Nguyên tác: The Kennedy Women
Số lần đọc/download: 1304 / 61
Cập nhật: 2015-08-06 22:02:28 +0700
Chương 11
T
hế hệ này, thế hệ thứ hai, trong bốn người con trai của Joseph và Rose, chỉ còn lại Edward. Cái chết của hai người anh đã sớm đặt vào Edward tăm tiếng lẫy lừng mà ông chưa hề ao ước đến. Ông đã dũng cảm tiến lên để cầm dầu gia đình.
Ba thế hệ của gia đình Kennedy bây giờ nhìn ông như là người lãnh đạo của họ. Các con mang họ Kennedy đều còn quá trẻ để nhận lấy trách nhiệm. Ai sẽ là người dạy dỗ chúng chủ thuyết hợp quần gây sức mạnh của gia đình Kennedy, và ai sẽ dạy chúng phương cách đạt đến sự thắng lợi?
Edward có đủ năng lực, đủ chín chắn, thảng, bất kỳ thanh niên trẻ nào có đủ yếu tố như thế cũng có thể cầm đầu một gia đình bao gồm ba thế hệ.
Đó là một công việc phi thường. Theo thời gian, một người lớn lên phải tiệm tiến từ vai trò một người con, một người chồng, một người cha và một người đàn ông. Nhưng Edward Kennedy chỉ trong một vài năm đã mang lấy toàn thể gánh nặng gia đình, và đồng thời chia sẻ thời giờ cho các hoạt động chính trị riêng của ông. Trong hợp được yêu mến và trong hoàn cảnh tất cả đều là thân hữu, trách nhiệm mà ông đã nắm giữ có thể được cho là thành công. Nhưng ở đây, các trường hợp đều là ganh ghét và hoàn cảnh thù nghịch.
Sở dĩ tôi đề cập tới điều nguy hiểm này ở đây, bởi nó thường đeo đuổi theo gia đình Kennedy và nặng nề nhất là Edward Kennedy. Hai người anh của ông ra đi, biết bao chỉ trích, bình phẩm bây giờ ông thừa hưởng.
Sự thiệt thòi đầu tiên của EdwardKennedy là một người chắc chắn chưa hề bị quy lỗi nặng nề. Được làm đứa con trẻ nhất trong gia đình luôn luôn là một thiệt thòi, nhất là đứa con ấy lại sinh nhằm vào một gia đình lớn. Nhỏ nhất tất nhiên được chiều chuộng đặc biệt nhất.
Trường hợp của Edward Kennedy chia ra làm hai phần đơn giản. Ông được thúc đẩy bởi các lý tưởng của cha mẹ ông vạch ra cho các con nhưng đồng thời vị thế của ông trong gia đình như đã nói, lại trái ngược hẳn với lý tưởng được vạch ra, đã tạo khó khăn cho ông trong việc phát triển kỷ luật bản thân, một đòi hỏi cần thiết cho sự thành đạt.
Kỷ luật bản thân được xem là khó khăn nhất trong mọi thứ kỷ luật. Nó được thử thách chỉ trong chốc lát, lúc đối diện với tuyệt vọng, với tiến thối lưỡng nan, một người có thể trở thành anh hùng hoặc kẻ hèn nhát. Có thể, sự hèn nhát ở EdwardKennedy cũng sẽ không được biết đến. Tôi chắc rằng chính ông cũng không biết đến.
Vì sự hèn nhát không phải là một vấn đề đơn giản.
Edward Kennedy có những bổn phận và trách nhiệm, dù cho hậu quả như thế nào. Sự đe dọa tính mạng, giống như hai người anh, nếu ông tiếp tục để sự nghiệp chính trị của ông hướng đến chiếc ghế Tổng thống, nhưng nếu ông ngưng lại, bỏ dở hướng tiến của mình, ông sẽ là một kẻ hèn nhát.
