What holy cities are to nomadic tribes - a symbol of race and a bond of union - great books are to the wandering souls of men: they are the Meccas of the mind.

G.E. Woodberry

 
 
 
 
 
Tác giả: Lê Lựu
Thể loại: Tiểu Thuyết
Upload bìa: Nguyên Nguyễn
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 9476 / 197
Cập nhật: 2014-12-26 23:40:46 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 13 -
on đường Hiếu vẫn đi từ nhà đến huyện dài 12 ki lô mét. Ở đoạn giữa có một cây đa ở cạnh đường thuộc địa phận ấp Phù Hoa nên gọi nó là cây đa Phù Hoa. Từ cây đa Phù Hoa đến ấp dài hơn một ki lô mét. Có một ngôi nhà mới xuất hiện vài ba năm nay đã um tùm cây và sạch mát. Từ ngôi nhà lên đường phải qua một chiếc cầu gỗ gồm ba cây tre đóng then giằng vào nhau dài ba mét bảy, bắc qua con mương rộng gần ba mét. Cái quán nhỏ lợp tranh lưng tựa vào gốc đa, quay mặt ra đường. Ba đoạn tre bương đóng trên cọc ở ba mặt làm ghế. Quán khiêm tốn với với mấy chục bìa đậu, một lọ kẹo bột lẫn cả kẹo dồi nhô lên trước lọ kẹo vừng. Lọ lạc rang có cái chén hạt mít ở trong, cũng với lọ đường trắng đậy bằng cái đĩa xếp những quả chanh thành ngọn để sóng đôi với nhau, hơi lui xuống, so với kẹo dồi. Trước mặt hàng lọ đứng, là cái hộp vuông, mặt kính đựng thuốc lá Trường Sơn, Tam Đảo và Điên Biên. Hai túi ni lon treo lủng liểng từ mái xuống đầu chõng, đựng thuốc lào và chè thái. So với cái chõng nước lỏng chỏng chén bát chè xanh và cặn chè mạn, những cái lọ thuỷ tinh ngắn ngủn đựng kẹo bánh, mặt chõng ướt nhoèn nhoẹt lởm chởm cặn thuốc, bã chè, bên cạnh những chiếc bánh chưng, bánh lá lạnh teo, đây là chõng hàng “hiện đại” nhất huyện lúc bấy giờ. Chủ quán là chị Nho, mũi dọc dừa, răng khểnh, mắt sóng sánh và da trắng như trứng gà bóc. Chị là người làng Bái Trung, nhưng ông bà ngoại ở Hà Nội nên chị ăn học ở trên ấy. Lấy chồng và đẻ con cũng ở trên ấy. Chồng chị là sinh viên đại học sư phạm. Lẽ tất nhiên, khi ra trường anh được phân công ngay lên Tây Bắc. Năm 1962 anh xung phong vào dạy học trong bộ đội rồi xung phong đi “B”. Chị có hai đứa con đều là gái. Đứa lớn 15 tuổi, có năng khiếu “chạy” nên đã vào học ở trường thể dục thể thao ở Từ Sơn. Đứa bé 12 tuổi theo mẹ sơ tán về ông bà ngoại ở Bái Trung từ giữa năm 1965. Chị và mẹ đẻ ra ngoài ấp. Cháu ở trong làng với ông, tiện việc học hành.
Từ ngày có quán chị Nho, khách qua đường năng dừng lại nghỉ dưới gốc đa hơn. Quán của chị lúc nào cũng chật ních tiếng cười nói. Chủ yếu là người đi chợ, cánh học sinh, bộ đội tên lửa và đám công nhân địa chất. Các cán bộ xã, huyện qua đây ghé vào uống bát nước chè xanh, hút điếu thuốc lào rồi lặng lẽ đứng lên, quên cả chào chị chủ. Ngày ấy buôn bán là thành phần phức tạp, dù chồng chị là bộ đội nhưng chị xúc phạm đến danh dự của một gia đình quân nhân, không nên tỏ thái độ đồng tình. Vả lại, người đẹp bao giờ cũng là bạn đồng hành, không thể tách rời với mọi sự lăng nhăng, bừa bãi. Mà tách rời sao được khi tất cả mọi thằng đàn ông vừa thèm người ta, vừa chửi bố người ta. Thế là có dư luận. Là thành kẻ xấu. Các anh cứ lăn xả vào kẻ xấu mà tán tỉnh, mà nhìn trộm, mà ước muốn mê muội để rồi lại không ngớt lời chê trách lên án con mẹ rẻ tiền, kệch cỡm (trừ những cái nhìn, cái nhếch môi cười với mình). Quán chị Nho chỉ mở ban ngày. Người ta bảo chỗ gốc cây đa rất nhiều ma ám, nó lại là nơi tụ tập của bọn “ăn sương”. Chị Nho biết hết mọi chuyện “ngày xưa” ấy. Chị thích. Không biết vì chuyện ma quỷ ngày xưa làm dân chúng quanh vùng sợ hay biết chắc những năm tháng đánh giặc, trộm cắp biến đâu hết mà mẹ con chị ra ở giữa cánh đồng trống trải!
Vào một buổi chiều vắng vẻ như bao buổi chiều vắng vẻ Hiếu đã đạp xe qua đây. Bao nhiêu lần qua đây anh rất muốn ngồi lại uống chén nước, hút điếu thuốc và cũng như bao nhiêu người khách ngồi lại cốt để nhìn người chủ quán lúc nào cũng ban phát cho khách những cái nhìn dịu dàng như là bạn, là người quen biết từ lâu. Nhưng anh cũng lại giống tất cả cán bộ các xã trong huyện, đến trước cây đa, nhìn thẳng, đạp mải miết như đang có công việc gấp gáp. Chiều nay anh vừa liếc nhìn người chủ quán thì bị “bắt quả tang”, chị tươi cười nói:
- Mời bác Hiếu xơi nước đã.
