Sometimes the dreams that come true are the dreams you never even knew you had.

Alice Sebold

 
 
 
 
 
Tác giả: Dư Hoa
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Vũ Công Hoan
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 80
Phí download: 8 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13
ý Trọc lang thang khắp nơi trên đường phố, không có một xu dính túi, khát uống nước sông, đói đành nuốt nước bọt về nhà. Lúc này nhà cậu giống như một cái chum bị đập vỡ, tủ đổ, cậu và Tống Cương không có sức dựng lên, quần áo vương vãi mỗi nơi một cái trên nền nhà, hai cậu cũng không buồn nhặt. Từ sau khi Tống Phàm Bình bị giam trong một nhà kho, bọn khám nhà lại đến hai lần, lần nào Lý Trọc cũng lập tức chuồn thẳng, để một mình Tống Cương đối phó với bọn chúng. Để Tống Cương nói chuyện với bọn chúng bằng cái giọng thì thào không thành tiếng, nhất định chúng sẽ điên tiết, nhất định chúng sẽ bạt tai.
Mấy hôm nay Tống Cương không ra khỏi nhà, y như một đầu bếp, cậu nấu cơm xào rau. Tống Phàm Bình đã từng dạy hai con nấu cơm như thế nào, Lý Trọc đã quên sạch từ bao giỡ bao giờ, Tống Cương vẫn còn nhớ. Khi Lý Trọc bụng réo ùng ục, cúi đầu thất tha thất thểu về nhà, Tống Cương đã cơm canh đâu vào đấy, sắp sẵn hai cái bát và đôi đũa người thượng cổ đã dùng, ngồi trước mâm chờ Lý Trọc, khi trông thấy Lý Trọc nuốt nước dãi bước vào, cổ họngTống Cương thì thì thào thào, Lý Trọc biết anh đang nói: cuối cùng em đã về. Vừa bước vào cửa, Lý Trọc bưng luôn bát cơm của mình ăn ngấu nghiến.
Lý Trọc không biết mấy hôm nay Tống Cương sống thế nào, ngày nào Tống Cương cũng đối phó với cái bếp dầu, cậu cẩn thận bật diêm, cẩn thận châm lửa vào từng cái bấc, ngày nào cũng phải kéo từng cái bấc càng cháy càng ngắn lên một chút, người vã mồ hôi, hai tay đầy dầu, móng tay đen nhẻm, sau đó nấu một nồi cơm nửa sống nửa khê cho em ăn.Lý Trọc ăn cơm Tống Cương nấu, giống như ăn hạt đậu, cứ kêu lục cục trong mồm, khiến cái dạ dầy của cậu cũng mệt mỏi, cậu thường chưa ăn no đã bắt đầu bị nấc, khi nấc cũng kêu ứ hự, rau Tống Cương xào cũng rất khó ăn, Tống Phàm Bình xào rau, trông bát rau xanh mỡ màng, còn rau Tống Cương xào, bữa nào cũng cũng nũn, cũng vàng, y như màu dưa muối, có cả màu dầu hoả đen sì sì lẫn trong rau, không mặn quá, thì nhạt quá. Lý Trọc vốn đã không nói chuyện với Tống Cương, cậu cứ ăn, cứ ăn, bực mình nổi khùng với anh:
Cơm sống rau nát, anh là con địa chủ…
Tống Cương đỏ bừng mặt, mồm thì thào liên tục, Lý Trọc không biết anh nói những gì, Lý Trọc bảo:
Đừng thì thì thào thào như muỗi đánh rắm, như rệp đái.
Khi Tống Cương nói được thành lời, cậu đã biết nấu thế nào để có cơm chín. Lúc đó, hai cậu bé đã ăn hết từ lâu số rau xanh Tống Phàm Bình để lại, chỉ còn một ít gạo. Tống Cương xới cơm chín ra bát, để chai xì dầu lên mâm, khi nhìn thấy Lý Trọc bước vào cửa, cuối cùng giọng cậu khàn khàn cất lên, cậu hí hửng nói với thằng em:
Lần này chín rồi!
