Số lần đọc/download: 1971 / 75
Cập nhật: 2017-11-18 21:12:48 +0700
Chương 12 -
Ý định xây dựng một nền hành chính sạch, thế là có cơ hội thực hiện. Kiên mời Hùng đến chơi. Tần biết Hùng ngay sau khi quen biết Kiên. Hùng đã dự đám cưới vợ chồng chị. Là cộng sự tin cậy, thân thiết và đồng điệu của chồng.
Biết vậy nên mỗi khi Hùng đến nhà, Tần đều dành cho anh một cách tiếp đãi riêng. Trời nóng, chị mang cốc mơ đá, to gấp rưỡi cốc của chồng mời Hùng. Chị nán lại nói chuyện với anh, trước khi chồng nói chuyện công việc. Hùng đón cốc nước trong tay chủ nhà đặt xuống bàn, nhấc cái túi bao bì giấy, in rất đẹp để cạnh ghế lên:
- Nhà em có cái này tặng chị. Cô ấy bảo loại son môi này phù hợp với tuổi chị, nghề nghiệp chị, tính cách chị.
- Chú tặng chị là hối lộ anh đấy nhé, - Tần cười, đỡ túi quà Hùng cùng cười.
- Giá trị túi quà này dưới quá xa mức hối lộ pháp luật qui định. Mà em nói thật nhé, cùng chả vô tư đâu. Nhà em bảo loại hàng này mới về, chị thích dùng, lại kéo theo các chị khác trong trường, thế là nhà em bán được nhiều hàng. Ăn nhau là ở chỗ ấy chị ạ!
Tần quý Hùng, trước hết bởi đấy là người bạn chí cốt của chồng. Nhưng còn vì tính anh cởi mở, thẳng thắn, không bao giờ có ý lấy lòng vợ, để cầu thân chồng. Đấy, Hùng chả nói cả dụng ý của vợ đằng sau túi quà tặng là gì?
Kiên bảo:
- Mọi việc diễn ra ngoài mong đợi của tôi và cậu rồi…
Kiên mới nói đến đấy, Tần đã đứng dậy:
- Hai anh em nói chuyện công việc nhé.
Kiên hỏi:
- Cậu có lo không?
Giọng nói của anh không giấu được tâm trạng không yên. Nếu không có sự đồng điệu của Hùng thì ý tưởng của Kiên không tài nào thành hiện thực. Sự hiểu biết của Hùng không phải do kinh nghiệm, mà chu yếu do sức đọc của anh mang lại. Đó là chỗ dựa trí tuệ tin cậy của Kiên. Hùng nhạy cảm, tinh khôn việc đời, lại có cái am tường công việc, nên anh không chỉ có chung ý tưởng với cấp trên mà còn là người giúp Kiên thiết kế, thi công ý tưởng ấy. Hùng nhận ra cơ hội để hai anh em thực hiện ý định ấp ủ đã đến. Anh không có tầm nhìn chiến lược của Kiên. Bù lại, có cái khôn ngoan của người biết khá rõ ngóc ngách cuộc đời. Bởi thế, nghe Kiên hỏi, Hùng trả lời thế này:
- Em không lo công việc.
Kiên nhướng cặp lông mày lên, ngạc nhiên:
- Công việc mà không lo thì cậu lo cái gì?
Hùng nhìn Thủ trưởng, không giấu giếm:
- Nói đúng ra, lo công việc một, thì lo xử lý các mối quan hệ gấp mười lần anh ạ.
Kiên nghĩ một thoáng, rồi cùng đồng tình:
- Có nhẽ đúng vậy… Cậu thử hình dung xem thế nào để anh em mình còn liệu đường đối phó.
- Làm sao hình dung được hả anh. "Lòng người quanh mãi nước non quanh", câu ấy Nguyễn Trãi viết hơn năm trăm năm trước rồi. Anh em mình được trên ủng hộ. Nhưng đấy là trên… chín tầng mây. Còn trên đầu mình thì không đơn giản đâu Ngang mình, em nghĩ khó khăn hơn. Dưới mình, quân ta ấy, phức tạp đấy.
Mỗi người nghĩ đến công việc theo cách của mình. Hùng nghĩ đến việc phải làm trước mắt. Anh nửa như hỏi, nửa như nhắc:
- Thế nào chả phải sắp xếp lại bộ máy hả anh? Khó nhất là công tác tổ chức. Nhưng cũng phải bắt đầu từ công tác tổ chức, không thể nào khác được. Thế anh định sắp xếp lại nhân sự bộ máy Quận uỷ theo nguyên tắc nào?
Thấy Kiên yên lặng chưa trả lời, Hùng kể:
- Hồi nhập tỉnh, em biết không ít chuyện ở quê em. Bên quê ông bí thư, chả biết có phải do ông ấy chỉ đạo không mà họ nâng lương hết cho các trưởng ban, ngành, đến cả cấp trưởng phòng. Thế là lúc phân công, gần như tất cả các cấp trưởng đều rơi vào tay các ông bên tỉnh ấy. Còn bên quê chủ tịch đều chỉ làm cấp phó. Sau thấy chối quá, ông bí thư mới phải điều chỉnh lại một vài cấp trưởng cho bên kia. Mâu thuẫn bắt đầu từ đấy chứ đâu. Hai tỉnh thế, mà hai cơ quan cũng thế. Hễ hợp nhất là y như rằng một bên bị lép vế. Bao giờ cán cân cũng nghiêng về bên cấp trưởng. Em nghĩ việc sắp xếp cán bộ là quan trọng nhất đấy anh ạ. Nếu lòng dạ quân cán không yên, họ không tâm phục khẩu phục thì đấy là mầm mống mất đoàn kết. Dòi từ trong xương dòi ra là thế.
