Nguyên tác: “The Money Changers”
Số lần đọc/download: 266 / 9
Cập nhật: 2020-06-28 13:34:23 +0700
Chương 12
S
áng Thứ sáu vợ chồng Edwina và Lewis d’Orsey dùng điểm tâm trong căn hộ của họ ở tầng trên cùng của tòa nhà sang trọng, tại một thị trấn giầu có thuộc ngoại thành. Ba ngày trước đó Ben Rosselli đã báo tin về cái chết sắp tới của ông. Và hai ngày đã trôi qua, từ khi phát hiện vụ mất cắp sáu ngàn đô la, tại chi nhánh chính của bà.
Lúc này cả hai sự kiện trên đang ám ảnh tâm trí Edwina, đặc biệt là sự kiện thứ hai.
Từ cuộc thẩm vấn chiều thứ tư đến nay, diễn biến tình hình chưa sáng sủa hơn chút nào. Suốt hôm thứ Năm nhân viên Cục an ninh Liên bang F.B.I. thẩm vấn tất cả các nhân viên tại đây. Họ không bỏ sót chi tiết nào nhưng vẫn không tìm ra được gì thêm. Kẻ bị tình nghi chủ yếu vẫn là Juanita Numez, nhưng cô ta không chịu khai gì thêm, một mực khẳng định không phải cô lấy cắp. Đồng thời Juanita cũng không chịu đứng trước máy phát hiện dối trá. Việc từ chối này làm mọi người càng nghi ngờ cô, nhưng một nhân viên F.B.I đã giải thích cho nữ giám đốc Edwina d’Orsey
- Tuy chúng ta nghi ngờ đến mấy nhưng vẫn chưa tìm ra được một chứng cứ nào. Ngay cả trường hợp cô ta giấu số tiền đó ở nhà cô ta, chúng ta cũng chưa có đủ chứng cứ để xin Toà án cấp giấy phép khám nhà cô ta. Tóm lại, trong tay chúng ta hiện chưa có gì hết. Tuy nhiên, chúng tôi có tiến hành theo dõi cô ta, nhưng trường hợp này chưa có lý do gì đủ để chúng tôi xin cấp trên tăng cường lực lượng vào việc theo dõi đó.
Các nhân viên an ninh hẹn hôm nay, thứ Sáu, sẽ trở lại, nhưng xem chừng họ cũng chẳng làm gì được hơn. Nhà băng chỉ còn một biện pháp duy nhất có thể làm được là cho Juanita thôi việc. Edwina hiểu rằng việc đó phải làm trong ngày hôm nay, tuy nhiên bà vẫn thấy áy náy trong lòng. Edwina nhìn ra bàn ăn. Cô hầu vừa đem lên món trứng luộc và những lát bánh mì nướng bơ. Lấp sau tờ nhật báo The Wall Street Journal mở rộng, chồng bà đang càu nhàu bực tức về chuyện ở Thủ đô Washington: Phó quốc vụ khanh đặc trách Kho bạc tuyên bố trước một uỷ ban của Thương nghị viện, là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ trở lại được kim bản vị. Ông ta nhắc đến một câu nói của Keynes (Tên thật là John Maynard 1883 – 1946. Nhà Kinh tế học người Anh) rằng, vàng tương lai sẽ chỉ là một thứ đồ cổ màu vàng. Ông này còn nói: "Vàng đã thôi không còn là phương tiện thanh toán quốc tế nữa".
- Đồ ngu xuẩn! - Lewis nghển đầu lên nhìn vợ bên trên báo, qua cặp mắt kính hai tròng, rồi quăng tờ báo xuống thảm, nơi đã nằm tờ New York Times, tờ Chicago Tribune và tờ Financial Times số ra hôm trước ở London.
