Nếu bạn không đủ sức để chịu thua, bạn cũng sẽ không đủ sức để chiến thắng.

Walter Reuther

 
 
 
 
 
Tác giả: Mộng Bình Sơn
Thể loại: Trung Hoa
Upload bìa: Son Le
Số chương: 49
Phí download: 6 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 21640 / 739
Cập nhật: 2014-12-04 03:14:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Hồi 11 - Giận Hoài Vương, Hạng Vũ Tự Lập
hạm Tăng thấy Hạng Vũ mỗi ngày mỗi nóng tính, đem lời bàn:
- Trước kia Lưu Bang vào Hàm Dương không lấy của dân một mảy, đem lời hiểu dụ, bỏ hết các hình luật nghiêm nhặt, khiến dân một lòng cảm mến. Nay Minh công nóng tính, xem thường sinh mệnh của dân, tôi e lại sa vào vết xe của nhà Tần thuở nọ.
Hạng Vũ nói:
- Ta đem quân đánh Tần, Tử Anh là vua Tần sao lại chẳng giết? Còn như dân Hàm Dương phản nghịch, tỏ ý oán hận ta, nếu không giết ngày sau di lụy.
Phạm Tăng nói:
- Ông Lỗ Công ngày xưa giết một cung nữ vô tội mà mắc chín năm đại loạn. Vua Cảnh Công giận giết một cung phi mà địa chấn ba dặm. Ấy vậy, sự hàm oan của con người có ảnh hưởng đến vũ trụ chẳng nhỏ. Nay mây sầu phủ đầy trời, khí oan kín đất, chính là vì Minh công đã giết oan Tử Anh đó. Nếu giờ lại giết nhân dân nữa e tổn thương hòa khí, xin Minh công xét lại.
Trong lúc Phạm Tăng đang tìm lời khuyên Hạng Vũ thì dân chúng Hàm Dương vì uất ức, mỗi lúc một xôn xao tiếng nguyền rủa, tiếng than oán không dứt.
Hạng Vũ không thể nén giận được, truyền Anh Bố đem quân vào thành bắt tôn tộc nhà Tần giết hơn 800 người, và họ hàng quần thần giết hơn 4.600 người.
Thành Hàm Dương trong phút chốc máu loang ngập đất, thây chất thành gò, đường sá vắng tanh, cửa nhà bỏ trống, thật là một thảm họa đau thương!
Hạng Vũ chưa nguôi giận, còn muốn giết một số nhân dân ngoại thành nữa. Phạm Tăng rơi lệ, can:
- Ðời vua Thang trời làm đại hạn, vua Thang đem thân mình chiu khổ cực cầu đạo ở Tam Lâm, lại kiểm điểm hành động để tự trách mình. Lòng thành thấu đến trời, mỗi được mưa nhuần gió thuận. Ấy, vua Thang biết bỏ mình cứu dân như thế nên sự nghiệp vững bền. Nay dân Tần trải bao nhiêu cay đắng, nhưng mong Minh công đến giải phóng đem lại an vui, thế mà Minh công lại giết hại, thì có ai phục?
Hạng Vũ thấy Phạm Tăng hết sức khổ gián lòng cũng nguôi ngoại, truyền thôi chém giết.
Ðoạn kéo quân đến Tần cung, thấy cung điện nguy nga, lâu đài tráng lệ, bất giác thở dài than:
- Nhà Tần phú quí đến thế này, mà không giữ được đáng tiếc!
Phạm Tăng nhân lời nói ấy tỏ ra vẻ chau buồn nói:
- Ấy bởi nhà Tần vô đạo, chém giết lương dân, không nghe lời khổ gián nên mới mất cơ nghiệp.
Hạng Vũ nín lặng không nói gì cả. Tối hôm ấy, sai người cầm đèn đến mời Phạm Tăng vào tư dinh bàn việc.
