Số lần đọc/download: 1230 / 42
Cập nhật: 2019-04-12 13:00:36 +0700
Chương 11: Tướng Cướp Đổi Mạng - Tình Câm IV
H
oàng Trí không định rẽ về nhà trên đường đi dưõng trí viện nhưng khi qua khu Đakao, chàng lại quẹo vào con hẻm ngoằn ngoèo, sâu hun hút quen thuộc. Cuối hẻm là căn gác quen thuộc của chàng.
Chàng thuê nó từ năm thứ 3 Y khoa, với giá thông cảm 500 đồng. 500 đồng thời ấy đã quá rẻ, huống hồ bây giờ cái gì cũng đắt, tiền thuê phòng một tháng chỉ đủ trả tắc-xi khứ hồi từ nhà đến trường. Sở dĩ ông bà chủ thông cảm là vì chàng dậy kèm cho lũ con không lấy tiền. Chàng hết lòng chỉ bảo tụi trẻ, chúng học giỏi trông thấy, tính nết chàng lại nhu mì, dễ thương nên ngày tháng qua, đồng tiền tiếp tục mất giá, chàng vẫn tiếp tục trả 500 một tháng, bao luôn điện nước, và nhiều khi còn có quà cáp ngon lành nữa.
Đã 9 giờ tối.
9 giờ là giờ những đại lộ sang trọng, lòe loẹt, bắt đầu thức dậy. Đối với xóm lao động thì 9 giờ tối lại là giờ bắt đầu lên giường ngủ. Vì vậy cửa nhà hai bên hẻm đều đóng kín, chỉ còn những vạch sáng chiếu hắt ra ngoài.
Hoàng Trí xuống xe. Đường hẻm thu nhỏ lại như cái cổ chai. Mặt lộ không đến nỗi hẹp lắm, vừa đủ cho hai xe gắn máy tránh nhau. Chằng thường xuống xe vì sợ bọn nhóc tì chơi trò cút-bắt bất thần từ bóng tối vút ra bằng xe đạp, hoặc Hon-đa xả hết tốc độ.
Căn gác ọp ẹp của chàng hiện ra ở khuỷu hẻm. Phía dưới còn sáng. Ông bà chủ còn thức. Chàng có lối đi riêng, cái cầu thang gỗ mỏng mảnh bằng thùng đựng xà-bong cưa ra, đóng lại với nhau, mỗi khi đặt chân lên chàng phải rón rén như tài tử gánh xiệc biểu diễn thăng bằng trên dây kẽm.
Như thưòng lệ, chàng huýt sáo miệng một bài ca trữ tình. Bỗng chàng cảm thấy vẩy ốc mọc đầy châu thân. Chàng khựng lại. Một bóng đen vạm vỡ từ bên trái chàng tiến nhanh ra, chặn đầu xe. Chàng chưa kịp phản ứng thì từ bên phải chàng lại một bóng đen khác, cũng vạm vỡ như bạn hắn.
Bọn gian chặn chàng để cướp xe chăng? Chàng không tin vì đây là ngõ cụt, mọi lối ra vào đều có trạm gác của nhân dân tự vệ. Vả lại chàng không sợ mấy nếu bọn gian không có súng. Vốn liếng cận vệ chiến của chàng được coi là quá đủ để quật ngã những tên cướp cạn.
Hai bóng đen lực lưỡng ngáng giữ ghi-đông xe hon-đa của Hoàng Trí. Một tên gằn giọng:
- Cho coi giấy tờ.
Cái trò giả dạng nhân viên công lực đòi xét giấy tờ này đã cũ mèm, nó không lừa nổi những công dân trí thức như Hoàng Trí. Chàng quăng xe, lùi một bước:
- Các anh là ai?
- An ninh chìm.
- Mời các anh ra vọng gác nhàn dân tự vệ ở gần đây tôi sẽ trình giấy.
- Anh không được cưỡng lệnh.
- Lệnh gì? Các anh đừng hòng bịp tôi.
- Vậy anh đã biết. Cũng chẳng sao. Chúng tôi cần thảo luận với sinh viên Y khoa Hoàng Trí.
- Hoàng Trí là tôi.
- Can đảm lắm. Đáng khen lắm. Chúng tôi không cướp cái xe cà tàng của anh, cũng không thèm giết anh mặc dầu mạng anh chưa bằng mạng con kiến, dẫm nhẹ là anh chết bẹp. Chúng tôi chờ anh tại đây để cho anh một bài học.
- Về chuyện gì?
- Về chuyện xử thế. Việc ai nấy làm, đường ai nấy đi, từ nay không được xía mũi vào đời sống riêng tư của người khác.
