I like intellectual reading. It's to my mind what fiber is to my body.

Grey Livingston

 
 
 
 
 
Tác giả: Martin Cruz Smith
Thể loại: Trinh Thám
Biên tập: Lê Huy Vũ
Upload bìa: Lê Huy Vũ
Số chương: 26
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 15
Cập nhật: 2020-10-27 20:23:35 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ấm bảng hiệu, choán hết chiều dài một tòa nhà trong phố và cao, một người bình thường có in chữ đỏ: LIÊN BANG XÔ VIẾT LÀ HY VỌNG CỦA NHÂN LOẠI!
Xa tấm bảng hơn là xưởng Liklachev, nơi những người công nhân đang “hối hả như vũ bão” để hoàn thành chỉ tiêu đặc biệt cho ngày Quốc tế Lao động với những chiếc ô tô, máy cày và tủ lạnh bằng những nhát gõ chát chúa lên đinh ốc, đặt những cuộn dây tản nhiệt, làm các phương tiện hoàn toàn làm bằng tay khi người thợ hàn đang bước theo từng bước phía sau với ngọn đuốc kỳ diệu, dù cho tất cả những gì có thể nhìn thấy được từ tấm bảng bên ngoài kia là ngọn khói đen xám xịt khổng lồ bốc lên từ những ống khói, từng luồng khói thổi lên to như một toa xe chở hàng, từng mảng đều đặn hằn lên nền trời buổi sáng sớm.
Arkady đưa Swan tới một quán cà phê và đưa cho hắn xem những bức ảnh của James Kirwill, Kostia Kẻ cướp và Valerya Davidova. Những gã say xỉn buổi sáng ngóc đầu lên từ bàn của mình. Chiếc áo len dài tay màu đen của Swan khiến cổ và cổ tay hắn dường như là bợt bạt hơn và Arkady tự hỏi làm thế nào hắn có thể vẫn sống sót với công việc của một kẻ săn tin. Nơi những người công nhân nốc rượu, thì những cảnh sát đi lại thành nhóm hai người.
“Hẳn là nó rất khó khăn đối với anh,” Swan nói.
“Với tôi á?” Arkady ngạc nhiên.
“Là một người đàn ông với những cảm giác mà anh đã trải qua, ý tôi là thế.”
Arkady không biết được liệu đó có phải một kiểu ngỏ ý của những người đồng tính không. “Đơn giản là hãy chỉ thắc mắc về những khuôn mặt này cho tôi.” Anh ném một vài tờ rúp lên bàn và bỏ đi.
Irina Asanova sống dưới tầng hầm một tòa chung cư chưa hoàn thiện gần Hippodrome. Khi cô lên tới bậc thềm thì Arkady đã đứng ở nơi có thể quan sát cô toàn diện và đủ để thấy được một vệt xanh mờ nhạt trên má phải của cô. Vết xanh đó nhỏ tới mức chỉ cần ít phấn là có thể che phủ nếu cô muốn, nhưng nó không hề được che phủ và còn thêm một quầng thâm dưới đôi mắt sẫm màu của cô. Chiếc áo khoác chằng chịt miếng vá bay phần phật trong gió.
“Valerya đâu?” Arkady hỏi.
“Valerya... nào?” Cô ấp úng.
“Cô không phải kiểu công dân sẽ báo cảnh sát về vụ mất giày trượt của mình,” anh nói. “Cô là kiểu sẽ lảng tránh cảnh sát. Cô sẽ không báo cho cảnh sát về vụ mất giày trượt của mình trừ khi cô lo sợ rằng chúng sẽ liên quan tới mình.”
“Tôi bị buộc tội gì chứ?”
“Nói dối. Cô đã đưa đôi giày của mình cho ai?”
“Tôi sẽ lỡ xe buýt mất.” Cô cố gắng để đi vòng qua anh.
Arkady tóm lấy tay cô gái, ấm áp và mềm mại. “Vậy, Valerya là ai?”
“Ở đâu? Ai chứ? Tôi chẳng biết gì cả, và anh cũng thế.” Cô kéo tay mình ra khỏi tay anh.
Trên đường đi về, Arkady đi qua một hàng nữ sinh đang đứng đợi xe buýt. So với Irina Asanova thì họ vô cùng nhếch nhác.
Arkady kể một câu chuyện cho Yevgeny Mendel ở Bộ Ngoại thương.
“Vài năm trước, một du khách người Mỹ thiệt mạng khi đang về thăm ngôi làng nơi ông được sinh ra cách Moscow khoảng hai trăm cây số. Khi đó là mùa hè và người dân địa phương đành nhét cái xác vào một cái tủ đá. Lúc họ gọi đến đây, những người ở Bộ Ngoại giao chẳng nói họ phải làm gì khác cho đến khi nhận được những bản báo cáo đặc biệt về trường hợp có khách du lịch thiệt mạng. Một vài ngày qua, chẳng có bản báo cáo nào cả. Vài ngày rồi một tuần trôi qua, chẳng có bản báo cáo nào hết. Những mẫu báo cáo này cần thời gian để sắp xếp và tổ chức. Hai tuần qua đi, những người dân làng đã quá chán nản với vị khách du lịch nằm trong tủ đá. Và suy cho cùng thì đó đang là mùa hè. Sữa đang bốc mùi, và họ chỉ có thể nhét được sữa vừa đủ trong lòng ông người Mỹ ấy. Chà, anh biết những người làng rồi đấy - vào một đêm chè chén say sưa, họ quẳng cái xác lên một chiếc xe tải, lái một mạch tới Moscow rồi phi cái xác lên hành lang Bộ Ngoại thương, trở về xe tải và chuồn thẳng. Đó là một câu chuyện có thật. Chấn động từ vụ việc này là không thể tin được. Có cả một đám nhân viên KGB vây quanh cái xác. Ba giờ sáng, họ gọi điện cho một tùy viên Mỹ từ Đại sứ quán. Tay tùy viên tội nghiệp cứ tưởng mình đang có một cuộc gặp riêng với Gromyko, và đâu ngờ thay vào đó là cái xác này. Hắn ta sẽ không động vào cái xác - không nếu như không có những báo cáo đúng loại. Và vẫn chẳng có ai tìm ra được hồ sơ phù hợp. Có một người nào đó cho là chẳng có cái hồ sơ báo cáo nào kiểu thế cả, và điều đó đã làm mọi người lo sợ. Không ai muốn tay người Mỹ này hết. Có thể họ chỉ đơn giản là lãng quên anh ta đi, một ai đó cho là thế. Đưa anh ta trở lại ngôi làng, chôn ở công viên Gorky, cho anh ta một công việc ở bộ. Cuối cùng, họ triệu tập tôi và một nhà nghiên cứu bệnh học đầu ngành. Hóa ra là chúng tôi lại có được bản hồ sơ cần thiết và chúng tôi đã thẩy được cái ông khách du lịch người Mỹ đó vào trong cốp xe của tay tùy viên. Đó là lần cuối cùng tôi đứng trong tòa nhà này.”
Yevgeny Mendel, người đã ở cùng với Osborne trong nhà tắm và xuất hiện thường xuyên trong cuộn băng của Osborne, chẳng biết gì về James Kirwill hay những cái xác trong công viên Gorky cả, Arkady chắc chắn về điều này. Không có một vẻ lo lắng hay thông tin nào gợn lên trên khuôn mặt mềm mỏng của Mendel trong suốt câu chuyện.
