My test of a good novel is dreading to begin the last chapter.

Thomas Helm

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 14
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1498 / 35
Cập nhật: 2016-02-29 20:21:30 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Dấu Máu Hồng Trên Tuyết Trắng Từ Madrid Đến Paris
úc đêm vừa xuống, khi hai người vừa đến biên giới Tây Ban Nha - Pháp, Nena Deconte nhận thấy ngón tay đeo nhẫn cưới của mình vẫn còn đang rỉ máu. Người gác biên phòng, với cái chăn bằng len thô trùm lên cả cái mũ ba góc bằng da sơn, xét hộ chiếu của họ dưới ánh sáng ngọn đèn lồng khí đá trong lúc cố chống chọi để giữ chân đứng cho vững trước ngọn cuồng phong từ dãy Pyrénées ào ạt thổi tới. Mặc dầu hai tấm hộ chiếu ngoại giao hoàn toàn hợp lệ, người gác vẫn giơ ngọn đèn lồng lên soi vào mặt họ để chắc chắn rằng người và ảnh giống nhau. Nena Daconte gần như là một đứa bé thơ với đôi mắt của con chim hạnh phúc và làn da mật mía vẫn còn ngời sáng ánh nắng rực rỡ vùng biển Caribê, trong bóng tối lờ mờ ảm đạm của tháng giêng nơi miền cao nguyên heo hút này và cô bé được phủ kín đến tận cằm trong một chiếc áo bằng lông chồn vizon mà có lẽ trọn năm lương của cả đồn biên phòng cũng chưa mua được. Chồng cô, Billy Sanchez de Avila, còn trẻ hơn cô một tuổi, và đẹp cũng gần như cô; chàng ta mặc một áo jacket bằng len, đầu đội mũ của dân chơi baseball. Không giống như vợ, chàng ta cao lớn khỏe mạnh, kiểu một lực sĩ thể thao và có cái hàm sắt của một tay chơi công tử. Những cái biểu lộ rõ nhất thân thế của hai người đó là chiếc xe hơi sáng loáng màu bạc với phần tiện nghi bên trong toát ra hơi thở của một sinh vật nóng hổi sức sống; chưa có chiếc xe nào giống như thế được nhìn thấy suốt dọc biên giới nghèo nàn đó. Băng ngồi phía sau xe đầy ngập những chiếc vali mới toanh và rất nhiều hộp quà tặng vẫn còn nguyên chưa mở. Nơi đó còn có cả chiếc kèn saxophone giọng ténor vốn là niềm say mê cuồng nhiệt trong đời Nena Daconte trước khi nàng rơi vào mối tình sôi động với chàng du côn trên bãi biển nhưng rất dịu dàng dáng yêu của nàng.
Khi người gác trả lại tấm hộ chiếu đã được đóng dấu, Billy Santhez hỏi anh ta ở đâu có tiệm thuốc tây để mua thuốc chữa vết thương cho vợ mình và người gác đã la to át tiếng gió là họ nên hỏi ở Hendaye, bên phía nước Pháp. Nhưng mấy người lính biên phòng ở Hendaye đang ở trong một cái đồn canh bằng kính ấm áp, ngồi quây quần quanh bàn, áo choàng phủ kín, đang chơi bài và ăn bánh mì nhúng vào những cốc rượu vang lớn tất cả điều họ cần thấy chỉ là kích thước và hiệu xe để rồi vẫy tay ra hiệu đi vào nước Pháp. Billy Sanchez nhấn còi năm, bảy lần, nhưng mấy người gác không thèm hiểu là chàng đang gọi họ, và một người trong bọn mở cửa sổ, hét lớn lên, còn cuồng nộ hơn cả cơn gió dữ.
"Cuc c.! Cút mẹ chúng mày đi" (Merde! Allez vous en! Tiếng Pháp trong nguyên bản)
Lúc đó Nena Daconte, trùm kín áo choàng đến tận mang tai, ra khỏi xe và hỏi anh lính biên phòng bằng một thứ tiếng Pháp hoàn hảo, thật êm tai: Anh vui lòng cho em hỏi tiệm thuốc tây ở đâu? Thế nhưng cứ thông lệ, người lính, mồm đầy bánh mì, trả lời cộc lốc: Chẳng phải chuyện của tôi, nhất là trong lúc mưa bão như thế này, và đóng cửa lại. Nhưng khi anh ta nhìn kỹ hơn cô gái trùm kín trong màu sáng óng ánh của cái áo lông chồn và đang mút ngón tay bị thương của cô, có lẽ anh ta đã coi nàng là một khải tượng ma thuật vào cái đêm đáng sợ đó, bởi vì anh ta thay đổi thái độ ngay lập tức. Anh ta giải thích là thành phố gần nhất là Biamtz, nhưng giữa mùa đông và giữa tiếng gió tru như chó sói thế này, có lẽ họ không thể tìm thấy tiệm thuốc tây nào mở cửa cho đến khi họ đến Bayonne, xa hơn một tí.
"Có trầm trọng lắm không?" anh ta hỏi.
"Ồ không có gì" Nena Daeonte trả lời, vừa cười vừa đưa cho anh ta thấy ngón tay đeo chiếc nhẫn kim cương của cô với vết xước hầu như không nhận thấy của cành hồng trên đầu ngón tay. "Chính ra chỉ là một vết gai đâm".
Trước khi hai người đến Bayonne, tuyết lại bắt đầu rơi trở lại. Chưa quá bảy giờ tối nhưng họ thấy đường vắng ngắt và nhà cửa hai bên đóng kín cửa vì ngại cơn bão dữ và sau khi quẹo tới nhiều góc phố mà chẳng nhìn thấy tiệm thuốc tây nào, họ quyết định tiếp tục lái xe đi. Quyết định đó làm Billy Sanchez khoái chí. Chàng ta mang một nỗi đam mê không bao giờ thỏa đối với các chiếc xe hơi kiểu hiếm và bố chàng thì lại có quá nhiều mặc cảm phạm tội và tiền của thì lại càng nhiều hơn, để nuông chiều các ý thích ngông cuồng của cậu quý tử và chàng chưa bao giờ được lái chiếc xe nào giống như chiếc Bentley mui này mà bố chàng tặng làm quà cưới. Niềm vui sướng vô ngần của chàng khi ngồi trước vô lăng, mãnh liệt đến độ chàng càng lái say mê với tốc độ trên đường dài chàng càng quên đi mệt mỏi. Chàng muốn đến thành phố Bordeaux ngay trong đêm đó. Họ đã đặt phòng tân hôn ở khách sạn Splendid và bất chấp những cơn gió ngược hay tuyết phủ đầy trời cũng không thể giữ chân chàng lại. Nena Daconte trái lại, hầu như kiệt sức, nhất là từ chặng đường cuối, kể từ lúc rời Madrid, khi đi dần vào rặng Pyrénées, một chặng đường cheo leo vách đá, môi trường thích hợp cho đám sơn dương, và thường xuyên bị những trận mưa đá dồn dập trút xuống.
Khi ra khỏi Bayonne, nàng lấy khăn tay buộc quanh ngón tay đeo nhẫn, thắt chặt để ngăn máu chảy, và bắt đầu rơi vào một giấc ngủ thật sâu. Billy Sanchez không để ý đến điều đó cho đến lúc gần nửa đêm, khi tuyết ngừng rơi và gió bỗng ngưng lay động những hàng thông trùng điệp, bầu trời bên trên tháo nguyên lấp lánh những vì sao lạnh giá. Chàng đã đi qua những ngọn đèn ngủ của thành phố Bordeaux nhưng chỉ dừng lại để đổ xăng tại một trạm xăng dọc theo xa lộ vì chàng còn đủ sức lái xe thẳng một mạch đến Paris không cần nghỉ ngơi dọc đường. Chàng ta quá khoái chí mê mẩn với món đồ chơi lớn sang trọng đắt giá của mình mà quên mất không tự hỏi xem sinh vật rạng ngời đang nằm ngủ bên cạnh chàng với ngón tay đeo nhẫn đang rướm máu dù đã được băng lại và giấc mơ trẻ thơ của nàng lần đầu tiên bị phá bởi nhưng tia chớp của nỗi bất trắc có cùng cảm xúc giống chàng không.