Hùng có lối thuyết phục người tranh luận bằng những câu chuyện lòng vòng, xa xôi kiểu ấy. Anh thường dùng nó để minh hoạ cho lập luận của mình. Đã làm việc với nhau nhiều năm, Kiên rất tin vào sự đúng đắn trong nhận thức của Hùng. Thay lời khuyến cáo của Hùng có lý, Kiên bảo:
- Tôi thì cậu không phải lo thiên vị. Một là tôi hai mang, quân hai bên cũng đều là quân tôi. Hai là tôi phải chịu trách nhiệm trực tiếp và cuối cùng. Ta sẽ làm việc với tổ chức Quận uỷ và Uỷ ban trước.
Hùng giẫy nảy:
- Thì tất nhiên phải làm việc với tổ chức rồi. Nhưng là làm sau, và nên là sau cùng. Em rất dị ứng với các bố tổ chức. Thế nào cũng nói được. Nói thế nào cũng được. Nếu anh thực sự tin vào sự đúng đắn của nguyên tắc này thì anh với em thống nhất ngay bấy giờ. Theo em, việc sắp xếp lại đội hình chỉ dựa vào duy nhất hai tiêu chuẩn tài và đức thôi, anh có đồng ý thế không?
Kiên đưa tay ra, hai người bắt tay thật chặt:
- Hoàn toàn nhất trí!
o O o
Sau khi thành phố tổ chức trao quyết định thí điểm cải cách hành chính, bổ nhiệm Bí thư Trần Kiên kiêm Chủ tịch UBND quận, Lâm Du làm lễ tiễn ngay đồng chí Chủ tịch Quận, được Thành phố điều đi công tác khác. Kinh nghiệm cho biết, người sẽ đi mà chưa đi ngay là lắm chuyện lắm. Chính Hùng nhắc Kiên việc này. Kiên cũng tiến hành ngay cuộc họp Ban chấp hành Quận uỷ mở rộng. Mở đầu cuộc họp, anh giải thích:
- Lẽ ra phải hai cuộc họp nữa mới tới cuộc họp này. Một là, cuộc họp Thường vụ, hai là cuộc họp Ban chấp hành. Đấy là theo thông lệ. Chúng ta được phép không theo thông lệ. Điều này tí nữa tôi sẽ trình bày. Hai là, thời gian không cho phép chúng ta làm theo cái cách trước nay vẫn làm. Thà họp một buổi kéo dài, để bàn nát nước ra, còn hơn là nhiều đồng chí ngồi đây cứ phải họp đi họp lại, để cuối cùng chỉ đưa ra một quyết định theo đa số, mà nếu quyết định ấy chỉ đúng trong phòng họp, không đúng ngoài đường phố thì nguy hại vô cùng, bởi lẽ, không phải bao giờ ý kiến đa số cũng đúng.
Xin các đồng chí nói thẳng, nói thật, thậm chí nói hết ý kiến mình, để chúng ta bàn thảo, lựa chọn rồi đi đến một quyết định đúng đắn.
Kiên tóm tắt quá trình dẫn đến việc được phép thí điểm cải tiến phương thức lãnh đạo, cũng chính là thí điểm bước đầu cải cách hành chính ở Lâm Du. Rồi sẽ phải làm ngay chế độ một cửa một dấu, chính quyền điện tử. Có thể gọi là điện tử hoá chính quyền. Các nước, người ta làm từ lâu rồi các đồng chí ạ. Có thể mọi việc mới nhanh chóng được.
Kiên đề nghị đồng chí Phó Chủ tịch thường trực không đọc nguyên văn, nào tiêu đề, nào số quyết định, nào các căn cứ đề ra quyết định. Anh giải thích:
- Đến tay mình, các đồng chí sẽ nắm được đầy đủ mọi thông tin cần thiết. Điều chúng ta cần nắm là nội dung quyết định chứ không phải hình thức văn bản quyết định. Vả lại, không ai nhớ nó khi nghe đọc một lần. Điều chúng ta cần giải quyết là bàn việc triển khai. Nãy, tôi nói phải bàn nát nước, chính là muốn nói việc bàn để thực hiện và phải thực hiện bằng được, chứ không phải bàn ngãng ra, hoặc đưa ra những vấn đề mà bản thân người nói cũng thấy không thể giải quyết được ngay. Đích thân Tổng Bí thư chỉ đạo việc này, nghĩa là nó có ý nghĩa quan trọng của nó.
Trưởng thành từ Giám đốc một nhà máy, Kiên làm Phó chủ tịch, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân quận, rồi mới sang làm Bí thư Quận uỷ nên ai cũng biết anh. Tính cách, nhân cách và năng lực của con người này, chưa bao giờ là chuyện đàm tiếu của thiên hạ. Mọi người quý mến và nể phục anh, ở sự đúng đắn trong giải quyết công việc, ở sự bạo dạn trong suy nghĩ, ở thái độ dám chịu trách nhiệm. Chuyện anh bị kỷ luật, làm nhiều người choáng váng. Nó giáng cả vào những người đứng đắn, tử tế. Chuyện anh được phục hồi, được mời gặp riêng Tổng Bí thư, giờ lại được kiêm cả chức Chủ tịch làm cho mọi người thở phào, càng tin anh, ủng hộ anh.
Nhưng, đến chuyện sắp xếp lại tổ chức thì lôi thôi.
Hoá ra, phản ứng lại chính từ phía Quận uỷ, đúng như Hùng phán đoán. Rất từ tốn, đúng mực, người ngồi đầu, ngay mé trong hàng ghế trên cùng đứng dậy:
- Đồng chí Kiên nói, nguyên tắc sắp xếp chỉ dựa vào hai tiêu chuẩn tài và đức. Vậy tài là thế nào, đức là thế nào, phải cụ thể hoá ra chứ.
