Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Chương 9
L
ễ truy điệu lính Anh kéo dài mấy ngày liền rất long trọng. Trong thời gian ấy chúng tôi được phép nghỉ ngơi; nhưng sau buổi lễ, chúng tôi lại phải tới vãng sinh đường để dọn dẹp.
Căn phòng dùng làm vãng sinh đường, rất rộng rãi, có nhiều dãy giá gỗ do chúng tôi làm ra. Những bình đựng tro cốt đứng xít cạnh nhau thành hàng dài bất tận trên các nấc giá gỗ., Chúng tôi thấy nói đây chỉ là một phần; tuy nhiên, dù mới chi có thế, số lượng bình đựng đã khiến mình ngạc nhiên. Cảnh này làm tôi nhớ hàng kén tằm đặt trên các giá gỗ từ dưới chân lên tận nóc tường trong nhà một nông dân Nhật Bản.
Chúng tôi lễ độ cúi đầu. Tất cả những người này mà nắm xương tàn đang nằm ở đây trước kia đều có gia đình, hy vọng và công ăn việc làm. Họ đã chết trong miền rừng núi vô danh Miến Điện vì kiệt sức hoặc bệnh dịch khủng khiếp. Nhưng may thay, bây giờ họ đang được người ta tôn trọng, kính phục đế ý tới. Tuy chỉ còn nắm xương để lại, song chẳng bao lâu họ sẽ có thể trở về xứ sở nằm yên nghỉ trên mảnh đất quê hương. Đó là điều an ủi. Nếu những nắm xương trắng ấy đã bị bỏ quên trong rừng hoang Miến Điện, xa cách cả bạn bè lẫn người thân thuộc, thì có lẽ linh hồn họ sẽ u uất. Như vậy thì những người đang sống như chúng tôi sẽ chẳng bao giờ có thể tha thứ cho chính mình được. Chúng tôi lấy làm sung sướng là đã đóng góp chút đỉnh vào đám tang.
Chúng tôi đã thoát chết. Là tù binh nhưng chưa bao giờ chúng tôi trải qua những khủng khiếp mà những người này đã biết. Rồi đây, chúng tôi có thể hồi hương và làm việc lại. Trong lúc đứng đó, đầu cúi xuống, chúng tôi cảm thấy mủi lòng một cách thấm thía bởi những đau khổ của những người đã chết.
Chúng tôi chấm dứt lời cầu nguyện thầm lặng và đang đi vòng quanh tòa nhà thì bất chợt người lính già kêu lên: "Kìa! Cái đó ở đằng kia kìa!".
Trên bậc giá gỗ thấp nhất trong một xó tối ở chân một cái cột lớn, chúng tôi nhìn thấy một cái hộp vuông. Hộp ấy được gói trong một miếng vải trắng.
Nếu đây là một vãng sinh đường Nhật Bản thì ai nấy sẽ nghĩ hộp ấy đựng hài cốt một người lính đã chết, Nhưng chẳng hiểu vì sao nó lại đựng viên ngọc to tướng đỏ chót. Khi nhìn thấy, đại úy thốt kêu một tiếng ngạc nhiên, rồi thở dài và đứng sững ra đó, hai tay duỗi đờ như thể đang ở trong trạng thái sững sờ, kinh ngạc. Chúng tôi tự hỏi ông đang làm sao chăng. Liền đó ông đứng, thẳng người trong thế nghiêm cứng ngắc rồi giơ tay chào.
Sau đó, tính tình đại úy thật khó hiểu. Hôm ấy, người lính già nhăn nhó khó khăn, ông hối hả bảo chúng tôi rời tòa nhà, làm như thể không để cho chúng tôi mục kích cái cảnh buồn thảm như thế. Lúc ra về chúng tôi ngoái lại nhìn cái hộp mộc mạc, đơn sơ ấy khiêm tốn nằm trơ trong xó ngôi chùa.
Thế rồi chúng tôi đi vào một khoảng trống trong khu rừng gần đó và ngồi xuống. Đại úy vẫn có dáng vẻ kỳ lạ khó hiểu. Nét mặt ông sáng hẳn lên và có lúc ông hình như sung sướng. Ông lại còn nói chuyện với chính mình một cách vui vẻ. Chúng tôi nghe thấy ông nói: "Phải, ừ phải, dĩ nhiên là thế!" Rồi ông cười, vỗ tay và ngước nhìn những đám mây trên trời.
"Nhìn mà coi kìa". Một anh vừa nói vừa lấy khuỷu tay huých người hạn. "Có lẽ đại úy đang bị khủng hoảng tinh thần thật đấy".