Đôi lứa thiếu niên đã kết hôn ba ngày trước đó và cách nơi chốn hiện nay hơn mười ngàn cây số, tại Cartagena de Indias, một cuộc hôn nhân khiến bố mẹ chàng ngạc nhiên và bố mẹ nàng thất vọng cay đắng, nhưng với lời ban phúc của chính Đức Tổng Giám Mục. Không có ai, trừ hai người trong cuộc, hiểu được nền tảng thật sự hay biết được những nguyên nhân nào đã đưa đến tình yêu. Không ai ngờ được trước đó. Tiếng sét ái tình đã giáng vào họ ba tháng trước ngày cưới, vào một ngày chủ nhật trên bãi biển, khi băng nhóm của Billy Sanchez ào tới các phòng thay đồ tắm phụ nữ ở bãi biển Mabella.
Nena vừa tròn mười tám tuổi, nàng vừa trở về nhà từ trường Châtelleme ở Saint Blaise, Thụy Sĩ. Nàng nói thông thạo bốn thứ tiếng mà không hề pha giọng và với một nghệ thuật điêu luyện trong việc sử dụng kèn saxophone giọng ténor và ngày hôm đó ngày chủ nhật đầu tiên nàng ra bãi biển từ khi nàng trở về nhà. Nàng đang trần truồng như nhộng để sắp sửa mặc đồ tắm khi cuộc tháo chạy tán loạn và những tiếng la hét giống bọn hải tặc tấn công, bùng nổ nơi những phòng thay đồ kế cận, nhưng nàng chẳng hiểu chuyện gì xảy ra cho đến khi then cửa của phòng nàng bị tung vỡ ra và trước mắt nàng xuất hiện chàng tướng cướp đẹp trai chưa từng thấy đang đứng đối diện nàng. Hắn ta chẳng mặc gì ngoài mảnh quần tắm nhỏ xíu bằng da báo giả và hắn có một thân hình cân đối dẻo dai, màu da vàng sẫm của dân sống ở biển. Chung quanh cổ tay phải, hắn ta mang một vòng kim loại của tay giác đấu La Mã cổ đại và quanh nắm đấm tay phải, hắn quấn một vòng xích sắt như một thứ vũ khí sát thương, quanh cổ hắn đeo một sợi dây chuyền với tấm thẻ bài mặt trơn không có hình thánh; tấm thẻ bài đang phập phồng trong yên lặng theo nhịp đập con tim của hắn. Hai đứa đã cùng học chung ở trường tiểu học và đã cùng ăn bánh chung ở nhiều tiệc sinh nhật của nhau hay của bạn bè chung, bởi cả hai đều xuất thân từ các gia đình tỉnh lẻ đã thống trị thành phố đó theo ý thích của họ từ các thời thuộc địa, nhưng hai đứa đã xa nhau quá nhiều năm đến nỗi lúc mới gặp lại nhau chúng đã không nhận ra nhau. Nena Daconte vẫn đang chết trân không biết làm gì để che dấu vẻ dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên của mình. Rồi Billy Sanchez thực hiện cái nghi thức trẻ thơ của hắn ta. Hắn thả tụt cái mảnh khố da báo nhỏ xíu xuống để khoe với nàng cái biểu tượng nam nhi đang dựng đứng một cách đáng nể của mình. Nàng nhìn thẳng vào cái của mắc dịch ấy mà không lộ vẻ ngạc nhiên tí nào.
"Cô nương đây đã từng thấy ba cái thổ tả ấy còn to tướng hơn và thẳng cứng hơn của cậu em nhiều", nàng nói, cố trấn tĩnh nỗi kinh khiếp nơi mình. "Vì thế, chị khuyên cậu em nên suy nghĩ lại chuyện mình đang làm, bởi vì với chị đây, cưng phải làm sao cho ngon lành hơn một chàng lực sĩ da đen đấy nhé".
Trong thực tế, chẳng những Nena Daconte còn là một trinh nữ mà cho đến lúc đó nàng chưa từng thấy một người đàn ông nào ở truồng, tuy thế sự thách thức của nàng vẫn hiệu quả. Tất cả điều mà Billy Sanchez nghĩ có thể làm chỉ là đấm mạnh nắm đấm có quấn xích sắt vào tường cho đến khi tay chàng tóe máu. Nàng đưa chàng đến bệnh viện trong xe của nàng và giúp chàng trong thời gian chờ hồi phục, cuối cùng hai đứa đã cùng nhau học làm tình cho đúng cách. Chúng đã trải qua một buổi chiều tháng sáu vất vả tại sân thượng nội thất, nơi sáu thế hệ tổ tiên lừng lẫy của Nena Daconte đã chết; nàng chơi các ca khúc dân gian bằng kèn saxophone, còn chàng, với cánh tay băng bột, nằm trên võng, say mê chiêm ngưỡng nàng, lòng sững sờ khôn xiết. Căn nhà có vô số cửa sổ từ nền đến trần đối diện với mặt nước tĩnh lặng - một thứ vật cấm được sùng bái - của Vịnh biển trước mặt và ngôi nhà đó là một trong những ngôi nhà lớn nhất và cũng cổ nhất trong quận La Manga, không nghi ngờ gì nữa, cũng là ngôi nhà xấu xí nhất. Nhưng cái sân thượng nội thất với mái ngói màu bàn cờ, nơi Nena Daconte đang chơi đàn saxophone, là một ốc đảo mát dịu trong cái nắng xế gay gắt, nhìn ra một khoảng sân một bóng cây xoài và cây chuối, dưới bóng tán lá cây có một ngôi mộ với một bia đá vô danh xa xưa hơn cả ngôi nhà và hoài niệm của gia tộc.
Ngay cả đối với những người không biết gì về âm nhạc cũng không nghĩ rằng cây kèn saxophone quả là lạc lõng trong căn nhà quí tộc cố cựu như vậy. "Nghe như tiếng tàu thủy rúc còi vậy", bà nội của Nena Daconte từng nói thế khi bà nghe tiếng kèn lần đầu. Còn mẹ của nàng cố gắng khuyên nàng chơi theo cách khác, nhưng vô ích; bà còn khuyên nàng giữ ý tứ, đừng có chơi nhạc mà mặc váy ngắn cũn cỡn để hở cặp đùi và dang rộng hai chân như thế và với một thứ nhục cảm chẳng có liên quan thiết yếu gì mấy với âm nhạc. "Bạn chơi loại nhạc cụ gì thì cũng chẳng quan trọng gì mấy đối với tôi", nàng từng nói, "nếu bạn chơi nhạc cụ đó với đôi chân khép chặt ".
Nhưng chính các ca khúc biệt ly, khi một người lên tàu rời xa bến và buổi yến tiệc tình yêu ấy đã cho phép Nena Daconte phá vỡ cái vỏ cay đắng bao học Billy Sanchez từ bấy lâu nay. Dưới cái hỗn danh đáng buồn là một tên thô lỗ dốt nát mà chàng ta đã duy trì một cách thành công do sự hội tụ của hai danh gia vọng tộc, nàng đã khám phá ra đứa con côi dịu dàng, khiếp sợ trước đời sống. Trong khi các khớp xương nơi bàn tay chàng được khâu lành, nàng và Billy Sanchez học cách hiểu biết lẫn nhau kỹ đến nỗi chàng ta kinh ngạc đến sững sờ trước tính lưu hoạt của tình yêu khi nàng kéo chàng lại chiếc giường trinh nữ của nàng một buổi chiều mưa, lúc chỉ có hai đứa ở nhà. Mỗi ngày vào cùng thời điểm, trong suốt hai tuần lễ, hai đứa vui đùa thỏa thích, trần truồng mê đắm, dưới tia nhìn sửng sốt từ các bức chân dung từ các cụ tổ phụ và tổ mẫu vẫn chưa hề hết khao khát, cũng đã từng lăn lóc mê mẩn nơi thiên đường của chiếc giường lịch sử đó. Ngay cả trong những lúc tạm dừng để chờ hồi sức tiếp tục cuộc chiến đấu, hai đứa cũng để trần truồng như thế và cửa sổ cứ mở toang, hít thở mùi vị từ các con tàu nhẹ đưa từ vịnh thoảng tới và lắng nghe, khi tiếng kèn saxophone cũng như mọi tiếng động thường ngày khác đều im ắng, chỉ có tiếng kêu với một âm điệu độc nhất, đều đều của lũ ếch nhái dưới các cây chuối, âm thanh giọt nước rơi trên mồ kẻ vô danh, bước dịch động tự nhiên của sự sống mà chúng chưa có dịp học hỏi trước đây.