Lewis đã đọc hết những tin tức quan trọng trong những tờ báo đó và bây giờ ông trút toàn bộ cơn thịnh nộ lên đầu người Phó Quốc vụ khanh kia:
- Năm thế kỷ sau đây, những lời ngu xuẩn của thằng cha ngu xuẩn cực độ này, vàng sẽ trở lại làm chuẩn cho mọi hình thức thanh toán. Khi thằng cha kia đã thành cát bụi từ mấy trăm năm, thì vàng sẽ là cơ sở duy nhất vững chãi cho mọi thứ tiền tệ, mọi giá trị trao đổi thanh toán. Nhưng ở thế hệ chúng ta hôm nay, chúng ta vẫn bị chao đảo do những kẻ ngu xuẩn như thế này.
Lewis nâng tách cà phê lên uống một ngụm, đặt xuống rồi lấy khăn ăn chùi miệng. Lúc này Edwina đang lật trang tờ tạp chí The Christian Science Monitor, nói:
- Rất tiếc là năm trăm năm nữa anh lại không có mặt ở đây, để quát cho mọi người một câu:"Tôi đã bảo mà?”
Lewis có dáng vóc gầy còm như kẻ thiếu ăn, thật ra thì hoàn toàn không phải thế. Ông khoẻ và dai sức kỳ lạ. Tính nết sôi nổi nóng nẩy và luôn mất bình tĩnh. Đôi khi ông tự giễu vóc dáng bản thân rồi vỗ trán nói:
- Thứ mà Tạo hoá từ chối tôi thì lại đặt tất cả vào đây.
Mà đúng như thế thật. Ngay nhũng người ghét Lewis d’Orsey cũng phải thừa nhận ông cực kỳ thông minh, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, tài chánh.
Cơn nóng nảy của chồng sáng nay không hề làm Edwina bực bội. Đã mười bốn năm chung sống với Lewis, bà hiểu rằng chồng không bao giờ làm điều gì khiến vợ phiền lòng, mà ông chỉ gầm thét khi đọc cho cô thư ký ghi. Nhưng chính những bài văn nảy lửa như vậy lại được độc giả mến mộ.
“Lá thư tâm sự" của nhà kinh tế học Lewis d’Orsey chỉ dành riêng cho những độc giả đặt trước và họ trả tiền rất cao, tạo cho ông một cuộc sống sung túc, đồng thời để ông mặc sức phê phán các chính phủ, các tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng cùng tất cả các nhà chính khách nào ông không tán thành, vì họ thực hiện những chính sách tiền tệ theo Lewis là bất lợi. Mà chuyện đó thì thường xuyên xảy.
Nhiều nhà tài chính, nhiều chuyên gia lý luận kinh tế tóc bạc và lỗi lạc, kể cả một số quan chức trong Ngân hàng Thương mại số Một, rất ghét tính độc lập của Lewis d’Orsey. Nhưng họ còn căm ghét hơn giọng văn sặc mùi siêu bảo thủ của ông. Nhưng các độc giả đặt trước thì lại mê ông, coi ông là thánh Moise hoặc thần Midas tái sinh, là người lên án đám ngu xuẩn hiện đang cầm cân nảy mực trong ngành tài chính.
Edwina tán thành họ. Bởi với những ai muốn kiếm tiền càng nhiều càng tốt, thì những lời khuyên của chồng bà hết sức bổ ích. Lewis đã chứng minh điều này nhiều lần và các khách hàng của ông kiếm được rất nhiều tiền, nhờ theo đúng những lời khuyên của ông.
Kim bản vị là con chủ bài của Lewis. Trước đây rất lâu ông đã tiên đoán giá vàng sẽ tăng trên thị trường tự do, trong khi các phái tài chính khác thì phủ nhận nhận định này. Lewis khuyên người ta mua cổ phần của các công ty khai thác vàng ở Nam Phi, lúc đó đang bị mất giá. Sau đấy, rất nhiều khách hàng của ông đã viết thư báo ông biết, là họ kiếm được nhiều triệu đô la chỉ nhờ làm theo lời khuyên của Lewis d’Orsey.