“Vậy thì cái báo cáo cần thiết nào là đúng với ông khách du lịch ấy?” Mendel hỏi.
“Cuối cùng, họ cấp một giấy chứng tử.”
Tuy nhiên, Yevgeny Mendel đã gặp phải rắc rối. Anh ta giờ đã biết Arkady là một thanh tra và chừng nào anh ta không bị làm phiền bởi một thanh tra - một người đã vươn lên hoàn toàn bằng năng lực chính mình, anh ta biết Arkady xuất thân từ vòng tròn nhiệm màu ấy của lũ trẻ đến từ tầng lớp quý tộc ở Moscow, một cách gọi những trường học đặc biệt và những mối quan hệ chung, và một ai đó đến từ cái vòng tròn nhiệm màu ấy thường phải khá hơn cả một trưởng thanh tra. Mendel, kẻ ngốc nghếch từ vòng tròn ấy, mang trên mình bộ đồ công tố viên, cùng với chiếc bút màu bạc bên cạnh huy hiệu Đảng gắn trên ve áo, một văn phòng lớn nằm cao trên Quảng trường Smolenskaya với ba chiếc điện thoại và tấm phù điêu bằng đồng treo trên tường mang biểu tượng con chồn của Soyuzpushnina, một cơ quan xuất khẩu lông thú. Vì một lý do nào đó, viên trưởng thanh tra im lặng, và những ngụ ý trong cuộc nói chuyện đã khiến Mendel túa mồ hôi xuống cằm như nước chảy thành dòng trên một miếng ngon lành.
Arkady tận dụng phản ứng này. Anh đề cập đến mối quan hệ gắn bó giữa cha của họ, ca ngợi công lao đáng quý của cha Yevgeny Mendel ở phía sau chiến tuyến trong suốt cuộc chiến, và bóng gió ám chỉ ông già như một kẻ hèn nhát.
“Dù sao thì, ông ấy cũng được tặng thưởng huân chương vì lòng dũng cảm.” Yevgeny phản kháng. “Tôi có thể cho anh thấy những chứng nhận, giấy tờ, tôi sẽ gửi chúng cho anh xem. Ông ấy đã bị tấn công ở Leningrad! Ông ấy đã ở cùng với ông người Mỹ mà anh gặp cái ngày hôm đó, chẳng phải thế là một sự trùng hợp sao? Hai người họ đã bị cả một tiểu đội quân Đức tấn công. Cha tôi và Osborne đã hạ ba tên Phát xít và đuổi được số còn lại rút lui.”
“Osborne? Tay buôn lông thú người Mỹ đã có mặt trong trận bao vây Leningrad đó sao?”
“Giờ ông ta là một thương nhân buôn lông thú. Ông ta mua lông thú Nga và nhập khẩu chúng vào Mỹ. Mua một bộ với giá bốn trăm đô ở đây và bán nó ở đó với giá sáu trăm. Đó là chủ nghĩa tư bản, ta phải ngưỡng mộ nó. Ông ta là một người bạn của Liên bang Xô Viết, điều đó đã được minh chứng rồi. Liệu tôi có quyền được nói vài lời không?”
“Chắc chắn rồi,” Arkady khích lệ.
Yevgeny không hề lòng vòng, luẩn quẩn, anh ta đang lo lắng. Anh ta muốn viên thanh tra bỏ đi, nhưng phải là chừng nào mà vị thanh tra ấy thực sự có cái nhìn tôn trọng hơn đối với anh ta. “Thị trường lông thú Mỹ đang nằm trong mối quan tâm của những người Do Thái,” anh ta nói với giọng mềm mỏng.
“Do Thái à?” Arkady hỏi.
“Người Do Thái. Tôi rất tiếc phải nói rằng ở Soyuzpushnina từng xảy ra một hiện tượng gần giống với những mối quan tâm này trong một thời gian dài. Cha tôi hy vọng có thể phá vỡ mối quan hệ này bằng cách ưu tiên mức giá cạnh tranh đặc biệt dành cho những người không phải Do Thái. Bằng một cách nào đó, những người Do thái lại nghe thấy thông tin ấy, họ thâu tóm Điện lông thú bằng tiền của họ và lấy đi toàn bộ thị trường lông chồn.”
“Osborne là một trong số những người không phải Do Thái đó?” “Chắc chắn rồi. Đó là khoảng mười năm về trước.”
Từ cửa sổ phòng Mendel, dòng sông băng hiện ra những vệt nứt tăm tối. Arkady châm một điếu thuốc và thả que diêm vào thùng rác.
“Làm thế nào mà Osborne chứng minh được ông ta là một người bạn của Liên Xô, bên cạnh việc chiến đấu một cách anh hùng bên cha anh ở Leningrad?”
“Tôi không nên nói với anh về điều này.”
“Anh nên làm thế.”
“Chà” - Mendel theo sau Arkady với một cái gạt tàn - “vài năm trước có một thương vụ giữa Soyuzpushnina và những chủ trang trại lông thú người Mỹ. Đó là cách mà họ gọi nó - nông trại. Giống những cao bồi. Đó là thương vụ với những con vật cho loại lông tốt nhất. Hai con chồn Mỹ lấy hai con chồn Nga. Những con chồn Mỹ rất đẹp - giờ chúng vẫn đang cho lông ở một trong những trang trại của chúng tôi. Những con chồn Nga thì đẹp hơn, không gì có thể so sánh với chồn Nga được. Tuy nhiên, chúng có một điểm yếu rất nhỏ.”
“Nói cho tôi biết đi.”
“Chúng bị thiến. Chà, xuất khẩu những con chồn có khả năng sinh sản ra khỏi Liên bang Xô Viết là bất hợp pháp. Đáng nhẽ họ không nên hy vọng chúng ta phá vỡ luật pháp của mình. Những chủ trang trại Mỹ đã rất thất vọng. Trên thực tế, họ thậm chí còn lên cả một kế hoạch tổ chức cho một người đàn ông xâm nhập vào Nga, ăn trộm vài con chồn từ một nông trại và tuồn chúng ra nước ngoài. Điều đó khiến cho một người bạn thực sự thông báo cho chúng tôi biết về người đồng hương của ông ta.”
“Osborne.”
“Osborne. Chúng tôi thể hiện lòng biết ơn của mình bằng cách nói với những người Do Thái rằng từ đó trở đi, một phần hợp lý thị trường chồn Nga sẽ được trao cho Osborne. Cho dịch vụ trả lại.”
“Chuyến bay đã bị hoãn?”
“Nó bị hoãn?”
“Mọi thứ sẽ ổn thôi. Anh lo lắng quá rồi.”
“Anh không bao giờ thế sao?”
“Thoải mái đi, Hans.”
“Tôi không thích thế.”
“Hơi muộn để thích hay không thích cái gì rồi.”
“Ai cũng biết về hãng hàng không Tupolevs mới này rồi.”
“Một vụ va chạm? Anh nghĩ rằng chỉ có người Đức mới biết làm à?”
“Thậm chí một vụ hoãn bay. Khi ông tới Leningrad...”
“Tôi đã từng đến Leningrad trước đây rồi. Tôi đã từng ở đó với những người Đức. Tất cả sẽ ổn thôi.”
