"We humans have lost the wisdom of genuinely resting and relaxing. We worry too much. We don't allow our bodies to heal, and we don't allow our minds and hearts to heal.",

Thích Nhất Hạnh

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 15
ì tôi đã trở nên quá lớn với căn phòng của bà cô ông Wopsle, quá
trình giáo dục tôi nhận được từ bà lão kỳ cục đó cũng kết thúc. Song chỉ sau
khi Biddy đã dạy cho tôi tất cả những gì cô biết, từ tập sổ nhỏ ghi giá tiền cho
tới một bài hát hài hước cô mua mất nửa penny. Cho dù phần duy nhất liền
lạc của bài hát kia là mấy dòng mở đầu.
Khi tôi tới thành Lunnon hỏi các ngài,
Là la lá la
Là la lá la
Chẳng phải tôi bị bịp tơi bời đó sao hỡi các ngài?
Là la lá la
Là la lá la
Dẫu vậy, với khao khát trở nên thông thái hơn, tôi học thuộc lòng mấy
câu hát này một cách cực kỳ nghiêm túc; tôi cũng chẳng nhớ có bao giờ nghi
ngờ giá trị của chúng, ngoại trừ chuyện tôi đã nghĩ (và vẫn còn nghĩ) trong đó
hơi có quá nhiều “là la lá la”. Trong cơn khao khát học vấn, tôi khẩn khoản
đề nghị ông Wopsle hạ cố ban cho tôi chút ít trí tuệ, và được ông tử tế đồng
ý. Thế nhưng hóa ra ông chỉ muốn tôi làm một vai kịch phụ để ông thỏa sức
tranh cãi, ôm hôn, thương khóc, nạt nộ, túm lấy để đâm, để đánh đủ kiểu, vậy
nên tôi nhanh chóng cáo từ màn dạy dỗ đó; cho dù chỉ sau khi ông Wopsle,
trong cơn thịnh nộ đầy thi vị của mình, đã nện tôi tơi tả.
Những gì học được, tôi cố gắng truyền lại cho Joe. Ý tưởng này nghe
thật hay ho đến mức lương tâm không cho phép tôi bỏ qua nó mà không giải
thích gì. Tôi muốn làm Joe bớt thất học và tầm thường, để anh trở nên xứng
đáng hơn với những người tôi giao du và đỡ bị Estella dè bỉu hơn.
Pháo đài cũ ngoài đầm lầy là nơi chúng tôi học, một tấm bảng mẻ và
vài mẩu phấn viết bảng ngắn ngủn là học cụ của chúng tôi: ngoài ra Joe luôn
thêm vào một tẩu thuốc lá. Tôi chưa từng thấy Joe nhớ được thứ gì từ Chủ
nhật này qua Chủ nhật khác, hay tiếp thu được thêm bất cứ kiến thức nào
dưới sự dạy dỗ của tôi. Thế nhưng anh có thể hút tẩu thuốc của mình ở chỗ
pháo đài với vẻ khôn ngoan sắc sảo hơn ở bất cứ nơi nào khác - thậm chí với
vẻ đầy hiểu biết nữa - như thể ông anh rể tôi tự coi mình đã tiến bộ ghê gớm.
Tôi thực sự hy vọng là thế.
Nơi này thật thư thái và bình yên, ngoài xa có những cánh buồm trên
sông đang trôi đi phía sau triền đê, và đôi lúc, khi thủy triều xuống thấp,
trông như thể chúng thuộc về những con tàu đắm nhưng vẫn tiếp tục giương
buồm lướt đi dưới đáy nước. Mỗi khi nhìn theo những con thuyền hướng ra
biển với cánh buồm trắng no gió, không rõ vì sao tôi lại nghĩ tới cô Havisham
và Estella; và mỗi khi ánh sáng tận ngoài xa chiếu xiên xuống một đám mây,
cánh buồm, một vạt đồi xanh rì hay bờ nước, ý nghĩ đó cũng lại xuất hiện. Cô
Havisham, Estella cùng ngôi nhà lạ lùng, cuộc sống xa lạ kia có vẻ như luôn
có liên quan tới mọi điều đẹp đẽ.
Vào một Chủ nhật, khi Joe, sau lúc thả sức khoan khoái với tẩu thuốc
của mình, đã trở nên “mụ mẫm cả người” tới độ tôi đành bỏ qua chuyện dạy
học cho anh hôm đó, tôi nằm trên bờ đê một lúc, hai tay chống cằm, dõi theo
dấu vết của cô Havisham và Estella khắp mọi phía xung quanh, trên trời rồi
dưới nước, cho tới khi rốt cuộc tôi quyết định nhắc tới một ý nghĩ liên quan
tới họ đã luẩn quẩn thường xuyên trong đầu tôi.
“Joe này,” tôi nói, “anh có nghĩ em cần tới thăm cô Havisham không?”