Cũng theo cách nhận định như vậy, Lewis đã tiên đoán sự mất giá liên tiếp của đồng đô la, và khuyên các độc giả của ông chuyển đổi toàn bộ tiền và tín phiếu của họ sang các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng Phrăng Thụy Sĩ và đồng Mác Đức. Rất nhiều người đã nghe theo lời ông khuyên, và thu được vô số lợi nhuận. Trong một lá thư gần dây, Lewis viết:
“Đồng đô la Mỹ, mới gần đây vẫn còn là đồng tiền lương thiện và kiêu kỳ, thì ngày nay đang hấp hối, giống như quốc gia mà nó đại diện. Về mặt tài chính tiền tệ, Hoa Kỳ đã lên đến đỉnh điểm và bây giờ bắt đầu xuống dốc. Một đường lối tài chính bị rơi vào tay những chính trị gia dốt nát và tham nhũng, chỉ nghĩ đến quyền lợi của bản thân họ và đến chuyện được tái cử, đang đưa chúng ta đến thảm hoạ.
“Xét tình trạng các nhà lãnh đạo của chúng ta ngu dốt về tài chính, và quần chúng cũng lại như nhũng con cừu ngoan ngoãn tuân theo, thì cách tốt nhất lúc này là thả xuồng cấp cứu xuống biển, và đeo phao cấp cứu vào lòng rồi chạy cho mau khỏi con tầu đang đắm. Phận ai nấy lo, hãy cố mà cứu lấy mạng của bản thân.
“Nếu các vị có đô la, xin các vị chỉ giữ lại vừa đủ để thuê tắc xi, để ăn vài bữa, mua vài cái tem và cuối cùng để mua một vé máy bay chuồn thẳng ra nước ngoài, một nước may mắn hơn nước Mỹ chúng ta.
“Ngày nay nhà đầu tư khôn ngoan là người bỏ Hoa Kỳ sang lập nghiệp nước ngoài. Thậm chí bỏ cả quốc tịch Mỹ. Bảng thuế biểu đánh vào thu nhập quy định trong điều 877, là nếu công dân Hoa Kỳ từ bỏ quốc tịch để trốn thuế đánh vào thu nhập và nếu cơ quan thuế vụ phát hiện ra, thì họ vẫn phải truy nộp đầy đủ. Nhưng nếu ta khôn ngoan, ta sẽ có cách thoát (xin xem lá thư của chúng tôi tháng Bảy năm ngoái về cách biến thành "nguyên quốc tịch Hoa Kỳ"). "Tại sao cần phải thi hành những biện pháp cực đoan như vậy? Vì đồng đô la sẽ tiếp tục sụt giá, cũng như sự tự do kinh tế của người Hoa Kỳ sẽ giảm dần.
“Ngay cả trường hợp các vị không có điều kiện bỏ ra nước ngoài, thì các vị hãy gởi tiền ra nước ngoài. Hãy chuyển đổi đồng đô la sang Mác Đức, Phrăng Thụy Sĩ, Florin Hung, Shilling Áo, tóm lại là bất cứ ngoại tệ nào trong khi còn có thể. Sau đó tránh xa các quan chức bàn giấy Mỹ bằng cách chui vào một nhà băng châu Âu, tốt nhất là một nhà băng Thụy Sĩ..."
Lewis d’Orsey đánh hồi chuông báo động như vậy đã nhiều năm nay. Trong tất cả những lá thư gần đây, ông đều khuyên các nhà tài chính hãy đầu tư bằng bất cứ thứ ngoại tệ nào, trừ đồng đô la. Ngồi ở bàn điểm tâm, Edwina vẫn tiếp tục đọc tạp chí Monitor. Bà đúc kết lại bản báo cáo của Hạ nghị viện, đưa ra một số sửa đổi trong bộ luật tài chính, nhằm giảm tiền thuê bất động sản do giá bất động sản đã giảm. Nếu điều này được thông qua, sẽ ảnh hưởng tai hại đến những khoản tiền cho vay có thế chấp của nhà băng. Edwina hỏi chồng:
- Anh có tin là đề nghị này được thông qua không?
- Không. Ngay trường hợp nghị viện thông qua, Thượng Viện cũng sẽ bác. Anh đã gọi điện thoại hỏi vài Thượng nghị sĩ và họ đều không tán thành.