Hiếu xuống xe.
- Sao chị lại biết tên tôi.
- Tên bác cả nước người ta còn biết. Chúng em ở xã bên cạnh, bác lại không cho chúng em được vinh dự biết tên bác ư?
Anh đỏ mặt lên vì cái tiếng “ư” sao lại ngọt, nhẹ và sự ngưỡng mộ của chị đối với anh.
Chị pha ấm chè mới và bóc bao Điện Biên giấy bạc mời anh. Anh bảo:
- Tôi cũng biết tên chị từ khi mới dọn quán đấy.
Lại đến lượt chị hơi bẽn lẽn. Đúng là giữa anh và chị chủ quán chưa biết ai nổi tiếng hơn ai. Dù được đi đây đi đó nhưng lần nào lên đến ga Hàng Cỏ trông thấy con “phe” đã thấy đẹp hơn vợ mình, huống hồ lại gặp Nho, con người có cái cười “toàn dân”. Chị ta vừa mở quán nửa tháng trời, cả huyện đã biết “lai lịch”, có riêng gì anh. Chỉ uống xong một ấm nước, nói dăm ba câu chuyện bâng quơ, anh chào chị ra về. Chị nói:
- Khi nào qua đây lại mời bác vào hàng em uống nước.
Trong một giây anh lặng người không nói gì, chị đã nhận ra sự câm lặng thiêng liêng ấy và đến khi đôi mắt của anh nhìn chị vắng lặng như chiều mùa đông lãng đãng có những làn sương và khói lam chiều phủ lên cánh đồng Phù Hoa trống trải một màu trắng mơ màng như trong hoang vu thì người chị như ngấm lạnh, giọng nói chìm xuống.
- Thôi, anh...
Hai tuần sau, vào lúc bảy giờ tối, bà mẹ loà lọ mọ với đám củi ướt dưới cái bếp che kín cửa “phòng không” nấu cơm để chị “tiếp khách” ở ngay cái ổ hai mẹ con nằm. Ngọn đèn “phòng không” để trong ống tre bương cũng được vặn nhỏ đi để “địch” khỏi trông thấy. Mọi việc nhanh gọn đến nỗi bà mẹ chưa cho cạn xong nồi cơm đã thấy “anh bạn của nhà con” chào bà ra về.
- Bác ở lại xơi cơm đã. Nho, giữ bác lại con.
Tiếng nói của bà mẹ vọng ra mà bà thì vẫn cười cười quay vào. Nho khép chặt hai cánh tay mình để hai bàn tay anh luồn từ phía sau bóp chặt lấy hai bầu vú, từng đợt anh đẩy cô đi ra sân như là có vẻ dùng dằng, cô nói tiếp lời mẹ:
- Bác ở lại ăn cơm rau dưa với mẹ con nhà em, ngại gì.
Cô phải giữ chặt lấy anh để giữ cho người mình khỏi khuỵu xuống. Anh cũng ghì xiết người mình vào phía sau em nói:
- Thôi xin phép bác với chị để đến khi khác.
Bà mẹ ủ xong nồi cơm lần mò mở cửa ra chào anh, nhưng hai người đã rời nhau ra, vòng phía sau bếp lên đường rồi. Và trước khi anh mở khoá dắt xe ra khỏi quán, chị còn “tiếp” anh một lần nữa cho bõ nỗi thèm khát ngấu nghiến suốt mấy năm nay. Lần này thì anh không bị “sốc” như lúc còn trong ổ và lúc đi qua bếp. Anh đủ sức làm cho chị phải kêu rú lên khiến bà mẹ phải hốt hoảng hắt nước vào lửa, mặc cho tàn tro bay vào mồm vào mắt, vừa ôm lấy mặt vừa nhao ra cửa hỏi:
- Máy bay nó đến hở con?
Chị vội vàng lấy tay bịt mồm anh lại:
- Cao xạ bắn ở phía bờ sông nhiều lắm.
- Thế nó đâu rồi?
- Nó vừa chạy. Con đang chờ xem nó có vòng lại được nữa không.
Nói chữ “được” chị bấm vào tay anh nhưng bà mẹ không để ý đến cái chữ ấy làm gì. Bà dặn con:
- Phải để ý. Có gì thì phải bảo mẹ trước. Nó đến nơi mới kêu làm mẹ cuống lên gio vào đầy mắt rồi.
Từ độ ấy công việc trên tỉnh trên huyện nhiều, lại ngủ ít, người Hiếu rộc hẳn đi. Cũng may, anh vào loại có sức, lại được ít sâm bồi dưỡng nếu không gánh vác làm sao nổi trăm công nghìn việc. Do đi lại nhiều vất vả, lại phải lo nghĩ đến công việc. Mỗi lần về nhà trông mặt anh phờ phạc, có lúc ngồi đần ra như người mất tem phiếu, khiến hai bà cháu đi lại phải rón rén, nói năng phải thì thào để khỏi ảnh hưởng đến anh. Những cái đó đối với bà Đất có hề gì. Cốt sao con cái nó vui vẻ làm được nhiều việc. Cái khó nhất của bà là cứ phải “làm lại” bộ mặt mỗi khi con mẹ Xuyến gặp chồng ở nhà bà. Đang vui vẻ, trông thấy chị, bà phải cau có, nói năng dằn dỗi. Lúc đầu Xuyến sững sờ khó hiểu, sau nghe con Huyền nói, chị thấy tội nghiệp bà lão. Chính tội lỗi của chị đã làm cho bà phải khổ sở như thế. Sáng nay chị chạy vào hỏi:
- Cháu nó đâu rồi hả bà?
Bà vội vàng quay mặt. Chắc anh Hiếu ở nhà nên mẹ phải im lặng. Chị lại nói:
- Con định đưa cháu đi cắt bộ quần áo. Bà thấy cháu ở đâu bảo giúp con.
