Books are the compasses and telescopes and sextants and charts which other men have prepared to help us navigate the dangerous seas of human life.

Jesse Lee Bennett

 
 
 
 
 
Thể loại: Lịch Sử
Biên tập: Nguyen Thanh Binh
Upload bìa: Hải Trần
Số chương: 55
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 4267 / 143
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 4
rong đám tang Trần Nghệ Tôn. Ông già điếc là người bi thương nhất. Già điếc tức Cung Chính Vương Trần Sư Hiền. Ông già đầu tóc bạc phơ quỳ lạy trước linh sàng khóc nức lên từng hồi, rồi cái thân xác gầy guộc của ông rung lên bần bật. Ông kêu lên:
- Anh ơi là anh ơi! Trong tôn ti hoàng tộc, ông là em họ của Nghệ Tôn, cùng tuổi với ông vua già.
Trần Nguyên Hàng đứng bên linh cữu, sợ Sư Hiền trong lúc đau xót lỡ ra có điều gì thất thố, bèn gọi:
- Vương huynh? Vương huynh chớ nên quá đỗi bi thương.
Song, ông già điếc có nghe được đâu. Ông vẫn nức nở lắp bắp:
- Anh ơi là anh ơi...
Sau đó, ông gục xuống, ngất xỉu.
Người ta phải cõng ông đem về vương phủ. Việc tôn thất Sư Hiền ngất đi trước linh sàng triều thần không lấy gì làm lạ, bởi vì ông và Nghệ Tôn ngoài đạo vua tôi còn có tình anh em đặc biệt thân thiết, thủa trẻ chơi bời với nhau, lúc lớn lên gặp hoạn nạn lại cùng nhau chia xẻ. Lúc vua phường chèo Dương Nhật Lễ cướp ngôi đổi họ nhà Trần, bộ ba Trần Nghệ Tôn, Trần Nguyên Đán, Trần Sư Hiền làm đầu não trong công cuộc phục hưng.
Lúc Nguyên Đán sắp chết, hồi mấy năm về trước. Sư Hiền có ra Côn Sơn thăm. Nguyên Đán bảo:
- Tôi sắp về với tổ tiên, ông ở lại nên giữ mình. Hiền hỏi:
- Không thể cứu vãn được nữa sao?
Đán không trả lời, mà hỏi lại:
- Ông thấy trong con cháu nhà Trần chúng ta hiện nay ai là kẻ anh tài đủ sức xoay đổi thời cuộc. Hiền ngẫm nghĩ:
- Hiện nay chưa thấy ai.
- Ông thấy nhân dân khắp nước có đói khổ không? Các quan lại và tôn thất nhà Trần có tham lam vơ vét không?
Sư Hiền im lặng không trả lời.
Ông thấy ở phương Nam, Chế Bồng Nga có kiệt hiệt không? Còn ở phương Bắc, nhà Minh vừa mới lập nghiệp, thế của họ có phải là thế của con rồng vừa mới thức giấc hay không?
Sư Hiền lại im lặng. Ông Đán bảo:
- Lúc này việc nước là quan trọng hơn hết.
Sư Hiền từ đó về nhà trở nên trầm lặng. Con ông là Nguyên Dận ít lâu nay, vẫn hay lui tới phủ tướng công Nguyên Uyên. Hai người vẫn rủ nhau lên Hồ Tây, thả thuyền trên mặt nước, uống rượu, ngâm thơ, ca hát.
Mới đầu, Sư Hiền yên tâm vì nghĩ rằng con mình chỉ chơi bời kiểu phong lưu tài tử. Nhưng rồi ông nghe bọn gia nhân xì xào rằng Uyên và Dận lúc tửu hứng nói năng chẳng giữ gìn. Sư Hiền gọi Dận đến răn dạy:
- Anh Dận, anh có biết thời buổi này là thời gì không?
- Thưa cha, ai chẳng rõ đó là thời bất ổn.
- Anh hãy nhớ, người xưa nói đó là "thời Thiên tuý". Hay thật "Thiên tuý". Trời mà cũng say, thì con chèo thuyền trên Hồ Tây, uống rượu thâu đêm suốt sáng cũng phải lắm. Trời đã say, ai còn dám không say.
