Những ai dám làm, sẽ thắng.

Winston Churchill

 
 
 
 
 
Tác giả: Paul Kalanithi
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Vô Tranh
Upload bìa: Vô Tranh
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 144
Cập nhật: 2021-01-29 22:19:45 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 1
ằm cạnh Lucy trên giường bệnh, chúng tôi cùng khóc, hình chụp CT vẫn sáng trên màn hình máy tính. Nhân diện của tôi – nhân diện của một bác sĩ – đã không còn ý nghĩa gì nữa. Ung thư xâm chiếm nhiều hệ cơ quan, chẩn đoán đã rõ ràng. Căn phòng lặng lẽ. Lucy nói nàng yêu tôi. “Anh không muốn chết,” tôi nói. Tôi khuyên nàng nên tái hôn, rằng tôi không thể chịu đựng được ý nghĩ nàng cô đơn một mình. Tôi nói về việc chúng tôi nên xem xét việc tái thế chấp vay nợ ngay lập tức. Chúng tôi bắt đầu gọi điện cho người thân. Có một lúc, Victoria ghé qua phòng và chúng tôi cùng thảo luận về bản scan cũng như phương hướng điều trị trong tương lai. Khi cô nhắc lại kế hoạch quay lại chương trình nội trú, rồi cô dừng lại.
“Victoria.” tôi nói, “Tôi sẽ không bao giờ quay trở lại bệnh viện này với vai trò một bác sĩ. Cô không nghĩ vậy sao?
Một chương trong cuộc đời tôi dường như đã kết thúc, mà có lẽ là cả cuốn sách đã khép lại. Thay vì trong vai một mục sư trợ giúp con người bước qua những biến đổi của cuộc đời, tôi thấy mình chỉ như chú cừu non, lạc lối, ngơ ngác. Căn bệnh nguy hiểm không chỉ có tính chất thay đổi cuộc đời mà còn phá tan nó. Chẳng giống như một lễ hiển linh – luồng sáng dữ dội soi rọi. Những-Gì-Có-Nghĩa- mà gần như ai đó đã dội bom trên con đường phía trước. Giờ tôi phải tìm cách vượt qua nó.
Em trai tôi Jeevan đến bên giường bệnh. “Anh đã gặt hái khá nhiều,” cậu nói. “Anh biết mà?”
Tôi thở dài.
Cậu có ý tốt, nhưưng lời lẽ đầy trống rỗng. Cuộc sống của tôi đã dành để xây dựng tiềm năng, thứ tiềm năng nay trở thành bất khả. Tôi đã lên kế hoạch thật nhiều và gần như đạt được mọi thứ. Thân thể suy nhược, thứ tương lai mà tôi đã tưởng tượng cùng nhân diện cá nhân tôi sụp đổ, và tôi phải đối mặt với cùng một tình thế khó khăn về sự tồn tại, giống như những bệnh nhân của mình. Chẩn đoán ung thư phổi là chắc chắn. Một tương lai được lên kế hoạch tỉ mỉ và khó khăn lắm mới đạt được này đã không còn tồn tại nữa. Cái chết, vốn rất quen thuộc với tôi trong công việc, nay lại ghé thăm riêng tôi. Ta ở đây, mặt đối mặt, vậy mà dường như không thể nhận ra điều gì về nó. Tại một ngã tư đường nơi lẽ ra tôi có thể nhìn và theo dõi dấu chân của vô số bệnh nhân tôi đã từng chữa trị, thay vào đó tôi chỉ thấy một sa mạc trắng lập lòe đầy trống rỗng khắc nghiệt, như thể một cơn bão đã xóa bỏ mọi dấu vết quen thân.
Mặt trời đã lặn. Tôi sẽ xuất viện vào sáng hôm sau. Một buổi hẹn với bác sĩ ung thư đã được lên lịch trong tuần nhưng y tá nói cô ấy sẽ ghé thăm tôi vào tối hôm đó, trước khi chạy đi đón lũ trẻ. Tên cô là Emma Hayward, và cô muốn gửi lời chào trước buổi hẹn đầu tiên tại văn phòng. Tôi biết một chút về Emma – tôi đã từng chữa trị cho vài bệnh nhân của cô ấy trước đó – nhưng chúng tôi chưa từng nói chuyện gì ngoài những trao đổi về chuyên môn. Cha mẹ và anh em trai tôi đều ở trong phòng. Lucy ngồi bên giường và nắm tay tôi. Cửa mở và Emma bước vào, áo choàng trắng để lộ dấu vết mệt mỏi một ngày dài nhưng nụ cười cô tươi trẻ. Theo sau cô là đồng nghiệp và một bác sĩ nội trú. Emma chỉ hơn tôi chừng vài tuổi, mái tóc cô dài và sẫm màu nhưng điểm đầy sọc trắng, khá phổ biến với những người dành nhiều thời gian bên cái chết. Cô kéo một chiếc ghế.