Arkady nhìn ngày trên cuộn băng một lần nữa: mùng hai tháng Hai. Osborne đang nói chuyện với Unmann vào đúng ngày Osborne rời Moscow đi Helsinki. Arkady nhớ rõ lịch trình của Unmann, tay người Đức đã tới Leningrad cùng ngày hôm đó, rõ ràng là không cùng một chuyến bay.
“Tôi đã từng đến Leningrad trước đây. Tôi đã từng đến đó với những người Đức. Mọi thứ sẽ ổn thôi.”
Arkady tự hỏi, làm thế nào mà Osborne có thể giết được ba con người ở Leningrad?
Nghe một cuộn băng mới của Osborne, Arkady nhận ra giọng nói của Yevgeny Mendel.
“John, anh sẽ là khách của Bộ trưởng trong buổi biểu diễn Hồ Thiên Nga vào đêm ngày Quốc tế Lao động, được chứ? Anh biết đấy, nó rất truyền thống, rất đặc biệt. Việc có mặt ở đó rất quan trọng. Chúng tôi sẽ cho người đưa anh đến sân bay ngay lập tức.”
“Tôi rất lấy làm vinh dự. Nói cho tôi biết nó sẽ như thế nào.”
Có một sự thay đổi từ mùa đông sang mùa xuân. Mùa đông mà Osborne đã trải qua cùng với âm mưu, mùa xuân mà Osborne trở thành một kẻ tẻ nhạt, một gã khờ thương mại. Arkady nghe được những lời chúc tụng đơn điệu buồn tẻ lặp đi lặp lại, một cuộc hội thoại không có hồi kết trở nên dài hơn và ngu ngốc hơn. Sau hàng tiếng đồng hồ ngồi nghe, anh cảm thấy một sự cảnh giác trong các đoạn băng. Osborne đang che giấu giữa hàng đống từ ngữ vô hạn giống như một người đàn ông đứng nghiêng mình lẩn giữa hàng cây.
Arkady nghĩ tới Pasha.
“Một người nông dân tới Paris” - Pasha kể một câu chuyện hài khi họ đang đạp xe vòng quanh tìm Golodkin - “và khi ông ta trở về, tất cả bạn bè đã tụ tập để đón chào. 'Boris,' họ nói, 'Hãy kể về chuyến đi của cậu cho bọn tớ nghe xem nào'. Boris lắc lắc đầu và nói, 'Chà, cái Bảo tàng Louvre, những bức tranh, mẹ nó chứ.' ‘Tháp Eiffel á?’ Một ai đó hỏi. Boris vươn bàn tay cao hết mức và nói, ‘Mẹ nó chứ. ‘Thế còn Nhà thờ Đức bà?’ Một ai khác hỏi. Boris bỗng òa khóc khi nhớ ra vẻ đẹp vĩ đại và nói ‘Mẹ nó chứ!’ 'À, Boris,' mọi người đều thở dài, ‘ký ức tuyệt đẹp nào cậu đã khắc ghi’"
Arkady tự hỏi liệu Pasha sẽ miêu tả thiên đường như thế nào nhỉ.
Quảng trường Cách mạng đã từng là Quảng trường Phục sinh. Khách sạn Metropole từng là khách sạn Grand.
Arkady bật đèn. Ga trải giường và cái rèm cửa cùng một màu đỏ cũ sờn. Chiếc thảm Ba Tư có hoa văn chẳng thể nào đoán ra được nữa vì đã mòn lắm rồi. Chiếc bàn, cái tủ kéo và tủ đứng được khắc bởi những vệt hằn và những vệt cháy thuốc lá.
“Điều này được phép à?” Người lao công lau nhà hỏi với vẻ lo lắng.
“Được phép.” Arkady nói và đóng cửa trước mặt cô ta, để mình ở riêng trong căn phòng của vị du khách William Kirwill. Anh nhìn xuống bên dưới Quảng trường, nhìn vào những chiếc xe buýt của hãng Intourist đang xếp hàng từ trước Bảo tàng Lê-nin tới lối vào khách sạn và những hành khách đang lên xe được phân chia thành các nhóm ngôn ngữ cho màn múa ba lê và vở opera cho các buổi tối. Theo Intourist, Kirwill đã được đặt chỗ cho các nhà hàng và các nhà hát địa phương. Arkady bước vào phòng tắm. Mới, ngăn nắp, sạch sẽ, đó là những gì mà vị du khách phương Tây yêu cầu. Arkady lấy những chiếc khăn tắm vào phòng ngủ rồi quấn nó quanh chiếc điện thoại và che những chiếc gối lên đó.
Chiếc tủ kéo của William Kirwill đựng đầy đồ lót Mỹ, quần tất, áo len và áo sơ mi, nhưng không hề có những bộ quần áo Nga mà Golodkin đã miêu tả.
Không có bộ quần áo nào được giấu dưới gầm giường. Trong hộc tủ là một chiếc vali nhôm - vinyl đã được khóa. Arkady lôi nó lên giường và cố gắng nạy ổ khóa với con dao bấm cầm tay của mình. Cái lẫy không hề dịch chuyển. Anh đặt chiếc vali xuống sàn vừa giẫm lên cái khóa vừa điều chỉnh lưỡi dao. Nửa cái lẫy đã nẩy lên. Anh gõ con dao chọc xuyên sang bên kia chiếc khóa, làm cho nó mở bung ra, đặt lại chiếc vali lên giường và xem xét bên trong.
Có bốn quyển sách nhỏ - Tóm tắt lịch sử Nghệ thuật Nga, Hướng dẫn Tham quan, Hướng dẫn tham quan Phòng trưng bày Tretyakov và cuốn Cẩm nang du lịch Nagel’s Moscow and Environs - tất cả được buộc túm với nhau bởi một sợi dây chun. Đứng một mình là ấn bản to đùng cuốn Liên bang Xô Viết của Schulthess. Hai thùng thuốc lá Camel. Một chiếc máy ảnh Minolta ba mươi lăm li được gắn chặt với một băng tay cầm, một len focus dài tới hơn hai mươi lăm centimet, các filter và mười hộp phim chưa sử dụng. Séc du lịch trị giá một nghìn tám trăm đô. Ba cuộn giấy vệ sinh. Một ống tuýp kim loại với một đầu có rãnh xoắn và một đầu có một pít-tông được khía rãnh đẩy lên một con dao khắc của họa sĩ. Những chiếc tất dùng rồi được cuộn tròn. Một chiếc vali nhỏ được đóng chặt với những sợi dây cao su, ở bên trong có một bộ bút bi và bút chì bằng vàng. Một tập giấy kẻ ô vuông. Một chiếc túi ni-lông có một cái mở hộp, một cái mở chai, một cái xoắn mở sâm panh với một thanh sắt mảnh, dẹp ở một đầu và được uốn gập ở đầu bên kia. Một cuốn coupon ăn uống của Intourist. Không có quần áo của Nga.
