Số lần đọc/download: 1658 / 25
Cập nhật: 2016-02-26 01:31:43 +0700
Chương 4: Hitler Tiến Đánh Pháp Và Bỉ
R
õ ràng đến mùa xuân năm 1939 thời kì nhùng nhằng không còn có thể kéo đến mùa hè.
Nhiều nguồn tin đến với Dàn Nhạc Đỏ cho thấy Hitler sắp tiến công, và cuộc tiến công này sẽ đạt được thắng lợi. Nước Bỉ cũng biết rõ nền trung lập của mình thật là mỏng manh so với những đoàn xe tăng của phát xít. Sau khi Anh và Pháp bỏ rơi Ba Lan, chẳng còn trông chờ gì được hai nước này. Đáng lẽ khi Đức tiến đánh Ba Lan thì Pháp tiến công vào phòng tuyến phía Tây nước Đức sẽ đỡ bao nhiêu gánh nặng cho Balan và có thể buộc Hitler phải lùi trước thế bị đánh ở cả hai phía... Ai cũng nhận thấy sau Munich nước Pháp lại còn chuẩn bị lùi bước nữa. Bộ tổng tham mưu Pháp quá tin vào chiến tuyến Maginô, cho ràng biên giới giáp Đức của mình không thể ai vượt qua được. Các cơ quan tình báo Pháp có biết Đức chuẩn bị chiến tranh không? Chắc chắn là chúng biết và đã báo cáo cho chính phủ biết, nhưng khốn thay cái chính phủ này không thèm để ý đến những báo động của tình báo. Nước Pháp giống như chủ ngôi nhà bắt đầu cháy nhưng cứ đuổi đội cứu hỏa đi.
Hoa Kì cũng vậy: mặc dù Richard Sorge đã báo động, đã chuyển những tin tức là Nhật sắp tấn công Cảng Trân Châu, nhưng chính phủ Hoa Kì không đề ra biện pháp đề phòng.
Rạng sáng mùng 10 tháng 5 năm 1940, quân Đức bắt đầu tấn công về phía Tây. Sáng hôm đó không quân Hitler dội bom xuống thủ đô Bỉ. Leopold Trepper đến nhà Alamo để chuyển báo cáo chiến sự về Trung tâm. Trong khi anh đi vắng, ba thanh tra cảnh sát Bỉ đến nhà riêng của anh, cho Luba xem lệnh bắt vợ chồng anh về giam, mang theo hai ba ngày thức ăn và quần áo. Vì tuy vợ chồng Leopold đã nhập quốc tịch Canada, nhưng nguồn gốc gia đình Leopold là Đức, mà chính phủ Bỉ đã ra lệnh bắt giữ hết những người Đức cư trú trên đất Bỉ...
Luba mời ba cảnh sát ngồi ghế và giải thích rằng thành phố Sambor quê huơng của vợ chồng bà thuộc đất Balan. Bà dở từ điển bách khoa Larousse ra cho họ xem. Chưa rõ thực hư thế nào, ba anh cớm rút lui để xin ý kiến cấp trên rồi sẽ quay lại sau.
Về nhà đúng khi bọn cảnh sát vừa ra khỏi cổng, Leopold khen vợ nhanh trí khôn rồi quyết định phải rút khỏi nhà ngay vì bọn cớm sẽ quay lại và nhất định sẽ tóm cổ vợ chồng anh. Hai vợ chồng sắp xếp va li rồi rút khỏi nhà ngay. Trước hết phải lo cho vợ con đến một chỗ chắc chắn. Anh bàn với Grossvogel và quyết định đưa họ vào trú tạm ở thương vụ Xô-viết. Lúc đó sứ quán cũng như thương vụ Liên Xô đều bị cảnh sát Bỉ bao vây.
Luba và đứa con phải dùng một chiếc xe mang biển ngoại giao để vượt vào thương vụ. Họ ở đó hai tuần lễ, mới chuyển vào một nơi bí mật, cuối cùng hồi hương về Liên Xô. Còn Leopold rút sang nhà của Grossvogel mang hộ chiếu giả khác với tên là Jean Gilbert, nhà công nghiệp, sinh tại Antwerp. Còn Grossvogel mang hộ chiếu với tên là Henri Piper, nhà buôn, cũng sinh tại Bỉ. Thế là cuộc sống bí mật của hai người bắt đầu.
Hôm sau, cảnh sát có đến nhà Leopold nhưng đã muộn. Chúng có đi tìm mấy hôm sau nữa. Chúng đến hỏi nhà bà Georgie de Winter, quốc tịch Mỹ, là người quen của Leopold. Chúng hỏi bà Winter:
- Bà có thấy ông Mikler mấy ngày qua không? Ông ta là người Đức ấy mà.
- Các ông nhầm rồi, ông ấy quốc tịch Canada cơ mà.
- Ông ta mà là người Canada à? Ông ta là người Canada cũng như bà là người Bỉ chứ gì!
Chiến sự diễn biến rất nhanh. Ngày 13 tháng 5 quân Đức đã vượt sông Meuse ở Bỉ và Pháp, đoàn xe tăng của tướng Guderian đã phá thủng phòng tuyến Pháp ở Sedan. Quần chúng hoang mang cực độ, chỗ nào cũng bàn có gián điệp Đức nhảy dù xuống như đàn châu chấu, chúng ngụy trang là linh mục. Có vị tu hành bị quần chúng Brussels lật áo chùng lên để xem bên trong có quân phục Đức hay không. Họ còn nghi gián điệp Đức ngụy trang thành nữ tu sĩ nữa.
