Số lần đọc/download: 7574 / 93
Cập nhật: 2016-08-01 22:05:00 +0700
Chương 14
Đ
ại tá Xcơ-vô-re-xki nổi giận thật sự.
-- Không thể được, anh, anh nói ngay đi, tại sao đêm qua anh không gọi điện ngay cho tôi? -- Ông giận dữ nhìn thẳng vào mặt Mi-rô-nốp đang đứng im thin thít. -- Tại sao ngay sáng sớm nay anh cũng không báo cáo. Hay là anh còn chờ tôi phải mời nữa? Tôi, tôi chỉ là một thằng ngốc lẩm cẩm. Thật tai hại. Tôi là người cuối cùng được biết những điều quan trọng như vậy. Mà do ai báo cho biết? Do cán bộ trực thuộc chăng? Thật là xấu hổ, không phải do nhân viên cơ quan tôi mà lại do cơ quan điều tra, bên công an báo cho biết! Có ai như vậy không? Các anh, các anh nghĩ sao mà từ sáng đến giờ câm như hến ấy, không một ai nghĩ đến tôi cả?
An-đrây Mi-rô-nốp nhẫn nhục đứng im. Anh còn biết nói sao nữa? Chả lẽ lại thanh minh và đổ lỗi cho người thư ký riêng của đại tá, kẻ phải cùng chia chịu với anh những cơn thịnh nộ này chăng? Không, không cần và cũng sẽ chẳng đi đến đâu. Vậy thì sự việc ra sao? Đêm qua, sau lúc chia tay với đại tá cục trưởng Cục điều tra hình sự, An-đrây quyết định là không nên đánh thức đại tá Xcơ-vô-re-xki dậy nữa. Không nên làm phiền ông già. Mọi việc để đến sớm mai. Dù sao thì cũng đã gần ba giờ sáng rồi. Có việc gì gấp đến nỗi phải lôi thủ trưởng ra khỏi chăn trong giờ phút này nữa? Mọi việc cần thiết thì đều đã được làm xong, đã bố trí người phục ở khu rừng thưa Phê-đô-xép-xki, gần ngôi nhà hoang; đã khám va-li và chiếc túi nhỏ ở phòng gửi sân bay; đã chụp xong các bức ảnh từ bức chân dung cô gái vừa được vẽ lại. Vậy thì đêm nay còn có việc gì cần thỉnh thị nữa đâu?
Sau khi rời văn phòng Cục điều tra, An-đrây đi thẳng về khách sạn anh trọ mà không ghé vào Cục an ninh nữa. Anh cởi bỏ bộ quần áo còn hơi ẩm vì mưa, rửa mặt qua loa và khoái trá chui vào chăn. Anh lấy chăn trùm kín đầu định tranh thủ ngủ ngay cho tỉnh táo. An-đrây định dậy sớm để đến Cục trước đại tá Xcơ-vô-re-xki và sẽ gặp ngay ông để báo cáo tỷ mỉ mọi việc đã xảy ra và mọi biện pháp đã thi hành tối qua. Nhưng trằn trọc mãi vẫn không ngủ được. Hình ảnh khuôn mặt Cô-nhi-lê-va vẫn chập chờn trước mắt anh. Khuôn mặt trong bức ảnh vẽ đang nhìn anh đăm chiêu, nghiêm nghị.
Gần chín giờ sáng, Mi-rô-nốp đến cơ quan. Đại tá Xcơ-vô-re-xki cũng chưa đi làm. Anh dặn đi dặn lại người thư ký riêng của cục trưởng là nếu ông đến thì anh ta phải gọi điện ngay cho An-đrây biết. Yên chí, anh đi về phòng làm việc. Lu-ga-nốp đã đến sớm hơn và cũng đang chờ An-đrây ở phòng làm việc rồi.
Thời gian chậm chạp trôi qua. Đã gần mười giờ nhưng vẫn không nghe chuông điện thoại gì cả. "Chả lẽ đại tá lại đi làm muộn thế, -- Mi-rô-nốp thầm nghĩ. -- Sao hôm nay ông lại dềnh dàng thế này. Đáng lẽ đại tá phải đến từ lâu rồi chứ".
Cuối cùng rồi chuông điện thoại cũng vang lên. Mi-rô-nốp cố nén lòng, cầm ống nghe.
-- Đồng chí thiếu tá phải không? -- Giọng người thư ký vang lên trong ống nói. -- Đại tá mời đồng chí đến ngay.
-- Gọi tôi à? -- An-đrây hỏi lại, bực mình. -- Đồng chí ấy đến lâu chưa?
-- Lâu rồi, khoảng bốn mươi phút rồi.
-- Này, -- Mi-rô-nốp càu nhàu nói. -- Tôi đã nhắc anh từ sớm là bao giờ đại tá đến thì báo ngay cho tôi cơ mà, sao anh lại...
