Số lần đọc/download: 4267 / 143
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Chương 6
K
hi vụ án trở thành nghiêm trọng, thái sư đã chuyển nó từ tay Hồ Nguyên Trừng sang tay Hồ Hán Thương thụ lý; lại bổ dụng Nguyễn Cẩn làm trợ thủ. Hồ Hán Thương, con út của Hồ Quý Ly còn trẻ tuổi, đã được bổ nhiệm làm chức Đô hộ phủ, quản lĩnh công việc ở kinh đô Thăng Long. Hán Thương bảo với thuộc hạ: Vụ án này phải thi hành cho uy nghiêm.
Hán Thương sai Nguyễn Cẩn chuẩn bị bãi hành quyết ngay tại khu tháp Báo Thiên.
Năm Bính Thân (1058) vua Lý Thánh Tôn cho làm chùa Sùng Khánh Báo Thiên, phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn. Lại cho xây tháp Đại - thắng - tư thiên 12 tầng, cao vài chục trượng. Đời vẫn nói "An Nam tứ khí" (bốn công trình lớn ở Đại Việt), thì tháp Báo Thiên 3 là một.
Dân gian vẫn dùng tên Báo Thiên để gọi những gì nằm chung quanh ngôi bảo tháp. Ta có chùa Báo Thiên, chợ Báo Thiên, phường Báo Thiên. Tất cả tháp, chùa, chợ đều quay mặt về hướng đông nhìn ra chiếc hồ lớn màu xanh biếc tên gọi hồ Lục Thuỷ (đến thời Lê mới đổi tên là hồ Hoàn Kiếm), có nhiều người còn gọi tên hồ cũng là Hồ Báo Thiên. Trước mặt cây tháp, một bãi cỏ rộng chạy dài đến sát mép hồ. Bên kia hồ là những ruộng dâu xanh ngắt trải dài đến tận bờ sông Cái.
Thời Trần, tháp Báo Thiên là một tụ điểm lớn của kinh đô Thăng Long. Ngày tết và tháng giêng, hội chùa Báo Thiên là một lễ hội tưng bừng bậc nhất kinh kỳ. Ngày rằm, mùng một. khách đến lễ chùa cũng đông. Rồi còn chợ nữa, vào những ngày phiên, nhân dân tứ xứ đổ về đây trao đổi, buôn bán. Thời xưa, bãi chợ cũng là nơi Xử chém. "Chém bêu đầu giữa chợ", sở dĩ nhân dân ta có câu nói cửa miệng như thế chính vì lý do trên. Xưa kia, chưa có phương tiện truyền thông, chợ chính là một nơi thông tin. Người thì xem xử trảm, người thì nhìn thấy hàng cọc bêu đầu được cắm bên cạnh chợ, người ta sẽ đem những điều mắt thấy tai nghe kể với dân làng. Một đồn mười, mười đồn trăm... Chợ chính là tờ báo miệng thời cổ.
Bãi hành quyết được dựng nên ngay cạnh chợ Báo Thiên. phía trước tháp, cạnh hồ Lục Thuỷ. Kỳ đài được dựng bằng gỗ cao hơn mặt đất chừng một trượng; sau kỳ đài, cắm cờ ngũ hành xanh. đỏ, trắng, tím, vàng; trên kỳ đài có bàn và ghế để các quan ngồi. Dưới kỳ đài quân lính mặc quần áo đen, nẹp đỏ xếp hàng ngay thẳng, binh khí tuốt trần, sáng loà.
