Nguyên tác: The Kennedy Women
Số lần đọc/download: 1304 / 61
Cập nhật: 2015-08-06 22:02:28 +0700
Chương 13
C
ác chươngg đầu của quyển sách này tôi đã mở đường bằng cách đưa ra các biện giải để bênh vực giòng họ Kennedy ở Hoa Kỳ. Tôi lại nói về sự tiêu biểu của gia đình này, như là một trong những gia đình ngoạn mục nhất trong xứ sở chúng ta, và hiện tại chúng ta đang làm mọi cáh để hủy diệt sự ngoạn mục đó.
Cầm đến bất kỳ tờ báo nào các bạn đều tìm thấy ngay một xì căng đan mới về một người trong gia đình Kennedy, hoặc ít nhất: một xì căng đan cũ được nhai đi nhai lại.
Các cô thư ký, bọn vú em, những kẻ phục dịch và bao kẻ khác châu đầu bàn tán, chứng minh những người trong gia đình Kennedy đã độc ác, nhẫn tâm, và đáng bất mãn như thế nào. Với tất cả những kẻ này, tôi chỉ cần hỏi: "Vậy tại sao các bạn lại tiếp tục làm cho họ?" Dĩ nhiên không có bất kỳ một lời đáp lại nào gọi là trôi chảy hết.
Nếu không có những độc giả của các loại xì căng đan, nếu không có sự thích thú tìm đọc các mẩu chuyện có tính cách bôi nhọ như thế, thì chắc chắn chúng sẽ không được ấn hành. Vì có người đọc, có sự thích thú, chúng được ấn hành, đó là một phản ảnh quan trọng lớp qua công chúng trung lưu trong xã hội Hoa Kỳ chúng ta.
Tôi không tin tưởng một cách ngây thơ rằng những người trong gia đình Kennedy đều hoàn toàn vô tội.
Tin tưởng như vậy là vô ý thức. Tôi đã từng biết những người tài năng và sáng chói, cho thấy thực tế, họ không tránh khói sự cám dỗ của các hành động quái dị. Tôi cũng biết rất rõ những cám dỗ này mà những người mang họ Kennedy thỉnh thoảng lâm vào.
Rose Kennedy luôn luôn tỏ ra trung thành một cách triệt để đối với chồng, trong khi đó ông ta vẫn tiếp tục giao du thân mật với một nữ tài tử điện ảnh.
Ngoài mặt bà giữ sự bình thản, nhưng chống đối đã được "chuyển nhượng" cho các người con. Dĩ nhiên, không lời nào được nói ra, không ai cần phải nói gì hết. Chỉ cần sự "xuống tinh thần" của các người con cũng đã nói lên sự chống đối của họ.
Những người đàn ông Kennedy không bao giờ chứng tỏ lòng trung thành của họ đối với các bà vợ, nhưng cách bà vợ phải tự đánh giá để tiếp tục bốn phận làm vợ, làm mẹ của họ. Tôn giáo của họ đã bắt buộc họ phải trung thành. Nhưng tôi không tin tôn giáo hơn lý lẽ. Những người đàn ông Kennedy đều có một tính chất bất thường và sự bất thường này đã hấp dẫn nhiều người đàn bà, trong đó có cả các bà vợ của họ nữa.
Các bà vợ của họ biết rằng, cuối cùng việc này không sao tránh khỏi, do sức quyến rũ của những người đàn ông trẻ tuổi, đẹp trai trong xã hội chúng ta, nếu thêm vào sự giàu có, đương nhiên bất kỳ người đàn bà nào cũng sẵn lòng với sự quyến rũ ấy.
Một thanh niên nói với tôi:
"Bà không thể hiểu nổi khó khăn như thế nào trong việc trốn tránh mấy người đàn bà. Họ tư hiến dâng.Họ lao mình vào. Họ vận dụng mọi mưu mô."
Tôi nói: "Như vậy là anh biết quá rõ".
Hắn mỉm cười: "Nhưng trước khi biết rõ, thì đã bị họ nắm lấy mất rồi".
Chàng thanh niên này không nói những gì mà một người đàn ông có sức quyến rũ như thế cảm thấy. Họ thường cô đơn và vì vậy, họ dễ xúc động hơn một người bình thường. Họ có thể bị cám dỗ dễ dàng - và, tai hại thay, họ thường hay nhượng bộ. Khi họ đã nhượng bộ chúng ta không còn cách nào khác hơn ngoài việc đòi lại toàn thể giá trị của họ, toàn thể những gì mà họ đã cống hiến cho đời sống quốc gia chúng ta, những gì mà họ không thể được thay thế. Chúng ta không biết cách nào khai hóa họ: chúng ta chỉ biết cân nhắc những điều xấu xa để chống lại những gì tốt đẹp của họ.