Khi cha mẹ nàng trở về nhà, Nena Deconte và Billy Sanchez đã tiến quá xa trong cuộc tình khiến thế giới không còn đủ rộng lớn cho điều gì khác hơn, chúng làm tình mải mê hết biết trời đất, bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tìm cách phát kiến lại điều đó mỗi lần chúng đụng độ nhau. Trước tiên, chúng quần nhau trong chiếc xe thể thao mà bố của Billy Sanchez đã tặng cho chàng để xoa dịu bớt cảm thức phạm tội của ông ta. Rồi khi các chiếc xe đã trở nên quá dễ dàng, nhàm chán thì buổi tối hai đứa lại đi đến các buồng thay đồ ở Marbella, nơi định mệnh đã lần đầu kéo chúng lại gần nhau và trong buổi lễ tháng mười một, hai đứa còn bận áo dạ hội đến các phòng cho thuê khu phố nô lệ cũ ở Gethsemani, dưới sự trông chừng, bảo vệ của các bà đứng đắn cách đây vài tháng còn phải chịu đựng Billy Sanchez và đồng đảng của chàng ta. Nena Daconte hiến thân trọn vẹn cho mối tình chợt đến đó cùng với lòng nhiệt thành đắm đuối mà trước đó nàng đã dành cho cây kèn saxophone, cho đến khi chàng tướng cướp đáng yêu của nàng cuối cùng đã hiểu ra nàng ám chỉ điều gì khi nàng nói là chàng phải làm cho ngon lành như một lực sĩ da đen. Billy Sanchez luôn luôn đáp trả tình nàng với sự khéo léo và nhiệt tình không phai nhạt. Khi làm lễ kết hôn xong, hai đứa thực hiện lời nguyền ước yêu nhau trên vùng trời Đại Tây Dương, trong khi các cô tiếp viên hàng không ngủ, hai đứa quấn chặt nhau trong phòng vệ sinh của máy bay, ngây ngất vì những tràng cười đùa hơn là vì lạc thú. Chỉ khi đó, hai mươi bốn giờ sau lễ cưới, hai đứa mới biết rằng Nena Daeonte đã có bầu được hai tháng.
Và thế là khi đến Madrid, hai đứa không lộ ra là đôi tình nhân đã ăn nằm với nhau thỏa thuê mà đủ khôn khéo ý tứ làm ra vẻ một cặp tân hôn còn e ấp thẹn thùng. Bố mẹ họ đã chăm lo thu xếp mọi thứ. Trước khi họ rời máy bay, một sĩ quan lễ tân đã đến buồng khách hạng nhất để trao cho Nena Deconte chiếc áo khoác lông chồn trắng trang trí hoa văn màu đen sáng lấp lánh; đó là món quà cưới của bố mẹ nàng và trao cho Billy Sanchez chiếc áo jacket tuyệt phẩm thời trang mùa đông đó cùng chiếc chìa khóa mới tinh của một chiếc xe hơi tân kỳ nhất đang chờ chàng ở phi trường.
Các phái đoàn ngoại giao của xứ họ đón đôi tân hôn ở phòng tiếp tân chính thức. Nơi đó có mặt ngài Đại sứ với phu nhân, những người bạn lâu năm của cả hai gia đình và ngài Đại sứ cũng chính là bác sĩ đã đỡ đẻ cho Nena Daconte chào đời. Giờ đây ông đang chờ đón nàng với một bó hoa hồng tươi thắm, rực rỡ còn đọng những giọt sương mai long lanh. Nàng chào mừng bố mẹ chồng với những nụ hôn có phần gượng gạo, ngượng ngùng về tình trạng làm dâu hơi sớm của mình, rồi giơ tay nhận những đóa hồng. Khi cầm bó hoa, nàng vô ý để một ngón tay chạm vào gai, nhưng nàng đã nhanh trí xử lý sự sơ suất đó bằng một lời bào chữa duyên dáng.
"Con đã cố ý làm như thế" nàng nói "để Ngài lưu ý đến chiếc nhẫn con đang đeo".
Quả thật, cả đoàn ngoại giao đều ngạc nhiên chăm chú nhìn vẻ lộng lẫy của chiếc nhẫn cưới, hẳn phải đáng giá cả một gia tài, chẳng phải chỉ do phẩm chất của các viên kim cương mà chủ yếu là bởi tính cổ xưa được trang trọng gìn giữ của chiếc nhẫn. Nhưng không ai để ý là ngón tay nàng đã bắt đầu rỉ máu. Họ đều quay qua chiếc xe mới để ngắm nghía trầm trồ. Ngài Đại sứ đã có ý tưởng độc đáo là mang chiếc xe đến phi trường và ra lệnh trùm kín nó trong giấy xen-lô-phan và cột lại bằng một dải băng màu vàng khổng lồ. Billy Sanchez hồn nhiên như trẻ thơ chẳng để ý gì đến chung quanh. Chàng ta quá nóng lòng nhìn chiếc xe đến độ chàng lập tức xé toang tấm giấy trùm và nhảy phóc vào trong xe ngồi trước tay lái; sung sướng đến nín thở. Đó là chiếc Bentley loại kéo mui lên xuống được, kiểu mới nhất của năm đó với mui nệm bên trong bằng da thật. Bầu trời bên trên một màu xám tro nặng như chì, một ngọn gió buốt cắt da thổi qua Guadarrama, chẳng phải là thời điểm thích hợp để đứng ngoài trời, nhưng Billy Sanchez chẳng có ý niệm gì về tiết trời lạnh giá cả. Chàng ta làm cả ngoại giao đoàn phải đứng đợi nơi bãi đậu xe ngoài trời, chẳng thèm biết là cả đám đang chết cóng, nhưng vì lịch sự vẫn phải đứng yên đợi chàng cho đến khi chàng ngắm nghía thỏa thuê từng chi tiết nhỏ của chiếc xe. Rồi thì ngài Đại sứ ngồi bên cạnh chàng chỉ đường cho chàng lái về chỗ công thự của ông, nơi tiệc cưới đang được sửa soạn. Trên đường đi, ông chỉ cho cậu con những nơi danh thắng của thành phố, nhưng Billy Sanchez hình như chỉ để ý đến sự quyến rũ ma thuật của chiếc xe.
Đó là lần đầu chàng đi du lịch nước ngoài. Chàng đã theo học qua bao trường tư rồi trường công, lưu ban hết lớp này đến lớp khác cho đến lúc bị phó mặc trong sự hững hờ quên lãng. Những dấu hiệu đầu tiên của thành phố nào khác với chính thành phố quê hương chàng, các dãy nhà máy xám tro với ánh đèn sáng giữa ban ngày, các thân cây trụi lá, vùng biển xa, tất cả đều làm tăng thêm cảm giác cách biệt mà chàng cố giữ trong một góc của con tim mình. Nhưng rồi chàng nhanh chóng rơi vào cái bẫy đầu tiên cửa sự lãng quên mà chàng không hề nhận biết. Một cơn bão bất ngờ, lặng lẽ, cơn bão sớm nhất đầu mùa, bỗng thổi qua trên đầu, và khi đôi lứa rời công thự của ngài Đại sứ sau buổi tiệc cưới để bắt đầu lái xe hướng về nước Pháp, bọn họ thấy cả thành phố bị phủ ngập bởi tuyết trắng rạng ngời. Rồi Billy Sanchez quên cả chiếc xe, la hét vui mừng với tất cả mọi người nhìn mình, ném tung từng nắm tuyết đầy lên đầu và vẫn mặc cái áo khoác mới toanh, chàng lăn lộn trên mặt đất ngay giữa đường phố.