Diện giao tiếp của Lewis d’Orsey rất rộng, chính nhờ đó mà ông thành công trong hoạt động. Ông biết được rất nhanh mọi tin tức, mọi điều dự định và triển vọng của mọi cơ quan lãnh đạo, sau đó ông thông báo cho các khách hàng của ông.
Mặc dù thu nhập của Lewis d’Orsey vượt quá một triệu đô la năm, nhưng ông chỉ phải nộp thuế thu nhập chừng vài trăm đô la. Ông luôn khoe điều đó với một người. Thật ra, Lewis thi hành đủ các biện pháp để không phải nộp thuế thu nhập: đầu tư vào ngành dầu khí, vào bất động sản, lâm nghiệp, nông nghiệp, các trái khoán miễn thuế. Các biện pháp đó giúp Lewis sống xa hoa, tha hồ tiêu, vậy mà ông vẫn khai ra được những khoản thua lỗ hàng năm.
Nhưng mọi biện pháp đó đều hoàn toàn hợp pháp. Edwina luôn nghe thấy chồng tuyên bố: "Có mà điên mới giấu giếm các khoản thu nhập hoặc khai man cho cơ quan thuế vụ. Việc gì phải làm thế, trong khi bộ luật tài chính cung cấp cho ta mọi lỗ hổng để ta không phải nộp thuế. Chỉ cần nghiên cứu công phu để hiểu và biết cách ứng dụng."
Cho đến bây giờ Lewis d’Orsey chưa hề quyết định sẽ di cư ra nước ngoài, hoặc thay đổi quốc tịch như lời ông khuyên mọi người. Tuy nhiên ông rất ghét New York là nơi ông đã sống và làm việc trước kia, và là nơi bây giờ ông gọi là "hang ổ thối tha của một lũ ăn cướp và bọn phá sản thoái hoá". Lewis cũng phê phán việc dân New York tung ra luận điệu lừa bịp, rằng những bộ óc thông tuệ nhất đều nằm ở New Yok.
Lewis rất thích miền Trung Tây, nơi ông đến lập nghiệp và gặp Edwina ở đó, cách đây mười tám năm.
Phản ứng thái độ của chồng, Edwina làm ngược lại: bà khai rất đầy đủ mọi khoản thu nhập và trả số tiền thuế nhiều hơn chồng, mặc dù thu nhập của bà thấp hơn của chồng rất xa. Nhưng người chi những khoản tiêu pha trong gia đình lại là Lewis: từ tiền thuê nhà, tiền trả công người làm, tiền cho cho hai chiếc Mercedes và nhiều khoản chi phí khác. Edwina thành thật tự thú nhận rằng cuộc sống sung túc xa hoa đó, là một phần của nguyên nhân bà lấy ông và thích ứng với ông. Hai vợ chồng mỗi người vẫn dành cho mình một sự độc lập, mỗi người theo đuổi một hướng công danh nhưng họ lại hoàn toàn ăn ý với nhau. Edwina hỏi chồng:
- Anh là người thông minh, cái gì cũng biết, anh thử nói xem theo anh thì số tiền sáu ngàn đô la kia biến đi đâu? Lewis đang nhồm nhoàm nhai món trứng luộc, nói:
- Vậy mấy thằng cha An ninh Liên bang lại chịu thua lần này nữa hay sao? Vụ này khó thật đấy chứ.
- Edwina bênh các nhân viên F.B.I. Rồi bà thuật lại đầy đủ chi tiết cho chồng nghe.
- Em đành phải sa thải con bé mất thôi.
- Bị sa thải thì nó sẽ không tìm đâu ra việc làm. - Lewis nói.
- Nhất là việc làm ở ngành ngân hàng.
- Hình như em nói cô ta có một đứa con gái nhỏ?
- Đúng thế. Tội nghiệp.
- Vậy là có thêm hai nhân mạng nữa cho Sở cứu tế của thành phố, lúc này đã quá đông rồi. - Lewis buồn rầu nói.
- Nhưng em đề nghị anh đừng đưa chuyện này vào các lá thư cho khách hàng của anh đấy, rồi còn tán hươu tán vượn nữa chứ.
