm phúc tạm lánh đến một thành nào đó, cứ để cho Lư Tuấn Nghĩa biết, hắn sẽ đưa quân đuổi theo. Khi ấy tôi sẽ liệu cách lánh mặt. Nếu hắn vẫn đuổi theo, bấy giờ tôi sẽ ra quân đọ sức cũng không muộn. Nếu quá kín chuyện, Lư Tuấn Nghĩa không biết tôi đem quân đi đâu, tất hắn sẽ cho người về Đông Kinh trình báo, như vậy lại sinh rắc rối. Đợi anh em tôi vào triều kiến quốc vương quý quốc xong, sẽ đưa quân mã nước Đại Liêu giao chiến với Lư Tuấn Nghĩa cũng không muộn!
Âu Dương thị lang nghe Tống Giang trả lời như vậy thì mừng thầm, nói:
- Thành Bá Châu của nước Đại Liêu ở gần đây, muốn vào thành ấy phải qau hai cửa ải: một là cửa Ích Tân quan, hai bên vách núi dựng đứng, giữa có đường xe trạm đi qua; một ải nữa là cửa huyện Văn Yên, hai bên cũng núi cao hiểm trở, qua cửa ải là trị sở của huyện. Hai ải ấy cũng như cửa ngõ vào thành Bá Châu. Quan trấn thủ Bá Châu là quốc cữu nước Liêu tôi, tên là Khang Lý Định An. Đến Bá Châu sẽ xin mời tướng quân vào nghỉ ngơi dinh quốc cữu, đợi nghe ngóng tình hình.
Tống Giang nói:
- Nếu vậy thì Tống Giang tôi sẽ cho quân sĩ hoả tốc về quê đón cha già tới đây để tránh mọi hậu hoạ. Sau đó quan thị lang sẽ cho người đến dẫn Tống Giang tôi cùng đi. Việc như thế thì ngay đêm nay chúng tôi sẽ bắt đầu thu xếp.
Âu Dương thị lang vui mừng khôn xiết, cáo biệt Tống Giang lên ngựa trở về. Có thơ làm chứng như sau:
Quốc sĩ tòng hồ chí khả thương,
Thường sơn mạ tặc tính danh hương.
Tống Giang nhược khẳng hàng Liêu quốc,
Hà tự Lương Sơn tác đại vương.
(Bại tướng theo thù thật đáng thương
Non xanh chửi giặc tiếng vang lừng
Tống Giang ví phỏng hàng Liêu chúa
Thà giữ Lương Sơn chúa một phương!)
Ngay hôm ấy, Tống Giang sai đi mời Lư Tuấn Nghĩa, Ngô Duọng, Chu Vũ đến Kế Châu cùng bàn tính việc dùng mưu chiếm Bá Châu. Tống Giang cắt đặt mọi việc xong xuôi, Lư Tuấn Nghĩa vâng lệnh trở về. Ngô Dụng và Chu Vũ bí mật dặn dò các tướng cứ theo như thế... như thế... mà làm. Các tướng Lâm Xung, Hoa Vinh, Chu Đồng, Lưu Đường, Mục Hoằng, Lý Quỳ, Nhàn Thuỵ, Bao Húc, Hạng Sung, Lý Cổn, Lã Phương, Quách Thịnh, Khổng Minh, Khổng Lượng, tất cả là mười lăm đầu lĩnh đi theo Tống Giang, chỉ đưa theo chưa đầy một vạn quân. Cắt cử người nào việc ấy đã xong, chỉ còn chờ Âu Dương thị lang tới là đi ngay.
Chờ hai ngày thì thấy Âu Dương thị lang phi ngựa đến nói với Tống Giang:
- Quốc vương tôi thật hiểu lòng của tướng quân, nhưng tướng quân đã ưng lòng quy thuận thì còn sợ gì quân Tống? Nước Đại Liêu chúng tôi binh hùng tướng mạnh, sẽ cho người ngựa thiện chiến giúp sức tướng quân. Còn việc đón lệnh đại nhân thì tướng quân không phải bận tâm, tướng quân cứ đến Bá Châu chơi với quốc cữu, chúng tôi sẽ cho người đến đón cũng không muộn.
Tống Giang nghe xong, đáp:
- Các tướng bằng lòng đi với tôi hiện đã thu xếp xong, bao giờ thì lên đường?
Âu Dương thị lang đáp:
- Đi ngay đêm nay, xin tướng quân truyền lệnh!