Đấy là ông Lưu, Phó Bí thư, chuyên trách công tác Đảng lâu năm. Ông thấy việc giải thể cả một cơ quan thế này, thật sự là một việc ghê gớm. Nó động chạm đến bao nhiêu người. Mỗi người là một hoàn cảnh, một số phận, sao lại có thể đơn giản thế được.
Ý kiến của ông Lưu cùng là suy nghĩ của nhiều người. Những người này đều là quân Quận uỷ. Họ biết, với phương án sắp xếp lại tổ chức thì Quận uỷ chỉ còn một văn phòng, chuyên trách công tác Đảng, các ban, các tổ sẽ không còn hoặc sẽ thu nhỏ lại. Người của các ban, tổ này sẽ chuyển sang các phòng của Uỷ ban Nhân dân Quận, tuỳ theo chuyên môn và năng lực, hoặc chuyển đến hai quận sắp thành lập.
Cái chết nhất là, một số không nhỏ lại chẳng có chuyên môn gì. Hoặc có chuyên môn nhưng yếu, hoặc trái nghề. Nhiều người có bằng đại học, có người là giáo viên cấp ba, nhưng không thể xin về ngành giáo dục thành phố, nhờ mối quan hệ, xin được về Quận uỷ, về trường Đảng, tuyên giáo, tổ chức. Một "người lính gác dưới ánh đèn nê ông" lấy cô đánh máy Quận uỷ rồi đi học tại chức, bây giờ thành Phó trưởng ban Kiểm tra. Còn cô đánh máy ấy, học tại chức đại học Luật, leo đến chức Thẩm phán Toà án nhân dân Thành phố. Người ta, phải có đủ bằng cấp rồi mới nói đến chuyện bổ nhiệm, đằng này lại bổ nhiệm rồi mới đi học để lấy bằng thì hèn gì chẳng đỗ.
Lại còn chuyện cơ cấu. Đã ngồi vào ghế trưởng ban tuyên giáo, trưởng ban kiểm tra, trưởng ban tổ chức… thì phải là thường vụ quận uỷ rồi. Mà đã ở trong cấp uỷ thì mọi chuyện đều khác, có thể vượt qua mọi thông lệ, chả kể gì chuyện học tại chức hay cao học. Vì thế, xét về mặt chuyên môn thì đấy không phải là những người có chuyên môn cao. Nhưng dưới góc độ chính trị, thì đấy là những người có "uy tín" cao nhất.
Nhiều cán bộ, chuyên viên, nhân viên bên Quận uỷ, cũng biết năng lực mình, nhưng từ lâu đã quen sống ở vị thế của cơ quan lãnh đạo, của người lãnh đạo bên dân chính, quen đi họp, để nói những điều chung chung, rất đúng, nhưng không trúng việc gì; và điều quan trọng nhất là không phải chịu trách nhiệm cụ thể một việc gì. Bây giờ phải làm cụ thể, mới bộc lộ mặt hạn chề của mình.
Việc đầu tiên, cũng là điều hệ trọng nhất là mình sẽ ngồi vào ghế nào. Trưởng hay phó? Hay chuyên viên? Đường đường là người trong cấp uỷ, không thể bố trí tuỳ tiện được. Còn đã ngồi vào được ghế ấy rồi, thì mọi chuyện sẽ xong hết, trước lạ, sau quen. Cách mạng là sự nghiệp quần chúng, cứ dựa vào tập thể thì việc gì cũng xong.
Kiên không lạ gì, những suy nghĩ tính toán của các cán bộ dưới quyền mình. Thời buổi này, phải lấy khả năng giải quyết công việc làm đầu. Cái lối hô hào chung chung, không còn bao nhiêu ý nghĩa nên cũng chẳng còn mấy hiệu quả thực tế.
Những cán bộ kì cựu của quận, đến nay vẫn chưa quên chuyện, ngày mới về, sang thăm Uỷ ban Nhân dân Quận, thấy mấy dàn vi tính, ông Lưu phán một câu kinh hoàng: "Làm gì mà một phòng làm việc thế này phải có tới ba cái ti vi hả các đồng chí? Lãng phí quá. Nước ta còn nghèo, phải thắt lưng buộc bụng xây dựng chủ nghĩa xã hội các đồng chí ạ!".
Ngày mới sang Quận uỷ, Kiên đã nhận ngay ra cái kiểu quan cách của các cán bộ Quận uỷ. Đi đâu cũng khệnh khạng, kín đáo lên mặt. Còn việc thuyết giáo, răn dậy thì khỏi phải nói.
Có lần Lưu lớn tiếng: "Tôi được báo cáo rằng, trong địa bàn các đồng chí vẫn còn tới 24% hộ nghèo, vẫn còn mấy chục người nghiện hút, vẫn còn nạn cờ bạc trộm cắp vặt… Chi bộ phải bàn bạc xây dựng chương trình xoá đ… giảm ngòi, làm sao giảm tỉ lệ hộ đói nghèo xuống dưới 10%".
Cả hội nghị nghe rõ mười mươi ông ta nói nhịu. Nhưng không ai dám cười. Làm như không có chuyện gì xảy ra, ông cao giọng nói tiếp: "Các đồng chí phải thanh toán hết nạn cờ bạc, trộm cắp. Đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc ở địa phương mình… "
Cái điệp khúc ấy, vẫn được phát đi phát lại nhiều lần ở nhiều nơi. Mọi người vẫn vỗ tay rào rào, hoan nghênh nhiệt liệt. Cho đến một hôm, sau bài huấn thị ấy, một đảng viên hơn năm mươi năm tuổi Đảng, vốn là một cán bộ về hưu giơ tay xin phát biểu: "Báo cáo đồng chí, quả thật là chúng tôi cũng đang bí. Chúng tôi cùng nêu ra những câu hỏi như đồng chí vừa nêu. Cũng quyết tâm phải hạ tỉ lệ đói nghèo xuống… Nhưng thực tế vẫn không giảm được, thậm chí còn có phần gia tăng. Không biết đồng chí có cách gì cụ thể chỉ ra cho chúng tôi không?
