To acquire the habit of reading is to construct for yourself a refuge from almost all the miseries of life.

W. Somerset Maugham

 
 
 
 
 
Tác giả: Alexandre Dumas
Thể loại: Tiểu Thuyết
Nguyên tác: Vingt Ans Après
Dịch giả: Anh Vũ
Biên tập: Lê Nhật Minh
Upload bìa: Lê Nhật Minh
Số chương: 129 - chưa đầy đủ
Phí download: 10 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2361 / 29
Cập nhật: 2016-07-21 22:06:14 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15:Hai Cái Đầu Thiên Thần
ó là một chặng đường dài, nhưng d'Artagnan không hề lo ngại. Anh biết rằng những con ngựa đã hồi sức ở những máng ăn đầy ắp của lâu đài lãnh chúa de Bracieux. Anh vững tâm lao đi bốn năm ngày đàng, với Planchet trung thành đi theo. Như chúng tôi đã nói, để chống những nỗi buồn chán dọc đường, hai người ấy lúc nào cũng đi bên cạnh nhau và chuyện trò suốt. Dần dà d'Artagnan cởi bỏ cái mã ông chủ và Planchet cởi bỏ cái lốt thằng hầu. Là một kẻ tinh ranh sâu sắc, từ khi sống cuộc đời trưởng giả ngẫu nhiên hắn thường luyến tiếc những bữa ăn ngon lành mà rẻ tiền trên đường thiên lý cũng như những cuộc chuyện trò và đám bạn bầu danh giá của các nhà quý tộc và tự cảm thấy mình có một giá trị nào đó, hắn đau lòng thấy mình bị giảm giá khi tiếp xúc thường xuyên với những kẻ có tư tưởng tầm thường. Thế là chẳng mấy chốc hắn tự nâng mình lên hàng bạn tri kỷ của con người mà hắn vẫn gọi là ông chủ. Đã từ bao nhiêu năm d'Artagnan không cởi mở tấm lòng. Vậy khi gặp nhau, hai con người ấy hợp với nhau một cách tuyệt vời. Vả chăng, Planchet không phải là một kẻ bạn đường phiêu lưu hoàn toàn tầm thường; hắn thường có những ý hay, không tìm kiếm hiểm nguy nhưng hắn không lùi bước trước những trận đánh, như d'Artagnan đã có nhiều dịp chứng kiến. Cuối cùng, hắn đã từng là lính và binh nghiệp nâng cao người ta lên; rồi thì, còn hơn tất cả những điều đó, nếu Planchet cần đến anh thì hắn cũng không phải là kẻ vô dụng đối với anh. Thế là với tư cách hai người bạn tốt mà d'Artagnan và Planchet đi đến vùng Blois. Dọc dường, trở lại cái ý nghĩ vẫn ám ảnh anh hoài, d'Artagnan lắc đầu nói: Tôi biết rằng việc tôi vận động Arthos là vô ích và vô nghĩa nhưng tôi vẫn cứ phải cư xử như vậy đối với người bạn cố tri, anh ấy có bản chất cao thượng và hào hiệp hơn tất cả mọi con người. Ôi! Ông Arthos là một người quý tộc đường hoàng! - Planchet nói. - Có phải không nào? - D'Artagnan nháy lại. - Ông ấy rắc tiền bạc như mưa, - Planchet nói tiếp, - tuốt kiếm ra với vẻ vương giả. Chắc chắn ông còn nhớ trận đấu kiếm với bọn người Anh ở trong sân tu viện Carmes chứ? Chao ôi, hôm ấy trông thấy ông Arthos sao mà đẹp đẽ uy nghi đến thế khi ông bảo với địch thủ: "Thưa ông, ông đã bắt tôi phải xưng tên với ông, thôi thì mặc kệ ông, vì rằng tôi buộc lòng phải giết ông!". Lúc ấy tôi đứng gần nên nghe thấy ông ấy nói thế. Đúng từng tiếng lời của ông ấy. Và cái ánh mắt ấy, ông ơi lúc ông Arthos đâm trúng địch thủ như ông ấy đã nói" và địch thủ ngã xuống không kêu được rnột