Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Chương 8
T
uy nhiên, hôm sau đại úy bắt đầu hành động một cách khác thường. Ông lại đi kiếm con vẹt xanh ở đâu đó và huấn luyện cho nó đậu trên vai. Con chim đã bị bỏ quên một thời gian lâu như thế nên lông đã xù cả ra.
"Này, này," đại úy vừa nói vừa vuốt lông con chim. "Tệ quá, chẳng ai thèm để ý đến mày, nhưng từ nay trở đi tao sẽ trông nom mày cẩn thận. Và mày phải học nói tiếng Nhật hộ tao nhé."
Con vẹt rùng mình như thể sung sướng quá chừng. Nó ngoắp cái mỏ cứng rắn nhiều lần, rồi thè cái lưỡi giá lạnh, đen xì, mềm mại ra tay đại úy.
Sau đó, đại úy chia phần ăn hàng ngày của ông cho con chim. "Ê, Mizushima!" Ông thường nói, và khi con vẹt nhắc lại câu ấy, ông để cơm vào lòng bàn tay cho nó mổ mà ăn.
Rồi ông lại nói: "Chúng mình trở về Nhật Bản..." Khi con chim nhắc lại như thế, đại úy cho nó ăn một ít thịt. Và rồi "... cùng nhau trở về!" Đại úy cho nó ít ngapi. Rồi ông lại bảo con chim nhắc cả thành một câu.
Ông cứ làm thế đến khoảng mười ngày, cuối cùng đến khi vừa lúc đại úy mở hộp đồ ăn ra là con vẹt đã the thé thốt ra những tiếng này.
Chẳng ai hiểu tại sao đại úy lại làm như thế. Cứ mỗi khi ông bắt đầu công việc này, chúng tôi đều nhìn nhau lo âu tự hỏi phải chăng ông đang bị khủng hoảng tinh thần, buồn bã vì chuyện Mizushima. Dầu sao, chúng tôi cũng cảm thấy một nỗi buồn vô vọng hòa lẫn với sự lo lắng khi vào nửa đêm con chim kêu the thé dựng tất cả anh em chúng tôi dậy: "Ê, Mizushima! Ê, Mizushima! Chúng ta cùng nhau trở về Nhật Bản".
Cuối cùng người lính già nói thẳng ra thành thật và mộc mạc: "Thưa đại úy", ông nói, "dậy con chim nói như thế có ích lợi gì chăng? Cho dẫu có cảm thấy buồn đến mấy về cái chết của Mizushima, đại úy cũng chẳng nên buông xuôi như thế. Đại úy sai chú ấy đi công tác nhưng thế không có nghĩa là đại úy bắt chú ấy phải chết. Sau khi hoàn thành công tác một cách tốt đẹp, hẳn Mizushima phải mãn nguyện là đã không chết một cách vô ích. Nhưng nếu đại úy cứ buồn rầu, và con chim cứ lai nhai hết ngày đêm gọi tên chú ấy nó sẽ làm hại tinh thần tất cả anh em. ‘Trong cảnh sống làm tù binh chiến tranh này tinh thần là yếu tố rất cần thiết - khi ai nấy đều nóng lòng muốn trở về quê hương xứ sở, mọi người sẽ bị khủng hoảng. Vì thế, xin đại úy cố gắng giữ cho tinh thần anh em lên cao mới được".
Sự im lặng đau đớn bao trùm một lúc. Thế rồi đại úy ngập ngừng trả lời:
"Làm như thế có vẻ vớ vẩn thật đấy, song tôi không thế vứt bỏ hy vọng. Bằng mọi cách tôi muốn biết sự thật về vị tu sĩ ấy. Nếu ông ta không phải là Mizushima, thì thế là xong rồi.
Tuy nhiên, tôi không thể ngồi im bỏ lơ mọi chuyện.
"Điều khó khăn là tôi không có cách nào liên lạc với ông ta, vì thế cho dẫu không có gì chắc chắn, tôi mới nghĩ thử dùng con vẹt này xem sao. Có cách nào khác để tôi có thế gửi tin đi? Tôi đã huấn luyện con chim đủ rồi, và bây giờ tôi muốn nó nói những tiếng ấy cho người tu sĩ ấy nghe lần tới khi ông ta đến đây. Hai con chim là anh em, vì thế con chim của chúng ta tất sẽ bay đến chỗ con chim kia. Tôi rất tiếc là đã làm phiền tất cả anh em, nhưng tôi hy vọng anh em sẽ cố gắng chịu đựng hơn chút nữa để xem kế hoạch này có đem lại kết quả không".
Chúng tôi nghĩ đại úy đã làm thế là vì anh em; chúng tôi bắt đầu thay phiên nhau cho con chim ăn và dậy nó nói nhiều thứ hơn nữa.