Nhân dân đi chợ trông thấy kỳ đài, đều biết hôm nay có vụ xử quyết lớn. Người ta vội vã mua bán, rồi kéo nhau đến bu đông nghịt quanh bãi hành quyết. Từ sáng sớm, lính đã đóng cọc. căng giây, tạo thành một vòng tròn lớn chùng vài mẫu ruộng. Nhân dân đều mặc đồ đen và đồ nâu vì vẫn chưa mãn tang đức thượng hoàng Nghệ Tôn. Bãi pháp trường sầm tối một mầu đen kịt. Lại thêm lũ quạ làm tổ trên những cây gạo cao, hoặc làm tổ ở tầng trên cùng của toà bảo tháp ngất trời đột nhiên bay ra, liệng vòng tròn trên trời cao, vừa bay vừa kêu ồn ã. Có thể lũ quạ tiên cảm thấy mùi xác chết. Có thể bằng phản xạ, lũ quạ thấy người tụ hợp vòng tròn, chúng biết sắp có hành hình. Dưới đất mầu đen, trên trời cũng lại có những cánh chim mầu đen bay liệng. Tiếng quạ kêu, hình ảnh quạ lượn vòng cũng là một cách báo hiệu để gọi thêm người đến dự. Vào giờ tị, cổng thành phía Nam mở. Hai hàng lính quần áo đỏ vác giáo oai nghiêm bước ra. Sau đó đến con voi khổng lồ. Trên bành voi, quan đô hộ phủ Hồ Hán Thương mặc áo gấm đen ngồi chễm chệ. Viên quản tượng ngồi sau tai voi mặc áo đỏ quần đen, tay cầm cây đòng sắt, miệng hô những tiếng lạ tai để điều khiển con vật khổng lồ. Chiếc lọng che nắng đen xì đung đưa theo nhịp đi của voi, những chiếc tua đen quanh mép lọng uốn éo, oằn oại, như những bàn tay mầu đen đang vẫy, đang múa. Tiếp theo là hai hàng lính áo đỏ, rồi đến trống cái và chiêng lớn. Tiếng tùng tùng trầm trầm và tiếng bi li ngân nga rên rỉ. Cuối cùng, bốn chiếc xe bò kéo chở bốn chiếc cũi lớn đóng gông bốn người tử tù đem ra pháp trường, và một lũ tù giây.
Hôm nay là một cuộc xử lớn, gồm nhiều vụ án. Vụ đầu tiên: vụ tiền giấy. Vừa qua, nhà vua xuống chiếu ban hành tiền giấy "Thiên bảo hội sao" để dùng thay cho tiền đúc bằng đồng. Những cuộc chiến tranh với Chiêm Thành và những cuộc nổi loạn của nông dân liên miên nổ ra khắp nơi đã làm quốc khố trống rỗng.
Hơn nữa, việc khai mỏ đồng cũng bị sút giảm vì thổ phỉ nổi lên ở vùng rừng núi, nên không có đồng đúc tiền.
Quan thái sư Quý Ly, để cứu vãn tình thế, đã ra lệnh cho Vương Nhữ Chu định thể lệ phát hành tiền mới. Đó là những tờ giấy tốt và cứng, trên giấy vẽ hình như sau:
- Loại 10 đồng vẽ rau rong
- Loại 30 đồng vẽ sóng nước
- Loại 1 tiền vẽ đám mây
- Loại 2 tiền vẽ con rùa
- Loại 3 tiền vẽ con lân
- Loại 5 tiền vẽ con phượng
- Loại 1 quan vẽ con rồng.
Rồi ra lệnh đổi tiền: một quan tiền đồng đổi lấy một quan hai tiền giấy.
Lại ban bố kèm theo lệnh xử phạt: Ai làm giấy bạc giả phải xử tội chết. Nhân dân ai còn tàng trữ tiền đồng, hoặc tiêu tiền đồng, đều phải xử như tội làm bạc giả.
Triều thần và dân chúng xì xào phản đối. Chỉ xì xào thôi chứ chưa có ý kiến nào phản đối thực sự. Người ta chỉ phản đối bằng cách tiêu cực. Nhà nghèo chẳng cần nói gì vì lấy đâu ra tiền. Còn nhà giàu nhiều người đang đêm lén lút chôn hàng chum tiền đồng.