Đúng là Tống Cương đã nấu chín cơm, hạt gạo nào cũng nở đầy đặn, trắng tinh, trong trí nhớ của Lý Trọc, đây là bữa cơm ngon nhất mà cậu đã ăn, tuy về sau cậu được ăn rất nhiều bữa cơm ngon hơn, nhưng bao giờ cũng cảm thấy không bằng bữa cơm Tống Cương nấu lần đó. Lý Trọc cảm thấy Tống Cương chó ngáp phải ruồi, mèo mù vớ cá rán, may mắn đã nấu được một bữa cơm ngon. Sau khi ăn mấy bữa cơm vừa sống vừa khê, cuối cùng tối nay đã được ăn cơm chín. Không có rau, nhưng có xì dầu, hai cậu rót xì dầu vào bát cơm hơi nóng đang bốc lên ngùn ngụt, sau khi trộn đều, những hạt cơm y như được quét màu mỡ, vừa đen, vừa đỏ, lại vừa bóng nhẫy, mùi thơm của xì dầu khuyếch tán trong hơi nóng của cơm tẻ, bay khắp nhà.
Lúc này trời đã tối, hai cậu bé ăn cơm trộn xì dầu bóng nhãy trong bát, ánh trăng chiếu vào qua cửa sổ, gió thổi vù vù trên nóc nhà, giọng Tống Cương khàn khàn, mồm nhai cơm, nói ngập ngọng:
- Không biết bao giờ bố về?
Vừa nói xong, mặt Tống Cương đã dàn dụa nước mắt, bỏ bát xuống, cậu cúi đầu khóc xụt xịt, vừa khóc, vừa nuốt cơm trong mồm vào cổ họng. Sau đó cậu gạt nước mắt, khóc nức nở, người co giật, cứ hu hu, hu hu, một tiếng ngắn, một tiếng dài, giọng khản đặc, như chiếc còi báo động hụt hơi.
Lý Trọc cũng cúi đầu, đột nhiên buồn rười rượi. Tống Cương nấu được bữa cơm ngon như thế, Lý Trọc định nói với anh vài câu, cuối cùng vẫn không nói được câu nào, Lý Trọc lẩm bẩm nói một mình:
Anh ấy là con địa chủ…
Sau một lần thổi nồi cơm ngon lành, trưa hôm sau Tống Cương lại nấu sống. Vừa nhìn vào những hạt cơm xám xịt khô khốc trong bát, Lý Trọc biết ngay đã toi rồi, lại phải ăn cơm sống. Lúc này, Tống Cương đang ngồi trước bàn làm thí nghiệm khoa học, cậu cẩn thận rắc muối vào một bát, còn bát kia thì rót vào một chút xì dầu, cậu lần lượt nếm thử bát cơm sống rắc muối và bát cơm sống rưới xì dầu. Khi Lý Trọc bước vào cửa, cậu đã nghiên cứu thành công, vui vẻ nói với em, cơm sống rắc muối ngon hơn hẳn cơm rưới xì dầu, mà muối phải rắc từng tí từng tí, rắc đến đâu ăn đến đó, không đước để muối tan, muối tan không có cảm giác ngon.
Lý Trọc đùng đùng hờn dỗi, cậu bảo Tống Cương:
Em ăn cơm chín, không ăn cơm sống đâu.
Tống Cương ngẩng lên báo cho thằng em một tin buồn:
Hết sạch dầu hoả rồi, cơm đang sôi thì bếp tắt.
Lý Trọc hết dỗi, đành ngồi xuống ăn cơm sượng. Không có dầu hoả, coi như không có lửa, Lý Trọc nghĩ bụng, nếu chim Tống Cương đái ra dầu, lỗ đít phun ra lửa, thì hay quá. Tống Cương bảo em, rắc một chút muối là ăn luôn, Lý Trọc làm theo, mắt sáng lên, từng hạt muối và từng hạt cơm sống nhai trong mồm kêu dòn tan, nhất là khi nhai vụn những hạt muối, Lý Trọc đột nhiên thấy vị ngon. Lý Trọc biết tại sao ông anh lạ bảo cậu nhai nuốt cơm sống trước khi muối tan, giống như cọ xát ra lửa, vị ngon trong muối chỉ bật ra trong giây lát nhai cơm, sau khi tan, muối mất vị tươi mới, chỉ còn vị mặn. Lần đầu tiên Lý Trọc cảm thấy vị ngon của cơm sống. Lúc này Tống Cương lại nói với thằng em một tin buồn khác:
Gạo cũng đã ăn hết.
