Cầu Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những thứ con không thể thay đổi, sự caN đảm để thay đổi những thứ con có thể, và sự khôn khoan để phân biệt những cái có thể thay đổi và không thể.

Dr. Reinhold Niebuhr

 
 
 
 
 
Tác giả: Dư Hoa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Vũ Công Hoan
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Thanh Hoa
Số chương: 52 - chưa đầy đủ
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1036 / 15
Cập nhật: 2017-05-06 00:42:12 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
hi bị ông Đào Thanh khai trừ, Lý Trọc ngồi trong cửa hàng điểm tâm của bà Tô bên cạnh bến ô tô đường dài. Mặt mày hớn hở, Lý Trọc một tay cầm vé ô tô đi Thượng Hải, một tay cầm chiếc bánh bao nhân thịt. Anh ta cắn chiếc bánh bao nóng hôi hổi, tít mắt lại nhai nuốt một cách ngon lành, giương giương đắc ý nói với bà Tô: Từ nay trở đi anh ta lập nghiệp cho mình. Nhìn vé ô tô trong tay, sau gần một tiếng đồng hồ nữa, anh ta sẽ nhảy lên đi Thượng Hải. Ngước nhìn chiếc đồng hồ quả lắc treo trên tường cửa hàng điểm tâm, vẻ mặt anh ta trang trọng, mồm cứ mười, chín, tám, bảy, sáu... sôi nổi đếm ngược thời gian, như sắp sửa phóng tên lửa, sau đó vung tay nói với bà Tô:
- Sau một tiếng đồng hồ, Lý Trọc cháu sẽ sải cánh đại bàng!
Sau khi từ chức bằng hình thức tập kích đột ngột, Lý Trọc về nhà đóng cửa lại, bỏ ra nửa ngày và nửa buổi tối, xác định phương hướng tung cánh đại bàng của mình. Dựa vào kinh nghiệm thành công ở Xưởng phúc lợi, Lý Trọc cảm thấy việc gây dựng cơ nghiệp của mình trước hết phải bắt đầu từ nghiệp vụ gia công chế biến, sau khi tích luỹ được vốn sẽ tung ra thương hiệu hàng hoá của mình. Nhưng gia công chế biến cái gì? Lý Trọc cũng định làm hộp giấy như Xưởng phúc lợi. Lĩnh vực này anh ta rất thành thục. Anh suy nghĩ lâu lắm nhưng vẫn đành từ bỏ. Nghĩ đến mười bốn trung thần đáng yêu của Xưởng phúc lợi, Lý Trọc cảm thấy không thể cướp đi bát cơm manh áo của họ. Cuối cùng anh quyết định gia công quần áo. Chỉ cần có trong tay từng hoá đơn đặt hàng của Công ty may mặc Thượng Hải, sự nghiệp của Lý Trọc sẽ từ từ mọc lên như mặt trời buổi sớm.
Lý Trọc đang từ từ mọc lên, cầm một tấm bản đồ đi đến cửa hiệu lò rèn của anh Đồng. Anh Đồng thợ rèn lúc này đã là chủ tịch Hội những người làm ăn cá thể của thị trấn Lưu chúng tôi. Bản thân Lý Trọc gây dựng sự nghiệp cần phải có vốn. Anh ta biết không thể vay mượn một xu của nhà nước. Anh ta nghĩ đến chỗ anh Đồng thợ rèn. Sau khi cải cách mở cửa, những hộ cá thể như anh Đồng thợ rèn đã giầu lên trước. Số tiền gửi ngân hàng của họ càng ngày càng nhiều. Lý Trọc cười khà khà bước vào cửa hiệu thợ rèn của anh Đồng, mồm cứ leo lẻo một câu "Đồng chủ tịch", hai câu "chủ tịch Đồng" gọi tới mức anh Đồng nở ruột nở gan. Bỏ búa rèn sắt trong tay anh Đồng giơ tay lau mồ hôi, nói:
- Lý xưởng trưởng, đừng gọi mình chủ tịch Đồng, cứ gọi mình là Đồng thợ rèn, ba chữ Đồng thợ rèn nghe ra cũng oai phong khí thế đáo để.