Một trong hai tên xấn lại, nắm tay lớn bằng trái phật thủ giáng thẳng vào mặt Hoàng Trí. Chàng gạt đòn, quả đấm chạm vai, tên thứ nhì ôm chầm lấy chàng. Chàng giằng ra, địch nặng gấp rưỡi, lại là dân đâm thuê chém mướn chuyên nghiệp nên có nhiều kinh nghiệm hơn, chàng vừa gỡ được hai cánh tay quấn ngang hông thì một ngọn cước đau điếng móc trúng xương sườn chàng. Chàng quỵ một chân xuống nền hẻm lồi lõm. Tuy vậy chàng vẫn còn đủ sức lực và trí tuệ để quét ngã một tên đứng gần. Chàng vùng lên, tìm cách thanh toán tên còn lại thì...
Tên thứ ba ra mặt. Té ra chúng gồm ít nhất ba tên. Ba tên du đãng lành nghề vây đánh đòn hội chợ một sinh viên y khoa thì dẫu được học karatê, Hoàng Trí cũng khó chống cự hữu hiệu. Bởi vậy chàng bị đấm luôn hai thoi tóe đom đóm mắt. Cả bọn vực chàng dậy, thi đua làm thịt chàng. Chúng hành hạ có phương pháp: chỉ đánh vào ngực, vào bụng, còn mặt thì chừa lại. Dường như chúng cốt đánh đau, đánh để gây thương tích trong tạng phủ hơn là làm khuôn mặl méo mó, sứt xẹo.
Hoàng Trí ngã vùi xuống rãnh nước. Một tên nói:
- Đủ rồi chúng mày.
Một tên đạp giữa ngực chàng:
- Anh để em rần nó gẫy xương sườn.
- Không được. Lần sau nếu nó cứng đầu thì chúng mày được tự do. Lần này chỉ cảnh cáo thôi.
- Vậy xin phép anh cho em đốt cái xế của nó.
Hoàng Tri còn tỉnh táo nên nghe rõ những lời trao đổi giữa ba tên côn đồ. Chàng thấy chúng lật chiếc Hon-đa nằm chềnh ềnh giữa hẻm, rồi lúi húi mở nắp bình xăng. Chúng chỉ xòe diêm là con ngựa sắt trung thành và đắc lực của chàng từ nhiều năm nay sẽ trở thành đống kim khí vô dụng. Chàng quá nghèo không kiếm đâu ra tiền sắm cái khác. Xe bị đốt, chàng lấy gì đi học, đi thực tập mỗi ngày tại bệnh viện?
Ý nghĩ ấy như liều thuổc bổ mầu nhiệm tạo sức mạnh cho chàng. Chàng chộp ống chân của tên du đãng đang hí hoáy xẹt diêm. Lửa vừa xòe cháy thì tắt phụt, tên địch bị giựt kéo bất thần, lộn ngửa ra sau, đè chặn lên xe gắn máy. Vừa lúc có ánh đèn pha và tiếng máy nổ lạch xạch. Hai chiếc Hon-đa nhô ra khỏi khúc rẽ, từ từ chạy về phía Hoàng Trí.
Tên cầm đầu kêu đàn em:
- Vù đi chúng mày ơi!
Cả ba tên vắt giò lên cổ mà chạy. Trong chớp mắt chúng mất hút. Xe Hon-đa chở nhân dân tự vệ đi tuần tiểu trong xóm. Họ không lạ gì Hoàng Trí. Thấy chàng, họ cùng tốp lại, hỏi han tự sự. Chàng chỉ nói là quân gian mưu toan đoạt xe của chàng. Anh bị đánh đau không? Một người hỏi, giọng thân mật. Không, cám ơn các anh, chàng đáp, miệng cố phác nụ cười «bình an vô sự», chúng chưa kịp giở trò thì nghe tiếng xe của các anh. Anh đi xe được chứ? Được. Vậy chúng tôi rượt theo bọn nó...
Tốp nhân dân tự vệ đi rồi, Hoàng Trí phải dựa lưng vào tường gần 5 phút mới hoàn hồn. Địch dùng chữ «rần» rất đúng, chàng có cảm giác mọi khớp xương đều bị rạn. Rạn chứ không gẫy. Đau không thể tả đưọc. Đau khắp thân thể. Đau từ trong ra. Đau làm chảy nước mắt.