Nena Daconte đã không để ý là ngón tay nàng vẫn chảy máu cho đến khi hai đứa rời Madrid vào một buổi chiều đã trở nên trong sáng sau cơn bão. Điều đó khiến nàng ngạc nhiên, bởi vì trước đó, khi nàng dùng kèn saxophone để đệm cho phu nhân đại sứ hát mừng những khúc arias của Ý sau buổi tiệc, thì ngón tay đeo nhẫn đã làm nàng đau nhức khó chịu. Sau đó, khi nàng chỉ cho chồng con đường ngắn nhất để đến biên giới, nàng mút ngón tay đó, một cách vô thức, mỗi lần nó chảy máu và chỉ khi đến rặng núi Pyrésnées nàng mới nghĩ đến việc tìm một tiệm thuốc tây. Rồi nàng rơi vào những giấc mộng quá hạn của mấy ngày trước khi nàng thức giấc để lại rơi vào cái cảm tưởng như ác mộng rằng chiếc xe đang đi dưới nước, đó là một khoảng thời gian quá lâu trước khi nàng nhớ lại chiếc khăn tay đang quấn quanh ngón tay nàng. Nàng nhìn thấy trên mặt đồng hồ được rọi sáng của táp lô xe, kim đồng hồ chỉ ba giờ hơn, nàng tính nhẩm và, chỉ khi ấy, nàng mới chợt nhận ra là hai đứa đã đi qua Bordeaux, qua cả Angoulême, Poitiers và đang lái xe chạy dọc theo ven bờ đê bị nước tràn qua cửa sông Loire. Ánh trăng len lỏi qua màn sương mù và bóng dáng các lâu đài thấp thoáng qua các hàng thông dường như hiện ra từ trong truyện thần tiên. Nena Daconte biết rõ vùng này, ước lượng rằng họ còn cách Paris độ ba giờ nữa và Billy Sanchez vẫn ngoan cường, vững vàng trước vô lăng.
"Anh đúng là một con người hoang dã", nàng nói. "Anh đã lái liên tục trong hơn mười một tiếng đồng hồ mà vẫn chưa ăn uống tí gì".
Như bị ngấm liều độc dược của chiếc xe mới, chàng cứ tiếp tục lái di. Chàng đã không ngủ gì nhiều lúc ở trên máy bay, nhưng chàng vẫn cảm thấy hoàn toàn tỉnh thức và còn sung sức để đến Paris vào lúc rạng đông.
"Anh vẫn còn no từ buổi tiệc cưới ở sứ quán" chàng đáp. Và chàng nói tiếp mà không có mối liên hệ lôgích nào. "Với lại ở Cartagena, giờ này họ mới vừa rời rạp hát. Chắc chỉ mới khoảng mười giờ đêm thôi".
Tuy thế, Nena Daconte ngại rằng chàng có thể ngủ gục trên tay lái. Nàng mở một trong rất nhiều quà tặng họ đã nhận được ở Madrid và cố nhét một miếng kẹo cam vào miệng chàng. Nhưng chàng quay đi.
"Đàn ông thực sự không ăn kẹo" chàng nói.
Trước khi đến Orléans một tí, sương mù tan dần và một vầng trăng tròn vành vạch, thật lớn soi sáng cánh đồng tuyết phủ nhưng sự lưu thông càng trở nên khó khăn hơn vì những chiếc xe tải khổng lồ và những chiếc xe bồn chở rượu chạy nhập vào cùng tuyến xa lộ, tất cả hướng về Paris. Nena Daconte muốn giúp chồng bằng cách ngồi vào tay lái nhưng nàng không dám gợi ý chuyện đó: Chàng đã báo cho nàng biết ngay trong lần đầu họ đi chơi bên ngoài với nhau rằng không có điều gì sỉ nhục hơn cho người đàn ông là để vợ cầm lái. Nàng thấy đầu óc tỉnh táo sáng suốt sau gần năm giờ ngủ ngon và nàng cũng thấy thích vì không phải ngủ lại nơi một khách sạn tỉnh lẻ của Pháp mà nàng đã từng quá biết khi nàng còn là một cô gái nhỏ đã từng trải qua vô số cuộc hành trình qua các vùng đó với bố mẹ nàng. "Chẳng còn vùng quê xinh đẹp nào trên thế giới này nữa", nàng nuối tiếc, "bạn có thể chết khát mà không gặp được một người nào cho không bạn một ly nước lã". Nàng tin chắc vào điều đó đến nỗi trước lúc đi, nàng đã cẩn thận mang theo một cục xà bông, một cuộn giấy vệ sinh trong túi xách, bởi vì tại khách sạn Pháp thời đó chẳng hề có xà bông và giấy vệ sinh. Điều duy nhất nàng lấy làm tiếc vào giờ phút đó là đã để phí nguyên cả một đêm mà không làm tình. Câu trả lời của chồng nàng đến ngay tức thì.
"Anh cũng vừa mới nghĩ là làm tình trong tuyết hẳn phải thú vị lắm". "Ngay tại đây, nếu em muốn"
Nena Daconte chịu liền. Tuyết được ánh trăng chiếu sáng ở bìa xa lộ trông như được phủ lông tơ, mềm mại và ấm áp nhưng vì lúc đó họ đã đến gần vùng ngoại ô Paris, xe cộ lưu thông trên đường nhiều hơn, nhiều hãng xưởng thắp đèn sáng trưng, công nhân rộn rịp đạp xe đạp đến chỗ làm. Nếu không phải gặp lúc mùa đông thì giờ này hẳn là đã sáng bảnh mắt rồi.
"Thôi chúng mình đợi đến Paris hẵng hay" Nena Daconte bảo chồng. "Lúc đó hai đứa đều tinh tươm, ấm áp trong giường với gối chăn sạch sẽ giống như đôi tân hôn khác".
"Lần đầu tiên thấy em từ chối anh chuyện đó đấy", chàng nói.
"Đúng rồi", nàng đáp, "Đây là lần đầu chúng mình mới lấy nhau mà".
Gần đến rạng đông, hai người vào rửa mặt và làm vệ sinh ở một quán ăn ven đường, uống cà phê, ăn bánh croissant nóng ở quầy, nơi đó các tài xế xe tải uống rượu chát trong khi dùng điểm tâm. Khi ở buồng toilet, Nena Daconte nhìn thấy nhiều vết máu dấy trên áo và váy nàng, nhưng nàng đã không cố gột chúng đi. Nàng ném chiếc khăn tay thấm máu vào giỏ rác, đổi chiếc nhẫn cưới qua phía tay trái và rửa ngón tay bị thương bằng xà bông và nước lạnh. Vết trầy hầu như không nhìn thấy được. Thế nhưng khi họ vừa trở lại ngồi vào trong xe, vết trầy đó lại rỉ máu và Nena Daconte đưa cánh tay ra ngoài cửa xe, tin rằng không khí buốt giá của đồng trống có thể làm se bề mặt vết thương để cầm máu. Phương cách đó tỏ ra vô hiệu, nhưng nàng vẫn chưa quan tâm lắm. "Nếu có ai đó muốn theo dấu chúng ta thì thật dễ thôi", nàng nói với vẻ duyên dáng, hồn nhiên của mình. "Họ chỉ cần theo dấu máu của em trên tuyết".
Rồi nàng nghĩ tiếp về điều mình vừa nói và mặt nàng bỗng rạng rỡ hẳn lên trong tia sáng đầu tiên của ban mai.
"Hãy tưởng tượng xem", nàng nói tiếp, "Một vết máu trong tuyết kéo dài suốt chặng đường từ Madrid tới Paris. Đó có thể là đề tài của một ca khúc hay đấy chứ?"
Nàng không còn thời gian để suy nghĩ thêm nữa. Khi đến vùng ngoại ô Paris, ngón tay nàng chảy máu thành dòng không cầm lại được nữa và nàng cảm thấy như linh hồn nàng thoát đi qua vết thương đó. Nàng đã cố thử ngăn dòng máu với cuộn giấy vệ sinh nàng mang theo trong túi xách tay, nhưng thời gian bọc ngón tay nàng còn lâu hơn là thời gian để ném các miếng giấy thấm máu qua cửa xe. Quần áo nàng đang mặc, áo khoác chỗ ngồi trong xe, tất cả đều thấm ướt máu, theo một tiến trình tuần tự nhưng bất khả vãn hồi. Billy Sanchez kinh hoàng thật sự và nhấn mạnh với nàng cố tìm một tiệm thuốc tây nhưng lúc đó nàng biết rằng không còn là vấn đề của các dược sĩ nữa.