Lý Trọc lại cười:
- Đừng gọi em là Lý xưởng trưởng, cứ gọi em là Lý Trọc, hai chữ Lý Trọc cũng oai phong khí thế ra phết.
Sau đó Lý Trọc bảo anh Đồng, anh ta không còn là Lý xưởng trưởng. Anh ta đã thôi không làm nữa. Đứng cạnh lò rèn của anh Đồng, Lý Trọc trình bày bản đồ án vĩ đại của mình, nước bọt bắn tung toé. Anh ta cứ nhắc đi nhắc lại với anh Đồng, dẫn dắt mười bốn anh chàng thọt, ngố, mù, điếc, kiếm được mấy chục vạn một năm, nếu dẫn dắt một trăm bốn mươi, một ngàn bốn trăm toàn là người khỏe mạnh, lành lặn, trong đó lại rải thêm một số kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư, giống như rắc mì chính lên rau xào, thì không biết sẽ kiếm ra bao nhiêu tiền? Lý Trọc bấm đốt ngón tay, mồm lẩm bẩm tính, tính đến nửa tiếng đồng hồ cũng không ra kết quả. Anh Đồng chờ toát mồ hôi, sốt ruột hỏi Lý Trọc:
- Rút cuộc kiểm được bao nhiêu?
- Quả tình tính không ra - Lý Trọc lắc đầu, trợn tròn mắt, nói một cách đầy vẻ lãng mạn - Trước mắt em, nhìn không còn là tiền nữa, mà là biển cả mênh mông.
Phiêu du một lúc, Lý Trọc lập tức trở về với thực tế, nói thêm một câu:
- Dù sao thì cũng không lo ăn, không lo mặc, không lo ví tiền phồng lên.
Sau đó giống như một tên cướp trấn lột, Lý Trọc chìa tay về phía anh Đồng nói:
- Đem tiền ra đây, một trăm đồng một suất, anh bỏ ra bao nhiêu suất, sau đó sẽ được chia bấy nhiêu suất tiền lãi.
Sắc mặt anh Đồng đỏ bừng như lò than hồng. Anh đã bị kích động bởi những lời nói của Lý Trọc. Bàn tay phải thô khỏe của anh cứ chùi đi chùi lại trên áo, sau đó giơ ra ba ngón, anh Đồng nói:
- Mình góp ba mươi suất.
- Ba mươi suất là ba ngàn đồng nhân dân tệ - Lý Trọc sửng sốt kêu lên. Anh ta hâm mộ nói - Anh lắm tiền thật!
Anh Đồng cười hì hì, không cho là thế, anh bảo:
- Ba ngàn đồng nhân dân tệ, mình vẫn có thể bỏ ra được.
Lúc này, Lý Trọc mới giở tấm bản đồ thế giới nói với anh Đồng thợ rèn, ban đầu gia công quần áo cho Công ty may mặc của Thượng Hải. Khi thời cơ chín muồi, sẽ tạo ra mác quần áo của mình. Tên mác quần áo của mình là nhãn "Đầu trọc". Anh ta phải làm cho quần áo nhãn Đầu trọc đứng hàng đầu thế giới. Chỉ lên tấm bản đồ thế giới, Lý Trọc nói với anh Đồng:
- Chỗ nào có chấm tròn nhỏ trên bản đồ, đều là điểm chuyên bán quần áo nhãn Đầu trọc.
Anh Đồng phát hiện vấn đề, hỏi Lý Trọc:
- Đều là nhãn Đầu trọc, không có nhãn mác khác ư?
- Không - Lý Trọc nói dứt khoát - Cần nhãn khác làm gì?
Anh Đồng không vui nói:
- Mình bỏ ra ba ngàn đồng nhân dân tệ cũng nên có một nhãn mác của mình chứ?
- Có lý - Lý Trọc nghe xong gật đầu lia lịa - Cho anh một cái nhãn Thợ rèn.
Lý Trọc nói, rồi dựt dựt vạt áo Tôn Trung Sơn vải ka ki của mình, nói:
- Áo ngoài này là nhãn Đầu trọc của em, sống chết gì em cũng không nhường được. Em còn phải thêu nhãn Đầu trọc lên ngực. Quần dài, áo sơ mi, áo lót, quần lót còn lại, anh hãy chọn lấy một.