Phạm Tăng đến Hạng Vũ nói:
- Nay ta đã vào Hàm Dương lấy được ngọc tỷ, giết được Từ Anh trừ được nhà Tần thế là mọi việc đã xong,
bây giờ cần có một minh quân đứng ra trị dân, nếu để nước không vua lâu ngày bất tiện. Ta muốn lên ngôi vua
đất Quan Trung này, tiên sinh nghĩ có nên chăng?
Phạm Tăng nói:
- Chư hầu sở dĩ theo Minh công là họ cũng muốn được phong quan, thưởng tước, để vui cảnh giàu sang. Minh công nghĩ như vậy rất hợp lòng người. Nhưng trước hết phải bẩm lệnh Hoài Vương, xin một chiếu thư rồi sẽ tức vị, như thế thiên hạ mới phục.
Hạng Vũ y lời sai Hạng Bá vào Bành Thành thỉnh mệnh Hoài Vương.
Hạng Bá vào yết kiến, Hoài Vương phán:
- Ta đã có lời ước rồi, cần gì phải thỉnh mệnh.
Hạng Bá tâu:
- Tuy Bái Công vào được Hàm Dương trước, song Bái Công sức yếu thế cô, còn Lỗ Công uy quyền rất trọng, xin bệ hạ cứ cho Lỗ Công làm vua thì đất Quan Trung mới trấn an được
Hoài Vương nói.
- Không được! Nhân vô tín bất lập. Một lời nói của kẻ tầm thường mà còn phải tôn trọng thay huống hồ một ông vua. Ta không thể thất tín với thiên hạ. Nhà ngươi về nói với Lỗ Công phải theo lời ước cũ.
Hạng Bá trở về nói với Lỗ Công:
- Hoài Vương bắt phải theo lời ước, nhất định không hạ chiếu. Tôi cầu khẩn hai ba lần vẫn không được.
Hạng Vũ nổi giận nói:
- Hoài vương do ta lập nên, nghiêẽm nhiên được ngôi thiên tử. Ðã không xét công trạng ta, cố chấp như vậy thật là kẻ bất nghĩa. Công bình định thiên hạ do tay ta, cần gì phải cầu khẩn với ai.
Liền chọn ngày tự lập làm vua.
Phạm Tăng nói:
- Việc tức vị phải hợp với cổ kim, không phải việc dễ. Trương Lương là người học rộng, am hiểu lễ nghi có thể biết được, xin Minh công cho đòi Trương Lương đến, nếu hắn nói đúng theo lẽ phải tức là hắn trung thành, bằng sai tức là giả dối, gạt Minh công mang tiếng với thiên hạ đó. Minh công nên giết đi để trừ hậu hoạn.
Hạng Vũ toan sai người sang đòi Trương Lương thì vừa lúc Trương Lương ở Bái Thượng về, xin vào yết kiến.
Hạng Vũ nói:
- Nay ta muốn làm vua Quan Trung nhưng chẳng biết lập tôn hiệu thế nào cho phải. Nhà ngươi là người học rộng, dòng họ làm tướng năm đời nước Hàn, vậy ngươi thử nói ta nghe.
Trương Lương nghĩ thầm:
- Ðây là mưu Phạm Tăng định gieo vạ cho ta. Nếu ta nói thẳng tất Lỗ Công ghét, chi bằng đưa những tôn hiệu của các đời Vua trước, để Lỗ Công muốn chọn thế nào tùy ý.
Nghĩ rồi ôn tồn đáp:
- Tôn hiệu rất nhiều, tôi xin kễ qua để Minh công chọn. Xưa, sau đời Tam Hoàng thì có Ngũ Ðế, đó là Thiếu Hiệu, Xuyên Húc, Ðế Cốc, Ðế Nghiêu, Ðế Thuẫn.