Đô hộ phủ Thăng Long, mới rồi, đã bắt được hai tên nho sinh làm giấy bạc giả. Hình quan tra khảo chúng khai ra tên Nhũ Cái. Đến khám nhà Nhũ Cái, nó đã trốn mất. Hồ Nguyên Trừng cho điều tra biết Nhũ Cái đang ở lộ Tam Giang, đó là nơi có những toán cướp nổi lên. Nguyên Trừng muốn bắt toàn bộ giây phản loạn ấy. Nhưng Quý Ly lắc đầu:
- Hình luật phải nghiêm và hiệu quả ngay từ đầu. Không cầu toàn. Cần gì tiếng khen của một chữ nhân. Cốt là hiệu quả. Họ nhà Trần để đất nước này xộc xệch lâu rồi, lúc này cần thiết nhất phải chỉnh cho nó ngay thẳng lại.
Hai tên nho sinh làm bạc giả bị trói vào hai chiếc cọc. Viên quan truyền lệnh đọc lại chiếu về tiền giấy, bố cáo cho mọi người nghe. Tiếp sau đó tuyên đọc tội trạng của chúng. Quan truyền lệnh lui ra, chiêng trống nổi lên. Pháp trường im phăng phắc. Chỉ còn nghe thấy tiếng chiêng trống dục dã rền rĩ. Đao phủ khai đao. Gia đình những kẻ bị nạn khóc rống lên. Lập tức lính ào đến, tóm lấy những kẻ khóc, vả vào mồm họ.
Bắt đầu vụ trọng án thứ hai. Ai cũng biết rõ đó là vụ Nguyên Uyên tư thông với nhà Minh. Viên quan truyền lệnh cầm chiếc loa ra tuyên đọc tờ dụ của nhà vua về tội trạng của Uyên và Dận.
Đúng lúc đó, một tiếng hí rung chuyển từ sau kỳ đài bỗng vang lên, tiếng hí từng hồi dài trầm trầm như căm giận và nức nở. Đó là tiếng con voi Thánh Dực của Hồ Hán Thương cưỡi từ cửa Nam đi ra pháp trường. Con voi bị xích vào cây muỗm cổ thụ phía sau kỳ đài. Lúc này, con Thánh Dực đang giơ vòi lên trời và kêu rống. Người quản trượng sợ hết hồn vì chuyện phá rối bất ngờ của con voi. Nó lồng lộn đi lại, đôi mắt quắc lên giận dữ. Chiếc giây xích sắt rủng rẻng. Người quản tượng phải vội vàng vuốt ve con Thánh Dực. Giống voi ưa dỗ dành. Ông vội hát bài hát dỗ voi, hát rằng:
Ơ con voi rừng!
Ơ con voi hoang!
Nước mắt ròng ròng
Cái vòi ủ rũ
Vểnh tai lên mà nghe ta hát!
Vươn vòi lên mà đón nhành hoa!
Con suối rót rách thương cho ngươi
Con chim "Bắt cô trói cột" thảm thiết thương cho ngươi.
Thèm gì cái chuông đeo cổ.
Thèm gì cái bành voi đỏ.
Phất phơ những lá cờ vàng.
Thèm gì lọng xanh lọng tía!
Tiền hô hậu ủng nghênh ngang...
Nghe tiếng hát của người quản tượng con voi như dịu đi, nhưng im tiếng hát, nó lại bực dọc lồng lộn. Người quản tượng cuống quýt chàng biết làm thế nào. Còn con voi dữ, nó vẫn lừ lừ đôi mắt đỏ. ngẩng đầu lên trời như để tìm kiếm một cái gì. Nó vươn cao vòi hít hít làn không khí trên vòm muỗm. Đôi tai thôi ve vẩy như để lắng nghe một âm thanh nào đó mà tai người không nghe thấy. Nó bỗng chồm hai chân trước lên trời, đứng bằng hai chân sau. Người quản tượng rên rỉ: Thánh Dực ơi là Thánh Dực? Mày điên mất rồi? Mày tìm gì trên trời? Mày thấy gì trên tầng cao?