Vị Phó Bí thư phán một mạch xanh rờn: "Không ai xuất khẩu cách mạng, cách mạng là sự nghiệp quần chúng. Họp chi bộ các đồng chí nêu vấn đề, để mọi người cùng bàn. Phát động quần chúng lên. Quần chúng rất thông minh. Thế nào họ cũng nghĩ ra cách giải quyết. Hãy tin vào quần chúng. Nhất định sẽ làm được". Và ông rút lui bằng một câu quen thuộc: "Chúc các đồng chí thành công!"
Những chuyện ấy lướt rất nhanh trong đầu Kiên. Anh nói thong thả, bình tĩnh:
- Trước hết, không phải là giải thể Quận uỷ. Nói chính xác là thu gọn lại. Thứ hai, chúng ta có nhiều tiêu chí để đánh giá một người có đức, có tài. Năm tiêu chuẩn đảng viên cũng là một hệ tiêu chí. Lại có nhiều tiêu chí khác để đánh giá một người là tốt hay không tốt, tử tế hay không tử tế.
Để biết một người có thực tài không, ta có thể, chẳng hạn qua bỏ phiếu tín nhiệm, thậm chí phiếu bầu hay một cuộc thi để xem năng lực thực sự người ấy thế nào. Một cuộc thi như thế, trước một ban giám khảo gồm các nhà khoa học, các nhà quán lý cấp trên hoặc đồng cấp, có sự tham gia của đại diện cơ sở, lại được tổ chức công khai như khi bảo vệ luận án khoa học, làm sao lại không thể đánh giá được tài năng thực sự một người…
Báo cáo các đồng chí, Quận ta sẽ lập một trang Web. Chúng ta sẽ công khai dự kiến đề bạt cán bộ để mọi người biết. Nếu có đơn từ tố cáo những vấn đề về đạo đức, ví dụ gian dối bằng cấp, tuổi tác v.v… mà sau khi xác minh thấy đúng, thì đấy là cơ sở tin cậy cho chúng ta xem xét. Các đồng chí biết ở ta, có những người được đề bạt lên những chức vụ cao mới biết không phải là đảng viên là gì. Đã có những cán bộ chủ chốt của quận, huyện, sở, tỉnh bị tước bằng đại học vì thật ra bằng phô thông là bằng giả đó thôi.
Kiên nói theo mạch suy nghĩ của mình. Mạch suy nghĩ ấy bắt nguồn từ bao giờ, có thể trong sâu xa ý thức công việc, được hình thành từ những ngày đầu sang làm Bí thư Quận uỷ.
Nếu không kinh qua công tác chuyên môn, công tác chính quyền, nếu cũng chỉ làm công tác Đảng chuyên nghiệp từ đầu như Lưu, chắc gì anh đã có cách suy nghĩ này?
Cũng dễ hiểu, vì sao Lưu băn khoăn về việc sắp xếp cán bộ sắp tới. Ông không có chuyên môn gì. Động viên, cổ vũ theo đường lối, chủ trương, chính sách, thì được. Theo kiểu công tác dân vận cũng được. Theo kiểu công tác mặt trận cũng được. Nhưng chỉ đạo cụ thể bên chính quyền thì khó.
Chính Lưu cũng biết vậy.
Không phải ông không đánh giá được mình. Nhưng bây giờ, chính sách cán bộ vẫn hết sức coi trọng, thậm chí coi người trong cấp uỷ là điều kiện tiên quyết để sắp xếp cán bộ thì… dại gì không dựa vào đấy để đấu tranh cho mình. Ông chỉ đứng sau Kiên. Chức Chủ tịch thì Kiên kiêm mất rồi. Hiện bên Uỷ ban còn thiếu một Phó chủ tịch. Đã có lần, Kiên hé lộ ra ý, do hoàn cảnh đặc biệt, quận Lâm Du phải có ba Phó chủ tịch. Vậy là sẽ thiêu hai.
Thật ra, ông Lưu không thể làm công tác chính quyền được dù chỉ là cấp phó, thừa hành, giúp việc. Nhưng với cương vị Phó bí thư, không sang đấy thì đi đâu. Có một ghế cũng ngon, mà cũng không còn cụ thể gì nhiều, ấy là chức Chủ tịch Hội đồng Nhân dân. Nhưng phải tìm cách bẩy người cũ đi, lại đang nhiệm kỳ, không thể thấy được.
Cuộc họp tạm nghỉ. Kiên vào phòng vệ sinh. Đã thấy ông Lưu đang quay mặt vào tường. Gặp nhau trong buồng vệ sinh đã là một sự khó xử. Lại đang trong hoàn cảnh căng thẳng với nhau. Kiên định quay lại thì cũng đúng lúc ông Lưu đi ra. Kiên hết sức ngạc nhiên khi thấy ông Lưu cứ thế đi ra mà không ấn nút xả nước. Việc ấy phải như là phản xạ chứ. Lạ thật!
Có ba ứng viên vào một trong hai ghế Phó chủ tịch còn khuyết là ông Lưu, hai người kia là Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính và Trưởng phòng Quản lý Kinh doanh. Trưởng ban - Tổ chức Thành uỷ chấm ông Lưu. Lí do đưa ra là, ông này chức vụ cấp ủy cao nhất, có tuổi Đảng cao nhất.
