Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Chương 12
T
âm trí tôi trở nên băn khoăn về cậu thiếu niên nhợt nhạt nọ. Càng
nghĩ nhiều tới trận ẩu đả, đồng thời nhớ lại cậu ta nằm ngã ngửa đo đất với
khuôn mặt ở những cung bậc sưng húp và bầm tím khác nhau, tôi càng tin
chắc mình sẽ bị trừng phạt theo cách nào đó. Tôi cảm thấy mình phải chịu tội
về máu đã đổ ra của cậu ta, và pháp luật sẽ báo thù cho những giọt máu đó.
Cho dù chẳng có ý tưởng cụ thể nào về những hình phạt cho chuyện tôi đã
gây nên, tôi cảm thấy rõ ràng những cậu nhóc quê mùa chẳng đời nào được
phép đi lang thang quanh vùng, phá phách nhà những người quý phái, hành
hung những thiếu niên có học thức của nước Anh mà không phải chịu hình
phạt nghiêm khắc. Trong mấy ngày liền tôi ru rú ở nhà, luôn thập thò nhìn
qua cửa sổ nhà bếp một cách cực kỳ thận trọng và lo lắng trước khi chạy ra
ngoài làm gì đó, sợ nhỡ đâu các ông cai từ nhà tù hạt sẽ nhảy bổ vào tôi. Cái
mũi cậu ta đã làm dây máu lên quần tôi, và tôi đã cố gột sạch bằng chứng đó
trong đêm. Tôi đã làm xước các đốt khuỷu tay mình khi đập vào răng cậu
thiếu niên kia, và tôi đã vặn vẹo trí tưởng tượng ra cả nghìn kiểu để bày ra
những cách thanh minh không thể tưởng tượng nổi cho tình cảnh tội lỗi này
khi bị điệu ra trước các quan tòa.
Đến ngày phải trở lại nơi diễn ra cuộc ẩu đả, nỗi kinh hoàng của tôi lên
tới đỉnh điểm. Liệu có phải những người thực thi công lý được đặc phái từ
London tới đang nằm phục kích đằng sau cổng; liệu có phải cô Havisham,
thích tự mình báo thù một tội lỗi thô bạo gây ra ngay tại nhà bà, sẽ vùng dậy
từ bộ đồ như moi từ dưới mộ lên rồi rút súng ra bắn chết tôi; liệu có phải đã
có cả lũ con trai bị mua chuộc - một đám lính đánh thuê - được bố trí để ập
vào tôi trong xưởng ủ bia, và nện tôi đến chết hay không; bằng chứng hùng
hồn cho niềm tin của tôi vào tinh thần thượng võ của cậu thiếu niên nhợt nhạt
thể hiện ở chỗ tôi chưa bao giờ hình dung cậu ta can dự vào những màn báo
thù này; tất cả đều hiện lên trong tâm trí tôi như hành động từ những người
thân thiếu cân nhắc của cậu ta, xuất phát từ tình trạng khuôn mặt của cậu
thiếu niên và sự cảm thông đầy phẫn nộ dành cho những nét mặt thân thuộc
gia đình.
Nhưng nói gì thì nói, tôi vẫn phải tới nhà cô Havisham, và vậy là tôi đi.
Và lạ chưa kìa, chẳng có gì tới từ cuộc ẩu đả lần trước. Chẳng có gì gợi nhớ
tới chuyện đó, và chẳng thể tìm ra cậu thiếu niên nhợt nhạt nào tại nơi này.
Tôi lại gặp cánh cổng cũ để mở, lại mò mẫm trong vườn, thậm chí nhìn vào
các ô cửa sổ của ngôi nhà kế bên nhà chính; nhưng tầm nhìn của tôi bị đột
ngột chặn lại bởi những cánh cửa chớp đóng kín phía trong, và tất cả đều lặng
thinh. Tôi chỉ có thể tìm thấy tại góc tường nơi cuộc quyết đấu diễn ra vài dấu
vết về sự tồn tại của cậu thiếu niên kia. Tại đó có những vết máu đã khô của
cậu ta, và tôi dùng đất vườn phủ lên để không ai nhìn thấy nữa.
Trên chiếu nghỉ rộng nằm giữa phòng cô Havisham và căn phòng có kê
cái bàn dài, tôi thấy một chiếc ghế đẩy - một cái ghế nhẹ lắp bánh xe ta có thể
đẩy từ phía sau. Nó đã được để đó từ sau chuyến thăm trước của tôi, và cũng
ngày hôm ấy tôi bắt đầu đều đặn đẩy cô Havisham đi trên cái ghế này (khi bà
đã mệt với việc dựa lên vai tôi bước đi) vòng quanh phòng bà, qua chiếu nghỉ
vòng sang căn phòng bên kia. Hết lần này đến lần khác, chúng tôi lặp đi lặp
lại cuộc hành trình này, và đôi khi những vòng lặp như thế có thể kéo dài đến
ba giờ liền. Một cách vô tình, tôi gọi chung chung số lượng của những cuộc
hành trình này là rất nhiều, vì ngay lập tức bà đã quyết định cứ cách ngày tôi
phải quay lại một lần vào lúc trưa để đẩy ghế, và tiếp theo tôi sẽ phải làm
việc này trong một quãng thời gian ít nhất tám hay mười tháng.