“À, Pip,” Joe đáp, chậm rãi ngẫm nghĩ. “Để làm gì?”
“Để làm gì ư, Joe? Một chuyến thăm là để làm gì chứ?”
“Có lẽ có một vài chiến thăm,” Joe nói, “chẳng bao giờ làm người ta
đặt câu hỏi cả, Pip. Nhưng còn về chiện tới thăm cô Havisham. Rất có thể bà
ấy sẽ nghĩ cậu muốn gì đó - trông đợi gì đó ở bà ấy.”
“Anh không nghĩ em có thể nói em chẳng hề có ý đó sao, Joe?”
“Cậu có thể chứ, anh bạn,” Joe nói. “Và bà ấy có thể tin. Tương tự, bà
ấy cũng có thể không tin.”
Joe, và cả tôi nữa, cảm thấy anh có lý, vậy là anh rít thật mạnh tẩu
thuốc để khỏi làm yếu lý lẽ của mình đi bằng cách nhắc lại nó.
“Cậu thấy đấy, Pip,” Joe nói tiếp, ngay sau khi thoát khỏi mối nguy
hiểm đó, “cô Havisham đã đối xử với cậu rất hào phóng. Khi bà ấy đối xử với
cậu hào phóng như thế rồi, bà ấy đã gọi anh lại để nói với anh đó là tất cả.”
“Vâng, Joe. Em có nghe thấy lời bà ấy.”
“TẤT CẢ,” Joe nhấn mạnh lại.
“Vâng, Joe. Em vừa nói với anh là em nghe thấy lời bà ấy mà.”
“Điều anh muốn nói, Pip, là rất có thể bà ấy có ý - Hãy kết thúc chuyện
này! - Như hiện tại vậy! - Ta đi về phương Bắc, cháu đi về phương Nam! -
Hãy tránh xa nhau ra!”
Tôi cũng đã nghĩ tới điều đó, và việc phát hiện ra anh nghĩ vậy chẳng
hề làm tôi được an ủi; vì dường như nó khiến cho suy luận này thêm chắc
chắn.
“Nhưng, Joe.”
“Đúng thế đấy, anh bạn.”
“Nhưng anh thấy đấy, em đang trong năm đầu tiên học việc, và kể từ
ngày em được ràng buộc, em vẫn chưa hề cảm ơn cô Havisham, hay hỏi thăm
bà, hay thể hiện em nhớ tới bà.”
“Đúng thế, Pip; và trừ phi cậu tặng bà ấy một bộ móng ngựa cho cả
bốn chân, và ý anh muốn nói là thậm chí cả một bộ móng đủ cả bốn chân có
khi cũng chưa phải là món quà chấp nhận được, khi hoàn toàn vắng bóng
móng guốc…”
“Em không muốn nói tới kiểu nhớ đó, Joe; ý em không phải là một
món quà.”
Nhưng Joe đã gắn chặt ý nghĩ về một món quà trong đầu và buộc phải
bàn luận xung quanh nó. “Hay thậm chí,” anh nói, “nếu cậu muốn giúp rèn
cho bà ấy một sợi xích mới cho cửa trước, hay giả dụ một hai tá vít đầu tròn
để dùng vào việc vặt, hay món đồ hữu ích nho nhỏ nào đó như một cái nĩa để
nướng bánh khi nào bà ấy nướng bánh xốp, hay một cái vỉ dùng khi bà ấy
nướng cá trích, hay là…”
“Em không muốn nói tới món quà nào hết, Joe,” tôi ngắt lời anh.
“Được rồi,” Joe nói, tiếp tục bám lấy dòng suy nghĩ trước như thể tôi
đã cố nài, “nếu anh là cậu, Pip, anh sẽ không làm thế. Không, anh sẽ không
làm đâu. Vì xích móc cửa để làm gì khi bà ấy luôn khóa cổng rồi? Còn những
cái vít đầu tròn lại dễ gây hiểu lầm. Còn nếu là một cái nĩa nướng bánh, cậu
sẽ xúc phạm bà ấy và chẳng giành được cho mình chút thiện cảm nào. Và
một người thợ xức sắc nhất không thể chứng tỏ anh ta xức sắc nhờ một cái vỉ
- vì một cái vỉ cũng chỉ là cái vỉ,” Joe nói, một mực ép tôi phải đón nhận ý
tưởng này, như thể anh đang cố đánh thức tôi khỏi một ảo tưởng cứng nhắc,
“và cậu có thể quai búa thế nào tùy thích, nhưng cuối cùng nó vẫn là một cái
vỉ, dù cậu có thích hay không, và cậu không thể…”
“Joe thân mến,” tôi khổ sở kêu lên, túm áo khoác anh, “đừng nói tiếp
kiểu đó nữa. Em chưa bao giờ nghĩ tới chuyện làm cho cô Havisham món quà
nào hết.”
