Số lần đọc/download: 1391 / 8
Cập nhật: 2015-10-22 21:17:29 +0700
Chương 14
C
uộc sống mới, với công việc đều đặn hàng ngày, với lòng thương mến của bà Hiền và của bé Lan, với những thú vui hồn nhiên, đã mang lại cho Thủy sự khuây khỏa và một niềm vui giản dị thanh cao. Dần dần, xóa nhòa trong tâm khảm của cô gái cù lao Reng.
Hai năm trôi qua... Một buổi sáng thứ ba, Thủy đang ngồi tính sổ sách, chợt một ông khách vào tiệm sách để mua hình ảnh. Sau khi lựa trên giá quay mấy tấm hình chụp phong cảnh Vũng Tàu và Long Hải, ông khách tiến đến quầy trả tiền.
Thủy đếm tiền trả lại và khi ngước lên, nàng thấy ông khách nhìn mình một cách chăm chú làm nàng phát ngượng. Ông khách bỗng cất tiếng hỏi:
- Xin lỗi cô, cô có phải là cô Thủy?
Nàng ngơ ngác đáp:
- Thưa vâng, nhưng xin lỗi, ông là ai?
- Tôi là Sơn ở Cao Lãnh.
Nàng giật bắn mình, kêu lên:
- Trời ơi! Cậu Sơn, trông cậu bây giờ khác quá, tôi không thể nào nhận ra.
- Vâng, chính cô Thủy cũng đổi khác nhiều lắm, nhưng vẫn còn giữ những nét đặc biệt mà tôi không thể quên được từ 5 năm nay, nên tôi mới nhận ra Thủy.
Rồi hai người không dấu nổi sự xúc động, không thốt được nên lời, hình như để cố ngăn những tiếng thổn thức nghẹn ngào trong cổ.
Sau một lúc lâu, nỗi xúc cảm đã nguôi nguôi, Thủy mời Sơn ngồi rồi nàng vào nhà trong lấy nước uống, luôn tiện mời bà Hiền ra để giới thiệu. Sau khi chủ khách chào hỏi, bà Hiền lui vào trong để hai người nói chuyện. Sơn bèn lên tiếng trước:
- Chắc Thủy vẫn thắc mắc không hiểu sao từ 5 năm nay tôi tuyệt âm vô tín.
- Vâng, tôi chỉ đoán chừng cậu bận học hành.
- Nếu chỉ bận học hành thì những vụ hè tôi vẫn có thể tìm đến thăm Thủy chứ.
- Cũng có lúc thôi nghĩ hoặc giả cậu đã quên con bé mọi rợ ở cù lao Reng.
- Trời ơi! Mỉa mai tệ! Chỉ khi xuống tuyền đài tôi mới có thể quên được.
- Thật vậy ư, thưa cậu? Thủy cảm động quá. Vậy nếu cậu không quên thì vì lẽ gì ạ?
- Chắc Thủy còn nhớ, năm đó, khi chúng mình chia tay, hôm sau tôi phải lên ngay Sàigòn để sửa soạn thi vào Đại Học Nông Lâm Súc. Sau đó, ba tôi đổi ý kiến và cho tôi qua ngoại quốc để học ngành bác sĩ thú y, cũng tương tự. Tôi vẫn muốn viết thư về cho Thủy, nhưng không rõ địa chỉ thế nào, mà gởi người quen thì cũng không tiện. Nay tôi đã tốt nghiệp trở về được ít ngày. Tôi ra đây vì công việc, nhân tiện nghỉ một vài tuần, sau đó tôi sẽ đi tìm Thủy. Ngờ đâu, không hẹn mà lại gặp Thủy ở đây, thật là Trời kia đã giúp tôi.
Ngưng lại để nhấp ly nước, Sơn hỏi tiếp:
- Còn Thủy thế nào? Có phải từ cù lao Reng, Thủy đã dùng con đò kỷ niệm để phiêu lưu xuôi giòng Tiền Giang, rồi vượt biển tới đổ bộ ở Vũng Tàu này phải không?
Hai người cùng cả cười.
- Cậu khôi hài quá. Chắc là cậu nhớ tới hành động dại dột của Thủy hồi đó chớ gì?
- Không những tôi nhớ mà còn phục nữa. Ấy chính là nhờ cái dại dột đó mà Thủy đã thành vị cứu tinh của tôi. Nếu không thì sao bây giờ tôi có hân hạnh ngồi đây?
