Số lần đọc/download: 3598 / 118
Cập nhật: 2016-03-10 08:46:13 +0700
Phần 3: Giọng Cười Trong Tiếng Nói Tú Xương.
T
ú Xương là người trong quá trình lao động nghệ thuật, đã thừa kế được cái cười dân tộc.
Thừa kế và phát triển. Ở nhiều bài, chữ thơ, tiếng thơ, vần thơ, hơi thơ của Tú Xương có giá trị bổ sung thêm cho tiếng cười dân tộc. Thêm cái điệu cười Tú Xương vào, tiếng cười dân tộc như là thêm ra âm sắc, như là thêm ra nhiều đốt nhiều khớp. Do đó, trong mọi tiếp xúc với đời sống để phản ánh lại sự sống, tiếng cười duỗi ra co vào có sự thoải mái hơn.
Trong tiếng thơ, tiếng nói Tú Xương có một giọng cười một lối cười đặc biệt của Tú Xương. Xin mời các bạn cùng tôi bước vào chốn vườn hoa Tú Xương đang nở nhiều hương cười sắc cười. Nơi đó nhiều bông nẫu cánh lả cành mà vẫn có cái dư hương của vui sống. Cũng không cần phải đi theo trình tự trật tự gì, mà thấy cây nào ra hoa mà tiện mắt, tiện tay, tiện chỗ, thì ta nên xem trước.
Trong mớ tập tục xã hội cũ, còn gì nghiêm cẩn, trang trọng và phải kiêng cữ bằng những quan hệ xã giao vào ngày Tết đầu năm. Không ai không chúc nhau một điều gì. Và càng những người không ra gì về đức tài tư lại càng mang những cái đó ra mà tặng nhau một cách thật là xa xỉ om sòm. Nghe mà lộn ruột lên được, Tú Xương phải làm luôn năm bài tứ tuyệt, gọi là có ý kiến chút đỉnh với cái Tết bừa bãi như thế của thiên hạ.
Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau
Cả trong năm bài chúc Tết, thì bốn bài đều dùng đại danh từ nó. Nó đây là ai? Nếu tôi hiểu không sai lắm, thì nó đây tức là cái bọn rởm, cái lũ hợm, cái đám hách, cái tầng lớp hãnh tiến, cái mặt trái của khẩu hiệu "phú, quý, thọ, khang, ninh" đương thời. Cho nên, có vị độc giả nào thích chấm điểm cho hạnh kiểm thi nhơn, cũng không nên máy móc mà kêu Tú Xương là khinh bạc. Không khinh bạc với cái đám điêu bạc ấy thì rồi ra dành cái phần trung hậu với ai đây?
Cái cười Tết của Tú Xương, Tú Xương bèn rao to nó lên. Để cho cái đám đa thọ (mà không thấy là đa nhục) kia phải chạy ra mà nhận lấy cái cười ấy. Tú Xương tự cho mình là một ông bán cối thọ, và cái cười Tú Xương trở nên một thứ vôi của miếng trầu lỡm mà đang "thiên hạ bao nhiêu đứa giã...!'.
Nó lại chúc nhau cái sự Sang
Đứa thời mua tuổi đưa mua quan
Tú Xương liền nhập cái cười của mình sang một cái lọng. Cái lọng xòe lên một đống nhơ, và cái cười của ông lái lọng văng ra thành một câu chửi. Vừa chửi khách vừa rao hàng, không những đã không ai đánh tên bán hàng mà thiên hạ lại còn cứ lăn vào mà mua, vì cầu nhiều cung ít, vì quan nhiều lọng ít. Nói chung bốn bài tứ tuyệt trong năm bài chúc Tết, cảnh tình khác nhau, nhưng đều chung một cái cười trùm lên của Tú Xương. Một cái cười không cất lên thành tiếng. Cái cười ấy không hiện trực tiếp ở chữ, ở từ, mà nó lẩn vào trong sự kiện. Nó có tí chua tí chát, và cũng thuộc vào loại võ khí nổ chậm.
Tiếp đến bài tứ tuyệt thứ năm chúc Tết, hình như Tú Xương vừa cho thu hồi lại một cái cười chẳng được đừng.
Vừa bảo với tất cả: Thôi, không đùa nữa. Bây giờ bàn vào cái chính tang của vấn đề nhân phẩm. Thì với các người, ta có mấy lời rằng:
Sao được cho ra cái giông người (!).