-- Thưa thiếu tá, nhiều người hỏi quá nên tôi chưa kịp...-- Người thư ký ấp úng thanh minh. -- Suốt từ sáng đến giờ đại tá bận họp với cục trưởng Cục điều tra hình sự, đại tá Pê-tơ-rốp.
-- À, ra thế, -- Mi-rô-nốp nói, giận dữ đặt mạnh ống nghe xuống. -- Tay thư ký này đã làm hại mình đây. -- Lu-ga-nốp đã nghe rõ câu chuyện và im lặng nhìn bạn vẻ thông cảm.
-- Thôi được, Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích ạ. Cậu cứ ngồi đây chờ mình. Mình đến gặp đại tá một mình có lẽ sẽ tiện hơn. Mình cảm thấy có lẽ sẽ được một bữa chỉnh ra trò đấy!..
Và anh đã không lầm. Giờ đây đứng trước trận lôi đình của đại tá, An-đrây hiểu rằng vấn đề không phải đơn giản như anh tưởng. Mi-rô-nốp đã tự hình dung được rõ ràng cái cười hóm hỉnh của cục trưởng Cục điều tra hình sự khi anh gặp ông đi ra. Ông này đã thông báo tất cả những điều xảy ra đêm qua cho cục trưởng Cục an ninh nhà nước. An-đrây cảm thấy mình cô độc. Chả làm sao mà thanh minh nổi.
-- Anh thử nghĩ lại xem, -- Xcơ-vô-re-xki vẫn tiếp tục nổi cáu. -- Anh có biết là tôi ngượng bao nhiêu khi nghe đại tá cục trưởng Cục điều tra hình sự nói lại tất cả những gì ông ấy trao đổi với anh đêm qua! Ông ấy nói: "Anh Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ, tất nhiên trong quá trình điều tra các cậu ấy đã báo cáo, đã thông qua từng ngày rồi". "Báo cáo. Thông báo rồi". Thế mà những việc tối qua chả ai hé cho tôi một lời nào cả. Tại sao tối qua anh không gọi điện báo cho tôi biết ngay về việc tìm thấy chiếc hộp diêm? Tại sao lại làm ăn như vậy?
Mi-rô-nốp quyết định phải thanh minh, anh không thể im lặng mãi được.
-- Đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ, vì đêm qua đã quá khuya nên tôi không muốn phá giấc ngủ của đồng chí. Quả là tôi không có ý gì định giấu đồng chí cả. Tôi định sáng nay sẽ đến sớm để báo cáo ngay với đồng chí. Nhưng thật đáng tiếc là sự việc xảy ra không đúng như tôi dự định...
-- Thôi, tôi không cần nghe lý do gì cả -- Xcơ-vô-re-xki xua tay. -- Được rồi. Lu-ga-nốp đâu? Ở phòng anh à? Gọi anh ấy đến đây. Tôi muốn bàn thêm với các anh về kế hoạch hành động.
Trong khi chờ Lu-ga-nốp đến, Mi-rô-nốp xin phép báo cáo thêm với đại tá về những việc xảy ra đêm qua. Các bức ảnh chụp bao diêm, chìa khóa và phiếu gửi hàng đã được phóng to. Mi-rô-nốp đưa cho đại tá xem. Đại tá chú ý nhiều đến ảnh chụp tờ phiếu gửi hàng ở sân bay.
-- Vôi-xê-khốp-xcai-a à? -- Xcơ-vô-re-xki lẩm bẩm tự hỏi. -- Vôi-xê-khốp-xcai-a là ai? Lại thêm một con chim nữa từ đâu đến đây? Anh nhận định vấn đề này như thế nào?
An-đrây nhún vai:
-- Tôi cũng chưa có ý kiến gì được. Cả Lu-ga-nốp lẫn tôi đều chưa được nghe nói đến người có tên như thế này bao giờ.
-- Thôi được, -- đại tá nói. -- Ta sẽ tìm hiểu sau...Anh quy định thời gian cho họ tìm hiểu. Thế còn chuyện gì nữa không?
Mi-rô-nốp định báo cáo về kết quả việc vẽ lại khuôn mặt người chết nhưng đại tá liền khoát tay, nói:
-- Thôi, đủ rồi. Về bức ảnh tôi đã biết, anh không cần nói nữa nếu không có gì khác hơn những điều mà đại tá Cục điều tra hình sự đã nói với tôi. Tôi có cả những bức ảnh chụp lại nữa đây.
Xcơ-vô-re-xki nói và cầm tờ báo trên bàn lên. Mi-rô-nốp liếc thấy tờ bìa quen thuộc.
