Nguyên tác: The Silence of the Lambs
Số lần đọc/download: 47398 / 4762
Cập nhật: 2015-08-11 23:30:32 +0700
Chương 12
Clarice Starling nhận ra tấm bảng “Khu Biệt Thự Stonehinge” mà cô đã thấy trên ti vi. Toàn bộ khu nhà ở này của vùng Đông Memphis, một hỗn hợp tòa nhà cao tầng và nhà biệt lập, tạo thành hình chữ U lớn quanh bãi đậu xe.
Clarice đậu chiếc xe Chrevolet thuê ngay giữa. Đây là chỗ ở của các công nhân có tay nghề được trả lương cao và các cán bộ trung bình. Các xe lưu động cắm trại cho các kỳ nghỉ cuối tuần và những chiếc môtô trượt tuyết với màu sắc rực rỡ được cất riêng một nơi.
Khu Biệt Thự Stonehinge, cách dùng chữ này làm cho cô bực mình. Các căn hộ chắc đầy đồ vật bằng mây trắng và lông hồng mượt mà. Với các tấm hình nghiệp dư dưới tấm kính của cái bàn, vài quyển Nấu ăn cho hai người và Bí quyết các món phô mát nấu trong rượu vang trắng. Clarice chỉ có trường FBI là gia đình, nên không mấy thân thiện với những thứ đó.
Cô muốn tìm hiểu xem Catherine Baker Martin là người như thế nào. Quả là một nơi khá kỳ lạ cho con của một vị thượng nghị sĩ. Clarice có đọc các thông tin tiểu sử ngắn gọn của cô ta do FBI thu thập được. Catherine Martin không phải là một sinh viên xuất sắc; sau một thất bại tại Farmington, cô ta đã học hai năm khá tồi tại Middlebury. Bây giờ cô đang theo học tại Trường đại học Southwestern, đồng thời hành nghề dạy học.
Clarice xem mình như một đứa con của những gia đình giàu có, ích kỷ, không bao giờ muốn nghe lời bất cứ ai và ăn nói ngỗ ngược. Cô phải dè chừng các thành kiến và các mối hận thù của chính mình, vì cô đã từng theo học nhiều chế độ nội trú mà các điểm luôn tốt hơn quần áo của mình. Cô biết khá nhiều đứa trẻ của những gia đình khá giả nhưng bị chia ly, ở nội trú rất lâu. Cô không thèm quan tâm đến một số trong đám đó, và học được rằng sự không chú ý, mà người ta thường hay nhầm lẫn với sự thờ ơ hoặc người ta cho là một tâm trí hời hợt, có khi là một chiến thuật rất hữu ích để thoat khỏi sự đau khổ.
Tốt hơn hết nên nghĩ Catherine như một bé gái đi thuyền buồm với cha cô ta, như cô thường thấy trong mấy phim được chiếu trên tivi. Cô tự hỏi không biết Catherine sẽ phản ứng thế nào khi biết được cha cô vừa qua đời vì cơn đau tim ở tuổi bốn mươi hai. Có một điều chắc chắn là Clarice rất nhớ cha mình, và nỗi đau chung này làm cho cô xích lại gần người thiếu nữ trẻ kia.
Phải làm sao cho cô có thiện cảm với Catheririe mới được, vì điều này sẽ giúp cô thành công. Cô nhận ra ngay căn hộ của Catherine, vì có hai chiếc xe cảnh sát đang đậu ngay trước đó. Gần đấy, bãi đậu xe được rắc đầy phấn trắng. Văn phòng FBI Tennessee chắc đã thu lấy dấu vết của dầu máy bằng đá bọt hoặc một loại bột vô cơ nào đó.
Clarice len lỏi giữa các xe lưu động và tàu vui chơi đang đậu đối diện căn hộ. Buffalo Bill đã bắt cóc cô ta ngay tại đây, khá gần nhà để cô ta có thể mở cửa. Một cái gì đó khiến cô ta ra khỏi nhà, chắc chắn là một cái bẫy không gây sự chú ý.
Cảnh sát Memphis đã hỏi cung những người láng giềng và không ai thấy gì cả. Có thể sự việc đã xảy ra giữa các xe cắm trại. Hắn đã rình tại đây, ngồi trên một chiếc xe loại này. Nhưng Buffalo Bill biết Catherine đang có mặt tại nhà. Có thể hắn đã để ý cô ta ở đâu đó rồi đi theo rình cơ hội thuận tiện. Những cô gái trẻ có tầm vóc như Catherine, không dễ nhìn thấy hàng ngày ngoài đường.
Tất cả nạn nhân của hắn đều to lớn và khỏe mạnh. Có vài người rất to con, vài người khác có thể tạng rất tốt. “Hắn phải lấy được một cái gì đó mà hắn sử dụng được”. Clarice rùng mình khi nhớ lại những gì Bác sĩ Lecter đã nói về Người công dân mới này của Memphis.
Clarice hít một hơi thật sâu, phùng má và thở ra thật chậm. Catherine là người như thế nào đây.
Một nhân viên cảnh sát mở cửa cho cô; anh ta mặc đồng phục cảnh sát bảo vệ công viên quốc gia, Sau khi Clarice trình thẻ ra, anh ta mời cô vào.
- Tôi đến đây để khám nhà. - Câu nói này có vẻ thích hợp khi người ta nói với một người vẫn còn đội nón trong nhà. Anh ta gật dầu.
- Nếu điện thoại có reo, anh cứ để nguyên cho tôi trả lời.
Trên cái bàn trong nhà bếp, Clarice thấy máy điện thoại được kết nối với một máy thâu băng. Kế bên có hai máy khác nhưng một không có mặt quay, là đường dây nối trực tiếp với các đơn vị dò nơi gọi của vùng Trung Nam.
- Tôi có thể giúp gì cho cô không? - Người cảnh sát viên trẻ hỏi.
- Cảnh sát đã hoàn tất công việc ở đây chưa?
- Căn hộ đã được trả cho gia đình rồi. Tôi có mặt ở đây để canh điện thoại thôi. Cô có thể làm bất cứ điều gì cô muốn.
- Tốt lắm, tôi sẽ xem qua căn hộ một lượt.
- Đồng ý. - Nói xong anh ta ngồi xuống cái đi văng cạnh đó và cầm tờ báo lên đọc tiếp.
Clarice cần phải tập trung. Cô rất muốn được khám xét căn hộ một mình, nhưng cũng may là căn hộ không đầy ắp cảnh sát.
Cô bắt đầu từ nhà bếp. Nó không được trang bị cho nghệ thuật nấu ăn. Catherine xuống đây để lấy bắp rang, người bạn trai cô ta cho biết như thế. Clarice mở tủ đông ra. Có hai bịch bắp rang dành cho lò vi ba. Từ cửa sổ, người ta có thể nhìn thấy bãi đậu xe.
- Cô từ đâu đến?
Ngay lúc đó Clarice không trả lời câu hỏi.
- Cô từ đâu đến?
Viên cảnh sát nhìn cô qua tờ báo.
- Từ Washington.
Dưới bồn rửa, phải, khớp nối bị trầy, chắc họ đã tháo nó ra để kiểm tra. Một điểm tốt cho FBI. Dao được mài sơ sài, thùng rác chưa được đổ. Trong tủ lạnh chỉ có phô mai trắng và một đĩa xà lách trái cây được bảo quản trong dịch chân không. Có lẽ Catherine đi mua thức ăn tại siêu thị ngay góc đường. Mà ở đó có thể có người bảo vệ đêm, một điểm đáng được kiểm tra.
- Cô làm việc cho Bộ Tư Pháp à?
- Không, cho FBI.
- Ông tổng chưởng lý sắp đến đây, người ta bảo tôi như thế. Thế cô làm việc cho FBI lâu chưa?
Có một vật hình cải bắp bằng cao su trong ngăn đựng rau. Clarice mở ra, không có gì.
- Cô ở trong FBI lâu chưa?
Clarice quay qua người cảnh sát viên trẻ.
- Nghe đây, có thể tôi sẽ cần hỏi anh vài câu, sau khi tôi khám hết căn hộ này. Có thể anh giúp được đấy.
- Tốt thôi, nếu tôi có thể...
- Đồng ý. Đến lúc đó chúng ta sẽ nói chuyện sau, nhưng bây giờ tôi cần suy nghĩ.
- Không thành vấn đề.
Phòng ngủ thật sáng sủa. Một không khí ấm áp thích hợp cho giấc ngủ, làm cho Clarice hài lòng. Bàn tủ và các loại vải vóc thuộc loại đắt tiền mà ít người có thể mua được. Có một bức bình phong bằng sơn mài của Coromandel, hai bình sứ trên kệ và một bàn làm việc thật trang nhã bằng gỗ hồ đào có vân tuyệt đẹp. Một cặp giường đôi. Clarice giở tấm phủ giường lên. Chỉ có giường bên trái được gắn bánh xe. Chắc Catherine kéo nó lại gần cái kia mỗi khi cô ta muốn. Có thể cô ta có một nhân tình khác mà người bạn trai không biết. Hoặc có thể có khi họ sống chung ở đây. Máy trả lời điện thoại không có hệ thống báo từ xa. Như vậy cô ta phải có mặt ở đây mỗi khi mẹ cô gọi.