“Xin chào, tên tôi là Emma,” cô nói. “Tôi rất tiếc chỉ có thể ngắn gọn trong hôm nay, nhưng tôi muốn ghé qua và giới thiệu một chút.”
Chúng tôi bắt tay, cánh tay tôi xoắn trong dây truyền tĩnh mạch.
“Cám ơn vì đã ghé qua,” tôi nói. “Tôi biết cô còn phải đi đón lũ trẻ nữa. Đây là gia đình tôi.” Cô gật đầu chào Lucy, anh em trai và cha mẹ tôi.
“Tôi rất tiếc vì chuyện này xảy đến với anh,” cô nói. “Với tất cả mọi người ạ. Sẽ còn nhiều thời gian để nói về chuyện này trong vài ngày tới. Tôi đã bắt đầu và làm một số xét nghiệm trên mẫu u của anh, điều đó sẽ giúp định hướng liệu trình. Phương pháp chữa trị có thể là hóa trị hoặc không, tùy vào kết quả xét nghiệm.”
Mười tám tháng trước, tôi đã nhập viện vì viêm ruột thừa. Khi đó tôi được đối xử không phải như một bệnh nhân mà là một đồng nghiệp, gần như chỉ đạo chuyên môn cho chính trường hợp của mình. Hiện tôi đã nghĩ tới điều tương tự. “Tôi biết không phải lúc,” tôi tiếp tục nói, “nhưng tôi muốn nói về đường tỷ lệ sống Kaplan-Meier.”
“Không,” cô nói. “Hoàn toàn không.”
Im lặng. Tại sao cô ấy dám? Đây là cách mà bác sĩ – những bác sĩ như tôi – hiểu về chẩn đoán bệnh. Tôi có quyền được biết.
“Chúng ta sẽ nói về về liệu pháp điều trị sau,” cô nói. “Chúng ta có thể nói về việc anh quay trở lại công việc nữa, nếu đó là điều anh muốn. Nhóm kết hợp hóa trị truyền thống – cisplarin, pemetrexed, có thể là cả Avastin – có tỉ lệ tổn thương thần kinh ngoại biên cao, do đó chúng ta có lẽ nên đổi cisplatin sang carboplatin, điều đó giúp bảo vệ thần kinh của anh tốt hơn, vì dù sao anh cũng là một bác sĩ phẫu thuật.”
Quay trở lại công việc? Cô ta đang nói về cái gì vậy? Cô ấy bị hoang tưởng sao? Hay tôi đã nhầm lẫn nghiêm trọng về chẩn đoán của mình? Và làm thế quái nào chúng tôi có thể nói về những thứ này khi không đề cập đến một dự đoán có tính thực tế về khả năng sống sót cơ chứ? Nền đất vốn đã cong vênh và rung động trong suốt những ngày qua lại rung lên.
“Chúng ta sẽ nói chi tiết sau,” cô tiếp tục, “vì tôi biết có quá nhiều thứ phải tiêu hóa. Tôi chỉ muốn gặp tất cả mọi người trước buổi hẹn thứ Năm thôi. Tôi có thể giúp hay trả lời gì nữa không, ngoài chuyện đường cong sống sót?”
“Không,” tôi nói, tâm trí quay cuồng. “Cám ơn vì đã ghé qua. Tôi rất biết ơn về điều này.”
“Đây là danh thiếp của tôi,” cô nói, “có số phòng khám trên đó. Cứ tự nhiên gọi tôi về bất kỳ điều gì trước buổi hẹn hai hôm tới.”