Tuy nhiên, người lính già vẫn còn lo lắng về đại úy, và ông ta nhìn con chim với cặp mắt giận dữ. Sau đó, ông thường lắc đầu thở dài sườn sượt.
Dầu sao trước đó đại úy đã làm hết cách để dò hỏi tin tức về Mizushima, nhưng luôn luôn thất bại. Trước đó ông đã giải thích tất cả vấn đề cho viên Sĩ quan Anh quản đốc trại giam nghe và hỏi liệu viên Sĩ quan ấy có thể tìm ra manh mối nào về anh ấy không. Viên sĩ quan này rất tử tế; ông ta đã dò hỏi nhiều lần song không có kết quả. Đám lính Anh chiến đấu a mặt trận trên đỉnh núi hình tam giác đã hồi hương hết rồi. Những tù binh Nhật bị thương đã dược đưa từ Mudon tới nơi nào đó và rồi dược chỉ định đến nhiều y viện tùy theo tình trạng của họ. Không ai biết họ ở đâu. Là tù binh chiến tranh, cho dù có biết, chúng tôi cũng không thể ra đi điều tra được. Những gì quân đội Anh có thể cho chúng tôi biết ấy là tình hình cho thấy người ấy đã chết rồi.
Thế rồi đại úy lại viết một lá thư nữa, chủ ý nhờ gửi tới tay vị tu sĩ ấy. Lá thư có đoạn, viết: "Nếu chú là Mizushima, xin hãy trở về với anh em - chú không hiểu anh em đã nhớ nhung chú ra sao. Đối Với chú, cho dù trở về có gây khó khăn đến thế nào đi nữa, vấn đề ấy cũng sẽ được giải quyết. Tôi bảo đảm điều ấy. Ít nhất cũng nói cho anh em hay tại sao chú lại cải trang mà đi quanh quẩn như thế”
Sau đám rước tang lỗ ít lâu, trước khi con vẹt đã huấn luyện thuần thục, bà lão bán hàng lại đến thăm chúng tôi. Đại úy đưa bà lá thư và nhờ trao cho ông sư có con vẹt xanh ấy. Nhưng bà lão vội vã giẫy nảy như thể bị bỏng.
"Ồ, không, không đời nào!" Bà kêu to. "Tôi sẽ chẳng bao giờ đưa thư nữa dù ngay đức Phật có bảo! Trước đó đã bị mắng thậm tệ vì làm như thế nên bà lão không dám làm theo.
Vì không thể thuyết phục bà lão cầm lá thư, đại úy đành nhờ bà tìm xem vị tu sĩ ấy là ai. Nhưng bà lão cũng từ chối luôn cả việc này. Đại úy năn nỉ hết lời, đoạn ông biếu bà cái đồng hồ đeo tay nói rằng để tặng con trai bà. Cuối cùng bà miễn cưỡng đồng ý để xem có thể nghe ngóng ra sao.
"Nhờ bà hỏi xem lần đầu tiên ông ấy đến đây lúc nào", đại úy nói. "Nhờ bà hỏi hộ có phải ông ấy đánh đàn thụ cầm và cái hộp sắt ông ấy đeo ở cổ trong đám rước tang lễ hôm nọ là gì?"
Bà lão lắng nghe, dáng vẻ nghi ngờ, hai tay chống nạnh, bàn tay áp chặt trên hai hông đít mập mạp, rồi trở nên bực bội. "Thật tức cười!" Bà nói một cách dè bỉu. "Ông muốn hỏi như thế để làm gì! Miến Điện có nhiều tu sĩ. Các người đi đó đi đây, rất nhiều vị chơi đàn thụ cầm và cái mà các người đeo ở cổ có động chạm đến ai đâu! Thay vì bận tâm về những điều vớ vẫn như thế, lính Nhật các ông cần phải ngoan đạo hơn nữa!".
"Dạ, chúng cháu biết, thưa bà" đại úy nói, "nhưng dù sao cũng xin bà tìm ra hộ chúng cháu. Nếu vị tu sĩ ấy là người tốt, chúng cháu sẽ theo học để trở nên ngoan đạo hơn".
Sau vài lần năn nỉ, hối thúc nữa, bà lão đồng ý thử xem.
Trong lúc chờ đợi bà lão trở lại, đại úy nóng lòng sốt ruột nên lại yêu cầu viên sĩ quan Anh cho điều tra lần nữa. Nhưng lần này người Anh ấy từ chối, không cứu xét vấn đề, bởi vì câu chuyện đại úy của chúng tôi nói ra có vẻ huyền hoặc quá đi.
Mới đầu cái người Anh vai rộng to béo ấy gieo mình xuống cái ghế và lịch sự lắng nghe, nhưng sau đó một vẻ nhìn nghi ngờ hiện ra trong đôi mắt xanh của ông ta, và bộ ria mép bắt đầu mấp máy. Đoạn ông phá ra cười:
"Một vài tiếng đàn bồng bềnh trong gió nhẹ - và ông tin là một người đã chết đang sống lại! Kể cũng hay hay, thực là thú vị quá chừng. Chắc ông đang mơ màng!".