Arkady kiểm tra những bộ quần áo được treo trong tủ, chẳng có gì ngoài đồ của Mỹ. Anh nhìn vào phía sau và bên dưới tất cả đồ đạc trong phòng. Cuối cùng, anh quay trở lại với chiếc vali được mở toang hoác. Nếu gã người Mỹ ấy thực sự cuồng với các sản phẩm của Nga, hắn có thể đi mua ít hành lý mới, một thứ gì đó hay ho trong hộp các-tông. Arkady tháo sợi dây cao su ra khỏi các quyển sách du lịch và lướt qua chúng. Anh nhấc tập ảnh rực rỡ của Schulthess lên, quả một món đồ nặng nề với một khách du lịch bụi nhẹ nhàng. Ở chính trung tâm, giữa hai trang sách của một lễ hội ngựa ở Alma Ata, là một tấm giấy kẻ ô cũ có ký hiệu chú thích ghi một inch bằng năm feet. Trên đó vẽ lại một cách chính xác các ngọn cây, con đường, bờ sông, một khu đất trống và nằm chính giữa khu đất trống ấy là ba ngôi mộ. Ngoại trừ sự khác biệt giữa mét và feet, đó gần như là một bản chuyển dịch chính xác bản vẽ cơ sở của cảnh sát về khu đất trống trong công viên Gorky. Nằm giữa hai trang tiếp theo trong tập sách, anh tìm thấy một bản vẽ toàn bộ công viên được chia tỉ lệ một inch bằng hai mươi feet. Anh cũng tìm thấy bản vẽ của một tấm phim X-quang chụp một cái chân phải, một phần tối đánh dấu một vết gãy xương ống chân hở, y hệt vết gãy trên cái xác thứ ba từ công viên. Một tấm biểu đồ nha khoa và bản vẽ của những phim chụp X-quang răng cho thấy một sự xử lý ống chân răng sữa trên bên phải, nhưng không có răng hàm thép.
Arkady nhìn vào những thứ còn lại bên trong chiếc vali bằng một con mắt hoàn toàn khác. Chiếc ống kim loại có con dao khắc của họa sĩ thực sự đáng ngờ, một doanh nhân định cắt cái gì ở Moscow chứ? Anh xoáy mũ của chiếc ống ra, và với cái pít-tông ở đầu bên kia, anh đẩy con dao lên, hóa ra là vẫn chưa sử dụng. Có mùi thuốc súng thoang thoảng bên trong ống. Nhìn vào bên trong cái lỗ, anh nhận ra điểm sắc cạnh của chiếc pít-tông. Cái ống là một nòng súng.
Ở Moscow, khó mà có thể thấy súng, và những thứ đồ có vẻ giống với vũ khí đều là tự chế. Một tay giang hồ chế một khẩu súng săn bằng ống bô xe máy. Giờ anh đã biết anh đang tìm kiếm cái gì rồi, viên thanh tra thực sự thấy hứng thú, anh cũng tức giận khi nghĩ rằng mình đã không nhận ra được ngay từ đầu.
Rõ ràng với một nhà nhiếp ảnh tận tâm, vị du khách này chẳng chụp một bức ảnh nào cả. Arkady tháo camera ra khỏi tay cầm bằng gỗ. Có một rãnh dọc theo đỉnh tay cầm vừa như in với cái ống. Cái nòng chỉ nhô ra hai centimet ở phía trước, và cái pít-tông ở phía sau. Ở bên trái của tay cầm là một lỗ vít. Arkady đờ ra mất một lúc. Rồi anh mở tung chiếc túi nhựa, lôi ra cái mở hộp và cái xoắn sâm panh, sau đó nhấc cái thanh kim loại có hình dáng kỳ cục mà anh đã để ý từ lúc trước đó. Cái ống chính dài mười centimet, phần góc phải ở một đầu dài khoảng ba centimet, phần uốn gập ở đầu kia dài bốn centimet. Anh xoay con vít của nó vào cái lỗ trên tay cầm bằng móng tay cái, để thừa khoảng cho thanh sắt xê dịch. Bây giờ thì cái khuỷu gập biến thành một mẩu cò, và cái cạnh xiên phải ở đầu kia thì nằm chắc chắn trên pit-tông, không cho nó đẩy về trước. Anh kéo cò, cái cạnh phải nâng lên và pít-tông đã tự do. Anh cài lại một lần nữa và quấn một trong những sợi dây cao su hai vòng từ trước tay cầm ra sau pít-tông. Đạn. Các sân bay của Mỹ soi X-quang hành lý, làm sao mà giấu đạn được nhỉ? Arkady mở cái hộp bút và bút chì. Nó là một bộ ăn khớp với nhau, vàng mười bốn karat, không hiện lên dưới tia X. Anh mở nắp bút ra, có hai viên 22 li bên trong nắp bút chì và một viên trong nắp bút bi. Với tay cầm dài của con dao khắc, anh nhồi một viên đạn vào trong nòng súng cho đến khi nó nằm chắc chắn ở vị trí nơi mà đầu nhọn của pit-tông sẽ lao tới. Quá ồn, anh không hề nghe thấy tiếng nổ nào khi anh bị bắn ở dưới cầu tàu điện. Phải có bộ phận giảm thanh ở đâu đó. Giấu trong hộp phim chụp chăng? Quá ngắn. Anh xé mở cuộn giấy vệ sinh của Mỹ. Bên trong cuộn thứ ba, thay vì là một lõi bìa các-tông thì lại là một trong những tấm nhựa đen, được đục các lỗ thoát khí quanh thân, với một đầu có rãnh xoắn nhô lên.
Ghép lại tất cả là một khẩu súng bắn phát một khá vụng về và thiếu chính xác trong phạm vi ngoài năm mét. Gần hơn thế, là đủ. Arkady đang xoáy cái giảm thanh vào nòng súng thì cửa mở tung. Anh chĩa nòng súng vào William Kirwill.
Kirwill khép cửa lại nhẹ nhàng bằng lưng. Hắn nhìn vào chiếc vali bị mở tung, chiếc điện thoại bị quấn chặt cùng khẩu súng. Đôi mắt xanh lơ nhanh nhẹn là thứ làm nên khác biệt - không thì trông hắn ta giống như bất cứ một kẻ vũ phu nào: một khuôn mặt hồng hào bóng bảy với những đường nét nhỏ gọn, sạch sẽ, một thân thể săn chắc khó mà là của người gần năm mươi tuổi, những cánh tay và đôi chân to lớn, nặng nề. Ấn tượng ban đầu là một chiến binh, ấn tượng tiếp theo là một sĩ quan. Arkady biết đó chính là người đàn ông với những nắm đấm vũ bão ở công viên Gorky. Kirwill nhìn ra sau, chán nản mệt mỏi nhưng đầy cảnh giác, chiếc áo mưa được cởi ra khoe chiếc áo sơmi thể thao màu hồng.
“Tôi về sớm.” Kirwill nói bằng tiếng Anh. “Lại mưa, nếu như anh không để ý thấy điều đó.”
Hắn bỏ chiếc mũ vành ngắn ra để rũ nước.
“Không,” Arkady nói bằng tiếng Nga. “Ném cái mũ ra đây.”
Kirwill nhún vai. Chiếc mũ đáp cánh xuống dưới chân Arkady. Bằng một tay, anh lần vào trong vành thấm mồ hôi.
“Tháo áo choàng ra và thả nó lên sàn,” Arkady nói. “Lộn hết túi ra ngoài.”
Kirwill làm theo, bỏ cái áo mưa nằm lên sàn, rồi bỏ hết đồ trong túi quần trước và sau ra, thả chùm chìa khóa phòng, tiền lẻ cùng ví lên chiếc áo mưa.
“Đẩy nó về phía tôi bằng chân,” Arkady yêu cầu. “Đừng có đá.”