Lewis nhe răng cười:
- Lần đầu tiên em hỏi ý kiến anh đấy. Cho nên anh thấy phấn khởi quá mức.
Edwina chấp nhận lời khen của chồng. Quả thật bà vẫn tự hào là Lewis tôn trọng vợ, rất bình đẳng trong cách đối xử. Tuy ông không nói ra, nhưng Edwina biết chồng hãnh diện về chức vụ của bà trong nhà băng. Bởi hiếm có phụ nữ nào được giao trách nhiệm lớn như vậy trong ngành tài chính: giám đốc chi nhánh chính của một nhà băng lớn như Ngân hàng Thương mại số Một Hoa Kỳ này.
Lewis vẫn đang cau trán suy nghĩ:
- Anh chưa hình dung được em sẽ tìm thấy số sáu ngàn đô la đó ở đâu. Anh chỉ có thể khuyên em về phương pháp: đó là hãy coi chừng những điều hiển nhiên.
- Nghĩa là sao?
- Những chứng cứ lồ lộ là thứ cần phải nghi ngờ.
Edwina lộ vẻ thất vọng. Bà thầm nghĩ mình đã tưởng bộ óc cực kỳ thông minh của chồng sẽ "nhìn thấy" được điều bí mật náu kín trong vụ mất cắp kia.
- Cảm ơn anh, em phải đi thôi.
- À, - Anh báo tin - tối nay anh bay sang châu Âu đấy.Thứ tư về.
- Chúc anh thượng lộ bình an.
Edwina hôn chồng rồi đi. Việc ra đi của Lewis không làm bà ngạc nhiên. Ông có chi nhánh văn phòng ở Thụy Sĩ và Anh, cho nên thường xuyên qua lại các châu lục.
Thang máy riêng đưa Edwina xuống tầng trệt, nơi để xe. Trên đường đến nhà băng, Edwina nhắc đi nhắc lại câu nói của chồng: "Hãy coi chừng những điều hiển nhiên!" Câu đó làm bà thấy khó chịu.
o O o
Vào giữa buổi làm việc sáng, Edwina ngồi với hai nhân viên của F.B.I. trong phòng khách nhỏ, nơi tất cả các nhân viên làm việc tại chi nhánh đã từng vào để dự thẩm vấn. Cùng dự buổi tiếp hai thanh tra viên của Cục an ninh Liên bang còn có cả Nolan Wainwright, trưởng ban bảo vệ nhà băng. Viên thanh tra cấp bậc cao hơn tên là lnnes nói:
- Chúng tôi đã tiến hành điều tra tất cả những gì có thể. Bây giờ đành chờ xem có thêm sự kiện nào mới nữa không. Về phía nhà băng, đề nghị nếu có tin tức gì mới, báo cho chúng tôi biết ngay.
- Tất nhiên là như thế. - Edwina nói.
- Tuy nhiên chúng tôi thu được một thông tin... không được lý thú gì. - Innes nói. Mắt nhìn vào sổ tay. - Chồng cũ của cô gái Juanita Numez kia tên là Carlos... Một nhân viên của bà đã nhìn thấy y lởn vởn ở cửa giao dịch sáng hôm xảy ra vụ mất cắp.
Nolan Wainwright nói:
- Đúng thế. Nhân viên đó tên là Miles Eastin. Anh ta có nói với tôi và chính tôi nói lại với các ông.
- Vâng và sau đấy chúng tôi có hỏi Eastin, thì anh ta nói anh ta không dám chắc đấy chính là chồng Juanita, rằng rất có thể anh ta, tức là Miles Eastin, lầm. Chúng tôi cũng đã đến gặp Carlos Numez ở thành phố Phoenix, bang Arizona. Y làm thợ cơ khí ở đó. Người của chúng tôi đã điều tra thì được biết hôm thứ tư Carlos vẫn làm việc bình thường tại chỗ, và cả tuần đó anh ta không nghỉ hôm nào. Như vây có nghĩa Carlos không dính vào chuyện mất cắp kia.