Đại úy chẳng nói được gì.
Trong khoảng thời gian con vẹt được huấn luyện kỹ lưỡng thì bà lão trở lại. Như thường lệ, bà nói dông dài hết chuyện này sang chuyện khác, giọng lanh lảnh, nhưng không đả động gì đến đầu đuôi câu chuyện. Đến lúc đại úy gạn hỏi tin tức thì bà mới kể cho chúng tôi nghe như sau:
"Ừ phải, vị tu sĩ ấy là một người kỳ diệu. Người không phải là tu sĩ thường. Người rất thánh thiện. Bất kỳ chùa nào người đi tới, dân chúng cũng dành chỗ danh dự và dâng lễ vật biếu người. Hẳn người đã học hỏi ghê gớm lắm ngay từ lúc còn nhỏ tuổi! Người đeo một tấm băng đặc biệt ở tay, các ông biết đấy, và như thế có nghĩa là người là một tu sĩ khác những vị khác - người được người ta gọi là "Thày" bất kể đi tới đâu. Cái băng ấy là một đai thép nhỏ có một đoạn trong bài kinh Phật, buộc vào cánh tay người bằng một sợi dây. Chi có một vị tu sĩ đức độ hoặc uyên bác hay một vị nào đó làm được việc gì đặc biệt ý nghĩa mới có thế đeo tấm băng như thế. Khi nhìn thấy tấm băng ấy các' vị tu sĩ khác đều cúi đầu chào và nhường bước
"Và còn như cái hộp sắt ấy đeo ở cổ người, cái hộp mà các ông đều thắc mắc vâng, tôi có hỏi vị tu sĩ khác có gì ở trong đó, vị ấy đã tò mò có lần lén lút nhấc lên xem và thấy nó rất nhẹ. Các người nói trong đó có một viên ngọc hổ phách to tướng. Vài vị khác bàn tán về viên ngọc ấy, và nói Miến Điện là xứ nổi tiếng về những viên ngọc đỏ chót, nhưng chưa bao giờ mình lại nhìn thấy một viên ngọc kỳ diệu như thế, to quá là to và đỏ ơi là đỏ. Các vị ấy cho là hẳn người có ý định dâng viên ngọc ấy để tưởng niệm những người lính Anh đã chết.
"Dù sao, người cũng hãy còn trẻ lắm, nhưng người là vị tu sĩ khiến mình thấy rất cảm mến đến muốn khóc. Thỉnh thoảng người có lên đây trong thành phố Mudon này, nhưng các vị khác nói phần nhiều người lẽo đẽo khắp vùng quê đi lên núi, đi xuống thung lũng làm lễ khắp nơi". Thế rồi bà lão ấp úng trong miệng điều gì đó nghe như lời trong bài kinh Phật.
Bà lão đã đập tan hết hy vọng của chúng tôi. Một người tu sĩ hăng hái như thế chẳng thể là một người lính đào ngũ trong đám anh em. Hơn thế, nếu cái hộp sắt ấy chứa đựng viên ngọc đỏ thì nó cũng chẳng có liên hệ gì với phong tục Nhật Bản cá và chắc chắn là nó không minh chứng rằng tu sĩ ấy là người Nhật, mặc dù ông đeo cái hộp ấy. Tất cả chúng tôi từng bám víu vào niềm hy vọng mơ hồ rằng Mizushima hãy còn sống đều thất vọng hoàn toàn. 'Chúng tôi đã nghĩ nhờ bà lão đem con vẹt xanh bây giờ đã được huấn luyện rồi để lên vai người tu sĩ ấy, nhưng chúng tôi đã bỏ luôn việc này.
Đêm ấy, lúc anh em đang mở hộp đồ ăn, con vẹt nghe thấy tiếng lách cách bèn từ trên xà cao thốt lên the thé: "Ê, Mizushima! Chúng ta hãy cùng nhau trở về Nhật Bản!".
Một anh nhìn lên và nói: "Câm đi! đây cũng còn chẳng biết ngày nào trở về Nhật Bản nữa là, chứ đừng nói Mizushima".
Đại úy có vẻ chán nản. Rõ ràng là sự chịu đựng cực nhọc kéo dài đã bắt đầu xuất hiện trong ông; ông không ngủ được, đầu óc ông căng thẳng và dễ xúc động như thể đang đau đớn. Người lính già tìm đủ cách làm cho ông vui vẻ.
Người lính già đem thả con vẹt vào rừng, nhưng chẳng bao lâu con chim lại trở về với chúng tôi, lông bù sù và trèo lên cái sào cũ trên mái nhà mà đậu.