Số lần đọc/download: 2006 / 47
Cập nhật: 2015-11-21 22:31:35 +0700
Chương 12
L
oài ve hết ca những điệu nhạc buồn bã ray rứt. Chấm dứt ba tháng hè. Thầy giáo đã trở về. Học trò đã trở về. Thị xã Thái Bình lại sinh động trong ngày khai trường. Thằng Vọng đã bớt buồn vì cha nó mất mà vui vẻ lên vì học lớp nhì 1 được thầy Hoan nâng đỡ và giáo hóa học trò. Khiến Vọng khỏi bị hành hạ. Những tiếng kẻng đầu tiên của niên học mới đã vang lên. Vọng vào lớp nhì 2. Nó hồi hộp lo lắng. Rồi buồn nản. Thầy dạy lớp nhì 2 năm nay là thầy Tri, Lại Văn Tri.
Thầy Tri dân Thái Bình. Thầy dạy học lâu năm, già nua và ốm yếu. Thầy lại nghiện thuốc phiện, chẳng cần nghĩ dạy học là cần thiết như thầy Hoan. Thầy không chú ý tới thằng học trò nào, trừ những thằng có cha mẹ đã chịu khó biếu quà cáp thầy dịp tết nhất. Vọng bị ngồi cuối lớp. Vinh dự thay, nó được xóa bảng, giặt sạch giẻ lau bảng thường xuyên!
Học trò đã quên bài Đứa bé cao thượng của thầy Hoan, lại chế riễu, bắt nạt Vọng. Nạn chế riễu lan sang lớp nhì 1 và lên lớp nhất. Cái áo chùng thâm của Vọng đã bạc phếch, ngắn đến đầu gối. Cái quần chúc bâu trắng đã ngả mầu cháo lòng, cụt trông thấy mắt cá. Vọng mới bị ghẻ. Chiếc màn của nó đã rách tung. Muỗi vào cả đàn, muỗi khiêng Vọng ra cống Kỳ Bá. Nó ngủ say sưa. Muỗi tha hồ đốt. Vài ngày muỗi tung hoành, ghẻ đã tứ tung. Vọng lại lười tắm nên gãi chẩy cả máu. Cái ghẻ ăn sâu vào da nó. Không có xà phòng đen tắm gội, Vọng biến thành Vọng ghẻ tầu.
Vọng đến trường, tìm chỗ vắng gãi ghẻ. Khi nó gãi, bàn tay đan vào nhau cựa quậy. Y như thầy cúng bắt quyết. Mẹ nó mải đi bán xôi chè, chả nghĩ gì về bệnh ghẻ của nó. Bọn học trò ghét Vọng, khám phá ra một lối trên chọc ác độc. Nhà văn Tô Hoài viết truyện ngắn khôi hài Ghẻ đặc biệt trên báo Phổ Thông bán nguyệt san, cười muốn chết. Nhân vật chính của ghẻ đặc biệt là thằng Hoa. Lớp nhì 2 bắt thằng Hoa sống lại, sống thật tại trường Monguillot. Đó là thằng Vọng! Áo chùng của nó viết đầy phấn: Vọng ghẻ tầu. Nó phải dạ, vâng làm theo ý bọn học trò muốn. Tên Vọng gọi là: Hoa.
Vọng khổ sở vì bệnh ghẻ ít mà lối trêu chọc ghẻ tầu nhiều. Không lâu, tài đá bóng của nó đến tai thằng Vũ lớp nhì 1, nó hết bị hành hạ. Những cú sút ngả bàn đèn đã cứu Vọng. Vũ bốc Vọng đá cho đội bóng lớp nhì 1 của nó trả thù An Tập. Vọng nhận lời. Và tình thế trường Monguillot thay đổi.