Đến bài tứ tuyệt thứ năm, vì tắt cái cười, mà hơi thơ nhịp thơ đều chuyển hết. Cái cười héo hết trên miệng cợt, và nơi khóe mắt cũng sa thầm mấy giọt thương.
Một cô me Tây, chán chồng Pháp cô-lô-nhần cô xoay ra đi ở chùa. Tú Xương cười.
Rứt cái mề đay ném xuống sông
Thôi thôi tôi cũng mét xì ông!
Loại cười này dễ hiểu nhất. Đọc bằng mắt hay nghe bằng tai, đều cười được ngay. Kiểu cười này không có gì sâu sắc thâm thúy, nhưng ưu điểm của nó, là nó có ngay, nó đến ngay, không phải thông qua sự giải thích nào.
Đắp móng xây tường cho cái cười này, không tốn công nhiều, chỉ cần ông phó cả ấy biết chọn lấy những viên gạch cần thiết. Những âm chữ lai căng ngoại ngữ "mề đay", "mét xì" đó, chính là những viên gạch được chọn đưa vào. Những viên gạch này, đối với nhà khảo cổ, còn có cái đặc tính đánh dấu lại một giai đoạn lịch sử lúc Tây mới chiếm nước ta.
Đùa một cô gái hàng phố khác làm ra bộ ta đây đoan trang lắm, Tú Xương vẫn cười bằng cái cười đã dùng với cô me Tây vứt mề đay:
Hầu lô Khách đà ba bảy chú
Mét xì Tây cũng bốn năm ông
Cười ở đây, cũng vẫn dễ cười thôi. Cách thao diễn của Tú Xương ở trường hợp này vẫn là lối kỹ thuật dễ dàng, đưa ra tới đâu, liền kết quả ngay tới đó. Nhưng muốn cho cái cười đó trở nên ý nhị hơn, tự người bạn thơ trung bình của Tú Xương phải hình dung ra cái môi trường "ông Tây chú Khách" nhố nhăng của tiếng cười đó. Thử bằng miệng mình nhại lên mấy tiếng trọ trẹ ngoại lai xi xố xì xồ kia, thì càng thấy chữ nghĩa nó thật là buồn cười!
Cũng vẫn lấy từ lấy chữ ra mà cười bằng từ bằng chữ, nhưng cái cười Tú Xương đã đi dần vào chỗ tinh vi của ngôn ngữ. Ví dụ như vịnh đi thi, có hai người giành nhau đỗ cao đỗ đầu:
Hai đứa tranh nhau cái thủ khoa
Những từ những chữ vốn thường dùng, nay trải qua một cách luyện kim của Tú Xương, đã tạo hẳn một quan hệ mới. Câu thơ tả trường thi, hóa ra phản ảnh những thực phẩm. Và hai người học trò công danh kia đang xùy chữ Hán ra, lạm danh kẻ sĩ mà đòi mà nhận phần thịt, sao cho người nọ nhanh tay hơn người kia. Trên quầy dính máu và mỡ, cái thủ khoa chỉ còn là một cái thủ lợn. Anh đang định xem cái trật tự của một nơi học hành thi đua, thơm phức mùi mực tàu giấy lệnh, thì người ta lại cho ông thấy một cái trật tự của cá thịt ỏm tỏi. Cái cười hiện ra từ chỗ đột xuất đó, và người được cười không hề thấy mình bị đánh lừa gì cả.
Đi lần lần vào sự tinh tế của chữ nghĩa, tức là càng đi vào cái thế giới tiếng cười của Tú Xương, Tú Xương khen để mà chê ngay những người trúng cử nọ:
Năm nay đỗ rặt phường hay chữ
Kìa bác Lê Tuyên cũng thứ ba.
Nếu thật tình là khen, thì phải nói là "... đỗ toàn những người hay chữ", chứ tiếng rặt và tiếng cũng đó, chỉ là mỉa thôi. Cái cười mỉa, tạo nên do biết đặt chữ, đặt nó khớp đúng vào chỗ đích đáng của nó.
Cũng cái cách lọc chữ luyện chữ đó để đánh cái hư cái hỏng, Tú Xương than cho một người đàn bà hủ hóa:
Mới biết hồng nhan là thế thế
Trăm năm trăm tuổi lại trăm thằng.