Thiếu Hiệu tên là Chiết tự là Thanh Dương đóng đô ở Khúc Phụ, làm vua được 100 năm. Xuyên Húc, cháu vua
Hoàng Ðế, họ Cơ giúp vua Thiếu Hiệu trị thiên hạ, hai mươi tuổi mới lên ngôi, làm vua được 78 năm. Ðế Cốc, cũng họ Cơ, lên ngôi ở đất Bạc, làm vua 70 năm - Ðế Nghiêu họ Y Kỳ, mẹ là Khánh Ðô, hoài thai 14 tháng, sinh ra ông Nghiêu ở đất Ðan Lăng, hiệu là Phong Huân, 14 tuổi giúp vua Ðế Chi, phong làm vua ở đất Ðường, 20 tuổi mới lên ngôi hoàng đế làm vua được 50 năm - Ðế Thuẫn, dòng dõi vua Xuyên Húc, bà mẹ cảm cái hình cầu vồng mà sinh ra nơi đất Diêu, nên lấy họ Diêu, tự là Ðô Quân giúp vua Nghiêu trị thiên hạ. Sau nối ngôi xưng Ðế vị, thọ 100 tuổi. Ðó là tôn hiệu của 5 đời đế, gọi là Ngũ Ðế. Minh công muốn dùng tôn hiệu ấy chăng?
Hạng Vũ tự nghĩ:
- Ngũ đế là bậc nhân đức, dùng tình thương trang trải giữa hoàn vũ, ta khó sánh kịp. Vả lại, ta vừa giết Tử Anh, dùng bạo lực trấn áp nhân dân, đế hiệu e không hợp.
Liền hỏi lại Trương Lương:
- Còn tôn hiệu nào khác chăng?
Trương Lương đáp:
- Sau năm đời đế thì có tam vương, tức là: nhà Hạ, nhà Thương, nhà Châu - vua Hạ Vũ họ Tự tên Cao Mật sinh trưởng ở Tây Thương, vua Nghiêu dùng làm Tư Không, nối cha là ông Cổn, giữ việc trị thủy. Ðóng đô ở An ấp, thọ 100 tuổi truyền được 19 đời, cộng 432 năm.
Nhà Ân là dòng dõi vua Ðế Cốc, họ Cơ tên Lý, tức là vua Thành Thang, đuổi vua Kiệt ra Nam Sào lên ngôi thiên tử, thọ 100 tuổi, truyền 31 đời cộng 629 năm - vua Văn Vương (nhà Châu) nhân vua Trụ (nhà Thương) vô đạo sửa chính đức, thu nhân tâm, sau vua Vũ nối nghiệp, bốn năm chinh phạt, giết vua Trụ, làm thiên tử, thọ 93 tuổi, cộng 867 năm. Ðó là đời tam vương, tu nhân tích đức Minh công muốn dùng tôn hiệu ấy chăng?
Hạng Vũ nói:
- Hiệu vương thì ta có thể xưng được. Song dưới hiệu vương còn có tôn hiệu nào khác chăng?
Trương Lương nói:
- Dưới tam vương thì có ngũ Bá, tức là: Tề Hoàn công, Tống Trương Công, Tần Mục Công, Tấn Văn Công,
Sở Trang Vương. Năm đời Bá đều vì thiên hạ trừ tàn bạo, gây một uy lực to lớn, bá tánh đều tùng phục. Minh công
dụng tôn hiệu ấy được chăng?
Hạng Vũ suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Vương hiệu tuy hợp với cổ mà không hợp với kim, Bá hiệu thì hợp với kim lại không hợp với cổ. Muốn cho cổ kim hợp nhất ta lấy cả hai tôn hiệu, xưng là "Bá Vương".
Ta vốn sinh ở đất Sở, từ sông Hoài sang phía Bắc, là địa phận Tây Sở, vậy từ nay ta xưng là Tây Sở Bá Vương.
Phạm Tăng vội can:
- Mình công nên xưng Vương hiệu và bỏ Bá hiệu đi. Bá hiệu các đời vua không đời nào được vững bền. Ðại Bá chỉ được năm đời, còn Tiểu Bá chỉ được ba đời. Xin chớ nghe lời Trương Vương sàm tấu.