Không nên nghĩ rằng tôi đang biện bác một thái độ không hẳn là hoàn toàn vô lý về phía công chúng đối với gia đình Kennedy. Gia đình này có trách nhiệm đối với công chúng, nếu họ còn muốn đeo đuổi đời sống công cộng, họ phải duy trì những đức tính căn bản mà họ đã được chấp nhận. Những căn bản kiên cường gây kinh ngạc khắp nơi trên thế giới này. Đức tính công minh, đứng đắn và khôn ngoan là đặc điểm của một người đàn ông hoặc một người đàn bà tốt ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Và mọi nơi trên thế giới dân chúng rất mong mỏi có được những người như thế để họ có thể đặt tín nhiệm. Nếu tôi có nhấn mạnh đến sự tàn nhẫn của đám đông dành cho thiểu số tài năng có thể trở thành những nhà lãnh đạo của họ, tôi cũng phải nhấn mạnh trách nhiệm của thiểu số tài năng này: Họ luôn luôn phải tu thân.
Vì tài năng có thế chỉ là một phần nhỏ nhoi đối với sự thành công của một người. Tai hại thay, thỉnh thoảng, nếu không nói là quá thường, một tài năng rực rỡ lại nằm trong một ý chí suy nhược và một lý tưởng thấp kém. Tôi sẽ không đề cập đến những người hiện còn sống mà người đó có thể tiêu biểu những gì tôi vừa nói.
Tôi xin đề cập đến, chẳng hạn, Edward Allan Poé, một người có tư tưởng sáng chói, nhưng không bao giờ tài ba của ông đạt đến mức toàn mỹ, bởi bệnh nghiện rượu của ông.
Tôi cũng không nghĩ đến một người đàn bà hiện đã chết, có thể nói là một nhân tài xuất chúng về ngành điêu khắc, nhưng lại kém chiều sâu của lý trí, rất cần thiết trong cảm hứng sáng tạo những tác phẩm lớn. Thiếu cảm hứng sáng tạo nên các tác phẩm điêu khắc của bà ta hoàn hảo trên phương diện kỹ thuật, nhưng không thể cho đó là các tác phẩm lớn.
Tôi không thể nói có đúng chăng, John Fizgerald Kennedy sẽ phát triển trọn vẹn tài ba ông, nếu ông còn sống. Có những dấu hiệu cho thấy là có thể, vì tư tưởng của ông đã phát triền nhanh chóng hướng về tương lai, đã lộ diện hoặc có thể đoán biết được, qua các ứng dụng vào các dịch vụ thế giới và qua tư thế cầm quyền đầy nghị lực của ông, có thể khiến ông trở thành một nhà lãnh đạo thế giới.
Người em của ông, Robert Kennedy mà ông đặt nhiều hy vọng như là người kế nghiệp của ông, lại có một bề ngoài cho thấy không có được sự phán đoán bén nhạy bằng ông trên phương diện công bình và về các quyền hạn của con người.
Chưa có gì chứng minh kích thước lớn qua người em thứ ba, Edward Kennedy. Ông tỏ ra thiếu óc phán đoán mà theo tôi điều này nên được báo động đối với một nhà lãnh đạo có khả năng. Dân chúng của bất kỳ quốc gia nào cũng đều muốn được cầm đầu bởi các nhà lãnh đạo khôn khoan, thiết thực và lương thiện. Họ có quyền mong muốn ta có quyền đòi hỏi như thế. Vì một dân tộc chỉ có thể tiến bộ nhanh chóng và mạnh mẽ là do sự cung ứng tài ba lãnh đạo của các nhà lãnh đạo Tôi phải nói rằng những người mang họ Kennedy đã có một ít khuyết điểm trong các đặc tính gia đình của họ. Phải thừa nhận rằng dân chúng của chúng ta thường tố cáo họ có những hành động lập dị: giả nhân giả nghĩa, và một số người trong gia đình này đã làm trái hẳn những căn bản được chấp nhận trong xứ sở chúng ta. Như tôi đã viết ở các trang trước, không thể chối cãi, có một sự khó chịu giữa dân chúng Hoa Kỳ, khi họ nhìn những người mang họ Kennedy không thấy một ai giống như, hoặc nằm trong trường hợp của Coolidge, của Hoover hoặc của Truman 1. Đó chỉ là một vài phương danh dẫn chứng.
Kỳ thật, không có ai trong những người sáng chói này bằng những người trong gia đình Kennedy, nhưng dân chúng cảm thấy họ đáng tín nhiệm hơn. Dĩ nhiên cái gọi là giới bình dân, họ không bao giờ tín nhiệm hoàn toàn những người sáng chói, táo bạo hoặc sáng tạo hơn họ. Nếu đây là sự thật, để đạt được sự tín nhiệm, một người phải làm cách nào cho thấy sự sáng chói, táo bạo và sáng tạo của họ mọi người khác đều có thể làm được.