Anh Đồng cảm thấy yêu cầu của Lý Trọc cũng hợp lý. Anh đồng ý chọn số còn lại. Anh không thiết áo lót và quần lót. Anh do dự giữa áo sơ mi và quần dài. Anh thầm nghĩ áo sơ mi là tốt, nhãn còn thêu được ở ngực, nhưng áo sơ mi vẫn còn có một áo ngoài, chỉ để lộ cổ áo, diện phơi bày ra ít. Anh đã chọn quần dài là "mác Thợ rèn" của anh. Anh Đồng chỉ lên tấm bản đồ thế giới, hỏi Lý Trọc:
- Những chỗ chấm tròn nhỏ trên này cũng có mác Thợ rèn chứ?
- Đương nhiên - Lý Trọc vỗ ngực nói - Chỗ nào có nhãn Đầu trọc của em, cũng có mác Thợ rèn của anh.
Anh Đồng vui vẻ giơ ngón tay trỏ ra nói:
- Vì nhãn thợ rèn của mình, mình lại góp thêm một suất cộng thêm một ngàn đồng nhân dân tệ.
Lý Trọc không ngờ ngay một lúc, anh Đồng thợ rèn đã góp bốn ngàn nhân dân tệ. Đi ra khỏi cửa hiệu thợ rèn, Lý Trọc cười mồm há hốc. Anh Đồng thợ rèn là con dê đầu đàn trong số hộ cá thể thị trấn Lưu chúng tôi. Sức mạnh của tấm gương là vô tận. Nghe nói anh Đồng thợ rèn bỏ ra bốn mươi suất, hơn nữa Lý Trọc là người hùng đã lập nên thành tích nổi bật ở Xưởng phúc lợi, những người cùng nghề kinh doanh buôn bán với nhau, ai ai cũng biết, những hộ khác, ai cũng nêu ra mức góp của mình trước tấm bản đồ thế giới Lý Trọc từ từ giở ra.
Lý Trọc đến ngay cửa hiệu may. Lý Trọc chỉ mất có mười phút, đã thuyết phục được ông Trương thợ may. Anh ta giành cho ông Trương nhãn áo sơ mi. Những chấm tròn nhỏ trên tấm bản đồ thế giới khiến ông Trương nhìn hoa cả mắt. Ông Trương cầm một cái kim chỉ đếm mảng châu Âu, chỉ riêng những chấm tròn nhỏ trong một nước nhỏ, ông Trương cũng không đếm xuể. Nghĩ đến áo sơ mi "mác Thợ may" của mình lừng danh thế giới, ông Trương xúc động giơ ra một ngón tay:
- Tôi góp mười suất.
Lý Trọc tỏ ra hào phóng, ông Trương góp mười suất tiền, thì được hưởng mười hai suất lãi. Lý Trọc bảo sở dĩ làm như thế là để thể hiện vai trò kỹ thuật của ông Trương. Ông Trương là Tổng giám sát kỹ thuật của Công ty may mặc sắp khai trương. Ông Trương phải đào tạo thợ may đo và nắm chặt khâu chất lượng.
Lý Trọc có năm ngàn đồng nhân dân tệ tiền vốn gây dựng cơ nghiệp, lại cố gắng thuyết phục được Tiểu Quan cửa hiệu mài kéo và ông Dư căng ô vải giấy dầu nhổ răng.
Bố Tiểu Quan mấy năm trước bị một trận ốm nặng, sức khỏe suy sụp, Lão Quan quanh năm tĩnh dưỡng tại nhà. Tiểu Quan bắt đầu thay bố tiếp quản cửa hiệu, theo cách nói của Tiểu Quan là tư lệnh không có quân của cửa hiệu mài kéo. Lý Trọc giành cho Tiểu Quan nhãn mác áo lót. Tiểu Quan rất hài lòng với áo lót nhãn "Cái kéo" của mình. Anh ta bảo hai dải đeo ở vai của áo lót trông giống cái kéo lắm. Tiểu Quan đóng góp mười suất, một ngàn đồng nhân dân tệ.