- Con chị đâu, chị đi mà hỏi. Tôi không phải là con ở cho nhà chị.
Nhìn vào mặt bà, chị suýt bật cười. Lúc quay mặt đi chị lại thấy nước mắt chỉ chực ứa ra. Không nỡ hành hạ bà, chị phải lủi thủi quay về.
Sáng nay anh Hiếu ngồi dậy không thấy bực bõ như mọi khi. Anh dặn bà:
- Mẹ bảo con Huyền chủ nhật tới tôi đưa lên phố huyện đo quần áo, không phải may vá ở đâu.
Đến đêm. Anh đi đâu về đã khuya lắm còn bảo bà pha ấm nước chè. Hai mẹ con ngồi uống nước ở giữa sân, anh vẫn bảo bà, giọng đau đớn như mọi khi.
- Cứ thế này tôi cũng đến chết mất thôi.
Bà thở dài bảo:
- Liệu thế nào cho nó ra ngô, ra khoai, anh giải quyết dứt điểm đi.
- Nhưng mẹ còn thương hại cô ấy.
- Vì anh, vì sợ tội nghiệp cháu tôi, tôi phải “đoàn kết”, tôi mắc mớ gì vào đấy.
Anh ngồi lặng đi chứ không gắt. Phải hút mấy điếu thuốc lào xong anh mới nói:
- Có giải quyết được hay không là ở mẹ cả.
Khốn nạn cái thân tôi. Tất cả mọi việc ở nhà này từ xưa đến nay hễ có gì xấu xa, khúc mắc là tại tôi cả. Nghĩ vậy, nhưng bà chỉ dám hỏi:
- Sao lại tại tôi?
- Không phải tại mẹ, nhưng tôi hỏi: mẹ có dám nói ra hết nỗi đau khổ âm thầm của mẹ không?
Anh lặng đi. Bà chờ mãi anh mới giảng giải vòng vèo, chuyện này, chuyện nọ, khó khăn trở ngại này, khác để cho bà hiểu: Nếu anh đứng ra bỏ vợ, lập tức cả nước đồn ầm lên. Mất hết. Nhưng nếu “đây là mâu thuẫn mẹ chồng con dâu căng thẳng hàng chục năm nay vẫn không thể nào dàn xếp được! Bà mẹ chồng không thể nào chấp nhận một người con dâu đã đi ngủ với đội lại vu oan giết bố chồng (chú Kiêm cũng như bố của tôi, không sợ nói sai). Cứ nhìn thấy chị ta, tôi lại không thể nguôi được nỗi đau đớn, thương xót với người chồng đã chết oan uổng. Anh Hiếu còn vợ thì phải bỏ mẹ. Tôi không thể mẹ con với cái người vu oan giá hoạ, gắp lửa bỏ tay người khác được”.
Cứ mỗi một chỗ cần nhấn mạnh để mẹ phải nhớ anh Hiếu lại hỏi:
- Mẹ có hiểu không đấy?
- Thì anh cứ nói đi.
Bà vẫn ngồi lặng ở giữa đêm tăm tối, vắng lặng. Lần theo các sợi dây tròng vào cổ bà từ đêm ở giữa cánh đồng Tam Bách Mẫu bà vừa trách phận mình, vừa thương cái kiếp làm người của con. Bà già rồi kể làm gì. Còn nó! Đến lúc được làm người lại mắc vào con vợ. Phải năm chìm bảy nổi mới được như bây giờ! Nhỡ ra có mệnh hệ nào, công lao đổ xuống sông xuống biển hết. Vì con mà mẹ phải lên thác xuống ghềnh, mẹ đâu có quản ngại. Khốn nỗi, mẹ không sao làm được cái việc bụng nghĩ một đằng, lại mồm nói một nẻo. Trong lòng thấy thương nó, tội nghiệp nó mà mặt mày lại phải sưng sỉa hắt hủi nó, mẹ không thể làm như thế mãi được. Ba bảo con:
- Ngày sửa sai mẹ đã trót nói với bác Văn Yến, mẹ bỏ hết mọi sự để giữ cái tình mẹ con.
- Thì tôi đã bảo mẹ phải nói là: Tôi cố nén nhưng càng ngày nó càng bùng lên không sao nén lại được nữa. Mẹ hiểu không?
Thấy mẹ có vẻ lắng nghe, anh bồi dưỡng thêm:
- Mẹ phải nhớ làm gì, nói gì, với ai, ở bất cứ đâu mẹ cũng phải để người ta hiểu được là: con trai tôi vì việc chung nên nó cố nén lại để tha thứ cho cô ta, nhưng tôi thì không thể nào tha thứ cho nó được.
Anh định “bồi dưỡng” thêm sự phẫn uất cho mẹ bằng cái tin: Tôi nghe người ta nói, con Xuyến nó bảo: “Tao đố anh Hiếu bỏ được tao đấy. Bảo tao ngủ với đội mà bỏ tao à? Đội bắt tao ngủ thì tao ngủ. Ngày ấy nếu đội bảo mẹ anh ấy làm như tao bà ấy cũng phải làm nữa là tao”. Nhưng sợ mẹ phẫn quá làm toáng lên, không khéo lại hỏng việc. Với lại, nói nhiều làm cho bà rối. Có khi các việc đâu đâu thì nhớ, việc chính lại quên.
Đêm càng khuya mọi động tĩnh càng chìm đi, chỉ còn tiếng thở dài vặt của mẹ và tiếng sụt sịt của con. Anh ngồi xổm, gục mặt xuống hai cánh tay khoanh lại đặt trên đầu gối. Giọng anh nghẹn ngào nấc nấc cất lên tiếng kêu mà anh đã từng kêu bao nhiêu lần với mẹ:
- Trời ơi, sao mẹ lại đẻ ra tôi làm gì để tôi khốn nạn thế này. Không khéo tôi phải bắn viên đạn vào đầu mình mới yên. Trời ơi.
