Số lần đọc/download: 4267 / 143
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Chương 3
S
au ngày Nghệ Hoàng băng hà. Ông vua con Trần Thuận Tôn họp triều thần, bàn việc tang lễ. Thái sư Lê Quý Ly đọc di chiếu của thượng hoàng:
Ta thường nghe các loài sinh vật loài nào cũng đều chết cả. Chết là số mệnh của trời đất. Thiên lý là như vậy mà người đời ai ai cũng thích sống, sợ chết. Do vậy, làm ma cho to đến nỗi tiêu tan cả cơ nghiệp, để tang quá trọng đến nỗi tổn hại tâm tính; ý ta không cho thế là phải. Ta vốn ít đức, chẳng làm được gì nhiều nhặn cho yên dân, đến khi chết lại bắt dân phải mặc sô gai, sớm chiều thương khóc, giảm bớt vui chơi ăn uống; chuyện đó để nặng thêm lỗi cho ta, rồi thiên hạ sẽ nói ta là người thế nào.
Ta trộm nghĩ lúc trung hưng cơ nghiệp tổ tiên, đứng đầu các vương hầu, tuy còn giữ được công nghiệp cua các tiên đế, nhưng bên trong thì muôn dân vẫn còn đói rét khổ sở, bên ngoài thì ngoại hang vẫn lăm le đe doạ; vì vậy đến lúc ra đi lòng ta vẫn đau đáu khôn nguôi. Nay, ta được chết theo tổ tiên đã là may mắn lắm rồi, vậy cũng chẳng nên thương khóc làm gì. Để tang, thì hết ba tháng nên bỏ tang phục, tang lễ, thì cốt nhất phải kiệm ước chẳng cần linh đình. Chỉ mong sao phần mộ được ở bên cạnh các tiên đế, như thế cũng thoả nguyện lắm rồi.
Than ôi! bóng tà đã xế, số mệnh khôn dừng, mấy lời từ biệt cuối cùng, để rồi thiên thu xa cách.
Quần thần nên kính cẩn nghe lời ta dặn.
Trần Thuận Tôn ở ngôi Vua, nhưng còn trẻ, nên không biết thế nào là phải. Ông vua con chỉ còn biết đầm đìa nước mát. Thuận Tôn đưa mắt nhìn quan thái sư ông bố vợ, nhưng Hồ Quý Ly chỉ đứng im lặng chờ xem ý tứ mọi người. Thượng tướng Trần Khát Chân cất tiếng đầu tiên:
- Sống và chết là hai việc lớn. không thể nào xem thường được. tuỳ di chiếu của đức thượng hoàng như vậy nhưng chúng ta không thể nhất nhất làm theo đúng lời dặn. Trong đạo trị nước, Lễ là điều quan trọng nhất. Tôi là tướng võ, chưa dám nói được thông kinh sử, nhưng cũng mạo muội cầu xin đức vua và các quan đại thần phải vô cùng cẩn trọng trong việc tang lễ.
Thái bảo Trần Nguyên Hàng trầm tĩnh trình bày vấn đề một cách cặn kẽ hơn:
- Tâu bệ hạ, xét trong sử sách thấy có ghi hai lần các bậc quân vương có di chiếu lúc lâm chung, dặn người còn sống phải giảm bớt nghi thức lễ tang. Thứ nhất là Hán Văn đế, vua phương bắc, di chiếu cho bá quan và nhân dân chỉ để tang mình trong ba ngày mà thôi. Cũng chỉ vì Hán Văn đế theo đạo Hoàng Lão, thích khiêm nhường, làm mọi việc đều lùi xuống một bậc. Hán Cảnh đế là con, nghĩ là hiếu khi theo đúng lời cha dặn lúc đã mê sảng; nên ông không hiểu rằng chế độ rút ngắn tang lễ là điều không nên dạy cho dân. Thứ hai là vua Lý Nhân Tông nước Đại Việt ta. Ông cũng bắt chước người xưa, vì Lý Nhân Tông vốn sùng đạo Phật. Còn chúng ta, những bậc đại thần ăn lộc vua, chúng ta không thể thấy rõ điều dở mà cúi đầu làm ngơ, không tỏ bày hơn thiệt. Thần trộm nghĩ, cúi xin bệ hạ cứ làm theo đúng nghi lễ tổ tiên. Vả chăng, tình thế bây giờ, nếu không giữ đúng kỷ cương, e sẽ làm gương xấu cho thiên hạ dễ bề bắt chước.
Lúc này quan thái sư Quý Ly mới gật đầu. Ông tỏ vẻ ưng ý những lời nói của Thái bảo Nguyên Hàng. Ông hiểu rõ tình thế lúc này, dân chúng chắc chắn rất chăm chú theo dõi nhất cử nhất động của triều đình, nhất là các việc làm của cá nhân ông. Vậy nên thứ lễ nghi có tính chất khoa trương bây giờ là cần thiết, vì nó làm yên lòng dân. Một sư kiện cung đình như đám tang Nghệ Tôn rất dễ trở thành một ngòi nổ kích động. Cần phải cho tất cả đều im ắng thuận hoà. Quan thái sư vội vòng tay tâu với Thuận Tôn:
- Tâu bệ hạ, thần đã bàn với quan hành khiển Phạm Cự Luận, ông vốn thông kinh bác cổ. Hành khiển bảo thần: "Việc lễ cốt ở cung kính nghiêm trang. Chúng ta chẳng nên bày vẽ kiêu xa, nhưng quyết không được đạm bạc sơ sài". Ông Luận đã tham bác các sách bàn về việc lễ làm một tờ sớ. Xin quan hành khiển tâu trình với bệ hạ, sau đó các vị đại thần sẽ bổ khuyết.
Phạm Cự Luận hắng giọng rồi sang sảng đọc:
Đạo hiếu là gốc lớn trong việc trị thiên hạ. Nay xin tham chước lễ cổ, đề ra thể lệ về việc lễ tang.
- Các hoàng thân. trai gái họ nhà vua để tang theo gia lễ.
- Các quan văn võ được dự ban chầu để tang ba năm; khi vào chầu, áo, mũ đai đều dùng mầu đen. Võng dùng đòn gỗ sơn đen, ngựa chỉ dùng yên mộc.
- Quan văn võ từ lục phẩm trở lên để tang trong một năm. Khi để tang ăn mặc dùng đồ đen.
- Người có chức tập ấm, nho sinh, con cái nhà quan hạng miễn sưu dịch. học sinh trường Quốc Tử Giám để tang 5 tháng.
- Xã dân vùng Yên Sinh và phủ Thiên Trường 1 nhân dân kinh thành Thăng Long để tang 1 tháng.
- Các trang phục loè loẹt, châu báu vàng bạc của các hạng tang đều bị cấm cho đến lúc hết tang.
- Việc cưới hỏi giá thú đối với nhân dân bị cấm trong vòng một tháng.
- Việc hát xướng bị cấm trong vòng một tháng.
- Việc xây lăng mộ để cho thầy địa lý chọn đất xong từ lúc thượng hoàng còn sống nay chỉ nêu lên để biết.
Đình thần phấn khởi ra mặt. Ai cũng mừng hành khiển Cự Luận đã tham chước cặn kẽ. Vả lại Cự Luận đã tham chước vậy, tức Quý Ly đã đồng ý. Tóm lại, mọi người khỏi phải bàn bạc lôi thôi. Ở một thời biến động, việc ngôn xuất là tối quan trọng. Người ta thiên về sự kín tiếng.