Nếu hai câu này, tôi lấy tay bịt đi ba tiếng cuối, để cho anh chỉ đọc thấy "...hồng nhan là thế thế - Trăm năm trăm tuổi..." thôi, thì anh thấy đó chỉ là câu mào đầu tầm thường nào của một sự tuyên bố nhạt nhẽo nào đó thôi. Nhưng tôi lại mở chỗ tay bịt ra, anh đọc liền một hơi "trăm năm trăm tuổi lại trăm thằng", thì anh thấy ở anh đang trở lại một tiếng cười. Một tiếng cười quen thuộc. Tiếng cười Tú Xương đó, xếp ra một cách toán pháp như thế này:
năm = tuổi = thằng. Tưởng một trăm năm (trong cõi người ta) thì thành ra cái gì, đưa cho ta cái gì, chứ một trăm năm là một trăm tuổi thì có gì mà trịnh trọng bằng lời thơ như vậy? Nhưng thôi, một trăm năm một trăm tuổi rồi sao nữa: Rồi đến "một trăm thằng"? Theo dõi thực tế sự sống trong câu thơ, ít ai chờ đợi sự phát hiện này. Và trên cái đống gạch đá không ăn thua gì với nhau kia, chữ lại đã là một thứ vữa xi măng, quyện chúng nó lại. Có cái chất vữa hồ lại đó, mới xây nên được tiếng cười. Một trăm năm, một trăm tuổi, một trăm thằng, hay là mấy trăm thằng? Cái cười kéo rần như một câu vè của cả hàng phố làm ra để cười cái sự "bao nhiêu tuổi, bao nhiêu năm tháng, bao nhiêu đêm ngày là bấy nhiêu thằng".
Đùa sang một ông đàng điếm có tuổi, tức là một con đi đực bệ vệ râu bạc tóc bông, cái cười của Tú Xương loãng hơn nhẹ hơn:
Lắng tai non nước nghe chừng nặng
Chớp mắt trăm hoa giả cách nhèm
Cần lắng kỹ hơn, mới nghe thấy tiếng cười nó cười một người đui điếc, giả điếc giả đui một cách có lợi cho riêng mình, cho riêng cái tuổi mình.
Và lý thú thay, khi Tú Xương đem cái cười mà soi vào một anh tiểu tư sản thành thị lúc Tây bắt đầu mở mang thị trường. Cái ông nhà nho này xoay xở đủ cách, chạy chọt đủ khóe, trưng thuế trưng thầu, nho, y, lý, số, thầy dùi, thầy cò, nguồn kinh tế trong đời sống toàn là nghi vấn.
Bụng ông rặt những máy đồng hồ
Múa lộn vòng quanh đủ mọi trò
Một đám nhà nho biến chất và tâm thuật đã giống như cái kiểu đồng hồ bị anh chữa đồng bất lương thay đi chân kính khác, đổi đi dây cót khác. Nay đem cái cười - máy - đồng - hồ ra mà đả con người phức tạp đó, đã khá hiện đại thay và linh hoạt thay cái cười của Tú Xương?
Sẵn có một cách nhìn nó nảy ra chất cười, Tú Xương bật buồn cười khi người khác trịnh trọng khăn áo nhang khói... mà lạy múa, mà lên đồng, mà khiêu vũ tôn giáo.
Khen ai khéo tạc sự lên đồng
Một lúc lên ngay sáu bảy ông
Đem cái cười này vào giữa điện, đền, phủ thì, trừ những con đồng định đùa dai quá, còn nói chung các con đồng khác mà thánh thần chỉ nhập ốp đến mức nào, thảy đều thấy có thể thăng được rồi. Trong bài Lên đồng, cái cười Tú Xương có được tính khử độc dã độc. Từ chỗ làm mất thiêng đi những gì là tôn nghiêm giả tạo trong cái đền thờ, cái cười Tú Xương đánh bồi luôn vào con đồng cho nó thăng hẳn đi:
Đồng giỏi sao đồng không giúp nước
Hay là đồng sợ súng ca nông!
Từ một ngôi đền lăng nhăng, cái cười sắc cạnh của Tú Xương nhảy sang chiếu thơ xuân của một tao đàn tầm bậy; nơi đây hồn thơ thì ít mà bã rượu bã thịt thì nhiều, nói tâm hồn mà chỉ thấy có lòng tràng cổ hũ:
Ý hẳn thịt xôi lèn chặt dạ
Cho nên con tự mới thòi ra.