Kiên định mở cuộc thi, mỗi ứng viên đưa ra chương trình hành động của mình, trong đó có việc đánh giá tình hình, mặt mạnh mặt yếu, giải pháp. Có thể nêu một vấn đề yếu kém cụ thể và cách khắc phục mặt yếu kém đó. Nhưng Hùng khuyên, cách ấy mới quá, chắc khó thực hiện được lúc này, đợi bộ máy kiện toàn, ổn định một thời gian, mới có thể làm được và cũng chỉ nên bắt đầu từ những chức trưởng phòng. Còn bỏ phiếu tín nhiệm thì đương nhiên phải làm rồi.
Giọng Hùng ngao ngán:
- Em cho cái việc bỏ phiếu tín nhiệm ấy là hình thức, giả tạo. Sao không cho bầu quách đi, bầu công khai, bầu trực tiếp. Quần chúng tinh tường ra phết ấy anh ạ.
Kiên giải thích:
- Cậu lạ nhỉ? Ở ta chưa thể làm chuyện đó được. Cứ như trên trời rơi xuống ấy.
Hùng không từ trên trời rơi xuống. Anh trưởng thành từ mảnh đất này. Anh cũng hiểu như Kiên hiểu, chẳng qua là muốn dẫn Kiên từ chuyện bầu ấy đến một cuộc bầu khác mà anh chợt nghĩ ra, nhờ một liên tưởng trong vốn kiến thức của mình. Mặt Hùng bỗng trở nên tươi tỉnh. Cái nét hóm hỉnh, vẻ bí mật đang ấp ủ làm gương mặt anh đáng yêu lạ:
- Thủ trưởng này, không biết có ông nào tự rút lui không nhỉ?
- Sao cậu hỏi dớ dẩn thế?…
Nói xong câu ấy, anh chợt chững lại. Thằng cha này chẳng bao giờ hỏi dớ dẩn đâu. Khi nó đưa ra một câu hỏi tưởng là dớ dẩn, là y như rằng nó sẽ biến ta thành kẻ dớ dẩn, nếu không chấp nhận ý kiến nó. Nghĩ thế, anh thăm dò:
- Chắc cậu có ý kiến gì hay phải không.
Mắt Hùng sáng lên vẻ tinh ranh, láu lỉnh:
- Thủ trưởng biết tính em rồi… Hỏi là hỏi thế thôi. Em thừa biết, ở ta, có các vàng, hoạ mới có ông tự rút lui. Biết tiến là ghê, biết lùi còn ghê hơn nữa, biết dừng lại đúng lúc, thì ghê hơn nhiều. Nhưng em sẽ buộc các ứng viên của ta phải tự biết mình, không muốn rút lui cũng phải rút lui cho anh xem.
Kiên biết khả năng của Hùng, nhưng anh không tin điều Hùng nói. Anh quay sang, giọng hơn cợt:
- Này, nói khoác vừa thôi nhé. Không ai đánh thuế có khác. Cậu vừa nói không ai tự rút, sao bây giờ lại nói thế?
- Em sẽ buộc các ông phải rút lui, chứ có nói các ông tự rút lui đâu? Thế, nếu em làm được thì anh mất gì nào?
- Sao cậu hay thách đố thế?
Hùng cười khoái chí:
- Em có triết lý của em đấy. Khi mình thách đố, tức là mình dồn người ta vào chân tường. Các cụ bảo bất phần bất phát là thế, chính trong tình trạng trí tuệ bị dồn nén, căng lên mà nảy ra câu trả lời. Em đánh đố, cốt làm anh tức ấy mà. Không cần nhiều đâu, chỉ một lần tắm bùn thôi là đủ.
- Đồng ý! Thế nếu cậu không làm được?
- Anh đừng cho là em hỗn nhé.
- Cứ nói đi, vô tư!
- Nếu em thua, em cũng mời anh đi tắm bùn. Những là tắm hai lần khác nhau. - Hùng nói ngay, sợ Kiên hiểu lầm - Không phải là em chơi trội đâu. Chỉ là tự tin thôi.
Kiên hơi tò mò. Anh rất nể người cộng sự thân tín của mình. Nể sức đọc của nó. Gần như toàn bộ thời gian rỗi, Hùng dùng vào việc đọc sách. Các loại phim truyền hình nhiều tập, phim võ thuật, phim hành động, phim giả tưởng, phim cổ trang, phim thương mại giải trí Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ không bao giờ Hùng xem. Anh không xem thì vợ cũng không được xem. Con càng không được xem. Anh truyền cho cả nhà thói quen đọc sách. Với gia đình anh, đọc sách là giải trí trí tuệ. Nhưng chương trình thời sự thì cả nhà phải xem. Làm người Việt Nam phải biết tình hình đất nước đang diễn ra thế nào chứ.
Hùng có cách đọc nhanh. Anh lướt qua trang một, xem tờ báo lưu ý bạn đọc bài gì, tin gì. Xem bài ấy, tin ấy có cần thiết cho công việc của mình không, rồi mới đọc, hay chỉ cần đọc tít là đủ. Tiếp đó mới lướt xem các bài, tin khác cho những sở thích cá nhân. Còn đọc thì Hùng có kiểu đọc từ từ. Không phải là đọc ngang từng từ theo hàng chữ, mà là đưa mắt dọc theo cột báo, ở khoảng giữa cột báo. Từ những từ giữa cột báo, anh suy ra mối liên quan với những từ hai bên, từ đó suy ra nội dung đoạn văn bản. Anh chỉ đọc cẩn thận, với cây bút đánh dấu trong tay, những thông tin cần thiết, đánh dấu những từ, những đoạn cần thiết.