Gia đình và bạn bè tôi nhanh chóng rà soát mạng lưới đồng nghiệp để tìm xem ai là bác sĩ tốt nhất về ung thư phổi trong cả nước. Houston và New York có những trung tâm ung thư lớn; tôi có nên tới đó điều trị không? Chi tiết vấn đề di chuyển hoặc tạm thời thay đổi địa điểm sống hoặc bất kỳ cái gì khác – có thể tính đến sau. Câu trả lời đến rất nhanh, hầu như nhất quán với nhau: Emma không chỉ là một trong những người giỏi nhất – một bác sĩ u bướu nổi tiếng thế giới, chuyên gia về ung thư phổi trong ban cố vấn của một trong những trung tâm ung thư hàng đầu – cô còn được biết tới bởi lòng trắc ẩn, một người biết khi nào tiến và khi nào lui. Tôi thoáng nghĩ tới một chuỗi những sự kiện đã đưa tôi lòng vòng trong quả đất tròn này. Chương trình nội trú của tôi đã được quyết định bởi một chương trình máy tính, và nó bắt đầu ngay tại đây, để rồi cuối cùng với một chẩn đoán bệnh đáng sợ, tôi lại nhập viện cũng chính tại đây, trong tay một trong những vị bác sĩ tốt nhất để chữa trị.
Khoảng thời gian khá hơn của tuần đó tôi nằm lì trên giường, và vì căn bệnh ung thư tiến triển, tôi yếu đi trông thấy. Cơ thể tôi và cả nhân diện gắn liền với nó đã thay đổi lớn. Những chuyến di chuyển từ gường tới phòng tắm và ngược lại không còn là một chương trình vận động tự động mà đòi hỏi nỗ lực và kế hoạch. Bác sĩ vật lý trị liệu đưa ra một danh sách những hạng mục hỗ trợ tại nhà: một cái gậy, bệ ngồi toilet chuyên dụng, những miếng xốp để đỡ chân khi nghỉ ngơi. Một đống thuốc giảm đau mới được kê. Khi tập tễnh bước ra khỏi bệnh viện, tôi tự hỏi làm thế nào mà chỉ sáu ngày trước đó, mình có thể dành tới ba mươi sáu giờ liên tục trong phòng mổ. Tôi đã yếu đi nhiều vậy chỉ trong một tuần sao? Chỉ đúng phần nào. Bởi thực ra tôi có khá nhiều thủ thuật và sự giúp đỡ của các bác sĩ khác trong phòng mổ để trải qua ba mươi sáu giờ đó – và dù vậy, tôi cũng đã phải chịu một trận đau đớn khủng khiếp. Khi những bản chụp CT và kết quả xét nghiệm đã khẳng định nỗi sợ của tôi, bởi chúng không chỉ cho thấy ung thư đơn thuần mà còn là sự kiệt sức về thể xác, gần như là đã chết, liệu việc này có giải thoát tôi ra khỏi nghĩa vụ cần làm, nghĩa vụ với bệnh nhân, với phẫu thuật thần kinh, với việc theo đuổi những điều cao đẹp? Có, tôi nghĩ, và đây chính là nghịch lý: như một vận động viên chạm tới đích để rồi sụp đổ, khi không còn nghĩa vụ phải chăm sóc bệnh nhân đẩy tôi về phía trước, tôi trở thành người tàn phế.
Thường khi gặp một bệnh nhân ở tình huống lạ, tôi xin tư vấn từ các chuyên gia liên quan và dành thời gian để đọc về nó. Bây giờ cũng vậy. Nhưng ngayy khi tôi bắt đầu đọc về hóa trị với vô số chất phản ứng và những phương pháp chữa trị tân tiến hiện đại nhắm tới từng loại đột biến, có rất nhiều câu hỏi trong đầu đã ngăn cản việc nghiên cứu của tôi. (Alexander Pope: “Một chút học vấn là thứ nguy hiểm; / Uống cho sâu đấy, bằng không sẽ không tận hưởng được hương suối Pierian20.”) Không có kinh nghiệm phù hợp, tôi khó có thể đặt bản thân mình trong một thế giới thông tin mới mẻ này, tôi không thể tìm được vị trí của mình trên đường tỷ lệ sống Kaplan-Meier. Tôi chờ đợi đầy hy vọng tới buổi hẹn khám sắp tới.
Hầu hết thời gian, tôi nghỉ ngơi.
Tôi ngồi đó, nhìn chăm chú vào bức hình Lucy và tôi ở trường Y đang nhảy múa và cười lớn. Thật buồn, hai con người đó lên kế hoạch về một cuộc sống bên nhau, vô tư lự, chưa từng nghĩ đến sự mong manh của chính bản thân mình. Bạn tôi Laurie đang có một vị hôn phu thì cô tử nạn trong một vụ tai nạn xe hơi – như vậy liệu có tàn nhẫn hơn chăng?