Nhưng đau đến mấy Hoàng Trí cũng phải trở lại dưỡng trí viện Biên Hòa. Chàng phải có mặt càng sớm càng tốt. Giác quan thứ 6 của chàng báo hiệu một tai nạn hiểm nghèo. Ai là nạn nhân? Сhàng không biết. Chắc sẽ có người chết nếu chàng đến chậm.
Xa lộ Biên Hòa sau 10 giờ đêm vắng vẻ một cách rùng rợn. Trừ quân xa và rất ít xe nhà vội vã hầu như cuống quýt, chẳng còn ai dám lang thang trên mặt đường nhựa. Tốc độ tối đa của xe gắn máy bao nhiêu thì Hoàng Trí phóng bấy nhiêu, bánh xe không còn dính đường nữa, nó bay là là bên trên, nhanh như có phép đằng vân.
Đề phòng địch rình núp ở cổng trước, Hoàng Trí lái vòng ra sau. Chàng tắt máy, không nghĩ đến việc cất xе ở địa điểm thường lệ và khóa lại cẩn thận (xế của chàng đã quá già, quá cũ, nhưng dân bất lương vẫn không tha). Chàng dựng nó vào gốc cây, đoạn rón rén men theo giẫy nhà trệt chìm trong bóng đêm dầy đặc đến căn phòng giành riêng cho bà Thúy Thúy.
Cô у tá tận tâm được chàng gửi gắm bà Thúy Thúy vẫn còn đó. Chàng ló đầu qua khe cửa:
- Cám ơn cô Nghinh.
Cô у tá đang loay hoay với hộp kim tiêm giật bắn người như bị phỏng nước sôi:
- Vâng, tôi đây. Trời, té ra bác sĩ... té ra anh Hoàng Trí. Anh làm em hết hồn.
- Tôi hiền như bụt, có làm gì đâu mà cô hết hồn.
- Vì em tưởng «họ».
- Họ?
- Vâng, anh đi được một lát thì họ đến. Nghe lời anh dặn, em nói là bà Thúy đã về nhà. Họ không tin, em phải sẵng giọng họ mới chịu rút lui.
- Họ tự nhận là gì?
- Khôn lắm. Họ không tự nhận là gia nhân. Họ nói là ông Vĩnh Chân yêu cầu dưỡng đường tư Hòa Vinh chăm nom bà Thúy. Hòa Vinh là nhà thương tư lớn nhất Saigon, lại có phòng riêng cho bệnh nhân tâm trí. Họ lái xe Hồng thập tự kẻ tên Hòa Vinh đàng hoàng, mặc bờ-lu trắng đàng hoàng, xuất trình giấy tờ đàng hoàng. Nếu y tá trực không phải em thì nguy rồi. Nè anh... chuyện gì mà lắt léo, tối tăm và đổ bồ hôi lạnh như tiểu thuyết trinh thám đó anh?
Hoàng Trí nhún vai không đáp. Chàng chỉ tặng cô Nghinh một nụ cười thân mật. Thật ra tên nàng là Nguyên, không phải Nghinh. Nhan sắc của nàng khá mặn mòi, nàng còn trẻ măng, lắm nhân viên bệnh viện trồng cây si, trong số đó có cả sinh viên gần ra trường. Họ gọi trệch tên nàng là «Nghiêng». Nghiêng nước, nghiêng thành mà! Thiên hạ gặp nàng đều nhìn theo muốn nổ con mắt, nhiều cậu còn hục hặc «nghinh» nhau nên dần dà Nghiêng biến thành Nghinh.
Nàng có thiện cảm đặc biệt với Hoàng Trí. Chàng cũng vậy. Tuy nhiên sự đặc biệt này chỉ nằm trong khuôn khổ tình bạn, nàng chưa hề có cử chỉ lả lơi, chàng chưa hề có thái độ hoặc ngôn ngữ quá trớn.
Giai nhân câm Thúy Thúy ngồi bó gối trên cái giường sắt nhỏ ở phòng bên, mặt úp trong hai bàn tay. Nghe động, nàng ngước đầu, Hoàng Trí thấy rõ những giọt nước mắt trong vắt như pha lê đang rớt trên gò mả trắng bóng.
Hoàng Trí ngơ ngẩn như mất hồn. Mê nghề y sĩ thần kinh, lại được thực tập nhiều trong dưỡng trí viện, chàng đã có dịp quan sát nhỡn tuyến của nữ bệnh nhân. Mắt người điên khác mắt người thường. Tròng mắt luôn luôn bất động, họ chỉ nhìn một bề, họ nhìn mà chẳng nhìn gì cả, dường như họ nhìn một mục phiêu cố định trong không gian, nhưng vì không gian quá lớn nên mục phiêu của họ bị chìm xóa trong sương mù vô tận. Khác nào người chài cô đơn lái con thuyền mỏng lênh đênh trên biển sương mù một đêm bão tố phóng mắt vào hư vô để tìm ánh đèn hy vọng. Đèn của ngọn hải đăng cải tử hoàn sinh...