Hạng Vũ nói:
- Năm đời Bá làm vua như thế kể cũng lâu dài. Công việc làm của ta chẳng những hợp với Tam Vương, mà còn đúng ý với Ngũ Bá nữa Thế thì xưng Bá Vương là phải. Tôn hiệu ấy do ta lựa chọn, Trương Lương chỉ là kẻ trình bày cho ta biết đó thôi.
Nói xong, trọng thưởng Trương Lương, Chọn ngày lành tháng tốt lên ngôi, xưng hiệu Tây Sở Bá Vương cai trị 9 quận nước Sở, đóng đô ở Bành Thành, tôn Hoài Vương lên làm Nghĩa Ðế, thiên sang Giang Nam.
Công việc xong, Bá Vương muốn xuất kho nhà Tần để ban thưởng quân sĩ, nhưng khi quân Bái Công vào Hàm Dương đã chuyển đi hết sạch, nay kho tàng đều trống rỗng, liền hỏi Phạm Tăng:
- Tướng sĩ theo ta đã lâu nay muốn thù lao lấy đâu làm việc ấy?
Phạm Tăng nói:
- Việc ấy không khó, Bái Công vào Hàm Dương trước của cải ở đâu tất biết. Xin hỏi Bái Công thì rõ.
Bá Vương theo lời, sai người đi vời Bái Công.
Trương Lương hay tin, cấp tốc biên thư mật gởi cho Bái Công nói:
- Minh công nên vào yết kiến Bá Vương, hễ Bá Vương có hỏi đến lương tiên, xin cứ chỉ cho Lương này.
Bái Công vào yết kiến, Bá Vương hỏi:
- Nhà Tần giàu có bội phần, tướng công vào Hàm Dương trước có biết của cải để đâu chăng?
Bái Công nói:
- Tôi mới đến, công việc bộn bề,chưa hề xét đến kho tàng xin đại vương hỏi Trương Lương mới biết được.
Bá Vương tức giận cho đòi Trương Lương đến trách:
- Nhà ngươi biết kho tàng nhà Tần, cớ sao không nói cho ta biết?
Trương Lương nói:
- Tâu đại vương, đại vương chưa hỏi đến, tôi đâu dám thưa. Cứ như nhà Tần, của cải tích trữ từ đời Hiếu vương đến nay kễ trong thiên hạ không đâu bằng. Tuy nhiên, đến đời Tần Thủy Hoàng, lấy ngân quỹ ra sửa sang cung điện ở Ly Sơn, của cải ấy hao quá nửa. Sau đó, lại để vào trong mộ Tần Thủy hoàng rất nhiều, vì vậy mà hiện nay kho tàng trống rỗng.
Bá Vương ngẫm nghĩ một lúc rồi hỏi Phạm Tăng:
- Của cải để trong mộ Tần Thủy Hoàng thì ta cứ đào lên lấy, để ban thưởng quân sĩ.
Phạm Tăng nói:
- Mộ Tần Thủy Hoàng chẳng qua bài trí những đồ chơi thường nhật, làm gì có của cải.
Trương Lương mỉm cười nói:
- Quân sư lầm rồi! Mộ Tần Thủy Hoàng chu vi chín dậm, cao đến năm mươi thước, lấy châu ngọc kế làm ngôi sao, lấy thủy ngân giả làm sông nước, lấy vàng bạc xây thành quách, lấy bách bảo làm đồ ngự thiện, bắt hơn vài trăm cung nữ chôn sống theo. Bao nhiêu của báu trong nước như san hô mã não phỉ thúy, lưu ly đều chất thành núi giả, ban đêm bảo khí trong mộ bốc lên như ánh trăng.
Bá vương truyền quân sĩ đến quật mộ Thủy Hoàng ngay, Phạm Tăng can:
- Thủy Hoàng tuy vô đạo, nhưng đó cũng là ngôi mộ của một vị đế vương, nay vô cớ quật lên, khác chi là lối cưóp mả, chớ nên làm thế.
