Sự khác biệt giữa cơ hội và khó khăn là gì? Là thái độ của chúng ta! Trong mỗi cơ hội có khó khăn, và trong mỗi khó khăn đều có cơ hội.

J. Sidlow Baxter

 
 
 
 
 
Tác giả: Takeyama Michio
Thể loại: Truyện Ngắn
Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan
Biên tập: kmejoko
Upload bìa: Thanh Minh Le
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
áng hôm sau bà lão đến sớm.
"Có lời mừng! Có lời mừng nhé!" Bà vừa nói vừa mỉm cười vừa lau nước mắt. "Tôi cũng thật cảm thấy sung sướng nữa. Bây giờ các ông có thể trở về quê hương, sống một cuộc đời tốt đẹp. Từ trước đến giờ, các ông đã phải trải qua một thời gian khủng khiếp quá đi.
"Cảm ơn bà ạ. Chúng cháu sẽ chẳng bao giờ quên được lòng tốt của bà. Khi về đến quê cha đất tổ, cháu sẽ nói lại cho mẹ cháu nghe tất cả về bà".
Mọi người cho bà lão một thứ đồ trong số còn sót lại làm vật kỷ niệm. Sau cùng chúng tôi đưa cho bà con vẹt, đồng thời năn nỉ bà tìm kiếm vị sư ấy và để con chim lên vai ông ta. "Xin bà nói cho ông ấy biết bốn ngày nữa chúng cháu sẽ rời đây về Nhật Bản. Đó là điều cuối cùng chúng cháu nhờ bà làm ơn giúp hộ".
Bà lão lưỡng lự một lát, nhưng rồi đồng ý, coi như một ân huệ lúc chia tay. Áp chặt con vẹt vào má, bà nói: "Được rồi, đừng có lo. Tôi sẽ tìm cách đưa con chim này cho vị tu sĩ. Nào, chim nhỏ bé ơi, con sẽ đậu trên vai người và thờ phụng đức Phật cùng với anh con nhé."
Bà lão nói đi nói lại lời chia tay với chúng tôi nhiều lần. Chúng tôi cảm thấy buồn bã lúc nhìn bà ra đi, song lòng vẫn lo âu muốn thấy bà bắt tay ngay vào việc kiếm tìm vi tu sĩ. Sau cùng bà nói: "Tôi sẽ trở lại một lần nữa trước lúc các ông ra đi." Nhấc thúng hàng lên đầu, bà bắt đầu lạch bạch bước đi.
Chúng tôi lắc đầu một cách nghi ngờ lúc nhìn bà xa dần.
Bà ta già mà thật tốt bụng, nhưng mình chẳng thể tin được, có người nói một cách nhăn nhó.
Từ hôm sau trở đi, hầu như hết cả ngày, chúng tôi ở trong trại giam ca hát, vừa hát vừa nhìn qua hàng rào kiếm người tu sĩ có con vẹt màu xanh. Chúng tôi cao giọng hát đến tận chiều tối, lòng những hy vọng tiếng hát sẽ lôi cuốn người tu sĩ ấy. Nếu quả thực tu sĩ ấy là Mizushima, chúng tôi nghĩ, chắc thế nào anh ấy cũng lại.
Hôm đầu không có một người nào ở xa xa trong đám đông bu quanh hàng rào lại trông giống anh ấy cả. Có lần, vào ngày thứ hai, có người nói: "Anh ấy kia kìa!” Nhưng chẳng ngờ lại là một tu sĩ trẻ hơn trông khác hẳn.
Đêm ấy chúng tôi lại bàn luận. Hôm sau nữa chúng tôi sẽ rời đây ra đi. Chúng tôi tự hỏi liệu có cách nào khác để tìm anh ấy nữa không, nhưng chúng tôi lại cứ vòng vo tam quốc nhắc đi nhắc lại vẫn cứ những luận cứ cũ rích ấy.