Máy này cùng kiểu với máy của cô. Cô mở nắp lên, hai cuộn băng đã bị lấy đi. Thay vào đó có mảnh giấy ghi: Băng đã bị FBỊ tịch thu.
Phòng ngủ được dọn dẹp khá kỹ lưỡng, nhưng người ta vẫn có thể cảm nhận sự hiện diện của các điều tra viên với những bàn tay thô kệch của họ khi muốn sắp xếp lại mọi thứ y như cũ, nhưng đã làm không tốt việc đó. Clarice nhận ra ngay người ta đã lục tung căn phòng cho dù không có các vết phấn lấy dấu tay còn sót lại trên các mặt phẳng.
Chắc chắn là không có chuyện gì xảy ra trong phòng này. Một điểm nữa cho Crawford: Catherine đã bị bắt ngoài bãi đậu xe. Nhưng Clarice muốn tìm hiều về Catherine và cô ta ở ngay trong căn hộ này. Cô ta ở đây, Clarice lặp lại.
Trong ngăn tủ của bàn ngủ, có một quyển niên giám, một hộp khăn Kleenex, một túi vệ sinh cá nhân và đằng sau cái này là một máy chụp hình Polaroid với hệ thống chụp tự động được gắn sẵn cùng một giá ba chân được rút ngắn lại. Hhhuùummm. Clarice chăm chú quan sát máy ảnh nhưng không đụng vào nó.
Cô chú ý đến tủ quần áo nhiều hơn. Catherine Baker Martin có nhiều quần áo và một số thuộc hàng cao cấp. Clarice nhận ra gần hết các hiệu, trong đó có hai hiệu ở Washington. Chắc là quà của bà mẹ đây, cô tự nhủ. Clarice đoán đây là những bộ quần áo cổ điển tương xứng với hai số đo cho những người to con từ sáu mươi lăm đến bảy mươi lăm ký, vài cái quần và áo len đan dài tay, được mua trong các cửa hàng dành cho những người phụ nữ to con. Có tất cả hai mươi ba đôi giày, bảy của Ferragamo, cỡ bốn mươi, vài đôi Reebok và vài đôi giày mọi mòn gót. Một túi đeo lưng nhỏ và một vợt tennis được để trên kệ trên.
Đồ đạc của một đứa con gái được ưu đãi, vừa là sinh viên vừa dạy học, có nếp sống sung túc hơn phần lớn chúng bạn.
Một tá thư từ trong bàn làm việc. Mấy mảnh giấy nhắn tin nhỏ của đám bạn học cũ ở miền Đông. Một số tem và nhãn. Giấy gói quà để ở trong ngăn tủ dưới, với màu sắc và hình vẽ khác nhau. Cô đang nghĩ đến những câu hỏi mà cô sẽ đặt cho những nhân viên siêu thị khi các ngón tay cô đụng vào một miếng giấy cứng và dày hơn. Quá quen với việc phản ứng lại trước bất cứ gì không bình thường, cô rút nó ra được phân nửa rồi nhìn vào. Đây là một loại giấy chậm xanh có trang trí một hàng chó Pluto được bắt chước một cách vụng về. Một hàng chó con màu vàng với kích cỡ khác nhau.
- “Catherine ơi, Catherine!” - Clarice thốt lên. Cô lấy một cái kẹp trong túi xách và gấp tờ giấy này bỏ vào trong một túi nylon trong suốt, và tạm thời để nó xuống giường.
Hộp nữ trang trên bàn trang điểm được làm bằng da có đóng hiệu; người ta có thể nhìn thấy những cái giống tương tự trong phòng ngủ nữ sinh. Ngăn bí mật trống rỗng. Cô tự hỏi không biết những ngăn bí mật này được làm cho ai, chắc chắn không phải cho bọn trộm rồi. Cô luồn tay dưới cái hộp này và các ngón tay đụng phải một bao thư được dán dưới ngăn kéo.
Cô mang đôi bao tay bằng côtông, lật cái hộp lại và kéo ngăn tủ ra. Một bao thư bằng giấy nâu được dán bằng băng keo dính vào đó. Nắp bao thư không dán. Cô đưa cái bao thư sát lại mũi mình. Người ta chưa rắc bột lấy dấu tay lên đó. Clarice dùng nhíp nhổ lông để gắp mảnh giấy bên trong ra. Có tất cả năm tấm hình và cô lấy xem từng cái một. Năm tấm hình này đều chụp một người đàn ông và đàn bà đang làm tình. Người ta không thấy mặt và đầu. Hai trong số này do người phụ nữ chụp, hai do người đàn ông, còn cái thứ năm chắc máy được gắn trên giá ba chân đặt cạnh bàn ngủ.
Thật khó nhận biết được tỷ lệ xích của một tấm ảnh, nhưng với cái vóc dáng dềnh dàng và sáu mươi lăm ký của cô ta, người phụ nữ này chắc hẳn là Catherine Martin. Hình chụp không được rõ lắm để có thể nhận diện người đàn ông. Nhưng người ta có thể biết người này đã được mổ ruột thừa. Clarice bỏ hết mấy tấm hình vào trong một túi nylon khác và để vào trong bao thư nâu của mình. Cô để ngăn tủ kéo lại như cũ.
- Tôi đã cất hết những gì có giá trị trong túi xách của tôi rồi - một giọng ở sau lưng cô vang lên. - Tôi không nghĩ người ta đã lấy một cái gì đó.
Clarice nhìn vào trong gương. Bà Thượng nghị sĩ Martin đang đứng ngay cửa phòng. Bà ta có vẻ kiệt sức. Clarice xoay người lại.
- Xin chào bà. Bà có muốn nằm nghỉ không? Tôi cũng gần xong rồi.
Dù cho đang rã rời, người phụ nữ này vẫn ngoan cường. Clarice nhận ra bà là một người chiến sĩ.
- Nhưng cô là ai mới được? Tôi nghĩ cảnh sát đã xong việc rồi.
- Tôi là Clarice Starling của FBI. Thế bà đã nói chuyện với Bác sĩ Lecter chưa?
- Ông ta có cho tôi một cái tên. - Bà thượng nghị sĩ đốt một điếu thuốc và khinh bỉ nhìn cô từ chân đến đầu.
- Chúng tôi sẽ xem xét nó đáng giá như thế nào. Cô tìm được cái gì trong hộp nữ trang vậy? Nó có một giá trị nào không?
- Vài văn kiện mà chúng tôi sẽ kiểm tra trong vài phút. - Clarice chỉ biết trả lời có vậy.
- Trong hộp nữ trang của con gái tôi à? Nào hãy đưa tôi xem đó là gì.
Clarice nghe nhiều tiếng nói trong phòng kế bên, và cô hy vọng sẽ có người đến để cắt ngang tình trạng này.
- Có phải nhân viên Copley của văn phòng Memphis đi cùng bà không?
- Không và đó không phải là câu trả lời. Không muốn xúc phạm cô, nhưng tôi muốn được xem những gì cô đã lấy từ trong hộp nữ trang của con gái tôi. - Rồi bà xoay đầu ra sau gọi - Paul, Paul, anh có thể đến đây không? Nhân viên Starling, tôi xin giới thiệu với cô, ông Krendler của Bộ Tư Pháp. Paul, đây là cô gái mà Jack Crawford đã phái đến gặp Lecter.
Chỗ đầu hói của Krendler đã đổi sang màu nâu và ông ta có vẻ khỏe mạnh đối với một người ở độ tuổi bốn mươi.
- Xin chào ông Krendler, tôi có nghe nói đến ông - Starling lên tiếng. Người trung gian hòa giải nổi tiếng của Ban Hình sự, nhân viên liên lạc của Quốc Hội, ít nhất cũng là cánh tay mặt của viên tổng chưởng lý. Ôi Chúa ơi, hãy thương xót cho con.
- Nhân viên Starling đã tìm thấy một cái gì đó trong hộp nữ trang của con gái tôi và bỏ nó vào cái bao thư nâu. Tôi nghĩ chúng ta nên xem qua coi đó là cái gì, có phải không?
- Nhân viên Starling? - Krendler lên tiếng.
- Tôi có thể nói chuyện riêng với ông không?
- Được chứ, nhưng một chốc nữa. - Ông đưa bàn tay ra.
Mặt của Clarice đỏ như gấc. Cô biết bà Thượng nghị sĩ đang không ở trong tâm trạng bình thường, nhưng cô không bao giờ tha thứ cho cái ánh mắt nghi ngờ của ông Krendler. Không bao giờ.
- Ông cầm lấy - cô nói và đưa bao thư ra.
Krendler nhìn vào tấm hình đầu tiên, ông định đậy nắp bao thư lại thì bà Thượng nghị sĩ Martin đã chụp lấy nó trên tay ông.
Thật đau buồn khi nhìn bà coi mấy bức ảnh. Sau đó, bà bỏ đi lại cửa sổ, nhìn ra bên ngoài, đôi mắt nhắm lại. Trong ánh sáng trần ban ngày, bà có vẻ già hơn. Khi đốt một điếu thuốc, hai tay bà hơi run.
- Thưa bà Thượng nghị sĩ... - Krendler vừa nói.