Đúng lúc ấy, Lu-ga-nốp bước vào phòng. Đại tá đứng dậy chuyển sang ngồi trên chiếc đi-văng đối diện với hai người và hất hàm hỏi cả hai:
-- Thế nào, các anh có ý kiến gì?.. Đã trao đổi với nhau gì chưa?
-- Báo cáo đồng chí, xin phép được trình bày, -- Mi-rô-nốp nói trước. -- Theo tôi, việc trước tiên bây giờ là phải cho bắt Trê-nhi-a-ép. Đã đến lúc bắt được rồi. Vấn đề Ôn-ga Cô-nhi-lê-va mất tích như vậy là đã rõ. Và chứng cớ cũng đã có. -- Mi-rô-nốp vừa nói vừa đưa tay chỉ các tấm ảnh. -- Kẻ thủ phạm đã rõ ràng. Theo tôi đó không phải là ai khác ngoài người chồng của cô ta là Trê-nhi-a-ép.
Mọi người im lặng. Mi-rô-nốp cũng im lặng, chờ câu hỏi của hai người. Anh đưa mắt nhìn Xcơ-vô-re-xki như muốn hỏi, nhưng ông chỉ im lặng gật đầu ra hiệu cứ nói tiếp đi: chúng tôi sẵn sàng nghe anh trình bày đây.
-- Vậy chúng ta đã có đủ cơ sở để khẳng định thủ phạm chính là Trê-nhi-a-ép chưa? Đã có đủ rồi. Cô-nhi-lê-va, như các chuyên viên đã khẳng định, đã bị giết vào khoảng mười đến mười một giờ tối ngày hai mươi tám tháng Năm tức là khoảng hơn một giờ sau khi cô ra khỏi nhà để cùng chồng ra ga. Chúng ta đã biết gì về quãng hơn một giờ cuối cùng đó của cô Ôn-ga? Cô ta ra khỏi nhà không phải chỉ một mình mà là cùng đi với Trê-nhi-a-ép. Trê-nhi-a-ép lại xách va-li cho vợ. Chính cô Dê-len-cô đã trông thấy và còn nhớ rõ. ( Tôi nhắc lại rằng, chiếc va-li là một chi tiết quan trọng. Lát nữa chúng ta sẽ quay lại vấn đề chiếc va-li này). Ôn-ga ngồi vào ô-tô cũng không phải chỉ một mình mà còn có Trê-nhi-a-ép nữa. Anh lái xe Cru-gli-a-cốp, người đã đưa hai người ra ga, khai rõ như vậy. Chi tiết này nói chung đã rõ ràng. Lời chứng của Dê-len-cô và Cru-gli-a-cốp đều khớp nhau. Chính Trê-nhi-a-ép cũng nhận như vậy hôm chúng ta hỏi chuyện ông ta.
Do đó, chúng ta có thể xác định rằng, khoảng một giờ trước lúc bị giết, cô Ôn-ga Cô-nhi-lê-va đều luôn luôn ở bên cạnh Trê-nhi-a-ép, không hề xa ông ta ra lúc nào và cũng chả có ai khác ngoài Trê-nhi-a-ép đã dẫn vợ ra tàu (theo lời Trê-nhi-a-ép nói thì ông ta dẫn vợ ra ít phút trước khi chuyến tàu đi Mát-xcơ-va chuyển bánh). Như vậy là cô ta đã cùng chồng đi từ phòng đợi ra tận toa xe. Tất cả điều này đều đã được coi như chính xác.
Nhưng sau đó thì việc gì đã xảy ra. Chứng cớ ở đây chúng ta không có nhưng ở đây còn có sự phân tích thật lô-gich toàn bộ quá trình các sự kiện. Diễn biến về quá trình này cũng đã khá đầy đủ. Cru-gli-a-cốp lái xe đến ga lúc hai mươi mốt giờ hai mươi gì đó. Điều này thì anh ta còn nhớ rõ. Và chúng ta được biết rằng chuyến tàu đi Mát-xcơ-va sẽ khởi hành lúc hai mươi mốt giờ năm mươi lăm phút. Tức là hai người đã đến sớm khoảng mười phút. Trê-nhi-a-ép cũng đã khai rằng chính ông ta dẫn Ôn-ga ra tận tàu và đỡ cô lên toa xe. Nhưng chỗ này không đúng như vậy. Cô ta không đi chuyến tàu Mát-xcơ-va cũng như chả đi chuyến tàu nào khác -- vì có điều giản đơn rằng, cô không ra đến sân ga được. Vì có thể khẳng định rằng ở lúc tàu Mát-xcơ-va khởi hành thì cũng là lúc Cô-nhi-lê-va đã bị giết chết. Tất nhiên không phải đúng giờ phút ấy, nhưng chỉ có thể là sau đó độ nửa giờ hay hơn một chút. Chỗ này, các đồng chí cũng đồng ý với tôi là sai số thời gian cho phép là từ một đến hai giờ theo như các chuyên viên xác minh. Cô ấy chỉ bị giết vào khoảng thời gian đó thôi vì ga đầu tiên mà chuyến tàu sẽ dừng lại cách ga Crai-xcơ tới hai giờ mười phút. Tàu chạy vào khoảng không giờ năm phút. Lúc đó thì Cô-nhi-lê-va đã không còn trên đời này nữa rồi...