Cái cười ở đây phụt lên từ một thùng hỗn độn rượu thịt tọng vào những cái bụng xuân đinh ninh là chứa chấp thơ. Trên cái đống thượng thổ hạ tả quá dung tục ấy, thơ (con tự) đã xuống hết chất, và đặc lại thành một khúc dồi lợn thiu. Nó đã có mùi hôi, nó lại xấu ở cái dáng nó thòi ra, như là mọi sự tục tĩu vẫn thòi ra giữa lúc vô ý của người ta. Người ta liền trông thấy cái buồn cười, sau khi đánh hơi phải cái buồn cười.
Các bậc triết nhân thường nói rằng cái cười là đặc tính của con người đã được tách ra khỏi loài vật. Nay Tú Xương chơi khăm, lại lấy cái cười của mình ra mà bắt một người đồng loại của ông phải "đầu thai" lộn vòng lại mà làm một con vật. Con vật này nguyên là một ông cử nhân chính tên là Ba, và Tú Xương hóa nó thành ra một sinh vật thuộc loại rùa. Ông cử Ba mặc dù dốt quá mà cứ được đỗ đó, đã thành ra một con ba ba.
Ai ngờ mũ áo đến ba ba
...Tuy rằng cổ rụt mà không ngỏng
Hễ cắn ai thì sét mới tha
Bài thơ Ông cử Ba gây cười ở cái cách Tú Xương làm ngược lại cái kiểu làm cổ truyền của những nhà thơ ngụ ngôn hay nhân cách hóa loài vật, cho con chim con thú nói, nghĩ, làm như giống người. Tú Xương bắt quẹo lại, cho kiếp người dốt đỗ to kia trở về kiếp vật. Mũ đẹp, thân danh nó không có tội lỗi gì nhưng khi nó đặt lên cổ rụt ba ba, thì trông nó buồn cười: nó đè nặng xuống, không cho cái bất tài đó ngỏng lên. Cái giống ba ba, đặc thù của nó là cắn rất phàm, đớp được ngón tay ai, liền thụt đầu vào mu vỏ, có bật bùi nhùi vào đít cũng không chịu nhả. Bà con nông dân có kinh nghiệm bị ba ba cắn, là chỉ còn có chờ dông gió lớn, hễ sấm động thì nó mới chịu nhả ra. Ở câu cuối bài thơ ngụ ngôn trái khoáy, Tú Xương muốn nói rằng "cái giống học dốt, đỗ được vì sự cất nhắc bất công ấy mà bập được vào công danh, thì chỉ có giời họa chăng mới gỡ nổi!". Thật đấy, con ba ba nghe sét nghe sấm còn nhả ra, chứ đến thứ "người-dốt-ba-ba" thì sét có đánh chăng nữa, hắn ta cũng cứ xin chết luôn tại trận, nghĩa là có phải chết, thì cũng xin cho được chết trên ghế sở ghế tòa cho nó được trọn một kiếp!
Cái cười kiểu "ngụ ngôn con ba ba" đó muốn liệt nó vào loại tai ác cũng được. Và bên cạnh cái cười quái ác đó, Tú Xương vẫn nhiều những nét cười thật là lành hiền, lành hiền của những cái gì hồn nhiên thơ ngây. Ví dụ, khi nhặt được của rơi, Tú Xương đã lấy một vẻ cười hồn nhiên ra mà nghĩ về cái đồng tiền Tự Đức bắt được lúc đầu năm Tết vừa xuất hành ra khỏi ngõ nhà mình.
Ý hẳn nhà nho sang vận đỏ
Hay là con tạo thử người tiên
Muốn đem trả nợ đòi nhà lại
Hay để làm lương giúp chúa hiền.
Ai cũng thừa biết rằng cái đồng tiền đồng, cái đồng tiền kẽm nhặt được của đường kia, không có được bao lăm giá trị mua bán trên thị trường hiện vật. Từ cơ sở một giá trị vẩy hến tiền tệ đó, Tú Xương nghĩ và bàn đến nhiều thứ chuyện to ích nước lợi nhà! Về tiết tháo! Về số phận! Nhìn vào bấy nhiêu chữ thơ, thì không có chữ gì trực tiếp gây ra cười cả. Nhưng nó buồn cười ở cái cách tính toán và khuếch đại của người nhặt được của rơi. Cái cười không nở ra. Cái cười chỉ mới là một cái nụ của một thứ hoa muốn thơm thảo.
Tú Xương đã đem cái cười thơ lành ấy ra mà cười với một cỗ đồ chơi Tết rằm tháng tám của trẻ em: ông tiến sĩ giấy.