- Các người đú đởn ra sao trên Hồ Tây, ta biết hết. Cái lão Nguyên Uyên tằng tịu với bà hoàng hậu goá chồng (vợ Phế Đế) làm đức thượng hoàng giận. Ta nghe nói ngài nổi cơn lôi đình đem mụ hoàng hậu ngứa nghề gả cho Nguyên Hàng rồi. Các người hãy liệu hồn?
Nguyên Dận im lặng. Sư Hiền hạ giọng:
- Ừ, thì cái chuyện đú đởn đó có thể tha thứ được. Nhưng còn việc các người ba hoa những chuyện quốc sự ta thấy không ổn.
Nguyên Dận đang im lặng bỗng bừng bừng sôi nổi:
- Cha ơi? Cơ nghiệp nhà Trần, cơ nghiệp của tổ tiên chúng ta đang như ngàn cân treo sợi tóc. Cha nỡ bảo con hãy ngậm miệng bàng quan sao? Phủ quân tướng công vốn ưu thời mẫn thế. Việc ông có tình ý với bà hoàng hậu goá chỉ là chuyện trai tài gái sắc. Vả lại...
- Nói hay lắm! Ta hiểu Nguyên Uyên định che mặt người đời. Định dùng sự chơi bời phóng đãng làm bức màn che việc lớn. Mà thượng hoàng chủng đâu có ngờ nghệch. Ngài nổi giận lôi đình, gả bà hoàng hậu ngứa nghề cho Nguyên Hàng anh trai Nguyên Uyên, bên ngoài như để làm nhục Nguyên Uyên, nhưng thực chất để che chở cho Uyên. Làm cho mọi người tin rằng Nguyên Uyên là kẻ phóng đãng, tạo cho Uyên bức lá chắn để hoạt động. Nhưng ông vua già đã nhầm. Không che mắt được Quý Ly đâu. Tay chân ông ta ở khắp nơi. Ta chẳng lạ gì Nguyên Uyên. Hồi loạn vua phường chèo, ông ta là người nhiệt tâm đắc lực. Nhưng hắn không biết thời thế lúc này khác xa thời loạn Nhật Lễ. Phải vô cùng đầu óc. Mà đầu óc các người thì ra sao?
- Hãy cứ làm! Sẽ ra đầu óc.
- Đầu óc con có bằng đầu óc ông Nguyên Đán không?
- Ông ta giỏi, song già rồi. Ông ta lại rút lui về ở ẩn, bỏ mặc cơ nghiệp tổ tiên. Ông ta là người hèn nhát. Lại kết giao với gian thần. Ông ta là kẻ có tội.
- Công ư? Tội ư? Giữa dòng nước xoáy, đâu là thị đâu là phi, đâu là công đâu là tội? Liệu ba trăm năm sau người đời đã đánh giá được việc làm của chúng ta chưa? Hay phải đến một ngàn năm nữa? à, ta hiểu ý con. Có phải giữa dòng nước xoáy hôm nay, ta không phân biệt nổi đen trắng, thì ta cứ làm đi. Làm những gì mà trái tim ta. khối óc ta cho là đúng. Nếu việc thành đời sẽ cho ta là trắng. Còn nếu bại thì... ôi thôi... còn gì nữa... lúc đó ta đã nằm yên dưới ba thước đất... lúc đó đen với trắng cũng là chuyện nực cười... Nguyên Dận lúc này càng hào hứng sôi nổi:
- Chúng con sẽ lôi kéo quan Thái bảo Nguyên Hàng, quan thượng tướng Khát Chân... quan thượng thư Hà Đức Lân...
- Họ sẽ theo các người ư?
Chắc là thế vì chúng con là chánh nghĩa; Vì chúng con là trung hiếu - Mà cha ơi - Giọng Dận hạ xuống - Cha có biết không, chúng con đã liên hệ được với nhà Minh, Nhà Minh sẽ giúp chúng ta... và nếu cần...