Bữa tối, hai anh em Tống Cương lại tiếp tục ăn cơm sống rắc muối, còn thừa lúc trưa. Sáng hôm sau, khi ánh nắng chiếu vào mông, hai cậu bé mới thức dậy. Sau khi dậy, mỗi đứa chạy ra một góc tường bên ngoài đái xoè xoè, múc một xô nước tự rửa mặt, sau đó mới chợt nghĩ đến, từ hôm nay trở đi, ngay đến cái rắm cũng chẳng có mà ăn. Lý Trọc ngồi trên ngưỡng cửa một lúc, định xem Tống Cương có cách nào kiếm ra cái gì cho vào bụng hay không. Tống Cương lục lọi một lúc trong tủ quần áo đổ ra đất, lại tìm một lúc trong số quần áo vứt bừa phứa trên nền nhà, cũng không moi được thứ gì ăn, đành phải nuốt nước bọt suông làm bữa sáng.
Lý Trọc cũng đành phải nuốt nước miếng, tiếp tục lang thang trên đường to ngõ nhỏ như con chó thả rông, mới đầu cậu còn nhẩy tâng tâng, đến trưa thì như quả bóng xì hơi, cơn đói hành hạ Lý Trọc tám tuổi, thành ông lão tám mươi tuổi, không nói đến đầu choáng mắt hoa, không nói đến chân tay rã rời, trong bụng đã không có một thứ gì, lại còn nấc liên tục. Lý Trọc ngồi rất lâu dưới gốc cây ngô đồng cạnh đường, ngoeọ đầu nhìn người qua lại trên đường phố, cậu trông thấy một người ăn bánh bao thịt đi qua trước mặt, cậu nhìn thấy tận mắt nước cốt thịt còn dính mép người đó, người đó còn thò lưỡi liếm mép, cậu cũng nhìn thấy người đàn bà cắn hạt dưa đi qua bên cạnh, chị ta còn nhổ vỏ hạt dưa lên tóc cậu, cậu bực nhất là một con chó hoang đã nghiễm nhiên tha hẳn một miếng xương, nhong nhong đi qua trước mặt cậu.
Lý Trọc không biết mình đã về đến nhà như thế nào, cậu chỉ biết mình đói cồn cào, không trông mong gì về nhà sẽ được ăn, cậu chỉ muốn về nhà nằm lên giường. Nhưng khi Lý Trọc đi đến cửa, đột nhiên nhìn thấy bóng Tống Cương ngồi ăn cơm trước mâm, cậu mừng rỡ, tuy sắp đói lả, cậu vẫn sà đến.
Lý Trọc bị tẽn tò, cậu nhìn rõ Tống Cương đang ăn gì, trước mặt Tống Cương để một bát nước lã, mồm Tống Cương ngậm một chút muối, để muối tan từ từ, sau đó uống một ngụm nước, ăn xong muối, cậu lại hớp một chút xíu xì dầu, phồng má lên có vẻ ngon lành, chờ xì dầu ngấm đủ vào mồm, cậu lại uống bát nước lã.
Tống Cương uể oải ăn muối và xì dầu, uống nước lã, cậu đói đến nỗi chẳng thiết nói chuyện với Lý Trọc, chỉ vào một bát nước khác để trên mâm, Lý Trọc biết bát này Tống Cương đã sắp sẵn cho cậu. Lý Trọc ngồi cạnh mâm, tuy hết sức thất vọng, nhưng vẫn ăn như Tống Cương. Ngậm chút muối, húp tí xì dầu, uống hớp nước, dù sao vẫn hơn không ăn. Thật ra không có bữa cơm trưa, cũng làm cho Lý Trọc cảm thấy đã ăn trưa, hình như cậu thấy hơi dễ chịu, cậu nằm xuống giường, lẩm bẩm nói một mình, xem trong mơ có thứ gì ăn không, rồi liếm môi ngủ thiếp đi.