“Chỉ có một mình anh, đúng không?” Kirwill nói bằng thứ tiếng Anh rất dễ nghe trong khi hất chiếc áo mưa trên sàn. Năm mét là tầm bắn hiệu quả của khẩu súng, và Arkady cảm thấy rằng, một mét là tầm hiệu quả của Kirwill. Anh vẫy Kirwill trở lại vị trí ở giữa và kéo chiếc áo nửa chặng đường còn lại. Cổ tay áo của Kirwill được xắn lên, cho thấy những đốm tàn nhang và những sợi lông đỏ đang ngả bạc.
“Cấm nhúc nhích,” Arkady ra lệnh.
“Đây là phòng tôi, tôi còn đi đâu được?”
Hộ chiếu và visa của Kirwill nằm trong áo mưa. Trong ví, Arkady thấy có ba thẻ ngân hàng, một bằng lái xe và một đăng ký xe ở New York, một tờ giấy với số điện thoại của Đại sứ quán Mỹ và hai phòng tin tức của Mỹ. Anh cũng tìm thấy tám trăm rúp tiền mặt, một số tiền không hề nhỏ.
“Danh thiếp của anh đâu?” Arkady hỏi.
“Tôi đi du lịch cho vui thôi. Tôi đang có khoảng thời gian ngao du tuyệt vời.”
“Úp mặt vào tường. Giơ hai tay lên và giạng chân ra,” Arkady nói.
Kirwill làm theo rất chậm rãi, rồi Arkady đẩy anh ta từ phía sau theo góc đứng nghiêng với bức tường, soát quần áo anh ta. Người đàn ông này có thân hình to như một con gấu.
Arkady bước lùi lại. “Quay lại và bỏ giày ra.”
Kirwill tháo giày, quan sát Arkady và khẩu súng.
“Tôi sẽ đưa chúng cho anh hay là gửi qua mail nhỉ?” Kirwill hỏi.
Khó mà tin được, Arkady nghĩ. Gã đàn ông này thực sự sẵn sàng tấn công một thanh tra Xô Viết lần nữa trong một căn phòng ngay tại khách sạn Metropole.
“Ngồi xuống.” Arkady chỉ vào cái ghế phía sau tủ.
Anh có thể thấy Kirwill đang tính toán cơ hội để tấn công. Viên thanh tra có súng và đang chờ đợi được bắn thử một phát xem sao, Arkady không bao giờ mang theo súng của mình và cũng chưa hề bắn một phát đạn nào kể từ thời quân ngũ. Bắn vào đầu hay vào tim đây? Một viên cỡ 22 li vào bất cứ đâu cũng không thể làm chậm bước một gã cỡ Kirwill.
Cuối cùng thì Kirwill ngồi xuống ghế. Arkady quỳ xuống và kiểm tra đôi giày, không thấy gì cả. Kirwill cựa quậy, đôi vai nặng nề to bè của hắn vươn về phía trước.
“Chỉ là tò mò thôi,” hắn nói khi nòng súng giật về phía mình. “Tôi là một khách du lịch, và khách du lịch thì phải tò mò.”
Arkady ném đôi giày về phía Kirwill.
“Mang giày vào, và buộc dây chúng lại vào nhau.”
Khi Kirwill thực hiện xong, Arkady tiến tới và đá cái ghế, đẩy nghiêng nó vào Kirwill và anh ta dựa vào tường. Lần đầu tiên kể từ khi Kirwill bước vào phòng, Arkady cảm thấy an toàn.
“Giờ sao?” Kirwill hỏi. “Anh xếp chồng đồ đạc trong phòng lên tôi để giữ tôi nằm yên chăng?”
“Nếu cần thiết phải làm thế.”
“Chà, anh có lẽ sẽ cần đấy.” Kirwill vờ tạo ra một bầu không khí thoải mái giả tạo, một sự khinh suất thiếu cảnh giác mà Arkady đã từng thấy ở những người đàn ông đầy quyền lực, một sự hợm hĩnh như thể không có tận cùng nào với sức mạnh của họ. Dù sao, sự hằn học trong ánh mắt màu xanh vẫn khiến Arkady thấy khó hiểu.
“Ông Kirwill, ông đã vi phạm vào Mục thứ 15, vận chuyển trái phép vũ khí vào Liên bang Xô Viết và Mục thứ 218, tạo ra một vũ khí nguy hiểm.”
“Anh chế ra nó, không phải tôi.”
“Anh đã lượn quanh Moscow với trang phục người Nga. Anh nói chuyện với một người đàn ông tên là Golodkin. Lý do?”
“Anh nói tôi nghe.”
“Bởi James Kirwill đã chết.” Arkady nói để làm Kirwill sốc.
“Anh phải biết điều đó chứ, Renko.” Kirwill đáp lời. “Anh đã giết cậu ấy.”
“Tôi?”
“Không phải anh là kẻ mà tôi đã đấm cho một trận nhừ tử ở công viên buổi tối hôm đó sao? Anh đến từ văn phòng công tố viên, đúng không? Không phải anh đã cho người theo dõi tôi và Golodkin khi tôi quay trở lại công viên sao? Gã nhỏ thó với cặp kính. Tôi đi theo anh ta từ công viên tới văn phòng KGB. Có khác gì đâu. Đầu Kirwill ngả sang một bên.
“Làm thế nào mà anh biết tên tôi?” Arkady hỏi.
“Tôi đã nói chuyện với Đại sứ quán và cả một phóng viên nữa. Tôi đã đọc tất cả các bài báo nổi tiếng trước đây của Pravda. Tôi đã nói chuyện với mọi người trên phố. Tôi đã xem tư liệu của anh. Tôi quan sát văn phòng công tố viên. Khi tôi tìm ra tên anh, tôi theo dõi căn hộ của anh. Tôi không thấy anh, nhưng tôi thấy vợ anh và bạn trai cô ta dọn dẹp căn phòng. Tôi ở ngay bên ngoài văn phòng của anh khi anh để Golodkin đi.”
Arkady không thể tin nổi những điều anh đang nghe. Gã khùng điên này không thể nào theo dõi anh, theo Fet tới văn phòng của Pribluda, thấy Zoya được. Khi anh và Pasha xếp hàng mua bia ở ki ốt tại góc phố, liệu có phải Kirwill đang đứng phía sau họ không nhỉ?
“Tại sao anh lại chọn thời gian này để tới Moscow?”
“Tôi đã đến vài lần rồi. Mùa xuân là khoảng thời gian đẹp, thời gian để những cái xác nổi lên từ dưới đáy sông. Thời gian tốt cho những cái xác.”
“Và anh cho rằng tôi đã giết James Kirwill?”
“Có thể không phải chính tay anh, nhưng là anh và bạn anh. Liệu có quan trọng không khi ai là người bóp cò?”
“Làm sao mà anh biết được anh ta bị bắn?”
“Ở khu đất trống trong công viên, độ sâu của chỗ đào bới. Bốn viên đạn, đúng không? Dù sao thì, anh không đâm ba người đó đến chết. Tôi ước là tôi đã biết chắc đó là anh trong công viên. Renko. Như thế tôi hẳn đã giết chết anh rồi.”
Kirwill nói với sự hối tiếc lẫn vẻ thích thú vì việc bỏ lỡ cơ hội của mình. Tiếng Nga của hắn không bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ gốc, tuy nhiên vẫn giữ được âm vực đặc trưng của tiếng Mỹ. Hắn ta khoanh tay như thể đã đặt chúng sang một bên. Người đàn ông to lớn đầy trí tuệ lợi dụng lực hút Trái Đất, một mối đe dọa của sức hút vật lý, đặc biệt trong một căn phòng nhỏ. Arkady ngồi lên một chiếc tủ kéo nhỏ dựng ở bức tường đối diện. Làm thế nào mà anh có thể không để ý đến một người như Kirwill nhỉ?