Nhưng - và đây là điểm then chốt - nếu nền giáo dục kiềm hãm bớt trách nhiệm hướng hẳn vào những kẻ thông minh tuyệt đỉnh, chừng ấy hố ngăn cách giữa hai thái cực mới có cơ chấm dứt. Nếu những kẻ ít thiên tư, có thể thông suốt kinh nghiệm học hỏi của những kẻ có nhiều thiên tư, thì phần lớn thái độ ghen ghét, đố kỵ và hiềm khích của đám đông hướng vào những kẻ tài ba đặc biệt, có thể đổi sang sự biết ơn, vì chừng ấy họ mới biết những cá tính và những trí tuệ như thế quả xứng đáng là các nhà lãnh đạo của họ.
Qua quyển sách này, chú tâm của tôi vừa bênh vực thiểu số tài ba sáng chói, tượng trưng của gia đình Kennedy, một thiểu số đưa đến tất cả hy vọng tiến bộ của nhân loại, vừa bênh vực đa số lo âu, ngờ vực và không ưa thích sự lãnh đạo của thiểu số vừa nói, đồng thời đa số này lại mong mỏi có được một sự lãnh đạo khôn ngoan, công bình và ý thức trách nhiệm.
Những người mang họ Kennedy thực sự có thiếu sót trong các mong mỏi này? Một lần nữa tôi lại nói về sự tượng trưng. Tôi nói về một giòng họ có thừa sự giàu có. Đó là giòng họ Rockefeller, một giòng họ đại phú, và cũng có thể kể đến Ford. Mỗi giòng họ đều có một ông cha sáng nghiệp, có thể so sánh với Joseph Patrick Kennedy. Thế hệ thứ ba của gia đình này, Rockefeller và Ford, đều là hai thế hệ đáng nể, nhưng cá hai đều không có một ai là nhà lãnh đạo lớn. Mỗi gia đình đều làm việc tốt đẹp có tính cách nhân đạo.
Có thể kể các công việc nghiên cứu phát triển hữu ích trên phương diện y học của cơ sở Rockerfeller hoặc công cuộc nghiên cứu cải tiếng canh nông đáng chú ý của cơ sở Ford, một công cuộc nghiên cứu có thể nói là hơn bất kỳ công cuộc nghiên cứu nào khác, có thể giải quyết nạn đói ở Ấn Độ. Những việc làm tốt đẹp này không thể nói là không quan trọng, nhưng lại có tính cách thông thường đồng dạng với nhiều việc làm khác và không sản xuất được một nhà lãnh đạo nào đầy dũng khí có thể gây hứng khởi cho mọi người.
John Fitzerald Kennedy, trước khi bị ám sát, đã tiến đến cao độ nhất của sự hứng khởi và, nếu ông còn sống, ông có thể mang chúng ta đến một sự hiểu biết mới mẻ về năng lực riêng của Quốc gia Hoa Kỳ.
Dưới ảnh hướng của ông, Jacqueline có thể đã tiếp tục trong vị thế riêng của nàng bên cạnh ông, nên chúng ta sẽ chỉ được nghe những thành tích tốt đẹp về nàng. Những người sùng bái nàng chưa mãn nguyện, họ muốn thấy nàng hoàn thành hẳn những gì mà họ mong mỏi. Hiện tại, những mong mỏi này đã trở thành sự khinh bỉ và chỉ trích đây giận dữ rằng, thật sự, tài năng của nàng cũng chẳng làm nên được việc gì.
Giống như sự giận dữ đang chĩa mũi vào Edward Kennedy, người mà dân chúng đã đặt hy vọng, và hy vọng đó tiêu tan theo với biến cố bất ngờ. Tôi hồ nghi về sự quên lãng của mọi người, dù ngay khi họ có thể hiểu biết, như Edward đã nói, sau mọi thắc mắc được giải đáp: Tôi nghĩ là mọi người không quên.
Hôm nay, tôi vừa nhận được thư của một đứa cháu trong gia đình Kung. Hắn từng là một lãnh tụ vệ binh đỏ ở chính ngay tỉnh lỵ sinh quán của hắn. Tỉnh lỵ này tôi biết rõ như in trong trí, cho dù hắn không tả lại trong thư. Hắn vừa trốn thoát sang Đài Loan và từ đó hắn viết thư cho tôi. Trong thư hắn tiết lộ về lý do của sự tỉnh ngộ: "trong số nhiều người khác như hắn, tài ba và sáng chói, hắn được giáo dục trong một trường đặc biệt để sau khi tốt nghiệp hắn. sẽ dạy lại những điều đã học hỏi cho dân chúng. Trong trường, hắn được cho biết là dân chúng rất ham học, rất hạnh phúc và dù sống đơn giản, tiện nghi của họ nhiều hơn những ngày cũ. Hắn tin tưởng những gì mà hắn được dạy và hắn trông mong được thi thố tài ba của mình.