tiếng. Ôi! Thưa ông, tôi xin nhắc lại, đó là một nhà quý tộc đường hoàng. - Phải rồi, - D'Artagnan nói, - tất cả những điều ấy đúng như kinh Phúc âm, nhưng ông ta đã mất đi tất cả những phẩm chất ấy vì một khuyết tật. - Tôi có nhớ, - Planchet nói, - Ông ấy thích uống rượu hay nói đúng hơn là ông ấy uống quá nhiều rượu. Nhưng không uống như những người khác Đôi mắt ông ta chẳng nói gì hết khi ông ấy đưa cốc lên môi. Thực ra, không bao giờ sự im lặng lại nói rõ đến thế. Còn tôi, hình như đã nghe ông ấy lẩm bẩm: "Rượu ơi, hãy vào đi và xua tan những nỗi u buồn trong ta". Và cái cách ông ta đập vỡ một chân cốc hoặc một cổ chai! Chỉ có ông ta mới có cái phong điệu ấy. - Thế thì hôm nay - D'Artagnan nói, - một cảnh tượng đáng buồn đang chờ đợi chúng ta. Con người quý tộc thanh cao với cặp mắt kiêu hãnh ấy, chàng kỵ sĩ đẹp trai thật xuất sắc trong quân ngũ ấy mà người ta thường lấy làm lạ làm sao không cầm một cây gậy chỉ huy mà chỉ cầm một thanh kiếm tầm thường, than ôi! Con người ấy sẽ trở thành một lão già lưng gù, mũi đỏ, mắt như khóc. Chúng ta sẽ gặp ông ta nằm vật trên một bãi cỏ nào đó và nhìn chúng ta bằng con mắt mờ đục và có khi chẳng nhận ra chúng ta nữa. Planchet này, - D'Artagnan nói tiếp, - xin Chúa chứng giám, tôi sẽ trốn tránh cảnh tượng buồn thảm ấy còn hơn là cố chứng tỏ lòng kính trọng của mình đối với cái bóng lẫy lừng của vị bá tước de La Fére quang vinh mà chúng ta đã yêu mến xiết bao. Planchet gật đầu mà không nói một lời, người ta dễ dàng nhận rõ anh đang chia sẻ những nỗi lo âu của ông chủ. - Thế rồi, - D'Artagnan lại nói, - sự suy sụp vì Athos bây giở già rồi, cảnh túng quẫn, có lẽ thế vì ông ta lơ là với chút ít của cải vốn có. - Và cái tên của nợ Grimaud câm lặng hơn bao giờ hết và say bí tỷ hơn cả chủ mình… này, Planchet ơi, tất cả những điều ấy xé nát lòng tôi. - Tôi thấy dường như mình đã đến nơi, - Planchet nói với giọng thương cảm, - và tôi trông thấy ông ấy kia kìa miệng thì lắp bắp, đi thì chân nam đá chân chiêu. - Tôi phải thú nhận rằng, - D'Artagnan nói, - tôi chỉ sợ Arthos nhận lời tôi trong một lúc say cuồng chiến. Nếu vậy đối với Porthos và tôi sẽ là một tai hoạ lớn và nhất là một điều rắc rối thật sự; nhưng ngay trong cơn bí tỷ đầu tiên của ông ấy, chúng ta sẽ từ giã, thế là xong. Lúc nào tỉnh, ông ấy sẽ hiểu ra. - Thưa ông dù sao, - Planchet nói, - chúng ta cũng sẽ hiểu rõ tình hình ngay bây giờ đây. Những bức tường cao vút kia rực đó ánh mặt trời tà chắc hẳn là tường của thị trấn Blois. - Chắc thế, - D'Artagnan đáp, - và những ngọn tháp nhọn hoắt chạm trổ thắp thoáng ở trong rừng phía bên trái kia giống như những cái tôi nghe tả về lâu đài Chambord - Chúng ta sẽ vào trong thị trấn chứ? - Planchet hỏi. - Dĩ nhiên, để hỏi thăm. - Ông này, nếu chúng ta vào đó, tôi khuyên là ta nên nếm thử vài cốc kem mà tôi đã nghe nói đến rất nhiều nhưng khốn thay người ta lại không thể mang lên Paris được, mà phải ăn ngay tại chỗ. - Cứ yên tâm, ta sẽ làm một chầu, - D'Artagnan đáp. Vừa lúc ấy