Tia mắt long lanh của Thúy Thúy là biển sương mù lạc lõng, đầy nguy hiểm đột ngột lóe sáng ánh đèn hải đăng cải tử hoàn sinh. Hoàng Trí lại gần, giọng dịu dàng:
- Tôi là Hoàng Trí, bà còn nhớ không? Tôi có chuyện cần nói với bà...
Thúy Thúy gật đầu. Nàng không khóc nữa. Nàng lấy mù-soa chùi mắt rồi cười mỉm, má nàng đột nhiên hây hây như trinh nữ thẹn thò. Hoàng Trí nắm nhẹ bàn tay búp măng đẹp tuyệt vời của nàng, truyền hơi ấm cho nàng, rồi nhìn giữa mắt nàng, nói từ từ, từng tiếng một:
- Bà Thúy... bà hãy nhìn con rồng đỏ trên ngực áo tôi... bà hãy nhìn con rồng đỏ trên ngực áo tôi...
Nàng ú ớ, nước mắt lại trào ra. Mắt nàng như dán chặt lấy con rồng đỏ óng ánh.
Hoàng Trí tiếp tục nói từ từ, từng tiếng một, chỉ đủ nghe mà vẫn dõng dạc: - Tôi muốn giúp bà giải tỏa những uất hận đã khiến bà mắc bệnh câm. Tôi biết bà không yêu ông Vĩnh Chân. Người yêu của bà là chàng thanh niên tê bại mặc áo thêu con rồng đỏ mỗi ngày trò chuyện với bà bằng mã-tự qua ô cửa trên bao lơn nhà bà... Đúng không?
Thúy Thúy khóc nhiều hơn. Kỳ lạ thay nàng càng khóc thì mắt nàng càng trong, càng sáng, càng đep. Nàng lại gật đầu. Miệng nàng vẫn ú ớ song tiếng «đúng» nàng vừa thốt ra có vẻ rõ ràng hơn, gần giống tiếng nói của người bình thường.
- Bà Thúy... bà ráng lên, ráng nữa lên... ráng lấy lại sự tỉnh táo... Bà mắc bệnh câm sau một cơn xúc động mãnh liệt. Cơn xúc động này liên hệ mật thiết tới sự biệt tích của người yêu. Chàng bị giết phải không?
- Phải.
Tiếng «phải» của nàng bắt đầu cứng cát, không quá rụt rè như trước nữa. Hoàng Trí hy vọng tạo một cơn xúc động đảo ngược, hầu giúp nàng phục hồi tiếng nói bị mất.
- Ai giết?
Thúy Thúy bỗng run cầm cập. Mặt nàng trở nên xanh tái. Nàng cúi đầu, tránh luồng mắt nghiêm khắc của quan tòa Hoàng Trí. Chàng nói:
- Tôi biết bà sợ. Bà sợ từ lâu. Bà không sợ cho bản thân bà. Mà sợ cho gia đình bà, cho thân quyến bà. Tôi đã khám phá ra kẻ giết người yêu của bà. Tôi có thể nói tên ngay bây giờ. Song tôi muốn để bà tự ý tố giác. Bà Thúy Thúy… bà nói đi... Rất dễ... bà hãy tưởng tượng như chàng đang ngồi trên xe lăn sau cửa, giơ ngón tay làm hiệu cho bà, miệng cười, mắt cười, chân thành và đắm đuối... Chàng đã bại liệt, chàng đã thành phế nhân, vậy mà.người ta nỡ giết chàng… người ta quá tàn nhẫn... bà phải báo thù... Bà há miệng lớn, nghĩ trong óc sẽ nói những gì, rồi nói ra... Bà Thúy... tên hung thủ là... là...
Phía sau có tiếng cửa mở. Cô Nghinh còn bận sổ sách ở phòng ngoài. Nàng là y tá tế nhị, chàng không kêu thì nàng không vào. Thế tất tiếng cửa mở hấp tấp, hầu như phũ phàng này là của người lạ...
Hoàng Trí không quay lại. Chàng biết quay lại không còn kịp nữa. Tiếng người lạ (mà không lạ) cất lên, sắc nhọn như mũi dao bít-tu-ri của y sĩ giải phẫu:
- Bà Thúy khỏi cần nói. Hung thủ là tôi...