Tuy nhiên, khi ra trường đi sâu vào làng mạc, hắn mới nhận thấy những gì mà hắn được dạy không đúng với sự thật. Dân chúng không hạnh phúc. Họ không có miếng ăn đầy đủ. Họ cảm thấy bị đè nén.
Hắn trở thành ngờ vực và chán nản. Con người thuộc gia đình Kung vẫn còn hiện hữu trong hắn, và tâm trí vẫn còn là một người thuộc giai cấp quí tộc. Hắn không thể nào tiếp tục nói láo với mọi người, và hắn đã trốn".
Lội bộ đến bờ biển phía Nam và nhờ một chiếc thuyền đánh cá nhỏ, hắn sang được Đài loan. Trong thư, hắn mô tả đời sống ở Đài Loan phong phú và nhiều tiện nghi hơn ở Hoa lục. Nhưng hắn cho rằng ở đây có nhiều cách biệt giữa kẻ giàu và người nghèo.
Những người giàu có phung phí, xa hoa, sống trong các ngôi nhà quá to lớn và nhất là có nhiều kẻ phục dịch. Hắn cho rằng như vậy là không tốt.
Nhưng hắn cảm thấy, sự thật, ở đây có nhiều tự do trên phương diện chọn lựa. Những thanh niên như hắn có thể theo đuổi những ngành học thích hợp, họ có thể chọn nghề nghiệp, không phải bị chỉ định như hắn.
Hắn viết, ước ao của hắn được trở thành một nhà văn, nhưng hắn lại được huấn luyện để trở thành một nhà giáo - đúng ra, một cán bộ tuyên truyền. Bây giờ dĩ nhiên là quá trễ để hẳn chọn nghề nghiệp. Hơn nữa, nếu chọn nghiệp văn, hắn sẽ viết về cái gì? Tất cả những gì hắn biết, hắn không còn tin tưởng nữa.
Hắn không thuộc vào nơi nào hết. Hắn không được hạnh phúc ở bất kỳ nơi nào cả.
Ở một phần khác của thế giới đó, dưới một hệ thống hoàn toàn khác biệt, tôi nhận thấy tài năng và sáng kiến đã bị hoang phí một cách thảm hại. Cũng giống như chúng ta ở đây. Hoang phí, bởi vì những người có thiên tư đã bị đẩy vào cùng một khuôn thước của sự độc đoán và của sự hủy hoại. Họ, như các thanh niên Mỹ trẻ tuổi của chúng ta, họ không biết phải tin tưởng những gì.
Ngày người cha của gia đình, Joseph Patrick Kennedy chết, tin tức lan đi khắp nơi trên thế giới: Cái chết của một Kennedy khác. Nhưng lần này không có gì gọi là gây sửng sốt, vì cái chết nằm ngoài sự kinh khiếp. Chỉ có cái chết của một người trẻ tuổi mới là cái chết dữ dội. Sự chấm dứt của một đời sống thọ, và thành công, là một chấm dứt đương nhiên tốt đẹp.
Lúc ở Trung Hoa, tôi còn là một đứa nhỏ, tôi thường thấy sự chết chóc, chết vì chiến tranh, chết vì đói, chết vì bệnh tật. Những cái chết đau đớn và khủng khiếp. Tệ hại nhất là cái chết của những đứa trẻ. Nhà chúng tôi nằm trên một ngọn đồi, bên ngoài một thành phố lớn. Quanh sườn đồi gần như bị mồ mả che phủ.
Thỉnh thoảng, nếu không nói là quá thường, những cái huyệt chôn trẻ con chết được đào rất nông và cái xác không có hòm bao học, và đôi khi trần truồng nữa, nếu đứa trẻ chết đó là con nhà nghèo. Quần áo là một vật quý giá đối với dân nghèo Trung Hoa, không thể nào phí phạm mọt cách vô ích như thế được.
Những ngồi mộ nhỏ bé chôn nông này thường được lũ chó hoang trong các ngôi làng quanh đó mò mẫm đến. Và chính tôi, một đứa bé ưa chạy lang thang thỉnh thoảng đạp nhầm một cái xác nhỏ bé đã bị lũ chó ăn mất phân nửa... Tôi biết đến đầy đủ sự khủng khiếp của cái chết từ đó. Trong thời gian này tôi cảm thấy sự chết chóc đáng sợ hãi.
