Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Chương 6
M
ấy tuần sau chúng tôi đi vào một khu rừng rộng gần ngôi chùa chặt cây. Chúng tôi phải kéo gỗ về để làm giàn trong nhà quàn, nơi hài cốt những lính Anh chết trong chiến trận sẽ được để tại đó.
Vì đang mùa khô, ngày nào trời cũng đẹp, nên chúng tôi làm việc vui vẻ. Ai nấy đều hăng hái. Thế là chúng tôi thoát khỏi cảnh trì độn, và mỏi mệt do khí hậu ẩm ướt cùng xúc động vì thất trận gây ra.
Khi lưỡi rìu cắm phập vào thân một cây to lớn, những mảnh gỗ vụn tươi ướt bay bắn ra như tuyết. Chúng tôi chặt một vệt sâu hình chữ V, và ở phía kia, cao hơn một chút, chúng tôi chặt một vệt khác. Chẳng mấy chốc, ngọn cây bắt đầu lắc lư, và các cây cao lớn ấy, phủ kín đầy rêu,chằng chịt dây leo, bắt đầu lảo đảo trông giống như một sinh vật. Nó lơ lửng trong không khí một lúc lâu, như thể cố gắng tuyệt vọng giữ thăng bằng. Nhưng khi chúng tôi bồi cho nó nhát rìu cuối cùng, thì cây ấy ngả ra, kêu răng rắc khủng khiếp, rồi đổ rầm xuống đất, toàn thân to lớn nặng nề bứt khỏi rễ. Mọi người nhảy khỏi con đường. Lá cây rơi như mưa xuống đầu chúng tôi, và những con chim trước kia ở trên cây bây giờ vỗ cánh ầm ĩ bay đi.
Sau đó chúng tôi bắt đầu chặt các cành lớn, như thể đang làm thịt một con vật vẫn còn đang thở hổn hển. Nhựa cây óng ánh như sương mai từ những vết chặt tuôn xối xả, bốc ra một mùi vị man mát.
Cứ mỗi khi chúng tôi đốn ngã một cây người lính Ấn lại tỏ ý khen ngợi: “Người Nhật các anh thật là giỏi về cái khoản này,” anh ta thường nói.
Có một lần, sau khi chặt xong một cây đặc biệt to lớn và cứng rắn, chúng tôi ngồi nghỉ lau mồ hôi tuôn chảy trên thân mình. Ánh nắng lọc qua màu lá cây xanh xanh lọt rơi xuống mặt đất trong rừng; và ngay cả gió hình như cũng có một màu hơi xanh xanh. Dưới đám rêu dày và cỏ rậm mềm mại như cái gối, quang cảnh im lặng và heo hút một cách thú vị. Chúng tôi chỉ nghe thấy tiếng nước ọc ạch, róc rách tại một nơi nào đó, có lẽ ở dưới đám rêu.
Cho đến bây giờ người lính Ấn Độ đã hoàn toàn tin anh em chúng tôi nên trong những giờ nghỉ này anh ta thường nằm sóng soài trên một đám cỏ non mịn, đầu gối lên một cái rễ cây phủ đầy rêu, đánh thẳng một giấc.
Hôm ấy một anh thoáng nhìn thấy một bóng người mặc quần áo màu vàng đứng trong bóng một cây gần đó. Bóng người đó có vẻ là một tu sĩ Miến Điện, trong tấm cà sa rách mướp, trông giống một người hành khất. Người đó nhìn chúng tôi một lúc rồi liếc nhìn xung quanh, điệu bộ luống cuống rồi bắt đầu vẫy gọi. Một anh đi ra xem người ấy muốn gì.
Dáng người lùn thấp, to ngang, đôi mắt hung dữ, đôi môi khô nẻ, tóc dài, rối bù, nhưng mặt mũi cạo nhắn nhụi, ông sư ấy quì trên cỏ như thể ẩn núp; ông ta ngồi đó dáng vẻ rụt rè, lưỡng lự, cười một cách khúm núm.
Trông dường như thể ông ta muốn xin của bố thí, nên người lính đã cho ông ta phần ăn thừa của anh còn sót lại trong hộp sắt. Ông ta lấy ngón tay móc thức ăn ra, rồi bò vào mồm nhai; nhưng khi người lính quay đi, ông ta nắm anh lại và nói: “Anh đã ở trong thành phố này bao lâu rồi?”
“Từ tháng chín vừa qua”.
“Hừm…” Ông ta suy nghĩ một lúc. “Và khi nào anh trở về Nhật Bản?”
“Tôi không biết.”
“Ừ mà có nên trở về không nhi? À mà này, tình trạng Nhật Bản bây giờ ra sao hở?” Ông sư trố nhìn anh lính một cách lo âu, qua đôi mắt đỏ ngầu, hung dữ.