-- Khá lắm, -- Xcơ-vô-re-xki nói. -- Hoàn toàn lô-gich. Vậy anh kết luận thế nào?
-- Kết luận ư? -- Mi-rô-nốp hỏi lại. -- Kết luận thì rõ quá rồi. Trê-nhi-a-ép đã nói dối khi ông ta khẳng định là Cô-nhi-lê-va đã đi. Cố tình nói dối. Từ lúc ra khỏi nhà đến lúc tàu chuyển bánh ông ta lúc nào cũng kè kè bên cạnh Ôn-ga. Tất nhiên ông ta không thể không biết rằng vợ ông ta không đi chuyến tàu đó. Vậy thì tại sao ông ta lại cố nói dối điểm này? Chỉ có một điều giải thích duy nhất là: Trê-nhi-a-ép đã biết rõ việc thủ tiêu Cô-nhi-lê-va cho nên đã tạo nên câu chuyện vu khống cô ta lừa lọc chồng. Theo tôi, đây là kết luận duy nhất đúng và hợp lô-gich.
-- Khá lắm, -- Xcơ-vô-re-xki trầm ngâm nói sau một lúc suy nghĩ. -- Từ các hiện tượng và sự kiện, anh đã biết liên kết và phân tích theo lô-gich rồi đi đến kết luận, nhưng để kết tội một kẻ giết người và nêu nên vấn đề bắt hắn ta thì những chứng cớ của anh chưa đủ. Còn cần phải có nhiều chứng cớ nữa. Anh có thể bổ sung thêm gì nữa không?
-- Tôi đồng ý! -- An-đrây sôi nổi đáp. -- Cần phải có sự việc và chứng cớ. Chả lẽ vẫn chưa đủ chứng cớ để làm cơ sở kết luận chăng? Bức thư của Cu-dơ-nét-xốp gửi Dê-len-cô mà Trê-nhi-a-ép đã đánh cắp giữ lại và đã đưa cho chúng ta, lại chả không phải là chứng cớ hay sao? Đó là một chứng cớ. Chúng ta thử phân tích xem. Rất rõ ràng là, bức thư đó không phải do Trê-nhi-a-ép lấy của Cô-nhi-lê-va và Cô-nhi-lê-va cũng chả có lý do gì để đưa bức thư đó cho ông ta cả. Đúng là Trê-nhi-a-ép đã tình cờ lấy được và sau khi đọc xong ông ta quyết định giữ lấy làm một bằng chứng để đổ lỗi cho vợ mình và coi đó là nguyên nhân để vu khống việc Ôn-ga bỏ đi. Chính vì vậy mà sau khi đưa cho chúng ta xem bức thư và coi đó như là nguyên nhân gây nên sự thay đổi tình cảm của Ôn-ga đối với chồng, Trê-nhi-a-ép đã không muốn để nó lại đây. Bức thư cũng chưa phải là chứng cớ duy nhất. Còn chiếc va-li nữa? Chiếc va-li và đồ dùng bên trong chả phải là của Ôn-ga Cô-nhi-lê-va là gì? Đó chính là chiếc va-li mà Trê-nhi-a-ép đã tự tay xách cho vợ lúc ra ga. Nếu như, theo lời ông ta nói là tự tay ông ta đã xách lên tận toa tàu để tiễn vợ đi, thế tại sao chiếc va-li lại quay về với ông ta và bằng cách nào? Đây cũng là một chứng cớ. Chứng cớ rất hiển nhiên. Đây là một khâu quan trọng trong chuỗi mắt xích nối liền các hiện tượng và được coi như tang chứng không thể bác bỏ được, để vạch tội Trê-nhi-a-ép. Ông ta ít nhất cũng là kẻ tòng phạm gây ra vụ ám sát này, nếu như không nói rằng chính ông ta là kẻ giết vợ -- cô Ôn-ga Nhi-cô-lai-ép-na Cô-nhi-lê-va.
-- Hử, -- Xcơ-vô-re-xki e hèm, gật đầu. -- Anh đã phân tích đúng các hiện tượng. Bức tranh đã rõ ràng. Nhưng, thực lòng mà nói, thì tôi lại đang lo lắng đến điều khác kia. Kết luận rằng Trê-nhi-a-ép là kẻ giết người -- điều này thì đã rõ rồi, và nếu như không phải là hung thủ thì ít nhất cũng là kẻ chủ mưu hay tòng phạm. Có thể bắt ngay phút này được. Điều này không phải bàn cãi làm gì. Nhưng còn chứng cớ về việc hành hung đối với Xa-vê-li-ép? Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng, vụ này không thể không có bàn tay Trê-nhi-a-ép được. Chúng ta chưa có hoặc hoàn toàn không có chứng cứ gì về việc này cả. Đấy, các anh thử tưởng tượng xem.
