Số lần đọc/download: 0 / 28
Cập nhật: 2024-10-26 21:10:07 +0700
Chương 12: Quảng Trị , Nghĩa Trang Trường Sơn Và Những Điều Đọng Lại
S
áng hôm đó, tôi phải bắt xe dọc đường đi Quảng Trị do ở Tĩnh Gia không có xe từ đó đến Quảng Trị. Đứng trên quốc lộ đợi xe, cứ thấy xe đi qua là tôi vẫy, nhìn thấy bảng tên Quảng Trị là phi ra giơ tay lên. Nhưng hình như tài xế để ý đến tôi nên sau 2 tiếng đứng vẫy không kết quả, tôi đi ngược lên một đoạn chỗ bưu điện Tĩnh Gia, đến chỗ mấy hàng nước hỏi han.
- Xe đi Quảng Trị bắt ở đây khó bác nhỉ? - Tôi bắt chuyện với một bác xe ôm ngồi đó.
- Thường nó vẫn chạy bình thường qua đây, gì mà khó bắt.
- Sáng giờ có mấy xe chạy qua nhưng cháu không bắt được.
- Đi đâu thế?
- Quảng Trị, Đông Hà ạ.
- Đông Hà thì đợi đây tí đi, tầm 8 giờ có cái xe 30 chỗ chạy từ trong thành phố về Đông Hà đó.
Ngó đồng hồ, còn gần 1 tiếng xe mới tới nên tôi tranh thủ gọi cho bố. Bố tôi báo mọi người đi từ nhà lúc 5 giờ sáng rồi, dặn tôi bao giờ đến Đông Hà thì gọi điện cho bố để mọi người ra đón vì bố tôi và đoàn không đợi được do phải vào nghĩa trang Trường Sơn làm thủ tục. Đúng như lời bác xe ôm nói, 8 giờ xe 30 chỗ đi Đông Hà đến ngay gần bưu điện để đón khách, tôi xóc ba lô lên xe tiếp tục cuộc hành trình của mình. - Từ đây tới Đông Hà lâu không cô - tôi hỏi cô ngồi bên cạnh - Chắc cũng phải chiều mới tới đấy.
Mất 7 tiếng đồng hồ lắc lư trên xe, 4 giờ chiều tôi mới tới nơi, vừa xuống gọi điện cho bố tôi để bố ra đón thì nhận được tin bố tôi chưa tới vì… lạc đường. “Thôi bố chưa đón thì con đi chơi Đông Hà vậy”.
Đông Hà, thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Trị, nơi đây giao cắt với quốc lộ 1A là đường 9, là đường xuyên Á thẳng ra cửa khẩu Lao Bảo, là điểm khởi đầu phía Đông của hành lang kinh tế Đông - Tây thông thương với Thái Lan, Lào và Myanmar, chính vì thế nên kinh tế văn hóa, xã hội của Đông Hà cũng có phần nhộn nhịp, đa dạng. Đến chợ Đông Hà, bạn hãy cẩn thận vì sẽ có vài đối tượng nữ chạy đến gạ gẫm bạn mua thuốc kích dục. Tôi không nói thế vì đọc trên sách báo mà chính tôi bị chèo kéo mua thứ thuốc đó ở đây, nhưng thôi chuyện “gạ gẫm” đó để sau tôi sẽ kể cho các bạn, chương này tôi chỉ muốn tập trung hành trình gia đình tôi đến nghĩa trang Trường Sơn.
Tôi đang mải mê chìm trong cái nóng của Đông Hà, của những khung hình mới thì bố tôi gọi.
- Đang đâu rồi cu?
- Con đang ở chợ này, bố với mọi người ở đâu.
- Tới muộn quá nên ủy ban không làm việc, mọi người đang ở khách sạn Bưu điện.
- Vậy đợi con tí. Con sẽ đến đó.
Vừa thấy bố, tôi cảm thấy mình như bé lại, mừng mừng tủi tủi, muốn kể cho bố nghe chuyện ở Thanh Hóa nhưng ăn xong ai cũng mệt nên đi nghỉ sớm chỉ còn mình tôi thức nên tôi ra ngoài hành lang khách sạn hóng gió. Buổi tối, từ hành lang khách sạn Bưu điện, Đông Hà hiện lên kì ảo, lấp lánh như dải ngân hà, trời quang và đẹp đến kì ảo. Có lẽ tôi thấy nơi đây đẹp dường như vậy vì một tin nhắn vừa đến với tôi. Không phải tin nhắn của người tôi thầm thích hay người yêu tôi mà là tin nhắn… lương đã về. Hai triệu, khoản tiền nhỏ với nhiều bạn đi làm nhưng đủ giúp tôi thực hiện hết chuyến đi này.