Khi chúng tôi bắt đầu quen thuộc với nhau hơn, cô Havisham nói
chuyện cùng tôi nhiều hơn, hỏi tôi những câu như tôi đã học gì và tôi định sẽ
làm gì? Tôi nói với bà tôi tin mình sẽ trở thành người học việc của Joe; và tôi
nói thêm về chuyện không biết gì và muốn biết mọi thứ, với hy vọng có thể
vị phu nhân sẽ ngỏ lời giúp đỡ nào đó cho phép tôi hướng tới cái đích đáng
mong ước này. Nhưng bà không làm thế; ngược lại, dường như bà thích tôi
dốt nát hơn. Bà chẳng cho tôi tí tiền nào - hay bất cứ thứ gì khác ngoài bữa ăn
hằng ngày - cũng chẳng bao giờ đả động đến chuyện tôi sẽ được trả công cho
những gì đã làm.
Estella luôn có mặt gần bên, luôn dẫn tôi vào và đưa tôi ra, nhưng
chẳng bao giờ nói tôi có thể hôn cô thêm lần nữa. Có lúc, cô lạnh lùng chấp
nhận tôi; có lúc, cô hạ cố với tôi; có lúc, cô tỏ ra khá thân thiện với tôi; có
lúc, cô lại gay gắt nói cô căm ghét tôi. Cô Havisham thường thì thầm hỏi tôi
hoặc khi chỉ có hai chúng tôi, “Có phải cô bé càng ngày càng đẹp hơn không,
Pip?” Và khi tôi nói là có (vì đúng thế thật), bà dường như rất thích thú.
Ngoài ra, khi chúng tôi chơi bài, cô Havisham sẽ quan sát, háo hức dõi theo
tâm trạng Estella, cho dù chúng có thế nào. Và thỉnh thoảng, khi tâm trạng cô
gái trở nên phức tạp và mâu thuẫn với nhau đến mức tôi ngẩn ra không còn
biết phải nói hay làm gì, cô Havisham lại ôm lấy cô đầy trìu mến, thì thầm gì
đó vào tai cô tựa như “Hãy làm vỡ nát trái tim chúng đi, niềm tự hào và hy
vọng của ta, hãy làm vỡ nát trái tim chúng và không thương xót!”
Có một bài hát Joe thường ngân nga vài đoạn ngắn ở lò rèn, trong đó
điệp khúc được ngân đi ngân lại là Clem Già*. Một cách không mấy trân
trọng để ca tụng một vị thánh bảo trợ, nhưng tôi tin Clem Già ưa thích như
vậy trong mối quan hệ với những người thợ rèn. Đó là một bài hát bắt chước
nhịp búa nện xuống sắt rèn, và lời ca của nó chỉ là cái cớ để viện ra cái tên
được tôn kính của Clem Già. Vậy đấy, ông cần nện búa - Clem Già! Một cú
nện và một âm vang - Clem Già! Đập búa xuống, đập búa xuống - Clem Già!
Với tiếng choang choang cho sắt cứng - Clem Già! Thổi lửa lên, thổi lửa lên -
Clem Già! Cháy to lên, cháy cao lên - Clem Già! Một ngày, ngay sau khi cái
ghế xuất hiện, cô Havisham đột nhiên nói với tôi, trong khi các ngón tay bà
bồn chồn không dứt, “Kìa, kìa, kìa! Hát đi!” Tôi bất ngờ đến mức đành phải
hát lên bài hát ngắn này trong lúc đẩy bà đi. Tình cờ bài hát lại hợp ý vị phu
nhân, vậy là bà hát theo bằng giọng trầm trầm ủ ê như thể vừa hát vừa ngủ
gật. Sau đó, chúng tôi bắt đầu quen hát nó lên trong lúc đi vòng quanh, và
Estella cũng hay hòa giọng cùng hát; song chúng tôi đều hát rất khẽ, đến mức
thậm chí ngay cả khi có đủ ba người, tiếng hát cũng tạo ra ít tiếng động trong
ngôi nhà cũ kỹ ảm đạm đó hơn cơn gió nhẹ nhất thổi qua.
Tức giáo hoàng Clement I, hay Thánh Clement, thánh bảo trợ của thợ rèn và thợ đúc.