Chúng ta bắt Trê-nhi-a-ép kết tội ông ta là kẻ giết Cô-nhi-lê-va. Ông ta nhận (vì quả là ông ta không còn cách nào chối được), nhưng sau đó thì sao? Chả thêm được gì cả. Chúng ta sẽ làm gì sau đó? Còn chỗ liên lạc ở ống nước trong ngôi nhà hoang? Còn Vôi-xê-khốp-xcai-a? Người đàn bà này là ai? Ở đâu đến? Đấy, các anh tự suy xét xem. Bắt Trê-nhi-a-ép rồi sẽ được thêm gì nữa? Tôi thấy là cần làm việc nhiều hơn nữa chung quanh con người này. Còn quá sớm để bắt ông ta, các bạn trẻ ạ...
-- Tôi rất đồng ý, đồng ý, -- Mi-rô-nốp nói nhanh. -- Tôi đã nghĩ đến khía cạnh này. Nếu Trê-nhi-a-ép cứ sống bình thường ở Crai-xcơ thì không sao, tôi sẽ là người phản đối chủ trương bắt ông ta ngay. Nhưng chúng ta biết làm sao nếu như ông ta đi khỏi đây mà theo như lời bà Lép-cô-vích nói, thì có lẽ đợt đi này chả chóng vánh gì đâu. Và, nếu như ông ta đi hẳn không trở về đây nữa thì sao? Điều này cần phải cân nhắc cho kỹ. Không, đồng chí Ki-rin Pê-tơ-rô-vích ạ, dù đồng chí muốn hay không thì vấn đề Trê-nhi-a-ép, theo tôi, chả có cách giải quyết khác. Ông ta đã đánh hơi thấy là bị theo dõi. Chúng ta không được do dự tạo điều kiện cho ông ta tẩu thoát.
-- Điều đó rất đúng thôi. -- Đại tá tán thành. -- Đành rằng trước sau thì cũng phải bắt rồi. Nhưng cứ phải suy nghĩ thêm đã. Thu thập thêm càng nhiều càng tốt những chứng cớ và sự kiện nữa. Các anh không nên nôn nóng. Các anh chỉ đứng ở góc độ của mình để suy luận. Các anh chưa hiểu hết mọi hậu quả. Tôi vẫn chủ trương phải bắt. Vấn đề này không cần bàn cãi. Nhưng không nên bắt Trê-nhi-a-ép ở trong thành phố này. Tiếng tăm sẽ lan truyền ngay. Các anh đã tính đến chuyện này chưa?
Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp cùng gật đầu như theo một mệnh lệnh chung.
-- Báo cáo đại tá, chúng tôi cũng đã tính đến rồi. -- Lu-ga-nốp từ nãy đến giờ vẫn im lặng, giờ mới lên tiếng. -- Xin phép được báo cáo kế hoạch hành động với đồng chí, được chứ ạ?
-- Được, anh trình bày xem nào.
Việc báo cáo và thảo luận kế hoạch không lâu lắm. Cục trưởng sau khi nghe xong, bổ sung vài chi tiết và cho chỉ thị trực tiếp, sau đó đồng ý thông qua kế hoạch do Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp trình bày.
-- Anh An-đrây I-va-nô-vích, -- đại tá nói thêm khi chia tay với hai người, -- Anh cần phải chuẩn bị ngay hồ sơ về Trê-nhi-a-ép. Tôi phải sang báo cáo với Thành ủy. Phải được đồng chí bí thư chuẩn y vì đối tượng bắt là một nhân vật cỡ trung tá kỹ sư trưởng, một chuyên gia nổi tiếng, và phải làm lệnh bắt luôn thể.
-- Rõ, xin thi hành, -- Mi-rô-nốp trả lời. -- Tôi sẽ cho đánh máy ngay.
-- Thi hành đi. Bao giờ xong các giấy tờ anh đưa lại đây ngay.