một cỗ xe loại nặng thắng mấy con bò chở gỗ đốn tại những cánh rừng tươi tốt của vùng này đưa đến cửa sông Lois từ một con đường nhỏ đầy vết bánh xe đi ra đường cái mà hai kỵ sĩ đang đi. Một người đàn ông đi theo cầm một cây sào cắm đinh ở đầu dùng để thúc lũ bò chậm chạp. - Này anh bạn ơi! - Planchet gọi người chăn bò. - Các ông cần gì đó? Người nông dân nói từ ngôn ngũ đặc biệt thuần khiết của dân vùng này, nó ắt phải làm cho các nhà sính tu từ thành thị trường Sorbonne và phố Đại học Tổng hợp phải hổ thẹn. - Chúng tôi tìm nhà ông bá tước De La Fére, - D'Artagnan nói, vậy ông có biết tên ông ấy trong số những vị lãnh chúa ở quanh đây không? Nghe nói cái tên đó, người nông dân ngả mũ ra mà đáp: - Thưa các ông, gỗ này là của ông ấy đấy, tôi đốn gỗ trong dám rừng già và chở đến lâu đài. D'Artagnan không muốn hỏi han thêm bác nông dân, anh rất sợ phải nghe từ miệng một người khác điều mà chính anh đã nói với Planchet. - Lâu đài? - D'Artagnan bụng bảo dạ, - Lâu đài! – A! Ta hiểu rồi! Arthos không kiên lòng, giống như Porthos anh ta bắt nông dân gọi anh ta là Đức ông và gọi túp lều của mình là lâu đài; cái anh chàng Arthos thân mến ấy có bàn tay khắc nghiệt nhất là khi đã nốc rượu. Những con bò đi chậm chạp, d'Artagnan và Planchet đi sau cỗ xe và sốt ruột vì cái nhịp điệu ấy. D'Artagnan hỏi người chăn bò. - Đúng là đường này phải không? Chúng tôi cứ đi mà không sợ lạc chứ? - Ồ, lạy Chúa! Đúng đấy ạ, - Bác chăn bò nói, - Ông cứ việc đi trước, chẳng có gì phải đi theo những con bò chậm ri chậm rì này cho khổ. Đi bộ nửa dặm là thấy toà lâu đài ở phía bên phải; đứng ở đây chưa trông thấy đâu, vì vướng một rặng cây bạch dương che khuất. Lâu đài ấy không phải là Bragelonne mà là La Vallière. Ông hãy bỏ qua và đi thêm độ ba tầm súng trường sẽ thấy một toà nhà lớn mái lợp lá đen đứng trên một gò đất rợp bóng những cây phong đồ sộ thì đấy là lâu đài ngài bá tước de La Fére. - Nhưng nửa dặm ấy có dài không? - D'Artagnan hỏì, vì trên đất Pháp tươi đẹp của chúng ta chỗ nào cũng toàn dặm là dặm cả, mà chẳng dặm nào giống nhau. - Mười phút đi đường ông ạ, với những cái chân nhanh nhẹn của con ngựa ông cưỡì. D'Artagnan cảm ơn người chăn bò, rồi phóng đi ngay lập tức. Nhưng rồi bụng chẳng muốn mà lòng cứ bối rối với ý nghĩ gặp lại con người đặc biệt kia đã từng quý mến anh xiết bao, đã từng qua những điều khuyên bảo và qua tấm gương của mình góp phần giáo dục anh trở nên một người quý tộc, anh cho ngựa đi chậm dần lại, đầu cúi xuống như một người mơ mộng. Planchet cũng đã tìm thấy trong cuộc gặp gỡ và thái độ của bác nông dân một chất liệu cho những suy nghĩ nghiêm trang. Ở Normandie hay Franche- Comté, Artois hay Picacdie là những nơi anh từng ở lâu, chưa bao giờ anh gặp những người dân quê lại có đáng điệu thanh thoát như thế, lời ăn tiếng nói thuần khiết như thế. Anh tưởng như mình đã gặp một nhà quý tộc nào đó thuộc phải như anh, nhưng vì duyên do chính trị đã buộc phải cải trang như anh. Chợt đến một chỗ đường quanh, lâu