Mặt khác, các trách nhiệm của ông như là người con trai trưởng thành duy nhất của gia đình, một gia đình cần phải có người cầm đầu và ông cần phải nhận lãnh tư thế một người cha của mười sáu đứa trẻ mang họ Kennedy, khiến ông không thể rút lui mà còn có bổn phận duy trì đời sống của ông. Ông phải quyết định lấy một mình và sẽ phải quyết định được. Kỷ luật và lý tưởng của gia đình này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các con của họ, khiến tôi cảm thấy không một người nào thuyết phục được ông, ngay cả người vợ của ông.
Tôi đã nói: Người Mỹ không được công bình đối với các thiên tài, đối với các gia đình vượt trội của chúng ta. Và tôi sực nhớ đến gia đình Kung ở Bắc Kinh. Sự thật này ở cả hai xứ sở, Trung Hoa và Hoa Kỳ, không khác gì nhau.
Tôi nhớ lại, tôi đã từng bỏ ra một tuần lễ đến thăm khu đồn điền của đại gia đình Trung Hoa này.
Lúc đó vào mùa hạ, một ngày thật đẹp, bầu trời quang đãng đến nỗi các rặng núi ở xa như tiến sát hẳn lại. Bà Kung quyết định đi bộ và cùng đi với chúng tôi có mấy người con dâu và một số nữ tỳ của bà. Chúng tôi rảo bước ra khỏi chiếc cổng vĩ đại sơn màu đỏ chói của gia đình này và hơn nửa giờ sau chúng tôi đi ngang qua một cái hào sâu nằm bên cạnh lối đi. Bà Kung chỉ tôi cái hào và nói: Cái hào đó là nơi cha mẹ tôi và tôi ẩn núp khi các tá điền của chúng tôi nổi loan chống lại chúng tôi... Họ muốn được làm chủ đất cát của chúng tôi. Nhưng may mắn là chúng tôi được quân sĩ triều đình cứu khỏi.
Bà trầm tư một lúc. Tôi cũng im lặng. Sau đó bà thở dài: "Tôi và gia đình tôi chắc rồi cũng sẽ lại có ngày xuống ẩn núp trong cái hào đó. Nghèo luôn luôn oán ghét giàu.
Tiên đoán của bà trở thành sự thật. Vài năm sau đó khi Cộng sản nắm quân, nông dân nổi lên chống lại những kẻ giàu có, quyền thế, và gia đình Kung cũng nằm trong số này. Lúc ấy đâu còn quân sĩ triều đình để cứu họ, vì đế chế đã cáo chung... Như vậy đại gia đình của phong kiến cáo chung.
Triều đại Kennedy ở Hoa Kỳ cũng sẽ bị tiêu diệt?
Câu trả lời chờ đợi trên sự quyết định cửa Edward Kennedy. Ông có đủ năng lực để dẫn dắt các thiếu niên mang họ Kennedy cho đến khi họ lớn. Tôi xử dụng tĩnh từ lớn thông thường trong việc đánh giá gia đình này. Chúng ta không mong mỏi có bất kỳ một người lớn thực sự nào trên thế giới này. Họ ở đâu?
Những người lớn thực sự trong giới văn chương, trong giới nghệ thuật và ngay cả trong giới quân sự nữa?
Đâu là những nhà lãnh đạo tài ba trong tư tưởng và hành động?
Bất hạnh thay, chúng ta đã cống hiến cho hai cuộc thế chiến. Sự mất mát trầm trọng nhất trong chiến tranh không phải là tiền bạc, mà là những cái chết của những người cần thiết, sáng chói và dũng cảm. Tôi sử dụng tĩnh từ cần thiết, vì tiến bộ của nhân loại tùy thuộc vào những kẻ phi thường này.
Những người này, họ không có nhiều, chỉ có một vài, rất mong manh, trong toàn thể một dân tộc.
Nhưng họ là những nhà lãnh đạo trong chiến tranh cũng như trong hòa bình, họ là những kẻ dũng cảm can trường, là tài nguyên và là báu vật của xứ sở. Tất cả đều bị đưa ra mặt trận.