Bà Đất vội vàng.
- Đổ xuống sông xuống ao cái dại dột đi. Ăn với nói.
Bà bảo:
- Hay anh đọc cho mẹ viết vào giấy.
- Để làm gì?
- Để kêu với cấp trên cho anh bỏ chị ấy.
- Mẹ định...
- Không. Anh đọc nhưng là của mẹ, cứ viết vào đấy tại mẹ tất cả.
- Tôi muốn mẹ phải trình bày với tất cả mọi người.
- Thì đấy. Mẹ sợ lúc nói mẹ lại quên hoặc giả nó chệch đi mất.
- Mẹ không nhớ được thì thôi kệ tôi.
Anh vùng vằng đứng dậy. Con Huyền chạy từ trong nhà ra ôm lấy bà:
- Sao bà lại không vào ngủ với cháu để cháu sợ?
Hiếu nhận ra điều gì, hỏi con:
- Mày rình ở hè kia hở Huyền?
- Đâu ạ. Con ở trong giường vừa ra đấy.
- Ở trong giường sao lạnh run lên thế?
Con bé im lặng. Giọng anh rít qua kẽ răng:
- Mày mà bép xép chuyện gì, tao băm mày ra nghe không”
Con bé hoảng hốt ghì chặt lấy bà vội vàng “vâng ạ”.
o O o
Tất cả vẫn là thầm kín. Cái con đường anh đi lên huyện, lên tỉnh, đi báo cáo điển hình khắp nơi vẫn phải đi qua cây đa Phù Hoa. Mỗi lần đi về, khách khứa ồn ào đầy quán, anh vẫn nhìn thẳng, đạp xe vội vã như đang có việc gấp gáp. Nếu có ai nhìn thấy anh trong một giây liếc mắt vào và đúng cái giây ấy chị chủ quán nhìn ra thì cũng không biểu hiện gì chứng tỏ hai người có quen biết nhau. Ngay cả hai lần về Hà Nội “giải quyết” cái hậu quả ân ái của hai người, quán phải đóng cửa mỗi lần mười ngày và chị chủ quán có hơi xanh đi, cũng không ai có thể biết chuyện gì đã xảy ra. Một bề vẫn bình yên. Bề kia, cái đơn li hôn một mình anh kí cũng chỉ thầm kín gửi đến viện kiểm sát và toà án huyện. Một lần uỷ ban xã mời đương sự và hội phụ nữ xã (lẽ ra cả đảng uỷ, nhưng Xuyến đã rút sinh hoạt ra khỏi chi bộ thôn Cuội Thượng) để hoà giải, cũng rất thầm kín. Buổi hoà giải “nhẹ nhàng”. Anh Hiếu dù đau xót vẫn sẵn lòng tha thứ, nhưng mâu thuẫn gia đình vẫn ngày càng sâu sắc được cụ thể hoá ở lời khai trước uỷ ban và hội phụ nữ của mẹ anh Hiếu, bà Bùi Thị Đất khai như sau: “Nếu chị Xuyến định sống yên vui với anh Hiếu thì phải đem chồng tôi về trả tôi. Bằng không, hãy giết tôi đi để anh chị đoàn kết với nhau”.
Toà án huyện đã ba lần tống đạt Hoàng Thị Xuyến đều vắng mặt không có lí do. Nhưng hồ sơ đã được hoàn chỉnh. Tuy vậy, bước này mới chỉ như hòn gạch “xếp nốt” mua lòng lợn ở cửa hàng huyện để mọi người quen tai dần và ai cũng cảm thấy: “Chuyện mẹ con nhà này căng thẳng, kéo dài không có khả năng hàn gắn”.
Khổ thân anh Hiếu.
Những đường đi nước bước, những tính toán chi li đã đâu vào đấy, trong Đại hội đảng bộ huyện vẫn có ý kiến yêu cầu xem xét việc anh Hiếu “chuẩn bị” bỏ vợ. Họ đặt câu hỏi: Có phải vì anh là người có uy tín, đi đây đi đó nhiều, thấy con gái các nơi trẻ đẹp, liệu có xuất hiện tư tưởng chán cô vợ già xấu ở nhà không? Ý kiến ấy đã được phê phán là không có cơ sở để nói như thế. Thiếu xây dựng, không hiểu hết nội tình gia đình anh và nguồn gốc của nó, người nói có ý đồ xấu.v.v... Anh cũng vẫn trúng vào thường vụ, vẫn là đại biểu đi đại hội đảng bộ tỉnh và con đường đi tới của anh là tỉnh uỷ viên, có thể còn là thường vụ. Ngay đêm ở đại hội về, sau phút “gặp gỡ”, chị Nho nâng khuôn mặt anh lên khỏi mặt mình, hỏi:
- Chúng nó tố cáo các anh tội hủ hoá nên mới về bỏ vợ hả?
- Ai bảo em thế?
- Ôi, đại hội huyện có gì, ở quán này biết hết. Có khi còn trước cả đại biểu các anh. Như cái chuyện anh đang phấn đấu vào tỉnh uỷ ấy.
- Bọn xấu nó định phá anh.
- Em cứ thích cho nó phá anh đấy.
- Em nói gì thế?
Anh ngồi nhổm dậy, rời khỏi chị. Chị kéo anh nằm xuống.
- Em chỉ thích cho nó phá anh chẳng còn gì, để chúng mình bên nhau suốt ngày suốt đêm.
Anh bật hẳn người đứng lên, khiến chị không kịp níu giữ.
- Anh không ngờ em lại có ý nghĩ đốn mạt đến như thế.
- Anh chửi em đấy à?