- Cảnh sát đã khám xét căn phòng này - bà nói. - Tôi tin chắc họ đã tìm thấy những bức ảnh này nhưng họ còn đủ lý trí để bỏ chúng lại tại chỗ cũ và không nói gì hết.
- Không, họ chưa tìm được những bức ảnh này. - Người đàn bà này đang bị tổn thương nhưng mặc kệ. - Thưa bà, chúng tôi cần biết người đàn ông đó là ai, bà cũng dễ dàng hiểu điều đó. Nếu đó là bạn trai cô ta, thì tốt thôi. Tôi chỉ cần năm phút để xác định. Không một ai khác nhìn thấy được những tấm ảnh này và ngay cả Catherine cũng không cần phải biết.
- Tôi đi lo đây. - Bà thượng nghị sĩ Martin bỏ cái bao thư vào túi xách và Krendler không nói gì.
- Thưa bà Thượng nghị sĩ, có phải chính bà đã lấy mấy món nữ trang trong cái bắp cải bằng cao su trong tủ lạnh không? - Clarice hỏi.
Brian Gossage ló đầu qua khe cửa.
- Xin lỗi bà thượng nghị sĩ, trạm cuối đã đặt xong. Chúng ta sẽ trực tiếp theo dõi trong lúc họ truy tìm tên của William Rubin tại FBI.
- Thôi bà đi đi bà Thượng nghị sĩ, tôi sẽ đến đó ngay - Krendler nói.
Ruth Martin rời căn phòng mà không thèm trả lời câu hỏi của Clarice.
Clarice có dịp quan sát Krendler trong khi ông đóng cánh cửa phòng lại. Bộ comple của ông là một tuyệt tác của ngành may và ông không có mang vũ khí. Phần dưới của đôi giày ông bóng láng vì đi qua nhiều trên thảm dày.
Ông đứng một lúc tại đó, tay để trên nắm cửa, đầu hơi nghiêng.
- Cô làm một cuộc khám xét thật hữu hiệu, - ông nói khi quay người lại.
Một câu nói hơi quá đáng, Clarice thầm nghĩ. Cô chỉ nhìn trả ông ta.
- Quantico đào tạo điều tra viên thật hay.
- Nhưng không được những tên trộm ra trò.
- Tôi biết.
- Nhưng không phải là điều hiển nhiên đâu.
- Thôi bỏ qua chuyện này đi.
- Phải tìm cho ra đầu mối các tấm ảnh và cái bắp cải bằng cao su, đúng không?
- Đúng vậy.
- Thế tên William Rubin là ai vậy, thưa ông Krendler?
- Lecter nói đó là tên thật của Buffalo Bill. Đây là các báo cáo của cơ quan nhận dạng và Danh Mục. Cô đọc đi. - Ông đưa một bản ghi chép cuộc đối thoại giữa Lecter và bà Thượng nghị sĩ Martin, một bản sao mờ nhạt của máy in.
- Cô nghĩ sao? - Ông hỏi sau khi cô đọc xong.
- Ông ta không có trách nhiệm nào hết. Ông ta nói đây là một người da trắng tên Bill Rubin bị cụm nhọt do ngà voi. Nếu ông ta nói dối, và dù chuyện gì có xảy ra đi nữa, các người cũng khó chứng minh được. Cuối cùng, người ta chỉ có thể nói ông ta nhầm lẫn thôi, là điều tôi hy vọng. Nhưng cũng rất có thể ông ta đã lừa được bà ta, ông Krendler. Ông ta chắc chắn có thể làm điều này. Ông có... gặp mặt ông ta chưa?
Krendler lắc đầu với một cái khịt mũi.
- Theo những gì chúng tôi biết, Bác sĩ Lecter đã giết chết chín người. Cho dù có chuyện gì đi nữa, ông ta cũng không bao giờ ra khỏi nhà tù được. Kể cả việc ông có làm những người chết sống lại, người ta cũng không thả ông ta. Vì vậy ông ta chỉ còn cái trò đùa này thôi. Cũng chính vì thế mà chúng tôi đang lợi dụng ông ta dấy.
- Tôi biết các người đang lợi dụng ông ta. Tôi có nghe cuộn băng Chilton đã thâu. Tôi không nói đây là một sai lầm, nhưng tất cả mọi thứ đó đều chấm dứt rồi. Khoa nghiên cứu thái độ con người cứ tiếp tục khai thác những gì thu thập được, cho dù đó là giả thuyết của một tên chuyển đổi giới tính, nếu thấy đáng. Nhưng ngày mai cô sẽ tiếp tục theo các lớp học tại Quantico.
Trời ơi!
- Nhưng tôi đã tìm được một thứ khác.
Tờ giấy màu còn để trên giường nhưng không ai để ý. Cô đưa cho ông ta.
- Cái gì thế?
- Nó giống tờ giấy chậm Pluto. - Cô buộc phải cung cấp cho ông thêm thông tin về vật này. Ông đưa tay ra hiệu mời cô.
- Tôi gần như chắc chắn đây là một tờ giấy chậm acid. Của LSD vào thời kỳ thập niên bảy mươi hoặc trước nữa. Nó đã trở thành một vật hiếm. Cũng đáng cho chúng ta tìm hiểu xem cô ta đã có nó từ đâu. Phải làm thí nghiệm để biết chính xác.
- Cô có thể đem nó về Washington để làm thí nghiệm. Cô sẽ đi trong vài phút nữa.
- Nếu ông có thể chờ một chút, chúng ta sẽ làm nó tại đây. Tôi tin chắc cảnh sát có túi đặc dụng để xác định chất ma túy, đó là thí nghiệm J, chỉ mất có hai giây thôi. Chúng ta...
- Cô hãy trở về Washington, trở lại trường đi - Ông nói khi mở cửa ra.
- Ông Crawford có ra lệnh cho tôi...
- Cô phải làm theo những gì tôi bảo. Ở đây cô không còn dưới quyền của Crawford nữa rồi. Cô chỉ là một học viên như bao người khác và chỗ của cô là tại Quantico, cô có hiểu không? Có một chuyến bay lúc hai giờ mười. Cô hãy đáp chuyến đó.
- Thưa ông Krendler, ông bác sĩ Lecter chỉ nói chuyện với tôi trong khi ông ta không muốn tiếp xúc với cảnh sát Baltimore. Ông ta có thể vẫn muốn làm việc đó, vì thế ông Crawford nghĩ rằng...
Krendler đóng cánh cửa mạnh hơn lần đầu.
- Nhân viên Starling, tôi không cần phải chứng minh bất cứ điều gì cho cô, nhưng cô hãy nghe cho rõ đây. Khoa nghiên cứu thái độ con người luôn chỉ đóng vai trò tư vấn mà thôi, và nó sẽ vẫn như thế. Bằng bất cứ cách nào, đáng lẽ người ta phải cho Crawford về hưu vì lý do gia cảnh rồi. Tôi cũng rất ngạc nhiên khi thấy ông ta có thể cầm cự cho đến bây giờ. Ông ta quá mạo hiểm khi giấu tất cả chuyện này với bà Thượng nghị sĩ, và ông ta đã bị đá đít rồi. Nhưng nghĩ đến thành tích và ông ta cũng gần đến tuổi về hưu rồi, ngay cả bà ta cũng không thể hại ông ta được. Vì thế vào địa vị cô, tôi sẽ không bận tâm giùm ông ta.
Clarice hơi mất tự chủ.
- Ông đã thấy bao nhiêu người bắt được ba thủ phạm giết người hàng loạt chưa? Ông có biết một ai đó chỉ bắt được một tên thôi? Ông không nên để bà ta chỉ huy vụ này, ông Krendler.
- Cô là một học viên xuất sắc, nếu không Crawford sẽ không bao giờ chú ý đến cô, nhưng tôi chỉ nói một lần thôi nhé: hãy ngậm miệng lại nếu cô không muốn thấy mình trở thành thư ký đánh máy. Ngay từ đầu, cô không muốn hiểu lý do duy nhất mà người ta đồng ý để cho cô tiếp xúc với Lecter, là để ông giám đốc của cô chứng minh được ngân sách của ông ta mà thôi. Những thông tin không đáng kể về những tội ác quan trọng, “một tin tức sốt dẻo để lưu hành nội bộ” về Bác sĩ Lecter ấy à, ông ta có thể lấy như lấy kẹo từ trong túi mình ra để phân phát trong khi cố gắng làm sao cho ngân sách ông ta được phê duyệt. Các thành viên trong Quốc Hội rất thích thú, họ thích những trò đó. Nhân viên Starling, cô đơn thương độc mã, và cô không liên quan gì với vụ điều tra này. Tôi biết hiện giờ cô đang giữ thêm một chứng minh thư nữa, cô hãy đưa nó lại cho tôi.
- Tôi cần nó để dịch chuyển với khẩu súng, vả lại tôi phải đem nó về Quantico.
- Một khẩu súng! Trời đất! Cô phải trả nó lại ngay sau khi trở về.
