Số lần đọc/download: 1348 / 17
Cập nhật: 2015-10-22 17:23:52 +0700
Chương 14
“K
HI VÀO DỆT CỬI, KHI RA THÊU THÙA”
Ngày hôm sau, bàn cãi sôi nổi một hồi lâu rồi Lan và Tuấn cùng đồng ý giữ yên lặng về bức thư. Tuấn giảng giải:
- Chuyện này không dính líu gì tới tụi mình cả, mình không nên nhúng tay vào. Vả lại, nếu mình nói ra, mọi người sẽ biết ngay là mình đi lục lọi tìm tòi bí mật của vú già. Chắc anh Hồng biết vụ này đó. Nếu có cần nói cho cô Hiền chắc anh ấy đã nói rồi, không phải chờ mình đâu.
Lan cãi:
- Nhưng vú già giấu bức thư xuống dưới tờ báo lót ngăn kéo cơ mà. Em thấy rõ ràng vú già chỉ cho anh Hồng xem chiếc mề đay thôi.
- Được rồi, mình cứ đợi ít lâu xem sao. Nếu anh Hồng không đả động gì tới chuyện đó, mình sẽ hỏi thẳng anh ấy cũng không muộn.
Lan gật gù tán thưởng:
- Phải đấy, mình chờ vài hôm nữa vậy.
Lan và Tuấn trở lại cuộc sống bình thản ngoài trời, lại đi cắm trại, tắm suối, bơi thuyền… như không có chuyện gì xảy ra cả.
Chúng vẫn qua lại biệt thự Tố Nga và dần dần cô Hiền trở nên thân thiết với hai trẻ như cô ruột vậy.
Đến độ thu về, khi lá úa bắt đầu rải rác khắp sân biệt thự Hoàng Lan và thời tiết bắt đầu trở lạnh, bà nội Lan và Tuấn thấy cô Hiền ở một mình bên biệt thự Tố Nga với cụ Thành chắc buồn lắm nên cho hai cháu sang chơi với cô hàng ngày.
Lan và Tuấn thán phục cô Hiền vô cùng nên ở cả buổi chiều bên nhà cô. Chiều chiều, khi cụ Thành ngồi nghe Tuấn đọc truyện thì Lan bắt đầu học thêu. Em có vẻ “người lớn” ra và chăm chỉ trong việc may vá, thêu thùa lắm.
Lan còn nhớ hôm đó em đang ngồi trên tấm thảm dưới chân cụ Thành nghe Tuấn đọc sách, thì bỗng cô Hiền mỉm cười hỏi:
- Sao cháu không làm gì hả Lan? Cháu không khâu hay thêu bao giờ à?
- Thưa cô, cháu chưa khâu hay thêu bao giờ cả.
Cô Hiền ngạc nhiên:
- Chưa bao giờ à? Thế cháu không biết khâu sao?
Lan đỏ mặt đáp:
- Thưa cô không, chẳng ai dạy cháu khâu cả ạ.
Rồi em thành thực tâm sự:
- À quên, anh Tuấn có thử dạy cháu một lần, nhưng cháu không thích khâu.
- Tuấn cũng biết khâu hả cháu?
- Cháu cũng không biết nữa ạ. Nhưng có một hôm anh ấy vá hộ áo cho thằng Tèo con bác Tám đánh cá, cô ạ. Thằng Tèo sợ mẹ đánh vì ngã rách áo, nó chỉ có hai chiếc áo để thay đổi thôi, nên anh ấy thương hại, gọi nó vào bếp và ngồi vá lại cho nó. Anh ấy vá khéo lắm, trông không rõ vết khâu chút nào cả.
Rồi chợt nhớ ra Lan tiếp:
- À, cả hôm lễ chúc thọ bà nội nữa, anh Tuấn khâu cho bà một cái gối bông đẹp tuyệt, cô ạ.
Cụ Thành từ nãy tới giờ ngồi chăm chú nghe cô Hiền và Lan chuyện trò, bỗng hỏi:
- Thế cháu biếu bà quà gì?
Lan cười khanh khách:
- Chắc ông không đoán được đâu: Cháu tặng bà một quyển vở thật sạch sẽ, viết thật nắn nót… Gớm, cháu mất công lắm mới làm được đấy ạ!
Cả cụ Thành lẫn cô Hiền và Tuấn đều phá lên cười vui vẻ.
Cô Hiền lại tiếp:
- Thế thì bây giờ cháu học đi nhé. Cháu có nhớ cổ nhân thường khuyên con gái gì không? Đây này, các cụ khuyên thế này này:
“Khi vào dệt cửi, khi ra thêu thùa”.
Cháu lớn rồi, đi chơi cả ngày mãi cũng chán, cháu tập thêu khăn tay hay áo để mặc có phải là ích lợi không?
- Thưa cô, nghe cô nói, cháu thích học thêu lắm, nhưng cháu không dám nhờ bà nội dạy. Còn thầy Sơn thì chắc chắn không dạy được môn này rồi!
- Được rồi, để cô dạy cháu nhé.
Lan reo lên:
- Thật à cô? A! Thế thì thích quá! Cô bằng lòng dạy cháu thì nhất rồi!
Sung sướng quá, Lan nhảy lên bá cổ cô Hiền:
- Cô tốt quá, cô tốt quá! Thảo nào các bác dân chài cứ gọi cô là “cô tiên Hiền”.