- Em có biết anh khốn đốn bao nhiêu năm phấn đấu để được đến ngày hôm nay không?
- Đối với em cái đó không có ý nghĩa gì.
- Nhưng nếu không có cái đó anh chả là quái gì đối với em.
- Anh nhầm. Đối với em lúc này, em cần một thằng đàn ông của anh, chứ không phải cái chức của anh. Nói đúng ra nó cũng có chút tác dụng lúc ban đầu để hấp dẫn đàn bà, để làm quen cho nó nhanh. Em thì chỉ thích ông anh cái điểm dai sức và biết làm cho em thích thôi ông anh ạ.
Chị lại ôm lấy anh. Anh gạt phắt chị ra quát:
- Câm mồm đi. Giọng lưỡi như một con đĩ.
- Tao nói cho thằng lưu manh kia biết nhé. Nếu tao là con đĩ, mày là cái gì. Ở đại hội nó phê bình chỉ như gãi ghẻ cho mày. Còn tao mà nói ý à? Tao lên hẳn trung ương tao nói, tao chỉ cần nói một câu mày đã đi tù rồi chứ không đến câu thứ hai đâu.
- Đừng có doạ thằng này hiểu không?
- Thôi được rồi.
Bằng cách đối xử của con vợ mình đêm hai vợ chồng đứng cạnh thằng Lăng ở miếu ông Cuội và sau đấy anh biết những con đàn bà dù nhà quê, nó cũng có khả năng biến hoá như con yêu tinh, thoắt cái hiện ra nanh vuốt của quỷ dữ, thoắt cái lại dịu hiền, ngây dại như trẻ thơ. Ngay từ đầu gặp con này anh đã không để lại dấu ấn gì, dù một chữ viết để nó có thể túm giữ ngoài hai lần nó đã tự đi “giải quyết”. Nhưng rõ ràng câu nói cuối cùng đầy tự tin của nó buộc anh phải ngại. Vốn là người rất có bản lĩnh giành lại chủ động, xử lí nhạy bén những hoàn cảnh bí bách nhất, anh nhanh chóng trấn tĩnh lại. Trong lúc phải tập trung đối phó với dư luận, chống lại bọn phá mình ở đại hội tỉnh tháng sau, làm căng thẳng với cô ta để làm gì nhỉ? Tại sao lại sa vào tranh cãi những chuyện vớ vẩn ấy? Nó nói gì cho thích mồm nó, mình ừ hữ mà không làm cũng chả có sao, huống hồ im lặng để kệ nhà nó! Đúng là thằng ngu mới đi bắt đàn bà phải công nhận sự thất bại hoặc tội lỗi của nó trước mặt mình. Giành lại thắng lợi ở bọn nhẹ dạ này không có cách nào hơn là khéo léo lừa và nịnh. Kể cả có đấm, có thụi và tát vào mặt nó cũng là để lừa nó, nếu không, đánh nó chỉ để mình trở thành thằng vũ phu, tổ cho thiên hạ họ chửi. Sau dăm bảy phút im lặng anh mới hỏi:
- Em đã bình tĩnh lại chưa?
Im lặng.
- Nếu em bình tĩnh anh sẽ hỏi một câu cuối cùng rồi chúng mình vĩnh biệt nhau.
Những câu cải lương như thế này đàn bà cảm động lắm. Đừng khinh thường nó. Chính các nhà thông thái lại hay thất bại trong tình yêu vì không biết hoặc không đủ sức nói những câu cải lương như “vĩnh biệt em”, “chúng mình sẽ đưa nhau lên cõi vĩnh hằng”...
- Anh muốn hỏi gì thì hỏi. Việc gì tôi không bình tĩnh.
Khi nó đã trả lời, kể cả trả lời bằng câu chửi bố mình, cũng không phải là ý muốn “vĩnh biệt”, lúc ấy lại còn cất lời lên hỏi là đại ngu.
Anh từ từ đi lại gần như để chị có thể nghe thật rõ ràng lời nói như là gang thép của anh. Anh giang tay ra, ôm ghì lấy chị. Lúc đầu chị cố đẩy ra, sau rồi đấm túi bụi vào lưng vào tay anh. Cho đến khi chị thoả mãn rồi anh chỉ cần dặn một câu như ra lệnh:
- Nếu không khôn khéo giữ tuyệt đối bí mật, mà để hở ra một tí, họ có đầy đủ khả năng để bắt chúng ta không được nhìn thấy nhau, chứ không phải là chuyện chức tước của anh. Anh thiết quái gì cái chức ấy. Nhưng có cái chức ấy mới có điều kiện để chúng mình sống với nhau, nghe chưa.
- Vâng.
- Anh cấm không bao giờ được ăn nói như vừa rồi.
- Biết lỗi rồi, người ta mới chiều, lại cứ nói dai.
Sự đồn đại ở quán nước mà Nho nói với anh chỉ mười ngày sau nó thành sự cân nhắc gay cấn ở ban tổ chức tỉnh uỷ. Vấn đề trục trặc vợ chồng, do nguyên nhân sâu xa từ hồi cải cách để lại, sự căng thẳng chủ yếu là mẹ chồng con dâu, không phải anh có tư tưởng chê vợ già, xấu. Cũng không có hiện tượng gì về sự quan hệ của anh với bất cứ cô gái nào. Các đảng viên trong đảng bộ và bà con ở làng Cuội còn bảo: được người nghiêm chỉnh, đứng đắn như anh Hiếu cũng khó. Nhưng dư luận đồn đại ầm ĩ quá. Không phải chỉ quần chúng, ngay các cán bộ xung quanh huyện, xung quanh tỉnh cũng xôn xao khắp nơi. Một đồng chí tỉnh uỷ viên mà có nhiều dư luận như thế nhất là dư luận về đồng chí ấy chê vợ, có nên không? Nên để lại xem xét kết luận xong đã.