Rời chỗ của Tiểu Quan, Lý Trọc tới lãnh địa của ông Dư nhổ răng. Vẫn như ngày trước, ông tư nhổ răng căng chiếc ô vải giấy dầu to đùng ở cuối phố. Dưới ô che kê một chiếc bàn. Bên phải bàn vẫn bày một hàng kìm nhổ răng. Bên trái vẫn để mười cái răng sâu đã nhổ. Khi có khách ông ngồi trên ghế đẩu. Khi vắng khách ông nằm khểnh trong chiếc ghế sợi mây. Chiếc ghế sợi mây đã vá chằng vá đụp hơn chục lần. Từng mảng từng mảng vá bằng những sợi mây mới, nhìn vào y như một tấm bản đồ thị trấn Lưu. Nhìn cách mạng ra một dòng thác lũ cuồn cuộn biến thành một dòng suối róc rách, bây giờ dòng suối róc rách cũng không biết chảy về đâu, ông Dư nhổ răng biết cách mạng cũng đã già, đã về hưu và sẽ không trở lại nữa. Ông Dư nhổ răng cảm thấy hơn mười cái răng lành nhổ nhầm không bao giờ còn là bảo bối của cách mạng, sau này sẽ trở thành hơn mười điểm hoen ố trong cuộc đời nhổ răng của mình. Thế là trong một đêm tối trăng gió lộng, như một tên ăn trộm ông len lén chuồn ra khỏi nhà, len lén vứt hơn mười chiếc răng lành xuống rãnh nước. Ông Dư nhổ răng lúc này đã ngoài năm mươi tuổi.
Sau khi nghe Lý Trọc vẽ ra viễn cảnh, ông Dư xúc động bật khỏi chiếc ghế mây vá víu mấy tầng của mình trông như tấm bản đồ thị trấn Lưu, ngồi dậy cầm tấm bản đồ thế giới trong tay Lý Trọc, xem đi xem lại không muốn buông, ông nói với giọng vô cùng cảm khái:
- Dư nhổ răng ta sống già nửa đời người, vẫn chưa ra khỏi ranh giới huyện nhà, chưa được ngắm nhìn phong cảnh nào cả. Nhìn qua nhìn lại đều là những cái mồm há hốc. Dư nhổ răng ta trông mong cả vào Lý Trọc. Sau khi Dư nhổ răng ta đi theo Lý Trọc trở thành phú ông, mẹ kiếp, Dư nhổ răng ta không bao giờ còn thèm nhổ răng nữa, mẹ kiếp, không bao giờ còn thèm nhìn những cái mồm há hốc nữa. Ta phải đi thăm phong cảnh, ta phải đi du lịch các nơi trên thế giới, đi cho bằng khắp những chấm tròn nhỏ này.
- Quả là có chí hướng cao xa! - Lý Trọc giơ ngón tay cái khen ngợi ông Dư nhổ răng. Ông Dư nhổ răng vẫn đang cơn hăng, nhìn những cái kìm để trên bàn, nói với vẻ khinh khỉnh:
- Những cái kìm này sẽ vứt ráo, quẳng hết.
- Đừng vứt - Lý Trọc xua tay nói - Khi đi tham quan phong cảnh những điểm chấm nhỏ ấy, ông phải mang theo kìm, ngộ nhỡ có ngứa tay, tiện thể nhổ mấy cái răng cho người da trắng, dân da đen, ông đã nhổ bao nhiêu răng cho người Trung Quốc, ông đã trở thành phú ông, thì đi nhổ răng cho người nước ngoài.
- Có lý - Hai mắt ông Dư sáng lên - Dư nhổ răng ta đã hơn ba mươi năm hành nghề, rặt nhổ răng cho dân trong huyện mình, ngay đến răng người Thượng Hải đã nhổ cái nào đâu, ta phải nhổ ở mỗi điểm tròn nhỏ trên bản đồ thế giới một cái răng.
- Đúng - Lý Trọc kêu lên - Người khác đọc vạn quyển sách, đi vạn dặm đường, riêng ông đi vạn dặm đường, nhổ răng vạn người.