Gia đình tôi trải qua một cơn xáo trộn trong những hoạt động nhằm chuyển đổi cuộc đời tôi từ một bác sĩ thành một bệnh nhân. Chúng tôi lập một tài khoản đặt hàng dược phẩm qua bưu điện, đặt mua thanh chắn giường, và mua một chiếc đệm thật thoải mái nhằm giảm nhẹ cơn đau như đốt trên lưng tôi. Kế hoạch tài chính của chúng tôi, mới chỉ vài ngày trước còn dự kiến tích lũy dựa trên khoản thu nhập tăng gấp sáu lần trong năm tới của tôi, nay trông thật bấp bênh, và cả một loạt các công cụ tài chính mới dường như là điều thiết yếu để bảo vệ Lucy nữa. Cha tôi tuyên bố những điều chỉnh này hệt như một thỏa ước trước bệnh tật vậy: Tôi rồi sẽ đánh gục cái thứ này, tôi rồi sẽ được chữa trị bằng một cách nào đó. Đã bao lần tôi từng nghe những người thân trong gia đình bệnh nhân đưa ra tuyên bố tương tự? Tôi không biết nên nói gì với họ lúc đó, và tôi cũng không biết nên nói gì với cha mình lúc này.
Có khả năng nào khác không?
Hai hôm sau, Lucy và tôi gặp Emma trong phòng khám. Cha mẹ tôi loanh quanh trong phòng đợi. Một y tá kiểm tra các cơ quan sinh tồn của tôi. Emma và y tá của cô cực đúng giờ. Emma kéo một chiếc ghế ngồi xuống ngay trước tôi, mặt đối mặt, mắt nhìn thẳng.
“Xin chào,” cô nói. “Đây là Alexis, cánh tay phải của tôi.” Cô chỉ về phía y tá, người ngồi trước máy vi tính để ghi chú lại cuộc trò chuyện. “Tôi biết có rất nhiều thứ cần phải thảo luận, nhưng trước tiên thì: anh cảm thấy thế nào?”
“Ổn, mọi thứ đều đã được xem xét,” tôi nói. “Tận hưởng ‘kỳ nghỉ’ của tôi. Cô thì sao?”
“Tôi ổn.” Cô ngừng lại – thường bệnh nhân không hỏi bác sĩ cảm thấy thế nào, nhưng Emma cũng là một đồng nghiệp. “Tuần này tôi trực nội trú, anh biết thế nào rồi đấy.” Cô mỉm cười. Lucy và tôi đều biết. Các chuyên gia về bệnh nhân ngoại trú phải luân phiên trực nội trú, thế là cộng thêm vào vài giờ làm việc trong một ngày đã quá bận rộn.
Sau vài câu xã giao, chúng tôi bắt đầu một cuộc thảo luận thoải mái về thực trạng nghiên cứu ung thư phổi. Cô nói có hai con đường phía trước. Phương pháp truyền thống là làm hóa trị, nhìn trung là nhằm vào các tế bào phân chia nhanh chóng – chủ yếu là tế bào ung thư nhưng cũng có cả tế bào trong tủy xương, nang tóc, ruột và tương tự. Emma khái quát số liệu và các lựa chọn, giảng giải như thể với một các sĩ khác – nhưng một lần nữa từ chối không đề cập tới đường tỷ lệ sống Kaplan-Meier. Các liệu pháp mới cũng đang được phát triển, nhắm tới những khuyết hụt phân tử đặc trưng của bản thân ung thư. Tôi đã nghe tin đồn về những nỗ lực này – từ lâu nó đã là chiếc “Chén Thánh” 21 trong công cuộc nghiên cứu ung thư – và thật ngạc nhiên khi biết đã tiến bộ đến dường ấy. Những phương pháp chữa trị này có vẻ như đã mang đến khả năng sống sót dài hơn cho “một số” bệnh nhân.
“Hầu hết kết quả xét nghiệm của anh đã có,” Emma nói, “Anh có đột biến PI3K, nhưng vẫn chưa ai biết nó có nghĩa gì. Xét nghiệm cho EGFR, loại đột biến phổ biến nhất ở những bệnh nhân như anh thì vẫn đang tiến hành. Tôi đoán rằng anh có cái này, và trong trường hợp đó thì có một loại thuốc là Tarceva, anh có thể uống nó thay vì làm hóa trị. Kết quả sẽ tới trong ngày mai, thứ Sáu, nhưng nếu anh ốm quá thì tôi sẽ cho anh làm hóa trị ngay từ thứ Hai trong trường hợp xét nghiệm EGFR là âm tính.”