- Chuyện Thủy ly kỳ lắm, kể hết cho cậu nghe thì phải mất cả ngày. Thủy chỉ xin tóm tắt.
Khi Thủy kể xong câu chuyện của nàng, Sơn không khỏi bồi hồi tấc dạ, chàng an ủi:
- Tôi thấy trong cái rủi thường có nhiều cái may. Nhưng chính sự đau khổ rèn luyện con người và giúp ta hiểu được chân lý. Thủy cũng ở trong trường hợp đó.
- Thủy không dám nhận là đã hiểu được chân lý, nhưng Thủy rất hiểu tư tưởng của cậu.
Lúc này đã gần 12 giờ trưa, Sơn cáo biệt ra về. Và từ hôm sau, hàng ngày chàng đều mang hoa lại tặng Thủy. Trong những cuộc đàm luận, chàng rất ngạc nhiên thấy Thủy hiểu biết rộng về triết lý người đời. Trong khi đang vui câu chuyện, Sơn nói:
- Chẳng dám dấu gì Thủy, có một điều tôi thấy ân hận là từ hôm gặp lại Thủy ở đây, Thủy vẫn giữ cách xưng hô từ 5 năm trước, nó có vẻ xa lạ quá đi. Vậy tôi muốn xin Thủy một ngôn từ khác được chăng?
- Xin tùy... “anh”.
- Cảm ơn Thủy lắm.
Thấm thoát, một tuần lễ trôi qua. Một hôn Sơn cho biết nhân dịp bế mạc một cuộc hội thảo ở Vũng Tàu, các sinh viên liên viện Đại Học sẽ tổ chức một buổi dạ hội văn nghệ, có mời chàng tới tham dự, vì chàng thuộc thành phần ban giảng huấn Đại Học. Chàng ngỏ lời mời Thủy cùng mình đi dự.
- Thủy rất cám ơn anh, nhưng xin anh miễn cho Thủy không thích tới những nơi đông đúc.
- Chẳng mấy khi tôi có dịp mời Thủy.
- Nhưng tôi không đi được, anh hiểu cho.
- Hay là Thủy sợ rằng mình không xinh đẹp, hoặc không ăn vận sang trọng bằng ai?
- Thế anh không biết cái căn nhà mà trong đó xưa kia tôi được nuôi dưỡng hay sao!
- Điều đó thì có gì là quan trọng.
- Tôi thấy những y phục lộng lẫy và những cử chỉ lịch sự không phải dành cho tôi.
- Trời ơi! Có phải vì thế mà Thủy e ngại thật sao?
Nàng không đáp. Sơn nói tiếp với một giọng tha thiết:
- Từ ngày tôi gặp lại Thủy ở đây, tôi có cảm tưởng rằng Thủy còn dấu tôi một điều gì về đời Thủy. Tôi đã được nghe Thủy kể lại rất dài về cuộc hành trình từ Cao Lãnh lên Lái Thiêu, về cái chết đột ngột của ba Từ, về đời sống ở Vũng Tàu này. Còn đời sống ở Lái Thiêu, Thủy chỉ kể lướt qua, mặc dầu Thủy đã ở đó được ba năm.
Thủy vẫn im lặng. Nhưng Sơn nhận thấy Thủy có vẻ bối rối nên chàng nói nho nhỏ:
- Tôi rất đau khổ khi nghĩ rằng một điều gì bí mật đã ngăn cách chúng ta. Tôi vẫn tưởng rằng Thủy tin cậy ở nơi tôi, nhưng tôi lầm. Tại sao Thủy không muốn đáp lại lời mời của tôi để đi dự buổi văn nghệ đó, nói cho tôi biết đi.
Nàng ngập ngừng một lát, rồi quay đi như có vẻ hổ thẹn, nàng kể lại cho Sơn nghe quãng đời ở Lái Thiêu, chuyện cậu Vinh, chuyện đi phù dâu, tiếp đến sự thất vọng. Nàng nói rất dài như sống lại thời gian ở Lái Thiêu. Khi kể xong nàng bưng mặt khóc.
- Anh Sơn, anh hiểu câu chuyện của tôi rồi. Tôi đã bị đau khổ nên bây giờ tôi không muốn làm gì khác một đứa con gái quê mùa, tầm thường.
- Đối với tôi cũng thế sao?
- Tôi được biết rằng tình bạn không phải là tất cả.
- Đối với cậu Vinh có lẽ đúng, nhưng còn đối với tôi?
- Có lẽ đối với anh cũng vậy, mà anh không hay biết.