Ông đỗ khoa nao ở xứ nào
(...) Mỗi năm một Tết Trung thu đến
Tôi gặp ông nhưng chẳng muốn chào
Thơ đùa này, truy cho cùng, vẫn có dính dấp đến cái tâm sự một người đỗ thấp mà lại còn công khai coi thường những anh đỗ cao, coi phần nhiều thiên hạ chẳng qua cũng là tiến sĩ giấy rỗng ruột cả đó thôi. Nhưng cái điều bực bội vốn có ở Tú Xương ấy, trong bài thơ này, không thấy bật ra lời. Mà lời đây chỉ là một cái cười hồn ngây góp vào một ngày vui của thiếu niên vui trăng chín trăng tròn. Nhìn cái ông tiến sĩ làm bằng giấy bồi, Tú Xương như quên đi mọi tiến sĩ giấy đang thật sự sống lù lù quanh đám hội.
Tú Xương dừng lại trước một đám cỗ trước một ông tiến sĩ đồ chơi, đối thoại thầm với đồ chơi như mọi trẻ em khác. Nhưng dù muốn hay không muốn, cái tính nghịch đùa lại vẫn bật ra: "Tôi gặp ông, nhưng chẳng muốn chào". Cái cười nằm trong một câu hỏi. Hỏi như thế, thì đến cái đồ chơi kia không đáp lại được lời chào (nếu Tú Xương muốn chào thật), đến nó cũng phải bật cười?
Những kiểu hồn ngây như thế, không cẩn thận thì cũng dễ thành ra lẩm cẩm và rẻ tiền. Những câu thơ về chuyện bán thực phẩm thừa cho Tây cũng là nằm trong cái mạch buồn cười hồn nhiên bất ngờ và mát mẻ đột ngột đó:
Trồng ngô lại trồng đậu
Cấy chiêm lại cấy mùa
Ăn không hết thì bán
Bán đã có Tây mua!
Nói về xúc cảm và tình cảm, cổ nhân lọc ra bảy tình:
1 Tình mừng, 2 - Tình giận, 3 - Tình thương, 4 - Tình vui, 5 - Tình yêu, 6 - Tình ghét, 7 - Tình muốn (dục).
Khi bàn đến cái cười, tức là ta đụng vào hai tiết mục thứ nhất và thứ tư của bảng tình cảm trên. Trong cái cười, thường là có hỷ (mừng) có lạc (vui). Nhưng cái cười Tú Xương lại có cả ố nộ nữa (ghét, giận). Như bài than cho sự thi:
(...) Ới thi ơi là thi!
Ới khỉ ơi là khỉ!
Tôi như hình dung thấy tiếng cười sằng sặc này. Tôi muốn dàn cảnh và đạo diễn cho tiếng cười này: sau khi trường thi yết lên những người dốt lại được đỗ, thì ở một cái sân nhà nho nào đó, có một mâm rượu để mạn đàm tiếu đàm về thi thiếc tài tiếc: Những tửu đồ bất mãn này, người nói, người chế, người chửi, người lặng thinh mà tức giận chán ghét. Bùng lên hai câu than "Ối thi ơi! Ối khỉ ơi!" Tú Xương sằng sặc, tiếng cười Tú Xương như tổng kết bữa rượu bất đắc chí của cả bọn. Tiếng cười như phá.
Tiếng cười tung hê đi mâm rượu, tung hê đi cả cái sự khen thưởng của triều đình. Trong lòng ngõ sâu, cả bọn chân tài say rượu ra về, rền lên tiếng cười ngặt nghẽo mà phẫn nộ, cái tiếng cười dấy loạn của Tú Xương.
Thời của Tú Xương là cái thời mà người ta cũng hay cười. Tình hình nhiều mặt trong một xã hội mất nước còn có gì là vui nhưng không phải tắt hết giọng cười. Những cái cười dân gian và cười sĩ phu ấy nó vẫn nằm trong cái mục thanh nghị cổ truyền. Nó là cái tiếng phê phán của một dư luận đối với một trật tự luân lý cũ song song tồn tại một cách vật vờ cạnh một trật tự mới nhập cảng vào.