Cô Hiền đỏ mặt ngượng nghịu:
- Lan à, con người sinh ra đời không phải để sống ích kỷ mà để giúp đỡ nhau cho đời sống được vui tươi thêm. Dân nghèo họ khổ cực thì mình có bổn phận phải giúp đỡ họ, đem tình thương lại xoa dịu nỗi khổ của họ, an ủi họ. Không phải đồng tiền bát gạo sưởi ấm được lòng họ mà chính là tình thương và lời nói ngọt ngào an ủi của mình.
Lan và Tuấn không bao giờ quên được ánh mắt long lanh chan chứa tình cảm của cô Hiền khi cô thốt ra câu này… Lúc ấy, trông cô đẹp như một bà tiên.
Tuấn trầm ngâm nói:
- Thầy Sơn có cho chúng cháu học bài học thuộc lòng có câu: “Thương người như thể thương thân”, cô ạ..
- Đấy, các cháu học điều gì đem ra thực hành ở đời thì mới hay. Thầy Sơn cho các cháu học bài Gia Huấn Ca ấy để dạy các cháu có lòng nhân ái, biết yêu thương kẻ khó và giúp đỡ họ đấy.
Cô Hiền yên lặng suy nghĩ, hình như cô có điều gì thắc mắc thì phải. Cuối cùng, cô quyết định lên tiếng:
- Lan học thêu mau mau lên nhé, vì qua Tết cô sẽ không còn ở đây nữa đâu!
Lan rầu rầu nét mặt chực khóc:
- Cô đi theo ông bà Tôn Thất Ân phải không ạ?
- Không, anh chị ấy sẽ về đây ở với ba cô, lúc đó cụ sẽ không cần đến cô nữa…
Lan lo lắng ngắt lời:
- Thế cô định đi đâu ạ?
- Rồi sau này cháu sẽ biết.
Cụ Thành thở dài nhè nhẹ rồi vuốt tóc Lan run run nói:
- Lúc đó cháu sang thăm ông luôn nhé. Cháu sẽ thay thế cô Hiền. Ông sẽ tưởng tượng cháu là Ngọc Lan, cháu nội của ông.
Lan ôm cổ cụ Thành, hứa:
- Vâng ạ, cháu và anh Tuấn sẽ sang thăm ông luôn.
Tuấn lại tiếp tục đọc sách cho cụ Thành nghe, và Lan bắt đầu học khâu vá, thêu thùa.
Dần dần, càng thân thiết với cô Hiền hơn, Lan và Tuấn càng nghĩ ngợi về bức thư gửi cho cô được giấu kín trong ngăn kéo dưới căn nhà kho bụi bặm…
Ngoài ra, Lan và Tuấn lại còn bắt gặp anh Hồng nói chuyện rất hào hứng với vú già nhiều lần.
Lan nhận xét:
- Anh Hồng hồi này lạ quá. Từ khi vú già cho anh ấy xem cái kho tàng, lúc nào óc anh cũng nghĩ đâu đâu!
- Ừ, anh cũng nhận thấy thế. Anh ấy có vẻ lo lắng nghĩ ngợi điều gì. Kể cũng lạ! Một người chỉ lo đào xới suốt ngày như anh ấy mà tự nhiên lại đăm chiêu, bỏ cả việc đi tìm cổ vật thì chắc việc đó phải quan trọng lắm.
Một hôm, theo thói quen cả hai đang tì tay trên cửa sổ ngắm cảnh trời nước bao la bỗng nghe giọng nói bất mãn của anh Hồng vang lên:
- Vú phải trả lại đi. Giữ mãi là mang tội ăn cắp đấy. Vú trả lại cho gia đình người ta đi, đó là một kỷ niệm quí giá đối với ông bà Ân mà.
Vú già rên rỉ:
- Không! Không!
- Tôi mà là vú thì lương tâm đã cắn rứt không thể chịu nổi rồi. Vú không có quyền giữ vật đó.
- Đấy là kho tàng của tôi mà. Khi nào sao Bắc Đẩu lại soi sáng khóm Trúc thì tôi sẽ trả!
Anh Hồng dằn giọng, đe doạ:
- Vú điên rồi! Nếu khi ông bà Ân dọn về biệt thự Tố Nga mà vú không đem trả thì chính tôi sẽ mang sang trả cho mà xem.
Nghe vậy, Tuấn bấm Lan:
- Anh Hồng trách vú về tội ăn cắp chiếc mề đay kìa.
- Thế thì chắc chắn là vú cũng ăn cắp cả lá thư cô Hiền nữa. Bây giờ mình phải lấy lại bức thư đó và đưa cho cô Hiền mới được. Lỡ có gì quan trọng trong thư thì sao?
- Đúng rồi, chúng mình phải đem sang cho cô vì thư gửi cho cô mà.
Tối đó, cả hai xuống nhà kho tìm bức thư. Khi mở ngăn kéo ra, gói mề đay đã biến mất. Chắc vú già sợ anh Hồng đem trả mất nên đã giấu kỹ rồi. Nhưng may mắn thay, chiếc phong bì vẫn nằm ngoan ngoãn dưới tờ báo lót ngăn kéo!
Tuấn nắn chiếc phong bì, ngạc nhiên kêu:
- Mỏng quá, chắc chẳng có gì nhiều trong này đâu.
- Mỏng đâu có phải là không quan trọng… Biết đâu bức thư này lại chẳng quan hệ vô cùng?
Lan có ngờ đâu chiếc phong bì vàng úa, mỏng manh kia lại chứa đựng cả hạnh phúc của hai trẻ!...