Sư Hiền giật bắn lên:
- Người phương Bắc sẽ thương xót chúng ta ư? Hay người phương Nam sẽ đau đớn thay cho dân ta? Ôi chao? Mê muội các người đã mê muội đến thế rồi sao? Vết nhơ nào ta cũng cam chịu, nhưng vết nhơ ấy thì đừng con ơi? Đừng đẩy sự tức giận thành cuồng nộ. Đừng đẩy sự tranh bá đồ vương thành niềm tuyệt hận vô sỉ. Con tự lừa dối mình rằng con sẽ lợi dụng được họ. Chắc con muốn như Tấn Văn Công nước Tấn chạy sang nước Tần, nhờ tay Tần Mục công để phục hồi nước Tấn. Con nên nhớ Tấn và Tần ngày xưa chỉ là hai tiểu quốc nói cùng một thứ tiếng. Còn như Việt và Hán là hai nước riêng biệt, văn hiến khác nhau. Vả lại, lúc đó thời xuân thu, cách xa ta gần hai ngàn năm... Tỉnh lại đi con ơi?...
- Ai tỉnh, ai say? Hay chính cha đã say mà con đang tỉnh. Ai mê muội ai sáng suốt? Cha ơi con không nỡ nói... nhưng quả thực... cha đã già rồi... Cha đã nói rồi đó thời nay là thời "thiên tuý", trời đất quay cuồng... thời của những kẻ cực say... thời của sự nghiệp... ai say nhiều sẽ nên sự nghiệp... thời của tuổi trẻ... vì chỉ tuổi trẻ mới dám uống cả vò, ăn cả bã, húp cả cái... con xin cúi lạy cha... hãy tha lỗi cho con... Cha ạ, đêm nay con sẽ thả thuyền trên Tây hồ, con sẽ uống rượu thâu đêm.
Đêm hôm ấy, Sư Hiền lên cơn sốt. Ông lâm bệnh nặng. Nằm liệt giường mấy tháng trời, lúc ngồi dậy được, ông mất thính giác, điếc đặc và người đời gọi ông là lão Điếc.
Sau những ngày chôn cất Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tôn, Thăng Long đúng là một kinh đô tang tóc? Toàn dân mặc đồ đen. Ai không có quần áo đen không dám ra đường. Chỉ những kẻ nghèo hèn phải hàng ngày kiếm kế sinh nhìn mà không có đồ đen mới được phép mặc quần áo nâu, nhưng phải kết một dải khăn trắng trên đầu. Quan Thái sư Quý Ly sai cấm binh đứng ở các đầu đường, đôn đốc nhân dân phải chấp hành tang phục và những nguyên tắc tang lễ khác. Các trà đình, tửu quán vang ngắt chẳng người lai vãng. Các kỹ viện, thanh lâu bặt tiếng đàn, không thấy thấp thoáng áo xanh áo đỏ. Người đi đường cúi đầu lầm lũi, chẳng ai dám chuyện trò rộn ràng hoặc cười đùa vui vẻ. Một toán thanh niên con nhà giàu có, cậy của, uống rượu say đi nghênh ngang ở phường Phục cổ, vừa đi vừa cười hô hố. Lính cấm vệ liền bắt ngay lại hỏi:
- Chúng mày con cái nhà ai?
- Bẩm là cháu Cung tín Vương - Bẩm là người nhà Hoàng tín hầu - Bẩm ở phủ công chúa Tấn Ninh Nguyễn Cẩn chỉ huy cấm quân, sai bắt tất cả đám công tử bột nằm úp sấp trên mặt đường. Người hàng phố bu đến đông nghịt. Cẩn sai lính đọc tờ cáo thị dân trên gốc cây:
Bố cáo cho toàn dân Thăng Long: Việc để tang hạn trong một tháng. Dân chúng phải mặc đồ đen. Ai không có đồ đen được phép mặc đồ nâu chít khăn tang. Việc hôn thú, sự vui chơi cũng cấm trong vòng một tháng. Ngoài đường, nơi công cộng phải lặng lẽ nghiêm cẩn, không sỗ sàng cợt nhả. Ai trái lệnh, nhẹ thì phạt trượng, nặng thì tù đày.
Ai lợi dụng tang lễ gây sự rối loạn thì tử hình. Nay bố cáo để toàn dân nghiêm ngặt tuân thủ.