Bà Thượng nghị sĩ Martin, Gossage, một chuyên viên và nhiều cảnh sát viên bu quanh cái màn hình được kết nối với máy điện thoại bằng cái modem. Đường dây nóng liên lạc trực tiếp với Trung Tâm Thông Tin Quốc Gia về các án mạng phát liên tục tin tức về các cuộc truy tìm căn cứ theo thông tin do Lecter cung cấp và do Washington xử lý. Trên màn hình xuất hiện một thông báo của Trung Tâm Bệnh lý học Atlanta: người ta mắc chứng cụm nhọt ngà voi khi nào hít nhầm bụi của ngà voi châu Phi trong khi làm cán dao chẳng hạn. Tại Hoa Kỳ, đó là căn bệnh của những người thợ làm dao.
Với từ “thợ làm dao”, bà Thượng nghị sĩ nhắm mắt lại. Mắt bà nóng lên, tay nắm chặt miếng Kleenex.
Người cảnh sát viên trẻ đưa Starling vào căn phòng, đem lại cho bà một tách cà phê. Anh ta vẫn đội mũ trên đầu.
Clarice không thể nào bỏ đi một cách êm thấm được. Cô đứng trước mặt bà thượng nghị sĩ và nói:
- Chúc bà may mắn, tôi hy vọng Catherine được bình yên vô sự.
Bà Thượng nghị sĩ gật đầu nhưng không nhìn cô. Krendler đẩy Clarice ra khỏi phòng.
- Tôi không biết là không được để cho cô ta vào đây - viên cảnh sát nói sau khi cô ra khỏi phòng.
Krendler đi ra cùng cô.
- Tôi rất nể Jack Crawford - Ông nói. - Cô làm ơn nói với ông ta là tôi rất tiếc... về những gì xảy ra cho Bella. Bây giờ cô hãy trở về trường và làm việc đi nhé! Đồng ý không?
- Xin chào ông Krendler.
Cô lại đơn độc tại bãi đậu xe với cảm giác bàng hoàng.
Clarice rất muốn được nói chuyện với Crawford. Điều tệ hại hơn hết là tình trạng lộn xộn và sự ngu xuẩn, ông đã nói như thế. Đó là thời điểm khó khăn nhất. Hãy nhớ lấy vì nó sẽ rèn luyện cá tính của cô. Điều khó nhất là đừng bao giờ để cho sự phẫn nộ và sự ức chế ngăn cản cô suy nghĩ. Được như thế, cô mới biết được cô có thể chỉ huy hay không.
Cô không cần sự chỉ huy, cô không cần là “nhân viên đặc biệt” Starling, nếu phải hành động như thế.
Cô nghĩ đến người chết đáng thương mà cô thấy nằm dài trên cái bàn của nhà tang lễ tại Potter. Cô ta sơn móng tay bóng láng như mấy chiếc môtô trượt tuyết của mấy tên nhà quê.
Nhưng cô ta tên gì nhỉ? Kimberly.
Mấy tên khốn đó sẽ không nhìn thấy mình rơi lệ đâu.
Trời ơi... sao có nhiều Kimberly đến thế, có bốn Kimberly trong lớp học của cô. Ba thằng con trai tên Sean. Kimberly cũng là tên của bộ phim nhiều tập trên tivi, đang cố gắng làm đẹp bằng cách bấm ba lỗ ở tai để đeo vòng. Mà Buffalo Bill đã nhìn bộ ngực lép kẹp đó với khẩu súng chỉa ngay đó và bắn thủng ngực, tạo một lỗ hình sao biển.
Kimberly, người thiếu nữ buồn và mập, se lông chân bằng sáp. Không có gì lạ, sau khi đã nhìn thấy mặt, tay, chân. Cô chỉ còn có da là vật đáng giá nhất. Kimberly ơi, ở một nơi nào đó, cô có phẫn nộ không? Không một bà Thượng nghị sĩ nào sẽ lo cho cô đâu. Không một phi cơ nào để chở hết mấy thằng điên đó hết. Điên, một từ mà đúng lý ra cô không được dùng. Cũng có nhiều việc cô không được hành động. Mấy thằng điên chết tiệt đó.
Clarice nhìn đồng hồ. Còn một giờ ba mươi phút nữa trước khi máy bay cất cánh, còn nhiều thời giờ để làm một cái gì đó. Cô muốn nhìn thấy mặt của Lecter khi ông ta nói ra cái tên “Bill Rubin”. Nếu cô có thể nhìn đủ lâu đôi mắt nâu kỳ lạ đó, nếu cô xoáy được đến tận cùng tâm trí, nơi mà bóng tối thu hút các tia sáng, có thể cô tìm thấy được một cái gì đó hữu ích. Có thể là sự vui mừng của ông ta, cô thầm nghĩ.
Cám ơn Trời, mình vẫn còn tấm thẻ hình sự.
Cô cho nổ máy xe và phóng thật nhanh.
2
Clarice Starling với hai hàng nước mắt phẫn nộ khô ráo trên gò má, phóng thật nhanh trong dòng lưu thông đầy hiểm nguy của Memphis. Cô cảm nhận một sự tự do lạ kỳ và rất năng động. Sự rõ nét bất thường của quan điểm báo cho cô biết cô phải đấu tranh, vì thế cô phải thật cẩn trọng mới được.
Đến từ phi trường, cô đi ngang qua tòa án cũ để tìm đường dễ dàng hơn.
Chính quyền bang Tennessee không muốn có một bất trắc nào với Hannibal Lecter nên không mạo hiểm để ông ta trong nhà tù của thành phố.
Giải pháp duy nhất là nhà giam của tòa án cũ, một công trình đồ sộ theo kiểu tân gôtíc bằng đá hoa cương. Được tân trang đôi chút, đó là nơi làm việc của các cơ quan chính quyền của cái thành phố thịnh vượng này và rất hãnh diện về quá khứ của nó.
Ngày hôm nay nó trông như một pháo đài của thời trung cổ bị cảnh sát bao vây.
Có đủ loại xe cảnh sát tại bãi đậu xe, nào của cảnh sát công lộ, của ông cảnh sát trưởng quận Shelby, của văn phòng FBI Tennessee và cơ quan quản lý nhà giam. Clarice phải cho xe chạy ngang qua một lính canh trước khi đậu được chiếc xe của mình.
Có một vấn đề an ninh khác đến từ bên ngoài. Kể từ bản tin tức lúc mười giờ cho biết sự hiện diện của cô, rất nhiều cuộc gọi hăm dọa ụp đến; thân nhân và bạn bè của các nạn nhân ước thấy cô chết đi.
Clarice hy vọng Copley, nhân viên FBI địa phương, sẽ không có mặt, vì cô không muốn anh ta gặp rắc rối.
Trên bãi cỏ trước thềm nhà, cô nhìn thấy lưng của Chilton, ngay giữa một đám phóng viên. Có thêm hai camera nhỏ của đài truyền hình. Ước gì lúc này cô có đội mũ. Cô tiến về hướng cái tháp, mặt nhìn về hướng khác.
Một cảnh sát viên gác cửa kiểm tra thẻ của cô, trước khi cho cô vào hành lang, bây giờ không khác gì một trại cảnh sát. Một cảnh sát viên khác đứng ngay cửa thang máy và một người khác ở chân cầu thang. Nhiều cảnh sát viên khác đang ngồi trên băng ghế, đọc tờ Nhật Báo Thương Mại.
Một viên trung sĩ trực tại bàn làm việc đối diện với thang máy. Bảng tên anh ta có ghi TATE, C.L.
- Phóng viên không được có mặt - anh ta nói khi nhìn thấy Clarice.
- Tôi không phải là nhà báo.
- Cô có thuộc toán của Bộ Tư Pháp không? - Anh hỏi khi xem thẻ của cô.
- Tôi làm việc với ông Krendler, vị phụ tá của ông tổng chưởng lý. Tôi vừa chia tay ông ta đây.
Trung sĩ Tate gật đầu.
- Toàn bộ cảnh sát của bang Tennessee và những nơi khác đều muốn nói chuyện với Lecter. Hiếm khi gặp được một người như thế. Cô phải có phép của Chilton mới được lên đó.
- Tôi vừa gặp ông ta đứng ngoài trước cửa. Chúng tôi làm việc chung trong vụ án này tại Baltimore. Tôi phải ký tên vào đây, phải không Trung sĩ Tate?
Anh ta do dự một lúc.
- Đúng, ngay đó. Cảnh sát hay khách đều phải bỏ súng lại đây. Nội quy buộc như thế.
Starling gật đầu. Cô lấy kẹp đạn ra, trong khi viên trung sĩ thích thú nhìn cô thao tác khẩu súng. Cô trao súng cho anh ta, báng ra phía trước để anh ta bỏ vào trong ngăn tủ.
- Vernon, cho cô ta lên đi, - Anh ta cầm điện thoại lên, quay ba số và nói tên cô.
Thang máy được lắp đặt vào các thập niên hai mươi, đi lên từ từ trong tiếng kêu kèn kẹt và ngừng trước một bậc nghỉ chân, được nối dài với một hành lang nhỏ.
- Cô cứ việc đi thẳng - viên cảnh sát nói.
Trên cửa kiếng, có ghi hàng chữ ỦY BAN LỊCH SỬ CỦA QUẬN SHELIBY.
