Số lần đọc/download: 2488 / 37
Cập nhật: 2016-06-03 16:20:58 +0700
Chương 12: Những Sửa Soạn Cho Trận Trân Châu Cảng - Ðông Dương: Giọt Nước Tràn Ly
N
gười Mỹ ngày càng mất dần tin tưởng vào thiện chí của người Nhật, và do đó đã có những sự phối trí mới về hạm đội Mỹ. Tháng 2-1941, hạm đội tại Trân châu cảng được đổi tên là Hạm đội Thái Bình Dương do đô đốc Kimmel chỉ huy. Một lực lượng hải quân nhỏ khác tại Viễn Ðông do đô đốc Hart chỉ huy được gọi là Hạm đội Hoa Kỳ Á Ðông. Ðầu năm 1941, mẫu hạm Yorktown từ Thái Bình Dương được chuyển qua Ðại Tây Dương, mặc dù lúc đó Mỹ chưa tham chiến tại Âu Châu, để đương đầu với một hạm đội nhỏ của Ðức. Tổng số lực lượng mẫu hạm của Hoa kỳ lúc đó gồm bốn mẫu hạm tại Ðại Tây Dương và ba mẫu hạm tại Thái Bình Dương, trong khi Nhật có tới mười mẫu hạm.
Tình hình thế giới năm 1941 rất là suy đồi và dễ dàng đưa tới đại chiến, vì cuộc tiến quân liên tục của Nhật tại Á Châu và của Ðức tại Âu Châu. Tháng 7-1941 Nhật tuyên bố chính phủ Vichy của Pháp đã đồng ý cho Nhật đồng bảo hộ Ðông Dương và quân Nhật tiến vào bán đảo này. Hành động của Nhật tiến vào Ðông Dương như là giọt nước cuối cùng làm tràn ly, khiến Hoa Kỳ không thể nhân nhượng mãi và phải có thái độ. Hoa Kỳ phong tỏa các tài sản trương mục của Nhật tại Hoa Kỳ. Ðiều này có nghĩa là Nhật không thể mua dầu hỏa được nữa. Nếu không có dầu hỏa thì bộ máy chiến tranh của Nhật sẽ bị tê liệt.
Hoa Kỳ cùng với Anh và Hòa Lan áp dụng những biện pháp kinh tế trừng phạt Nhật Bản. Nhưng cuộc trừng phạt kinh tế này hơi trễ vì Nhật đã mua của Hoa Kỳ rất nhiều dụng cụ quốc phòng rồi và cũng đã mua dự trữ nhiều thép cần thiết cho việc chế tạo vũ khí. Tuy nhiên việc phong tỏa dầu hỏa là một đòn sinh tử cho Nhật, vì Nhật phải nhập cảng nhiên liệu ngoại quốc. Ðô đốc Yamamoto đòi kiểm kê số tồn trữ dầu hỏa và được biết Nhật lúc đó có 6 triệu 450 ngàn tấn dầu, đủ dùng cho 18 tháng. Dù Nhật hết sức tiết kiệm thì cũng chỉ đủ dùng trong ba năm.
Do đó việc cấm bán dầu cho Nhật đã là một tối hậu thư. Nhật Bản phải tuân theo ý muốn của Hoa Kỳ để có dầu hay phải khai chiến? Lục quân có một kế hoạch chiếm các mỏ dầu tại Nam Dương, nhưng Yamamoto lo ngại rằng trong lúc Nhật tung quân chiếm các mỏ dầu Nam Dương mà hạm đội Mỹ tại Trân châu cảng mở cuộc tấn công vào lãnh thổ Nhật thì sao? Tham mưu trưởng hải quân Nhật, đô đốc Nagano, đề nghị tung hết lực lượng hải quân Nhật ra chiếm Nam Dương thật mau lẹ để hải quân Mỹ không kịp trở tay. Hải quân Nhật tin tưởng rằng trong trường hợp có chiến tranh, hạm đội Mỹ sẽ phải tiến tới phía tây Thái bình dương, và như thế hải quân Nhật có lợi điểm được nghênh địch ngay tại vùng biển quen thuộc gần nhà.
Vào thời kỳ đó các tư lệnh hải quân Nhật chưa hề nghĩ tới việc đem hạm đội Nhật tới tận vùng biển Hawaii để tấn công hạm đội Mỹ. Ðô đốc Yamamoto luôn luôn lo lắng hạm đội Mỹ sẽ tấn công trong lúc phần lớn hạm đội Nhật bận đi đánh chiếm Nam Dương, và trong trường hợp ấy, ông không nghĩ ông có thể đương đầu với hạm đội của Mỹ được. Yamamoto muốn ra tay trước để ngăn chặn hiểm họa bị tấn công. Yamamoto muốn tấn công tiêu diệt hạm đội Mỹ ngay tại căn cứ Trân châu cảng, đặc biệt là phải diệt cho bằng được lực lượng mẫu hạm địch. Ðây là một ý tưởng thật táo bạo. Yamamoto nghĩ rằng nếu không hạ được hạm đội Mỹ tại Hawaii thì cán cân sức mạnh dần dần sẽ nghiêng về phía Hoa Kỳ. Yamamoto cũng học được bài học trong trận Trung Nhật chiến tranh đã kéo dài, dai dẳng bất phân thắng bại, và gây hao tổn quá nhiều cho Nhật Bản. Chắc chắn Nhật Bản không thể tham gia một cuộc chiến kéo dài như thế được nữa. Nhật Bản cần phải ra tay bất thần và tạo được một chiến thắng thật mau lẹ ngoạn mục, đánh một đòn chí tử khiến địch thủ không hy vọng quật khởi lại được.
Ðối với đa số các đô đốc Mỹ thì vị trí của căn cứ hải quân Trân châu cảng thực là bảo đảm, địch quân không thể tấn công được. Nhưng Yamamoto đang âm thầm tính toán một cuộc tấn công bất thần, làm tê liệt hải quân Mỹ tại Thái bình dương.