Tôi có thể trở thành cái gì với hoàn cảnh xung quanh như thế? Làm thế
nào tính cách của tôi lại không bị chúng ảnh hưởng? Liệu có đáng kinh ngạc
không nếu dòng suy nghĩ của tôi cũng bị chói lóa không khác gì đôi mắt tôi
khi tôi rời khỏi những căn phòng vàng vọt mờ ảo đó ra ngoài ánh sáng tự
nhiên?
Có lẽ tôi đã nói với Joe về cậu thiếu nhiên nhợt nhạt, nếu như trước đó
tôi không lừa anh tin vào những chuyện bịa đặt kệch cỡm mà tôi thú nhận.
Trong hoàn cảnh như vậy, tôi cảm thấy Joe sẽ khó lòng tin vào câu chuyện về
cậu thiếu niên nhợt nhạt kia, một hành khách thật thích hợp cho cỗ xe bọc
nhung đen, thế nên tôi không đả động gì tới cậu ta cả. Ngoài ra, nỗi e dè phải
nói chuyện về cô Havisham và Estella tôi vốn cảm thấy ngay từ đầu càng lúc
càng mạnh hơn theo thời gian. Tôi chỉ đặt niềm tin vào một mình Biddy, và
kể lại tất cả với Biddy tội nghiệp. Tại sao tôi lại làm vậy một cách tự nhiên
như thế, tại sao Biddy lại đặc biệt quan tâm tới mọi thứ tôi kể cho cô nghe,
hồi ấy tôi không hề biết, cho dù giờ đây tôi nghĩ mình đã hiểu.
Cũng trong thời gian đó, những buổi họp mặt cứ thế tiếp diễn trong nhà
bếp, càng lúc càng hành hạ khổ sở tâm trạng tuyệt vọng của tôi tới mức gần
như không chịu nổi. Cái ông Pumblechook ngớ ngẩn đó thường xuyên ghé
qua vào buổi tối để bàn bạc với bà chị tôi về triển vọng của tôi; và tôi thực sự
tin (cho tới lúc này với ít cảm giác ân hận hơn so với những gì đáng ra tôi
phải cảm thấy) nếu hai bàn tay tôi có thể tháo một cái đinh chốt trục bánh
khỏi cỗ xe của ông ấy, hẳn chúng đã làm thế rồi. Ông bác phiền toái này là
một người có đầu óc thản nhiên hạn chế tới mức ông không thể bàn về triển
vọng của tôi mà không có tôi hiện diện trước mặt ông - với mục đích thực là
để ông động chân động tay vào - rồi ông dựng tôi đứng dậy khỏi cái ghế đẩu
nơi tôi đang ngồi im lặng trong một góc (thường là túm lấy cổ áo), rồi sau khi
lôi tôi ra trước ngọn lửa như thể tôi sắp bị cho lên bếp nấu, ông sẽ bắt đầu
bằng mấy lời, “Nào, bà mẹ, cậu bé đây! Đây là cậu bé chị đã nuôi lớn bằng
tay. Ngẩng đầu lên, cậu bé, và hãy nhớ mãi mãi biết ơn những người đã làm
điều đó. Còn bây giờ, bà mẹ, nói đến cậu bé này!” Tiếp theo ông ta sẽ vần vò
mái tóc tôi theo cách thật thậm tệ - đúng cái cách, như tôi từng nói, từ khi còn
bé xíu tâm hồn tôi đã chối bỏ không cho bất cứ đồng loại nào của mình được
quyền làm như thế - rồi túm lấy tay áo giữ tôi đứng trước mặt ông: một nhân
vật với độ ngớ ngẩn chỉ có bản thân ông ta là sánh ngang được.
Tiếp theo, ông bác quý hóa và chị tôi sẽ kẻ tung người hứng với những
suy đoán vô nghĩa về cô Havisham, về những gì bà sẽ làm với tôi và cho tôi,
đến mức tôi từng muốn - một cách thật khổ sở - òa lên khóc đầy căm hận, rồi
lao thẳng tới Pumblechook, đấm túi bụi lên người ông ta. Trong những màn
hội thoại đó, chị tôi nói với tôi cứ như thể mỗi lần nhắc đến cậu em trai thì
trong đầu chị lại vặn một cái răng của tôi ra; trong khi đó, Pumblechook, tự
coi mình là vị thánh bảo trợ của tôi, sẽ ngồi săm soi tôi với ánh mắt coi
thường, như thể vị kiến trúc sư cho vận hội của tôi đang nghĩ mình đã dấn
thân vào một việc chẳng lợi lộc gì.