đài La Vallière hiện ra trước mắt các lữ khách như bác chăn bò đã nói, rồi đi bộ một phần tư dặm nữa, một toà nhà trắng xoá có những cây phong bao quanh, nổi bật lên trên nền một lùm cây um tùm mà mùa xuân đã rắc lên những bông hoa tuyết. Bình thường d'Artagnan ít xúc động, nhưng trông thấy cảnh tượng này, anh cảm thấy một nỗi xao xuyến lạ lùng thấm sâu vào đáy lòng mình; trong suốt cuộc đời mình những kỷ niệm tuổi thanh xuân mạnh mẽ biết bao. Không có cùng những cảm tưởng ấy, trông thấy chủ mình xao động đến thế, Planchet ngẩn người ra, hết nhìn d'Artagnan lại nhìn ngôi nhà. Người lính ngự lâm tiến thêm mấy bước và đến trước một cổng rào sắt gia công với một thị hiếu khác hẳn lối đúc thời bấy giờ. Qua cổng rào, nhìn thấy những vườn rau được chăm sóc cẩn thận một cái sân rộng lớn có nhiều ngựa đang giậm chân do những tên hầu mặc quần áo dấu khác nhau dắt, và một cỗ xe thắng hai con ngựa của vùng này. - Chúng ta nhầm rồi, hoặc là người ấy đã lừa chúng ta. D'Artagnan nói, - không thể nào Arthos lại ở đây được. Lạy Chúa! Hay là anh ấy chết rồi và trang ấp này thuộc về người khác cùng họ với anh. Này Planchet, cậu xuống ngựa và đi vào hỏi xem sao, thú thật tôi chẳng có can đảm vào hỏi đâu. Planchet xuống ngựa. D'Artagnan bảo: - Cậu nói thêm rằng có một vị quý tộc đi qua muốn được vào chào ngài bá tước de La Fére và nếu cậu thấy hài lòng, với những tin tức lượm được thì hãy nói rõ tên tôi nhé. Planchet nắm cương dắt ngựa đến cổng, kéo chuông và tức khắc có một người làm, tóc bạc phơ, tuổi đã cao mà lưng vẫn thẳng đi ra và tiếp Planchet. - Xin hỏi có phải ngài bá tước de La Fére ở tại đây không? - Planchet nói. - Phải đấy, ông ạ, đúng ở đây, - người hầu không mặc áo dấu trả lời Planchet. - Một vị lãnh chúa về hưu phải không? - Đúng thế. - Và có một người hầu tên là Grimaud? - Planchet lại hỏi, với thói quen thận trọng anh không sợ thừa tin tức. - Ông Grimaud lúc này không có ở nhà, - người hầu đáp, bác ta không quen với những cách hỏi như vậy và bắt đầu nhìn Planchet từ đầu đến chân. Planchet mặt mày rạng rỡ kêu lên: - Thế thì đúng bá tước de La Fére mà chúng tôi tìm kiếm. Vậy xin bác mở cửa cho tôi vì tôi muốn báo tin với ngài bá tước rằng ông chủ tôi là một vị quý tộc, bạn của ngài, đang ở kia và muốn đến chào ngài. - Thế sao ông không bảo tôi sớm? - Người đầy tớ nói. - Còn vị chủ của ông đâu? - Ông ấy đi sau tôi. Người đầy tớ mở cổng và đi trước. Planchet theo sau và ra hiệu cho chủ mình. D'Artagnan tim đập hồi hộp hơn bao giờ hết, cưỡi ngựa đi vào sân. Lúc Planchet bước lên bậc thềm, anh nghe thấy từ trong một căn phòng thấp, một tiếng vọng ra: "Ơ này! Vị quý tộc ấy đâu, sao lại không dẫn vào đây". Giọng nói ấy vang lên đến tận tai d'Artagnan và đánh thức trong lòng anh muôn vàn tình cảm, muôn vàn kỷ niệm đã lãng quên. Anh vội vã xuống ngựa, trong khi Planchet nụ cười trên môi tiến vào chỗ chủ nhân ngôi nhà. - Tôi biết anh chàng này mà! - Arthos xuất hiện trên ngưỡng cửa và nói. - Ồ, vâng, thưa bá tước, ông biết