Nhưng nhiều năm trôi qua, xuyên qua các cuộc cách mạng và chiến tranh hỗn loạn, tôi bắt đầu hiểu cái chết rõ hơn, và tôi ý thức rằng có những cái chết rất vô nghĩa nhưng cũng có những cái chết rất cần thiết hoặc được mong đợi. Và cái chết sau cùng này, trong đời tôi, tôi đã từng biết đến? Khi chồng tôi thình lình lâm bệnh, giống như trường hợp của Joseph Patrick Kennedy, giữa khi sức khỏe đầy đủ. Tôi biết được sự đau buồn lo lắng như thế nào trước một cơn bệnh biến chứng bất thường, thỉnh thoảng nặng, thỉnh thoảng nhẹ, nhưng luôn luôn có khuynh hướng mòn mỏi, cho đến khi tiếng nói tắt đi, cử động ngưng lại, ánh mắt mờ dần, tri giác không còn nữa.
Và ở đó, trên chiếc ghế ông ta ngồi, ngày qua ngày và đêm đến, ông ta được mang đến giường và nằm đó chờ ngày trở lại. Mọi người vây quanh, nhưng ông ta không còn hướng dẫn đời sống của họ nữa, không còn là trung điểm của sức mạnh gia đình nữa. Mỗi cá nhân trong gia đình từ đây phải tự tìm lấy sức mạnh của riêng họ.
Những ngày cuối cùng như thế cũng đã đến với Joseph Patrick. Một cái chết kéo dài, dai dẳng đã trở thành một cái chết đương nhiên, không thể tránh được, ngay cả không được mang cảm giác là một cái chết nữa. Sự ngừng nghỉ đã được mòn mỏi trông đợi, đến nỗi không còn sợ hãi, không còn kinh hoàng, dù trong chốc lát.
Những dòng này tôi viết trước đêm đám tang được cử hành. Xác của Joseph Patrick Kennedy được tẩm liệm và quàn trong một căn phòng ấm cúng tại nhà riêng ở Hyannisport, từ đó, nhìn ra khung cửa sổ mở rộng, là phong cảnh Nantucket Sound mà sinh thời ông rất ưa thích. Trong nhà, quanh ông mọi người trong gia đình đều có mặt. Tôi không thể biết, nhưng không thể nghi ngờ, giờ này qua giờ khác, từng người một hoặc nhiều người trong gia đình cùng lúc đã tiến vào căn phòng yên tĩnh ấy và đứng gần ông, bên khung cửa sổ đó, hồi tưởng lại những gì mà ông đã làm qua vai trò người chồng, người cha, người ông của họ. Và họ tự nghĩ, có thể, hoặc chắc chắn, hiện tại ông đang họp mặt với các người con của ông một cõi khác, với Joseph, Katheleen, John và Robert. Rose Kennedy và Ethel Kennedy có thể là hai người thực sự nghĩ đến sự sum họp này. Và dĩ nhiên có cả Jacqueline Onnasis, qua sự mến yêu mà nàng dành riêng cho Joseph Parich Kennedy và ngược lại. Những thông cảm mà người cha chồng đã dành riêng cho nàng, còn có phần hơn các đứa con của ông nữa......
Ở đây, Vermont, mưa đang nghiêng vào các khung cửa sổ mở rộng tại căn nhà miền núi của tôi. Trời cũng đang mưa ở Hyannisport. Mưa rơi trên nóc giáo đường Hyannisport, nơi mà Joseph Patrick Kennedy được từ biệt lần cuối cùng. Quây quần bên ông là những người trong gia đình và một số bạn thân. Sau đó ông được mang ra nghĩa trang riêng của giòng họ ở Brookline, nằm giữa những ngọn đồi phía Đông Nam Boston. Nơi đó, ông có thể yên nghỉ, bỏ lại phía sau cho các con cháu ông, những gì là cao nhã và vĩ đại của ông. Họ sẽ không bao giờ quên ông, không chỉ những ngày tuổi trẻ hăng hái và đầy năng lực, mà còn ở những ngày bệnh hoạn và hao mòn thân xác trước khi đi về cõi chết của ông nữa.
Bây giờ tôi nghĩ đến những người còn lại. Tôi nghĩ nhiều hơn đối với Rose Kennedy. Lúc này bà trở lại nhà, mưa rơi và đêm xuống dần, nghĩ đến người yêu mến đang nằm cô đơn dưới mưa, cõi lòng tan nát. Các con cháu bà, họ sẽ ở lại với bà đêm nay nhưng mai đây họ phải mỗi người mỗi ngả.
Cuối cùng, những giây phút cô độc hiện rõ hơn bao giờ hết. Cẩn trọng như mọi khi, bà xem qua mọi nơi trong nhà trước khi đêm đến, nhưng bà biết rằng sẽ không bao giờ có bất kỳ người nào mở cánh cửa lớn kia một lần nữa, khi bà đã đóng nó lại. Không tiếng nói nào phá vỡ sự yên lặng trong căn phòng của bà.