Gần như toàn bộ tầng trên cùng của tháp là một căn phòng rộng lớn hình bát giác được sơn trắng, sàn và vật dụng bằng gỗ sồi, nực mùi sáp ong và keo dán giấy. Căn phòng rất ít đồ đạc, tạo cảm tưởng như một ngôi đền. Chắc vào thời trước đây là văn phòng của ông thống đốc, nên có vẻ oai phong hơn nhiều.
Hai nhân viên ban quản lý nhà giam đang gác. Một người nhỏ con, đang ngồi tại bàn làm việc, liền đứng lên khi thấy Clarice bước vào. Người to con hơn ngồi trên một cái ghế xếp, đặt trong cùng của căn phòng, đối diện với một phòng giam. Anh ta canh chừng không cho tên tội phạm tự sát.
- Cô có được phép nói chuyện với tên tù nhân không, thưa cô? - Người cảnh sát viên nhỏ con hỏi. Bảng tên ghi là PERRY, T. W.; trên bàn làm việc có một điện thoại, hai dùi cui, và sau lưng anh ta có một bình xịt thuốc bất tỉnh, một bánh răng cưa lớn được dựng ở góc tường.
- Có, tôi đã hỏi cung ông ta rồi.
- Cô biết thủ tục chứ? Cô không được bước qua hàng rào.
- Tôi biết mà.
Nét màu mè duy nhất trong căn phòng là cái hàng rào cảnh sát, một loại ngựa gỗ có sọc vàng đen với đèn nháy, hiện giờ đã tắt, được đặt cách cửa phòng giam khoảng một thước rưỡi. Quần áo của bác sĩ Lecter được máng trên cái mắc áo, còn cái mặt nạ và một vật nữa mà Clarice chưa bao giờ thấy trước đây, một áo trói của bang Kansas. Bằng da dày, có khoen cài ở sau lưng, còn hông thì có cùm bằng sắt với hai khóa, để giữ cố định các cổ tay; đây có thể là loại áo trói hữu hiệu nhất trên đời này. Trên nền trắng, cái mặt nạ và áo trói treo trên mắc áo tạo một cảnh tượng ghê rợn.
Khi bước lại gần xà lim, Clarice thấy bác sĩ Lecter, quay lưng ra cửa, đang đọc sách tại cái bàn nhỏ được gắn chết xuống sàn. Trước mặt ông có một chồng sách và tập hồ sơ của Buffalo Bill mà cô đã trao cho ông tại Baltimore. Một máy thâu băng nhỏ được gắn bằng sợi xích vào chân bàn. Quả là một cảm giác khác lạ khi gặp ông ngoài dưỡng trí viện.
Clarice đã từng nhìn thấy những xà lim như thế này. Người ta chưa làm gì khác hay hơn những chuồng được lắp bằng những cấu kiện thép đúc sẵn của một công ty ở Saint-Louis, và chúng có thể biến bất cứ một căn phòng nào thành một xà lim. Sàn cũng bằng thép nằm trên đà, vách và trần là những song sắt đúc nguội. Phòng giam rất sạch và sáng trưng. Một bình phong bằng giấy che khuất chỗ vệ sinh.
Các song sắt bao quanh trông giống như xương sườn và đầu của bác sĩ Lecter có một màu đen sáng.
Một cảnh tượng ám ảnh các nghĩa địa. Ông ta sống trong một lồng ngực giữa các lá khô của trái tim.
Cô xua đuổi hình ảnh này bằng cái nháy mắt.
- Chào cô, Clarice - Ông ta thốt lên và xoay mặt lại. Ông đọc hết trang đó, lấy đồ chặn lại rồi xoay cái ghế lại để đối mặt cô, hai tay khoanh lại, cằm tựa trên lưng ghế.
- Theo Dumas, nếu người ta cho mấy con quạ ăn nhiều hạt đỗ tung, người ta sẽ làm cho mùi vị và màu sắc của nó tăng lên. Khi người ta nấu con chim đó vào mùa thu thì rất tuyệt. Cô có thích món đó không, Clarice?
- Tôi thiết nghĩ ông thích có các tranh vẽ của ông, những bức trong phòng giam của ông đấy, trước khi có được một cửa sổ.
- Cô thật dễ thương. Bác sĩ Chilton không kìm được niềm vui khi người ta loại cô ra khỏi vụ điều tra, cả Jack Crawford và cô. Thế người ta sai cô đến đây để tán tỉnh tôi một lần cuối hay sao vậy?
Người nhân viên gác trước xà lim đã bỏ đi nói chuyện với Pembry. Clarice hy vọng họ không nghe được cuộc trò chuyện này.
- Không ai sai tôi đến đây cả. Tôi tự ý đến thôi.
- Người ta sẽ đồn hai chúng ta yêu nhau rồi. Thế cô không thích hỏi tôi về Bill Rubin à?
- Thưa bác sĩ Lecter, tôi không... hề muốn tranh cãi những gì ông nói với bà thượng nghị sĩ Martin, nhưng ông có muốn khuyên tôi theo cái dấu vết mà ông...
- Tranh cãi, tôi thích từ này quá đi. Tôi không khuyên cô bất cứ điều gì. Cô đã lừa tôi, Clarice à. Cô có tin là tôi đang gạt họ không?
- Tôi nghĩ ông đã nói thật với tôi.
- Thật đáng tiếc là cô đã gạt tôi, có phải không? - Khuôn mặt của Lecter biến mất sau cánh tay ông ta, chỉ còn ló có hai con mắt. - Tôi cũng lấy làm tiếc là Catherine sẽ không bao giờ thấy lại ánh nắng mặt trời. Mặt trời là một cái nệm lửa mà Chúa cô ta đã chết trên đó, Clarice.
- Cũng thật đáng tiếc khi ông phải buộc nghe theo những người khác để lau khô được vài giọt nước mắt. Thật đáng tiếc là chúng ta không thực hiện được hết thỏa thuận của chúng ta. Quan niệm của ông về con côn trùng trưởng thành, cấu trúc của nó, với một nét gì đó… thanh lịch người ta khó nhận thấy được. Bây giờ nó như một phế tích, một nửa vòm cầu còn đứng nguyên.
- Một nửa vòm cầu không thể đứng nguyên được. Nhưng mà này, họ vẫn để cô tiếp tục hay sao, Clarice? Họ chưa tước huy hiệu của cô à?
- Chưa.
- Dưới áo vét cô có cái gì thế, một khăn tay, giống như cái của cha cô, phải không?
- Không, đó là một kẹp đạn thay nhanh.
- Cô vẫn mang vũ khí à?
- Đúng.
- Nếu thế, cô phải may áo cho rộng nữa. Cô có biết may không?
- Có.
- Tự tay cô may bộ cánh này phải không?
- Không. Bác sĩ Lecter, ông thấy đủ mọi thứ. Ông không thể cho biết nhiều hơn nữa về tên “Bill Rubin” vì biết quá ít về vấn đề này.
- Cô tin thế sao?
- Nếu ông đã gặp hắn, ông biết mọi thứ. Nhưng ông chỉ nhớ được có mỗi một chi tiết. Hắn mắc chứng cụm nhọt ngà voi. Đáng lẽ ông phải thấy họ nhảy cẫng lên khi Atlanta cho biết đây là căn bệnh của mấy người thợ làm dao. Có thể nói là họ bổ nhào vào đó, đúng như ông tiên đoán. Riêng chi tiết này thôi, người ta phải cấp cho ông một căn hộ thật rộng tại Peabody mới đúng. Bác sĩ Lecter, nếu ông thật sự đã gặp hắn thì ông phải biết mọi chuyện của hắn rồi. Tôi cho là ông chưa hề thấy mặt hắn bao giờ và chính Raspail kể lại cho ông nghe. Nhưng các loại tin tức hạng hai như thế, đâu có đáng giá lắm có phải không?
Clarice liếc nhìn qua vai. Một trong hai người cảnh sát chỉ cái gì đó trong tờ tạp chí Súng và Đạn dược.
- Ông chưa nói hết cho tôi tại Baltimore. Tôi nghĩ thông tin đó chính xác. Hãy nói cho tôi phần còn lại đi.
- Tôi đã đọc hồ sơ rồi, Clarice. Tất cả những gì cô muốn tìm hiểu đều nằm trong đó, với điều kiện cô phải chú ý hơn nữa. Ngay một thanh tra tài ba như Crawford cũng tìm được. Nói riêng nhé, cô có đọc lời tuyên bố sững sờ mà ông ta đã nói hồi năm ngoái tại Trường Cảnh sát Quốc gia không? Ông ta đã cường điệu về Marc Aurele, về nhiệm vụ, danh dự và sức mạnh tinh thần, chúng ta hãy chờ xem ông ta thuộc loại “người cương nghị” nào một khi Bella qua đời. Ông ta rút lấy triết lý cho mình trong quyển Từ điển các lời trích dẫn. Nếu ông ta thật sự hiểu Marc Aurele, ông ta đã lý giải được vụ án này rồi.
- Ông nói cho tôi biết xem bằng cách nào?
- Khi người ta có lúc tỏ ra hiểu biết về bối cảnh lịch sử một chút, nhưng tôi quên mất điều này, là thế hệ của cô không biết đọc. Vị Hoàng đế đã khuyên sự giản dị. Các khái niệm cơ bản. Với một sự việc đặc biệt nào đó, phải tự hỏi: thế trong đó là gì, bản chất thật của nó là như thế nào? Nguyên nhân của nó là như thế nào?