“Đúng vậy, Pip,” Joe thừa nhận, như thể anh đã tranh luận để đạt được
điều đó từ nãy tới giờ, “và điều anh muốn nói với cậu, Pip, là cậu đúng.”
“Vâng, Joe; nhưng cái em muốn nói là vì bây giờ công việc của anh em
mình cũng không có mấy, nếu mai anh có thể cho em nghỉ nửa ngày, em nghĩ
em sẽ vào thị trấn và tới thăm cô Est - Havisham.”
“Họ của bà ấy,” Joe nghiêm trang nói, “không phải là Estavisham, Pip,
trừ phi bà ấy đã được đặt tên lại.”
“Em biết, Joe, em biết. Chỉ là em lỡ lời. Anh nghĩ sao, Joe?”
Nói tóm lại, Joe nghĩ nếu tôi thấy ổn thì anh cũng thấy ổn. Nhưng anh
ra điều kiện cụ thể rằng nếu tôi không được thân ái chào đón, hay không hề
được khuyến khích lặp lại chuyến thăm của mình như một chuyến thăm
không vì mục đích nào hơn ngoài bày tỏ lòng biết ơn trước ân huệ nhận được,
sẽ không có lần tiếp theo nào cho chuyến đi thử nghiệm này nữa. Tôi hứa sẽ
tuân thủ các điều kiện này.
Hồi ấy Joe có thuê một người làm công nhật trả lương theo tuần có tên
là Orlick. Anh ta giả bộ tên thánh của mình là Dolge - một cái tên rõ ràng
không thể là thật - song anh này là một người có thiên hướng bướng bỉnh tới
mức tôi tin anh ta chẳng mắc phải chút ảo tưởng nào trong chuyện này mà
ngang ngạnh cố áp đặt cái tên đó lên cả làng như để lăng nhục hiểu biết của
cư dân nơi này. Anh ta là một người vai rộng ngăm đen chân tay khéo léo
khỏe như vâm, không bao giờ vội vàng, và lúc nào cũng buông thõng hai vai
xuống. Dường như chẳng bao giờ cố ý tới chỗ làm, mà chỉ buông thõng hai
vai bước vào như thể tình cờ; và khi anh ta tới quán Ba Thủy Thủ Vui Vẻ để
ăn tối hay ra về vào buổi tối, anh ta cũng lại thõng vai xuống như Cain* hay
Người Do Thái Lang Thang*, như thể anh ta không hề biết mình đang đi đâu
và thậm chí chẳng có ý định quay lại. Anh ta ở tại nhà người coi cửa cống
ngoài đầm lầy, và vào những ngày làm việc lại thõng vai lầm lũi đi từ nơi ẩn
cư của mình, hai tay đút túi quần, bữa ăn buộc hờ thành một gói quanh cổ và
đung đưa lủng lẳng sau lưng anh ta. Vào các Chủ nhật, anh ta thường nằm dài
cả ngày ở chỗ cửa cống, hay đứng tựa lưng vào các đống rơm hay nhà kho.
Lúc nào anh ta cũng thõng vai xuống, tự động đi đi lại lại, mắt dán xuống đất;
và khi được hỏi chuyện hoặc vì lý do nào khác phải ngước mắt lên, anh ta
ngước nhìn nửa bực bội, nửa lúng túng, như thể ý nghĩ duy nhất anh ta từng
có chính là cái thực tế kỳ cục và báng bổ rằng anh ta không bao giờ nên nghĩ
ngợi gì hết.
Con trai cả của Adam và Eve, giết chết em trai là Abel do ghen tị, và bị trừng phạt phải vĩnh viễn
lang thang trên mặt đất.
Truyền thuyết bắt đầu lan truyền từ thế kỷ 13 kể về một người Do Thái chế nhạo Jesus khi Jesus bị
đưa đi đóng đinh trên thập giá nên bị nguyền rủa phải lang thang vật vờ trên mặt đất cho tới khi Chúa
trở lại trái đất lần thứ hai.
Anh thợ công nhật ủ ê này chẳng ưa gì tôi. Khi tôi còn nhỏ và rụt rè,
anh ta dọa dẫm làm tôi hiểu rằng Quỷ sứ sống trong một góc tối om của lò
rèn, và rằng anh ta biết rất rõ con quỷ này: đồng thời cứ bảy năm một lần cần
phải nhóm lửa bằng một đứa bé trai còn sống, và tôi có thể coi mình là củi.
Khi tôi trở thành thợ học việc của Joe, Orlick có lẽ ít nhiều khẳng định mối
nghi ngờ của anh ta rằng rất có thể tôi sẽ thế chỗ anh ta; thế là anh ta còn ít ưa
tôi hơn trước. Không phải anh ta từng nói gì, hay làm gì công khai thể hiện
thù ghét; tôi chỉ nhận thấy anh ta luôn nện búa để hoa lửa bắn về phía tôi, và
bất cứ khi nào tôi hát bài Clem Già, anh ta lại chen vào thật không đúng lúc.