Chiếc giường còn đó, bà nằm xuống, nhưng biết rằng sẽ không còn ai chia sẻ khoảng trống còn lại. Và khi thức giấc, bà không còn nghe hơi ấm chuyền sang từ một thân thể khác.
Tôi biết rõ sự chia ly cuối cùng như thế nào. Cũng như những người vợ khác, nếu họ đã trải qua. Người vợ bây giờ sẽ không hồi tưởng hình ảnh của chồng trong những ngày bệnh hoạn hao mòn trước khi chết, cũng không nhớ lại cái cái nằm đơn độc dưới nấm mồ lạnh lẽo ngoài kia. Qua hồi tưởng của người goá phụ là hình ảnh một chàng thanh niên cao lớn, đẹp trai khỏe mạnh, đôi mắt rực sáng, trong những ngày đầu của yêu đương và khoảng thời gian mới mẻ của nhưng ngày hôn phối... Và rồi các đứa con ra đời và niềm hạnh phúc như thế nào với những đứa trẻ phương phi và khỏe mạnh ấy.
Đêm đầu tiên, khi người chồng nằm yên dưới mồ, "tuổi trẻ của người chồng qua hồi tưởng của người vợ". Người góa phụ không thể nào chịu đựng nổi sự đau khổ trừ phi xoa dịu bằng sự hồi tưởng như thế.
Ngôi nhà ở Hyannisport thoạt đầu chỉ là nơi nghỉ hè của họ, nhưng sau đó họ đến cư ngụ thực sự, dù cho đời sống ở đây có nhiều phương diện không thích hợp với họ. Nhưng, hai mươi năm trôi qua, họ quen dần, họ học hỏi để yêu mến hải cảng này và lịch sử của nó. Người da đỏ là những người có mặt trước tiên ở đây, kế đó là các nông dân và các trại chủ, kế nữa là dân đánh cá và cuộc nội chiến, cuối cùng nó trở thành một thành phố với một quyền hạn riêng và một bãi biển nghỉ hè danh tiếng.
Ông ta, Joseph Patrick nhấn mạnh rằng gia đình ông biết rất rõ lịch sử của thành phố nhà. Và tiền bạc đã khiến dân chúng quên nguồn gốc Ái Nhĩ Lan của họ. Chiếc xe hơi to lớn đầu tiên ở Hyannisport là của họ - một chiếc Packard hay Cadillac gì đó.
Joseph Patrick Kennedy đang bận rộn trong việc tìm kiếm một triệu đô la thứ hai của ông, nên trong ba kỳ nghỉ liền ông đều không có mặt với gia đình. Đến kỳ nghỉ hè thứ tư, kể từ khi họ dời đến Hyannisport, họ có ngôi nhà mới đồ sộ, đồ án do một kiến trúc sư danh tiếng ở Boston thực hiện.
Tôi có đến Hyannisport sau cái chết của Joseph Patrick Kennedy và nhờ vậy tôi biết được dân chúng ở đây đã nghĩ như thế nào về gia đình to lớn và danh tiếng lừng lẫy này. Họ nói về người cha trong những ngày bệnh hoạn và mòn mỏi trước khi chết, họ nói về những ngày khi các đứa con của gia đình này còn trẻ.
Một người địa phương nói đùa: Hình như không đến nỗi họ chiếm hết phân nửa dân phố thành phố này. Họ thường sắp hàng dài trước cửa tiệm của tôi. Cũng như những gã trẻ tuổi khác - họ nô đùa và xô đẩy nhau thật ồn ào.
Gia đình này có rạp chiếu bóng có âm thanh đầu tiên ở New England. Rạp hát này được dựng lên khi Joseph Patrick nổi tiếng trong giới sản xuất phim ảnh và cũng nhờ vào lĩnh vực này ông thu được một món tiền vĩ đại. Vào năm 1932, đứa con gái út và là đứa con thứ tám của họ, Jean, chào đời. Joseph Patrick thường vắng nhà luôn, Rose Kennedy hoàn toàn nhận lấy trách nhiệm trong gia đình, đúng ra không phải hoàn toàn, bởi vì sự hiện diện của người chồng vẫn như luôn luôn ở nơi nào đó trong gia đình.