Làm sao mà lại không phì được cười vào cái giao thời đó, vào cái thời đó. Cái thời mà có những vị:
(...) Tổng đốc khéo tinh ngầm
Chiều bố cu Tây cõng mẹ đầm
Đôi vú vắt vai đầu nghển nghển
Hai tay bưng đít mặt hằm hằm
(Yên Đổ Nguyễn Khuyến)
Cái cười của cái thời ấy thường phải rút vào bóng tối 6. Và những cái cười bí mật đã đóng góp vào văn thơ bí mật thời ấy. Nó không được đông và nhiều như thơ văn yêu nước làm suốt thời kỳ đi tù đế quốc, nhưng nếu các nhà sưu tầm đi sâu vào vỉa than này, tôi cho rằng sẽ lọc được ra nhiều vè nhiều thơ quý. Trong số những loại cười bị vùi kín đi đó, nhân một buổi đẹp giời uống rượu, có người cho tôi được mấy câu dưới đây (mà tôi rất tiếc là chưa kịp hỏi được ra tên người chủ nó):
Chẳng phải chó cũng chẳng phải mèo
Cái mặt phèn phẹt đuôi cong queo
Ngày ngày hai buổi chầu quan sứ
Kiểu mẫu cụ tuần thật khó theo.
Để thấy cho đầy đủ ý nhị của cái cười nhà nho này, cho phép tôi thuật lại điển tích của bài thơ. Hồi đó, ở một tỉnh miền Bắc nọ, quan tuần phủ cứ phải ngày ngày sang làm việc ngay tại dinh quan công sứ Pháp. Sau này quan tuần mới có dinh riêng. Một hôm nào đó quan sứ sang đáp lễ thăm quan tuần tại dinh quan tuần. Lúc ra về, ngài sứ lịch thiệp vẫn chưa tìm được ra câu gì để ban khen cho quan tuần phủ ngoan ngoãn. Xuống hết tam cấp gần ra đến cổng dinh, quan sứ bỗng nhìn thấy hai con nghê nơi trụ cột đắp bằng vữa và mảnh sứ. Ngài sứ xoa đầu con nghê tam cấp, tươi tỉnh và thích thú mà bảo quan tuần: "Mấy con này đẹp quá lắm". Thế rồi ngài lên xe ra về, bụng hân hoan vì con nghê đã gợi ngài úy lạo được quan tuần. Quan tuần tưởng là quan sứ thích giống nghê, bữa sau liền sai một hiệp thợ nề sang đắp nghê bên tòa sứ. Chỗ nào có cấp xi măng lên xuống, là cho đắp nghê hết. Quan lưu trú Pháp không có ý kiến gì. Chỉ có thời nhân thấy ngứa miệng, nên phải vịnh cái mặt quan tuần nịnh thần qua cái mặt mấy con nghê phi nghê đó.
Trở lại cái cười của Tú Xương, thấy có lúc Tú Xương dựa hẳn vào con chữ trong từ ngữ mà rắc gieo tiếng cười. Có lúc chữ thơ không trực tiếp làm ra tiếng cười, mà ý cười lại lẩn vào cái cảnh ngộ tình tiết dẫn ra. Có cái cười tức khắc, có cái cười mai phục, cái cười cốt mìn nổ chậm, có cái cười "làm giặc". Có khi cười sỗ sàng, và khi không cần bóng bẩy tế nhị, thì Tú Xương như xin lỗi người nghe mà văng luôn ra, cho nó tiện và cho nó trực diện hơn. Có khi cười thoảng, hiểu nhau thì cùng cười, mà không hiểu để không cười thì cũng coi như là không có gì cả. Tú Xương có một kiểu cười mà bà con Trung Bộ thường gọi là cái kiểu tưng tưng của những hôm nghề về hí hước, nội dung hài đàm sục sôi, mà hình thức kể thì như một thứ nước lạnh vô tình chảy qua đi bên tai trước mặt. Trong tiếng cười Tú Xương, có cái ung dung tự tại, độ lượng dung tha của một người từng trải thói đời, và lại có cả cái nhiệt huyết của một người muốn xông ra chặn lại một vài thứ gì đang đọa lạc quá đỗi.
Cười hồn nhiên như trẻ, nhưng có khi cái cười Tú Xương chồm dậy đá một cú điểm huyệt cho nó chết ngay đi một cái xấu đang cầm cân nẩy mực cho sự sống nhỡn tiền. Nghĩ cho cùng, thì tiếng cười Tú Xương có ưu điểm này ưu điểm khác và ít sa vào cái cười dễ dãi hề mồi hề gậy.
Cười Tú Xương, là một tiếng cười có dư âm. Dư vang tiếng cười ở một số câu, còn là cái tiếng đồng vọng của một lối cười "nói cười trăm mặt, rơi châu vắng người".