Một phía khác, cũng của ban tổ chức lập luận. Nếu chỉ căn cứ dư luận, thì dư luận đồn ai cái gì cũng phải chịu à? Tại sao chúng ta không lãnh đạo dư luận? Vấn đề là: sự việc ấy có hay không, chứ không phải dư luận nhiều hay ít. Cũng không phải là “nên để lại nghiên cứu”. Cả 33 đồng chí sẽ vào tỉnh uỷ nay mai đều có dư luận chuyện này, chuyện khác có để cả lại “nghiên cứu” không?
Tóm lại, trong khi chờ đợi xin ý kiến cuối cùng của thường vụ, chủ yếu là chờ đồng chí Văn Yến bí thư đi công tác ở nước ngoài về, ban nhân sự tỉnh chưa thể thống nhất về trường hợp này. Bằng con đường nào đó, Hiếu biết tất cả mọi ý kiến. Thường vụ huyện uỷ đã có công văn và bản thân anh cũng đưa đơn đề nghị thường vụ xem xét, kết luận sớm việc này để anh còn ổn định công tác. Anh nói ráo riết rằng: Nếu có bất cứ một biểu hiện nào về mối quan hệ bất chính với người khác về chê vợ, anh xin chịu kỉ luật nặng nhất, khai trừ khỏi Đảng. Nếu không, tỉnh uỷ phải thông báo cho các nơi thanh minh cho anh. Cả công văn huyện uỷ và đơn của Hiếu được gửi lên tỉnh rồi. Nhưng trong lúc phải tìm cách đối phó “bịt” dư luận anh vẫn đều đặn đi qua cây đa Phù Hoa đêm đêm. Lại thiếu ngủ. Lại ăn uống thất thường. Anh gầy xọp hẳn, hai mắt đã trũng sâu càng sâu thêm. Hàm răng cũng có thiên hướng “vẩu” thực sự.
Hiếu vẫn ngồi gục mặt xuống hai cánh tay ở đầu gối như thói quen mỗi khi anh ngồi xổm ở giữa sân. Mới hơn bảy giờ tối. Mẹ và con Huyền đã đi ngủ. Hai bà cháu biết bố nó độ này lo nghĩ căng thẳng, bà cháu phải tránh hết mọi nhẽ để khỏi “đụng” đến anh. Anh đang nghĩ khi bác Văn Yến về phải tìm cách gặp bác trước, nếu không “cụ” nghe ai đó đụng đến chuyện dư luận “quan hệ” “cụ” cứ gạt phắt đi một tiếng là xong. Biết đâu khi gặp, nghe mình trình bày cụ thấy phức tạp quá cũng gạt đi. Chao ôi, sao mà nhọc nhằn. Giá mà nó cứ thi cử hoặc bỏ tiền ra mà mua, còn đỡ hơn chạy vạy, nghe ngóng, lạy lục nhục nhã như thế này. Đang cơn quẫn bí thì có người cứu anh. Người ấy, một anh thượng uý trợ lí chính sách của tỉnh đội và cô chuẩn uý cũng làm chính sách của huyện đội đến báo anh cái tin sét đánh: hai thằng em anh đều có giấy báo tử. Có những nỗi đau vô cùng của người này lại là cứu cánh đắc lực cho người kia. Hiếu và hai cán bộ chính sách phải ra trụ sở đảng uỷ đóng kín cửa lại. Ngọn đèn bão không cần che chắn được khêu to. Anh cán bộ chính sách tỉnh giở các giấy tờ và hiện vật ra trước mặt. Hai hàng nước mắt lặng lẽ lăn trên má Hiếu. Thằng Mai đã hi sinh anh dũng trong một trận chiến đấu giữ chốt. Nó đã diệt được năm tên Mỹ thì bị trúng đạn của cả một trung đội địch bắn vào một mình nó. Khi đồng đội lấy được xác ra, đạn đã găm gần như kín người. Cái tin địch đưa trên đài, biến nó thành kẻ chiêu hồi là do chúng đánh vào hậu cứ trung đoàn bắt được hồ sơ của quân lực. Còn thằng Sau ở ngoài Bắc thì chỉ có giấy báo tử kèm với bằng khen và gói quần áo, không có người trực tiếp như ở đơn vị Mai về tận tỉnh giao bằng dũng sĩ, huân chương và bộ quân phục nhuốm máu mang kí hiệu K5. Anh cán bộ chính sách nói:
- Báo cáo anh. Đây là trường hợp nó đặc biệt quá. Ban chỉ huy tỉnh đội không dám quyết định xử trí như thế nào nên phải cho chúng tôi về xin ý kiến của anh. Tôi cũng xin trình bày dự kiến của chỉ huy có hai phương án. Một: tung tin bán tín, bán nghi dần dần. Độ ba bốn tháng sau nếu thấy có thể được, lựa thời điểm nào đó để báo cho bà cụ. Hai: có thể một vài tháng nữa báo cho Mai trước. Cũng là dịp công bố với quần chúng, thanh minh cho anh ấy. Rồi tuỳ theo, một hai năm sau ta báo nốt trường hợp thứ hai.
Hiếu:
- Tôi không thể nào ngờ nó lại quá đặc biệt như thế này. Tôi đề nghị các anh báo cáo tỉnh uỷ và huyện uỷ để xin chỉ thị. Nếu không, nhỡ nó xảy ra chuyện gì! Về phía tôi, tôi sẽ phải tìm mọi biện pháp để ổn định tư tưởng cho bà cụ nhà tôi. Tôi lo nhất bà cụ không đủ sức chịu đựng nổi.
- Đấy, cái chính là ở chỗ đó, báo cáo anh...
- Cho nên các anh có trách nhiệm báo cáo với tỉnh uỷ cho ý kiến sớm chủ trương và giao cho tôi hoàn toàn chủ động, khi nào thấy có thể được, tôi sẽ tổ chức báo tử.