Lý Trọc nói thế nào làm thế, vừa vào cõi mơ, cậu đã đụng phải một cái lồng chưng to tướng, lồng chưng bốc hơi ngùn ngụt, mấy người đầu bếp mặc áo trắng, đang dô hò, nhấc cái vung lồng chưng khổng lồ ra, Lý Trọc nhìn thấy bên trong xếp rất nhiều bánh bao thịt, lúc nhúc như đám người tổ chức đại hội phê đấu trên bãi tập, cái bánh bao thịt nào cũng đang chảy nước mỡ. Mấy người đầu bếp, lại hò nhau đậy vung lồng, họ bảo chưa chín. Lý Trọc nói chín lắm rồi, chín chảy cả mỡ ra kia kìa, nhưng mọi người phớt bơ, cậu đành phải đứng cạnh chờ, chờ đến khi nước thịt chảy ra bên ngoài lồng, những người đầu bếp sau cùng mới nói: chín rồi! Họ dô hò mở vung ra, giục nhau: ăn đi! Lý Trọc cảm thấy mình như nhẩy xuống nước, cắm đầu vào lồng chưng, ôm một đống bánh bao thịt trước ngực, giữa lúc cúi cắn một cái bánh bao thịt chảy mỡ, Lý Trọc đã bừng tỉnh.
Giọng khà khàn,Tống Cương đã lay người đánh thức Lý Trọc:
Tìm thấy rồi! Tìm thấy rồi!
Rõ ràng mình đang cắn chiếc bánh bao thịt, thì bị Tống Cương lay người đánh thức, chiếc bánh đã biến mất. Lý Trọc giận dỗi khóc hu hu, cậu vừa lau nước mắt, vừa dơ chân đá Tống Cương, mồm kêu rặt những tiếng: Bánh bao thịt,bánh bao thịt. Ngay sau đó Lý Trọc lại cười bắn ra nước mũi, bởi vì cậu nhìn thấy tiền và tem gạo đang vẫy vẫy trong tay Tống Cương, cậu đã nhìn rõ hai tờ năm đồng.
Tống Cương liến thoắng kể, cậu đã tìm thấy tiền và tem gạo bố để laị như thế nào, Lý Trọc chẳng nghe lọt tai câu nào, bánh bao thịt chảy nước mỡ đang nhét đầy óc cậu, cậu lập tức hăm hở, nhảy khỏi giường, giục Tống Cương:
Đi, đi mua bánh bao!
Tống Cương lắc đầu, bảo:
Anh phải đi hỏi bố đã, bố đồng ý, anh mới được đi mua bánh bao.
Lý Trọc nói:
Chờ tìm được bố anh, em đã chết đói từ đời tám hoánh!
Tống Cương vẫn lắc đầu, nói:
Chúng ta không chết đói, chúng ta sẽ tìm được bố rất nhanh.
Đã có tiền,có tem gạo, bánh bao cũng sẽ có ngay, mẹ kiếp, thằng ngốc Tống Cương lại còn đòi đi hỏi bố làm quái gì. Lý Trọc cứ dẫy nảy, dậm chân ăn vạ, trông thấy tiền và tem gạo trong tay Tống Cương, Lý Trọc định xô vào cướp. Tống Cương thấy vậy, vội vàng đút tiền và tem gạo vào túi. Hai cậu bé giằng nhau, cùng ngã ra đất. Hai tayTống Cương ôm chặt túi, Lý Trọc định luồn tay qua kẽ ngón tay của Tống Cương móc túi lấy tiền.Hai cậu bé nhịn đói cả ngày, đứa nào cùng mệt lử. Giằng xé nhau một lúc,lại dừng, há mồm thở hổn hển, rồi lại tiếp tục giằng xé, tiếp tục thở hổn hển.Sau đó Tống Cương bò dạy khỏi đất trước, định xông ra cửa, Lý Trọc cũng hộc tốc bò dạy, chặn cửa. Hai cậu bé đều mệt, cứ xiêu xiêu vẹo vẹo, Lý Trọc đứng chắn cửa, Tống Cương đứng trong nhà, hai đứa mặt đối mặt, vừa thở vừa nghỉ, sau đó Tống Cương quay người đi vào bếp, Lý Trọc nghe thấy cậu múc nước trong vại tu ừng ực một lúc, uống no nước,Tống Cương trở lại trước mặt Lý Trọc, lao thẳng vào Lý Trọc kêu, giọng khản đặc:
Tao có sức rồi!