Qua hai thế hệ, thế giới lâm vào chiến tranh bằng cách này hay cách khác, ở nơi này hay nơi khác. Và mọi cuộc chiến quốc gia chúng ta có liên can vào đều đưa mất mát.
Trường hợp của John và Robert Kennedy qua các đứa con của họ, chúng ta không hiểu chúng sẽ bị ảnh hưởng như thế nào đối với cái chết tàn bạo của cha chúng. Uất ức và sợ sệt có thể khiến chúng không tiếp nối truyền thống can đảm, xuất chúng, chủ tâm đạt đến thắng lợi của những người mang họ Kennedy. Nếu giàu có và địa vị xã hội không còn nữa? Việc gia đình này tiếp tục sự hợp nhất như hiện thời là một việc đáng nghi ngờ. Như gia đình Kung, như gia đình Bouvier, đã tan ra từng mảnh, mỗi người đã theo đuổi lợi ích riêng tư, cho đến khi họ biến hẳn vào đám đông.
Chàng thanh niên Edward Kennedy còn non kém và bất định, hình ảnh người cha được áp đặt cho ông quả thật có hơi gượng ép. Những người đàn bà Kennedy hiện thời chỉ còn có tính cách trang trí, duy trì một cách tượng trưng sức mạnh còn sót lại cho thế hệ thứ ba của giòng họ Kennedy.
Nếu Edward Kennedy rút lui, ông có thể có đủ thời gian và năng lực củng cố tư thế lãnh đạo gia đình và xây dựng hình ảnh của một người cha, người anh đủ mạnh để gây được ảnh hướng với thế hệ trẻ hơn. Nhưng thực tế sự rút lui có thể làm lu mờ hình ảnh đó. Làm sao ông có cam đảm để dừng lại?
° ° °
Joan và Ted muốn có một gia đình lớn. Lớn hơn gia đình của Bobby, có lần họ nói như thế. Joan đã hai lần tiêu sản, nàng sẽ có thêm đứa con nào được nữa ngoài Kara và Teddy? Ted hy vọng có mười đứa con. Nhưng hy vọng này hiện tại ít có cơ thành. Đầu mùa thu này chúng tôi được tin buồn, Joan Kennedy lại vừa tiêu sản, cái thai mà một số bác sĩ sản khoa tìm mọi cách giữ. Ted Kennedy tự hỏi có phải do tai nạn của ông ở Cape Cod đã khiến Joan buồn rầu và ảnh hưởng đến bào thai? Có những trường hợp có thể ảnh hưởng mạnh mẽ tới bào thai. Như Joan chẳng hạn. Nhiều năm, nàng đã sống ẩn dưới chiếc bóng của Jacqueline và nàng cũng vừa thoát khỏi cái bóng của Ethel Kennedy. Tên thời con gái của nàng là Virginia Joan Beneeth, hồi người con gái nhan sắc tóc bạch kim này sống với gia đình ở Bronxville, Nữu Ước. Vào năm 1958 nàng kết hôn với Ted Kennedy và nhật báo New York Daily News đã dành trọn trang nhất để đăng bức hình chụp hai vợ chồng nàng vừa bước ra khỏi nhà thờ St. Joseph ở Bronxville. Ted Kennedy sau đó vào học luật ở đại học Virginia và đôi vợ chồng trẻ được một năm gần gũi hoàn toàn hạnh phúc, là khoảng thời gian Ted ra trường và trước khi ông tham dự vào các hoạt động chính trị của gia đình.
Một thiếu phụ lặng lẽ, Joan còn là nhạc sĩ dương cầm tài giỏi, từng có chân trong ban đại hòa tấu tiểu bang Boston. Thông minh và chăm học, trong suốt năm cuối cùng của Ted ở đại học, nàng cũng ghi tên theo học về khoa xã hội học và lịch sử Hoa Kỳ.