- Báo cáo anh, được thế thì tuyệt vời rồi. Xin hứa với anh ngay ngày mai chúng tôi sẽ báo cáo với huyện uỷ, ngày kia về tỉnh, các anh chỉ huy chúng tôi sang báo cáo và xin ý kiến của thường vụ. Nhưng tôi tin chắc trăm phần trăm là thống nhất với ý kiến của anh vì chúng tôi làm tham mưu cho tỉnh uỷ việc này, tôi biết. Căn bản là không làm cho cụ bị “sốc” quá ảnh hưởng đến công tác tuyển quân của địa phương.
- Nếu tôi tổ chức báo ngay tuần tới có được không?
- Dạ tốt quá.
- Khi nào tổ chức báo tử những trường hợp của xã này tôi mời cả tỉnh về đấy.
- Chúng tôi, xin sẵn sàng. Thưa anh. Trường hợp này không những thủ trưởng tỉnh đội mà các đồng chí thường vụ tỉnh uỷ cũng có thể về. Xin anh cứ lo chuẩn bị cho tốt.
Một mình Hiếu ngồi lại giữa trụ sở hàng giờ đồng hồ. Hàng giờ đồng hồ bàng hoàng giữa sự mừng rỡ và nỗi đau xót. Mừng vì thằng Mai là dũng sĩ chứ không phải là tên phản bội; Nỗi nhục canh cánh cho cả mẹ và anh, cả họ hàng xóm giềng được tan ra. Nhưng. Cả hai thằng... Mai, Sau... cùng một lúc, liệu mẹ có chịu nổi nỗi đau này không? Trong đời anh, kể từ khi biết tính toán mọi điều chưa lúc nào anh thương mẹ, lo sợ cho mẹ thực sự như bây giờ. Nhưng ngay bây giờ anh vẫn là con người của những dự định cho công việc và sự nhạy cảm với những thời cơ. Dù bàng hoàng trước cái chết của hai thằng em, anh còn tỉnh táo nhận ra đại hội tỉnh đảng bộ vào cuối tháng sau. Phải tổ chức lễ truy điệu cho hai em trước đấy. Trước mất mát tang thương lớn lao của gia đình anh, không kẻ nào còn đủ nhẫn tâm hại anh. Anh đã hình dung toàn bộ công việc phải làm ngay lúc anh thượng uý chính sách đang nói. Tỉnh uỷ có về đây dự lễ hay không, không quan trọng. Quan trọng là anh còn ngại “dư luận” chuyện vợ con của anh, không nỡ “mổ xẻ” trước những lúc như thế này. Kể ra báo dần từng đứa như “phương án hai” của tỉnh thì mẹ đỡ đau đớn hơn. Nhưng ấn tượng tạo cho mọi người lại không mạnh. Anh cho người mời bố con anh Nạc và bác Từ đến trụ sở. Cả ba người ruột thịt của gia đình đều ngồi đờ ra ngơ ngác, như là không phải thế. Không thể nào có chuyện như thế. Anh Hiếu nói:
- Chỉ thị của tỉnh uỷ trong vòng 20 ngày nữa phải tổ chức báo tử, làm lễ truy điệu. Tuyệt đối không được gây sự xáo động tư tưởng nhân dân trước khi đại hội khai mạc.
Ngừng lại, như để ghìm nỗi đau đớn của mình và để cho các bác, cho anh ngấm những gì mình vừa nói, Hiếu giở cặp vải bạt lấy ra những di vật của các em. Mọi người run rẩy lần giở những bộ quần áo đẫm máu của Mai và chiếc áo sơ mi, cái quần ka ki xanh “Thượng Hải” thằng Sau mặc khi đi nhập ngũ, không ai cầm nổi nước mắt. Hiếu nghẹn ngào đọc những dòng chữ trong giấy báo tử và bằng khen, bằng công nhận dũng sĩ của các em. Để mặc hai hàng nước mắt chảy xuống má, anh nói:
- Việc của gia đình nhưng cũng là trách nhiệm của Đảng. Hai bác với anh xem giúp cháu như thế nào để “giữ” được mẹ cháu.
Bác Từ lúc này là chủ tịch mặt trận Tổ quốc, bác Mỡ là phó chủ nhiệm hợp tác. Ngoài tình nghĩa, hai người đều phải có trách nhiệm của đoàn thể và hợp tác đối với em gái mình. Nhưng cả hai bác vẫn im lặng. Đến khi ra về bác Từ mới hỏi:
- Liệu lúc nào thì có thể “hở” ra với mẹ anh?
- Từng bước một. Như thế nào, cháu xin báo cáo, xin ý kiến hai bác trước khi làm. Còn mẹ cháu, các bác cứ chuẩn bị phương án để các bác gái “bám sát” giúp cháu.
Nạc ở lại “hội ý”. Với tư cách là bí thư kiêm chính trị viên, Hiếu giao trách nhiệm “triển khai” cho xã đội trưởng Nạc:
- Ngày mai anh lên huyện đội xin cho mẹ tôi cái giấy khen!
- Về việc gì?
- Thiếu cóc gì việc. Tích cực tham gia phong trào “bạch đầu quân”, “Tổ trưởng tổ hội mẹ chiến sĩ xuất sắc”, “Gia đình quân nhân gương mẫu”... Thôi anh liệu mà bàn với các anh ấy.
- Tôi sợ các anh ấy không nghe.
- Anh bảo là tôi đề nghị để làm ổn định trong đợt báo tử này. Người ta đổi mạng hai con để lấy mảnh giấy khen bằng bàn tay, còn tiếc hay sao mà không nghe.
- Tôi muốn nói: mình làm thế nào đó cho nó đúng thủ tục. Cứ để dịp nào đó, mình phổ biến cho các xóm bình bầu rồi hướng người ta theo ý định của mình, lúc ấy đưa lên không ai nói vào đâu được.