Bá vương nói:
- Thủy Hoàng tàn bạo, gồm thâu sáu nước, vơ vét của thiên hạ đến tận xương tủy, ác hơn Kiệt, Trụ, đốt sách vỡ, chôn học trò, tội chất đầy trời. Ta đào mả Thủy Hoàng cốt vì dân trả oán, cần gì phải có của cải.
Ngày hôm sau, Bá Vương dẫn quân lên núi Ly Sơn. Cảnh vật trang nghiêm, muôn màu rực rỡ. Rừng tùng bách trải màu xanh mơn mởn, cung điện nguy nga lỏng bóng đài gương. Thềm lan quì ngựa đá, đường ngự uốn cầu vòng, thật là một cảnh bồng lai trong cõi thế.
Bá Vương tấm tắc khen thầm:
- Công trình kiến trúc tinh vi, bàn tay nhân tạo đúc nên cảnh vật. Thế này thì hết cả kho tàng, kiệt sức nhân dân là phải lắm.
Một lời ban lệnh, ngàn nhát búa vang động, cát bụi bay mịt mù, chim chóc giật mình tua tủa lượn vòng trong không gian như luyến tiếc nơi tổ ấm. Quân sĩ đào đến ba ngày mà chưa thấy chính huyệt.
Bá Vương treo bảng truyền lệnh ai biết được chính huyệt sẽ được ban thưởng.
Bỗng có một người đến tâu:
- Chính huyệt của Thủy Hoàng chỉ riêng hạ thần dược biết mà thôi.
Bá Vương quay lại, thấy người ấy là Anh Bố, mừng rỡ hỏi:
- Sao nhà ngươi lại biết được?
Anh Bố tâu:
- Khi trước tôi đem phu đi làm đốc công, coi ngôi mộ này, sau đó các dân phu đều bị Thủy Hoàng bắt giết hết, tôi may trốn thoát mới biết được.
Bá Vương truyền Anh Bố đem quân đi đào.
Ðào từ đường chính Bắc cho đến đường chính Nam dài hơn một trượng mới thấy một tiền phòng chu vi rộng tám thước. Trong tiền phòng lót bằng đá hoa, trần kết gấm, chính giữa một con đường chạy thẳng vào một khung cửa bằng
cẩm thạch, hai bên đứng la liệt các lão thần, chạm bằng mã não, mặc triêu phục, cầm hốt, mang hia đứng chầu.
Anh Bố dàn quân tiến đến phá tấm cửa đá. Tiếng dội thấu đến hai dặm.
Cảnh cửa đá tung ra để lo một căn phòng rộng, chính giữa một tấm bia rất lớn chạm chín con rồng, đang giương nanh múa vuốt. Sau tấm bia là một cái lầu, cũng xây bằng đá, bốn phía vách tường kín mít tuyệt nhiên không có cửa vào.
Quân sĩ ngơ ngác, không biết đi vào đâu nữa nữa.
Bố nói:
- Các người hãy quật cái bia ấy xuống tất nhiên sẽ có đường đi.
Thật vậy qua một lúc hì hục, quân sĩ đập vỡ bia đá, tức thì tám cánh cửa của thạch lâu mở ra, để lộ bên trong thành quách ngổn ngang, cung vàng điện ngọc, chẳng khác nào một đền vua trên mặt đất.
Cứ theo con đường nơi chánh điện đi thẳng vào, thì hai bên là tam cung lục viện, chính giữa là nhà để linh cữu, đâu đâu cũng chạm trổ toàn là trân châu, ngọc bích, sáng rực như ban ngày. Tuy ở dưới đường hầm nhưng ánh sáng không thiếu.
Anh Bố truyền đập các bờ thành lấy vàng bạc rồi khuân những bảo vật lên.