Hai tay Tống Cương dẩy một phát, Lý Trọc ngã chỏng chơ ra cửa, Tống Cương nhảy qua người Lý Trọc, chạy đi luôn, đi tìm bố địa chủ của cậu. Y như con lợn chết,Lý Trọc nằm ngửa ra sân trước nhà, sau đó lại bò dậy, ngồi trên ngưỡng cửa như con chó ốm. Cậu đói quá, khóc hu hu mấy tiếng, khóc lại càng đói hơn, cậu nín ngay. Lý Trọc nhìn gió thổi xào xạc trên lá cây, ánh nắng chiếu vào ngón chân cậu sáng loáng, nghĩ bụng nếu ánh nắng có thể ăn như thịt xé, gió có thể uống như canh thịt, thì hay quá. Dựa vào khung cửa, Lý Trọc ngồi một lúc, sau đó đến vại nước trong bếp, múc nước tu ừng ực, uống no nê. Cảm thấy đã có sức, cậu đóng cửa đi ra phố.
Chiều hôm ấy, kéo dài hơi tàn, Lý Trọc đi đi lại lại trên phố lớn, không kiếm được thứ gì ăn, nhưng lại gặp ba học sinh trung học. Lúc bấy giờ đang ngồi tựa vào một cây ngô đồng, Lý Trọc nghe thấy tiếng cười hì hì, nghe thấy chúng gọi:
Này, thằng nhóc.
Khi Lý Trọc ngẩng lên, bọn kia đã xúm quanh cậu. Trông bộ dạng hí hửng của chúng, Lý Trọc biết chúng định đến tập rê chân. Lần này Lý Trọc không trốn được, cũng không có sức trốn, cậu bảo bọn kia:
Cả ngày nay em không có gì ăn …
Tôn Vĩ tóc dài nói:
Bọn tao cho mày ăn rê chân.
Lý Trọc van xin chúng:
Hôm nay không ăn rê chân, mai em ăn.
Không được - - Ba tên cùng nói một lúc – Hôm nay, ngày mai đều phải ăn.
Lý Trọc chỉ cây cột điện gần đó, tiếp tục van nài bọn kia:
Đừng bắt em ăn rê chân, để em chơi trò quan hệ trai gái với cột điện nhé!
Ba tên học sinh trung học ha ha cười ngất, Tôn Vĩ tóc dài bảo:
ăn rê chân trước, ăn no rồi, sẽ chơi trò quan hệ trai gái với cột điện.
Lý Trọc đau khổ lau nước mắt, ba tên học sinh nhường nhau như anh em ruột thịt, đứa nào cũng muốn nhường cơ hội ra chân đầu tiên.
Lúc này Tống Cương đã xuất hiện, tay cậu cầm chiếc bánh bao chạy đến, khi chạy đến trước Lý Trọc, cậu ngồi bệt xuống đất, kéo luôn Lý Trọc cùng ngồi. Hai cậu bé đều ngồi trên đất, Tống Cương mồ hôi nhễ nhại, đưa bánh bao thịt cho Lý Trọc, một chiếc bánh bao thịt còn nóng hôi hổi, Lý Trọc cầm bánh tống luôn vào mồm, miếng đầu tiên cậu đã làm cho nước thịt bên trong chảy ra mép, chưa kịp nuốt miếng đầu tiên, cậu đã nghẹn tắc cổ, cậu vươn cổ không động đậy. Tống Cương đấm lưng cho em, đồng thời dương dương tự đắc nói với ba học sinh:
Chúng em ngồi trên đất, xem các anh rê chúng em thế nào…
Mẹ kiếp - - Ba tên kia nhìn nhau, lại một tiếng – Mẹ kiếp.
Tống Cương và Lý Trọc đang ngồi trên đất, ba học sinh không biết rê thế nào, chúng bàn nhau, có cần ra tay nhấc hai đứa lên không, Tống Cương đe bọn kia:
Chúng em sẽ kêu cứu, người đi lại trên phố sẽ kéo đến…
Mẹ kiếp - Tôn Vĩ tóc dài bảo - Có giỏi chúng mày hãy đứng lên.