Trong khi Joseph Patrick làm việc ở Hollywood, chạy đua với thời gian trong việc sản xuất các cuốn phim thương mại, Rose Kennedy được Jack, con trai bà, ví bà mẹ như chất keo. Dĩ nhiên, chất keo để giữ cho gia đình kết hợp với nhau. Các đứa con ngoan ngoãn, được bà dạy dỗ đúng mực, vào những ngày êm đẹp nhất, khi mà tất cả chúng còn quanh quẩn trong nhà. Nhưng, người cha không bao giờ cho phép kéo dài cảnh nhàn hạ đó, ông không muốn bất kỳ một người mang họ Kennedy nào không biết ganh đua, không biết chống trả lại kẻ khác. Ông nói với các con: "Lần thứ hai không bao giờ đến. Đúng ra, lần thứ hai không phải là lần tốt". Vì vậy bất kỳ nơi nào hai vợ chồng ông đến, nếu có thể, họ đều mang các con theo, hoặc ít ra cũng một hai đứa. Joseph Patrick muốn tương lai của các con vượt hơn những gì mà ông đã có. Ông biết các con của ông đang ganh đua với nhau, nhưng ông không thể dạy chúng biết chịu sự nhường nhịn, dù là sự nhường nhịn hợp lý. Chính ông không bao giờ làm một kẻ nhường nhịn hợp lý. Ông cứng cỏi và dạy các con ông sự cứng cỏi đó.
Một lần, Joe và Jack đang đứng trên bờ biển và chợt nhìn thấy một chiếc thuyền lật úp vì chạm phải đá ngầm, mỗi cậu nhanh nhẹn nhảy xuống một chiếc thuyền nhỏ của họ, và hối hả bơi ra chỉ để cứu một người đang bị đắm. Lúc đó Joe chỉ mười hai tuổi, và Jack mới mười tuổi. Cả hai không nghĩ đến thân nình. Joe đã không chết trẻ, nếu ông không tình nguyện chiến đấu sau khi nghĩa vụ quân dịch chấm dứt. Ông không biết sợ hãi, qua một năng lực hun đúc như thế, và qua đôi mắt rực sáng, mái tóc dày luôn luôn dựng ngược như không bao giờ được chải gỡ ấy, ông mang dáng dấp của một kẻ hăm hở lên đường, không ngừng nghỉ và dám làm bất kỳ việc gì.
Chàng thanh niên Joe, người giúp đỡ bà mẹ hết lòng cũng như với những kẻ khác trong gia đình, nhưng lại có khuynh hướng khép những kẻ khác ấy vào khuôn khổ của anh ta. Anh ta dạy mọi người cưỡi xe đạp, bơi lội đánh bóng bàn và đá banh. Môn cuối cùng này anh dạy mọi người cho đến khi họ trở thành một đội banh gia đình mà anh ta là nhà dìu dắt. Chỉ có Jack không chịu sự khống chế của người anh và Joe thỉnh thoảng phải ra tay khuất phục cậu em. Dĩ nhiên, Joe luôn luôn chiến thắng vì thân xác to lớn hơn Jach. Tuy nhiên sau các cuộc xung đột, Joe vẫn không làm thay đổi được đứa em, nhưng chẳng vì thế mà cả hai không yêu mến lẫn nhau. Jack nói, khi đã lớn hơn, rằng bất kỳ một giải quyết tối hậu nào, người giải quyết đó phải là Joe.
Và hai cậu con trai này phải đến trường, vào cái tuổi bừa bãi kinh khiếp của họ. Phòng ngủ của Jack những kẻ phục dịch phàn nàn, luôn luôn hỗn độn, nơi này một vài chiếc khăn ẩm, nơi kia những chiếc quần tắm đẫm nước, chỗ nọ là các đôi vớ cuộn lại. Và khi muốn đánh bóng đôi giày? Cậu học trò Jack không ngần ngại sử dụng chiếc áo choàng thường mặc đi học, chiếc áo choàng quá ngắn đối với thân hình quá khổ của cậu ta. Loại áo choàng dành cho học sinh Hoa Kỳ, có kí hiệu, để khi nhìn vào có thể biết lớp mà họ theo học. Trong lớp có một trăm mười hai học sinh: cậu Jack đứng hạng sáu mươi tư. Tuy vậy, các bạn cùng học đã bầu cậu ta làm huynh trưởng trên phương diện con người dễ dàng đạt đến thành công nhất của bất kỳ sự lựa chọn nào trong đời sống. Và cậu ta đã vẽ các cô bạn học như là các con ong cho mật.