Sáng sớm hôm sau, cả gia đình tôi lục đục dậy để chuẩn bị vào ủy ban để làm thủ tục nhận hài cốt liệt sĩ rồi sau khi hoàn tất mọi thủ tục, chính quyền mới cho phép gia đình chúng tôi mang hài cốt của bác về quê an táng. Do đến sớm quá nên Ủy ban chưa làm việc, gia đình chúng tôi đành đợi ngoài và tranh thủ ăn sáng. Tôi còn nhớ bát bún ở đây sao rẻ đến vậy, 15K đầy ăm ắp thịt, có cảm giác ăn thịt bún hơn là bún thịt. No nê xong thì cũng là lúc Ủy ban làm việc, chúng tôi vội vào đăng kí, làm giấy tờ, ai cũng mong giấy tờ làm thật nhanh để có thể đưa bác tôi sớm trở về với quê hương như điều bác mong mỏi (tôi đoán thế vì hầu như ai đi xa chả mong được trở về nơi chôn rau cắt rốn).
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn quy tập phần mộ các liệt sĩ của quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Nơi đây nằm cách biệt hẳn với khu dân cư, sâu phía bên trong đường Hồ Chí Minh, cách Đông Hà khoảng 35km đi về phía Tây. Lần đầu tiên tôi được đi trên đường Hồ Chí Minh, con đường trải dài, xuyên qua những dãy núi, uốn lượn liên tục, cảnh vật hai bên đường đẹp đến nao lòng, làm bất cứ ai đi qua đó cũng phải trầm trồ tán thưởng. Đây cũng là tuyến đường nguy hiểm đối với cánh lái xe như lời anh tài xế nói, không cẩn thận rất dễ gặp cướp trên đường Hồ Chí Minh mà một khi đã gặp cướp thì kêu chả có ai đến cứu, do đường rất vắng vẻ.
“Trang nghiêm, vắng vẻ, thoáng đãng, rộng rãi”- là những cảm nhận đầu tiên của tôi đến nghĩa trang Trường Sơn. Tại nghĩa trang Trường Sơn, hài cốt của các liệt sĩ được tập trung lại theo địa phương, mỗi địa phương được chia ra một khu riêng, và mỗi khu lại chia ra huyện riêng, nên việc tìm kiếm cũng khá là dễ dàng, không khó để tìm đến nơi đặt hài cốt nhưng vì nghĩa trang rộng, nếu để tìm thì mất cả ngày nên gia đình tôi được một nhân viên trong nghĩa trang đưa đến phần mộ của bác tôi. Phần mộ bác tôi cũng như nhiều liệt sĩ khác, nằm lặng lẽ dưới những lớp bê tông, gạch mỏng đang ngóng chờ người thân đến đón về với gia đình. Nhiều phần mộ không được may mắn như bác tôi, vô danh, nằm buồn thinh, trên bia mộ không có khắc tên, tuổi hay quê quán chỉ có chữ “vô danh” nằm lẻ lôi, cô độc trên phiến đá hoa cương. Tôi nghĩ những liệt sĩ vô danh hẳn đang sốt ruột lắm, đang muốn gào thật to tên của mình cho những người còn sống biết nhưng “lực bất tòng tâm”, đành buồn bã nhìn đồng đội của mình về với quê hương…
Tôi lên tận phần mộ thắp cho bác nén nhang trước khi đưa hài cốt của bác về nhà, xong việc, rồi lặng lẽ đi ra ngoài để những người còn lại trong đoàn làm phần việc thiêng liêng: bốc di hài của bác. Quanh quẩn ở nghĩa trang, tôi bắt gặp ba đứa nhóc đang ngồi chơi, vốn mang bản tính tò mò nên tôi lại gần hỏi chuyện mấy đứa.
- Sao giữa trưa lại ra đây thế này?
- Đi chơi thôi ạ.
- Mà nhà các cháu ở gần đây không?
- Ở bên kia sông,
- Bên kia sông! - Tôi ngạc nhiên hỏi vì chỗ này làm gì có sông, mà có thì là cuối nguồn một nhánh sông Thạch Hãn. - Sông ở chỗ nào thế?
- Ở tít đằng xa kia ạ.
- Sao xa vậy lại sang đây chơi, không đi học à?
- Hôm nay được nghỉ mà.
- Cháu qua sông làm sao?
- Bơi.
- Bơi qua á, sông to không?
- To.
- Không sợ hả?
- Người Vân Kiều không sợ đâu.