Trong lúc Mi-rô-nốp và Lu-ga-nốp đang ngồi làm việc với Xcơ-vô-re-xki thì ở bãi hoang ở gần khu rừng thưa Phê-đô-xép-xki, tình hình vẫn diễn ra theo nhịp độ bình thường. Đường ngõ cụt, ban đêm vắng vẻ nhưng về sáng thì dường như đã sống lại. Đây đó, một vài nhà mở cửa. Trên đường lác đác người đi lại. Phố xá dần dần đông người hơn, nhưng về phía bãi hoang gần khu rừng thì chưa thấy bóng dáng ai cả, mặc dầu hai nhân viên trinh sát của Cục an ninh vẫn không rời mắt khỏi các điểm cần phải để ý. Mãi tới gần mười một giờ trưa, người trinh sát có nhiệm vụ theo dõi ngôi nhà hoang mới thấy một cậu bé khoảng chín -- mười tuổi tha thẩn lại gần. Thật tình, anh cũng chẳng để ý gì đến cậu bé lang thang đó nếu như cậu ta không mắt la mày lét liếc ngang liếc dọc quãng cuối ngõ cụt và cả phía đường ra rừng thưa.
"Ồ, cái chú lang thang này làm gì thế này? -- Anh thầm nghĩ. -- Sao trông chú ta có vẻ không được tự nhiên?" Thế là anh không rời mắt khỏi cậu bé nữa.
Cậu bé sau khi đã dừng lại nhìn kỹ chung quanh liền đi nhanh tới ngôi nhà hoang, rẽ quặt vào góc nhà và biến mất sau bức tường đổ. Không đầy một phút sau, cậu ta lại trở ra. Lần này cậu ta không đi nữa mà chạy phóng qua bãi hoang, tay phải giữ vật gì đó trên túi áo ngực. Cùng lúc ấy trong quãng rừng thưa, nơi có trạm quan sát thứ hai nhìn thẳng ra chỗ vòi nước, anh trinh sát viên thứ hai xuất hiện và giơ tay ra hiệu.
"Thấy rồi, -- anh trinh sát viên thứ nhất đứng ở cuối ngõ cụt cũng ra hiệu đáp lại. -- Có người đã đến lấy bao diêm. Láu cá thật". Không để lỡ thời cơ, anh rời ngay chỗ nấp với dáng bộ tự nhiên giống một người điệu bộ hối hả rẽ qua ngõ cụt. Như anh dự đoán, cùng lúc đó chú bé cũng từ ngoài bãi hoang chạy vào cái ngõ ngang qua trước mặt anh: thẳng lối ra phố chính. Anh rảo bước bám theo. Được mấy bước, anh nghe tiếng bước chân và hơi thở gấp ở phía sau. Anh biết rằng người trinh sát thứ hai cũng đã đi qua đường tắt, bám theo anh. Chú bé đã chạy trước hai người khoảng hơn hai chục bước. Khi ra đến phố chính, chú rẽ tay phải và đi thong thả, vừa đi vừa thở. Cách ngã ba giữa ngõ cụt và phố chính có một thiếu phụ ăn mặc khá sang trọng đang thong thả đi dạo. Chú bé đi thẳng tới và đưa cho chị ta cái vật chú nhặt được ở ngôi nhà hoang. Thiếu phụ bỏ ngay vào xắc tay, âu yếm xoa xoa má chú bé rồi đưa cho chú cái gì đó. Cô ta quay ngoắt, đi nhanh về phía phố lớn.
-- Chính nó, chính cô ta rồi... -- Anh trinh sát lần trước đã để sổng người đàn bà ở bảng quảng cáo, bật kêu lên khe khẽ.
-- Ai, cô ta là ai? -- Anh bạn đi sau không hiểu gì, liền hỏi lại. -- Cậu nói gì đấy?
-- Người đàn bà kia. Chính là người mà hôm qua mình đã thấy lởn vởn ở bảng quảng cáo.
-- Rõ rồi. Cậu báo ngay về Cục cho thiếu tá Mi-rô-nốp biết, còn con mồi để tôi bám cho...
Khi nghe anh trinh sát báo tin, Mi-rô-nốp quyết định ngay:
-- Va-xi-li Nhi-cô-lai-ê-vích! Cậu lấy xe ra ngay sân bay. Mình chắc đây là Vôi-xê-khốp-xcai-a, và nếu đúng là ả thì nhất định ả sẽ phóng ra sân bay để lấy chiếc va-li đấy. Chúng ta cần biết ngay những nét chính về người đàn bà này.
An-đrây đoán đúng. Khi Lu-ga-nốp và anh trinh sát vừa ra đến sân bay thì vừa lúc ở phòng gửi hành lý, anh thấy bóng người phụ nữ ở ngã ba phố cụt. Người phụ nữ nhận xong chiếc va-li, thì Lu-ga-nốp cũng đã kịp biết tên của cô ta là Vôi-xê-khốp-xcai-a An-na Ca-di-mi-rốp-na sinh năm 1926, dân tộc U-crai-na, ngoài đảng, chưa chồng, giáo viên tiếng Anh trường phổ thông cấp ba thành phố. Cô ta từ Khác-cốp đến đây đã hai năm.