Cách đọc sách của Hùng cũng lạ. Sách dịch bây giờ, cỡ trên dưới ba trăm trang, anh chỉ đọc một đêm. Một lần Hùng nói với Kiên lúc ngâm mình trong bể nước nóng 38 độ - làm sao còn được đọc những áng văn chương đích thực như của V. Huygô. Vì thế em chỉ cần đọc lướt để nắm diễn biến cốt truyện, nhân vật, xem cuốn sách đặt ra vấn đề gì. Chỉ chỗ nào hay mới đọc kỹ. Văn chương kiểu gì mà câu chẳng ra câu. Thích chấm chỗ nào thì chấm.
- Ừ, cậu nói đi xem nào!
Hùng hớn hở:
- Đây nhé. Đầu tiên, ta yêu cầu ba ông đã đủ phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu kín xem trong họ, ai là người xứng đáng nhất. Vì ông nào cũng cho mình là nhất, nên các ông đều bỏ phiếu cho mình. Đúng không? Xong! Ta lại yêu cầu các ông bỏ phiếu xem, người đứng thứ hai sau mình là ai.
- Để làm gì? - Kiên sốt ruột hỏi.
- Sẽ có một tình huống phải xảy ra là: một trong ba ông được hai ông khác bỏ phiếu.
- Thế thì sao?
Hùng cười khoái trá:
- Thì chính cái ông được hai ông kia bỏ phiếu, sẽ là ông xứng đáng nhất chứ sao? Anh chịu chưa?
Hùng cười đắc thắng:
- Em đố ông nào cãi? Lúc ấy, không tự rút lui thì làm gì? Đỡ tốn thời gian, công sức của bao nhiêu người, ban Tổ chức Thành uỷ, ban Kiểm tra Thành uỷ, sở Nội vụ cũng không phải ngồi tranh luận, phân tích lằng nhằng, lôi thôi.
Kiên ngồi nghe, mặt mỗi lúc một rạng ra. Anh khoái vô cùng:
- Làm sao mày nghĩ ra chuyện này?
Những lúc vui, thân mật chỉ hai anh em, Kiên vẫn xưng hô suồng sã thế. Bên ngoài, làm ra vẻ "không có gì", nhưng trong bụng thì đang "rất có gì". Thản nhiên, Hùng trả lời:
- Sách đây! Em không nghĩ ra được. Lời giải này của các cụ cố mãi tận bên Hy Lạp cổ đại kia.
o O o
Mới nghe Kiên trình bày, ông Cận - Trưởng ban Tổ chức Thành uỷ mới về và ông Giám đốc sở Nội vụ đều phản đối.
Nó có cái gì tù mù như là đánh đố. Và điều quan trọng là không đảm bảo ông Lưu sẽ trúng. Kiên cố thuyết phục:
- Ta vẫn bỏ phiếu tín nhiệm cả ba người rồi mới làm bước này. Bước này có thể loại trừ được chuyện vẫn động ngầm, thậm chí mua phiếu của ai đó. Bởi lẽ, không ai hiểu mình bằng mình. Làm như đề xuất của đồng chí Hùng, là để ba người tự đánh giá mình và đánh giá người. Vừa tự giác, vừa khách quan, vừa dân chủ, vừa công bằng. Chính xác tuyệt đối đấy các anh ạ. Gọi là bỏ phiếu tín nhiệm cũng được, gọi là bầu cũng được. Không hề phạm vào quy trình bổ nhiệm, quy chế dân chủ. Tất nhiên, cách này chỉ có thể áp dụng khi chúng ta giới thiệu ba người.
Kết quả: ông Lưu trượt.
Sau đó, chính Kiên lại đả thông với hai người kia, nhất là với người được hai người kia tín nhiệm: "Anh ấy chỉ còn hơn năm là nghỉ rồi. Cậu thông cảm. Chính sách cán bộ thôi".
Kiên đề nghị Thành phố cho ông ta giữ chức Phó chủ tịch phụ trách Văn xã. Hùng phần ứng dữ dội:
- Đã thống nhất với em rồi, sao anh lại làm thế?
Mặt Kiên như chiếc bị rách:
- Không hiểu ai mách với "Cụ", nhớ là "Cự" nhé, "Cụ" gọi xuống đe: "Cải tiến thế nào mà để mất đoàn kết nội bộ là đồng chí chịu trách nhiệm đấy".
Khi duyệt nhân sự, ông Trân cũng không chấp nhận. Ông còn phê bình Kiên nể nang, tình cảm, không đặt công việc lên trên. Một người cái gì cũng biết, mà thật ra, chả biết cái gì thì chỉ đạo thế nào. Vả lại theo quy định, anh ấy cũng không đủ tuổi làm hết nhiệm kỳ. Kiên đành phải kể về cú điện thoại. Thấy Kiên bần thấn suy nghĩ, ông vỗ vai thân mật:
- Mình có phương án cho cậu, không lo, sẽ điều anh Lưu sang làm Phó bí thư Quận sắp thành lập, sau mấy tháng nữa. Được chưa?
Kiên mừng quá: "Cảm ơn anh"
Chánh văn phòng Quận uỷ Lâm Du cũng được điều sang lo việc Quận uỷ mới. Hùng được đề bạt kế nhiệm.
Mấy tháng sau, Kiên mời Hùng đến nhà trao đổi về dự kiến đưa anh lên làm Phó chủ tịch Quận. Hùng giày nảy:
- Ấy chết. Anh đừng làm thế. Em gần gụi anh, tham gia ý kiến với anh, chuyện nọ chuyện kia là vì em có đôi chút hiểu biết những chuyện ấy. Anh đừng coi đó là chuyện ân huệ phải trả.
Kiên cáu. Trợn mắt, nhìn thẳng vào mặt Hùng, gay gắt:
- Này, mày nhặt đâu ra cái ý nghĩ hạng… hạng bét ấy thế Hả?