Tống Giang một mặt căn dặn: ngựa tháo đạc, người ngậm tăm, đợi đêm xuống là lên đường, một mặt khoản đãi sứ Liêu. Xẩm tối, Tống Giang truyền lệnh mở cửa thành phía tây đi gấp. Âu Dương thị lang dẫn mấy chục quân kỵ đi trước dẫn đường. Tống Giang dẫn một đội quân đi sát theo sau. Được chừng hai mươi dặm chợt nghe tiếng Tống Giang đang ngồi trên ngựa hốt hoảng kêu lên: "khổ quá!" rồi nói:
- Đã hẹn quân sư Ngô Dụng cùng sang quy thuận nước Đại Liêu, vì vội quá quên không chờ. Bây giờ cho quân đi chậm lại để sai người về đón ông ta.
Lúc ấy vào khoảng canh ba, phía trước đã là cửa ải Ích Tân quan, Âu Dương thị lang quát to:
- Mở cửa!
Quân tướng giữ ải vội ra mở cửa, người ngựa lần lượt qua ải, đi thẳng đến Bá Châu. Tảng sáng, Âu Dương thị lang mời Tống Giang vào thành, sai người báo tin cho quốc cữu Khang Lý Định An.
Quốc cữu Khang Lý Định An là anh ruột hoàng hậu nước Liêu, uy nghi quyền thế, vũ dũng gan dạ hơn người, dưới quyền có hai viên thị lang là Kim Phúc thị lang và Diệp Thanh thị lang cùng lo việc trấn thủ Bá Châu. Nghe báo tin Tống Giang đến hàng, Khang Lý Định An truyền lệnh tất cả người ngựa hãy tạm đóng trại ở ngoài, chỉ cho Tống tiên phong được vào thành. Âu Dương thị lang cùng đi với Tống Giang đến yết kiến quốc cữu Định An.
Quốc cữu Định An thấy tướng mạo Tống Giang không phải kẻ tầm thường, bèn xuống dưới thềm đón tiếp mời vào hậu đường, chào hỏi xong mời Tống Giang ngồi lên ghế nhất. Tống Giang nói:
- Quốc cữu là bậc lá ngọc cành vàng, còn tiểu tướng chỉ là kẻ chịu chiêu an, dám đâu phiền quốc cữu phải tiếp đón trọng đãi như thế! Tống Giang tôi biết lấy gì báo đáp!
Quốc cữu Định An nói:
- Bấy lâu nghe nói tướng quân hùng cứ một cõi đất Trung Nguyên, danh vang bốn biển, nước Đại Liêu chúng tôi cũng từng biết tiếng. Quốc vương tôi vẫn có lòng ái mộ tướng quân.
Tống Giang nói:
- Nhờ quốc cữu che chở, tiểu tướng Tống Giang tôi xin nguyện dốc lòng báo đáp ơn lớn của quốc vương.
Quốc cữu Định An cả mừng, vội sai người bày tiệc chúc mừng Tống Giang, một mặt cho mổ bò giết ngựa khao thưởng ba quân. Quốc cữu lại mời Tống Giang và bọn các tướng Hoa Vinh nghỉ ngơi ở một toà nhà riêng. Sau đó cho phép tất cả người ngựa vào đóng cả trong thành. Bọn Hoa Vinh cùng đến yết kiến quốc cữu Đinh An và các quan chức bản châu. Sau lúc ở dinh quốc cữu, Tống Giang mời Âu Dương thị lang đến bàn:
- Xin phiền quan thị lang sai người báo cho quân sĩ giữ cửa ải biết để nếu quân sư Ngô Dụng đến thì họ mở cửa cho vào và dẫn đến nghỉ chỗ tôi. Đêm qua đi vội không kịp đợi ông ta. Ngô Dụng giữ chức quân sư, nhiều mưu trí, lại hiểu biết lục thao tam lược.
Âu Dương thị lang nghe xong liền sai người báo cho quân canh cửa ải Ích Tân quan và cửa huyện Văn Yên: "hễ thấy người ăn mặc giống thư sinh, xưng họ tên là Ngô Dụng thì mở cửa cho vào!"
Quân sĩ giữ ải Văn Yên nhậnt được lệnh truyền của Âu Dương thị lang liền sai người đi đến ải Ích Tân quan truyền đạt lại. Quân canh đứng trên cửa quan nhìn ra, thấy đằng xa bụi cát mù trời, một đội quân người ngựa đang phóng gấp về phía cửa quan. Quân giữ ải chuẩn bị gỗ lao đá bắn, sẵn sàng đối địch. Chợt thấy một người cưỡi ngựa đứng trước núi, dáng dấp thư sinh, theo sau là một hoà thượng cùng đám dân chúng chừng dăm chục người đang chạy ùa đến trước cửa ải. Người cưỡi ngựa đi đến cửa thành gọi to:
- Tôi là Ngô Dụng, thủ hạ của Tống Giang, chúng tôi đi theo huynh trưởng, đang bị quân Tống đuổi gấp, mau mở cửa cứu chúng tôi!
Viên tướng giữ ải nói:
- Chắc đúng là người ấy!