- Trời ơi! Thủy làm con tim tôi đau nhói.
Chàng nói xong đứng dậy từ từ ra cửa, vì sợ ở đó không dấu được nỗi hận lòng.
Còn lại một mình, Thủy bỗng cảm thấy nỗi thất vọng tràn ngập tâm hồn, vì nàng đã làm cho Sơn mang hận. Từ trong nhà bước ra, bà Hiền thấy mắt nàng còn ngấn lệ vội hỏi:
- Cháu Thủy, có chuyện chi vậy? Sao cậu Sơn lại bỏ đi?
Nàng bèn thuật lại cuộc đối thoại vừa rồi và kể cả chuyện cậu Vinh ở Lái Thiêu.
- Tội nghiệp, chỉ vì lẽ đó mà cháu từ chối không đi dự dạ hội với cậu Sơn hay sao? Thế cháu không tin rằng cậu sẽ vui sướng và hãnh diện đến bậc nào khi có cháu đi cùng?
- Thưa dì cháu biết, nhưng cháu e ngại quá.
- Dì biết cậu ta rất quí mến cháu, quí mến một cách thật tình. Vậy cháu chẳng nên từ chối.
Nàng không đáp. Suốt cả ngày và một đêm hôm đó, nàng luôn luôn nghĩ đến Sơn, đến sự buồn phiền đã gây cho chàng. Hôm sau, khi chàng tới, nàng ra đón tiếp rất niềm nở.
- Anh Sơn, hôm qua tôi tàn nhẫn quá, anh tha lỗi cho tôi nhá. Bữa nào dạ hội, tôi sẽ đi dự cùng anh.
Chàng rất cảm động đáp:
- Thủy ơi, tôi biết rằng lòng tin cậy của Thủy sẽ trở lại.
Hai hôm sau, buổi văn nghệ được trình diễn trong một phòng rộng lớn trang hoàng lộng lẫy. Ở cuối phòng là một sân khấu, căng nỉ màu huyết dụ. Thủy cảm thấy bỡ ngỡ trong không khí tưng bừng đó, nhưng bên cạnh đã có Sơn nên nàng thấy yên dạ. Chàng nói với một giọng kiêu hãnh:
- Thủy coi kìa, mọi người đều quay nhìn Thủy, em không thấy sung sướng sao? Anh thì rất hãnh diện.
Sơn đã nói đúng. Vẻ đẹp cao quí rất khả ái của Thủy đã làm nhiều người chú ý và nhiều bà, các cô thuộc giới thượng lưu Vũng Tàu cũng mơ ước. Lúc đó, Thủy tưởng mình như đang sống trở lại bữa tiệc cưới ở Lái Thiêu, nàng tự nghĩ:
- Không, ta muốn xóa nhòa các kỷ niệm đó. Sơn không bao giờ giống Vinh.
Đôi bạn đi tới chỗ ngồi đã đành cho hai người.
- Chương trình hôm nay có gì thế anh? Thủy hỏi.
- Anh được biết có phần trình diễn ca nhạc, rồi đến tiệc trà.
Quan khách đã tới đông đủ, nhạc hội bắt đầu khai diễn.
Thủy cảm động quá nên hình như nàng không chăm chú mấy đến các màn trình diễn. Thỉnh thoảng, nàng lại ngước mắt lên nhìn Sơn và thầm nghĩ:
“Có đúng rằng anh không giống cậu Vinh chăng? Giá như hồi trước ta không ở Lái Thiêu, thì có phải bữa nay ta được hoàn toàn sung sướng không?”
Chốc chốc Sơn cũng quay sang nhìn Thủy bằng con mắt thật dịu dàng, âu yếm, làm cho nàng thấy bối rối.
Trên sân khấu, các diễn viên với tài năng điêu luyện đã lôi cuốn khán giả qua những bài ca điệu hát lúc nghiêm trang, lúc hùng hồn, lúc đằm thắm, lúc êm dịu du dương.
Đôi bạn Sơn và Thủy có vẻ thich nhất những bài dân ca, như bài “Hát chèo thuyền” nói lên đời sống cần cù, không quản nguy nan và cái chí bất khuất của người dân Việt qua câu ca dao.
Chồng chài, vợ lưới, con câu.
Lênh đênh biển cả biết đâu bến bờ.
Khi nên tay kiếm tay cờ.
Không nên ta cũng chẳng nhờ cậy ai.
Hoặc như bài “Lý giao duyên” rất đằm thắm, lưu gót người viễn xứ bằng câu:
Tới đây thì ở lại đây.