Thảo Tần thấy chồng nói to, bước vội ra.
- Chuyện gì, mà anh phải nói to thế?
Kiên quay lại nhìn vợ:
- Em xem, nó nói thế có nghe được không? Lãnh đạo quận bàn dự kiến đưa nó lên làm phó phụ trách văn xã, mà nó dám bảo anh trả ơn nó, em bảo có tệ không cơ chứ?
Càng nói Kiên càng hăng. Lần đầu tiên anh cáu với Hùng. Lần đầu tiên anh mắng mỏ, như với một thằng em hư, phải thay mặt bố mẹ dạy bảo:
- Tao không chịu ơn mày. Anh em quý nhau vì cùng một suy nghĩ, cùng một ý tưởng, cùng… rất nhiều cái nữa, - Kiên bí, - nên thân thiết với nhau. Mày làm theo chức phận của mày, chỉ có khác người ở chỗ, thân quý như anh em thôi. ơn với nghĩa gì mà tao phải trả?
Hùng cãi:
- Tại anh bảo "đưa em lên", nên em mới nói vậy. Anh "đưa em lên" để thiên hạ chửi thối mũi em lên ấy à?
Kiên ngạc nhiên không kém Hùng:
- Sao mày đánh giá tao kém thế nhỉ? Chả lẽ tao lại cơ cấu mày lên đặt vào ghế phó chủ tịch, để thiên hạ cũng chửi thối mũi tao lên ấy à?
Thảo Tần nghe thủng chuyện, cười:
- Anh hiểu lầm em. Em hiểu lầm anh, - nguýt dài một cái, chị đưa mắt nhìn cả hai người, - thế mà cứ bảo hiểu nhau thì… hơi vô lý đấy.
Nói xong câu ấy, Tần đi vào.
Chị cảm thấy thật nhẹ nhõm. Và vui nữa.
Lãnh đạo Quận thống nhất giới thiệu ba người vào chức phó chủ tịch phụ trách văn xã: Đoàn Hùng, Chánh văn phòng Quận, hai người kia là Trưởng phòng Giáo dục và Trưởng phòng Văn hoá Thông tin.
Cái cách ba người bầu chọn nhau ở Lâm Du lan đi toàn thành phố như một đợt không khí lạnh đột ngột tràn về giữa tháng sáu oi ả, nóng nực. Công tác tổ chức vốn là độc quyền và cửa quyền của các ban tổ chức. Xưa nay vẫn chỉ giới thiệu một để… bầu lấy một. Thế mà bây giờ…
Thì chuyện ở chính Thanh Hoa này chứ đâu.
Lần ấy, tổ chức cũng chỉ giới thiệu một người để Hội đồng Nhân dân bầu vào chức danh Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Thành phố. Nhưng để cho dân chủ và hợp pháp, cũng phải đưa ra Hội đồng Nhân dân chứ.
- Ai tự ứng cử nào? Không à?
- Chuyển!
- Ai giới thiệu ai nào?
Ngứa tay. Có mấy người giơ lên.
Ngứa mồm. Có mấy người giới thiệu thêm mấy người.
Ngứa đầu. Có một người nhất định không chịu rút.
Vậy là buộc phải bầu cả hai người.
Kết quả. Điếng người! Suýt nữa thì tai hoạ xảy ra.
Người ngứa đầu, ngứa tim, ngứa gan, ngứa toàn diện này, chỉ kém người được tổ chức giới thiệu mấy phiếu lẻ.
Hú vía!
Không sao!
Tổ chức không bao giờ chịu thua những thằng vô tổ chức đâu nhé! Đừng vội hí hửng nhé!
Thằng nào mó dái ngựa, hãy coi chừng.
Mấy ngày sau, người ngứa tất cả các bộ phận ấy, bị thi hành kỷ luật cảnh cáo!
Chết chưa? Cho đáng đời, đáng kiếp!
Lần đầu tiên trong đời, ông này ân hận vì mình là đảng viên. Nếu không lý lịch đã trong veo. Làm gì mục kỷ luật phải ghi "cảnh cáo".
Thật ra, đời vẫn có những nghịch lý… thuận đấy chứ. Nếu không là đảng viên, làm sao ông được đề bạt lên đến địa vị đứng đầu một ngành, rồi Phó chủ tịch, để bây giờ người ta đề cử vào chức Chủ tịch? Chỉ có điều, ở ta lâu nay vẫn giữ lối đưa… một người ấy rồi.
Vì thế, lần này, lần thứ hai trong một thời gian không dài, Lâm Du tiến hành cách bầu chọn kỳ cục của mình. Thiên hạ khoái là phải. Càng khoái hơn khi người trúng cứ là Chánh Văn phòng Quận!
Hùng khoái nhất.
Không phải vì mình trúng cử. Anh khoái vì mình được tâm phục, khẩu phục của hai người kia, và của mọi người. Ta ngồi vào ghế này hoàn toàn xứng đáng, chứ không phải nhờ lòng tốt của ai, dù đó là thủ trưởng.
Cũng theo cách ấy, Trưởng phòng Văn hoá Thông tin được bầu vào chức danh Chánh văn phòng thay Hùng.
o O o
Lâm Du thông báo trên trang Web của mình cuộc thi chức danh Trưởng phòng Văn hoá Thông tin Quận. Đối tượng dự thi là mọi công dân trong thành phố, ở độ tuổi bốn nhăm trở xuống. Nội dung thi gồm một bài lý thuyết, một bài năng khiếu (nếu có) và một đề án hoạt động. Người dự thi được cung cấp ba bản báo cáo cuối năm gần nhất của Phòng Văn hoá thông tin Quận này.