Tiếp theo là vấn đề nhãn mác hàng hóa. Ông Dư nhổ răng rất không hài lòng đối với mác quần lót còn lại. Chỉ tay vào mũi Lý Trọc, ông Dư mắng xơi xơi:
- Mẹ kiếp! Anh cho người ta quần dài, áo sơ mi, áo lót, quần lót giành cho ta, trong mắt anh, làm gì có Dư nhổ răng ta.
- Cháu xin thề có ông Giời - Lý Trọc xúc động khảng khái nói - Lý Trọc cháu tuyệt đối có chú ý đến ông. Cháu đi dọc theo phố đến từng nhà, ai bảo ông ở mãi cuối phố. Nếu ông ở đầu phố, quần dài, áo sơ mi, áo lót chẳng phải ông chọn trước đó sao?
Ông Dư nhổ răng vẫn không buông tha:
- Ta ở cuối phố, thời gian còn dài hơn tuổi anh là đằng khác. Khi anh còn là một thằng lỏi con mất dạy, mỗi ngày đến mấy lần. Bây giờ có lông có cánh rồi, anh không thèm đến nữa. Tại sao anh không đến tìm ta trước? Mẹ kiếp! Anh không đau tăng...
Sau khi tỏ ra không hài lòng đối với quần lót, ông Dư cũng không hài lòng đốt với "mác nhổ răng". Ông bảo "không hay". Lý Trọc liền đề nghị:
- Vậy thì gọi là "quần lót nhãn cái răng"?
- Nghe cũng chối tai lắm - Ông Dư đáp.
- Thế quần lót nhãn răng có được không?
Nghĩ một lát, ông Dư nhổ răng đồng ý. Ông bảo "Mác răng" cũng được, ta góp mười suất một ngàn đồng nhân dân tệ. Nếu anh để cho ta nhãn áo lót, ta sẽ góp hai mươi suất.
Lý Trọc phất cờ thắng lợi, khua môi múa mép cả một buổi sáng, đã "múa" được bảy ngàn nhân dân tệ. Khi khải hoàn trở về, ông Vương bán kem của thị trấn Lưu chúng tôi cứ lẽo đẽo bám theo sau. Trong thời kỳ cách mạng văn hoá, ông Vương bán kem tuyên bố phải làm một que kem cách mạng không bao giờ chảy nước, bây giờ ông cũng đã hơn năm mươi tuổi. Khi Lý Trọc giở tấm bản đồ thế giới ở cửa hiệu thợ rèn của anh Đồng, ông Vương bán kem vừa đi qua, ông cũng nghe được những lời thao thao bất tuyệt của Lý Trọc. Anh Đồng thợ rèn góp liền một lèo bốn ngàn đồng nhân dân tệ, khiến ông Vương khiếp vía. Ông lại tiếp tục bám Lý Trọc, thấy ông Trương thợ may, Tiểu Quan mài keo và ông Dư nhổ răng lại cùng góp ba ngàn đồng nhân dân tệ, ông Vương bán kem cũng sốt ruột như đang đứng trên đống lửa, ngồi trên đống than, nghĩ bụng thời cơ chỉ đến có một lần, để lỡ lần này sẽ không có lần khác. Khi Lý Trọc khệnh khạng đi trên hè phố, ông Vương bám sau, kéo áo Lý Trọc, giơ năm ngón tay nói:
- Tôi góp năm suất.
Lý Trọc không ngờ giữa đường tự dưng lòi ra một ông Vương bán kem, cũng bỏ ra được năm năm đồng. Lý xưởng trưởng mình, tuy tên tuổi lừng lẫy, dù có dốc hết túi ra, cộng cả tiền xu vào, cũng không góp được năm trăm đồng. Nhìn ông Vương bán kem quần áo rách rưới, Lý Trọc nhếch mép mắng:
- Mẹ kiếp! Bọn có tiền toàn là loại hộ cá thể các người. Cán bộ nhà nước bọn tôi nghèo rớt mồng tơi, hai ống tay áo lép kẹp. Ông Vương bán kem gật đầu khom lưng nói:
- Anh cũng là một hộ cá thể, anh sắp giầu chảy mỡ đến nơi rồi.
- Không phải chảy mỡ - Lý Trọc sửa lại - mà là một tầu dầu vạn tấn.