- Đối với tôi nó không có nghĩa cho lắm.
- Thế con người mà các người đang truy tìm, hắn đang làm gì vậy?
- Hắn giết người.
- À. - Ông thốt lên và tạm thời không nghĩ đến cái đầu không nhạy bén này. - Đó là điều thứ yếu. Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà hắn làm kìa, tại sao hắn cần phải giết người?
- Vì giận dữ, mối hận thù xã hội, sự ức chế tính dục...
- Không!
- Thế thì vì cái gì?
- Sự thèm muốn. Nói cho đúng, hắn chỉ thèm muốn có mỗi một thứ mà cô có. Đó là cách mà bản chất hắn hành động. Thế sự thèm muốn bắt đầu từ cái gì thế Clarice? Nào, chúng ta hãy điểm lại những gì chúng ta thèm muốn xem. Cố gắng trả lời đi.
- Không. Chúng ta chỉ bắt đầu…
- Chính xác là như thế. Chúng ta bắt đầu ham muốn những gì chúng ta thấy hàng ngày. Thế cô không cảm nhận được ánh mắt của những người qua đường nhìn cô sao Clarice? Điều trái ngược sẽ làm tôi ngạc nhiên đấy. Và cô cũng không để mắt vào một cái gì đó hay sao?
- Đồng ý. Vậy ông hãy nói cho tôi...
- Chính cô phải nói cho tôi, Clarice à. Cô không còn những kỳ nghỉ để tặng cho tôi gần Trung Tâm nghiên cứu bệnh dịch hạch của trâu bò nữa. Kể từ bây giờ, sẽ tuyệt đối là phương thức có qua có lại mà thôi. Phải dè chừng với cô mới được, nào thử nói xem Clarice.
- Cái gì?
- Cô nợ tôi hai chuyện. Thứ nhất là chuyện gì đã xảy ra với con ngựa của cô, thứ hai là bằng cách nào cô kiềm chế được cơn giận dữ của mình.
- Thưa bác sĩ Lecter, khi nào tôi có thời giờ rảnh...
- Chúng ta không tính thời gian một cách giống nhau, Clarice à. Đó là thứ duy nhất mà cô có được.
- Để sau này đi, ông nghe đây, tôi…
- Hiện giờ, tôi đang nghe cô đây. Hai năm sau khi cha cô chết, mẹ cô gởi cô đến người bà con tại một nông trại ở Montana. Lúc đó cô mười tuổi. Cô khám phá việc họ vỗ béo ngựa để đưa chúng vào lò sát sinh. Cô bỏ trốn với một con ngựa cái gần như mù. Rồi sao nữa?
- Đó là mùa hè và người ta có thể ngủ ngoài trời. Chúng tôi đi đến Bozeman bằng đường mòn.
- Con ngựa của cô có tên chứ?
- Có thể lắm... nhưng người ta không cần tìm hiểu khi nuôi ngựa để cho vào lò sát sinh. Tôi gọi nó là Hannah, và tôi thấy tên đó hợp với nó lắm.
- Cô dắt bằng sợi dây hay cô cưỡi nó?
- Cả hai. Để cưỡi được nó, tôi phải đưa nó đến gần một hàng rào.
- Lúc thì cưỡi ngựa, lúc thì đi bộ, các người đã đến Bozeman.
- Có một chuồng ngựa cho thuê, một kiểu trường dạy cưỡi ngựa, ngay ngoài thành phố. Tôi định đưa nó vào đấy, nhưng họ đòi hai mươi đôla một tuần cho một chuồng và bãi nhốt ngựa. Họ thấy ngay nó gần như không thấy đường. Tôi có nói: tôi có thể cho mấy đứa con nít đi dạo trên lưng nó trong lúc cha mẹ chúng tập cưỡi ngựa, và rửa chuồng ngựa nữa. Người chủ đồng ý, trong khi bà vợ điện thọại cho ông cảnh sát trưởng.
- Ông cảnh sát trưởng là một cảnh sát viên, giống như cha cô vậy.
- Lúc đầu, điều đó vẫn làm cho tôi sợ ông ta. Mặt ông ta đỏ lừ. Cuối cùng chính ông ta bỏ ra hai mươi đôla tiền trọ, trong khi chờ đợi “ông ta làm rõ mọi chuyện”. Ông ta nói không cần mướn một chuồng cho riêng nó với cái thời tiết nóng bức của lúc đó. Báo chí có đăng tải vụ này, làm khá lớn chuyện. Người chị bà con của mẹ rất muốn để cho tôi đi. Thế là tôi thấy mình vào ở trong Tổ ấm của dòng Luther tại Bozeman.
- Đó có phải là một cô nhi viện không?
- Đúng vậy.
- Còn Hannah?
- Nó cũng vào đó. Một người nông dân dòng Luther cung cấp cỏ khô, và trong cô nhi viện có một chuồng ngựa. Người ta bắt nó xới đất của khu vườn, nhưng phải dắt nó đi mới được, nếu không nó dẫm nát các luống đậu và bất cứ những gì nằm dưới chân nó. Nó còn đưa mấy đứa trẻ đi dạo trên một chiếc xe có mui nữa.
- Cuối cùng rồi nó cũng chết.
- Đương nhiên rồi...
- Kể nghe xem.
- Đó là vào năm ngoái, họ viết thư đến trường cho tôi. Người ta nghĩ nó khoảng hai mươi hai tuổi. Ngày hôm trước nó kéo chiếc xe chở đầy trẻ con và đêm đó nó đã chết trong giấc ngủ.
Bác sĩ Lecter có vẻ hoang mang.
- Điều này làm ấm lòng thật. Thế người cha nuôi của cô ở Montana có hiếp cô không, Clarice?
- Không.
- Ông ta có cố làm việc đó không?
- Không.
- Thế tại sao cô lại bỏ trốn?
- Bởi vì họ định giết Hannah.
- Cô biết được khi nào, thì?
- Cũng không thật sự, nhưng tôi cứ nghĩ đến luôn. Vì nó rất mập.
- Thế điều gì đã khởi phát mọi thứ? Điều gì đã xảy ra hôm đó?
- Tôi không biết nữa.
- Tôi chắc cô biết mà.
- Lúc nào tôi cũng sợ.
- Điều gì khiến cho cô bỏ đi vậy, Clarice? Vào lúc mấy giờ?
- Sớm lắm, trời vẫn còn tối.
- Như vậy, có một cái gì đó làm cho cô thức giấc. Điều gì đã làm cho cô thức vậy? Cô có nằm mơ không? Mơ đến điều gì vậy?
- Tôi thức giấc và nghe mấy con cừu kêu lên. Tôi mở mắt trong đêm tối và mấy con cừu cứ kêu be be.
- Họ làm thịt mấy con cừu vào mùa xuân phải không?
- Đúng.
- Thế cô đã làm gì?
- Tôi không làm được gì cho chúng cả. Tôi chỉ là...
- Thế cô đã làm gì với con ngựa cái?
- Tôi mặc đồ vào trong bóng tối và đi ra ngoài. Nó rất sợ, tất cả đàn ngựa trong chuồng đều hoảng sợ và đi lòng vòng. Tôi hà hơi vào mũi nó và nó nhận ra tôi. Nó áp mõm nó vào lòng bàn tay tôi. Đèn được bật sáng trong kho thóc và trong chuồng cừu. Các bóng đèn trần, nhiều bóng thật lớn. Chiếc xe đông lạnh đang chờ, máy vẫn nổ. Tôi dắt nó ra ngoài.
- Cô có thắng yên cho nó không?
- Không, tôi không lấy yên của họ, chỉ một bộ dây cương thôi.
- Lúc cô đi trong đêm tối, cô có nghe tiếng của đàn cừu không, tại nơi có đèn đó?
- Không nhiều, bởi vì chỉ có mười hai con thôi.
- Điều này vẫn làm cho cô thức giấc phải không? Thức giấc trong đêm tối và nghe tiếng cừu kêu be be phải không?
- Đôi khi.
- Cô có nghĩ mình sẽ bắt được Buffalo Bill không, chính cô chứ không phải những người khác, và nếu Catherine bình yên vô sự thì mấy con cừu sẽ không còn kêu la nữa, cô có nghĩ là chúng cũng có thể được cứu sống và cô sẽ không còn thức giấc trong đêm để nghe tiếng kêu la của chúng nữa, phải không Clarice?
- Đúng vậy. Tôi không chắc, có thể lắm.
- Cám ơn Clarice. - Bác sĩ Lecter tỏ ra rất yên lòng.
- Hãy nói cho tôi biết tên của hắn đi bác sĩ Lecter?
- Bác sĩ Chilton - Lecter thốt lên - Tôi nghĩ hai người đã biết nhau rồi.
Ngay lúc đó Clarice không hiểu rằng Bác sĩ Chilton đang đứng sau lưng cô. Và ông chụp lấy cùi chỏ cô.
Cô giật tay ra và hai cảnh sát viên liền đứng hai bên Bác sĩ Chilton.