Rồi sai mở cửa ải cho Ngô Dụng vào. Hoà thượng và bác đầu đà cũng chen vào nhưng bị quân canh chặn lại.
Vị hoà thượng nói:
- Hai chúng tôi là người tu hành, chẳng may bị quân lính đuổi rất gấp, xin cứu chúng tôi!
Quân canh định xô hai người ra khỏi cổng, vị hoà thượng nổi cáu, bác đầu đà cùng phát khùng quát:
- Chẳng phải tu hành nào cả, chúng tôi là Lỗ Trí Thâm và Võ Tòng giữ mệnh sao Thái Tuế chuyên việc giết người đây!
Hoà thượng Lỗ Trí Thâm liền vung cây thiết thiền trượng vụt tới tấp, hành giả Võ Tòng cũng múa đôi song giới đao cứ nhằm đầu nhè cổ bọn quân canh mà chém như bổ dưa thái rau. Còn đám dân chúng mấy chục người chính là bọn Giải Trân, Giải Bảo, Lý Lập, Lý Vân, Dương Lâm, Thạch Dũng, Thời Thiên, Đoàn Cảnh Trụ, Bạch Thắng, Úc Bảo Tứ, hết thảy đều ùa vào xông chiếm cửa ải. Lư Tuấn Nghĩa dẫn đội quân kỵ cũng vừa kịp tới nơi, kéo thẳng vào đánh huyện Văn Yên. Bọn quan quân giữ cửa huyện có tài thánh cũng không giữ nổi! quân tướng của Lư Tuấn Nghĩa kéo vào chiếm huyện Văn Yên.
Lại nói chuyện Ngô Dụng tế ngựa như bay đến trước cửa thành Bá Châu. Viên quan giữ cổng thành hạ lệnh mở cửa cho vào. Tống Giang và Âu Dương thị lang ra tận cổng đón tiếp đưa Ngô Dụng đến yết kiến quốc cữu Định An. Ngô Dụng nói:
- Ngô Dụng tôi chậm chân nên không được cùng đi với Tống huynh trưởng. Vừa ra khỏi thành không ngờ bị Lư Tuấn Nghĩa phát giác, đưa quân đuổi theo đến tận cửa ải huyện Văn Yên. Tiểu nhân may thóat vào được thành, không biết bây giờ ở đó ra sao?
Vừa lúc ấy quân thám mã lưu tinh về báo: "quân Tống đã chiếm huyện Văn Yên, người ngựa của chúng đang tiến đến Bá Châu".
Tống Giang nói:
- Quốc cữu chưa cần điều quân đi vội. Đợi hắn đến dưới thành, Tống Giang tôi sẽ ra lựa lời chiêu dụ. Nếu hắn không nghe ta sẽ đưa quân ra đánh cũng không muộn.
Quân thám mã lại về báo: "Quân Tống đã đến sát thành". Quốc cữu Định An và Tống Giang cùng lên cổng thành xem xét. Quân Tống hàng ngũ chỉnh tề đã dàn sẵn ngoài thành. Lư Tuấn Nghĩa đội mũ trụ, mặc giáp sắt, cắp ngang ngọn thương phóng ngựa khắp trận điều binh khiển tướng, diễu võ dương oai rồi dừng lại dưới môn kỳ quát to:
- Hãy đem tên Tống Giang phản bội ra đây!
Tống Giang đứng trên bậc tường thấp dưới cổng thành giơ tay chỉ Lư Tuấn Nghĩa mà nói:
- Này hiền đệ Lư Tuấn Nghĩa, chỉ vì triều đình nhà Tống thưởng phạt bất công, bọn gian thần chuyên quyền, nịnh hót nên ta quy thuận quốc vương nước Đại Liêu. Nếu hiền đệ cùng ý nguyện với ta thì sẽ giữ được vẹn toàn tình nghĩa.
Lư Tuấn Nghĩa lớn tiếng mắng:
- Khi trước ta ở Bắc Kinh, đang yên ổn thì ngươi đến lừa dụ ta lên núi. Thiên tử nhà Tống ba lần giáng chiếu chiêu an, có làm gì tổn hại đến ngươi mà ngươi dám phản bội? ngươi thật là kẻ nông nổi bất tài! hãy mau ra đây cùng ta đọ sức!