Dolge Orlick đang làm việc và có mặt tại lò rèn ngày hôm sau khi tôi
nhắc Joe về nửa ngày nghỉ của tôi. Lúc ấy anh ta không nói gì, vì anh ta và
Joe vừa đặt một thỏi sắt nóng đỏ lên đe giữa hai người, còn tôi đang kéo bễ;
nhưng ngay sau đó anh ta tựa người lên cán búa và nói.
“Nào, ông chủ! Chắc chắn ông sẽ không thiên vị chỉ một người trong
hai chúng tôi chứ. Nếu anh bạn trẻ Pip được nghỉ nửa ngày, vậy thì hãy cho
Orlick Già được hưởng tương tự.” Tôi đoán anh ta chừng hai mươi lăm tuổi,
song anh ta thường nói về mình như một người già cả.
“Sao cơ, cậu sẽ làm gì với nửa ngày nghỉ nếu cậu có nó chứ?” Joe hỏi.
“Tôi sẽ làm gì với nó! Thế cậu ta sẽ làm gì với nó? Tôi cũng sẽ làm
nhiều thứ với thời gian được nghỉ chẳng kém gì một thằng nhóc,” Orlick nói.
“Về phần Pip, cậu ấy sẽ vào thị trấn,” Joe nói.
“Được lắm, về phần Orlick Già, anh ta cũng sẽ vào thị trấn,” một câu
đáp trả đáng giá. “Hai người có thể vào thị trấn. Không có chuyện chỉ một
người được vào thị trấn.”
“Đừng nổi nóng,” Joe nói.
“Tôi sẽ nổi nóng nếu tôi thích,” Orlick gào lên. “Vì có người thích
thành dân phố cơ đấy! Nào, ông chủ! Quyết định đi. Không thiên vị ở nơi
này. Hãy là một người đàn ông!”
Ông chủ từ chối bàn đến chủ đề này cho tới khi anh thợ đã bình tĩnh
hơn, vậy là Orlick xông tới lò, lôi ra một thanh sắt nóng đỏ, chĩa nó về phía
tôi như thể định đâm xuyên nó qua người tôi, vụt nó quanh đầu tôi, đặt nó lên
đe, rồi nện búa xuống - như thể thanh sắt ấy chính là tôi, theo như tôi nghĩ,
còn hoa lửa tóe ra chính là máu của tôi - cuối cùng anh ta lại tựa người lên
cán búa rồi lên tiếng sau khi đã quai búa đến nóng người lên còn thanh sắt trở
nên nguội lạnh.
“Nào, ông chủ!”
“Giờ cậu đã bình tĩnh lại chưa?” Joe hỏi.
“À! Tôi ổn cả,” Orlick Già cộc cằn nói.
“Thế thì, vì nói chung cậu làm việc cũng tốt như phần lớn những người
khác,” Joe nói, “tất cả sẽ cùng nghỉ nửa ngày.”
Chị tôi đang đứng im ngoài sân, trong tầm tai nghe - chị là một kẻ do
thám và nghe trộm không biết ngượng - và lập tức ngó vào qua một ô cửa sổ.
“Thật đúng là anh, đồ ngốc!” chị tôi nói với Joe, “cho những gã lười
nhác lớn xác như thế nghỉ. Tôi lấy mạng mình ra mà nói anh thật là giàu khi
phung phí tiền của như thế. Tôi ước gì tôi là ông chủ của cậu ta!”
“Bà sẽ là bà chủ của tất cả mọi người nếu bà dám,” Orlick đáp trả, kèm
theo một nụ cười mỉa mai.
(“Để cô ấy yên,” Joe nói.)
“Tôi sẽ đủ sức trị mọi kẻ ngu ngốc và du đãng,” chị tôi đáp, và bắt đầu
nổi trận lôi đình. “Và tôi sẽ không thể đủ sức trị những kẻ ngu ngốc nếu
không đủ sức trị ông chủ của cậu, đồng thời cũng là ông vua đầu đất của
những kẻ ngốc. Và tôi sẽ không đủ sức trị những kẻ du đãng nếu không đủ
sức trị cậu, kẻ có bản mặt đen tối nhất, tên du đãng tồi tệ nhất từ đây tới tận
nước Pháp. Nào!”
“Bà đúng là một con mẹ đanh đá thô lỗ, mẹ Gargery,” anh thợ công
nhật càu nhàu. “Nếu cái đó làm nên một ông quan tòa xử những kẻ du đãng,
chắc bà phải là một ông quan tòa ghê gớm lắm.”