Hiếu thấy mặt nóng bừng lên, muốn quát vào mặt anh: “Trường hợp này không thể đợi tuần tự như thế được, ông ngu ạ”. Nhưng anh phải cố kìm lại.
- Chỉ có một việc lên nói lại ý kiến của tôi như thế rồi về. Anh làm được hay không, nói một tiếng, không phải dài dòng.
- Nếu chỉ thế thì khó khăn gì. Mai tôi đi. Tôi muốn nói là...
- Thôi không phải bàn gì nữa. Sáng mai anh đi sớm, buổi trưa về cho tôi biết tình hình.
Đêm đó anh họp thường vụ. Rồi ngay từ sáng hôm sau nối tiếp nhau các hội nghị uỷ ban, đoàn thanh niên, phụ nữ, dân quân và các bô lão, ban quản trị hợp tác và các chi bộ họp trong cái không khí sụt sùi thương xót và kính phục, ai cũng muốn nhao đến ôm lấy bà Đất mà chia sẻ, mà an ủi, nhưng chỗ nào cũng được nhắc nhở “tuyệt mật”. Những “vòng vây” được khép chặt quanh bà Đất để “đưa tin” đến mức nào, ai nói nó đã chết, ai bảo nó còn sống, vẫn có người gặp nó đều có bố trí, có chỉ đạo. Bốn năm ngày giời hai bà cháu con Huyền hết khóc gào lên lại cười ngặt nghẽo về những tin thất thiệt, ai cũng bảo “đúng như thế” mà chả biết tin ai. Hơn 15 ngày sau, khi bà đã chán không muốn nghe ai thì toàn xã mít tinh mừng thành tích của các đơn vị “bộ đội làng” hành quân, tập luyện, bắn súng đạt kết quả chưa từng thấy. Các “chiến sĩ” lên nhận phần thưởng bằng giấy khen của huyện, của xã và hứa hẹn quyết tâm sẵn sàng lên đường giết giặc, dù có phải hi sinh không có ngày trở về thì cũng không hề ngại chùn bước. Những khẩu hiệu hừng hực vang lên. Các chiến sĩ quân giải phóng ở các trại an dưỡng của tỉnh được mời về để kể chuyện chiến đấu và gương hi sinh của bà má miền Nam. Có người: cả chồng và bốn con cùng hi sinh một lúc, người vợ, người mẹ ấy vẫn không gục ngã. Vẫn xin được đưa đường cho bộ đội chiến đấu trả thù cho chồng con má. Trong không khí hào hùng ấy bà mẹ Bùi Thị Đất người mẹ đã gửi cả hai người con thân yêu của mình ra mặt trận, mẹ ở nhà vẫn là một “mẹ chiến sĩ” xuất sắc nhất xã Ngoại Thượng, được huyện đội tuyên dương và trao giấy khen cho mẹ. Cầm tờ giấy khen trên hai bàn tay lật bật bà được dắt lên bục. Bà đi như lạc vào cõi huyền bí mà bước chân như cứ hẫng phải níu chặt lấy tay người dẫn bà. Bà nói:
- Tôi xin hứa là tôi “cam quyết” học tập các bà mẹ ở miền Nam. Nếu không may cả hai đứa con tôi có hi sinh tôi cũng phấn đấu làm tròn phận sự trong tổ hội mẹ.
Tiếng vỗ tay dậy lên, cùng với tiếng khóc thút thít đâu đó mà bà mẹ Đất không để ý. Hiếu xô đến đỡ lấy mẹ khen:
- Mẹ nói hay quá. Nhưng mẹ ơi, có giấy báo tử thật, tôi vừa nhận được.
- Làm sao? Làm sao? Anh bảo gì cơ?
- Có giấy báo tử của các em. Người ta vừa đưa cho tôi. Mẹ lên ngay nói cho mọi người biết là mình không hứa suông.
Lúc bấy giờ ông Từ xốc nách em trở lại các bục kê trên nền làm sân khấu. Bà Đất tì ngực vào bục cho khỏi ngã, để hai tay giơ ba bốn tờ giấy lên.
- Bà con ơi, tôi có giấy báo tử của các con tôi thật rồi đây... ây... tôi không nói dối đâu...
Bí thư huyện uỷ ngồi ở hàng ghế đầu chạy lên đỡ lấy bà. Ông cầm lấy những tờ giấy nói:
- Đây là bằng khen và bằng dũng sĩ diệt Mỹ của đồng chí liệt sĩ Nguyễn Văn Mai. Đây là bằng khen của liệt sĩ Nguyễn Văn Sau. Tôi xin thay mặt cho Đảng bộ và nhân dân toàn huyện, biết ơn người mẹ anh hùng, bất khuất, trung hậu đảm đang của bà mẹ Bùi Thị Đất người đã sinh ra và nuôi dạy được hai chiến sĩ kiên cường của chúng ta, tôi xin...
Tiếng khóc kìm lại, tiếng sụt sịt ở cả sân cũng cố kìm lại, cuộc mít tinh của hàng nghìn con người như biến thành đám tang khổng lồ. Bí thư huyện uỷ dìu bà xuống ngồi ở hàng ghế danh dự, cạnh ông. Hàng chục người mẹ, người vợ bộ đội lau nước mắt chạy lên bục “xin học tập tinh thần hi sinh cao cả của bà mẹ Đất”. – “Noi gương bà mẹ Đất chúng tôi xin động viên chồng con mình...” Và hàng chục nam nữ dân quân, “bộ đội làng” lên xin nhận làm con nuôi của mẹ để được “noi gương tinh thần quyết tử của các anh Mai, Sau”.
Chuyện Làng Cuội Chuyện Làng Cuội - Lê Lựu Chuyện Làng Cuội