Như tất cả mọi người đàn bà Kennedy Joan là một người Công giáo và có đức tin tôn giáo mạnh mẽ.
Ngoài các nhiệm vụ tôn giáo, nhiệm vụ gia đình, nàng còn là hội viên trong hội đồng của Ban đại hòa tấu Quốc gia ở Hoa Thịnh Đốn. Đó là những bận rộn bắt buộc trong tư cách phu nhân của một thượng nghị sĩ trẻ tuổi. Công chúng thích nàng, vì vậy, Joan thường dành thì giờ để nói chuyện trước công chúng khi nàng giúp chồng vận động tranh cử. Nàng nói: "Nếu người tôi kết hôn không phải là Ted, tôi sẽ được ở nhà với các con, sống riêng tư nhiều hơn. Thật sự tôi không thích thú làm những việc nhà tôi đang làm. Tôi phải làm vì tôi yêu Ted".
Một tâm hồn phong phú như một người bạn đã mô tả nàng, và một người thật thà. Có dịp, nàng không ngại phê bình cả chồng, thuyết phục ông hãy tỏ ra hiền dịu hơn khi tiếp xúc với dân chúng, và nàng còn khuyên chồng hãy tập diễn tả tư tưởng để cho đám đông dễ hiểu. Có nhiều phương diện nàng hợp với Ethel, nhưng có điều không hợp, là Ethel kết nạp thêm bạn bè quá dễ dàng, tinh nghịch, thích vui đùa. Đối với cảm nghĩ của tôi, Joan không muốn được ai để ý tới. Khi nàng mặc một chiếc váy mini đến tham dự một dạ hội ở Bạch ốc đó là do yêu cầu hoặc vì hợp cách mà nàng phảu mặc.
Nàng còn có những thay đổi trong một số phương diện được xem là khác thường, không phải là nhiên tính của nàng. Qua cuộc hôn nhân, nàng có khuynh hướng tâm nguyện và nhất ý để trở thành một người Kennedy, mang nhãn hiệu Kennedy, có lẽ còn vượt hơn người chị dâu Ethel của nàng.
Vì vậy, nếu Ethel không tái hôn, nhãn hiệu Kennedy, Joan sẽ duy trì. Nếu Ethel tái hôn, nhãn hiệu ấy, qua cá tính mạnh mẽ như thế, một khi trở thành người then chốt trong giòng họ, nhiều đường lối mới sẽ được nàng phát triển, như Jacquleline đã từng làm, hoặc giả, đích xác hơn, cá tính thực sự của nàng sẽ định lại giá trị của nó.
Nhưng, người họ Kennedy có năng lực làm biến đổi người đàn bà kết hôn với họ, thêm vào đó còn ảnh hưởng mạnh mẽ của một gia đình hợp nhất. Người đàn bà như loay hoay trong một màng lưới. Jacqueline dù muốn thay đổi, nhưng cuối cùng cũng phải tìm cách thoát ra. Có thể đến lượt Ethel sẽ làm như vậy? Và kế đó là Joan? Báo hàng ngày hôm nay, nằm trên bàn trước mặt tôi, có loan tin rằng Joan sẽ ly dị với chồng nàng: Đó là một trong ba mươi sáu cách để thoát.
Một câu phương ngôn Trung Hoa: Tam thập lục kế, dĩ đào vi thượng. Có lẽ đó là sự thật Tôi không thể nói ra. Nhưng trong đời sống của hầu hết những người đàn bà - tại sao tôi không nói là toàn thể - đều có một lần để quyết định. Đó là lúc họ không thể chịu đựng hơn nữa. Họ phải quyết định để thoát ra.
Mỗi người đàn bà Kennedy, con dâu của gia đình này, đều đối mặt với một lần đó. Đó là lần không tránh được qua những người đàn ông Kennedy hiện thân của đẹp trai, sáng chói, hấp dẫn, nhưng dễ thay đổi và xúc động trước những người đàn bà khác. Tóm lại, họ là những người dân Ái Nhĩ Lan khó "chữa trị". Phải qua nhiều thế hệ nữa, để chất Ái Nhĩ Lan trong họ loãng hẳn, đủ tạo sự an toàn cho người đàn bà kết hôn với họ.