Vọng nhớ rõ một lần nó bị thằng Hách xưng là bố, đòi đưa tay ghẻ cho nó xem. Vọng nín thinh. Thằng Hách bảo Vọng là đồ câm, đem mẹ Vọng ra chửi bới, gọi tên Hoa-Vọng, Vọng-Hoa ầm ỹ, khiến học trò kéo tới xem đông. Thằng Hách cứ con mụ xôi chè bêu riếu. Vọng chịu đựng. Nước mắt Vọng ứa ra, ném cái cặp da cũ nát xuoống sân trường và lậy thằng Hách, bảo nó sai gì Vọng làm nấy, nhưng đừng nói tới mẹ Vọng. Hách cười khoái chí. Đang lúc quân gian bắt nạt người yếu thế, hiệp sĩ Triều Dương Hiệp, tức Dã Tượng, tức thằng Vũ xông vào. Vũ xưng bố với thằng Hách vì thằng Hách dám xưng bố với Vọng. Vũ bảo thằng Hách nhặt cái cặp của Vọng lên. Thằng Hách văng tục, lao vào đánh Vũ. Vũ cho thằng Hách đo ván. Vũ đặt chân lên mặt thằng Hách, ra lệnh cho thằng Hách bò ra chỗ cái cặp lấy trao Vọng, xin lỗi Vọng. Thằng Hách vâng lời răm rắp. Vũ nói lớn:
- Từ nay, bất cứ ở đâu, ông mà thấy mày bắt nạt thằng Vọng, thì ông đánh bỏ mẹ!
Câu ấy răn đe thằng Hách, răn đe cả trường. Vũ đã giải thoát cuộc đời Vọng. Thầy Hoan chỉ giải thoát đời Vọng chưa đầy một năm.
Nhờ những cú sút ngả bàn đèn, xuyên chỉ qua kim, trồng cây chuối, Vọng đã rửa nhục thua trận An Tập cho Vũ, cho Côn, cho Luyến, cho lớp mhì 1, cho trường Monguillot. Vọng đã nổi danh ầm ầm. Thằng Hách và những thằng ghét Vọng, bây giờ gần gũi Vọng, công kênh Vọng và ca ngợi Vọng. Vọng tưởng Vũ đã đem mình lên chỗ vinh quang. Vọng lầm. Vọng chưa biết, không biết cái vinh quang ấu thời của Vọng do chính Vọng tạo ra, làm nên. Không có những cú sút thần sầu, Vọng không thể giải thoát mẩu đời tuổi ngọc của Vọng. Thằng Vũ đã thành thật nói: Không có mày, chúng tao thua An Tập bét tĩ. Vọng nghĩ: Không có nó, ai đưa mình từ chỗ tăm tối ra ánh sáng. Ôi một thời thơ ấu có bao lâu trong đời ta! Cứ để Vọng biết ơn Vũ. Là được rồi.
Từ đó, từ ngày biết thằng Vũ, thằng Côn, thằng Luyến, Vọng sống với ngày vàng tưởng chừng chẳng bao giờ đến. Vũ và Côn tặng Vọng quần áo. Vọng vất áo chùng thâm cũ kỹ, quần dài chúc bâu ngắn cũn cỡn đã ngả mầu trắng sang mầu cháo lòng. Nó mặc âu phục đi học. Luyến cho cái màn mới tinh. Côn cho xà phòng thơm tắm gội, xà phòng đá giặt quần áo, xà phòng đen chữa ghẻ. Vọng thấy cuộc đời nghèo khó của nó được ôm bằng những vòng tay trìu mến. Cứ thế Vọng sống. Cứ thế Vọng học. Cứ thế Vọng đá bóng. Cứ thế Vọng mơ đỗ đít lôm...
Cho đến hôm Vũ đánh thằng Huấn, con lão cẩm dẫn sen đầm đến trường bắt thầy Đàn, thầy của Vũ, Côn, Luyến về tội làm cách mạng. Vũ thương thầy, bực tức vô cùng. Nó đánh thằng Huấn chỉ vì thằng Huấn cười lúc thầy bị khóa tay. Vũ đánh thằng Dương, con lão phó cẩm, để bênh Thúy, đến nỗi bị đuổi học. Nó đi lên Hà Nội. Đã có thằng Côn bao bọc Vọng, che chở Vọng.
Thầy Hoan bận bịu, mãi mới đến thăm Vọng. Mỗi tháng thầy vẫn cho Vọng hai đồng. Thầy Hoan tâm sự:
- Thầy theo rõi con luôn à.
- Thưa thầy, nhờ ơn thầy.
- Mẹ con khỏe chứ?