(“Cậu để cô ấy yên, được chứ?” Joe nói.)
“Mày nói gì?” chị tôi hét lên, bắt đầu la lối. “Mày nói gì hả? Thằng
Orlick đó nói gì về tao hả Pip? Hắn đã gọi tôi là gì chứ, trong khi chồng tôi
đứng ngay bên cạnh? Ôi! Ôi! Ôi!” Mỗi một tiếng kêu “ôi” này đều là một
tiếng rít chói tai; và tôi buộc phải thừa nhận là với chị tôi, và điều này cũng
đúng luôn với mọi phụ nữ hung dữ tôi từng gặp qua, cơn giận không thể được
viện ra làm cớ biện hộ, vì không thể chối cãi được rằng thay vì lỡ sa vào cơn
giận dữ, chị tôi đã cố ý và khổ công ép buộc bản thân vào trạng thái này, và
trở nên nổi khùng một cách mù quáng theo lộ trình với các chặng chuẩn mực,
“hắn đã gọi tôi thế nào đây trước mặt gã đàn ông hèn hạ từng thề bảo vệ tôi?
Ôi! Đỡ lấy tôi nào! Ôi!”
“Á à!” tay thợ công nhật rít lên qua kẽ răng. “Tôi sẽ tóm lấy bà, nếu bà
là vợ tôi. Tôi sẽ ghì siết bà, cho bà chết nghẹt luôn.”
(“Tôi nói với cậu, để cô ấy yên,” Joe nói.)
“Ôi! Nghe anh ta kìa!” chị tôi hét lên, vừa vỗ tay vừa lu loa - chặng nổi
đóa tiếp theo của chị. “Thử nghe hắn chửi tôi thế nào kìa! Thằng Orlick kia!
Ngay trong nhà tôi! Tôi, một người đàn bà có chồng đàng hoàng! Ông chồng
thì đứng ngay bên cạnh! Ôi! Ôi!” Đến đây bà chị tôi, sau một hồi vỗ tay la
lối, quay sang đập tay thình thịch vào ngực rồi vỗ bành bạch vào hai đầu gối,
sau đó giật phăng mũ đội đầu ném đi, giật tóc xõa tung xuống - đây là chặng
cuối trong con đường tới cuồng nộ. Lần này là một cơn cuồng phong hoàn
hảo, một thành công trọn vẹn, chị tôi đùng đùng lao về phía cửa vào, nhưng
thật may tôi đã khóa cửa từ trước.
Giờ thì Joe khốn khổ có thể làm gì, sau những lần can ngăn rụt rè
chẳng được ai đếm xỉa, ngoài đứng lên trước mặt tay thợ công nhật và hỏi
anh ta có ý gì khi can thiệp vào chuyện giữa anh và bà Joe; và hỏi thêm liệu
anh ta có đủ đàn ông để đối đầu với anh không? Orlick Già cảm thấy tình thế
này thì không thể làm gì khác hơn ngoài chấp nhận đối đầu, nên lập tức thủ
thế ngay; thế là chẳng buồn cởi tạp dề đầy vết cháy sém đang mặc ra, họ lao
bổ vào nhau như hai người khổng lồ. Nhưng nếu trong vùng từng có người
đàn ông có thể đấu tay đôi ngang sức với Joe thì tôi cũng chưa bao giờ có dịp
thấy người đó. Orlick, như thể cũng chẳng khỏe mạnh gì hơn cậu thiếu niên
nhợt nhạt dạo nọ, chẳng mấy chốc đã ngã vật ra giữa bụi than, và có vẻ chẳng
vội vã gì muốn rời khỏi đó. Tiếp theo, Joe mở cửa và đỡ chị tôi dậy, lúc đó
chị đang nằm vật ra bất tỉnh ngoài cửa sổ (nhưng tôi nghĩ trước đó chị đã kịp
xem trận ẩu đả). Chị tôi được đưa vào trong nhà và đặt nằm xuống, sau đó bắt
đầu tỉnh lại và chẳng làm gì khác ngoài vùng vằng và túm chặt lấy tóc Joe
bằng cả hai tay. Tiếp theo là chặng bình lặng đặc trưng luôn có sau mọi màn
nổi đóa; rồi sau đó, với cảm giác mơ hồ tôi luôn liên tưởng với những lúc tạm
lắng như thể - cụ thể là lúc này đang Chủ nhật, và có người vừa chết - tôi leo
lên gác để thay quần áo.
Khi xuống trở lại dưới nhà, tôi bắt gặp Joe và Orlick đang quét dọn, và
chẳng còn dấu vết nào của cuộc náo động lưu lại, ngoài vết rách ở một bên lỗ
mũi Orlick, trông chẳng ấn tượng cũng không đẹp đẽ gì. Một vại bia từ quán
Ba Thủy Thủ Vui Vẻ đã xuất hiện, và hai người đang thay nhau chia sẻ nó
một cách khá hòa thuận. Quãng thời gian tạm lắng làm Joe dịu lại và trở nên
triết lý, anh đi theo tôi ra ngoài đường và nói, như một câu dặn dò trước khi
chia tay có thể hữu ích với tôi, “Nổi tam bành, Pip, rồi lại hết tam bành, Pip -
cuộc sống là thế đấy!”