Ngay lập tức tôi cảm thấy sự thân thiết. Đây chính xác là cách mà tôi tiến hành trong phẫu thuật thần kinh: luôn có kế hoạch A, B và C.
“Đối với hóa trị thì quyết định chính của chúng ta sẽ là carboplatin hay cisplatin. Những nghiên cứu độc lập, tiếp xúc trực tiếp, cho thấy carboplatin được dung nạp tốt hơn. Cisplatin có khả năng mang tới kết quả tốt hơn những cũng độc hơn, đặc biệt là đối với hệ thần kinh, dù rằng mọi dữ liệu đã khá cũ và không có sự so sánh trực tiếp nào giữa hai loại trong chế độ hóa trị hiện tại. Anh có suy nghĩ gì không?”
“Tôi không lo lắng về việc bảo vệ đôi tay cho phẫu thuật,” tôi nói. “Có nhiều việc tôi có thể làm trong đời. Nếu không có đôi tay tôi có thể kiếm việc khác, hoặc không làm việc, hoặc gì đó.”
Cô dừng lại. “Tôi hỏi anh điều này: Việc phẫu thuật có quan trọng với anh không? Đó có phải là điều anh muốn làm không?”
“Dĩ nhiên, tôi đã dành tới gần một phần ba cuộc đời mình cho nó.”
“Ok, vậy tôi định gợi ý chúng ta tiến hành với carboplatin. Tôi không nghĩ điều này sẽ thay đổi khả năng sống sót, mà nó có thể ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống của anh. Anh có câu hỏi nào khác không?”
Cô có vẻ rõ ràng về con đường chúng tôi sẽ đi, và tôi rất vui được đi theo. Có lẽ, tôi đã bắt đầu cho phép bản thân mình tin tưởng rằng việc quay trở lại phẫu thuật là hoàn toàn có thể. Tôi cảm thấy mình được thả lỏng một chút.
“Tôi bắt đầu hút thuốc được chứ?” tôi đùa.
Lucy cười, và Emma nhướn mày.
“Không. Có câu hỏi nào nghiêm túc không?”
“Đường Kaplan-Meier –“
“Chúng ta sẽ không thảo luận về nó,” cô nói.
Tôi không hiểu sự kháng cự của cô. Suy cho cùng, tôi là một bác sĩ quen thuộc với những thống kê đó. Tôi cũng có thể tự mình tìm kiếm… mà đó là điều mà tôi sẽ làm.
“Thôi được,” tôi nói, “vậy tôi nghĩ mọi việc đã khá rõ ràng rồi. Chúng tôi sẽ đợi tin của cô vào ngày mai về kết quả EGFR. Nếu đúng, chúng sẽ bắt đầu với Tarceva. Nếu không, chúng ta sẽ bắt đầu hóa trị vào thứ Hai.”
“Được. Có một điều nữa mà tôi muốn anh biết này: Hiện tại tôi là bác sĩ của anh. Bất kỳ vấn đề nào anh gặp phải, kể cả trong việc chăm sóc sức khỏe thông thường, thì hãy tìm đến chúng tôi trước.”
Lại một lần nữa, tôi cảm thấy sự thân thiết nhói lên.
“Cám ơn,” tôi nói. “Chúc may mắn trong công việc của khoa bệnh nhân nội trú.”
Cô rời phòng, rồi lại ngó đầu vào ngay sau đó. “Cứ từ chối nếu anh không thích nhưng có một số người gây quỹ cho ung thư phổi muốn gặp anh. Đừng trả lời vội – cứ nghĩ về nó đi đã, và nếu anh quan tâm thì thông báo cho Alexis. Đừng làm những gì anh không muốn.”
Khi ra về, Lucy nhận xét, “Cô ấy tuyệt thật. Đúng là rất hợp anh. Nhưng mà…” nàng cười. “Em nghĩ là cô ấy thích anh.”
“Vậy thì sao?”
“À, có một nghiên cứu cho rằng bác sĩ thường dễ chẩn đoán sai cho bệnh nhân mà họ quan tâm về mặt cá nhân.”
“Trong những thứ mà chúng ta phải lo lắng thì anh nghĩ cái đó nằm ở điểm tứ phân vị cuối cùng.” Tôi cười nói.
Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không - Paul Kalanithi Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không