Tống Cương nói với hắn:
Có giỏi các anh cứ rê chúng em đi.
Ba tên kia bó tay nhìn Lý Trọc và Tống Cương cứ ngồi lì trên đất, chúng cười khẩy, nhin qua nhìn lại, nhìn Lý Trọc ăn bánh bao. ăn xong bánh, Lý Trọc đã có sức, cậu phụ hoạ lời nói của Tống Cương:
Chúng ta ngồi thế này rất dễ chịu, chúng ta ngồi trên đất còn dễ chịu hơn nằm trên giường.
Ba tên kia lại mắng ba tiếng "mẹ kiếp", Tôn Vĩ tóc dài thay đổi bộ mặt, hắn thân mật cười, thân mật nói với Lý Trọc:
Này, thằng nhóc, đứng lên, bọn này bảo đảm không rê mày, mày đi chơi trò quan hệ trai gái với cột điện đi…
Lý Trọc cười hì hì, thè lưỡi liếm nước thịt trên mép, người lắc lư, cậu lắc đầu trả lời
- Em không chơi trò quan hệ trai gái với cột điện, muốn chơi, anh đi mà chơi, em liệt dương rồi, anh biết không?
Ba tên kia không biết liệt dương là thế nào, chúng hiếu kỳ nhìn nhau, Triệu Thắng Lợi không nhịn nổi hỏi Lý Trọc:
Thế nào là liệt dương?
Lý Trọc dương dương tự đắc bảo hắn:
Anh tụt quần trông chim của anh xem…
Triệu Thắng Lợi sờ tay vào đũng quần, cảnh giác nhìn Lý Trọc, Lý Trọc nói:
Anh xem thử, chim anh cứng đơ đơ như nòng pháo thép cỡ nhỏ, hay mềm như cục bột?
Triệu Thắng Lợi sờ cu mình qua lớp vải quần, hắn nói:
- Cần gì phải nhìn? Hiện giờ chắc chắn mềm nhũn như cục bột...
Nghe vậy, Lý Trọc mừng quýnh, bảo Triệu Thắng Lợi:
Anh cũng liệt dương rồi!
Bây giờ ba tên kia mới hiểu thế nào là liệt dương, Tôn Vĩ và Lưu Thành Công cười hà hà, Tôn Vĩ nói với Triệu Thắng Lợi:
Mày đúng là thằng dốt, ngay đến liệt dương cũng không biết...
Triệu Thắng Lợi cảm thấy mất sĩ diện, hắn đá Lý Trọc một cái,nói:
Thằng nhãi khốn kiếp như mày mới là kẻ liệt dương, ta sáng dạy cứng đơ đơ, còn cứng hơn nòng pháo thép cỡ nhỏ là đằng khác…
Lý Trọc sốt sắng hướng dẫn Triệu Thắng Lợi:
Sáng sớm anh không liệt dương, buổi chiều anh liệt dương.
Rắm thối - Triệu Thắng Lợi nói - Ta đây một năm bốn mùa, một ngày hai mươi bốn tiếng đông hồ chưa bao giờ liệt dương.
Bốc phét – Lý Trọc chỉ cột điện gỗ gần đó bảo - - Anh ra chỗ cột điện chơi trò quan hệ trai gái, cho bọn em xem thử...
Cột điện ư? - Triệu Thắng lợi hư một tiếng - Chỉ có thằng nhóc khốn kiếp như mày mới ôm chơi cột điện, nếu chơi trò quan hệ trai gái, ta sẽ chơi con mẹ mày.
Lý Trọc trả lời một cách khinh thường:
Mẹ em không chơi trò quan hệ trai gái với anh đâu...
Sau đó Lý Trọc chỉ Tống Cương bên cạnh, đắc ý nói:
Mẹ em chỉ chơi với bố anh Tống Cương...
Tôn Vĩ và LưuThành Công cười ngặt nghẽo, Triệu Thắng Lợi chửi mát một lô xích xông những lời khó nghe, ba tên kia biết hai thằng nhóc vô lại lì lợm, dù có bể cạn đá mòn, cũng không đứng lên. Bọn chúng bàn nhau làm thế nào đối phó với hai thằng mất dạy, chúng lại định nhấc hai cậu bé lên rê chân. Lý Trọc chợt nghĩ đến lần trước anh Đồng thợ rèn đã từng cứu mình, cười nói to:
Anh Đồng thợ rèn đã đến.