Việc tôi cảm thấy những cảm xúc ngớ ngẩn nào (vì chúng ta nghĩ
những cảm xúc nghiêm chỉnh với một người đàn ông thường lại khá buồn
cười với một cậu bé) khi nhận ra mình một lần nữa lại đang trên đường tới
nhà cô Havisham cũng chẳng mấy quan trọng ở đây. Cũng như chuyện tôi đã
đi qua đi lại trước cổng nhiều lần trước khi quyết định rung chuông. Hay việc
tôi đã băn khoăn cân nhắc liệu có nên bỏ về luôn mà không rung chuông hay
không; hay như việc hẳn tôi đã bỏ đi nếu tôi có thể làm chủ thời gian của
mình và trở lại bất cứ lúc nào.
Cô Sarah Pocket ra cổng. Không phải Estella.
“Thế nào hả? Mày lại đến à?” cô Pocket lên tiếng. “Mày muốn gì?”
Khi tôi nói tôi chỉ muốn tới thăm xem cô Havisham có khỏe không,
Sarah rõ ràng cân nhắc xem có nên đuổi luôn tôi đi hay không. Nhưng vì
không muốn rủi ro phải gánh trách nhiệm, bà ta cho tôi vào, rồi lập tức cấm
cẳn báo tin tôi sắp “lên nhà”.
Mọi thứ vẫn y nguyên, và cô Havisham chỉ có một mình. “Thế nào?”
bà nói, mắt nhìn tôi chằm chặp. “Ta hy vọng cháu không muốn gì chứ? Cháu
sẽ không nhận được gì hết.”
“Thực sự là không đâu, cô Havisham. Cháu chỉ muốn bà biết cháu làm
rất tốt khi học việc, và cháu luôn rất biết ơn bà.”
“Nào, nào!” Những ngón tay già nua lại bồn chồn cử động không
ngừng. “Thỉnh thoảng hãy đến đây; hãy đến vào ngày sinh nhật cháu. Ài!” bà
đột nhiên thốt lên, quay người và cả cái ghế về phía tôi, “Cháu đang ngó
nghiêng tìm Estella hả? Có phải không?”
Đúng là tôi vừa ngó nghiêng nhìn quanh - và quả thực để tìm Estella -
vậy là tôi lí nhí nói tôi hy vọng cô vẫn khỏe.
“Nó ra nước ngoài,” cô Havisham nói, “học hành để trở thành một quý
cô; ở xa đây lắm; xinh đẹp hơn bao giờ hết; ai thấy cũng phải ngưỡng mộ. Có
phải cháu cảm thấy đã để mất cô bé không?”
Trong cách vị phu nhân nói ra những lời cuối cùng lộ rõ âm hưởng
thích thú tàn nhẫn, rồi bà bật cười thật chối tai, đến mức tôi ngẩn ra không
còn biết nói gì nữa. Bà miễn cho tôi khỏi phải băn khoăn nghĩ ngợi bằng cách
bảo tôi về. Khi Sarah đóng sập cánh cổng lại trước mặt tôi với bộ mặt nhăn
nhó như vỏ quả óc chó, tôi cảm thấy bất bình hơn bao giờ hết về ngôi nhà của
mình, nghề nghiệp của mình, về mọi thứ; và đó là tất cả những gì tôi cảm
thấy khi nhìn cánh cổng đó đóng lại.
Trong lúc tôi tha thẩn dọc theo phố High, chán chường nhìn vào cửa sổ
các cửa hàng và nghĩ tôi sẽ mua gì nếu tôi là một quý ông, thì kia, ai có thể
vừa ra khỏi hiệu sách ngoài ông Wopsle. Ông cầm trên tay cuốn bi kịch dễ
làm người ta mủi lòng về George Barnwell* vừa tậu mất sáu penny với dự
định sẽ đổ không thiếu một từ trong đó lên đầu Pumblechook, vì sắp sửa tới
nhà ông này dùng trà. Vừa trông thấy tôi, ông quản liền có vẻ nghĩ một Thiên
Ý đặc biệt nào đó đã đưa cậu nhóc thợ rèn học việc xuất hiện trên đường đi
của mình để nghe ông đọc; thế là ông giữ tôi lại, nhất quyết yêu cầu tôi cùng
đi tới phòng khách nhà ông Pumblechook. Và vì tôi biết về nhà sẽ chán tới
mức nào, đêm sẽ tối đen và đường khó đi, và có bất cứ ai đi cùng cũng còn
hơn không, tôi không cự nự quyết liệt cho lắm; kết quả là chúng tôi rẽ vào
nhà Pumblechook đúng lúc đường phố và các cửa hàng lên đèn.