- Phải rồi, phải rồi. - Ông Vương bán kem nói phỉnh nịnh - Cho nên Vương bán kem này đi theo anh.
Nhìn thấy năm ngón tay của ông Vương bán kem giơ ra, Lý Trọc lúng túng lắc đầu:
- Không được rồi, không còn nhãn mác hàng hoá cho ông, có chiếc quần lót cuối cùng đã để cho ông Dư nhổ răng...
- Tôi không cần nhãn mác - Năm ngón tay giơ ra của ông Vương bán kem xua xua - Tôi chỉ cần anh chia lãi.
- Cũng không được - Lý Trọc kiên quyết, lắc đầu nói - Lý Trọc tôi xưa nay làm việc luôn công bằng sòng phẳng, anh Đồng thợ rèn, ông Trương thợ may, Tiểu Quan mài kéo, ông Dư nhổ răng đều có nhãn hàng, riêng ông Vương bán kem không có không được.
Lý Trọc nói, rồi ngẩng đầu ưỡn ngực bước đi. Lý Trọc năm bảy ngàn đồng nhân dân tệ trong tay, tỏ ra không hào hứng đối với năm trăm đồng của ông Vương bán kem. Ông Vương bán kem cứ lẽo đẽo theo sau một cách đáng thương, năm ngón tay vẫn chìa ra, như một bàn tay giả. Dọc đường ông Vương bán kem cứ van nài Lý Trọc, chỉ hy vọng sau này có một ít dầu mỡ của mình chảy trong chiếc tàu dầu vạn tấn của Lý Trọc. Ông Vương bán kem kể lể khó khăn khốn khổ của mình, kem của ông chỉ bán được trong mùa hè, ba mùa còn lại đành phải đi làm lặt vặt kiếm miếng ăn, nay đã bước sang tuổi già, việc vặt cũng khó tìm. Ông nói đến nỗi sau đó nước mắt lưng tròng. Năm trăm đồng nhân dân tệ là khoản giành dụm cả đời ông. Ông muốn đầu tư vào kế hoạch to lớn của Lý trọc, để những năm cuối đời được sống sung sướng.
Lúc này Lý Trọc chợt nghĩ đến điều gì. Anh ta đứng lại vỗ vô đầu mình, kêu lên:
- Ồ, vẫn còn tất chưa tính đến.
Ông Vương kem chưa kịp phản ứng, Lý Trọc trông thấy năm ngón tay của ông vẫn chìa ra, anh nói:
- Co tay về, ông hãy co tay về, tôi quyết định nhận năm trăm đồng của ông. Tôi giành cho ông nhãn hàng tất gọi là tất nhãn Que kem.
Ông Vương bán kem mừng quýnh. Tay ông co lại chùi lên ngực hết lần này đến lần khác, nói lia lịa:
- Cám ơn, cám ơn...
Khỏi cần cám ơn tôi - Lý Trọc nói - Phải cám ơn tiền nhân.
- Tiền nhân là ai? - ông Vương kem không hiểu lời Lý Trọc.
- Tiền nhân là ai cũng không biết à? Ông đúng là lẩn thẩn - Lý Trọc giơ tấm bản đồ thế giới đã cuộn lại đập vào vai ông Vương bán kem nói - Tiền nhân là người phát minh ra tất ông hiểu chưa? Ông thử nghĩ, nếu bậc tiền nhân kia không phát minh ra tất trên thế giới này làm gì có tất nhãn que kem, tôi sẽ không nhận tiền của ông, trong tàu dầu vạn tấn của tôi sẽ không có phần dầu mỡ của ông Vương bán kem.
- Phải rồi! - Ông Vương bán kem đã hiểu ra, chắp hai tay ông nói với Lý Trọc - Đa tạ tiền nhân.