Ba tên kia quay đầu nhìn ra phố, hết nhìn gần lại nhìn xa, không thấy bóng dáng anh Đồng, ba tên đá Tống Cương và Lý Trọc mỗi cậu ba cú, trong khi Lý Trọc và Tống Cương oa oa, kêu rầm lên, ba tên kia như nhặt được của hời đã bỏ đi.
Lý Trọc đã tránh được rê chân, lại được ăn bánh bao thịt, xúi quẩy là xúi quẩy ở chỗ, cậu không nhớ một chút nào mùi ngon của bánh bao, cậu chỉ nhớ mình bi nghẹn bốn lần, nhớ Tống Cương vỗ vào lưng khi cậu nghẹn, Tống Cương bảo khi nghẹn, Lý Trọc vươn dài cổ như cổ ngỗng.
Lý Trọc và Tống Cương trở lại quan hệ tốt đẹp như cũ, hai anh em mặt nhìn mặt cười hì hì gần một phút, dắt tay nhau đi trên phố lớn. Tống Cương kể, tìm thấy bố, bố ở trong một nhà kho, trong kho còn giam rất đông người, có những người đang khóc, có những người đang kêu. Lý Trọc hỏi, tại sao họ khóc họ kêu? Tống Cương đáp, hình như có người đánh nhau ở bên trong.
Chiều hôm ấy Tống Cương dắt tay Lý Trọc đi hết ba đường phố, hai cái cầu và một ngõ nhỏ, chúng đã đến nhà kho giam địa chủ và nhà tư bản, giam bọn phản cách mạng hiện hành và phản cách mạng lịch sử, giam mọi kẻ thù giai cấp. Lý Trọc đã nhìn thấy bố Tôn Vĩ tóc dài, ông ta đeo băng đỏ trên cánh tay, đứng ở cổng nhà kho hút thuốc, trông thấy Tống Cương, ông ta hỏi:
Sao mày lại đến đây?
Tống Cương chỉ vào Lý Trọc đáp:
- Đây là Lý Trọc, em cháu, nó muốn gặp bố.
Bố Tôn Vĩ nhìn Lý Trọc, hỏi cậu:
- Mẹ mày đâu?
Lý Trọc đáp:
Khám bác sĩ ở Thượng Hải.
Bố Tôn Vĩ cười hì hì cải chính:
Không phải khám bác sĩ, mà khám bệnh.
Bố Tôn Vĩ vứt đầu mẩu thuốc ra đất, lại dẫm chân di tắt, đẩy cửa chính nhà kho,gọi vào trong:
Tống Phàm Bình! Tống Phàm Bình ra đây!
Khi bố Tôn Vĩ đẩy cửa kho, Lý Trọc nhìn thấy bên trong có một người ôm đầu nằm trên nền nhà, một người khác đang lấy thắt lưng da đánh ông ta, người bị đánh nằm trên đất không hề nói một tiếng, nhưng người đánh đập thì gào lên, hình như người đánh đập đang gào lên đau đớn. Cảnh tượng này khiến Lý Trọc sợ run người, khiến Tống Cương tái mặt, sợ đến mức hai cậu bé không để ý Tống Phàm Bình từ cửa chính đi ra.Tống Phàm Bình đi đến trước mặt hai con, hỏi:
Các con đã ăn bánh bao thịt chưa?
Lý Trọc trông thấy thân thể cao to của Tống Phàm Bình đứng trước mặt, trên áo lót của bố dượng có vết máu, mặt thâm tím, mắt sưng húp. Lý Trọc biết bố dượng bị người ta đánh. Tống Phàm Bình ngồi xuống nhìn Lý Trọc, đưa tay xoa đầu con:
- Lý Trọc, mép con vẫn còn dính nước thịt.
Lý Trọc cúi đầu, đau khổ ứa nước mắt. Cậu hối hận sự tố giác của mình, nghĩ bụng nếu không nói những lời ấy trước cổng trường, Tống Phàm Bình sẽ không chiụ khổ chịu nạn trong nhà kho. Nghĩ đến sự đối xử rất tử tế của bố dượng đối với mình, Lý Trọc ứa nước mắt, hít mũi thò lò, khóc thành tiếng, nức nở nói:
- Con có lỗi.