Tống Giang cả giận, quát mở cửa thành, sai bốn tướng là Lâm Xung, Hoa Vinh, Chu Đồng, Mục Hoằng ra bắt sống Lư Tuấn Nghĩa. Lư Tuấn Nghĩa trông thấy liền tự mình cắp thương phóng ngựa lên đón đánh cả bốn tướng. Bọn Lâm Xung đánh hơn hai mươi hiệp rồi quay ngựa bỏ chạy về thành. Lư Tuấn Nghĩa vẫy thương ra hiệu, đội quân người ngựa phía sau nhất loạt xông lên. Lâm Xung, Hoa Vinh chặn giữ đầu cầu treo, quay lại chặn đánh rồi giả thua dẫn Lư Tuấn Nghĩa đuổi theo vào thành. Ba quân phía sau hò hét dậy đất. Tống Giang và các tướng trong thành chiếm khắp nơi. Quan quân đành chịu bó tay quy hàng, quốc cữu Định An trơ mắt đứng nhìn cùng bọn thị lang giơ tay chịu trói.
Tống Giang đưa quân vào thành, các tướng đều đến phủ nha yết kiến Tống Giang. Tống Giang ra lệnh đưa quốc cữu Định An và bọn thị lang Âu Dương, Kim Phúc, Diệp Thanh vào trong phủ, mời ngồi tiếp đãi tử tế. Tống Giang nói:
- Nước Liêu các người thật không biết điều, đánh giá anh em chúng ta sai lắm! bọn hảo hán chúng ta đâu phải quân cường đạo tụ tập nơi rừng núi. Mỗi người bọn ta đều có mệnh thiên sứ, há lại cam tâm phản chủ theo hàng nước Liêu sao? Chẳng quan bọn ta thừa cơ mượn kế chiếm thành Bá Châu này đó! nay việc đã xong, cho quốc cữu cùng bọn tuỳ tòng các ngươi trở về bản quốc. sau khi các ngươi cùng bộ hạ, gia quyến trở về, thành Bá Châu này thuộc triều đình nhà Tống. Các ngươi chớ có tính chuyện trở lại tranh chấp, nếu không ta quyết không dúng
Tống Giang truyền lệnh xong, tất cả quan quân ở thành Bá Châu buộc phải thu xếp theo quốc cữu Định An trở về U Châu ngay. Tống Giang cho viết bảng vỗ yên dân chúng, một mặt giao cho phó tiên phong Lư Tuấn Nghĩa đưa nửa số quân người ngựa trở về trấn thủ Kế Châu, một nửa quân sĩ dưới quyền Tống Giang thì ở lại đóng giữ Bá Châu. Một mặt sai quân sĩ đưa quân thiếp phi báo để Triêu khu mật biết tin. Triệu An phủ nghe báo cả mừng, liền viết biểu văn tâu về triều.
Lại nói tiếp chuyện quốc cữu Định An cùng bọn ba viên thị lang dẫn bộ hạ về đến Yên Kinh liền vào yết kiến vua Liêu, tâu lại đầu đuôi việc Tống Giang trá hàng chiếm Bá Châu. Vua Liêu nghe xong cả giận mắng Âu Dương thị lang:
- Chỉ tại thằng nịnh thần này đi chuốc vạ vào thân. Bá Châu là thành trì hiểm yếu mà bị mất thì thành Yên Kinh chống giữ làm sao? mau lôi hắn ra chém đầu cho ta!
Lúc ấy thống quân Ngột Nhan bước ra khỏi hàng tâu:
- Xin quốc vương đừng giận, bọn giặc cỏ ấy có gì đáng để quốc vương phải bận tâm! hạ thần xin quốc vương hãy tha tội chết cho Âu Dương thị lang, vì nếu Tống Giang biết chuyện sẽ không khỏi chê cười chúng ta.
Vua Liêu nghe theo, truyền xá tội cho Âu Dương thị lang. Ngột Nhan thống quân lại tâu:
- Hạ thần xin đưa bộ hạ hai mươi tám viên tướng quân, mười một viên đại tướng đưa quân đi dàn trận, chỉ một tiếng trống đủ lấy lại Bá Châu.
Ngột Nhan thống quân chưa dứt lời, Hạ thống quân bước lên tâu:
- Xin bệ hạ bình tâm, hạ thần có chút ý riêng xin tâu lên. Tục ngữ có câu "mổ gà chẳng bỏ đao to", việc này chẳng phải phiền chánh thống quân đem quân đi, hạ thần chỉ xin thi hành một kế nhỏ đủ khiến bọn giặc Tống kia chết không còn đất chôn.
Vua Liêu nghe nói cả mừng, nói:
- Trẫm muốn nghe diệu kế của khanh!
Hạ thống quân bèn lựa giọng tâu trình mưu kế.
Chưa biết rồi sẽ ra sao, cứ như diệu kế ấy thì Lư Tuấn Nghĩa rồi sẽ phải lâm vào một nơi ngựa không dám ăn cỏ, người hết lương ăn. Thật là:
Ba quân kiêu dũng đều mất vía
Một đấng anh hùng phải cau mi.
Chưa biết Hạ thống quân tâu bầy mưu kế gì, xem hồi sau sẽ rõ.