Bây giờ, Lu-ga-nốp chả còn khó khăn gì trong việc tìm hiểu kỹ tiểu sử và lý lịch cô giáo Vôi-xê-khốp-xcai-a này.
Lý lịch cô bình thường, tất nhiên là có vài điểm cần nghiên cứu kỹ hơn nhưng không phải là loại lý lịch phức tạp lắm. Thoạt nhìn thì cô ta không có gì liên quan tới Trê-nhi-a-ép cả. Nhưng suốt ngày hôm đó, cả Mi-rô-nốp lẫn Lu-ga-nốp chẳng có thì giờ để suy nghĩ tìm hiểu kỹ về quá khứ trong phần khai tiểu sử của "cô bạn" mới. Họ còn phải khẩn trương chuẩn bị cho toàn bộ kế hoạch hoạt động sắp tới.
Làm xong hồ sơ truy tố Trê-nhi-a-ép về tội chủ mưu giết vợ và đưa cho đại tá Xcơ-vô-re-xki để báo cáo Thành ủy, Mi-rô-nốp bắt tay ngay vào nghiên cứu thành lập một tổ công tác để giúp anh và Lu-ga-nốp thực hiện nhiệm vụ.
Cùng ngày hôm ấy, trung tá kỹ sư Ca-pi-tôn Trê-nhi-a-ép ở nhà muộn hơn thường lệ. Mãi đến mười hai giờ trưa ông ta mới đến cơ quan. Do đã chuẩn bị đủ cho chuyến đi từ hôm trước nên sáng nay ông chả cần phải làm việc gì lâu ở công trường. Ông đến để lấy giấy công tác và dặn dò thêm đôi điểm cần thiết. Ở phòng làm việc độ hơn một tiếng, ông trở về nhà.
Khoảng gần bốn giờ chiều, Cru-gli-a-cốp đánh xe đến và lên phòng Trê-nhi-a-ép. Cùng lúc, nhóm công tác do Lu-ga-nốp phụ trách cũng lên xe ra ga. Chuyến tàu Trê-nhi-a-ép đi, còn gần một giờ nữa mới chạy.
Chờ cho Trê-nhi-a-ép đến ga và lên tàu đúng số buồng, các nhân viên công tác mới bắt đầu về vị trí của mình: hai người ở hai đầu toa Trê-nhi-a-ép ngồi, còn Lu-ga-nốp thì đứng "hóng mát" ở đường đi ngay gần phòng Trê-nhi-a-ép. Trong lúc đó Mi-rô-nốp đang phóng xe trên đường tới ga tiếp sau ga Crai-xcơ, nơi tàu sẽ đỗ chặng đầu ở đấy. Tổ công tác do anh phụ trách đã đến trước anh khoảng nửa giờ.
Anh đến ga trước lúc tàu tới độ mười phút. Đưa mắt kiểm tra vị trí các nhân viên công tác, An-đrây liền chọn một nơi thuận tiện để quan sát được toàn cảnh sân ga: chỗ gần quầy bán báo. Theo kế hoạch, anh không cần trực tiếp tham gia vào cuộc "đưa đón" này.
Mi-rô-nốp kiểm điểm lại các chi tiết kế hoạch hành động và tự hỏi: đã đầy đủ thực chưa? Đã chặt chẽ chưa? Anh suy nghĩ và tự kết luận: có thể yên tâm được. Thậm chí có thể nói là hết sức chu đáo nữa. Thực ra, nếu chỉ để bắt giữ Trê-nhi-a-ép thì chỉ cần mình anh hoặc Lu-ga-nốp cũng đủ. Nhưng trong cuộc sống vẫn phải đề phòng những sự bất ngờ, những diễn biến đột ngột làm rắc rối thêm tình hình. Dù là hai người chọi một đi nữa thì vẫn có thể có khó khăn.
Chả việc gì mà mạo hiểm cả. Còn bây giờ thì có thể yên tâm mà hành động: trên toa tàu đã có ba người, dưới sân ga cũng có ba -- Mi-rô-nốp và hai nhân viên cảnh giới nữa. Dù sao cũng không thể khinh suất. Kẻ bị bắt không phải là tay vừa!..
Từ xa vọng lại tiếng còi tàu lanh lảnh. An-đrây liếc nhìn đồng hồ: mười tám giờ ba mươi lăm phút. Tàu đến rất đúng giờ, và anh cũng mong cho công việc tiến hành đúng như kế hoạch hành động...
Mi-rô-nốp chả phải lo lắng nữa. Mọi việc đều diễn ra đúng như kế hoạch hành động. Khoảng mười lăm phút trước khi tàu đến ga, Lu-ga-nốp khi đó đang đứng ở hành lang toa tàu, thấy cửa phòng Trê-nhi-a-ép mở và ông ta đi ra, đứng nhìn qua cửa sổ, bình thản hút thuốc.
