Số lần đọc/download: 92033 / 1886
Cập nhật: 2017-09-25 08:45:09 +0700
Chương 12 -
T
àu vào ga. Người đàn ông răng bạc mở túi đi đường lấy ra mấy quả đào. Ông ta chìa cho tôi một quả.
- Cảm ơn ông.
Tôi cầm quả đào. Đào Bungari. Trái lớn bằng nắm tay đứa trẻ lên 10. Vỏ chím hồng, thịt ngọt và đặc biệt nhiều nước. Cầm trái đào trên tay đã cơm thèm. Hoa quả của Bun nhập sang Liên Xô rất nhiều. Nhất là đào và táo. Thứ nào cũng ngon. Khắp các quầy bán thực phẩm và hoa quả, nếu có hàng nhập của Bun, người ta xếp hàng dài dằng dặc.
Ông khách đã ăn gần hết trái đào. Ông ta hất hàm bảo tôi:
- Ăn đi chứ, cô bé, ngon lắm.
Tôi gật đầu:
- Vâng, rất ngon.
Tôi cắn một miếng. Nước ngọt tứa đầy miệng. Thật đúng như câu nói: Ngon tỉnh cả người. Qua ô cửa kính, thấy đám hành khách đang hối hả lên tàu. Trên đường kè xi măng bóng nhẵn, một cặp trai gái đang hôn nhau. Nụ hôn ly biệt. Mắt người con gái ướt đẫm. Biệt ly, nổi buồn thiên cổ, nỗi buồn vĩnh hằng của nhân loại. Chẳng cuộc biệt ly nào nham nhở như những cuộc biệt ly đã diễn ra trên sân bay Nội Bài, xứ sở của tôi. Cái ngày tôi lên tàu bay rời xứ, chỉ có một người khóc, chắc chắn người ấy sẽ khóc, nhưng khóc ở một làng quê xa ngắt, bên kia sông. Tôi nhớ người đàn bà ấy, lòng nhói đau.
Người con trai đứng trên bờ kè xi măng xốc chiếc túi đi đường đeo lưng, rồi lau vệt nước mắt trên má người yêu. Cô ta nhào tới, ôm chặt anh ta thêm lần nữa. Tóc họ cùng có màu vàng rơm. Dưới ánh đèn, chúng giống như tơ tằm. Một nụ hôn nữa. Rồi họ rời nhau. Người con gái đứng lại, bóng đổ xuống sàn xi măng.
Tiếng người con trai từ đầu toa nào đó vang lên.
- Viết thư cho anh nhé.
Người con gái giơ tay vẫy. Rồi cô ta quay đi. Chiếc váy kẻ ô cắt chéo vải đập vào hai bắp chân tròn trĩnh. Đi được vài chục bước, cô ta quay đầu lại. Gương mặt ướt đẫm. Vừa lúc, con tàu rời ga.
- Masa... Masa...
Tiếng người con trai ném lại, tan hòa trong gió. Tôi nhìn theo cô gái, cho tới khi nhà ga mất hút. Con tàu nhanh chóng vượt qua khu ngoại ô để đi tới một vùng đồi thoai thoải. Trong bóng tối, vẫn có thể nhận ra các vệt thẫm của vườn cây.
- Biệt ly.
Con tàu rú còi. Âm thanh của những cuộc chia ly. Nó khiến tôi nhớ lại sân bay Nội Bài. Cái sân bay chật chội và nóng nực. Những đoàn người đứng chen chúc trong bầu không khí oi nóng và ngột ngạt. Nhưng oi nóng và ngột ngạt hơn nữa là tâm trạng âu lo, khắc khoải của họ trong lúc chờ đợi làm thủ tục hải quan. Những gương mặt đờ dại, những đám tóc bết mồ hôi, những cặp mắt bồn chồn, nôn nóng, luôn mở to và căng thẳng nhìn bốn phía như để chờ đợi và chống chọi lại các biến cố, các rủi ro. Bên ngoài dòng người đông đúc ấy, lại có dòng người đông đúc khác, cũng chen chúc nhau tới nhễ nhại mồ hôi, bên kia dãy hàng rào bằng sắt đan, cũng hướng những gương mặt vừa lo âu, vừa khoắc khoải, vừa hồi hộp vào phòng chờ. Đó là đám người đưa tiễn, thân nhân của những kẻ ra đi. Một khi mọi thủ tục xong xuôi, và dòng người chuyển động như một hải lưu hỗn tạp và nóng bức qua các khuôn cửa rà soát vũ khí cuối cùng để ra sân bay, thì trên gương mặt của những người đưa tiễn, người ta có thể đọc được nỗi vui sướng, tiếng thở dài nhẹ nhõm, niềm hứng khởi của thành công, nỗi hoan lạc trước một lời hứa hẹn tốt đẹp và sáng sủa của ngày mai. Những nụ cười viên mãn. Các cung bậc phấn khích tinh thần. Chưa ở nơi đâu, cuộc chia ly sung sướng một cách thảm thê như thế. Những cuộc chia ly nham nhở. Phép sai số trong những quy luật vĩnh hằng của con người. Ngày ấy, tôi đứng giữa đám người chờ làm thủ tục hải quan, vừa lau mồ hôi chảy ròng ròng hai bên thái dương, vừa nhìn đám người tiễn đưa bên ngoài hàng rào sắt. Mẹ tôi ốm, nằm viện. Cô Tâm giận, không tới. Biết thế, nhưng tôi vẫn mong chờ nhìn thấy cô. Mong chờ một cách vô vọng, vì tôi biết rõ ràng, chính lúc ấy cô đang ngồi khóc trong căn nhà rộng thênhh thang. Căn nhà hiu quạnh ở bên kia sông.