“Anh đến Moscow để hỏi về một vụ án mạng,” Arkady nói. “Anh đã có bản chép tấm chụp X-quang và nha khoa. Hẳn mục đích của anh là giúp đỡ cuộc điều tra.”
“Nếu anh thật sự là một thanh tra.”
“Có báo cáo ghi chép về việc James Kirwill rời khỏi Liên bang Xô Viết năm ngoái, chẳng có ghi chép nào về việc anh ta quay lại. Làm sao mà anh biết được anh ta ở đây, làm sao anh biết được anh ta đã chết?”
“Nhưng anh không phải là một thanh tra thật sự. Các thám tử của anh mất thời gian với KGB cũng giống như với anh.”
Không có cách nào để giải thích việc của Fet với một người Mỹ và Arkady không cố thử làm điều đó. “Anh và James Kirwill có quan hệ gì?”
“Anh nói tôi biết xem.”
“Thưa ngài Kirwill, tôi hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ủy viên công tố Moscow, chứ không phải ai khác. Tôi đang điều tra vụ án mạng giết ba người ở công viên Gorky. Anh đã đi cả chặng đường từ New York đến với những thông tin có thể quan trọng. Xin hãy nói với tôi.”
“Không.”
“Anh không ở vị thế để có thể từ chối. Anh đã bị bắt gặp ăn mặc như một người Nga thực thụ. Anh đã nhập lậu vũ khí mà anh đã từng sử dụng để nhắm vào tôi. Anh đang che giấu thông tin và đó cũng là một tội ác.”
“Renko, anh có tìm thấy bộ quần áo Nga nào ở đây không vậy? Dù gì thì, mặc quần áo giống như anh cũng là tội ác sao? Còn với khẩu súng, hoặc cái của khỉ gì đó mà anh đang nhắm vào tôi đấy, tôi chưa từng thấy bao giờ. Anh mở các vali của tôi, tôi không biết anh đã đặt cái gì vào trong đó. Và cái thông tin mà anh đang nói đến ấy là về vấn đề gì?”
Arkady dừng lại một chút trước sự coi thường pháp luật đầy thách thức này.
“Những điều anh nói về James Kirwill...” Anh tiếp tục.
““Những điều nào? Cái micro ở trong điện thoại và anh đã không quan tâm đến điều đó. Anh nên đi cùng một vài người bạn, Renko. Với tư cách là một thanh tra thì anh không có đủ năng lực lắm đâu.”
“Có những bản vẽ của anh về hiện trường vụ giết người ở công viên Gorky và cả tấm phim X-quang lẫn tấm chụp nha khoa mà anh mang, chúng sẽ kết nối thông tin giữa anh và James Kirwill nếu như anh ta là một trong những nạn nhân.”
“Các bản vẽ và tấm phim răng được vẽ bằng một chiếc bút chì Nga trên một tờ giấy ô ly Nga,” Kirwill đáp. “Không có bản phim X-quang nào hết, chỉ có các dấu vết. Vấn đề anh nên suy nghĩ lúc này, Renko, là điều mà Đại sứ quán Mỹ sẽ nói về viên cảnh sát Nga tấn công một du khách Mỹ vô tội khi bị bắt gặp đang lén lút” - Kirwill nhìn vào chiếc vali đã bị mở - “rõ ràng là với hành động trộm cướp. Anh không định lấy cái gì đấy chứ, đúng không?”
“Ngài Kirwill, nếu anh báo cáo bất cứ điều gì cho đại sứ quán của anh thì họ sẽ cho anh lên chuyến bay tiếp theo để về nhà đấy. Anh không phải đến đây để đi về nhà ngay lập tức, đúng không? Anh cũng không hề muốn mất đi mười lăm năm cuộc đời vào trung tâm cải huấn của Xô Viết đấy chứ?”
“Tôi có thể xử lý việc đó.”
“Ngài Kirwill, làm thế nào mà ngài có thể nói tiếng Nga trôi chảy thế nhỉ? Tôi đã từng nghe tên ngài ở đâu đó trước đây rồi nhỉ, trước cả ngài và cái ông James Kirwill này? Có vẻ như với tôi thì đó là tên của những người cùng một gia đình.”
“Tạm biệt, Renko. Quay về với bạn bè của anh ở sở cảnh sát bí mật đi.”
“Nói với tôi về James Kirwill.”
“Cút ngay.”
Arkady từ bỏ. Trên đường ra, anh đặt hộ chiếu, ví và thẻ tín dụng của Kirwill lên chiếc tủ kéo.
“Đừng phiền lòng,” Kirwill nói. “Tôi sẽ dọn dẹp sau khi anh biến thôi.”
Chiếc ví khá nặng trong lòng bàn tay, và nó dày cộp ngay cả khi không đựng chiếc thẻ tín dụng nào. Có một đường chỉ thêu dọc theo một bên mép chiếc ví. Kirwill lao về trước. Arkady vẫy vẫy khẩu súng. Một gián điệp chăng? Arkady nghĩ. Một thứ gì đó kỳ cục như một mật mã được khâu vào trong ví và một cuộc rượt đuổi đầy anh hùng giữa những kẻ phản bội và những điệp viên nước ngoài với một trưởng thanh tra đang lòng vòng như mớ bòng bong ở giữa? Anh xé đường chỉ thêu ra, một mắt vẫn quan sát Kirwill. Bên trong chiếc ví, anh lôi ra một chiếc huy hiệu hình khiên màu vàng được dập nổi màu xanh với hình ảnh một người da đỏ và một người du mục. Dòng chữ “Thành phố New York” được khắc phía trên và bên dưới là dòng chữ ghi: “Trung úy.”
“Một cảnh sát sao?”
“Thám tử,” Kirwill chữa lại.
“Nếu thế thì anh phải giúp đỡ mới phải,” Arkady nói như thể nó rất rõ ràng, bởi vì đó là với anh. “Anh thấy Golodkin rời văn phòng của tôi với một thanh tra, một người bạn của tôi, Pasha Palovich.” Một cái tên có vẻ như chả có ý nghĩa gì với một người Mỹ, Arkady cho là thế. “Dù sao thì, đó là một thanh tra mà tôi đã cùng làm việc trong một thời gian dài, một người đàn ông rất tốt. Một tiếng sau, trong căn hộ của Golodkin, cả Golodkin và viên thanh tra đi cùng bị giết bởi một kẻ nào đó. Tôi không quan tâm tới gã Golodkin đó lắm. Tất cả những gì tôi muốn làm đó là tìm ra kẻ đã giết viên thanh tra bạn tôi. Mọi thứ khó có thể khác biệt ở Mỹ. Là một thanh tra, anh phải hiểu thế nào là một người bạn...”
“Renko, đi chết đi.”