"Chúng ta sắp đến cổng d'Orleans rồi", nàng nói. "Chạy thẳng phía trước dọc theo đại lộ Tướng Leclerc, con đường lớn với hai hàng cây đó, rồi em sẽ chỉ cho anh biết phải làm gì"
Đây là đoạn khó khăn nhất trong cuộc hành trình. Đại lộ Tướng Leclere kẹt xe cả hai chiều, một cái nút địa ngục với xe nhỏ và xe gắn máy đan chéo nhau với các xe tải khổng lồ đang cố nhích từng chút để tiến vế các chợ trung tâm. Tiếng nhấn còi vô hiệu làm Billy Sanchez nổi cáu, chàng văng tục liền miệng vào đám tài xế các xe kia và còn muốn nhào ra khỏi xe để đấm một người trong bọn họ, nhưng Nena Daconte lựa lời khuyên giải chàng rằng người Pháp là dân cộc cằn nhất thế giới, nhưng họ đâu có mang nắm đấm sắt trên tay. Câu đó thêm một bằng chứng cho sự phán đoán sáng suốt của nàng, bởi vì vào lúc ấy Nena Daeonte đang thu hết nghị lực để không đánh mất ý thức.
Họ phải mất hơn một giờ để đi vòng bùng binh Léon de Belffort. Các tiệm cà phê và cửa hàng đều bật đèn sáng như lúc nửa đêm, bởi vì hôm đó là ngày thứ ba tiêu biểu cho tiết trời tháng giêng u ám ảm đạm của Paris với cơn mưa dai dẳng nhưng chẳng bao giờ đủ rắn lại thành tuyết. Nhưng xe cộ đã thưa thớt trên Đại lộ Denfert-Rochereau và sau ít dãy phố, Nena Daconte bảo chồng quẹo phải rồi chàng đậu xe bên ngoài cửa cấp cứu của một bệnh viện ảm đạm, rộng mênh mông.
Người ta phải dìu nàng ra khỏi xe, thế nhưng nàng chưa đánh mất vẻ điềm tĩnh và sáng suốt. Trong lúc nàng nằm trên băng ca chờ bác sĩ đang bận khám người khác, nàng trả lời các câu hỏi thông lệ của người điều dưỡng đang nhìn vào căn cước và tiền sử bệnh án của nàng. Billy Sanchez mang xách tay của nàng và nắm chặt tay trái nàng nơi nàng đang đeo nhẫn cưới; bàn tay đó mềm lả và lạnh ngắt và đôi môi nàng đã mất hẳn màu hồng tươi. Chàng ngồi bên nàng nắm lấy tay nàng cho đến lúc bác sĩ đến khám qua ngón tay bị thương của nàng. Ông ta còn rất trẻ, đầu tóc cắt cao gọn ghẽ với làn da màu đồng nâu. Nena Daconte không chú ý đến ông mà hướng về phía chồng với một nụ cười nhợt nhạt.
"Đừng sợ" nàng nói với tính hài hước không kềm được của mình. "Điều duy nhất có thể xảy ra là cái ông ngáo ộp ăn thịt người này sẽ cắt bàn tay em và xơi tái nó".
Bác sĩ tiếp tục khám xong rồi làm cho họ ngạc nhiên với thứ tiếng Tây Ban Nha rất đúng ngữ pháp nhưng bằng giọng châu Á hơi là lạ.
"Không đâu các con ạ", ông ta nói. "Ông ngáo ộp ăn thịt người này thà chịu chết đói chứ không đời nào đành lòng cắt đi một bàn tay xinh đẹp như thế này".
Họ ngượng ngùng bối rối, nhưng vị bác sĩ đã trấn an họ với một cử chỉ thân ái. Rồi ông ta ra lệnh đẩy giường lăn đi xa và Billy Sanchez cố đi theo, bấu chặt vào tay vợ. Bác sĩ nắm lấy cánh tay chàng, ngăn lại.
"Đừng, anh bạn", ông nói "Cô ấy vào phòng chăm sóc đặc biệt".
Nena Daconte mỉm cười với chồng một lần nữa và tiếp tục vẫy tay chào tạm biệt cho đến khi nàng khuất ở cuối hành lang. Bác sĩ đứng phía sau, chăm chú đọc thông báo mà trước đó người điều dưỡng viết lên tấm bảng. Billy Sanchez gọi ông.
"Thưa bác sĩ, cô ấy đang có mang".
"Bao lâu rồi?"
"Độ hai tháng"
Bác sĩ không coi sự kiện này là quan trọng lắm như Billy Sanchez đã mong đợi. "Anh nói với tôi điều ấy là đúng đấy", ông trả lời cho có lệ rồi bước theo chiếc giường đẩy. Billy Sanchez bị bỏ lại đó, đứng chơ vơ giữa căn phòng ảm đạm bốc mùi mồ hôi người bệnh, không biết làm gì; chàng chỉ còn biết nhìn theo hành lang trống vắng nơi họ đã mang Nena Deconte đi, rồi chàng ngồi xuống băng ghế gỗ nơi những người khác cũng đang ngồi chờ. Chàng không biết mình ngồi đó trong bao lâu, nhưng khi chàng quyết định rời bệnh viện thì trời đã tối và vẫn còn mưa dai dẳng. Bị đè xuống bởi gánh nặng của cả thế giới chàng vẫn còn không biết phải làm gì.
Nena Daconte được nhập viện vào lúc chín giờ rưỡi sáng ngày thứ ba, 7, tháng giêng, theo như tôi biết được sau đó nhờ xem sổ nhận bệnh của bệnh viện. Tối đầu tiên hôm đó, Billy Sanchez ngủ trong xe, đỗ lại trước cửa cấp cứu và sáng hôm sau chàng ăn sáu quả trứng luộc rồi uống hai cốc cà phê sữa tại quán cà phê gần nhất. Từ lúc rời Madrid đến giờ chàng chưa ăn tí gì. Rồi chàng trở lại phòng cấp cứu để mong gặp Nena Daconte, nhưng mấy nhân viên bệnh viện tìm cách cho chàng hiểu rằng chàng phải đi vào cổng chính. Ở đó, cuối cùng một bác lao công người Asturias đã giúp chàng trình bày sự việc với người tiếp tân của bệnh viện; người này xác nhận rằng Nena Daconte đã nhập viện, nhưng thân nhân chỉ được thăm bệnh vào ngày thứ ba hàng tuần, chín giờ sáng đến bốn giờ chiều. Thế có nghĩa là sáu ngày kia không được lai vãng hỏi han. Chàng cố tìm gặp người bác sĩ nói tiếng Tây Ban Nha mà chàng diễn tả như là một người da ngăm đen với đầu tóc hớt cao, nhưng không ai có thể cho chàng biết điều gì nếu chỉ căn cứ vào hai chi tiết quá đơn giản đó.
Yên tâm rằng Nena Daconte có tên trong sổ nhận bệnh, chàng trở lại với chiếc xe. Một viên công lộ bảo chàng đậu xe ở hai dãy phố cách chỗ đó, trong một con đường chật hẹp, ở dãy phố ghi số chẵn. Bên kia đường là một building tân trang với bảng hiệu "Khách sạn Nicole". Khách sạn chỉ có một sao và dãy khu tiếp tân rất nhỏ, chỉ vỏn vẹn có một ghế sofa và một cây đàn piano cũ nhưng người chủ với giọng nói cao thánh thót, có khả năng hiểu được các khách hàng dù nói bất kỳ ngôn ngữ nào bao lâu mà vị khách còn có tiền. Billy Sanchez với mười một cái valy và chín hộp quà tặng, lấy cái phòng duy nhất còn trống, một cái gác xép hình tam giác ở tuốt trên tầng chín mà chàng lên tới sau khi trèo hụt hơi cái cầu thang cuối bốc mùi súp lơ luộc sôi. Bốn bức tường dán giấy màu xám xịt mà chẳng có chỗ nào ở cửa sổ để đặt bất cứ thứ gì ngoài ánh sáng lờ mờ lọt vào từ khoảng trống nội thất. Có một giường đôi, một tủ lớn, một ghế dựa thẳng lưng, vài dụng cụ vệ sinh dã chiến. Tất cả những thứ lỉnh kỉnh đó chiếm hết khoảng không gian chật hẹp của căn gác xép, do đó, cách duy nhất để ở trong phòng là nằm ì trên giường. Còn tệ hơn là cũ kỹ, tất cả mọi thứ trông như đồ phế thải, nhưng được cái rất sạch sẽ nặng mùi thuốc khử trùng.