- Dạ, thưa thầy, mẹ con già đi nhiều.
- Thầy cũng già đi, có sao! Mỗi người đều ôm một nỗi khổ của riêng mình. Mẹ con lao động chân tay. Thầy lao động trí óc. Lao động chân tay sung sướng hơn lao động trí óc. Một người làm xong việc thì ngủ. Một người làm xong việc thì suy nghĩ. Có những vấn đề chưa giải quyết ngay đưọc thì tức tối, khó chịu, buồn bã. Buồn nó già đi. Con hiểu chưa?
- Thưa thầy, con hiểu rồi ạ!
- Con phải thương mẹ con nhiều hơn.
- Thưa thầy, vâng ạ!
- Phải vươn tay dài thành cái gậy cho mẹ con bước đi thoải mái trên cây cầu nheo nhóc.
- Thưa thầy, vâng.
- Dạo này, con sống đỡ không?
- Thưa thầy, Vũ và Côn cho con đủ quần áo thay đổi đi học. Còn cho cả mẹ con nữa. Các anh ấy cho màn, xà phòng, giục con chữa bệnh ghẻ...
- Thằng Vũ có lòng lắm.
- Thưa thầy, anh Vũ...
- Nó đánh thằng Hách vì bạn. Nó đánh thằng Huấn vì thầy. Trên đời khó kiếm những ai vì thầy, vì bạn mà lao vào chỗ khốn khổ. Thằng Vũ không sợ nhà giầu. Nó đặt chân lên mặt thằng Hách, chấp cả bọn nhà giầu. Nhà giầu phản ứng gì đâu. Nó hạ thằng Huấn, chấp cả bọn quyền thế. Quyền thế nhỏ nhen, chỉ đuổi học thằng Vũ.
- Thưa thầy...
- Bố con đã dạy con: Nhà giầu và quyền thế có ghét con, đánh con, chửi con, vu vạ con, hãy cúi đầu chịu đựng. Con có được cúi đầu chịu đựng không? Học trò con nhà giầu lớp nhì 1 tha cho con, vì nể thầy. Lên lớp nhì 2, cái bản chất của nó lại sống dậy với nó. Là hành hạ con. Mãi mãi. Nếu không có kẻ anh hùng như thằng Vũ, con tuân lời bố con, phải cúi đầu chịu đựng đến bao giờ?
- Thưa thầy...
- Phải can đảm ngẩng mặt lên. Như thằng Vũ. Mới bỏ được nổi tự ti nhà nghèo.
- Thưa thầy, con sẽ học anh Vũ.
- Tốt. Dạo này, bọn nhà giầu trong trường hết bắt nạt con, phải không?
- Thưa thầy, phải.
- Con biết tại sao không?
- Thưa thầy, nhờ thầy, nhờ anh Vũ.
- Nhờ cả con nữa. Thầy và Vũ hỗ trợ con thôi. Mai này, con có hành động một điều gì quyết liệt, thành công hay thất bại, do con cả. Nhớ nhé!
- Thưa thầy, vâng.
Rồi thầy Hoan về. Có lẽ thằng Vọng may mắn nhất trần gian. Nhờ nghèo khổ, nó mới gặp được nhà văn Nguyễn Công Hoan thương yêu và che chở. Đọc khá nhiều tác phẩm của thầy, Vọng chưa thể so sánh với những nhân vật trong Bước đường cùng. Đớn đau và tê tái. Mùa hè năm 1944, Vọng sống êm đềm với Côn và Luyến. Thỉnh thảng Vọng tới thăm gia đình Vũ, nói chuyện đá bóng cho thằng Khoa nghe. Nó sống vui cùng bạn bè, tâm hồn tươi sáng và nổi buồn dìu dịu. Lần đầu tiên, Vọng thấm nỗi buồn dìu dịu nhớ Trường cũ khi nghỉ hè:
Bao tháng ngày xa vắng trôi
Còn đâu nếp trường xưa
Xa vắng càng thiết tha mong
Bên mấy khung song thưa
Say đắm từng gian lớp xưa
Lòng xao xuyến tình thơ
Cây bàng xưa nay lá tốt xanh tươi
Trạnh lòng ai nhớ tiếc khôn nguôi.