"Nếu ngày mai Mizushima không tới, anh ấy sẽ bị bỏ lại ở đây một mình. Sẽ không bao giờ trở về Nhật Bản." "Có lẽ ông sư ấy chẳng phải là Mizushima đâu."
"Tớ đoán không phải. Cậu nhớ điều đại úy nói với chúng mình đêm ấy, sau khi đình chiến, về chuyện cùng nhau chia sẻ số phận chung. Chúng ta sẽ cùng sống hoặc cùng chết với nhau, đại úy nói, và nếu trở về Nhật Bản, chúng ta sẽ cùng trở về với nhau - tất cả anh em - và cùng làm việc để xây dựng lại tổ quốc chúng ta. Đại úy nói như thế có phải không? Mizushima là người cương quyết nhất trong anh em - nếu anh ấy không trở lại, thì chắc chắn là chết mất rồi!". "Đúng, nhưng hẳn đó phải là tiếng đàn thụ cầm của anh ấy chúng ta nghe thấy khi chui ra khỏi pho tượng Phật."
"Nhưng đến cả thằng bé ở cửa chùa cũng chơi như thế, và tại sao anh ấy lại tới gần đến thế mà vẫn không nhập bọn với chúng mình... ồ, thôi quên chuyện ấy đi."
"Thế cậu nghĩ cái gì đã xảy ra với anh ấy?"
Trong lúc đại úy âm thầm chăm chú lo thủ tục giấy tờ liên hệ đến việc hồi hương của anh em. Không bao giờ ông nhắc đến Mizushima nữa; hình như ông cũng tránh cả việc bàn đến chuyện anh. Có lẽ ông đã đi đến kết luận là anh ấy đã chết hoặc cố gắng quên anh ấy đi. Thái độ của ông có vẻ thay đổi và thái độ ấy làm chúng tôi thắc mắc.
Vào hôm thứ ba giọng chúng tôi bị khàn. Tiếng hát phát ra nghe chẳng có gì là hay -chúng tôi cố ép những cái cuống họng đau đớn phát ra âm thanh. Đám người đứng nghe có vẻ xì xào và chúng tôi vẫn thường nghển cổ nhìn qua hàng rào nên ai nấy đều ngạc nhiên tưởng có cái gì đang xảy ra bèn quay lại nhìn. Những người nào cho là chúng tôi đang trố mắt nhìn họ thì đang liếc mắt nhìn quanh ngơ ngác; trẻ con không cùng hát với chúng tôi nữa, các cô gái thôi không nhảy múa, nhưng bẽn lẽn lẻn ra đằng sau đám đông.
Buổi sáng cứ thế trôi qua.
Tu sĩ Miến Điện sống nhờ vào những chiếc bát hành khất. Sáng ra họ rời chùa rồi đi thành hàng một tới thành phố. Đàn bà trong các gia đình nấu cơm từ trước rạng đông và chờ họ đến. Không nói năng gì, người tu sĩ dừng bước trước cửa nhà, rồi một người đàn bà đưa tay ra và cung kính đổ đầy thức ăn vào cái bát ông ta đang cầm. Mỗi ngày tu sĩ ăn một bữa, luôn luôn trước ngọ. Qui luật này vốn được duy trì rất khắt khe. Do vậy, quá ngọ một chút, sau khi đã đi hành khất, đa số họ đến nghe chúng tôi hát.
Chúng tôi cứ tiếp tục hát ngay cả lúc ăn cơm trưa; và trong lúc hát chúng tôi nom thấy những ông sư lần lượt xuất hiện phía bên kia hàng rào. Một ông sư già, tóc xám bạc, người cúi khom, tay hầu như chạm mặt đất, đang ngồi ngoảnh mặt nhìn chúng tôi và đang hát một bài kinh, giọng thật lớn. Có lẽ ông nghĩ những bài hát của chúng tôi là những bài kệ dâng đức Phật, hoặc cũng có lẽ ông cho là giọng chúng tôi nghe từa tựa tiếng một ca đoàn tiên nga bay bổng trên mây tại cõi Niết Bàn. Theo hầu ông là hai chú tiểu, da đen xạm, đang đứng phía sau cung kính cầm những bông hoa.