Dầu có dùng cả phần còn lại trong đời để chờ đợi, Billy Sanchez cũng không giải đoán nổi những bí ẩn của thế giới được xây dựng trên tài năng keo kiệt đó. Chàng không hiểu được tại sao đèn cầu thang tắt đi trước khi chàng đến được tầng mình ở và chàng cũng không bao giờ khám phá được cái bí quyết bật sáng đèn trở lại. Chàng phải mất nửa buổi sáng mới biết được rằng trên mỗi tầng có một phòng nhỏ làm vệ sinh chung mà người ta kéo một dây xích để dội cầu và chàng đã định mò mẫm trong bóng tối để dùng nó, khi chàng tình cờ khám phá ra rằng đèn sẽ bật sáng lên khi bấm khóa bên trong và do đó sẽ không có ai quên tắt đèn khi đi ra ngoài. Vòi sen trắng được đặt ở cuối dãy phòng chỉ được dùng mỗi ngày một lần; muốn dùng thêm phải trả tiền mặt, còn nước nóng một lần chỉ chảy trong ba phút thôi, do phòng tiếp tân kiểm soát. Thế nhưng Billy Sanchez cũng đủ sáng suốt để nhận ra rằng cách làm ăn đó, dầu rất khác biệt với cánh hành xử của chàng, dẫu sao cũng vẫn tốt hơn là ở ngoài trời vào tiết tháng giêng khắc nghiệt của Paris và chàng cảm thấy thật bối rối và cô đơn đến đỗi là chàng không thể hiểu làm sao chàng đã có thể sống mà không có sự giúp đỡ và bảo bọc của Nena Daconte.
Khi chàng leo lên lại phòng mình vào buổi sáng thứ tư, chàng ném mình nằm úp mặt xuống giường, với áo choàng còn nguyên trên người, nghĩ miên man về tạo vật kỳ diệu đang tiếp tục chảy máu, chỉ cách chàng có hai dãy phố và chàng rơi vào một giấc ngủ mê man; đến khi chàng thức dậy, đồng hồ đã chỉ năm giờ nhưng chàng không biết năm giờ chiều hay năm giờ sáng và hôm đó là ngày thứ mấy trong tuần, và cũng chẳng còn biết mình đang ở thành phố nào với những cửa sổ bạc màu, xộc xệch bởi gió mưa. Chàng thức giấc nhưng vẫn còn nằm trong giường, chờ đợi, đầu óc lúc nào cũng nghĩ đến Nena Daconte, cho đến khi chắc chắn là một ngày khác đã lại bắt đầu. Lúc đó chàng đi ăn điểm tâm tại cùng quán cà phê như ngày hôm trước và ở đây chàng biết rằng hôm đó là ngày thứ ba. Ánh đèn trong bệnh viện bật sáng lên, mưa đã tạnh và chàng đứng dựa vào thân cây dẻ bên ngoài cổng chính, nơi các bác sĩ và điều dưỡng mặc áo choàng trắng đi vào, đi ra. Chàng hy vọng gặp được vị bác sĩ người châu Á đã nhận Nena Daconte vào viện. Chàng đã không thấy ông ta và chiều hôm đó sau bữa trưa, chàng đã phải bỏ dở cuộc canh chừng vì chàng gần chết cóng. Lúc bảy giờ sáng, chàng uống thêm ly cà phê sữa, ăn thêm hai quả trứng luộc mà chàng bốc lên ở tại quầy sau hai ngày ăn cùng một món tại cùng một chỗ. Khi chàng trở lại khách sạn để ngủ, chàng thấy chỉ có chiếc xe của mình chơ vơ bên một phía đường phố với một vé phạt tiền đậu xe gắn ở quạt nước, trong khi tất cả các xe khác đều đậu ở phía đối diện.
Khó khăn lắm người gác của khách sạn Nicole mới giải thích cho chàng hiểu là vào những ngày lẻ người ta phải đậu xe bên dãy phố ghi số lẻ và vào những ngày chẵn phải đậu xe bên dãy phố chẵn. Những qui định duy lý kiểu đó đối với chàng công tử đại gia Sanchez de Avile xem ra thật khó hiểu bởi chàng đã từng, hai năm trước đây, lái chiếc công xa của chính ngài Thị Trưởng đi đến rạp chiếu bóng của một vùng lân cận và chàng đã phóng xe bạt mạng tạo nên một cuộc tàn phá tơi bời trước mắt cảnh sát mà họ vẫn không dám hé một lời động đến cậu thiếu chủ ngang tàng con ông lớn đó. Chàng càng ngơ ngác hơn khi người gác khuyên chàng nộp tiền phạt, nhưng đừng dời xe đi vào giờ đó bởi vì chỉ một lát nữa thôi là đến nửa đêm và chàng lại phải quay xe về chỗ cũ. Khi chàng ném mình xuống giường nằm trằn trọc mãi không ngủ được, lần đầu tiên chàng không những chỉ nghĩ về Nena Daconte mà còn nghĩ về những đêm hoang đàng của mình trong các quán ba rượu vui nhộn ở khu chợ Cartagena vùng biển Caribê. Chàng nhớ lại mùi vị của cá chiên và cơm nước dừa nơi các quán ăn dọc theo các bến tàu, nơi các tàu buồm từ Aruba đến, đang thả neo. Chàng nhớ căn nhà mình, những bức tường bao phủ bởi hoa tigon giống hình tim vỡ, chỉ mới cách đây vài hôm thôi, và chàng thấy cha của chàng trong bộ pyjama (đồ ngủ) bằng lụa, ngồi đọc báo trong hơi lạnh nơi sân thượng.
Chàng nhớ đến mẹ chàng - chẳng ai có thể biết được lúc nào bà ở đâu, bất kỳ vào giờ giấc nào - người mẹ đa ngôn, đa dục của chàng, thưòng mặc áo dài ngày hội với một bông hồng sau lỗ tai khi đêm xuống, ngột ngạt với hơi nóng trong sự cồng kềnh của bao thứ vải vóc sặc sỡ trên người. Một buổi chiều, thuở mới lên bảy, cậu bé đã đi vào phòng bà mẹ mà không gõ cửa và thấy bà trần truồng với một trong các gã tình nhân chốc lát của bà. Điều sơ suất tình cờ đó - mà họ không bao giờ nhắc tới - đã tạo ra một mối quan hệ đồng lõa giữa hai mẹ con, một thứ tình cảm tỏ ra hữu ích hơn là tình mẫu tử. Nhưng chàng đã không ý thức được điều đó cũng như không ý thức về bao điều khủng khiếp khác trong chuỗi ngày thơ ấu đơn côi của chàng, cho đến cái đêm chàng ném mình lên giường trong một căn gác xép buồn thảm ở Paris, chẳng có một ai để tâm sự cho vơi bớt nỗi sầu mà chỉ thấy cuồng nộ ghê gớm với chính bản thân mình vì đã không chịu nổi cơn thèm khóc đang chực òa vỡ ra.
Sự mất ngủ đó hóa ra lại có lợi. Chàng ra khỏi giường vào ngày thứ sáu, bị tổn thương vì cái đêm kinh khủng mà chàng đã trải qua, nhưng chàng đã quyết định phải làm một điều gì đó cho ra hồn. Cuối cùng, chàng phải quyết định phải phá ổ khóa chiếc valy của chàng để lấy quần áo ra thay, vì tất cả chìa khóa đều ở trong túi xách tay của Nena Daconte cùng với đa số tiền bạc của hai người với cuốn sổ ghi địa chỉ; nếu có cuốn sổ đó, may ra chàng tìm được người quen nào đó ở Paris. Tại quán cà phê quen thuộc chàng nhận ra là chàng đã đọc được cách chào hỏi bằng tiếng Pháp, cách gọi món sandwiches và cà phê sữa. Chàng biết là chẳng bao giờ chàng có thể gọi bơ hay bất cứ thứ trứng gì vì chàng chẳng bao giờ học cách phát âm các từ ấy cho đúng nhưng bơ vẫn luôn luôn được phục vụ kèm với bánh mì và trứng luộc được bày sẵn ở quầy nên chàng cứ việc lấy ăn khỏi cần gọi. Hơn nữa, đến ngày thứ ba thì mấy người hầu bàn đã quen mặt chàng và sốt sắng giúp chàng khi chàng cố gắng diễn tả điều mình muốn cho họ hiểu. Và thế là vào buổi ăn trưa ngày thứ sáu chàng đã nghĩ được cách gọi món bò phi lê bíp tếch với khoai tây chiên và một chai rượu vang. Chàng thấy khoái khẩu và lâng lâng thích thú, hứng chí gọi thêm hai chai nữa, uống gần hết nửa chai xong băng qua bên kia đường với quyết tâm phải xông vào bệnh viện, đến tận chỗ người yêu mình đang nằm. Chàng không biết tìm Nena Daconte ở đâu, nhưng hình ảnh của vị bác sĩ người châu Á ám ảnh đầu óc chàng và chàng cứ tin chắc là mình sẽ gặp được ông ta. Chàng không đi vào cửa chính mà xông vào cửa cấp cứu, chàng thấy có vẻ như không được canh gác kỹ cho lắm, nhưng chàng không thể vượt qua được hành lang nơi Nena Daconte đã từng vẫy tay từ biệt chàng. Một người gác dan với áo choàng lấm tấm máu hỏi chàng điều gì đó khi chàng đi ngang qua, nhưng chàng thẳng thèm để ý. Người đó đi theo chàng, lập lại câu hỏi hai ba lần bằng tiếng Pháp và cuối cùng nắm chặt tay chàng mạnh đến nỗi khiến chàng phải dừng chân lại. Billy Sanchez tìm cách thoát khỏi cú chộp của ông ta bằng một thế xoay chéo và lúc đó người gác dan chửi đ. m. chàng bằng tiếng Pháp, vặn tréo tay chàng ở vai bằng thế khóa búa và không quên luôn mồm đ. m. hàng ngàn lần, kéo xệch chàng ra cửa, trong khi chàng giận điên lên vì đau đớn, và ném chàng vào giữa lòng đường phố như ném một một bao khoai.