Bao giờ bén rể xanh cây thì về.
Trong hơn một tiếng đồng hồ, đoàn văn nghệ sinh viên đã làm khán thính giả say mê, thả hồn theo những âm điệu tuyệt vời.
Tiếp theo đó là một tiệc trà. Sơn chạy ra gặp một số bạn quen, khi trở về chỗ cũ thì thấy Thủy đã biến mất. Chàng bèn đi kiếm khắp nơi trong phòng nhưng không thấy. Lo lắng, chàng tiến ra phía vườn, nhìn khắp các lối đi tranh tối tranh sáng. Chẳng thấy Thủy đâu, chàng lại trở vào phòng. Không nghi ngờ gì nữa, chàng đoán rằng Thủy khó ở nên về trước để khỏi phiền cho anh. Chàng bèn hỏi thăm mấy anh sinh viên phụ trách trật tự ngoài cửa.
- Có, có, chúng em có thấy một cô đúng như anh tả, áo hồng, tóc bới cao, vừa ra khỏi đây độ mười lăm phút.
Sơn vội vàng ra xe về tới nhà bà Hiền thì thấy Thủy đang ngồi ở ghế mặt có vẻ nhợt nhạt. Bà Hiền ngồi bên cạnh đang khuyên giải. Sơn tưởng là nàng khó chịu bất ngờ, muốn dấu chàng nên bỏ về một cách vội vàng.
- Thủy, em làm sao vậy?
Nàng không trả lời. Sơn nhìn bà Hiền ra ý dò hỏi nhưng bà lắc đầu tỏ vẻ không biết.
- Thủy, sao đang vui em lại bỏ về? Anh có làm gì cho em phật ý không?
- Không, không.
- Vậy thì tại sao?
Mọi người im lặng. Bà Hiền đứng dậy đi vào nhà. Một ngọn đèn nhỏ soi gian phòng nên Sơn không thấy rõ mặt nàng đang cúi
- Thủy, nói cho anh yên tâm.
- Em xin lỗi anh, đáng lẽ em không nhận đi dự dạ hội với anh mới phải.
- Sao lại lỗi em?
- Phải, lỗi em đã tin vào giấc mơ đẹp đó.
- Dầu sao em vẫn là nàng tiên của lòng anh kia mà.
- Không, anh Sơn, khi em trút bỏ bộ áo dạ hội này ra, em lại trở thành một kẻ tầm thường, mà chẳng một ai, kể cả em, biết từ đâu đến.
- Điều đó thì có quan hệ gì? Em tưởng rằng tình bạn của enh đối với em chỉ ở bộ áo mà thôi sao?
- Anh là giới thượng lưu xã hội, danh vọng có thừa, thiếu gì người ưa chuộng.
- Em nói chi lạ vậy?
- Anh biết em là một đứa con gái mọi rợ, tàn nhẫn.
- Đừng nói vậy em.
Rồi nàng sụt sùi khóc. Sơn ngồi yên lặng. Đợi cho nàng vơi bớt cơn sầu, chàng nói:
- Thủy, anh rất buồn khi thấy em tỏ ra thất vọng như thế. Nhưng tại sao em bỏ ra về, không đợi khi tiệc tàn anh sẽ nói với em một điều.
Nàng nhìn Sơn với đôi mắt dò hỏi:
- Điều gì vậy anh?
- Là ngày mốt anh sẽ về Cao Lãnh để thưa chuyện em với ba anh.
- Chuyện em?
- Anh sẽ xin phép ba anh cho anh được cùng em xây dựng hạnh phúc tương lai. Đó là điều anh muốn nói với em khi tan tiệc.
Thủy tự hỏi không biết có phải nàng đang mơ chăng? Lời Sơn nói có đúng không? Nàng nhìn Sơn rất lâu như vẫn còn nghi ngờ, rồi nàng bật khóc vì sung sướng.
Sau đó, hai người bàn tính công việc trong những ngày sắp tới. Ngày mốt thì Sơn sẽ giã từ Vũng Tàu. Một tuần sau vào ngày thứ sáu, Thủy sẽ khởi hành về Cao Lãnh, Sơn sẽ ra đón nàng ở bến xe vào lúc bốn giờ chiều. Đôi bạn sẽ tới cù lao Reng để thăm ngôi nhà cũ của ba Từ và tìm chiếc hộp bí mật. Bé Lan sẽ tạm thay Thủy để trông nom cửa hàng khi nàng đi vắng.