Có lẽ vậy" người bạn đồng ý. "Rõ rệt là đại úy đang vui rộn ràng".
Trời nóng. Không khí nặng nề, uể oải. Mọi vật trong miền nhiệt đới đều cực kỳ sáng, và cứ ở trạng thái như thế, mức độ đều đều không thay đổi suốt cả năm. Như thường lệ, mặt trời chiếu sáng rực rỡ, vẻ sáng rực của những cây cà na đỏ ửng trong khoảng trống không có cây hầu như làm cho mắt chúng tôi khó chịu.
Trước mặt chúng tôi là một pho tượng Phật to lớn nằm ngả người; phía sau pho tượng là một vách đá trông giống một bức tường. Một khu rừng rậm bao quanh chúng tôi, nhiều cây cao phủ che bức tượng. Đàn chim đang chuyền từ cành này sang cành khác. Thật là một quang cảnh Miến Điện điển hình.
Hình ảnh đức Phật ở xứ này rất khác hình ảnh đức Phật ở Nhật Bản. Những hình người nằm nghiêng thì thật là nhiều; có những hình cao hai ba mươi thước; phần trên hơi đứng thẳng, phần dưới nằm ngang. Đầu nhỏ trong khi đường nét trên thân mình mềm mại, thanh tú, và những hình ấy hình như chẳng phải hoàn toàn là -đàn ông hay đàn bà. Vì khuôn mặt và thân mình được sơn màu tươi tắn, làn da trắng màu kem nên trông chẳng khác gì một người khổng lồ tô điểm phấn son đang nằm đó như người thực trước mắt mình. Đối với một người không quen nơi đây mà chạm trán một trong những hình người này vào bất kỳ lúc nào thì thế nào cũng hết hồn.
Tại chỗ ấy trong bóng tối của vách đá dưới mảng cây trường xuân đằng và lớp rễ đa, pho tượng Phật đồ sộ hơi mỉm cười đang trừng trừng nhìn chúng tôi, hai mắt óng ánh.
Bỗng nhiên đại úy nhảy phắt lên và nói: "Thế nào, hát một bài chứ?" Đã lâu lắm rồi ông mới lại gợi ý như thế. Anh em chúng tôi bắt đầu hát.
Một khi hát rồi là chúng tôi quên hẳn chính mình. Giọng tuôn ra vang tới vách đá rồi vọng lại bao trùm đức Phật. Dường như ngài đang chăm chú lắng nghe, thân mình hơi nhỏm dậy.
Sau khi đã hát được một lúc chúng tôi nhận thấy có một âm thanh thánh thót hòa tan vào tiếng chúng tôi ca. Chúng tôi không rõ âm thanh ấy đã từ đâu tới. Hình như rơi từ ngọn cây cao xuống quanh chỗ chúng tôi, hoặc có lẽ từ dưới đất dâng lên. Đó là tiếng đàn thụ cầm giống hệt tiếng đàn của người bạn đồng đội mất tích của chúng tôi.
Lúc đang hát chúng tôi ngơ ngác nhìn quanh. Tuy nhiên đại úy hình như mỗi lúc lại vui tươi hơn, ông tiếp tục hướng dẫn anh em một cách hăng say. Dường như có sự ganh đua thi tài giữa tiếng thụ cầm và tiếng hợp ca.
Gần đó có một ngôi chùa. Nho nhỏ, cong cong mái chùa chồng lên nhau hết cái này đến cái khác trông giống như những vẩy cá lật ngược. Một quả chuông treo lơ lửng ở phía cuối một trong những Vẩy cá này. Thoạt đầu chúng tôi tưởng âm thanh ấy phát ra từ tiếng vang của quả chuông; nhưng không hề có một hơi gió thổi qua. Chúng tôi càng lắng nghe thì âm thanh ấy càng ngân vang giống như tiếng thụ cầm chúng tôi đã nghe thấy lần cuối cách đây hầu như đến một năm rồi, lúc chúng tôi đang bôn đào qua dãy núi.
Khi chúng tôi hát hết bài thì tiếng thụ cầm dâng vút lên cao một lúc rồi ngừng bặt. Âm hưởng của tiếng đàn nấn ná, phảng phất rồi tan biến từ từ, chìm sâu hơn nữa, như thể đang ngụp lặn vào lòng đất dưới chỗ chúng tôi đứng.
Pho tượng Phật trắng toát, khổng lồ ấy đang nằm trước chúng tôi - tiếng thụ cầm vang vọng hình như đang bay lượn quanh cặp môi mỉm cười, rồi hòa tan vào thân mình pho tượng.