- Vào thang máy ngay - ông ta nói với vẻ mặt xám xịt.
- Cô có biết Bác sĩ Chilton không có một mảnh bằng y khoa nào không? - Lecter nói - Tôi xin cô, đừng bao giờ quên điều đó.
- Nào đi thôi - Chilton nhấn mạnh.
- Ông không phải là người chỉ huy ở đây - Clarice đáp lại.
Viên cảnh sát nhỏ con tiến tới trước.
- Không, thưa cô, là tôi đây. Ông ta đã gọi cho cấp chỉ huy của cô và của tôi. Tôi rất tiếc nhưng tôi được lệnh phải buộc cô đi. Cô hãy theo tôi.
- Tạm biệt Clarice. Nếu mấy con cừu không còn khóc nữa, cô sẽ cho tôi biết chứ?
- Được.
Pembry nắm cánh tay cô. Đành phải theo hoặc đánh lại anh ta.
- Được, tôi sẽ báo cho ông.
- Hứa chắc chứ?
- Chắc mà.
- Nếu thế, sao cô không phá nốt nửa cái vòm còn lại đi. Cô hãy cầm lại hồ sơ này đi Clarice, tôi không còn cần đến nó. - Ông đưa nó qua song sắt. Cô đưa tay ra lấy. Trong một khoảnh khắc, đầu ngón trỏ của cô đụng phải ngón tay của bác sĩ Lecter. Với sự tiếp xúc này, mắt ông sáng hẳn lên.
- Cám ơn Clarice.
- Cám ơn bác sĩ Lecter.
Và vì thế mà ông luôn tồn tại trong ký ức của Clarice. Kể từ giờ phút đó, ông không hề chế giễu Clarice nữa. Đứng trong cái xà lim trắng toát, người uốn cong như một vũ công, hai bàn tay chập lại trước mặt, đầu hơi nghiêng qua một bên.
Tại phi trường, Clarice bước đi quá mau, đến mức cô đụng đầu vào người khác, vì cô phải chạy để đáp kịp chuyến bay mà Krendler buộc cô phải đi.
3
Pembry và Boyle là hai nhân viên canh gác đầy kinh nghiệm, được phái đặc biệt từ Nhà tù Liên bang Brushy Mountain đến đây canh giữ bác sĩ Lecter. Họ rất bình tĩnh và cảnh giác nên Bác sĩ Chilton không cần phải chỉ dạy họ phải làm gì.
Đến trước Lecter, họ đã khám xét phòng giam này, không bỏ sót bất cứ nơi nào. Khi người ta đưa tên tội phạm đến tòa án cũ này, họ cũng đã làm như thế với ông ta. Một y tá làm công việc khám xét toàn bộ thân thể trong khi ông ta vẫn đang mặc áo trói và người ta cho các đường may vào máy dò kim loại.
Pembry thì thầm thật dịu dàng trong lúc khám xét ông ta.
- Bác sĩ Lecter, chúng tôi không muốn gây khó khăn với ông. Thái độ của chúng tôi tùy thuộc vào thái độ của ông. Ông hãy tỏ ra lịch lãm và mọi việc sẽ tốt đẹp. Nhưng chúng tôi không hề sợ ông. Ông cứ thử cắn xem, ông sẽ thấy có một cái răng rụng trong miệng ông đấy. Ở đây, có vẻ mọi thứ đều tốt đẹp cho ông. Ông không nên làm rối tung lên, có được không?
Bác sĩ Lecter nhìn họ rồi thân thiện chớp mắt. Dù ông có muốn trả lời đi nữa, ông vẫn không thể nói được vì người ta đã chêm một cái chốt bằng gỗ chặn hai hàm răng để kiểm tra trong họng và dùng ngón tay được mang găng cao su, rà soát các lợi của ông.
Chiếc máy dò kim loại mà người ta đưa trên gò má ông kêu bíp bíp.
- Cái gì thế? - người y tá hỏi.
- Chì trám răng - Pembry trả lời. - Hãy kéo môi trên lên, thấy không.
- Theo ý tao, ông ta không còn gì để than phiền nữa, có phải không? - Boyle thổ lộ với Pembry, sau khi họ nhốt ông vào xà lim. - Ông ta sẽ không gây rắc rối gì nữa trừ phi hoàn toàn mất trí.
Cái xà lim này, dù cho có chắc chắn và tuyệt đối an toàn, nhưng nó không có hệ thống chuyền thức ăn. Đến giờ ăn trưa, sau cái không khí khó chịu của cuộc viếng thăm của Clarice, Bác sĩ Chilton làm cho mọi người phải bực mình khi buộc Boyle và Pembry, trước khi bước vào trong xà lim, phải mặc áo trói vào cho Bác sĩ Lecter.
Chilton không bao giờ chịu gọi Boyle và Pembry bằng tên của họ mặc dù hai người này có mang bảng tên, chỉ gọi bằng cách “Ê, anh kia”.
Sau khi biết Chilton không phải là bác sĩ, Boyle nói lời nhận xét của mình với Pembry.
- Có thể ông ta “chỉ là một tên giáo sư bẩn thỉu.”
Pembry đã cố giải thích cho Chilton biết việc chấp thuận cho Clarice viếng thăm ông ta là do người nhân viên ở dưới lầu, nhưng điều này cũng không làm cho ông nguôi cơn giận.
Trong giờ ăn tối không có mặt Chilton, nên các người canh giữ áp dụng phương pháp của riêng họ, trước sự sửng sốt tột cùng của Lecter.
- Bác sĩ Lecter, tối nay ông không cần phải mặc áo dạ hội - Pembry tuyên bố. - Tôi chỉ yêu cầu ông ngồi xuống sàn nhà và đưa hai cánh tay ông ra ngoài song sắt, đưa thật cao ra phía sau. Đúng như vậy đấy. Hãy cứng người thêm nữa, các cùi chỏ thẳng lên nữa. - Pembry còng tay ông lại bên ngoài song sắt, mỗi cánh tay ở một khe song sắt, và một thanh sắt dẹp chặn ngay giữa hai tay. - Nó hơi đau một chút, có phải không, nhưng nó chỉ mất có một phút thôi và tránh cho chúng tôi nhiều phiền phức, và cả cho ông nữa.
Với cách này, bác sĩ Lecter không thể đứng thẳng người hoặc quỳ gối, hai chân ông chỉ có thể duỗi thẳng ra phía trước và ông không thể nào dùng chân để đá được.
Chỉ khi nào ông bị bất động, Pembry mới bước lại bàn làm việc lấy chìa khóa xà lim, gài cây dùi cui vào trong thắt lưng, nhét bình xịt hơi bất tỉnh vào trong túi rồi bước tới cửa xà lim. Anh mở cửa để cho Boyle bưng cái mâm thức ăn vào. Sau khi khóa cửa lại, anh đem chìa khóa về bàn làm việc lại, rồi mở còng cho người tù nhân. Không một lúc nào anh đến gần các song sắt với cái chìa khóa xà lim trong khi ông bác sĩ tự do đi lại trong đó.
- Cũng khá hiệu nghiệm đấy chứ, có phải không? - Pembry hỏi.
- Rất tiện lợi, xin cám ơn các anh. Các anh biết không, tôi chỉ muốn sao cho thoải mái thôi.
- Chúng tôi cũng thế anh bạn.
Bác sĩ Lecter ăn qua loa trong khi viết và vẽ nguệch ngoạc trong cuốn sổ tay với một cây bút phớt. Ông đổi mặt cuốn băng trên máy. Gleen Gould biểu diễn trên dương cầm Các Biến tấu của Goldberg. Âm nhạc, mà vẻ đẹp thoát khỏi thời gian và hoàn cảnh, tràn ngập cái chuồng sáng trưng và luôn cả căn phòng mà các người canh giữ đang hiện diện.
Đối với Bác sĩ Lecter, thời gian đã đi chậm lại và trải dài giống như lúc ông ta hành động. Các nốt nhạc cách xa nhau mà không mất nhịp. Ngay những “mở đầu” hùng hồn của Bach cũng chỉ là những nốt êm dịu trong sáng, xóa đi chất thép quanh ông. Ông đứng lên, vẻ hoàn toàn bị cuốn hút, nhìn cái khăn giấy từ từ rớt xuống đất. Nó bay thật lâu trong không khí, lướt qua một chân bàn và lật ngược lại trước khi nằm hẳn trên nền kim loại. Ông không buồn nhặt nó lên, nhưng lấy cuộn giấy vệ sinh và lẩn người sau bức bình phong, ngồi trên nắp bàn cầu, nơi duy nhất không ai nhìn thấy ông được. Ông vẫn chăm chú nghe nhạc, đầu hơi cúi tới trước, cằm chống lên bàn tay, hai mắt nâu kỳ lạ hơi khép lại. Ông chỉ quan tâm đến các cấu trúc của Các Biến tấu mà thôi. Ông dùng đầu để đánh nhịp, lưỡi chạy quanh bờ môi, hết môi trên rồi đến môi dưới.
Rồi ông lại làm điều đó với các lợi, đẩy lưỡi vào khoảng trống giữa răng và gò má, chậm rãi như đôi khi người ta vẫn làm như lúc họ đang nghiền ngẫm vậy. Các lợi tươi mát hơn lưỡi của ông, còn trên hốc thì lạnh hơn. Khi lưỡi ông đụng vào ống thép nhỏ, nó dừng lại.