Buổi chiều hôm đó, đau đớn vì sự trừng phạt chàng đã nhận lãnh, Billy Sanchez bắt đầu trở thành người lớn. Chàng quyết định giống như Nena Daconte có lẽ đã làm như thế, hướng về đại sứ của nước mình. Người gác khách sạn, mặc dầu có vẻ ngoài khó thân thiện, thực ra lại rất sẵn lòng giúp đỡ và rất kiên nhẫn trong trò đánh đố ngôn ngữ, đã tìm dược địa chỉ của tòa đại sứ và viết ra trên một tấm thẻ. Một giọng phụ nữ rất khả ái trả lời điện thoại và chẳng mấy chốc Billy Sanchez nhận ra giọng nói vùng núi Andes qua cách phát âm chậm rãi, thiếu màu sắc của cô ta. Chàng bắt đầu bằng cách tự giới thiệu danh tánh lý lịch của mình, tin chắc rằng tên tuổi hai danh gia vọng tộc của vợ chồng chàng sẽ gây ấn tượng mạnh mẽ nơi người nghe, nhưng giọng nói trong điện thoại vẫn không hề tỏ ra có chút gì xúc động hoặc nể nang cả. Chàng nghe cô ta đọc một bài học thuộc lòng: Ngài Đại sứ không có mặt tại nhiệm sở vào lúc này và chỉ trở lại đây vào ngày mai, nhưng dầu bất cứ trường hợp nào, Ngài cũng chỉ diện kiến khi có hẹn và cũng chỉ trong những trường hợp rất đặc biệt mà thôi. Billy Sanchez hiểu rằng chàng không thể tìm Nena Daconte qua con đường đó và chàng cám ơn người phụ nữ bên kia đầu dây về những thông tin của nàng, với sự khả ái lịch sự cũng không kém phần trang trọng như khi nàng đã lịch sự trao đổi với chàng. Rồi chàng gọi taxi, ra hiệu chạy về phía tòa Đại sứ.
Tòa nhà đó tọa lạc tại số 22 đường Chámp-Elysées, nơi một trong những khu yên tĩnh nhất của Paris, nhưng điều duy nhất gây ấn tượng sâu xa cho Billy Sanchez, như chàng kể lại với tôi (tức tác giả - G. G. Marquez) tại Cartagena de Indias nhiều năm sau, đó là lần đầu tiên kể từ khi chàng đến Paris, chàng mới lại được thấy ánh mặt trời rạng rỡ như ở vùng biển Caribê và tháp Eiffel tỏa bóng trên thành phố, vươn mình trên bầu trời chói lọi trong veo. Viên chức tiếp chàng nhân danh ngài Đại sứ, nom giống như vừa mới hồi phục sau trận ốm nặng, không hẳn chỉ vì bộ lễ phục đen, cổ cồn ôm cứng và mảnh băng tang trên ve áo mà còn vì dáng vẻ đạo mạo kiểu quan tòa và giọng nói thì thào, kín đáo của ông ta. Ông hiểu nỗi ưu tư dằn vặt của Billy Sanchez, nhưng ông nhắc nhở chàng, mà không làm mất đi vẻ dè dặt, kín đáo của mình, rằng họ đang sống trong một xứ sở văn minh với những chuẩn mực nghiêm ngặt, được xây dựng từ những điển lệ lâu đời, thông thái, ngược hẳn với đám người châu Mỹ la tinh man dã, nơi mà người ta chỉ cần hối lộ người gác cửa để có thể đi vào thăm bệnh bất cứ lúc nào. "Không con ạ", ông ta nói. "Chỉ còn cách phục tùng quy luật của lý trí và chờ đến ngày thứ ba tuần tới thôi."
"Dầu sao thì cũng chỉ còn bốn ngày thôi", ông kết luận. "Trong khi chờ đợi, con hãy đi thăm viện bản tàng Louvre. Nơi đó đáng xem lắm".
Khi chàng ra ngoài, Billy Sanchez thấy mình đang ở Quảng trường La Concorde mà không biết phải làm gì. Chàng thấy tháp Eiffel vươn cao lên các mái nhà và có vẻ quá gần, khiến chàng muốn đi bộ đến đó dọc theo các kè sông. Nhưng chàng nhanh chóng nhận ra cái tháp còn ở xa hơn nhiều và dường như cứ thay đổi vị trí hoài mỗi lần chàng nhìn nó. Và thế là chàng bắt đầu nghĩ về Nena Deconte khi chàng ngồi lên chiếc ghế đá đặt dọc ven bờ sông Seine. Chàng nhìn các chiếc thuyền buồm nhỏ qua lại dưới cầu, chàng thấy chúng không phải giống như ghe thuyền mà giống những cái nhà trôi lênh đênh, với mái đỏ và các chậu hoa đặt ở ngưỡng cửa sổ và các hàng quần áo phơi ở ngang phần boong. Trong một lúc lâu, chàng ngồi chăm chú ngắm một ngư ông bất động, với một cái cần câu cũng bất động buông xuống dòng nước, chàng mệt mỏi vì chờ đợi một cái gì chuyển động, cho đến khi trời sẫm tối chàng quyết định kêu taxi để trở về khách sạn. Lúc đó chàng bỗng nhận ra rằng chàng không để ý tên khách sạn mình ngủ là gì địa chỉ nó ở đâu và cũng chẳng có ý niệm nào về cái bệnh viện nơi vợ chàng nằm, nó ở chỗ mô tê nào trong cái thành phố Paris rộng lớn, xa lạ này.
Chàng thật sự phát hoảng; chàng bèn bước vào tiệm cà phê đầu tiên chàng gặp, gọi một chai cognac, và cố gắng thu xếp lại cái mớ ý tưởng rối như bóng bong trong đầu chàng. Trong khi bao ý nghĩ nhảy múa lung tung trong đầu, chàng thấy hình ảnh của chính mình lặp đi lặp lại từ rất nhiều góc cạnh khác nhau nơi vô số các tấm gương gắn trên tường, chàng thấy mình sợ hãi và cô đơn và lần đầu tiên trong đời, chàng nghĩ về cái chết như một thực tại hiện diện. Nhưng với ly cognac thứ nhì chàng cảm thấy khá hơn bỗng nảy sinh ý tưởng tiền định may mắn là trở về lại tòa Đại sứ. Chàng lục tìm trong túi tấm carte ghi địa chỉ và số điện thoại của sứ quán, chàng khám phá ra rằng tên và địa chỉ của khách sạn chàng ở được in ở mặt kia. Chàng hoàn hồn vì kinh nghiệm đó đến nỗi hết dám rời căn phòng của mình đi đâu xa, suốt cả mấy ngày cuối tuần, trừ những lúc ra quán gần đó, để ăn uống và để xê dịch chiếc xe từ phía bên này sang đỗ phía bên kia. Trong ba ngày liền, cơn mưa nhớp nháp lại liên tục rơi dai dẳng. Billy Sanchez, người chưa từng bao giờ đọc trọn một cuốn sách nào, giờ đây lại ước ao có được một quyển sách để khuây đi nỗi buồn chán khi cứ phải nằm dài trên giường; thế nhưng những quyển sách duy nhất chàng tìm thấy trong vali của vợ chàng lại là những quyển được viết bằng các ngôn ngữ khác với tiếng Tây Ban Nha, ngôn ngữ duy nhất mà chàng đọc được. Và thế là chàng lại phải tiếp tục chờ cho đến thứ ba, nằm nhìn ngắm những con công trên các bức giấy dán tường và đầu óc lúc nào cũng nghĩ về Nena Daconte. Đến ngày thứ hai đầu tuần, chàng nhìn khắp lượt căn phòng, tự hỏi không biết nàng sẽ nói gì nếu nàng thấy chàng ở nơi một căn phòng tồi tàn như thế này và chỉ khi đó chàng mới khám phá ra cái áo khoác lông chồn lốm đốm những vết máu khô. Chàng dùng cả buổi chiều để chà giặt cái áo với miếng xà bông thơm chàng tìm thấy trong xắc nhỏ của nàng, cho đến lúc chàng thành công trong việc khôi phục lại cái áo choàng đó như lúc nó mới được mang vào trong máy bay để trao tặng cô dâu ở sân bay Madrid.