Ban giám khảo gom: Cục phó Cục Thông tin Cơ sở (Bộ Văn hoá Thông tin, Giám đốc sở Văn hoá Thông tin Thanh Hoa, và Phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Quận phụ trách Văn xã. Nơi thi là phòng họp lớn Uỷ ban. Phần thi lý thuyết (60 phút). Ngoài hai giám thị, một người là cán bộ văn phòng Uỷ ban, một người là cán bộ trường Đào tạo Cán bộ Thành phố, còn có hai cảnh sát quận làm nhiệm vụ bảo vệ phòng thi.
Đến phần thi năng khiếu và đề án hoạt động, các giám kháo mới ra làm việc. Ban tổ chức mời những ai quan tâm tự do dự phần này. Bài lý thuyết sẽ chấm vào buổi chiều, điểm tối đa là 10, ai có tổng số điểm của cả ba giám khảo cao hơn sẽ được chọn. Phần thi sau, các giám khảo cho điểm công khai tại chỗ. Trừ thi năng khiếu, các thí sinh phải nộp đề án trước khi vào phòng thi. Họ được quyền ngồi nghe các thí sinh khác thi như một khán giả. Lần lượt vào thi theo thứ tự A, B, C.
Có bốn người dự thi. Hai người ở các quận huyện khác, một người là giảng viên trường Đại học Văn hoá, một người nhà. Nhạc sĩ Vĩnh Bảo thi đầu tiên.
Đáp lại lời mời của giám khảo là tiếng chim lảnh lót:
- H… i…t… choè, choè, choè, choè! H… i… t… choè, choè, choè, choè…! H… i… t… choè, choè, choè!
Tiếng vỗ tay giòn giã… Tiếng hoan hô. Có một vị giám khảo đưa hai tay lên, định vỗ theo phản xạ khi được xem một tiết mục hay, chợt nhớ cương vị của mình liền bỏ tay xuống.
Tiếng chim gáy nhịp tư: Cúc, cu, cu… cũ! Cúc, cũ, cu… cũ! Cúc, cũ, cu cũ!
Đàn vịt ào xuống ao, bật lên những tiếng kêu rửng mỡ:
- Quặp, quặp, quặp.! Quặp, quặp, quặp…! Và tiếng kèn xasôphôn.
Bảo đã đến trước bàn giám khảo, cúi đầu chào:
- Nếu được phép, tôi xin trình bày một sáng tác mới của tôi "Thanh Hoa, chùm sấu non" - lời thơ "Quả sấu non trên cao" của Xuân Diệu. "Hôm nào những chùm hoa li ti, ngào ngạt thơm nắng mới. Thoáng như một nghi ngờ. Trái đã liền có thật. Ôi từ không đến có, xảy ra như thế nào? Nay má hây hây gió, trên lá xanh lao xao".
Giai điệu mượt, sáng đưa người nghe đến một miền lãng mạn và suy tư, thâm tâm và bay bổng. Ca từ là mấy vẫn thơ giầu triết lý nhân sinh. Giọng anh thủ thỉ như lời tự tình, cuốn hút như cánh chim giữa trời xanh. Tất cả những người dự, kể cả cán bộ, nhân viên phòng Văn hoá Thông tin, nhà Văn hoá và Uỷ ban Nhân dân quận đều bất ngờ về anh. Họ không hề biết anh có tài khẩu thuật. Sáng tác mới của anh, chỉ mới nghe lần đầu đã thấy hay rồi. Tiếng vỗ tay đã như điểm chấm cao nhất của khán giả.
Trong đề án hoạt động của anh có một việc được mọi người chú ý theo dõi: quản lý loa truyền thanh phường. Anh nêu tình trạng không cấp nào quản lý, nên nó trở thành nơi cung cấp các chương trình ca nhạc không theo yêu cầu thính giá, kể cả sáng tác của các nhà thơ phường, cùng các bài nhặt nhạnh trên báo. Đã qua lâu rồi, cả làng, cả phố tụ tập dưới loa công cộng nghe tường thuật đá bóng. Bây giờ ở thành phố, nhà nào chả có TV, cũng chả còn TV đen trắng nữa. Đài truyền thanh phường chỉ nên làm nhiệm vụ thông báo những thông tin cần thiết, hoặc khẩn cấp cho công dân địa phương mình, khi có những vụ việc theo quy định. Anh đưa ra một dự thảo quy chế hoạt động cho nó.
Ba vị giám khảo đều cho tối đa điểm năng khiếu. Điểm trình bày đề án hoạt động: hai điểm 9, một điểm 8. Một vị đặt câu hỏi: "Làm gì để thanh toán nạn rao vặt khoan cắt bê tông, khoan giếng, sửa chữa ti vì tại nhà v.v…?" Anh thưa: "Cần có biện pháp đồng bộ. Một là mỗi phường lập một bản tin (chỉ cần một mảnh tường trống có khung kính, một phần để thông báo nhưng gì cần thiết cho mọi người biết, một phần để quảng cáo vặt. Thứ hai, nếu bưu điện quy định, mọi thuê bao điện thoại di động trả trước, trả sau đều phải đăng ký tên thuê bao thì chính đài truyền thanh phường sẽ "bêu" tên chủ nhân của những số điện thoại rao vặt vô lối ấy lên. Ba là, đành tổ chức những đợt đem vôi quét trả đền vậy.
Ba giám khảo gật đầu tán thưởng.
Điều bất ngờ nữa là cả ba thí sinh còn lại đều… bỏ cuộc.
Các giám khảo hội ý. Không cần chấm bài thi lý thuyết nữa, công bố tại chỗ, nhạc sĩ Vĩnh Bảo trứng tuyển cuộc thi chức danh Trưởng phòng Văn hoá Thông tin quận Lâm Du.