Vượt trên âm nhạc, ông nghe được tiếng thang máy khởi động và lên từ từ. Sau nhiều nốt nhạc, cánh cửa mở ra và một giọng ông chưa nghe bao giờ nói:
- Tôi đến lấy mâm đây.
Ông nghe tiếng người cảnh sát viên nhỏ con bước lại gần, và liếc nhìn qua khe của bức bình phong. Pembry đứng dựa vào song sắt.
- Bác sĩ Lecter, ông hãy lại ngồi xuống đây, hai tay thọc ra ngoài song sắt, như chúng ta đã làm lúc nãy.
- Mấy anh chịu khó chờ cho tôi xong đã. Tôi e cuộc du hành đã làm hỏng hệ thống tiêu hóa của tôi rồi. - Hai câu nói này kéo dài một cách kỳ lạ trong không gian.
- Đồng ý - và Pembry bỏ đi. - Chúng tôi sẽ gọi anh khi nào ông ta xong.
- Tôi có thể nhìn qua ông ta một cái được không?
- Chúng tôi sẽ báo cho anh sau.
Chiếc thang máy đi xuống và chỉ còn lại âm nhạc.
Bác sĩ Lecter lấy cái ống nhỏ ra khỏi miệng và lau khô bằng giấy vệ sinh. Tay ông không hề run, lòng bàn tay hoàn toàn khô ráo.
Trong suốt nhiều năm bị giam cầm và với tính tò mò không biết chán, đã giúp cho ông học khá nhiều mánh khóe của mấy tên tù khác. Từ khi ông tấn công người nữ y tá, tại dưỡng trí viện ở Baltimore, các biện pháp an ninh chỉ bị nới lỏng có hai lần vào dịp nghỉ phép của Barney. Một hôm, một bác sĩ tâm lý học có cho ông mượn một cây bút bi và quên lấy lại. Trước khi ông ta rời khỏi khoa, ông đã bẻ nát và bỏ cái vỏ nhựa vào trong bàn cầu. Cái ống mực bằng kim loại, ông đã lận nó vào trong đường may viền của cái nệm.
Vật duy nhất sắc bén khác trong xà lim là mép xơ của một trong các con bù lon gắn chiếc giường vào trong tường. Như thế quá đủ rồi. Sau khi mài ống kim loại này trong hai tháng liền, bác sĩ Lecter đã tạo trên đó hai đường rãnh song song, dài khoảng năm ly. Sau đó ông cắt cái ống thành hai khúc với chiều dài khoảng hai phân rưỡi, sau đó thủ tiêu hết những thứ còn lại cùng đầu bút bi. Barney không hề để ý đến các chỗ chai ở đầu các ngón tay do những đêm dài chà miệt mài cái ống đó.
Sáu tháng sau, một nhân viên gác để nguyên một cây kim kẹp lớn trong tập hồ sơ mà vị luật sư gởi cho Bác sĩ Lecter. Hai phân rưỡi bằng thép lại chui vào trong cái ống, còn những thứ khác thì biến mất trong bàn cầu. Thật quá dễ dàng để giấu kín cái ống nhỏ trơn tru đó trong đường may của bộ y phục, giữa gò má và lợi, trong hậu môn.
Ngay lúc này, ngồi sau bức bình phong bằng giấy, bác sĩ Lecter gõ nhẹ cái ống lên móng tay để lấy cái kẹp ra. Đây là dụng cụ, nhưng điều khó khăn nhất vẫn còn còn ở phía trước. Bác sĩ Lecter cho phân nửa cái kẹp vào trong cái ống nhỏ, và hết sức cẩn thận ông dùng cái ống làm đòn bẩy để uốn thẳng cái kẹp ngay nơi khe hở. Có lần cái mép khe bị cong, nhưng hết sức thận trọng, ông dùng đôi tay khỏe mạnh của mình để nắn cái đầu thép nhỏ đó cho đến khi nó tạo được góc chín mươi độ với cái ống. Đây rồi, ông đã có một chìa khóa còng.
Bác sĩ Lecter chắp hai tay sau lưng, chuyền cái khoá từ tay này qua tay kia khoảng mười lăm lần, rồi bỏ lại vào trong miệng, rửa hai tay cho thật sạch. Nhưng ông lại lấy nó ra, giấu thật kỹ giữa hai ngón của bàn tay phải, biết rằng Pembry chỉ đế ý đến bàn tay sáu ngón kỳ lạ của ông thôi.
- Tôi xong rồi, nhân viên Pembry. - Ông ngồi xuống sàn, và qua khe của song sắt đưa hai bàn tay ra bên ngoài. Cám ơn các anh đã có nhã ý chờ tôi. - Nói có vẻ như một bài diễn văn dài nhưng mang đầy âm sắc của nhạc.
Pembry ra đứng sau lưng ông. Anh ta sờ vào cả hai cổ tay xem ông có thoa xà bông vào không, xong Pembry tra còng vào. Anh đi lại cái bàn, lấy cái chìa khóa mà người lính canh đã lấy từ trong ngăn tủ ra.
Pembry trở lại kiểm tra còng một lần nữa. Bác sĩ Lecter cảm nhận được hơi thở của anh ta phía sau lưng ông. Rồi anh này mở cửa xà lim và đẩy cửa vào. Đến lúc này Boyle bước vào. Bác sĩ Lecter quay đầu ngang qua; hình ảnh của cái xà lim chuyển động có phần chậm chạp trái lại các chi tiết thì rõ vô cùng. Boyle đứng trước cái bàn, đang gom đĩa và những gì còn lại của bữa ăn, gây quá nhiều tiếng động. Máy thu băng với các cuộn băng đang quay, cái khăn giấy ở dưới sàn cạnh cái chân bàn được gắn bulon. Giữa các song sắt, Bác sĩ Lecter liếc nhìn thấy đầu gối của Pembry đang chặn cánh cửa mở, với cái dùi cui treo lủng lẳng ở dây nịt.
Bác sĩ Lecter dùng bàn tay phải để tìm lỗ khóa còng, đút chìa khóa vào và xoay. Ông cảm nhận được cái lò xo giải phóng cổ tay ông. Ông đưa chìa khóa qua bên tay trái để mở nốt cổ tay kia.
Boyle cúi xuống lượm cái khăn giấy. Nhanh như con rắn tấn công, cái còng khóa ngay cổ tay của Boyle, anh trố mắt nhìn Lecter, còn phần kia của cái còng được cài vào ngay chân bàn. Rút hai chân lại, ông phóng người tới cánh cửa trong lúc Pembry đang cố tránh nhưng vai ông đã hất cánh cửa trúng ngay người anh ta. Pembry định chụp bình xịt hơi bất tỉnh để trong túi quần nhưng cánh cửa đang đè nặng lên tay anh. Lecter chụp cây dùi cui và kéo sát Pembry về phía mình, dùng cùi chỏ đánh vào ngay cổ họng và dùng miệng cắn vào mặt anh ta. Pembry cố đánh Lecter nhưng không kết quả vì bị cắn nát cả mũi và môi trên. Người tù lắc lia lịa và giật được cây dùi cui ra khỏi thắt lưng của Pembry. Trong xà lim, Boyle ngồi dưới sàn nhà, hét inh ỏi, trong khi bàn tay tìm một cách vô vọng cái chìa khóa còng, tìm được rồi nhưng lại để rớt nó, rồi lượm nó lên. Lecter thọc thật mạnh đầu dùi cui vào ngay bụng của Pembry, rồi đến cổ họng làm anh ta té khuỵu xuống. Boyle tra được chìa khóa vào trong còng, miệng vẫn hét. Lecter bước lại gần anh ta và bằng một làn hơi bình xịt làm cho anh ta nín thinh, ho sặc sụa. Ông đánh gãy tay anh ta bằng hai cú dùi cui. Boyle cố chui xuống gầm bàn, nhưng bị mù vì hơi của bình xịt, nên bò sai hướng, dễ dàng cho Lecter kết liễu anh với vài cú đánh bồi khác.
Pembry ngồi xuống được, và cũng hét. Bác sĩ Lecter nhìn anh với ánh mắt đỏ ngầu. Tôi đã sẵn sàng rồi nếu anh cũng thế Pembry.
Cái dùi cui tạo một hình vòng cung trong tiếng rít và giáng thật mạnh ngay ót của Pembry, làm cho thân hình anh giựt liền mấy cái trước khi té nhào xuống như một con cá bị đập đầu.
Mạch của bác sĩ Lecter, nhảy vọt lên hơn một trăm trong sự vận động này, mau chóng hạ xuống mức bình thường lại. Ông tắt nhạc để nghe ngóng.
Ông bước lại gần cầu thang và lắng tai nghe nữa. Ông lấy hết đồ trong túi của Pembry ra, tìm thấy chìa khóa của bàn làm việc và mở hết các ngăn tủ ra. Trong ngăn cuối cùng có súng của hai người này, hai khẩu P 38. Hay hơn nữa, trong túi của Boyle, ông tìm thấy một con dao nhíp.