Với một nụ cười thân mật, Lu-ga-nốp lại gần Trê-nhi-a-ép (đồng thời hai nhân viên phối hợp cũng đứng dậy, chặn hai đầu toa).
-- Chào đồng chí Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích. Rất vui mừng được gặp đồng chí ở đây. Đồng chí vẫn mạnh khỏe chứ?
Trê-nhi-a-ép giật mình và liếc nhanh: Lu-ga-nốp điệu bộ xởi lởi đi lại phía mình.
--Ồ, đồng chí, nếu tôi không nhầm thì đồng chí là Lu-ga-nốp phải không? Ồ, số mệnh lại làm chúng ta gặp nhau? Té ra chúng ta cùng đi một chuyến với nhau ư? -- Trê-nhi-a-ép cũng ra bộ vui mừng. Ông ta cười rất cởi mở.
-- Chưa hẳn là như vậy đâu, đồng chí Trê-nhi-a-ép ạ. Tôi đến đây tìm đồng chí thì đúng hơn. -- Lu-ga-nốp đổi giọng nói, vẻ mặt anh trở nên lạnh lùng như báo cho đối thủ biết là câu chuyện không phải là sự gặp gỡ vô tình.
-- Tìm tôi à? -- Trê-nhi-a-ép kêu lên, sửng sốt. -- Đồng chí nói gì vậy? Không đùa đấy chứ?
-- Không, sao lại nói đùa ở đây? Hoàn toàn nghiêm túc đấy. Chả là chúng tôi thấy có một số vấn đề nảy sinh ra và cần phải nói chuyện thêm với đồng chí. Do đó cấp trên có ủy nhiệm cho tôi đến gặp đồng chí. Mời đồng chí xuống tàu và trở lại Crai-xcơ. Đề nghị thi hành ngay.
-- Thế tức là, -- Trê-nhi-a-ép bình tĩnh hỏi lại, -- Các anh bắt tôi? Nếu như vậy, trong trường hợp này, tôi yêu cầu cho xem lệnh bắt. Nếu không thì tôi sẽ không đi đâu hết.
-- Tôi chưa dùng chữ bắt, -- Lu-ga-nốp nói. -- Tôi xin nhắc lại là, chúng tôi cần gặp để xác minh một số vấn đề. Không thể thiếu ông được. Còn nếu như buộc phải dùng đến thủ tục giấy tờ, thì trong trường hợp nào tôi cũng sẵn sàng để ông xem. Tôi xin thông báo là việc mời ông trở lại Crai-xcơ đều đã được Thành ủy và các cấp trực tiếp chỉ huy của ông đồng ý. Ông có thể tin ở tôi được.
Ngay lúc đó Trê-nhi-a-ép hơi lùi lại. Một tay đặt lên thành cửa sổ như định nhảy qua, ông ta tưởng là Lu-ga-nốp không thể đoán biết được hành động đó. Nhưng Lu-ga-nốp đã thấy rõ. Anh đề phòng, theo dõi từng cử động nhỏ của Trê-nhi-a-ép, từng biểu hiện trên nét mặt. Anh nhìn thẳng vào mặt ông ta nói với giọng bình tĩnh nhưng kiên quyết:
-- Không nên như thế ông Ca-pi-tôn I-la-ri-ô-nô-vích ạ. Đừng đóng kịch nữa. Không ăn thua đâu. Tôi bảo đảm với ông rằng những hành động này sẽ không đưa lại điều gì tốt lành cho ông.
Nghe vậy, Trê-nhi-a-ép liền đưa mắt liếc nhanh hai đầu hành lang toa tàu: hai nhân viên an ninh đang đứng chặn. Ông ta nhún vai rồi cau có nói:
-- Thật là quái gở, một sự cưỡng bức. Các anh hãy nhớ lấy việc làm quái gở này. Tôi phải phục tùng sức mạnh, nhưng tôi sẽ kiện. Các anh cũng thừa biết tôi là ai rồi...
Đoàn tàu giảm dần tốc độ, và dừng hẳn khi vào đúng sân ga. Đứng ở quầy bán báo, khi tàu vừa dừng lại, An-đrây trông thấy rõ một nhân viên tổ công tác theo bậc cửa nhảy xuống sân ga, tiếp theo là Trê-nhi-a-ép từ từ bước xuống có Lu-ga-nốp đi kèm và cuối cùng là người nhân viên thứ hai. Họ đi thẳng qua phòng chờ nhà ga, bước ra quảng trường ga. Cả bốn người vừa ngồi xong vào chiếc xe công tác chờ sẵn, lái xe liền nổ máy phóng đi. Một phút sau, Mi-rô-nốp cũng lên xe và ra hiệu cho người lái bám theo chiếc ô-tô đi trước cửa Lu-ga-nốp.