Hôm ấy người ta xúm xem đông nghịt nên ngay cả những tay làm trò mua vui chuyên nghiệp cũng bị lôi cuốn theo. Gần ngay hàng rào có một tay đang dùng hai con hổ mang làm trò. Rắn hổ mang thích âm nhạc; và khi lắng nghe chúng uốn éo làm đủ thứ trò. Hai con hổ mang này uốn mình vẽ hình chữ trên mặt đất; chúng cuộn vào nhau thành nhiều hình thù hoặc tách rời nhau ra, ngỏng cái đầu dẹt (nọc độc đã được lấy ra rồi), bạnh to cái cổ rồi nhún nhảy múa theo nhịp sáo cùng tiếng cồng của người chủ.
Dưới một tàn cây gần đó, thằng bé từ ngôi chùa tới, đang ngồi gảy đàn thụ cầm. Nếu nó đã đến sớm hơn một chút, thì có thể chúng tôi đã nghe thấy rõ ràng hơn. Chúng tôi cảm thấy bất mãn đặc biệt bởi lẽ chắc hẳn chính nó là người nhạc sĩ thụ cầm bên trong pho tượng Phật nằm nghiêng ấy.. Tuy nhiên hôm nay đám đông vẫn chăm chú lắng nghe chúng tôi đồng ca, và nó chơi ít nên chúng tôi không thể nhận định về tiếng đàn của nó.
Trong suốt ba ngày qua chúng tôi đã hát hết tất cả những bài ca chúng tôi thuộc, chỉ trừ bài Hanyu no Yado. Mỗi bài có một kỷ niệm đặc biệt; và bây giờ khi sắp sửa rời nơi đây anh em chúng tôi hát những bài hát ấy với nguồn xúc động sâu xa. Tuy nhiên, bài làm chúng tôi xúc động nhất ấy là bài Miyako no Sora - Bầu Trời Thủ Đô.
Miyako no Sora là bài hát của Đệ Nhất Trung Học ở Tokyo, học sinh trường này thường hát lúc tiễn biệt bạn học cùng lớp phải rời mái trường đi ra mặt trận. Hết lớp người này đến lớp người khác họ đã ra đi, như thể có bàn tay vĩ đại vô hình nào vẫy gọi và hình như có một thời bài hát đó đã vang qua các sân trường suốt cả ngày từ sáng sớm đến tối mịt. Một cựu học sinh của trường này đã dạy chúng tôi bài hát ấy khi đại đội của anh ta chẳng ngờ lại đóng quân trong cùng một thành phố với chúng tôi. Đó là một điệu hát dịu dàng dùng để tiễn đưa các thanh niên lên đường đi chiến đấu, một bài hát có nhịp điệu vui tươi, trong sáng, tuy nhiên cũng chứa đựng nỗi buồn thấm thía. Cho đến bây giờ cứ mỗi khi nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể nghe thấy bài hát ấy. Lúc để tai lắng nghe, tôi thấy điệu hát gợi lại nhiều kỷ niệm sinh động của những ngày ấy. Nếu trong thời chiến tranh dân tộc Nhật Bản đã hát những bài ca dịu dàng hơn như bài Miyako no Sora thay vì những bài ca ái quốc rẻ tiền, thì có lẽ nhiều người đã thoát chết một cách hiên ngang hơn.
Hôm ấy chúng tôi hát bài Miyako no Sora như thể để than tiếc tuổi trẻ bi đát của mình và đồng thời để cảm thấy an ủi; chúng tôi cảm thấy một sức mạnh đang thức dậy trong lòng chúng tôi. Nhưng vừa lúc ngừng trước khi vươn vút lên cao, chúng tôi đã nuốt mất giọng. Bài hát bỗng dưng đứt đoạn.