Mọi người chạy tìm kiếm người đánh đàn. Người lính già đi vòng phía sau pho tượng rồi đi vào đám cây um tùm. Đúng lúc đó, một con công vỗ cánh phành phạch bay khỏi lùm cây rậm rạp. Nó bay là là một lúc gần sát mặt đất, dáng vẻ khoan thai, bộ lông đuôi xinh đẹp rủ xuống, rồi cuối cùng mới đậu trên lưng pho tượng. Người lính già dùng mắt theo dõi con chim, rồi kêu ầm lên: "Ê, đây có cái cửa!".
Tất cả chúng tôi đều đi tới và nhận thấy phía sau lưng pho tượng lớn có một lối đi vào. Hình như mình pho tượng rỗng không và mình có thể đi vào trong. Quanh chỗ cửa vào là một lối đi vòng cung thâm thấp dẫn xuống một vài bực thềm rồi tới cái cửa. Lối đi vòng cung làm bằng những viên gạch lớn trát vữa và quét sơn vàng; nhưng lớp sơn đã tróc hết trừ một vài chỗ mà thôi. Từ trên trần nhà xuống mặt đất các bức tường đầy ngập rễ đa bám sát, cuốn chặt lấy nhau.
Cánh cửa hoen rỉ và đóng kín. Trông có vẻ cửa này đã như thế nhiều năm rồi - ít nhất không có dấu hiệu nào cho thấy có người đã đi vào trong pho tượng qua lối vào này trong thời gian gần đây. Thế nhưng chắc là tiếng đàn thụ cầm phải từ đây phát ra. Chúng tôi đấm cánh cứa sắt đến đau cả tay.
Đến đây người lính Ấn có nhiệm vụ canh gác chúng tôi lật đật chạy lên, vừa chạy vừa quát ầm ĩ, vẻ giận dữ, bảo chúng tôi trở về làm việc. Chúng tôi quên mất chuyện ấy. Mãi đến chiều tối chúng tôi mới trở về trại giam.
Đêm đó chúng tôi ngồi quây quần buồn bã ra mặt; ngay cả cuộc tranh luận thường lệ cũng không diễn ra.
"Tớ tự hỏi phải chăng đó là hồn ma của Mizushima!" Một người nói.
"Đừng vớ vẩn".
Chúng tôi lại chìm vào im lặng.
Đại úy ngồi một mình trong một xó, ôm cây đàn ghi-ta tiều tụy và đang gẫy chơi. Thỉnh thoảng ông lại nhắm mắt gật gù một cách sung sướng và lẩm bẩm: "ừ, đây là tiếng hòa âm. Đây là cách chú ấy thường chơi ra làm sao".
Người lính già bắt con vẹt ở trên mái nhà rồi vừa đem vào vừa lấy tay vuốt lông nó lúc ông ta nhìn con chim. Một người lính trẻ tuổi đi tới cho con chim một miếng thịt còn thừa sau bữa cơm tối. "Ê, Mizushima!" Anh ta nói với con chim.
Con vẹt lắc mình rủ lông, rít lên hai lần rồi kêu, giọng ồ ồ: "Ê, Mizushima!"
Người lính già bỏ ít vụn bánh mì vào lòng bàn tay và nói: "Chúng mình trở về..."
Con vẹt đáp lại một cách ngập ngừng... "cùng nhau trở về Nhật Bản!".
Con chim cố hết sức thốt ra... "cùng nhau trở về Nhật Bản!".
Con vẹt đã học thuộc câu nói. Mọi người thay phiên nhau dậy nó. Cuối cùng hình như khi đã ăn no rồi, nó nhất định không nói nữa. Tuy nhiên vào lúc đó nó đã được huấn luyện thuần phục hoàn toàn.
Người lính già ngồi thẳng người, để con vẹt lên vai và khoanh hai cánh tay phốp pháp lại. "Bây giờ, làm thế' nào chúng mình có thể đưa con chim này cho ông sư nhỉ?" Ông lẩm bẩm một cách tư lự.
Đúng lúc ấy một anh chạy xổ vào trong nhà sàn, vừa chạy vừa la hét đến đứt họng: "Chúng mình sẽ trở về quê hương! Tất cả tù binh chiến tranh ở Mudon sẽ hồi hương, anh em ơi! Năm ngày nữa chúng mình sẽ rời nơi đây".
Ai nấy nhảy cẫng lên. Vài người hoan hô; Con vẹt vỗ cánh bay từ vai người lính già lên đậu trên xà nhà.
"Cậu có chắc chắn không?"
"Dĩ nhiên là chắc chắn chứ! Thôi chúng ta bắt đầu đóng hết đồ vào đi!".
"Còn có cái quái gì nữa mà đóng!".