Anh bạn chúng tôi chợt nhận ra là ông sư này nói tiếng Nhật rất giỏi. Và anh nhận thấy rằng cái cổ ngắn ấy, đôi vai vuông ấy, cùng với cách nói chuyện khôn khéo ấy - tất cả gợi cho anh thấy đây là mộ người Nhật lang thang. Người ngợm bẩn thỉu, tóc tai bù xù thật đấy, song ông ta đã cạo mày mặt nhắn nhụi và cố tình làm cho râu mình lưa thưa trông giống như một người bản xứ.
“Này, anh là người Nhật!” Anh bạn chứng tôi thốt lời.
“Suỵt!” Ông sư giơ tay lên như thể muốn bóp nghẹt những tiếng ấy, rồi liếc nhìn xung quanh một lần nữa. “Thế anh mới nhận ra hả? Cải trang được lắm phải không nào?”
“Anh đã đi quanh quẩn như thế này bao lâu rồi?
“Khoảng một năm.”
“Trước khi chiến tranh chấm dứt? Anh có phải là lính không?”
“Tất nhiên.”
“Thế anh làm như thế này để làm gì?”
“Để làm gì? Anh nghe nhé, nếu trở lại quân đội, tôi sẽ bị trừng phạt. Tôi đào ngũ, sống như thế này đây, và anh thấy đấy - bây giờ tôi là một khất sĩ.”
Đại úy trông thấy họ nói chuyện bèn đi tới. Người lính đào ngũ định đứng dậy, nhưng lại đổi ý ngồi xuống. Khi đại úy tới gần, anh ta giơ tay lên vầng trán trần trụi; và vẫn ở tư thế ngồi, anh ta chào ông theo kiểu nhà binh.
“Ấy, ấy chết, đại úy!” Anh ta vừa nói vừa cười. “Thưa đại úy, em đào ngũ. Em không muốn trở về đơn vị, vì thế em đã biến thành một tu sĩ Miến Điện. Em mới tới đây để xem bộ đội chúng ta đang ra sao, không bị nhốt trong trại tù binh!”
Sau khi lắng nghe anh ta nói chuyện, đại úy bình thản khuyên anh ta nên trở về đại đội, vì đào ngũ không còn là một tội nặng nữa. Tại sao không chấp nhận sự trừng phạt nhẹ một cách can đảm, tự chuộc tội mà trở về Nhật Bản với tất cả những người khác để cùng nhau làm việc xây dựng lại đất nước chúng ta? Có lợi gì đâu khi ở lại một mình và sống phần đời còn lại lang thang đó đây như một tu sĩ trá hình?
Đại úy hết lời thuyết phục, nhưng người này không chịu nghe.
“Thưa đại úy, em không muốn một thứ hình phạt nào hết. Em đang cố tìm cách lẻn trốn về Nhật Bản - Ái!” Anh ta lấy tay vỗ mạnh lên cổ, nơi một con vắt to tướng đã thù lù bám chặt vào da.
Rừng Miến Điện đầy những con vắt khủng khiếp này. Khi chúng tôi bôn đào qua núi, chúng thường làm anh em khổ lắm. Chui ngay cả vào trong quần áo, mặc dù tay áo, giầy ghệt đã được buộc thật chặt, rồi không làm sao mà lấy ra được. Cái vật nhũn nhũn, dính dính ấy bám chặt vào là mình không thể dứt ra dù mình bấu hoặc bóp chặt nó đến thế nào. Mới chạm tới là nó bám ngay vào ngón tay mình rồi.
Cuối cùng “ông sư” ấy giựt được một con vắt ra và miết nó vào thân cây bên cạnh.
“Nhưng anh làm thế nào để sống được?” Đại úy hỏi.
“Để sống?” Anh ta lại cười. “Ở Miến Điện chừng nào mình là tu sĩ thì khỏi phải bận tâm đến vấn đề ăn uống; dân này ngoan đạo lắm, họ cho mình nhiều hơn số mình có thể ăn hết. Nếu chỉ mới thử thôi em sẽ chẳng cần phải đi quanh quẩn trông giống một thằng ăn mày như thế này.”
Theo người này, có rất nhiều người khác đào ngũ. Một số đã mất nhà mất cửa hoặc gia đình ở bên Nhật Bản, một số khác đã lấy vợ Miến Điện hoặc đã phạm vào một tội ác nào đó khiến không thế sống với chính đồng bào của họ được - và đa số những người lính đào ngũ này đã trở thành tu sĩ. Dân Miến Điện chăm lo săn sóc giới tu sĩ của họ cẩn thận nên một ông sư chẳng bao giờ chết đói cả.
Dẫu vậy, người Nhật Bản vẫn thích gần với người Nhật Bản. Mình không thể làm sao mà quên được các bạn đồng đội. Sống một mình giữa những người ngoại quốc, mình không thể không muốn tới thăm trại tù binh chiến tranh đơn vị cũ của mình. Giống như một con thiêu thân đâm đầu vào một ngọn lửa, mình tới để xem khi nào họ sẽ được hồi hương và liệu mình có phải cũng trở về với họ không nếu mình muốn, hoặc giả ở lại xứ Miến Điện này.