tôi và tôi cũng biết rõ ông. Tôi là Planchet, thưa bá tước, Planchet, ông biết rõ… Nhưng anh đầy tớ thật thà đó không nói gì được hơn, dung mạo bất ngờ của nhà quý tộc đã khiến anh xúc động biết chừng nào. - Sao? Planchet ư? - Arthos kêu lên. - Thế ông d'Artagnan ở đây à? - Tôi đây, bạn ơi! Tôi đây, Arthos thân mến ơi! - D'Artagnan nói lắp bắp và hầu như lảo đảo cả người. Nghe câu nói đó, một nỗi xúc động rõ ràng lần lượt xuất hiện lên gương mặt đẹp đẽ và những đường nét bình thản của Arthos. Anh tiến nhanh mấy bước về phía d'Artagnan, mắt vẫn không rời bạn và trìu mến ôm chặt bạn trong vòng tay. D'Artagnan qua cơn bối rối, cũng ôm chặt lấy Arthos với một niềm thân ái long lanh thành những giọt lệ trong đôi mắt. Arthos cầm lấy tay bạn, siết chặt trong tay mình và dẫn bạn vào phòng khách có nhiều người đang quây quần. Mọi người đều dứng dậy. Arthos nói: - Tôi xin giới thiệu ông hiệp sĩ d'Artagnan, trung uý ngự lâm quân của Hoàng thượng, một người bạn tận tụy của tôi, một trong những nhà quỷ tộc dũng cảm nhất và đáng mến nhất mà tôi được quen biết từ xưa. Theo tục lệ, d'Artagnan tiếp nhận những lời chúc mừng của cử tọa, nhiệt liệt chúc mừng lại và cùng ngồi dự, và trong khi cuộc trò chuyện tạm ngừng một lát lại tiếp tục rôm rả, thì anh ngồi ngắm Arthos. Lạ lùng thật? Arthos chỉ hơi già đi. Cặp mắt đẹp toát ra khỏi cái quầng nâu xám do những đêm thức và những cuộc chè chén say sưa tạo thành trông to hơn và lóng lánh như mặt hồ tinh khiết hơn bao giờ hết; khuôn mặt hơi dài và được tăng thêm vẻ uy nghi bù cho cái mất đi về nét sôi động nhiệt tình; bàn tay mềm mại, lộng lẫy dưới ống tay áo thêu ren, giống như những bàn tay nào đó trong các bức họạ của Titien et de Van Dick (1) thân hình anh mảnh dẻ hơn xưa, hai bắp vai thanh và rộng nói lên một sức mạnh hiếm có, mái tóc đen dài điểm mấy sợi xam xám, rủ xuống đôi vai một cách phong nhã và lượn sóng như một nếp uốn tự nhiên; giọng nói anh vẫn tươi mát như mới ở tuổi hai mươi lăm, hàm răng đẹp còn nguyên vẹn và trắng muổt đem cho nụ cười một vẻ duyên dáng khôn tả. Tuy nhiên, các vị khách của bá tước qua vẻ lạnh nhạt khó nhận biết của cuộc đàm luận hiểu rằng hai người bạn thân đang nóng lòng mong mỏi được ngồi riêng với nhau. Cho nên với tất cả cái nghệ thuật và phép lịch sự ngày xưa, họ sửa soạn ra về, cái việc trịnh trọng của những người ở xã hội thượng lưu, khi có mặt của những người thượng lưu. Nhưng vừa lúc ấy có tiếng chó sủa ầm ĩ ngoài sân và nhiều người cùng nhao nhao lên: - A! Raoul trở về. Nghe đến tên Raoul, Arthos nhìn sang d'Artagnan và như vừa rình xem cái tên ấy có gây nên vẻ tò mò nào trên nét mặt bạn mình không. Nhưng d'Artagnan chưa hiểu ra sao, anh còn chưa ra khỏi nỗi chói ngợp. Cho nên gần như cái máy anh quay lại, thì thấy một cậu thiếu niên tuấn tú trạc 15 tuổi, ăn vận giản dị nhưng với một thị hiếu hoàn mỹ, bước vào phòng khách và với vẻ duyên dáng ngả chiếc mũ dạ đính những chiếc lông chim dài đỏ thắm. Vậy mà nhân vật mới lạ này hoàn toàn bất