Ngày thứ ba đến u ám và lạnh buốt, nhưng không mưa. Billy Sanchez thức dậy lúc sáu giờ sáng và chờ ở cổng bệnh viện với một đám đông những thân nhân mang quà và hoa thăm bệnh nhân. Chàng đi vào cùng với đám đông, mang cái áo khoác lông chồn trên tay, không hỏi ai câu gì và cũng không có một ý niệm nào về việc Nena Daconte ở đâu, nhưng được nâng đỡ bởi niềm tin là chàng sẽ gặp được vị bác sĩ người châu Á. Chàng đi qua một cái sân trong rất rộng, với hoa và chim nhiều loại và ở mỗi bên là các dãy bệnh xá; dãy đàn bà bên cánh phải, dãy đàn ông bên cánh trái. Theo chân mấy người thăm bệnh kia chàng đi vào dãy bệnh nhân nữ. Chàng thấy một hàng dài các bệnh nhân nữ mặc áo choàng của bệnh viện, ngồi trên giường, được chiếu sáng bởi ánh sáng mạnh nơi cửa sổ, và chàng đã nghĩ, nơi đây vui hơn là khi ở bên ngoài người ta tưởng tượng về nó. Chàng đi đến cuối hành lang, rồi đi trở lại, cho đến khi chàng chắc rằng không có người bệnh nào là Nena Daconte ở đó. Rồi chàng đi chung quanh dãy hành lang phía ngoài một lần nữa, nhìn xuyên qua các cửa sổ nơi dãy đàn ông cho đến khi chàng chắc rằng không có người bệnh nào là Nena Deconte ở đó. Rồi chàng đi chung quanh dãy hành lang phía ngoài một lần nữa, nhìn xuyên qua các cửa sổ nơi dãy đàn ông cho đến khi chàng nghĩ rằng chàng đã nhận ra được vị bác sĩ mà chàng đang cố công tìm kiếm.
"Trời đất, anh đã ở đâu suốt thời gian vừa qua?" ông hỏi chàng.
Billy Sanchez đâm ra bối rối.
"Ở khách sạn", chàng đáp. "Ngay đây thôi; gần góc phố trước mặt đấy"
Rồi chàng được cho biết mọi chuyện. Nena Daconte đã chảy máu đến chết vào lúc bảy giờ mười phút trong buổi chiều ngày thứ năm, 9 tháng giêng, sau sáu mươi giờ cố gắng vô vọng của những bác sĩ chuyên khoa tài giỏi nhất của nước Pháp. Nàng đã tỉnh táo và bình thản cho đến giờ phút cuối, bảo họ đi tìm chồng nàng ở khách sạn Athénée, nơi nàng và Billy Sanhcez đã có phòng dặt trước và nàng cũng cho họ biết những thông tin cần thiết để liên lạc với cha mẹ nàng. Sứ quán Tây Ban Nha đã được thông báo bởi một bức điện khẩn từ Sở ngoại vụ vào ngày thứ sáu lúc bố mẹ Nena Daconte đã sẵn sàng bay đến Paris. Đích thân ngài Đại sứ lo các thủ tục cho việc khâm liệm và tiến hành tang lễ và trực tiếp liên hệ với Sở công an Paris trong cố gắng tìm xem Billy Sanchez ở đâu. Một tờ thông báo khẩn cấp, mô tả rõ hình dáng chàng, được phát đi từ đêm thứ sáu đến chiều thứ bảy qua đài phát thanh và đài truyền hình và trong suốt bốn mươi tiếng đồng hồ đó, chàng là người được tìm kiếm nhiều nhất ở Pháp. Tấm hình của chàng, được tìm thấy trong túi xách của Nena Daconte, được sang ra và bày khắp nơi. Có ba chiếc xe Bentley kéo mui cùng model được xác định vị trí nhưng không có cái nào là chiếc xe của chàng.
Bố mẹ của Nena Daconte đã đến vào buổi trưa ngày thứ bảy và ngồi bên xác con trong nhà nguyện của bệnh viện, hy vọng đến giờ phút cuối người ta sẽ tìm ra Billy Sanchez. Bố mẹ của chàng cũng đã được thông báo và sẵn sàng để bay đi Paris, nhưng vào giờ chót, họ đã không đi vì có một vài lẫn lộn trong bức điện tín. Tang lễ diễn ra ngày thứ bảy, vào lúc hai giờ chiều chỉ cách hai trăm mét căn phòng khách sạn tồi tàn nơi Billy Sanchez đang nằm rũ ra như trong cơn hấp hối đơn độc, vì tình yêu đối với Nena Daconte. Viên chức đã tiếp chàng ở sứ quán, nhiều năm sau đó đã kể lại với tôi, rằng chính ông ta nhận bức điện từ Sở ngoại vụ một giờ sau khi Billy Sanchez rời khỏi văn phòng ông và ông đã đi tìm chàng ta trong các quán rượu dọc theo phố Faubourg Saint Honoré. Ông ta thú nhận với tôi là ông ta không để ý lắm đến Billy Sanchez khi ông thấy chàng ta, vì ông ta không hề tưởng tượng được rằng chàng trai xứ biển xa xôi kia, bị lóa mắt trước vẻ hào nhoáng của Paris, mặc một cái áo khoác không hợp khổ người như thế, lại có thể xuất thân từ một gia đình quyền quý lừng lẫy thế kia.
Trong chính cái đêm chàng cố kìm giữ nước mắt đau đớn uất nghẹn cứ muốn chực trào ra, thì bố mẹ Nena Deconte hết còn chờ đợi được nữa, chấm dứt việc tìm kiếm chàng và mang xác ướp của nàng trong quan tài bằng kim loại về nước, và những người nhìn thấy xác nàng còn lặp đi lặp lại mãi nhiều năm về sau, rằng họ chưa từng thấy người đàn bà nào đẹp hơn, dù người đã chết hay người còn sống. Và thế là khi Billy Sanchez, cuối cùng đã vào được trong bệnh viện vào sáng ngày thứ ba, thì đám tang đã được cử hành trong nghĩa trang La Manga, chỉ cách ngôi nhà nơi hai đứa đã từng mở ra chiếc chìa khóa đầu tiên của hạnh phúc, có vài mét. Vị bác sĩ người châu Á đã kể cho Billy Sanchez về tấm thảm kịch, muốn cho chàng vài viên thuốc an thần, nhưng chàng từ chối. Billy Sanchez ra về không nói lời từ biệt, không biết nói cám ơn về cái gì, nghĩ rằng điều duy nhất chàng cần làm ngay là tìm một người nào đó, đập vỡ sọ ra, để trả thù cho nỗi bất hạnh khủng khiếp của chàng. Khi chàng ra khỏi bệnh viện, chàng cũng không nhận thấy rằng tuyết. - không có dấu máu của nàng - vẫn rơi xuống từ trời cao, những bông tuyết dịu dàng, sáng loáng, giống lông tơ mịn của chim bồ câu và chừng như có âm thanh ngày hội trên các đường phố Paris, vì đó là cơn tuyết rơi lớn đầu tiên trong mười năm qua.
1976
Những Người Hành Hương Kỳ Lạ Những Người Hành Hương Kỳ Lạ - Gabriel Garcia Márquez Những Người Hành Hương Kỳ Lạ