Người này muốn biết những người bạn đồng ngũ xưa kia đang sống ra sao, nhưng không biết bây giờ họ ở đâu. Anh ta đã đi thăm hầu hết các trại giam tù binh chiến tranh Nhật ở Miến Điện và những người ấy hình như cũng không ở Mudon. Nếu chúng tôi trở về Nhật Bản, anh ta muốn chúng tôi nói cho gia đình anh ta biết rằng anh ta vẫn còn sống. Anh ta cho chúng tôi địa chỉ thành phố của anh ta và hỏi xem trong đại đội chúng tôi có người nào cùng quê với anh ta không.
Lúc nói chuyện anh ta trở nên hoàn toàn trầm tĩnh, có vẻ như nhận ra rằng đại úy là một người tốt bụng, không có ý hại anh ta. Vào gần cuối câu chuyện anh ta đã dùng lời nói lễ độ nhất để yêu cầu.
Trong lúc người lính đào ngũ nói chuyện, đại úy lắng nghe chăm chú như thể bị mê hoặc. Khi người thanh niên ấy đứng dậy để ra đi, đại úy nắm chặt tay anh ta và nói vắn tắt: “Phải giữ mình cho cẩn thận”.
Thái độ của người lính đào ngũ không còn rầu rĩ và thù nghịch nữa. Anh ta cúi thấp đầu xuống rồi ra đi, chốc chốc lại ngoái nhìn chúng tôi. Cuối cùng anh ta biến vào rừng cây.
Đêm ấy, ở trong trại, tất cả chúng tôi đều nói đến ý nghĩa câu chuyện trong ngày. Lính Nhật trở thành tu sĩ Miến Điện và đi thăm trại tù binh chiến tranh. Trong trường hợp ấy… có lẽ người tu sĩ thường đứng đằng sau đám đông ngắm nhìn chúng tôi, với đôi mắt sâu hoắm, hẳn không phải là một người khác giống thế. Có lẽ tu sĩ ấy là người ấy thực. Nhưng làm sao lại có thế thế được? Mizushima vẫn còn sống, một người lính đào ngũ, mặc chiếc cà sa vàng nghệ, đi chân đất quanh vùng, mang trên vai một con vẹt xanh? Tuy nhiên, cho dẫu lẩn vào đám đông ở chỗ hàng giậu quanh trại giam chúng tôi, anh ấy cũng không bao giờ chào hỏi chúng tôi. Tại sao? Động lực nào đã thúc đẩy anh ấy làm như thế?
Thật là khủng khiếp nên không một người nào trong anh em lại biết nói ra sao.
“À mà liệu thế này có được không?” Đại úy hỏi “Giả dụ Mizushima còn sống - anh em có nghĩ chú ấy có lý do nào không muốn trở về lại với chúng mình không?”
Tất cả chúng tôi đều trả lời không thế tin như thế được.
Mấy ngày sau đại úy sống trong đăm chiêu và chẳng ăn uống gì. Việc này kéo dài khá lâu nên một người lớn tuổi trong đám anh em buộc lòng phải nói ra:
“Thưa đại úy”, người ấy nói “Truyện Mizushima thì quá buồn, nhưng đại úy nên chấp nhận sự thật. Không có cơ may nào là anh ấy còn sống cả. Mizushima đã chết một cách can đảm trên đỉnh núi. Anh ấy đã hy sinh đời anh ấy để làm tròn nhiệm vụ, và cứu sống anh em đồng bào của anh ấy. Anh ấy đã hy sinh cao cả. vì thế bất kỳ khi nào trông thấy ai giống anh ấy chúng ta lại hy vọng nhưng chẳng ích gì.
“Khi Mizushima mặc chiếc sà-rông, anh ấy trông giống hệt một người Miến Điện, vì thế chẳng lấy gì làm lạ chúng ta thấy người Miến Điện trông giống anh ấy. Ấy chỉ vì tin tưởng anh ấy hãy còn sống nên đại úy nghĩ họ là Mizushima. Tiếng đàn thụ cầm làm đại úy nhớ lối chơi đàn của anh ấy. Chúng em lấy làm cảm kích là đại úy đã chăm lo binh sĩ của mình chu đáo đến thế, nhưng nếu đại úy tàn phá sức khỏe vì chuyện đó thì cả đại đội sẽ đau khổ. Xin đại úy dằn mình mà chấp nhận sự kiện là không còn hy vọng gì nữa”.
Người lính già rất nhiệt tình và thẳng thắn. Lúc nói ông ngồi cứng đơ trước mặt đại úy, hai bàn tay to tướng chồng lên nhau để trên đầu gối.
Đại úy gật đầu: “Tôi nghĩ ông nói phải,” ông vừa nói vừa lộ vẻ rất buồn. Người lính già cũng dàn dụa nước mắt.