Tác phẩm của George Lillo (1693 - 1739). George Barnwell là một người thợ học việc đã bị cô gái
điếm Sarah Millwood quyến rũ và dụ dỗ cướp của ông chủ mình và giết bác mình, sau đó bị treo cổ.
Vì tôi chưa bao giờ tham dự một buổi đọc sách nào về George
Barnwell, tôi không rõ thường nó sẽ kéo dài bao lâu; nhưng tôi biết rất rõ
buổi đọc sách tối đó kéo dài đến tận chín rưỡi tối, và khi ông Wopsle đọc tới
Newgate, tôi nghĩ ông sẽ chẳng bao giờ tới được chỗ đoạn đầu đài, vì ông trở
nên chậm chạp hơn bất cứ lúc nào khác trong sự nghiệp đáng hổ thẹn của
mình. Tôi nghĩ ông quản có phần hơi quá đáng khi phàn nàn vì bị cắt ngang
giữa lúc đang văn hoa, cứ như thể ông ta chưa được cà kê, rề rà từng trang
sách ngay từ lúc bắt đầu. Song đấy mới chỉ là vấn đề dài dòng và mệt mỏi.
Điều làm tôi bất bình hơn cả là cái kiểu đồng nhất giữa toàn bộ vụ việc trong
vở kịch với cái bản thân vô tội của tôi. Khi Barnwell bắt đầu làm điều sai trái,
tôi mới lên tiếng bày tỏ rằng tôi thực sự lấy làm tiếc, thì cái nhìn hằm hằm
phẫn nộ của ông Pumblechook đã như thể buộc cho tôi luôn cái tội đó. Cả
ông Wopsle cũng cố hết sức mô tả tôi theo cách tệ hại nhất. Vừa hung dữ vừa
ủy mị, tôi bị biến thành kẻ sát hại ông bác mình và không có bất cứ tình tiết
giảm nhẹ nào; Millwood hạ nhục tôi thậm tệ trong tranh luận vào mọi dịp;
chuyện con gái ông chủ có quan tâm chút nào đến tôi trở thành một cơn độc
hưởng không hơn; và tất cả những gì tôi có thể bào chữa cho hành vi tham
lam và rề rà của mình vào cái buổi sáng tai họa phải đi đến chỗ chết ấy? là nó
hoàn toàn tương xứng với tính cách yếu đuối của tôi. Thậm chí cả sau khi tôi
bị treo cổ thật đáng đời và Wopsle đóng sách lại, ông Pumblechook vẫn ngồi
nhìn tôi chằm chằm, vừa lắc đầu vừa nói, “Hãy nhớ lấy bài học, cậu bé, hãy
nhớ lấy!” như thể việc tôi đang mưu toan sát hại một người thân thích là
chuyện ai cũng rõ, chỉ cần tôi lừa được ai đó đủ yếu lòng mà trở thành ân
nhân cho mình.
Trời đã tối đen khi buổi đọc sách kết thúc và tôi cùng ông Wopsle lên
đường đi bộ về nhà. Ra ngoài thị trấn, chúng tôi bắt gặp một màn sương mù
dày đặc buông xuống ướt sũng, mờ mịt. Ngọn đèn của trạm thu lộ phí chỉ là
một quầng lờ mờ, có vẻ như nằm khác hẳn vị trí bình thường của nó, và ánh
sáng nó tỏa ra trông giống như một khối rắn bên trong sương mù. Chúng tôi
nhận ra điều này, và đang nói với nhau về chuyện sương mù tan dần khi gió
đổi chiều từ phía một khu đầm lầy ở trong vùng thì bắt gặp một người đang
ngồi thõng vai dưới mái che của nhà trạm.
“Xin chào!” chúng tôi dừng lại gọi. “Có phải Orlick đó không?”
“A!” anh ta thõng vai đáp lại. “Tôi đang đứng đây đợi một phút thôi,
hy vọng tìm được ai đi cùng.”
“Anh về muộn,” tôi nhận xét.
Orlick trả lời như thường lệ, “Thế thì sao? Mày cũng về muộn.”
“Chúng tôi,” ông Wopsle nói, vẫn còn lâng lâng với màn trình diễn
mới rồi của mình, “ông Orlick, chúng tôi đã trải qua một buổi tối mở mang tri
thức.”
Orlick Già lầm bầm, như thể anh ta chẳng có gì để nói về chuyện đó,
và chúng tôi cùng nhau đi tiếp. Tôi lập tức hỏi anh xem có phải anh đã trải
qua nửa ngày được nghỉ tha thẩn trong thị trấn hay không?