Bá Vương muốn đập linh cửu của Thủy Hoàng ra, Anh Bố nói:
- Thủy Hoàng bình sanh làm điều ác, sợ sau này có người quật mồ, phá xác nên đề phòng rất kỹ. Linh cữu làm bằng đá, trong có chứa rất nhiều tên sắt, thuốc nổ, nếu đập vỡ, cả đám quân sĩ vào đây đều phải chết hết. Chi bằng cứ để yên như thế lấp lại là hơn.
Bá Vương y lời, truyền khuân hết kim ngân châu báu lên mặt đất, đoạn sai đốt cung A Phòng. Lửa cháy ba tháng chưa tắt, bao nhiêu cung đài mỹ lê nguy nga thảy đều ra tro hết.
Ôi! Công trình dân chúng bao nhiêu năm trời xương máu, dưới tay bạo chúa, chỉ trong phút chốc tan tành.
Người sau có thơ rằng:
Chén ngọc vỡ tan xem tợ tuyết!
Quân Hàn nghìn vạn đều lưu huyết
Hàm Dương lửa cháy mấy tuần trăng
Bá nghiệp đang theo lan khói biếc
Cung điện nhà Tần ra tro, lòng dân Tần cũng lạnh lẻo, họ chán ngán hành động hung tàn của Hạng Vũ.
Các chư hầu đóng quân nơi Hàm Dương lâu ngày, muốn rút về, rủ nhau đến nói với Phạm Tăng:
- Chúng tôi đến đây đã lâu, chưa được phong thưởng tước lộc sợ rằng trong nước có biếng nên muốn xin lui về.
Phạm Tăng nói:
- Xin các ngài chờ đợi ít hôm, tôi sẽ bảo tấu với đại vương.
Nói xong vào yết kiến Bá Vương nói:
- Các vua chư hầu theo đại vương đánh Tần đều có công lao mà chưa được phong thưởng. Xin đại vương luận công hành thưởng rồi cho đâu về đấy để họ được an tâm.
Bá Vương nói:
- Ý ta muốn phong tước cho họ đã lâu song có một điều khó khăn nên còn do dự.
Phạm Tăng hỏi:
- Tâu Ðại vương, có thể cho tôi biết điều khó khăn chăng?
Bá Vương nói:
- Vua Hoài Vương có ước: Ai vào Quan Trung thì làm vua. Lấy lẽ công bình thì Bái Công được làm. Nay ta tiếm vị còn biết phong Bái Công làm sao!
Phạm Tăng nói:
- Nếu muốn thiên hạ khỏi cho Ðại vương là kẻ cướp công thì nên phong Bái Công vương chức. Ba Thục, cũng thuộc đất Quan Trung, nhưng non sông hiểm trở, nhà Tần trước đây thường đầy kẻ có tội vào đấy. Vậy cứ phong cho Bái Công làm Hán vương, rồi phong cho Chương Hàm, Tư Mã Lân, Ðổng Ể làm vua Tam Tần để chẹn đường hiểm yếu, không cho Bái Công thoát ra khỏi đất Ba Thục. phái chết già trong hung địa. Tuy tiếng là phong vương song kễ như là đày biệt xứ.
Sở Bá vương nói:
- Kế ấy rất hay.
Liền sai quan Quân Chính Tư đem sổ bộ để luận công phong thưởng.
Bá vương phong thưởng như sau:
- Bái công làm Hán vương, đóng đô ở Nam Trịnh, cai trị 41 huyện.
- Chương Hàm làm Ung vương, đóng đô ở Phế Khẩu, cai trị đất Thượng Tần, gồm 38 huyện.
- Tư Mã Hân làm Tắc vương, đóng đô ở Lịch Dương, cai trị đất Hạ Tần, gồm 18 huyện.
- Ðổng Ể, làm Ðịch vương, đóng đô ở Cao Nô, cai trị đất Trung Tần, gồm 30 huyện.
- Thần Dương làm Hà Nam vương, đóng đô ở Lạc Dương, cai trị Hà Nam gồm 20 huyện.