Một vài thế hệ chưa đủ.
Hãy đặt những người đàn bà riêng ra, và trong gia đình Kennedy họ thường bị đặt riêng ra như thế để chờ đợi cho đến khi cần đến, quyết định về tương lai của dòng họ bây giờ được đặt cả vào Edward Kennedy. Ted là người đàn ông trưởng thành cuối cùng trong gia đình có những người đàn ông đáng chú ý, nhưng không có gì rõ rệt cho thấy sự trưởng thành của Ted bằng sự trưởng thành của các anh. Có lẽ chính ông cũng không chắc sẽ đạt đến như thế.
Sự trưởng thành phải trả một giá rất đắt bằng kỷ luật bản thân và bằng sự dấn thân. Hơn nữa, thời của chúng ta không phải là thời của những người lớn.
Có lúc lịch sử của chúng ta được tạo nên từng giai đoạn bởi duy nhất một người và khi lịch sử được viết, đã viết về câu chuyện con người ngoại lệ đó, và quanh những gì mà người đó đã làm. Hiện tại lịch sử không phải được tạo nên bằng các biến cố của những cá nhân uy quyền nữa,mà bởi nhũng kết quả ngẫu nhiên.
Bờ vực thẳm của nhân loại có thể chỉ được biết đến khi người ta ý thức rằng thời của chúng ta là thời của những biến cố vĩ đại và những vấn đề nghiêm trọng không phải là thời của các vĩ nhân. Ngay cả giới phụ nữ cũng đã ngừng tiến đến việc đòi hỏi được nhận lãnh thêm trách nhiệm, họ muốn rút lui vào các lãnh vực nhỏ nhoi hơn, lãnh vực an thân của đời sống gia đình. Khi tôi đang viết, một xấp tạp chí và nhật báo mới được gửi đến. Mỗi tờ báo đều có bài liên hệ đến Ted Kennedy xuất hiện ở trang đầu. Mọi hoạt động của ông chứng tỏ đã bị theo dõi, hầu hết những gì được nói đến đều có tính cách soi mói, riêng tư.
Các bài báo này còn có tính cách định tội những người được xem là vô tội cho đến khi bị tòa xét xử. Hành động này trực tiếp chống lại các nguyên tắc bảo vệ những người vô tội, như một số luật gia đã từng vạch ra trước đây.
Không hề có sự thương tổn thanh danh của một người nào gọi là thương tổn vô ích, nhưng quả thật, tai tiếng mà gia đình Kennedy đã phải nhận lấy là ngoài sự thương tổn này.
Vào một ngày mùa xuân ấm áp, lần đầu tiên tôi gặp Thượng nghị sĩ Edward Kennedy tại văn phòng của ông ở Hoa Thịnh Đốn. Cuộc gặp gỡ không hề dính dáng đến chính trị. Tôi muốn ông cho phép sử dụng một ít tài liệu liên quan đến ông trong quyển sách này.
Tôi tranh thủ thời gian, nhưng khi đến, tôi được biết là ông đi dùng bữa trưa, nhưng sẽ trở lại ngay.
Tôi có tính tò mò: luôn luôn chú ý đến bên trong các văn phòng làm việc của đàn ông, vì đối với tôi chúng có thế tiết lộ nhiều điều không kém nhà riêng cửa họ, nơi có bàn tay các bà chăm sóc đến. Văn phòng của Ted Kennedy được trang hoàng đẹp đẽ và ấm cúng. Văn phòng cửa Robert Kenned trưng bày đồ đạc trang nhã, ngăn nắp và phần nào đơn sơ. Văn phòng của Edward Moore Kennedy thì khác hẳn, nó có vẻ chen chúc, bề bộn, và những người có mặt, thiếu nữ và một số thanh niên, đều hấp tấp và bận rộn với công việc. Sách, giấy chất cả trên nền nhà vì các giá sách dã đầy ứ. Điện thoại reo không ngừng nghỉ. Không khí vội vàng và náo nhiệt, nếu không nói là hỗn độn.