Nolan Wainwright tiễn hai thanh tra viên của Cục an ninh Liên bang ra đến tận cửa. Edwina thì quay về bàn giấy của bà. Bà đã báo ngay cho cấp trên ở nhà băng theo đúng nguyên tắc và chuyện này đã lan ra ngoài, bởi Alex Vandervoort cũng đã biết. Ngay tối hôm đó ông gọi điện cho Edwina, hỏi có thể giúp gì cho bà được không.
- Không. - Edwina đã trả lời như vậy. - Tôi phụ trách chi nhánh và tôi phải thi hành những biện pháp cần thiết. Sáng hôm đó không có gì mới. Sau mười hai giờ trưa, Edwina triệu tập trưởng phòng nhân sự Tottenhoe và giao ông ta báo cho Juanita nghỉ việc từ ngày mai.
- Ông chuẩn bị cho tôi một tấm ngân phiếu cấp tiền bồi thường thải hồi cho cô ta, rồi chuyển đến cho tôi.
Edwina đi ăn trưa và lúc quay về, thấy tấm ngân phiếu đã nằm trên bàn, do một nhân viên giao thông đem đến. Bà nhìn tấm ngân phiếu, trong lòng đau xót. Lúc này Juanita vẫn đang làm việc ở quầy giao dịch. Edwina để cô ta làm việc như vậy chính nhằm phản ứng với câu nói nghiệt ngã của ông trưởng phòng Tottenhoe: “tống cổ con bé ấy đi sớm lúc nào, là tránh cho cơ quan khỏi xảy ra tiếp những chuyện mất mát khác."
Thậm chí Miles Eastin cũng nhăn mặt với bà. Anh ta đã rời khỏi quầy giao dịch để nắm quyền phó phòng cho Tottenhoe. Nhưng Edwina làm ngơ, coi như không quan tâm đến.
Bà tự hỏi tại sao một chuyện hiển nhiên như thế này mà mình cứ phải băn khoăn mãi? "Hiển nhiên"! Edwina chợt nhớ đến lời khuyên của Lewis, chồng bà "Hãy coi chừng những điều hiển nhiên!"
Edwina thầm nghĩ: "Đúng là phải coi chừng những gì hiển nhiên, nhưng chẳng lẽ những điều hiển nhiên này không có giá trị sao? Số tiền sáu ngàn đô la bị mất là hiển nhiên. Cả bốn người đều xác nhận: Juanita, Tottenhoe, Eastin và chánh thủ quỹ. Một điều hiển nhiên không thể bác bỏ được.
Rồi bản thân Juanita khẳng định ngay từ phút đầu về con số của khoản tiền bị mất, ngay trước khi kiểm lại sổ sách và tiền đựng trong két nhỏ. Mọi người đều thống nhất là không ai có thể biết ngay lập tức chính xác số tiền bị thiếu. Và đấy là nguyên nhân chủ chốt khiến mọi người nghi ngờ Juanita đã ăn cắp.
Đột nhiên Edwina nảy ra một ý nghĩ. Đồng hồ treo tường chỉ hai giờ mười. Bà nhìn thấy trưởng phòng nhân sự đang ngồi trong phòng làm việc của ông ta. Edwina đứng dậy nói:
- Ông đi với tôi nhé!
Tottenhoe lẳng lặng đứng dậy đi theo bà giám đốc. Mặt ông ta cau có. Họ ra phòng ngoài. Khách rất đông, giống như thường lệ, vào các chiều thứ sáu. Một khách hàng đang trao tiền cho Juanita. Edwina nới với cô ta:
- Tiếp xong ông khách này, cô treo tấm biển “nghỉ" rồi khoá két nhé.
Juanita không trả lời và cứ im lặng như thế cho đến lúc người khách hàng xong việc đi ra. Cô lấy tấm biển nhỏ bằng đồng treo lên trước quầy rồi quay lại khoá két. Lúc này Edwina mới hiểu tại sao Juanita không đáp bà. Cô ta khóc: nước mắt chảy ròng ròng trên hai gò má. Không cần phải đoán cũng biết được nguyên nhân. Juanita tin rằng cô sẽ bị sa thải, và việc bà giám đốc đích thân đến càng khẳng định điều đó.