- Anh Bố, làm Cứu Giang vương, đóng đô ở Lục Hợp cai tn 45 huyện.
Và, những người sau đây cũng đều được lần lượt phong thưởng trấn những nơi không quan trọng lắm, như:
- Cung Ngao làm Lâm Giang vương.
- Ngô Nhuế làm Hoành Sơn vương.
- Ðiền An làm Tế Bắc vương.
- Ngụy Bái làm Tây Ngụy vương.
- Trương Nhĩ làm Thương Sơn vương.
- Tang Ðồ làm Yến vương.
- Triệu Yết làm Ðại vương.
- Ðiền Hoành làm Thượng Tề vương.
- Ðiền Úc làm Trung Tề vương.
- Trịnh Lã làm Hàn vương.
- Trần Thắng làm Lương vương.
- Ðiền Vinh làm Tiền Tề vương.
- Ðiền Khánh làm Triệu vương.
- Trần Dư làm Bắc Triệu vương.
- Hạng Trang làm Ðông Giáo vương.
- Hạng Chính làm Xuân Thắng vương.
- Phạm Tăng làm Thừa Tướng
- Hạng Bá làm Thượng Thư lệnh.
- Chung Ly Muội làm hữu Tư Mã.
- Ðinh Công làm tả Tướng quân.
- Long Thư làm Ðại Tư Mã.
- Quý Bố làm tả Tư Mã.
- Ung Tôn làm hữu Tướng quân.
- Lưu Tần làm hậu Tướng quân.
- Trần Bình làm Ðô Úy.
- Tàn Sinh làm tả Giám Nghị.
- Vũ Anh làm Giầu Chiên Ðại tướng quân
- Hoàn Sở làm Ðại tướng quân.
- Tử Kỳ làm Ðại tướng quân.
- Hàn Tín làm Chấp kích lang.
Văn vũ bá quan sau khi được phong tước quyền mỡ tiệc ăn mừng trong ngoài rộn rịp.
Riêng Bái Công lòng bối rối không an. Chư tướng thấy vậy hậm hực nói:
- Hán Trung là chỗ nhà Tần dùng để đày tội nhân, nay Bá vương phong Chúa công vào trấn nơi đó, chẳng khác nào muốn giam lỏng, ấy là mưu của Phạm Tăng muốn hại Chúa công đó.
Phàn Khoái nỗi giận nói:
- Phạm Tăng khi chúng ta thái quá. Tôi xin liều chết đem thân chống lại quyết không nghe lời Bá vương.
Bái Công cũng tỏ ý hằn học:
- Công ta rất lớn, diệt nhà Tần, thâu đất Quan Trung, lẽ ra phải được làm vua nước Tần, đóng đô ở Hàm Dương mới đáng, sao lại đày vào nới lâm sơn chướng khí, bốn bề núi non rừng rậm, chịu sao được.
Tiêu Hà vội can:
- Làm vua ở Hán Trung tuy xấu, nhưng còn hơn mất cả sự nghiệp. Chịu khuất một người mà thu phục được thiên hạ đó là gương vua Thang, vua Vũ đời xưa vậy. Xin Ðại vương cứ vào Hán Trung, tích thảo dồn lương chiêu hiền đãi sĩ lấy Ba Thục làm căn cứ, mộ thêm quân, ngày kia kéo ra đánh Tam Tần, thì làm gì chẳng thu phục được thiên hạ.
Trương Lương cũng nói:
- Thục tuy là tội địa nhưng trong có núi non hiểm trở, ngoài có sông ngòi bao quanh, tiến thì có thể chiếm được thiên hạ, thoái thì có thể giữ được biên cương. Ðó thực là chỗ đất dụng võ. Ðại vương nên vui lòng nhận lấy.Nếu tỏ ý bất mãn tất Bá vương tìm cách ám hại. Hơn nữa, Phạm Tăng là kẻ mưu sâu, ta không nên chống đối.