Tôi không ưa chờ đợi và tôi cảm thấy bồn chồn nóng nảy. Tôi đã cố giữ bình tĩnh để khỏi phái đứng dậy ra về. Cuối cùng, sự kiên nhẫn của tôi có giới hạn.
Tôi đứng dậy. Lập tức một thiếu nữ khá đẹp báo cho tôi biết là Thượng nghị sĩ đang chờ tiếp tôi. Tôi dịu xuống và bước vào văn phòng của ông.
Một thanh niên cao lớn, khá bệ vệ, rời khỏi ghế đón tôi, với điện thoại trong tay, vì lúc đó ông đang điện đàm với người nào đó, nhưng chúng tôi vẫn bắt tay và tôi ngồi xuống. Cuộc điện đàm vẫn tiếp tục và đó là dịp may để tôi quan sát người thanh niên này.
Ông ta trông giống người mẹ, Rose Kennedy, khuôn mặt bầu bĩnh hơn hai người anh của ông, đôi má hơi phệ, nếu thoáng nhìn sẽ không thấy rõ. Đôi mắt không to, nếu không nói là hơi nhỏ. Khuôn mặt ấy có thể nói là khá đẹp trai, nhưng không cương nghị, và nếu không sai lầm: không có gì chứng minh cho thấy việc ăn uống đã được giới hạn.
Chàng thanh niên này cũng không có được sự mực thước của các anh. Quần áo có vẻ chật chội, trông ông giống như một đưá trẻ ăn mặc xuề xòa.
Ông bắt đầu nói trước, không cần lưu ý đến kẻ hiện diện có chấp nhận hay không. Ông nói ông bận rộn ra sao, những gì mà ông sắp làm và quan trọng như thế nào.
Hai người anh của ông, lọc lõi hơn, không bao giờ quan tâm ngay đến tôi, để tỏ ra rằng tôi cần phải đến gặp họ. Nhưng tôi thích Edward Kennedy hơn, và dĩ nhiên, khi ông nói tôi có dịp quan sát ông kỹ càng hơn. Có nhưng dấu hiệu ở chàng thanh niên này, qua kinh nghiệm từ ba đứa con trai của tôi, tôi nhận thấy vị thế của mỗi người con trong bất kỳ gia đình nào quả thật rất quan trọng. Edward Kennedy đã phát lộ nhiều dấu hiệu cho thấy ông là đứa con trai nhỏ nhất trong gia đình. Chắc chắn có một sự đè nén trong ông, kết quả của sự tranh đua với người lớn tuổi hơn, điều này không thể hồ nghi được và dĩ nhiên những kẻ mà ông cạnh tranh chính là các người anh sáng chói hơn ông. Một sự thiệt thòi, như tôi đã nói ở phần trên.
Đây là các ý nghĩ thoáng qua khi tôi ngồi nghe vị Thượng nghị sĩ trẻ tuổi nói và tôi được dịp ngắm nhìn khuôn mặt của ông. Cuối cùng tôi trình bày ý định đến đây của tôi. Ông ngừng lại một cách miễn cưỡng đề nghe, một khác biệt nữa giữa ông và hai người anh.
Hai người kia lớn tuổi hơn, chín chắn hơn, họ nhận thấy không cần chứng minh sự quan trọng những gì họ làm.
Khả năng để nghe người khác nói, một cách thiết yếu và quan tâm, là một dấu hiệu cửa sự chín chắn.
Đối với đứa con nhỏ nhất trong gia đình, nó phải được giới hạn bớt vị thế yếu kém của nó bằng các cuộc tranh luận, bàn cãi, nhấn mạnh, yêu cầu và nếu cần, phải nổi nóng với nó nữa. Tôi có đứa con trai năm tuổi, một sự lạ lùng của trí thông minh và tật xấu.