Thì ra bọn nhóc này là người dân tộc Vân Kiều, một trong những dân tộc có nguồn gốc từ Lào, sau này di cư sang Việt Nam, họ sống ở núi Vân Kiều nên người ta gọi luôn là dân tộc Vân Kiều. Người Vân Kiều về cơ bản nhìn giống người Lào, da ngăm đen và rám nắng. Người Vân Kiều có trang phục gần giống những người ở Tây Nguyên, nhưng lũ trẻ con tôi gặp không nhìn cũng không phân biệt được người Kinh với người Vân Kiều, đơn giản là chúng không mặc những bộ trang phục truyền thống như một số dân tộc ở vùng núi phía Bắc. Ba nhóc Vân Kiều rất hay qua nghĩa trang chơi, vì ở đây chúng thường được người bốc hài cốt cho đồ ăn hoặc bánh kẹo - những món ăn vặt phát ngán của bọn trẻ con thành phố nhưng là niềm ao ước của bọn trẻ nơi đây.
Nói chuyện thêm một lát với bọn trẻ con thì bác thứ của tôi ra, bác cũng thăm gia nói chuyện với chúng tôi, rồi hai bác cháu tìm một bóng râm ngồi nói chuyện. Tôi hỏi:
- Bác Quỳnh (tên bác cả) ngày xưa làm lính gì ạ? Cháu chỉ nghe sơ sơ ngày xưa ông nói là làm lính thông tin gì đó.
- Uh, lính thông tin, nhận tin liên lạc của cấp cao và đưa lệnh đó cho chỉ huy.
- Bác có biết làm sao bác Quỳnh mất không?
- Bác cũng nghe kể lại thôi. Hồi đó bác cả làm lính thông tin, tức là ngồi trực điện và gửi điện tín đi cho đơn vị khác hoặc gửi về chỉ huy. Lúc đi là năm 72, lúc đó bác ấy mới cưới vợ xong, là bác X. đấy, mày biết rồi chứ gì?
- Vâng, cháu biết, mấy lần vào nhà ta thắp hương cho bác cả mà.
- Uh, sau khi lấy vợ được mấy tháng thì bác ấy được lệnh tổng động viên, rồi lên đường vào trong kia. Năm 72 là năm quân Mỹ đánh trải thảm rất mạnh, bác không đi đợt đó nhưng mấy ông bạn bác đi về nói. Cứ khoảng 30 phút nó lại cho đánh bom trải thảm bằng B52 một lần, bác cả là lính thông tin, nên lúc nào cũng phải trực ở máy, và ở chỗ an toàn, nhưng hôm đó do máy bay ném bom ác liệt quá nên nơi trú ẩn đã bị sập và bác mất ở đó cùng với hơn 20 người nữa. Sau này, nhiều người kể lại là trước khi bị ném bom đã có điện báo là phải chạy và sơ tán sang chỗ khác nhưng lúc đó đang nguy cấp và việc giữ liên lạc là quan trọng nên mọi người quyết định ở lại, đảm bảo liên lạc thông suốt, vì ai cũng nghĩ thông tin liên lạc là huyết mạch của chiến tranh, tầm quan trọng như vậy nên mọi người ở lại. Họ không chỉ là nối dây khi bị cắt đứt, còn phải gửi và nhận tài liệu liên quan đến trận đánh nữa. Bác cũng không rõ là ngày xưa vừa đánh vừa gửi kiểu gì vì bác không phải bên thông tin. Rồi như nãy bác kể, máy bay thả bom và nguyên cả đội thông tin hy sinh. Sau trận đánh thì bác cả được đưa về, rồi Nhà nước giờ mới tạo điều kiện để nhà ta đón bác ấy về nghĩa trang liệt sỹ của xã.
- Cũng kinh thật, tội bác X. Sau đấy bao lâu thì bác X đi bước nữa?
- Cũng chục năm sau mới đi bước nữa, khổ thân, con gái mới lớn lấy chồng chưa ấm chăn, chồng đã phải đi rồi không trở về.
- Phụ nữ Việt Nam cao cả thật.
- Ồi, tao thấy ngày xưa thì cao cả thật, còn giờ thì không biết thế nào, ra đường thì 10 đứa con gái thì 8 đứa đéo mẹ, đéo cha rồi, chưa kể đến chúng nó ngoan ngoan như thế nào nhưng chửi thề để người lớn nghe được thì không hay rồi.
- Con gái bây giờ là thế mà bác.
- Hỏng, hỏng hết.
Tôi vừa nghe, vừa cười, đúng thật là con gái bây giờ “láo” hơn ngày xưa, nhưng suy cho cùng thì ngoài những đứa ngoan hiền như tôi thì con trai cũng đâu có kém, giờ là thời của “bình đẳng” nên con trai làm đủ thứ được thì con gái cũng làm đủ thứ được.