Hán vương bùi ngùi nghe theo, và nói:
- Nếu không có Tiên sinh giải bày, ta đã lầm việc lớn.
Lịch Tư Cơ nói:
- Chúng ta vào Hán Trung có ba điều lợi. Thứ nhất, đất Thục hiểm trở, xa cách Trung nguyên, không ai rõ được thực hư. Thứ nhì, trong lúc Ðại vương có công, bị Bá vương bạc đãi, tất lòng dân mến chuộng. Thứ ba, chúng ta có đủ thời giờ, hoàn cảnh để tạo lấy thời thế. Có ba điều lợi như vậy lo gì không gồm thâu được thiên hạ sau này.
Hán vương mừng rỡ liền chọn ngày khởi hành.
Giữa lúc đó, Phạm Tăng, sau khi đề nghị phong Bái công làm Hán vương, trấn thủ Hán Trung, bỗng nghĩ lại rằng:
- Bái Công mạng hỏa, tất cả đồ dùng hoàn màu đỏ thuộc hỏa, nay đến Hán Trung, đất phương Tây thuộc kim. Kim mà gặp hỏa tất thành đại khí.
Nghĩ như vậy liền vào tâu với Bá vương:
- Bệ hạ phong Bái công làm Hán vương, Bái công có ý bất bình. Vả lại chư tướngg của Bái công phần nhiều là người Sơn Ðông, đều có ý oán Bệ hạ. Nếu không dùng uy lực trừ đi, sau này khó tính.
Bá vương nói:
- Ta đã phong tước rồi nay còn tranh cải nữa sao được
Phạm Tăng suy nghĩ một lúc rồi tâu:
- Ngày mai Bệ hạ đòi Hán vương vào chầu, nếu Hán vương tỏ ý bất mãn, xin Bệ hạ chém quách là xong.
Bá vương nhận lời. Hôm sau, Hán vương vào chầu.
Bá vương hỏi:
- Ta phong ngươi vào Hán Trung ngươi có thuận đi hay không?
Hán vương khúm núm tâu:
- Ðã làm tôi ăn lộc vua, thì sinh mệnh ở trong tay vua, có lẽ nào còn dám nói thuận hay không thuận. Tôi cũng như con ngựa của Bệ hạ, giật cương thì đi, gò cương thì đứng lại, thế thôi.
Bá vương cười khúc khích, nói:
- Nhà ngươi thật khéo ví dụ! Thôi, ta cho về thu xếp để lên đường, không còn gì hỏi han nữa cả.
Hán vương vội vàng trở về dinh.
Trương Lương mừng rỡ nói:
- Ðại vương có biết việc nguy hiểm ngày hôm nay chăng?
Hán vương ngạc nhiên không hiểu. Trương Lương nói tiếp:
- Ðại vương hồng phúc lớn lắm. Ban nãy nếu Ðại vương nói là "bằng lòng hay không bằng lòng" thì nguy rồi.
Hán vương bấy giờ mới biết đó là kế của Phạm Tăng, liền hỏi Trương Lương:
- Nếu cứ ở đây mãi e có điều nguy hiểm. Tiên sinh liệu sao?
Trương Lương nói:
- Ðể tôi bàn với Hạng Bá và Trần Bình rồi sẽ liệu. Bây giờ xin Ðại vương cứ thu xếp hành trang sẵn sàng để chờ dịp lên đường.
Rồi đó, Trương Lương đến nói với Hạng Bá và Trần Bình:
- Phạm Tăng có ý hại Hán vương. Hán vương muốn đi ngay cho thoát nạn. Hai ông có kế gì xin giúp đỡ. Tôi quyết chẳng quên ơn.
Trần Bình ngồi nghĩ một lúc rồi ghé vào tai Trương Lương nói mấy câu.
Trương Lương vỗ tay khen:
- Kế ấy hay lắm.
Hán Sở Tranh Hùng Hán Sở Tranh Hùng - Mộng Bình Sơn Hán Sở Tranh Hùng