Sau khi huy động được bảy ngàn năm trăm đồng nhân dân tệ, không chịu dừng chân, Lý Trọc đã đi xem suốt lượt tất cả những ngôi nhà bỏ không của thị trấn Lưu chúng tôi. Nhà xưởng anh ta chọn là một nhà kho trước kia. Nhà kho này đã từng giam ông Tống Phàm Bình, bố anh chàng học sinh trung học để tóc dài đã từng đóng đinh ba phân vào đầu tự tử ở đây. Nhà kho này bỏ hoang đã nhiều năm. Lý Trọc thuê nó. Mua một lúc ba mươi chiếc máy khâu, mộ một lúc ba mươi cô gái nông thôn gần đó để ông Trương huấn luyện tay nghề cho họ. Ông Trương bảo nhà kho này lớn quá, có thể bày hai trăm chiếc máy khâu. Lý Trọc giơ ba ngón tay bảo:
- Không đầy ba tháng, từ Thượng Hải, tôi sẽ chở về một lượng gia công quần áo chất đống như núi cho mà xem, hai trăm máy khâu giậm hai mươi bốn tiếng đồng hồ cũng không kịp.
Lý Trọc bỏ ra một tháng, bố trí toàn bộ công việc đâu vào đấy. Anh ta quyết định đi Thượng Hải. Anh ta bảo bây giờ vạn sự đã sẵn sàng, chỉ còn thiếu gió đông. Anh ta giao cho ông Trương toàn bộ số tiền còn lại sau khi mua máy khâu, yêu cầu ông Trương trả tiền thuê nhà kho và tiền lương của ba mươi cô thợ may đúng kỳ hạn. Quan trọng nhất là việc trong một tuần, ông trương phải bồi dưỡng huấn luyện xong ba mươi cô gái nông thôn. Anh ta bảo không đầy một tuần, lô vải gia công quần áo đầu tiên của Thượng Hải sẽ chở về thị trấn Lưu. Trong thời gian ngắn không về, anh ta phải xộc đến mọi ngõ ngách của Thượng Hải như một con chó điên, phải kéo tất cả việc gia công quần áo của Thượng vải về thị trấn Lưu. Anh ta yêu cầu ông Trương phải chú ý những bức điện báo của Cục bưu điện. Kéo được một hợp đồng nào, anh ta sẽ đánh về một bức điện báo. Cuối cùng, chùi bọt mép đầy mồm, Lý trọc siết tay ông Trương thật chặt, nói một cách hào phóng:
- Mọi việc ở đây giao hết cho ông, tôi phải đi Thượng Hải mượn gió đông.
Sau đó Lý Trọc ngồi trong cửa hàng điểm tâm của bà Tô. Anh ta không biết lúc này ông Đào Thanh đã khai trừ mình ra khỏi hệ thống dân chính. trong túi áo ngực bỏ hơn bốn trăm đồng, toàn bộ số tiền tích cóp của mình. Đây là tiền ăn, tiền trọ, tiền tàu xe khi anh ta đi Thượng Hải mượn gió đông. Anh ta cảm thấy khi chưa tiêu hết số tiền này, thì tiếng máy khâu đã nổi lên dồn dập như sóng cồn suốt ngày đêm ở thị trấn Lưu. Khi Lý trọc đi Thượng Hải lần đầu tiên kéo hợp đồng cho Xưởng phúc lợi, cũng ngồi trong cửa hàng điểm tâm của hà Tô vừa ăn bánh vừa chờ xe. Lần trước anh ta mang theo bức ảnh chụp kỷ niệm toàn gia đình Xưởng phúc lợi. Lần này anh ta đem theo trận bản đồ thế giới. Khi ăn bánh bao, anh ta cũng giở bản đồ thế giới cho bà Tô xem. Những chấm tròn nhỏ trên bản đồ đã từng làm cho anh Đồng, ông Trương v. v... xúc động đến nỗi thần kinh sắp sửa trở nên thất thường. Bây giờ đến lượt bà Tô xúc động.
Mấy hôm nay, bà Tô đã nghe nói đến chí hướng rộng lớn của Lý Trọc, nghe nói anh Đồng thợ rèn, ông Trương thợ may, Tiểu Quan mài kéo, ông Dư nhổ răng và ông Vương bán kem đã đi theo chí hướng của Lý trọc. Bà Tô vẫn cảm thấy trăm nghe không bằng mắt thấy, khi Lý Trọc vừa ăn vừa nói vung thiên địa, bà Tô còn sốt ruột hơn ông Vương bán kem, bà cũng nóng lòng được tham gia. Lý Trọc lắc đầu không đồng ý cho bà Tô gia nhập. Lý Trọc nói:
- Hết nhãn hàng rồi. Áo ngoài là mác Lý Trọc cháu, quần dài là mác Thợ rèn, áo sơ mi là mác Thợ may, áo lót là mác Cái kéo, quần lót là mác Răng, nghĩ mãi mới ra đôi tất thì cũng là mác Que kem...