Arkady không ý thức được việc anh đang giơ khẩu súng tự chế lên. Anh nhận ra mình đang chĩa nòng súng thẳng vào điểm ở giữa hai mắt Kirwill và kéo cò để sợi dây cao su và chiếc bệ khóa nòng bắt đầu chuyển động một cách nhịp nhàng. Vào chính khoảnh khắc cuối cùng, anh hướng mũi súng ra chỗ khác. Chiếc tủ nảy lên và một cái lỗ rộng chừng hai centimet xuất hiện trên cánh cửa tủ nằm ngay sau tai Kirwill. Arkady thực sự ngạc nhiên. Anh chưa bao giờ đến mức gần như giết một ai đó trong đời, và khi sự chính xác của khẩu súng đã được tính toán, anh có thể dễ dàng giết hoặc dễ dàng bắn trượt. Khuôn mặt trắng bệch vì ngạc nhiên hiện ra khi máu rút khỏi vùng xung quanh mắt Kirwill.
“Cút ngay khi anh còn có thể.” Kirwill nói.
Arkady ném khẩu súng xuống. Chẳng hề vội vã, anh nhặt tấm phim X-quang và phim chụp răng từ chiếc vali mở. Anh giữ chiếc huy hiệu và ném chiếc ví sang một bên.
“Tôi cần tấm phù hiệu của mình.” Kirwill bật dậy khỏi ghế.
“Không phải trong thành phố này.” Arkady bước ra khỏi cửa. “Đây là thành phố của tôi,” anh lẩm bẩm với chính mình.
Không có ai trực ca đêm ở phòng thí nghiệm. Arkady ghép các dấu vết trên phim chụp và tấm phim nha khoa với những dữ liệu của Levin, nhận ra rằng cùng một lúc William Kirwill đã làm khẩu súng ở quanh thành phố - cái tay cầm ở đây, cái nòng súng ở đó. Đến khi anh tới cơ quan ở Novokuznetskaya và viết một báo cáo cho Iamskoy, anh biết Kirwill hẳn là đang tìm kiếm chỗ nương náu ở Đại sứ quán Mỹ. Được thôi, tất cả những bằng chứng thêm nữa đều dành cho công tố viên bởi giờ đã chắc chắn là cái xác thứ ba ở Công viên Gorky chính là James Kirwill. Arkady để lại báo cáo trên bàn phó công tố viên của Iamskoy, để sáng hôm sau ông ta sẽ nhận được nó.
Một đèn chiếu rực sáng nằm giữa trung tâm Moskva. Không, nó đã di chuyển rồi. Có âm thanh như là tiếng đá lạo xạo. Arkady dừng xe và quan sát từ trên con đê khi một chiếc xe phá băng đã cày tới, quét những ngọn sóng băng vỡ lên phía trước, những vệt băng trồi lên rồi trượt xuống theo những cú đâm. Nước tự do xiết lên thành những dải đen kịt.
Arkady lái xe dọc theo dòng sông cho tới khi rít hết bao thuốc. Anh sực tỉnh khi chạm tới khách sạn Metropole. Anh không bắn William Kirwill, nhưng anh đã muốn và chỉ cách một ngón tay thôi là đã làm như vậy rồi. Anh sực tỉnh bởi anh đã không quan tâm đến việc bắn hay không bắn. Và anh cũng nghi ngờ rằng, Kirwill cũng vậy.
Đi dọc theo công viên Gorky, anh nhận thấy những ngọn đèn trong studio của Andreev vẫn sáng trên nóc Viện Dân tộc học. Dù đã nửa đêm, Arkady vẫn được nhà nhân chủng học chào đón.
“Tôi làm việc này cho anh hàng tiếng rồi, nên việc anh ở cạnh tôi cũng là công bằng thôi. Lại đây nào, có bữa điểm tâm nhẹ đủ cho hai chúng ta.” Andreev đưa Arkady tới một chiếc bàn đặt một chiếc sọ người Cro-Magnon được dẹp gọn sang một bên nhường khoảng trống cho những chiếc đĩa. “Củ cải đường, hành, xúc xích, bánh mì. Không vodka, tôi rất tiếc. Tôi đã có kinh nghiệm rằng một kẻ lùn thì rất dễ say xỉn và cá nhân tôi nghĩ rằng chẳng có gì trông lố bịch hơn một tên lùn say xỉn.”
Andreev đang trong một tâm trạng hài hước tích cực đến nỗi Arkady e dè việc phải nói với anh ta rằng theo như quan ngại của anh thì cuộc điều tra tốt hơn hết là kết thúc.
“À, nhưng anh muốn thấy cô ấy.” Andreev hiểu nhầm sự lưỡng lự của Arkady. “Đó là lý do anh ghé qua đây.”
“Anh đã làm xong rồi ư?”
“Gần xong. Dù sao thì anh cũng có thể thấy.” Anh ta nhấc tấm vải khỏi chiếc đĩa xoay để trưng ra tiến trình công việc.
Bản phục dựng khuôn mặt cô gái ở công viên Gorky đang ở giữa chừng điểm mà có thể là công trình của một nhà điêu khắc hay một sự mổ xẻ phân tích bởi một nhà giải phẫu học. Tất cả các cơ cổ đã xong, tạo nên một chiếc cột màu hồng duyên dáng chỉ còn thiếu da mà thôi. Một chùm những sợi cơ màu hồng cuốn quanh kéo từ khoang mũi xuống quanh hàng lợi của những chiếc răng nhe ra trắng ởn. Cơ thái dương phẳng xòe ngang xương gò má và thái dương. Những bó cơ uốn mềm quanh góc hàm. Xét tổng thể, sự cuộn xoắn những dải nhựa màu hồng và những lớp vữa trát lên vừa góp phần làm dịu bớt đi sự cứng nhắc của hộp sọ lại làm cho nó trông đáng sợ như một chiếc mặt nạ. Cô ta nhìn chằm chằm với đôi mắt thủy tinh màu nâu.
“Như anh có thể thấy, tôi đã hoàn thành phần cơ hàm và cơ cổ. Vị trí của các đốt sống cổ cho tôi biết cô ấy giữ đầu như thế nào, đồng thời cũng là một manh mối về tâm thần học. Cô ấy luôn ngẩng cao đầu. Tôi nhìn thấy ngay tức khắc bởi những đám cơ bám lớn hơn ở bên phải đốt sống cổ cho thấy cô ấy thuận tay phải. Một số vấn đề rất đơn giản. Cơ của một phụ nữ thường nhỏ hơn cơ của đàn ông. Hộp sọ nhẹ hơn, có hốc mắt lớn hơn và ít đau xương hơn. Nhưng mỗi một sợi cơ cần phải được phục dựng riêng biệt. Nhìn vào miệng cô ấy. Hãy nhìn những chiếc răng đều đặn và hơi nhô ra, đặc trưng điển hình của loài người hiện đại, ngoại trừ người da đỏ hoặc người thổ dân nguyên thủy. Vấn đề quan trọng là, với dạng bộ như thế này thì môi trên thường lớn hơn. Trên thực tế, miệng là một trong những khu vực tái dựng dễ nhất. Hãy đợi và xem, cô ấy có một cái miệng đáng yêu. Mũi thì khó hơn, phép đạc tam giác* được thực hiện từ hồ sơ về khuôn mặt chụp ngang và đường viền quanh của khoang mũi và hốc mắt.”
Đôi mắt thủy tinh, được giữ bằng các sợi nhựa, lồi ra một cách đầy kích động. “Làm sao anh biết được cỡ mắt để đặt vào?” Arkady hỏi.