Edwina làm như không chú ý đến chuyện cô ta khóc mà quay sang Tottenhoe:
- Cô Juanita làm việc ở quầy giao dịch này từ lúc cơ quan mở cửa buổi sáng phải không?
- Vâng đúng thế, thưa bà.
- Nghĩa là gần giống như hôm thứ ba, trước hôm xảy ra vụ mất tiền. Chúng ta thấy hôm nay khách đến đông hơn và mọi công việc diễn ra sôi động hơn. Juanita, cô nói cô có trí nhớ rất tốt và nhớ chính xác tất cả các khoản thu và trả trong ngày, đúng vậy không?
Juanita gật đầu, chưa hiểu tại sao bà giám đốc lại hỏi câu ấy. Edwina nói tiếp:
- Vậy lúc này cô có biết chính xác số tiền hiện có trong két nhỏ kia là bao nhiêu không? Juanita chần chừ một lúc rồi gật đầu, vẫn nghẹn không nói được. Edwina lấy một mảnh giấy trên mặt quầy đưa cho Juanita:
- Vậy cô viết ra đây. Juanita lại do dự một chút rồi cầm bút viết lên mảnh giấy “23.765". Edwina cầm mảnh giấy đưa cho Tottenhoe, nói:
- Ông đi cùng cô Juanita Numez và xem cô đếm số tiền trong két của cô ấy. Kiểm tra lại và so sánh với số tiền cộng trừ được trong sổ ghi hàng ngày. Tottenhoe ngờ vực nhìn vào mảnh giấy. Tôi đang rất bận, không có thời giờ làm cái chuyện vớ vẩn này. Edwina cau mặt:
- Tôi yêu cầu ông làm!
Nói xong, bà quay ra bàn làm việc. Khoảng bốn mươi lăm phút sau, Tottenhoe chạy ra, mặt sửng sốt, hai bàn tay run run. Ông già hom hem đặt mảnh giấy lên mặt bàn của nữ giám đốc, nói:
- Nếu không nhìn thấy tận mắt thì tôi không sao tin nổi.
- Chính xác à?
- Vâng, hoàn toàn chính xác, đến tận số lẻ.
Edwina ngẩn người. Lại một sự "hiển nhiên” nữa. Vậy là mọi người đã đánh giá không đúng trí nhớ kỳ lạ của cô gái này. Tottenhoe nói:
- Tôi chợt nhớ lại một chuyện đã lâu. Hồi xưa tôi có biết một người cũng có trí nhớ kỳ lạ như thế này. Anh ta làm trong một sở giao dịch ở tỉnh lẻ. Bất cứ lúc nào chúng tôi hỏi, anh ta cũng nói chính xác số tiền có trong két của anh ta. Tôi còn nghe nói có một số khối óc đặc biệt tính nhẩm nhanh và chính xác không kém gì máy tính.
- Đáng tiếc là ông không nhớ ra chuyện đó hôm thứ tư vừa rồi.- Edwina nói.
Tottenhoe quay về chỗ làm việc. Edwina lấy sổ tay ra ghi tóm tắt những ấn tượng vừa qua. Juanita Numez tuy vẫn là đối tượng,nhưng có thể tin cô ta được.
Cô ta bị oan? Rất có thể. Nếu không phải là Juanita Numez thì là ai? Phải là người nào nắm được các biện pháp an toàn của nhà băng, thì mới ăn cắp nổi.
Vậy phải là người trong cơ quan. Nhưng hắn ta làm cách nào?
Chuyện cách nào để sau. Trước tiên cần tìm động cơ đã rồi mới tìm kẻ nào và cách nào.
Động cơ? Hết sức cần tiền!
Edwina gạch đít hai chữ "hết sức" rồi viết thêm vào sổ tay:
Cần kiểm tra các tài khoản - séc và sổ tiết kiệm - của tất cả các nhân viên. NGAY HÔM NAY!
Edwina lật sổ ghi các số điện thoại của nhà băng, tìm số của phòng kiểm toán, quay số.