ngờ, đập vào mắt anh. Cả một loạt ý nghĩ mới mẻ ập đến tâm trí anh và bằng mọi nguồn thông minh sắc sảo của anh, đã cắt nghĩa sự thay đổi của Arthos cho đến lúc này vẫn tỏ ra không lý giải được. Một sự giống nhau kỳ lạ giữa vị quý tộc và đứa nhỏ cắt nghĩa cho anh sự bí mật của thời tái sinh này. Anh đợi chờ xem xét và nghe ngóng. - Anh đã trở về đấy ư, Raoul? - Bá tước nói. - Thưa ông, vâng, - cậu thiếu niên cung kính đáp, và tôi làm tròn nhiệm vụ mà ông giao cho. - Nhưng có chuyện gì đấy, Raoul? - Arthos băn khoăn hỏi - Trông anh tái nhợt và có vẻ xao xuyến. - Thưa ông, - cậu thiếu niên đáp, - chả là vì có một tai họa xảy đến với cô bé láng giềng của chúng ta. - Với cô De La Vallière ấy à? - Arthos vội hỏi. - Chuyện gì thế, - vài tiếng người hỏi. - Cô ấy đi dạo chơi với bà vú Marceline ở khu vườn các bác tiều phu đang đẽo những cây gỗ, thì tôi cưỡi ngựa đi qua trông thấy bà và dừng lại. Lúc ấy cô ta đang đứng trên một đống gỗ, thấy tôi, cô ấy toan nhẩy xuống nhưng bị trượt chân không tài nào dậy nổi. Tôi cho rằng cô ấy bị trẹo mắt cá chân. - Ôi, lạy Chúa? - Arthos nói.- Thế bà de Saint-Remy, mẹ cô đã biết chưa? - Không ạ, bà de Saint-Remy đang ở Blois, chỗ bà quận công d'Orléans. Tôi e rằng việc chỉ sơ cứu cho cô ta không được tốt, nên chạy về xin ông chỉ bảo. - Raoul, cho đưa ngay cô ấy ra Blois? Hay tốt hơn hết là tự anh lấy ngựa và chạy ra ngoài ấy. Raoul cúi mình. - Nhưng Louise đang ở đâu? - Bá tước hỏi. - Thưa ông, tôi đã mang đến đây và để nằm ở chỗ vợ bác Charlot; trong khi chờ đợi, bà ấy cho cô bé ngâm chân vào nước lạnh giá. Câu chuyện ấy đã tạo cái cớ cho các vị khách của Arthos đứng lên và xin cáo từ, riêng lão công tước de Barbé tỏ ra là chỗ thân tình từ hai chục năm nay với nhà La Vallière đi ra thăm cô bé Louis, cô ta đang khóc, nhưng khi trông thấy Raoul thì lập tức chùi ngay đôi mắt diễm lệ và nhoẻn miệng cười. Cụ công tước bảo đưa cô bé Louise đến Blois bằng cỗ xe ngựa của mình. Arthos nói: - Cụ dạy phải đấy, cô bé sẽ đến với mẹ sớm hơn. Còn anh, Raoul, tôi chắc anh đã hành động dại dột và việc này có phần lỗi của anh đấy. - Ồ, thưa ông, không ạ, tôi xin thề như vậy! - Cô gái kêu lên, còn cậu thiếu niên thì tái mặt đi, vì nghĩ rằng mình có thể là nguyên nhân của tai nạn. - Ôi thưa ông tôi xin cam đoan rằng… - Raoul lẩm bẩm. - Nhưng anh vẫn cứ phải đi đến Blois, - bá tước ân cần nói tiếp, và anh xin với bà de Saint-Remy thứ lỗi cho anh và cả tôi nữa, rồi trở về đây. Gò má cậu thiếu niên tươi trở lại; sau khi đưa mắt hỏi ý bá tước, anh ôm cô gái trong đôi cánh tay đã vạm vỡ, cái đầu xinh đẹp của cô vừa nhăn nhó lại vừa tươi cười ngả vào vai anh, anh nhẹ nhàng đặt cô vào trong xe. Rồi nhảy lên ngựa với vẻ phong nhã và khéo léo của một kỹ sĩ thành thạo, anh chào Arthos và d'Artagnan, rồí phóng nhanh, đi kèm cạnh cỗ xe ngựa, đôi mắt anh vẫn đăm dăm nhìn vào trong xe. Chú thích: (1) Những danh hoạ thời Phục hưng ở Ý và xứ Flamant.
Hai Mươi Năm Sau Hai Mươi Năm Sau - Alexandre Dumas Hai Mươi Năm Sau