Đọc xong, ông đánh cho mỗi công tử hai mươi trượng, lính đánh thẳng tay. Dân đứng xem mặt xanh mét, im phăng phắc.
Buổi tối hôm ấy. Quý Ly gọi các con trai và lũ Nguyễn Cẩn. Phạm Cự Luận đến. Luận nói:
- Tôi thảo ra tang quy, tưởng chỉ để làm yên lòng triều thần. Tôi nghĩ cũng không nên nghiêm khắc với nhân dân quá.
Quý Ly lắc đầu:
- Ông hành khiển sai rồi. Ta muốn đã không nói thì thôi, còn nếu đã nói ra quyết phải được thi hành. Ông vua già quá nhu nhược. Nói mà không làm, thành ra mọi kỷ cương đều lỏng lẻo. Từ nay là thời kỷ cương. Các ông sợ làm thế này, lòng dân sẽ càng luyến tiếc ông vua già chứ gì? Ta không sợ điều đó. Làm thế này ta được hai điểm: thứ nhất, trước mắt sẽ làm yên lòng dân, dân thấy ta vẹn tình vẹn nghĩa với ông vua già; thứ hai về lâu dài đó là kỷ cương, việc để tang chính là việc kỷ cương bắt đầu. Ta sẽ cho dân Thăng Long và cả nước hiểu thế nào là kỷ cương. Ông Cẩn báo ngay cho ta rõ tình hình các nơi.
- Bẩm đại nhân, người của ta ở các bộ, phủ bên ngoài đều đã báo về, các địa phương đều yên ắng cả.
- Còn bên trong?
- Các quan đại thần trong triều đều tỏ ra nghiêm cẩn trong tang lễ. Những người cần theo dõi nhất đểu im lặng. Chỉ có hai ông Nguyên Uyên, Nguyên Dận - vẫn thả thuyền trên Hồ Tây uống rượu. Im lặng ư? Đó là điều ta rất quan tâm. Hai người Uyên và Dận không đáng sợ. Họ nói nhiều, kẻ nói nhiều chẳng làm được việc lớn. Bọn im lặng mới là bọn âm mưu. Bọn âm mưu sẽ không liên hệ với bọn ba hoa mà chỉ điều khiển gián tiếp bọn ba hoa; Vì bọn ba hoa làm mồi nhen đám cháy. Khi có thể cháy lớn, bọn im lặng mới lộ diện. Đáng chú ý nhất là những kẻ có tài trí lớn, có thể trở thành minh chủ.
Phạm Cự Luận:
- Những con cá lớn như vậy bao giờ cũng biết chờ đợi Chắc chắn họ sẽ kết bè kết đảng lặng lẽ.
Nguyễn Cẩn:
- Tuy nhiên Uyên và Dận cũng đáng để ý. Họ thường nói: "Thượng Hoàng chết là lúc quan thái sư sẽ lộng hành nhất" và "Thượng Hoàng chết, thái sư sẽ cướp ngôi".
Quý Ly:
- Ta chẳng lạ gì những lời xì xào đó.
Cự Luận:
- Người ta xì xào nhưng Uyên và Dận đã nói to cho mọi người đều nghe thấy.
Quý Ly:
- Ai nghe thấy? Ông già điếc có nghe thấy không? Hôm đám tang, ông già điếc khóc nấc lên và ngất đi trước linh sàng...
Nguyễn Cẩn:
- Hạ quan vẫn cho người dò xét xem Sư Hiền điếc thật hay điếc giả. Vẫn chưa có chứng cứ. Nhưng việc ông Uyên và ông Dận hai người uống rượu say trong phủ của Uyên rồi nói những câu trên trước mặt bọn gia nhân thì có chứng cứ.
Quý Ly:
- Nếu có chứng cứ, hãy cho quân bắt ngay Uyên và Dận. Nhớ bắt ngay, xử ngay, xử rầm rộ, tốt nhất là xử trong tháng dân Thăng Long còn đang để tang Nghệ Tôn.
Hồ Quý Ly Hồ Quý Ly - Nguyễn Xuân Khánh Hồ Quý Ly