Con voi đã nhìn thấy, nghe thấy một cái gì đó thật, một cái gì đó mà chẳng ai nhận thấy. Lúc này, tiếng hát dỗ dành của người quản tượng cũng trở nên vô ích. Mắt con voi đã đỏ ngầu. Nó hí lên những tiếng hí dài man rợ. nó giật xích làm cây muỗm rung lên bần bật. Lúc này người ta đã đổ xô tới quanh con vật. Người càng đông con voi càng hung dữ.
Quan đô hộ phủ Hồ Hán Thương cũng lúng túng một lát trước tình thế bất ngờ. Con Thánh Dực do những lái buôn voi Chiêm Thành bán cho ông Nguyễn Trâu Điền. Ông Trâu Điền giỏi y thuật, bố của quan nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn đem con voi dâng thái sư Quý Ly. Quý Ly lại cho Hán Thương. Quan đô hộ phủ không ngờ con voi lại bất kham đến thế. Bất thình lình, Hán Thương chợt nảy ý lạ. Ông truyền lệnh:
- Hãy dẫn con voi vào pháp trường!
Người quản tượng leo lên cây muỗm, rồi nhẩy xuống lưng con voi dữ. Xích sắt được tháo. Con voi hùng hổ, sầm sầm đi vào pháp trường. Quan truyền lệnh cẩm loa hô to:
Tất cả mọi người hãy dãn ra, lùi thật xa. Những tên phản quốc Mai Nguyên Uyên và Mai Nguyên Dận sẽ bị xử tội voi dày.
Con voi mặt đỏ ngầu, xô tới cái cọc trói Nguyên Uyên, lấy vòi cuộn quanh người kẻ tử tù, nhổ bung cả người lẫn cọc, rồi giơ lên trời. Nguyên Uyên hét to. Con voi dập tất cả xuống mặt đất. Người đi xem hãi hùng bưng mạt. Tiếp đó, con vật lấy chân dậm nát, biến tất cả thành một đống nhão nhoét, đỏ lòm. Nguyên Dận run lên bần bật, hắn ta ú ớ không thành tiếng, và tất cả lại xảy ra giống như Nguyên Uyên.
Dân chúng lảng đi dần. Sau lưng họ, vẫn còn vang tiếng hí rùng rợn của con voi say máu.
Từ trại voi ở Núi Voi bên bờ sông Tô Lịch, người ta phái tới một đội năm con voi trận. Năm con voi đã thuần dưỡng lâu ngày ấy vây chặt lấy con Thánh Dực ép buộc nó phải quay về. Con voi dữ bị giam ở Núi Voi ba ngày. Suốt ba ngày đêm ấy, người dân Thăng Long đều nghe thấy tiếng gầm rú của con voi bất kham, nhất là vào ban đêm thanh vắng.
Tiếng voi như báo một điềm lạ. Tiếng voi thảm thiết, rợn người, đã hằn sâu vào óc người dân kinh kỳ. Nhắc đến chuyện con voi, người ta lại nhớ đến Nguyên Uyên. Nhớ đến Nguyên Uyên. người ta lại nhớ đến câu nói của ông ta: "Các ông đừng vội cười... Sau tôi sẽ có những người khác..."
Những bậc trí giả ở Thăng Long ngậm ngùi thở dài:
- Ông ta là người sát thân thành nhân!
chú thích
1.Nhà Trần có 2 quê: quê gốc, xã Yên Sinh Đông Triều. quê thứ hai, hương Tức Mực, phủ Thiên Trườn.
2.Việt sử thông giám cương mục tập VII trang 676 viết: "Quý Ly sai liêm phóng sứ chia nhau đến các lộ, bí mật dò hỏi kẻ hay người dở về quan lại, việc lợi việc hại ở dân gian..."
3.Khi vua Lê Lợi vây hãm Vương Thông ở Thăng Long, quân Minh phá tháp Báo Thiên lấy đá làm đạn súng thần công. Sau này, thời Pháp thuộc, người Pháp cho đạo thiên chúa xây nhà thờ lớn trên đó.