“Phải,” anh ta nói, “cả nửa ngày. Tao đi vào thị trấn sau mày. Tao
không thấy mày, nhưng chắc tao cũng chỉ ngay đằng sau mày thôi. Mà nhân
đây, người ta lại bắn súng đấy.”
“Ở chỗ mấy cái tàu nhốt tù ạ?” tôi hỏi.
“Phải! Lại có vài con chim sổ lồng. Súng đã bắn suốt từ lúc chập tối. Tí
nữa thể nào mày cũng nghe thấy cho mà xem.”
Quả thực chúng tôi chỉ mới đi được thêm vài thước thì những tiếng
súng tôi vẫn còn nhớ như in lại vọng tới, bị màn sương mù át bớt đi, nặng nề
rền vang theo triền đất thấp ven sông, như thể đang đuổi theo đe dọa những
kẻ đào tẩu.
“Một tối thật tốt để chuồn,” Orlick nói. “Chúng ta sẽ khó mà bắn hạ
một con chim thoát tù sổ lồng vào tối nay.”
Chủ đề này làm tôi chú ý, và tôi im lặng ngẫm nghĩ về nó. Ông
Wopsle, vào vai ông bác bị lấy oán trả ân trong vở bi kịch vừa được đọc lúc
tối, bắt đầu trầm tư thành tiếng trong khu vườn của ông này tại Camberwell.
Orlick, hai tay đút túi, hai vai nặng nề thõng xuống bước đi bên cạnh tôi. Trời
lúc đó tối mịt, ướt sũng, mặt đất đầy bùn lầy lội, vậy là chúng tôi bì bõm lần
bước. Thỉnh thoảng, tiếng đại bác nổ báo hiệu lại vang vọng tới chúng tôi, và
thêm một lần nữa rền vang dọc con sông. Tôi thu mình vào với những ý nghĩ
của bản thân. Ông Wopsle chết êm ái tại Camberwell, rồi hào hứng liều mình
ở Bosworth Field, rồi chìm vào cơn đau đớn tột cùng ở Glastonbury*. Orlick
thỉnh thoảng lại lẩm bẩm, “Đập búa xuống, đập búa xuống - Clem Già! Với
tiếng choang choang cho sắt cứng! - Clem Già!” Tôi nghĩ anh ta đã uống
rượu, nhưng anh ta chưa say.
Wopsle đang trích dẫn lại một số cảnh trong các vở kịch. Bác của George Barnwell có màn độc thoại
ở Camberwell; Richard III trong kịch Shakespeare chết trong trận Bosworth tại Bosworth Field;
Glastonbury có lẽ liên quan tới cái chết của vua John trong vở kịch cùng tên của Shakespeare.
Cứ như thế, chúng tôi về đến làng. Con đường vào làng đưa chúng tôi
đi ngang qua quán Ba Thủy Thủ Vui Vẻ, và chúng tôi ngạc nhiên khi thấy -
lúc này đã mười một giờ - nơi này xôn xao nhộn nhip, cửa ra vào mở toang,
những ngọn nến không mấy khi thấy vào giờ này đã được vội vã thắp lên đặt
rải rác bên trong. Ông Wopsle lao vào hỏi xem có chuyện gì (và đoán là một
tên tù vượt ngục đã bị bắt) nhưng rồi lại vội vàng chạy ra.
“Có chuyện không hay rồi,” ông nói, chân vẫn không dừng lại, “ở nhà
cháu, Pip. Tất cả chạy nhanh lên nào!”
“Cái gì vậy ạ?” tôi hỏi, cố bám kịp ông. Bên cạnh tôi Orlick cũng đang
chạy.
“Ta cũng không hiểu nữa. Có vẻ như nhà cháu đã bị phá cửa xông vào
khi Joe Gargery ra ngoài. Có lẽ là bọn tù vượt ngục. Có người đã bị tấn công
và bị thương.”
Chúng tôi đang chạy quá nhanh không thể nói gì nhiều hơn, và không
dừng lại cho tới khi về tới bếp nhà tôi. Trong bếp đông nghịt người; cả làng
đều đổ xô vào trong đó hay đứng ngoài sân; ở đó còn có một bác sĩ, và cả
Joe, và một nhóm phụ nữ, tất cả đang xúm lại dưới sàn ở giữa bếp. Những
người đứng xem không có việc gì làm dãn ra khi thấy tôi, vậy là tôi nhìn thấy
chị tôi - đang nằm bất động, bất tỉnh trên ván sàn trần trụi, nơi chị đã bị đánh
gục xuống bằng một cú đòn mạnh vào sau đầu, từ một bàn tay xa lạ nào đó
trong khi chị đang quay mặt về phía bếp lửa - chị tôi đã được định đoạt sẽ
không bao giờ nổi tam bành được nữa trong khi còn là vợ Joe
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)