Bà Tô bảo, bà không cần mác. Lý Trọc vẫn kiên quyết bảo không có nhãn hàng không ổn. Hai người cứ nói đi nói lại. Đang ăn bánh bao, Lý Trọc đột nhiên trông thấy bộ ngực phồng lên của bà Tô, mắt sáng lên, anh ta nói to:
- Tại sao cháu lại quên bà là một phụ nữ nhỉ? Còn cái xu chiêng nữa.
Nhìn cái bánh bao mới ăn một nửa, Lý Trọc nói:
- Mác hàng của bà sẽ là xu chiêng mác Bánh bao thịt. Bà góp mười lăm suất, cộng thêm mười suất kỹ thuật biếu ông Trương thợ may là vừa vặn một trăm suất.
Bà Tô sung sướng đến mức không cần để ý đến "xu chiêng mác Bánh bao thịt" nghe có vẻ không nhã nhặn. Hớn hở vô cùng, bà nói:
- Hai hôm trước ta vừa đi chùa thắp hương. May quá, hai hôm trước ta đã thắp hương, hôm nay ta gặp Lý Trọc...
Nói xong, bà Tô sốt sắng định về nhà lấy sổ tiết kiệm, ra ngân hàng rút tiền. Lý Trọc bảo không kịp đâu, anh ta sắp lên xe đến nơi rồi. Anh ta cứ ghi vào sổ sách trong đầu trước đã. Bà Tô không yên tâm. Bà lo sau khi kéo được hợp đồng làm ăn lớn từ Thượng Hải về, Lý Trọc sẽ từ chối, không nhận mười lăm suất của bà. Bà Tô nói:
- Tiền ghi nhớ trong đầu không chắc chắn, cứ phải ghi rõ ràng trên giấy mới yên tâm.
Nói rồi bà Tô đi ra cửa. Bà bảo Lý Trọc chờ bà đi lấy tiền. Lý Trọc gọi to hai tiếng, bà mới quay về. Lý Trọc nói:
- Cháu chờ bà. Xe không chờ cháu.
Thấy thời gian không còn bao nhiêu, Ly Trọc cuộn tấm bản đồ thế giới, đi ra khỏi cửa hàng điểm tâm của bà Tô. Bà Tô cứ bám theo ra tận cửa phòng chờ. Nhìn Lý Trọc xếp hàng soát vé, bà Tô nói:
- Cháu Lý Trọc, sau khi về, cháu không được từ chối đấy nhé. Ta đã từng chứng kiến cháu lớn khôn như thế nào.
Lúc này Lý Trọc chợt nhớ lại những chuyện đã trải qua thời còn bé, nhớ lại ông Tống Phàm Bình bị đánh chết tươi trên bãi đất trống ngoài kia, Lý Trọc và Tống Cương gào khóc một cách đau thương, chính bà Tô đã cho mượn xe bò, cũng chính là bà Tô đã bảo anh Đào Thanh kéo xác Tống Phạm Bình về nhà... Quay người lại, Lý Trọc nhìn bà Tô cảm động nói:
- Cháu đã nghĩ đến những chuyện lúc còn nhỏ, cháu và Tống Cương ngồi đây chờ mẹ cháu từ Thượng Hải trở về, chẳng có ai nhòm ngó đến chúng cháu. Chính bà đã cho chúng cháu ăn bánh bao và giục chúng cháu về nhà.
Mắt Lý Trọc đỏ hoe, anh ta giơ tay lau nước mắt, đi đến cửa soát vé, quay đầu nói với bà Tô:
- Xin bà yên tâm, cháu không bao giờ từ chối đâu.
Huynh Đệ Ii Huynh Đệ Ii - Dư Hoa Huynh Đệ Ii