Hàng vạn người dân Bỉ chạy trốn sang Pháp. Nhiều thành phố rơi vào tay phát xít. Binh lính Anh phá các cầu để làm giảm tốc độ quân Đức, càng làm cho quần chúng hoang mang không tin tưởng vào quân đội Đồng minh nữa.
Đến đây, nhiệm vụ của Dàn Nhạc Đỏ bắt đầu phát huy tác dụng.
Điện đài giấu từ trước ở biệt thự Knokke, nay phải khui ra để liên lạc với Trung tâm. Kent được trao nhiệm vụ khui điện đài đó rồi đưa về Brussels. Nhưng anh chậm chân không hoàn thành được nhiệm vụ.
Leopold phải nhò xe ô tô của viên lãnh sự Bulgaria bạn thân, để "đi thu thập những tài sản quý giá" vì Bulgaria là đồng minh của Đức. Anh đã đến được Knokke. Biệt thự bị lục lọi, nhưng riêng chiếc tủ có điện đài vẫn nguyên vẹn. Trên đường trở về đến nửa đường xe bị hỏng, Leopold cùng nhà ngoại giao Bulgaria phải đi nhờ xe sĩ quan SS của Đức. Chúng đã cho đi nhờ và dẫn đến tận nhà. Trước khi chia tay với SS, Leopold đã cho chúng nhậu một chầu cognac thật say.
Cuối cùng, hai người dùng taxi về ngôi nhà ẩn náu của họ.
Than ôi, khi Alamo thử đài thì đài không chạy. Lại một lần nữa họ phải nhờ cậy đến tùy viên thương mại chuyển báo cáo tình hình chiến sự về Trung tâm.
Nhưng chuyến đi Knokke ít ra cũng có kết quả ở chỗ giúp Leopold thấy có khả năng lợi dụng xe của anh bạn Bulgaria để đi lại dễ dàng như thế, vậy dại gì mà không tận dụng xe đó đi quan sát tại chỗ tình hình mặt trận? Leopold tán ông bạn chở mình đi thăm các đại lí và chi nhánh của hãng Vua Cao su ở các thành phố bắc Pháp. Vốn là con người thích ngao du... tuy có hơi mạo hiểm, lại rảnh việc và thích giúp bạn, nhà ngoại giao Bulgaria nhận lời. Anh ta cũng tỏ ý muốn nhân dịp này đi thăm mấy người Bulgaria sinh sống ở các vùng Leopold sắp đến. Leopold xuất phát từ Brussels ngày 18 tháng 5 mang theo giấy thông hành đi các thành phố. Leopold lợi dụng cửa Sedan mà quân Đức mới chọc thủng đi vào mặt trận Abbeville và theo mũi tiến về Dunkirk.
Khi trở về Brussels, Leopold viết một báo cáo 80 trang mô tả tóm tắt diễn biến chiến sự mình đã trông thấy và nghe thấy về chiến tranh chớp nhoáng; chiến thuật xe bọc thép thọc rất sâu vào hậu phương quân Pháp, máy bay ném bom những địa bàn xung yếu chiến lược, cách tổ chức giao thông giữa hậu phương và tiền tuyến v.v... Chuyến đi mười ngày được tiếp xúc với những binh lính Đức đã cho Leopold nhận xét khá vững vàng rằng quan hệ với chúng thật là rất dễ dàng. Lính cũng như quan đều uống rượu không cần đồ nhắm và thổ lộ tâm tình rất sơ hở. Tâm lý chiến thắng khiến chúng trở nên rất khoe khoang. Chúng tin rằng đến cuối năm thì chiến tranh giữa Đức và Anh Pháp sẽ kết thúc, sau đó chúng sẽ tính sổ với Liên Xô. Đó là tất cả kế hoạch của chúng.
Dư luận các sĩ quan SS mà Leopold tiếp xúc sau này có khác; chúng bắt đầu suy nghĩ rằng chiến tranh với Liên Xô sẽ không xảy ra. Rõ ràng đó là kết quả của tuyên truyền quốc xã mà báo chí xô viết phản ánh lại. Mốt ở Nga lúc đó là ca ngợi tình hữu nghị với nước Đức. Ở phía bên này cũng có hiện tượng như thế: Goebbels trong các diễn văn tự mình đã xóa bỏ tất cả vết tích của tư tưởng chống Liên Xô. Trong những tháng đau lòng ấy, Leopold hay được từ mồm bọn sĩ quan phát xít thấy sự so sánh giữa chế độ của Hitler với chế độ của Stalin. Theo chúng nói giữa chủ nghĩa quốc xã và chủ nghĩa xã hội không hề có sự khác nhau nhiều lắm. Chúng nói rằng hai chủ nghĩa đó đều có chung một mục đích, có khác nhau chỉ khác về phương pháp. Một tên sĩ quan phát xít tay đập vào nắp mũi xe, mồm gào lên: "Chúng ta đạt được thắng lợi quá sức tưởng tượng như thế này chính là nhờ Liên Xô giúp đỡ vì đã cung cấp xăng dầu cho xe tăng, đã làm giầy và bán lúa mì cho kho đụn của chúng ta".