Khi cha nó trong một lúc nổi giận không kiềm chế được đã chụp một cây roi để sửa trị nó. Nó giơ hai tay nhỏ xíu của nó lên và qua dáng điệu như đang mặc áo rộng của một luật sư, nó nói: "Hãy chờ một chút đã ba. Để con nói cho ba nghe". Và nó giải thích, với luận điệu trẻ con của nó, cho đến khi cha nó dịu hẳn cơn giận.
Giống như trường hợp đứa con nhỏ của tôi, giữa sự quản cố chặt chẽ của gia đình, các đứa trẻ thường có khuynh hướng nói liên tục, nhằm để gây chú ý của đám đông, để mọi người biết đến sự hiện diện riêng của nó. Nếu trường hợp ý kiến của nó không được lưu ý đến, chừng ấy, chúng sẽ tìm cách thoát khỏi sự kỷ luật và bởi sự lôi cuốn từ các đứa con lớn hơn.
Tôi đã từng biết nhiều thanh niên con trai út trong gia đình, họ đều là các tay lái xe bạt mạng. Chính đứa con út của tôi từng trải qua một giai đoạn giống như một kẻ điên cuồng trên tay lái. Thật vậy, khi theo học ở Harvard, tâm trí của nó luôn luôn bị các chiếc xe đua ám ảnh. Qua đó, tôi biết được lý do mà vị Thượng nghị sĩ trẻ tuổi này thường có khuynh hướng lái xe nhanh. Vượt tốc độ một cách bất chấp luật lệ là một dấu hiệu bất ổn trong một số lĩnh vực nào đó, hoặc cần để chứng minh sự hiện hữu của họ. Khi sự chín chắn phát triển đầy đủ, họ thấy không cần phải chứng minh sự có mặt của họ nữa, thì chừng ấy, đồng hồ tính tốc độ sẽ trở lại bình thường.
Câu hỏi có thể được đặt ra, là thời gian này sẽ kéo dài bao lâu mới chấm dứt? Câu trả lời là còn tuỳ theo những thay đổi của từng cá nhân. Trường hợp của Edward Kennedy có thể lâu hơn người khác, bởi ông có ba người anh sáng chói và tài năng phi thường, và ngay cả các người chị của ông cũng có nhiều đặc tính nổi bật. Sự cạnh tranh quá trầm trọng.
Trong văn phòng của Edward Kennedy tôi để ý đến một chiếc bàn chạm trổ bằng tay, trên mặt bọc da và ở góc có gắn một tấm lắc khắc ba chữ "Tặng Joseph P.Kennedy. III". Phía dưới lại khắc ba mẫu tự J.B.K, đây là ba mẫu tự đâu tên của Jacqueline Bouvier Kennedy. Cái bàn này nguyên của Joseph Kennedy Jr, con trai trưởng gia đình Kennedy, kế đến là John F.Kenned rồi sau đó Jacqueline đem tặng lại cho cháu.
Tên khắc trên tấm lắc là tên con trai lớn của Robert Kennedy. Chính Robert Kennedy sử dụng chiếc bàn này. Bây giờ đến lượt. Edward, nhưng một ngày nào đó sẽ về tay Joseph P.Kennedy III.
Cuộc gặp gỡ Edward Kennedy hôm đó chấm đứt qua sự ghi nhận của tôi: quả thật, có một ảnh hưởng gia đình mạnh mẽ đối với một người đàn ông mang họ Kennedy. Nhất là ảnh hưởng của người mẹ. Khi nói về người mẹ, rõ ràng Edward Kennedy có niềm kiêu hãnh phi thường về bà. Và tôi cũng có cảm giác uy thế của gia đình là năng lực, là sự ấm áp cho con, dâu, và các cháu của họ.
Khi ra về tôi tự hỏi: "Chàng thanh niên này bao giờ trở thành Tổng thống?"