Khi người quản trang đào mộ bác tôi để đưa hài cốt lên, thì hài cốt chỉ là một bọc giấy nhỏ bằng một túp thuốc lá, tất cả chỉ gói gọn trong đó. Lúc đó chả hiểu sao tôi thấy nghẹn nghẹn trong cổ họng, con người đơn giản quá, khi chết đi cũng chả còn gì. Tôi cũng thầm nghĩ, sau này mình chết, đến khi “bốc mộ” tôi sẽ còn những gì hay chỉ còn một nhúm xương tàn xơ xác? Lúc đó chắc chẳng ai quan tâm đến xương tôi dễ gãy như thế nào đâu nhỉ, cứ thế cầm lên và đặt vào tiểu sành là xong…
Mọi người cẩn trọng và nâng niu “những gì còn lại của bác tôi” đặt vào tiểu sành, và khiêng ra xe, tôi được bố nhắc “ngồi cạnh bác, dẫn bác về nhà”.
Vậy là cả hành trình từ Quảng Trị về lại Hải Phòng, tôi ngồi bên cạnh hài cốt của bác, bình thường tôi hay sợ ma, sợ những thứ như thế này nhưng chả hiểu sao lần đó tôi không có cảm giác sợ sệt một tí nào. Trên đường cứ đi qua cầu là phải thả tiền vàng, tôi quay sang hỏi cô (em gái bố):
- Sao phải thả tiền vào vậy ạ?
- Thả để xin người ta, cho bác mày đi qua cầu chứ không là không về được nhà.
Tục lệ thì phải theo, ở đâu cũng vậy, có thờ có thiêng, có kiêng có lành, nhưng đôi khi những thứ như vậy làm tôi không tin lắm! Thôi thì kệ, mỗi người có một cái lòng tin khác nhau nên tôi cũng không nói gì nữa, lấy một xấp tiền vàng và mỗi khi đến một cái cầu nào đó thì rải ra ngoài..
Khoảng 8 giờ tối, cả nhà tôi về đến quê, mọi người ở nhà đã chuẩn bị sẵn những việc cho một đám tang, chỉ trừ việc kèn trống là không có, còn lại mọi thứ đã được hoàn tất. Cả nhà lặng lẽ, thi thoảng có tiếng khóc rấm rứt khóc thương cho người con khi đi trai tráng khi về chỉ còn lại là “cốt”. Khóc thương cho số phận những con người trai trẻ chưa được hưởng tuổi xuân đã ra đi, khóc thương cho những cô gái, những người vợ chưa được ấm “hơi chồng” bao lâu thì đã mang thân “góa bụa”. Chiến tranh là thế, các bác tôi và bác Nam đều là nạn nhân của chiến tranh, của nỗi đau đất nước, nhưng tôi nghĩ cả hai người họ đều tự hào vì họ đã đem lại một Việt Nam mới cho tôi và những bạn trẻ khác như bây giờ.
Mất hai ngày để xong xuôi hết việc của bác, tôi trở lại Hà Nội. Lần trở về này, tôi mang nhiều suy nghĩ hơn, mang nhiều thứ để kể với mọi người và với cái suy nghĩ phải đi được thật nhiều, phải khám phá thật nhiều, đã mang lại nhiều điều bất ngờ khi trở lại, khiến thay đổi một phần trong tôi. Những ngày trên đất Quảng Trị, trong nghĩa trang Trường Sơn đọng lại rất nhiều trong tôi, đó là những nỗi buồn của bố tôi vì mãi giờ mới đưa bác về được quê hương, là sự “thèm thuồng” của bọn trẻ Vân Kiều với những thứ kẹo “không thèm ăn” của bọn trẻ thành phố khiến chúng phải bơi một quãng sông dài, là đường Hồ Chí Minh đẹp nhưng nguy hiểm, ẩn chứa những câu chuyện chỉ có trong phim hình sự, là nắng là gió, là Đông Hà trầm lắng…
Trở lại Hà Nội, vẫn công việc như thế, vẫn những thứ như vậy, mọi chuyện quanh tôi vẫn diễn ra một cách bình thường như nó vốn có, chuẩn từng từ trong câu “Hà Nội không vội được đâu”. Ở Hà Nội ta có thể thấy mọi thứ xô bồ, mọi thứ náo nhiệt nhưng ở một góc nào đó vẫn thấy nó bình dị trôi qua một cách nhẹ nhàng, “nhẹ nhàng như người Hà Nội”.