Trong lúc chúng tôi hát đám đông ngoài hàng rào thay đổi chỗ đứng - và chúng tôi thoáng nhìn thấy một người đàn ông mặc áo cà sa màu vàng nghệ. Chúng tôi trố mắt nhìn ông ta trừng trừng nên vài cô gái đứng gần đó lộ vẻ lúng túng, ngượng ngập. Mặt đỏ bừng, e thẹn nhìn nhau, các cô ấy lẻn ra xa.
Khi đám người quanh ông ta tản dần đi ra chỗ khác, mình mới nhìn thấy đó rõ là một thầy tu. Trên mỗi vai ông ta có một con vẹt màu xanh óng ánh.
Cuộc hát biểu diễn chấm dứt. Những người dựa lưng vào hàng rào lắng nghe bắt đầu cựa quậy. Cảm thấy có cái gì khác thường đang xảy ra, họ đưa mắt nhìn quanh, dáng vẻ tò mò. Cuối cùng tất cả đều dán mắt vào ông sư ấy.
Nhưng con người tu hành này vẫn đứng nguyên như thể chôn chân dưới đất, nét mặt không mảy may biến đổi. Thế rồi, một, con vẹt vươn mình và thì thầm thỏ thẻ vào tai ông ta: "Ê, Mizushima! Ê, Mizushima! Chúng mình hãy cùng nhau trở về Nhật Bản."
Chúng tôi nghe rõ mồn một. Tuy nhiên, ông sư vẫn không hề nhúc nhích.
Có phải đó là Mizushima - hoặc không phải? Chúng tôi đều ngạc nhiên, vì trông giống quá! Ông sư nhìn chúng tôi đăm đăm qua cặp mắt ẩn sâu trên khuôn mặt lạnh như tiền của một con người huyền bí. Nước da ông ta không rám nắng như chúng tôi tưởng - trái lại trông có vẻ nhợt nhạt, xanh xao - đôi môi đỏ thắm vì quết trầu. Choàng kín người tấm cà sa rộng thùng thình, ông ta có vẻ thầm lặng như một pho tượng. Khuôn mặt là hình ảnh khuôn mặt Mizushima, nhưng vẻ mặt lại nhẹ nhàng, hiền từ hơn. Hình như ông đang trầm tư, nhìn vào trong chính trái tim mình.
"Ê, Mizushima...", một anh gọi, giọng không rõ rệt.
Ông sư hình như không nghe thấy. Nhưng con vẹt màu xanh lợt, rít lên một cách bứt rứt
rồi bắt đầu nói: "Chúng mình hãy trở về! Cùng nhau trở về Nhật Bản!"
"Tớ đoán không phải anh ấy đâu," một người khẽ nói.
Ông sư đứng nhìn chúng tôi, mắt lim dim. Chúng tôi lưỡng lự. Nếu gọi lầm, có lẽ chúng tôi xúc phạm một tu sĩ Phật giáo đáng kính trọng vô cùng, như vậy cũng xúc phạm cả những người đứng quanh nghe chúng tôi hát. Người lính gác cũng đang để mắt nhìn. Hình như chẳng có cách nào khác, đặc biệt là vì chúng tôi bị ngăn cách với ông ta bởi hai hàng rào tre. Chúng tôi thì thầm một lúc, rồi bảo nhau hát bài Hanyu no Yado, bài Mizushima thích nhất. Đây là lần đầu tiên trong bao nhiêu tháng, chúng tôi lại hát bài này. Mới bắt đầu khởi giọng, chúng tôi đã hồi tưởng ngay đến buổi đồng ca vui thú ấy ở bên bờ hồ, đến tiếng nhạc đệm nguy hiểm cây thụ cầm phát ra trên chiếc xe chở đạn... Tất cả cảm xúc của chúng tôi về tình đồng đội, tất cả nguồn vui nỗi buồn mà chúng tôi trải qua trong vùng đất nhiệt đới kỳ lạ này, tất cả những khốn đốn, gian nguy chúng tôi đã gặp phải, tất cả những hy vọng, những chán chường, những đổi thay đột ngột quyết định số phận anh em - tất cả gói ghém vào và ràng buộc với bài hát này. Ông sư đứng đó bất động, như thể không có cảm xúc, tuy nhiên rất hiên ngang. Chúng tôi hát hết đoạn này đến đoạn khác, giọng lên cao trong bài cuối cùng. Bỗng dưng ông sư gục đầu về phía trước. Vén vạt áo cà sa lên, ông bước vội qua đám đông đi về phía thằng bé dưới tàn cây. Ông cầm cây thụ cầm của thằng bé, rồi trở lại hàng rào. Ông nâng cây đàn lên rồi hăng hái tấu phần hòa âm bài Hanyu no Yado của Mizushima.