“Hầu hết mắt của tất cả mọi người đều có cùng một kích cỡ.” Anh hoàn toàn thất vọng. ‘Cửa sổ của tâm hồn’ và như thế? Sự lãng mạn sẽ ở đâu nếu không có đôi mắt? Sự thật là, khi chúng ta nói về hình dạng đôi mắt của một phụ nữ, chúng ta đã miêu tả hình dáng của mí mắt. ‘Cô ấy cố tình che khuất đi ánh sáng trong mắt mình nhưng dù vậy nó vẫn ánh lên trong nụ cười yếu ớt mỏng manh.’”
“Anna Karenina!”
“Quả là một người đàn ông học thức! Tôi vẫn luôn ngờ vực điều đó. Và đó chính là mí mắt, không gì ngoài mí mắt và những sợi cơ bám.” Andreev trèo lên một cái ghế đẩu và nhéo một mẩu bánh mì. “Anh có thích rạp xiếc không, thanh tra?”
“Không quá thích.”
“Ai cũng thích rạp xiếc. Tại sao anh lại không?”
“Tôi thích vài phần. Phần người Cozak và những chú hề.”
“Có phải là anh không ưa những chú gấu chăng?”
“Một chút. Nhưng lần cuối cùng tôi đến đó, họ có một tiết mục với những con khỉ đầu chó đã được huấn luyện. Có một cô gái mặc bộ áo bó có những phụ trang hình tròn - cô ấy quá to béo so với chiếc áo hoặc là cái áo quá chật so với cô ấy - rồi cô ấy sẽ gọi từng chú khỉ ra một và chúng sẽ chạy quanh hoặc nhào lộn. Hầu hết toàn bộ thời gian lũ khỉ đều dè chừng kẻ cục súc này, một gã mặc bộ đồ thủy thủ, vung một sợi roi vào chúng từ đằng sau. Thật là điên khùng. Gã cục súc này, râu ria lởm chởm, mặc một bộ đồ thủy thủ kiểu dành cho con nít, và đánh lũ khỉ mỗi khi chúng không làm được một ám hiệu nào. Rồi một cô gái to lớn xuất hiện, nhún mình chào khán giả và mọi người vỗ tay.”
“Anh đang thổi phồng mọi việc rồi.”
“Không.” Arkady nói. “Đó là buổi biểu diễn sự lạm dụng lũ khỉ.”
“Vậy anh không chủ định nhấn mạnh người đàn ông với cái roi - đó là lý do vì sao anh ta mặc đồ thủy thủ.” Andreev nhăn nhở. “Dù sao thì, Renko thân mến, điều không thoải mái của anh ở rạp xiếc so với của tôi là gì? Tôi khó mà vào chỗ trước khi lũ trẻ bắt đầu bò qua ba mẹ chúng để tới chỗ tôi. Đối với chúng, một gã lùn phải là một phần của buổi trình diễn. Tôi nên nói với anh là tôi không đánh giá cao lũ trẻ sống dưới những điều kiện tốt nhất.”
“Vậy thì anh hẳn là rất ghét rạp xiếc.”
“Tôi yêu nó. Những chú lùn, những gã khổng lồ, những gã béo, những người đeo tóc xanh lá cây mũi đỏ, hoặc tóc xanh da trời mũi tím. Tôi thật sự ước tôi có một chai vodka ở đây lúc này. Dù sao thì, đó là điều anh sẽ thu được ích lợi từ tôi, Thanh tra ạ. Giám đốc đời trước của cái học viện này là một người đàn ông tốt, tròn tròn, dễ chịu thú vị và rất bình thường. Như tất cả những nghệ sĩ bình thường khác, các tác phẩm tái phục dựng của ông ta đều có xu hướng tự lắp ghép hình ảnh chính mình. Không phải từ ban đầu, mà là nó dần dần xâm nhập. Mỗi một khuôn mặt mà ông ta làm đều tròn hơn một chút, thậm chí còn dễ chịu hơn một chút. Có một tủ đựng các mẫu phục dựng người tiền sử và các nạn nhân bị giết hại ở đây, và cả đống hạnh phúc, béo tốt hơn mà anh chưa bao giờ thấy. Một người bình thường luôn thấy chính mình trong những người khác. Luôn là thế. Tôi nhìn thấy rõ ràng hơn.” Andreev nháy mắt. “Hãy tin vào đôi mắt của kẻ kỳ quái.”
Anh đang ngủ thì điện thoại đổ chuông. Là thanh tra Yakutsky, câu đầu tiên anh hỏi là ở Moscow hiện đang là mấy giờ.
“Muộn rồi,” Arkady lầm bầm. Những cuộc gọi giữa Siberi và Moscow, dường như đối với anh, luôn bắt đầu với một chút xã giao về sự khác biệt thời gian.
“Tôi đang trong ca trực sáng ở đây,” Yakutsky nói. “Tôi có thêm một chút thông tin về Valerya Davidova.”
“Anh có thể sẽ muốn tạm hoãn việc đó. Tôi nghĩ rằng sẽ có người khác xử lý vụ này trong vài ngày tới.”
“Tôi có một manh mối cho anh.” Sau khoảng lặng, Yakutsky nói thêm, “Chúng tôi rất quan tâm đến vụ này ở Ust-Kut.”
“Được rồi,” Arkady đáp, vậy thì không để những người ở Ust-Kut thất vọng. “Đó là gì nào?”
“Cô gái Davidova có một người bạn rất tốt chuyển từ Irkutsk sang Moscow. Tên cô ấy là Irina Asanova. Nếu Valerya Davidova hiện diện ở Moscow, cô ta chắc chắn sẽ tới chỗ Asanova.”
“Cảm ơn.” Arkady nói và dập máy.
Anh buộc phải rủ lòng thương Irina Asanova. Anh nhớ việc Pribluda đập vỡ chiếc váy băng cứng trên thi thể ở công viên Gorky. Và cô Asanova đó thật xinh đẹp. Dù sao thì, đó không phải là mối quan tâm của anh. Anh nhắm mắt lại.
Khi điện thoại reo lên một lần nữa, anh mò mẫm nó trong bóng tối, hy vọng đó lại là Yakutsky với những thông tin hữu ích nữa. Nhận ra người gọi, anh ngả ra sau và càu nhàu.
“Tôi mới học được thói quen của người Nga là gọi điện lúc muộn,” John Osborne lên tiếng.
Arkady tỉnh hẳn. Mắt anh mở to, cùng với sự rõ ràng mà chỉ một người tỉnh táo bị ép buộc có, anh thấy tất cả mọi thứ xung quanh mình trong bóng tối: những thùng các tông đựng băng ghi âm, những chiếc chân ghế bắt chéo xúi quẩy, bóng gập trong góc phòng, tấm áp phích hàng không trên tường hoàn toàn rõ ràng.
“Tôi không làm phiền anh chứ?” Osborne hỏi.
“Không hề.”
“Chúng ta mới chỉ có một cuộc nói chuyện thú vị ở nhà tắm, và tôi lo rằng chúng ta không chạm mặt nhau lần nào nữa trước khi tôi rời khỏi Moscow. Liệu mười giờ sáng mai có được không, thưa thanh tra? Trên cầu cảng bên ngoài Bộ Thương mại?”
“Được.”
“Tuyệt. Hẹn gặp anh ở đó.” Osborne dập máy.
Arkady không nghĩ ra được lý do nào để Osborne xuất hiện ở cầu cảng sáng hôm sau. Anh cũng chẳng có lý do nào để ép chính mình ở đó cả.
Án Mạng Ở Công Viên Gorky Án Mạng Ở Công Viên Gorky - Martin Cruz Smith Án Mạng Ở Công Viên Gorky