Các cậu con trai của bà hay tinh nghịch: Rose Kennedy phải công nhận. Có lần họ phải ngồi tù hết một đêm. Chuyện này xảy ra trong cuộc đua thuyền ở Edgartown, Joe và Jack tham dự, và đã mạnh tay với một đội chiến thắng đến nỗi ban tổ chức phải giao họ cho cảnh sát. Cả hai bị nhốt vào tù và người chủ thuyền mà họ mướn được thông báo đến bảo lãnh họ về. Người chủ cho mướn thuyền đã biết ý người cha của hai cậu trai này nên từ chối bảo lãnh. Ông ta nói rằng để họ có dịp học hỏi thêm... Trong ký ức của người đàn bà đêm đầu tiên nằm trên giường một mình khi người bạn đồng hành nằm yên dưới ba thước đất, người đàn bà ấy, Rose Kennedy, sẽ tiếp tục nhớ lại, vào mùa hạ năm 1936, hai con trai bà, Joe và Jacl lần lượt chiến thắng tất cả các cuộc đua thuyền. Cả hai, cầm đầu toán, đã được cử tham dự cuộc đua tranh giải vô địch ở bờ biển Địa Trung Hải và hàng loạt cuộc đua thường niên vào tháng bảy và tháng tám trong năm. Và sau đó, các đứa con này trưởng thành hẳn, qua ký ức của Rose Kennedy Jack chạy đua vào Thượng nghị viện tiểu bang Massachuetts, Eunice nhảy vào cuộc vận động tranh cử cho người anh. Nàng và Pat đẹp làm sao trong chiếc "váy" có thêu tên của Jack và hình tòa nhà Quốc hội. Đồ trang sức của họ đều khắc khẩu hiệu "Hãy bỏ phiêu cho Kennedy", mọi thứ đều có vẻ buồn cười, nhưng gần gũi và chứng minh tinh thần phe nhóm qua các hình thức mà người cha không hề tính toán để dạy cho họ trước đây Và rồi người góa phụ hồi tưởng đến những năm Joseph Patrick làm đại sứ ở Anh quốc và thời gian đó đời sống của họ hoàn toàn mới mẻ... Những kỷ niệm và những kỷ niệm, ngay đến cả cái chết cũng không xóa được những kỷ niệm đó.
"Nhưng, mưa đang lạnh lùng rơi trên mái nhà.
Ba người đàn bà Kennedy đã phải sống hoặc hiện hữu, qua đêm đầu tiên với ý thức đầy đủ của sự chết, được xét đoán qua chính bản thân tôi. Đó là đêm mà thân xác của người yêu dấu vừa nằm yên dưới lòng đất.
Trong trường hợp cái chết của Joe: đêm đầu tiên này không hề được trải qua. Cái chết mà thân xác không tìm được ấy, kẻ chết đã phiêu du trên cao. Ở một nơi nào đó. Nhưng Rose Kennedy, Jacqueline và Ethel đã phải trải qua, mỗi người mỗi khác, hình dung lại được những gì thuộc về người thân yêu đã chết của họ. Không có bất kỳ cái gì, không ai có thể ngăn chặn được hồi tưởng của họ, ngoài thời gian. Thời gian làm cho phai dần đi. Dĩ nhiên, người đàn bà mà chồng chết quá trẻ sẽ có tâm trạng, có những kỷ niệm hồi tưởng phải khác hơn người đàn bà mà người chồng chết già.
Một trong những người anh em trong gia đình Kennedy tôi được biết, đã không bao giờ léo hánh đến nơi chôn những người thân của mình một lần nào.
"Tôi đến đó làm gì? Ho không còn ở đó nữa." Người đó đã nói như thế.
Riêng tôi, có lần tôi đến thăm một Tổng thống Kennedy và từ đấy không một lần nào tôi trở lại nữa.
Tôi hồi tưởng ông một cách khác. Nhưng những người đàn bà Kennedy, những người mà chồng họ nằm trong các ngôi mộ đó, luôn luôn đến thăm viếng những người yên nghỉ cuối cùng này. Riêng Rose Kennedy, tôi cảm thấy có một mối giao cảm đặc biệt, dường như đời sống của bà đã lui lại phía sau. Rose Kennedy không phải là mẫu người bỏ hết cuộc đời cho con cháu, qua một cá tính quá mạnh mẽ, quá độc lập, quá nhiều thói quen của thời trẻ ấy. Nhưng đó là sự thật, hiện tại bà ý thức được những năm còn lại của mình, là những năm của trầm tư, của suy tưởng.
Dù rằng những năm này là những năm quý báu, với âm nhạc êm đềm hơn, với nghệ thuật ý nghĩa hơn, với thiên nhiên rực rỡ hơn và bởi vì thời gian quá ngắn ngủi.
Đối chiếu với những người đàn bà trẻ hơn, nhửng con dâu góa bụa của bà, có đời sống hướng về tương lai cho chính họ và cho các đứa con của họ, đời sống không khép kín của họ chỉ là đời sống cho thế hệ kế tiếp. Họ có bổn phận không chỉ đối với người chồng đã khuất, mà còn có bổn phận đối với sự tồn tại của giống họ Kennedy nữa.
Nhà tôi, phía bên ngoài, mưa chỉ còn lất phất, nhường chỗ cho những mảnh tuyết mong manh, lặng lẽ rơi.
--------------------------------
1 Coolidge John Calvin, Tổng thống thứ 30 của Hoa Kỳ (1923 - 1929).
Herbert C. Hoover Tổng thống thứ 31 của Hoa Kỳ (1929 - 1933)
Harry S. Truman, Tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ (1945 - 1953)
(Ghi chú của người dịch.)