Trong những lần bàn bạc đó, Joe không hề tham dự. Nhưng anh lại
thường xuyên được nhắc đến trong khi hai người kia chuyện trò, lý do là vì
bà Joe nhận ra anh không mấy ủng hộ chuyện tôi bị kéo đi khỏi lò rèn. Tôi đã
đủ tuổi để trở thành thợ học việc của Joe; và khi Joe ngồi với que cời lò trên
đầu gối, trầm ngâm cời tro qua khe các song lò sưởi, chị tôi sẽ lập tức diễn
dịch ngay hành động vô hại đó là sự chống đối từ phía anh, và chị sẽ xông tới
anh, giật cái que cời lò khỏi tay anh, lắc anh chao đảo, rồi cầm cái que đi.
Mỗi buổi bàn luận như thế đều có đoạn kết cực kỳ khó chịu. Đột ngột trong
một khoảnh khắc, không hề có gì báo trước để mào đầu, bà chị tôi dừng bặt
lại dài miệng ngáp, rồi đưa mắt nhìn tôi như thể vô tình và trút bực bội xuống
đầu tôi, “Nào! Quá đủ với mày rồi đấy! Mày đi ngủ ngay; mày đã gây đủ rắc
rối cho tao tối nay rồi, tao hy vọng là thế!” Cứ như thể tôi đã cầu xin để được
họ ám quẻ cuộc đời tôi.
Chúng tôi cứ tiếp tục như thế suốt một thời gian dài, và dường như sẽ
còn tiếp tục như thế thêm rất lâu nữa, thì một ngày nọ cô Havisham bỗng
dừng sững lại khi bà và tôi đang bước đi, bà tựa người lên vai tôi; rồi vị phu
nhân thốt lên ít nhiều khó chịu.
“Cháu đang cao lên đấy, Pip!”
Tôi nghĩ tốt nhất nên ám chỉ bằng một cái nhìn trầm ngâm rằng chuyện
này có thể đến do những hoàn cảnh tôi không thể kiểm soát được.
Lúc đó bà không nói thêm gì nữa; nhưng rồi lại dừng bước nhìn tôi lần
nữa; rồi lần nữa; và sau đó vị phu nhân có vẻ trầm tư cau có. Đến ngày tiếp
theo tôi tới giúp việc, khi chuyến đi dạo quen thuộc của chúng tôi kết thúc và
tôi đã đưa bà về chỗ bàn trang điểm, vị phu nhân giữ tôi lại bằng cử chỉ nóng
nảy của mấy ngón tay.
“Hãy nói lại cho ta biết tên ông anh rể thợ rèn của cháu.”
“Joe Gargery, thưa bà.”
“Và đấy cũng chính là người cháu sẽ học việc?”
“Vâng, thưa cô Havisham.”
“Tốt nhất cháu nên bắt đầu học việc ngay đi. Cháu có nghĩ Gargery
muốn tới đây với cháu, và mang theo giao kèo của cháu không?”
Tôi ngỏ ý rằng tôi không hề nghi ngờ anh sẽ coi đó là một vinh hạnh
nếu được đề nghị.
“Vậy hãy bảo anh ta tới đây.”
“Cụ thể là vào lúc nào, thưa cô Havisham?”
“Kìa, kìa! Ta chẳng biết gì về thời gian cả. Hãy bảo anh ta đến sớm, và
đến cùng với cháu.”
Khi tôi trở về nhà buổi tối và chuyển lời nhắn này tới Joe, chị tôi lập
tức “nổi tam bành” ở mức độ còn đáng báo động hơn bất cứ lúc nào trước
đây. Chị hỏi tôi và Joe liệu có phải chúng tôi chỉ coi chị như cái thảm chùi
chân dưới bàn chân chúng tôi hay không, và tại sao chúng tôi lại dám cư xử
với chị như thế, và không rõ trong suy nghĩ độ lượng của chúng tôi thì chị
xứng đáng đánh bạn với ai? Khi bà chị tôi đã tuôn ra hết tràng vặn hỏi bão tố
này, chị ném một cái giá nến về phía Joe rồi vừa khóc nấc lên vừa lôi cái hót
rác ra - một dấu hiệu vô cùng tồi tệ - đeo cái tạp dề cũ sờn vào, và bắt đầu
quét dọn ào ào. Chưa hài lòng với việc quét khô, chị tôi vớ lấy một cái xô và
một cái bàn chải, rồi vừa chà vừa xua chúng tôi ra khỏi ngôi nhà, tống chúng
tôi ra khỏi nhà, buộc hai chúng tôi phải đứng run bần bật ngoài sân sau. Phải
đến mười giờ tối chúng tôi mới dám rón rén trở vào trong, lúc đó chị tôi hỏi
Joe vì sao anh không đi cưới luôn một ả nô lệ da đen đi cho xong? Anh Joe
tội nghiệp không đưa ra câu trả lời nào, chỉ đứng đó mân mê ria mép và chán
nản nhìn tôi, như thể anh nghĩ đó thực sự là một ý hay hơn