Nếu mặt biển mãi mãi bình lặng, chắc chắn những thủy thủ tài ba sẽ chẳng bao giờ có mặt trên đời.

Ngạn ngữ Anh

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: Oanh2
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2067 / 61
Cập nhật: 2015-10-21 20:49:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Bạt Của Tạ Tỵ
gô Thế Vinh, một cây bút quen thuộc đã có những tác phẩm văn chương từ mấy thập niên qua. Viết, đối với Ngô Thế Vinh phải được coi như một cái “nghiệp,”vì nếu không anh đã chỉ sống thuần với nghề y sĩ. Mỗi bài anh viết với khí thế hừng hực của ngòi bút, với chất lửa cháy bừng bừng trong mỗi câu văn, làm người đọc vừa say mê vừa choáng váng. Vâng, đúng như vậy, sau khi tôi đã được đọc những truyện ngắn chọn lọc để cho in vào tập sách này, tôi nhận thấy cách hành văn của Ngô Thế Vinh thật đặc biệt, nó chứa đựng một sức sống rồi rào, tưởng như không bao giờ ngơi nghỉ. Qua nội dung mỗi truyện, người đọc cảm thấy đau, thấy buồn, thấy tức giận, nhưng cũng may Ngô Thế Vinh viết với sự kiểm soát của lý trí, do vậy nếu có gì quá mức cũng do hoàn cảnh tạo nên, chứ nhà văn không muốn vậy.
Đọc Mặt Trận Sài Gòn, người ta có cảm tưởng chiến tranh vẫn quanh quẩn đâu đây và bộ quân phục rằn ri của những người lính Biệt Cách Dù Mũ Xanh vẫn thường xuyên di động, như những bóng ma chập chờn, tạo nên ảo giác. Nội dung mỗi truyện đưa ta vào khung cảnh riêng, thật riêng rẽ, có những mất mát, có những chia lìa, những oán thù và phản bội, tất cả hình như đã an bài do định mệnh. Như truyện Người Y Tá Cũ, người lính ấy can đảm mộc mạc và luôn luôn đôn hậu kể cả khi làm việc trong một quân y viện với những người thương bệnh binh cộng sản. Khi họ hết cần anh là hết thời gian lưu dung, anh bị cho nghỉ việc. Về quê với Mẹ già sống bằng nghề nông, dự định sẽ lấy vợ, nhưng rồi anh đã lại đạp phải mìn mất một chân, không phải trong chiến trận mà ngay trên mảnh ruộng nhà, gẫy đổ luôn cả giấc mơ của cả hai mẹ con. Hoà bình rồi hạnh phúc tưởng sẽ dài lâu nhưng rồi ra cũng chỉ là tính riêng cho mỗi từng ngày...
Mạch văn của Ngô Thế Vinh đi thẳng vào tâm cảm ta, rồi ở lại đó, để kể lể một cách trung thực từng sự kiện hiển nhiên đã do chiến tranh và thù hận tác động vào các ngõ ngách của tâm linh, bắt ta phải giải quyết với tình huống nào mà lẽ phải có thể chấp nhận được. Những người lính Biệt Cách Dù Mũ Xanh, dưới nét mực của Ngô Thế Vinh đều thuộc những mẫu người “lì” không thích phải xa rời trận địa, họ muốn được luôn luôn đối mặt với kẻ thù chấp nhận cả cái chết để giữ gìn từng thước đất của quê hương, chứ họ không muốn về thành phố để chỉ làm “nút chặn” cho thời cuộc. Người lính Việt nam chiến đấu dũng mãnh không nề hy sinh gian khổ, họ đánh trận giỏi không thua bất cứ loại quân đội nào giỏi nhất thế giới, từng làm khâm phục ngay cả những viên cố vấn Mỹ. Sự thua trận, chắc chắn không tại họ mà do những kẻ đứng bên ngoài cuộc chiến ấy, vừa thụ hưởng vừa hò hét kêu gào người khác phải hy sinh chiến đấu. Họ thua vì bị phản bội bởi chính giới lãnh đạo và đồng minh của họ, có thế thôi.
Ngòi bút của Ngô Thế Vinh còn nghiêng xuống tình thương đối với cả kẻ thù khi thất thế, chăm sóc nhân đạo với người thương binh địch. Đã từng bị kẻ thù cạm bẫy với xác của đồng đội, nhưng các bạn anh đã không làm như vậy với trái lựu đạn rút chốt đặt dưới xác người tù binh, với ý nghĩ cho dù có gây thêm một vài chết chóc, cũng không vì thế mà ngày mai hòa bình sẽ sớm hơn. Đối với Ngô Thế Vinh, cuộc chiến Việt nam không chấm dứt ở ngày 30-04-75, nó còn dằng dai, kéo lê trong tâm trí của nhà văn cho dù ở đâu và bao giờ. Nhưng đồng thời Ngô Thế Vinh cũng hướng về tương lai với Giấc Mộng Con Năm 2000, với ước mơ hình thành một Công Viên Văn Hóa Việt nam ở hải ngoại với sự đóng góp công sức của hàng triệu bàn tay và khối óc, đó sẽ như là điểm nối kết và dung hợp những quan điểm bất đồng, để cùng nhìn về một hướng như một biểu tượng của hòa bình và xây dựng cho cả những thế hệ mai sau. Sau khi đọc xong tập truyện Mặt Trận ở Sài Gòn, chúng ta không dễ dàng gì mà quên đi những “vấn nạn” chưa được trang trải dứt khoát trong tập sách. Cái “hay” của Ngô Thế Vinh là ở chỗ đó. Những điều nhà văn viết ra, tuy người đọc đều thấy có đó từ lâu trong thực tế, trong suy nghĩ. Nhưng chúng ta chỉ suy nghĩ rồi ngậm ngùi thương cho dân tộc có quá nhiều đau thương do chiến tranh, rồi thiên tai cùng những thiếu thốn triền miên trong một xã hội chậm tiến lại bất công và tham nhũng làm cho đất nước đã suy thoái lại càng suy thoái hơn, cả trong đời sống thực tế cũng như trong tâm tưởng...
Cám ơn nhà văn Ngô Thế Vinh, đã vì tình “cầm bút” cho tôi cái vinh dự được viết mấy dòng cảm nghĩ này, tuy chưa trọn vẹn nhưng ao ước được chia xẻ phần nào cùng với ý nghĩ của tác gỉa.
Tạ Tỵ California, Tháng Giêng 1996
Mặt Trận Ở Sài Gòn Mặt Trận Ở Sài Gòn - Ngô Thế Vinh Mặt Trận Ở Sài Gòn