Đúng ông sư ấy là Mizushima rồi! Chúng tôi rú lên reo vui. Sau một thời gian xa cách lâu dài đến thế, đằng đẳng hơn một năm trời, chúng tôi mới lại có dịp hòa tiếng hát của mình vào phần hòa âm của anh ấy. Lúc này anh ấy đã thay đổi và hoàn toàn trở lại anh Mizushima xưa kia. Môi mím chặt, đôi mắt xuyên thấu ngước lên cao, anh ấy ôm cây thụ cầm, tay bấm vào dây, dáng vẻ phóng túng, tự nhiên.
Đích là Mizushima một trăm phần trăm rồi! Đích là trung sĩ Mizushima, niềm kiêu hãnh của đại đội, người thanh niên can trường băng mình qua rừng núi, qua thung lũng xứ Miến Điện với cây thụ cầm trên vai đã bao lần cứu thoát, dẫn dắt anh em băng rừng, giữ cho tinh thần anh em lên cao. Chúng tôi giậm chân trên mặt đất vì vui sướng khôn tả. Khi bài hát chấm dứt, chúng tôi ùa ra hàng rào phía trong, rồi vừa ngả người trên đó vừa lớn tiếng gọi anh:
"Mizushima, ngày mai chúng tôi trở về Nhật Bản." "Hay quá cuối cùng anh đã trở lại!"
"Vào đây, mau lên nào!"
Và vài người gọi với ra, giọng nóng nảy, hầu như nghẹn ngào nuốt nước mắt: "Trong suốt thời gian ấy anh ở đâu? Nói rõ cho anh em nghe đi."
Nhưng Mizushima cứ đứng ì ở phía bên kia hàng rào, im lặng nhìn xuống. Sau một lúc anh ấy lại nâng cây thụ cầm lên và bắt đầu chơi. Đó là một điệu nhạc buồn buồn, chầm chậm, nghe quen thuộc một cách lạ kỳ... Dĩ nhiên rồi! Đó là bài hát khi tốt nghiệp chúng tôi đều đã hát vào ngày cuối cùng ở trường tiểu học. Anh ấy chơi hết cả bài với phần hòa âm thật đẹp, rồi nhắc lại điệp khúc: "Bây giờ chúng mình phải chia tay, phải chia tay rồi anh em ơi..."
Chúng tôi lắng nghe, tim nhói đau. Mizushima chơi phần điệp khúc ba lần, rồi đầu cúi xuống hướng về phía chúng tôi, anh nhanh nhẹn quay gót rẽ đám đông mà đi.
Nhìn thấy anh ấy bỏ ra đi tất cả anh em đều vẫy tay, gào lên để cố níu giữ anh ấy lại: "Ê, Mizushima! Chúng mình hãy cùng nhau trở về Nhật Bản!"
Nhưng người tu hành ấy chỉ hơi khẽ lắc đầu, và cứ tiếp tục cất bước không ngoái nhìn trở lại. Bên vai trái, ông đeo cây thụ cầm và con vẹt màu xanh đậu trên đó; bên vai phải ông không mang gì hết, trừ con vẹt kia mà thôi. Hai con chim đang vừa lùi xa vừa nói chuyện với nhau.
Cây Đàn Hạc Miến Điện Cây Đàn Hạc Miến Điện - Takeyama Michio Cây Đàn Hạc Miến Điện