Tống Phàm Bình lấy ngón tay cái lau nước mắt cho Lý Trọc, cười bảo:
- Con không hít mũi thò lò vào mắt chứ?
Lý Trọc bật cười. Lúc này tiếng khóc và tiếng chửi trong nhà kho mỗi lúc một to, tới tấp vọng ra từ khe cửa, bên trong còn có cả những cơn rên, như ếch kêu. Lý Trọc khiếp quá, cậu và Tống Cương đứng run rẩy bên bố dượng. Tống Phàm Bình hình như không nghe thấy gì hết, anh vui vẻ nói chuyện với hai con, cánh tay trái của anh toòng teng kêu lọc xọc một cách quái lạ, Lý Trọc và Tống Cương đâu có biết cánh tay trái của bố bị người ta đánh sai khớp, trông vào cảm thấy rất lạ, giống như một cánh tay giả treo trên vai, chúng hỏi bố:
- Tại sao cánh tay trái bố lại thế này?
Tống Phàm Bình khẽ lắc lư cánh tay trái của mình, nói với hai con:
Nó mệt, bố cho nó nghỉ mấy hôm.
Tống Phàm Bình thường đem đến cho hai đứa con nhiều chuyện mới lạ, chúng cảm thấy trên người bố có đầy kỹ xảo tuyệt vời, bố lại có biệt tài tháo khớp cánh tay cho nghỉ vài ngày.
Để thoả mãn lòng hiếu kỳ của hai con, Tống Phàm Bình đã huấn luỵên ngay trước cổng nhà kho đang ầm ĩ như ma khóc sói gào. Anh dạy hai con làm thế nào để cánh tay được nghỉ. Anh bảo, trước tiên nghiêng một bên vai xuống, sau đó buông thõng cánh tay kia, cánh tay buông thõng, cần thả lỏng, không được căng cứng, cứ coi như không có nó, chỉ lên huyệt thái dương của mình, anh bảo, trong đầu đừng nghĩ đến cánh tay đó. Anh cảm thấy hai con học đã tương đối, liền bảo hai đứa xếp thành một hàng, anh hô khẩu lệnh ‘một, hai, một, hai’ để hai con nghiêng vai và buông thõng cánh tay, đi lại trước cửa nhà kho. Lý Trọc và Tống Cương cảm thấy cứ đi một bước, cánh tay nghỉ kia lại lắc lư, hai cậu bé sướng quá, cậu này nhìn cánh tay buông thõng của cậu kia, mồm cứ ái a, ái a, kêu lên ngạc nhiên.
Tống Phàm Bình hỏi hai con:
Cánh tay có toòng teng không?
Hai đứa đồng thanh trả lời:
Toòng teng!
Bố Tôn Vĩ tóc dài cứ nhìn ba bố con họ cười hoài, đầu tiên cười hì hì, tiếp theo cười to ha ha,sau đó ông ôm bụng, ngồi xổm cười. Khi đứng dạy, ông vẫn ôm bụng cười, ông nói với Tống Phàm Bình:
Được rồi, anh nên vào đi.
Tống Phàm Bình lắc lư cánh tay trái đi vào kho, khi vào đến cửa, anh quay lại bảo hai con:
Về nhà tập tiếp.
Buổi chiều hôm ấy, Tống Cương và Lý Trọc quên hết những tiếng kêu khủng khiếp trong nhà kho, quên cả những vết sưng tím trên mặt bố, chúng chỉ nhớ lời bố giặn tiếp tục luyện tập. Trên đường về, hai cậu bé hớn hở nghiêng vai thõng cánh tay, khi thì để cánh tay trái toòng teng, khi thì để cánh tay phải toòng teng. Về đến nhà, chúng lại nằm trên giường luyện tập, để một cánh tay từ mép giường thõng xuống, chúng phát hiện nằm trên giường thõng cánh tay, dễ hơn nhiều khi nghiêng vai đi đường, có điều, khi nằm trên giường thõng cánh tay, chỉ một lát đã tê tê.
Huynh Đệ Huynh Đệ - Dư Hoa Huynh Đệ