Cầu Chúa ban cho con sự thanh thản để chấp nhận những thứ con không thể thay đổi, sự caN đảm để thay đổi những thứ con có thể, và sự khôn khoan để phân biệt những cái có thể thay đổi và không thể.

Dr. Reinhold Niebuhr

 
 
 
 
 
Tác giả: Franz Kafka
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Phùng Văn Tửu
Biên tập: Duy Vo
Số chương: 10
Phí download: 2 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 12551 / 445
Cập nhật: 2015-08-31 15:47:19 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ách một hôm trước ngày sinh lần thứ ba mươi mốt của K. - lúc này vào khoảng chín giờ tối, giờ yên tĩnh trong các phố xá - có hai người tới nhà anh. Họ xanh nhợt và béo, mặc áo rơ-đanh-gốt, đội mũ cao thành như vít chặt vào xương sọ. Đến cửa nhà, họ tỏ vẻ lịch sự, ai cũng muốn nhường nhau vào trước, và càng mời mọc nhường nhau nhiều hơn ở trước cửa phòng K.
Tuy không được báo trước có khách đến, nhưng K. lúc ấy, cũng mặc đồ đen, đương ngồi gần cửa, tư thế như chờ đợi ai, và mải xâu đôi găng tay mới dần dần từng tí một bó sát lấy những ngón tay của anh. Anh đứng phắt dậy và tò mò nhìn hai người đó.
“Người ta cử các ông đến đấy phải không?”, anh hỏi.
Hai đứa gật đầu, mũ cầm ở tay, và trỏ vào nhau, K. nghĩ bụng là mình đâu có chờ đợi cuộc đến thăm này. Anh đến bên cửa sổ và nhìn một lần nữa xuống đường phố tối tăm. Phía bên kia, hầu hết các cửa sổ vẫn tối om như cửa sổ phòng anh; nhiều cửa sổ buông rèm. Ở một cửa sổ có đèn sáng trên tầng gác, có những đứa con nít đương chơi với nhau đằng sau chấn song, và vì còn nhỏ quá chưa rời chỗ được, chúng giơ về phía nhau những cánh tay mũm mĩm.
“Họ phái đến ta những diễn viên già loại xoàng. - K. nghĩ bụng và quay nhìn họ để xác minh lại một lần nữa. - Họ tìm cách thanh toán với ta theo kiểu rẻ tiền...”.
Rồi đột nhiên đứng sững trước mặt họ, anh hỏi:
“Các ông diễn ở rạp hát nào?”
“Rạp hát à?”, một trong hai đứa nói và đưa mắt hỏi ý kiến đứa kia.
Đứa kia ú ớ như anh câm muốn nói mà không nói được.
“Chúng không ngờ trước là lại bị căn vặn”, K. nghĩ bụng.
Và anh đi lấy mũ.
Vừa đến cầu thang, hai người đó cứ muốn bám lấy cánh tay anh, nhưng anh bảo chúng:
“Ra phố, ra phố đã, tôi có ốm đâu!”
Ra khỏi cửa, chúng tức khoác chặt lấy hai cánh tay anh một cách hết sức kỳ cục; K. chưa đi chơi phố với ai như thế bao giờ. Chúng áp chặt vai chúng vào phía sau vai anh, không quàng tay, mà lại quấn dọc theo cánh tay K. từ trên xuống dưới, tay nắm bàn tay, một kiểu khóa tay kết quả của công phu luyện tập lâu dài. K. bị kẹp giữa hai người, lê bước đi cứng nhắc; cả ba lúc này kết thành một khối duy nhất, giá có đập chết một thì hai người kia ắt cũng phải chết theo. Thường chỉ đối với những vật chết người ta mới có thể thực hiện được một sự kết họp chặt chẽ đến thế.
Những lúc đi qua dưới các ngọn đèn khí thắp, tuy bị siết chặt, nhiều lần K. vẫn cố tìm cách nhìn cho rõ mặt hơn mấy kẻ cùng đi mà anh chỉ mới thấy được lờ mờ trong bóng tối nhá nhem của căn phòng anh ở. “Có lẽ chúng là những đứa hát giọng nam cao”, anh nghĩ khi nhìn thấy những cái cằm lớn hai ngấn của chúng. Những bộ mặt sạch bóng của chúng làm cho anh ghê tởm. Anh như còn trông rõ bàn tay đầy bọt xà phòng xoa xoa đuôi lông mày, kỳ cọ môi trên và gãi gãi các kẽ ở cằm.
Nhìn thấy thế, K. dừng lại, hai người kia cũng dừng lại theo; chỗ đó là rìa một quảng trường vắng vẻ có trang trí thảm cỏ hoa.
“Tại sao họ lại cử chính các ông?”, Anh hỏi mà cứ như là quát lên.
Hai đứa chắc là không biết trả lời thế nào; chúng chờ đợi và buông thõng cánh tay còn lại xuống, giống như các y tá khi bệnh nhân mà họ dẫn đi chơi muốn dừng lại nghỉ.
“Tôi không đi xa hơn nữa đâu”, K. nói để thử.
Lần này, chúng không phải trả lời; chúng chỉ cần túm lấy K. cho chặt và cố xốc anh đi; nhưng K. cưỡng lại. Anh nghĩ: “Rồi đây ta sẽ chẳng cần đến sức lực nhiều lắm nữa, ta sẽ đem ra dùng hết tất cả tại nơi này”. Anh nghĩ đến những con ruồi cố giãy giụa để tìm cách thoát ra khỏi đám hồ dính. “Mấy tay này sẽ mệt với ta”, anh nghĩ bụng.
Vào lúc ấy, cô Bürstner đột ngột hiện ra từ một chiếc cầu thang nhỏ tận cuối hẻm. Có lẽ rút cục không phải cô ta, nhưng sao trông giống quá chừng. Vả lại, dù cho đúng là cô Bürstner thì cũng chẳng quan hệ gì đến K. Anh chỉ nghĩ đến sự kháng cự vô ích của mình. Kháng cự lại, gây khó khăn vất vả cho mấy đứa này, tìm cách tự bảo vệ mình để hưởng thêm những giây phút sống thừa, thì có gì là anh hùng lắm đâu. Anh liền bước đi và nỗi vui mừng của hai người kia phản chiếu ngay trên khuôn mặt của anh. Lúc này, chúng để cho K. lựa chọn hướng đi, và K. dẫn chúng đi theo vết chân cô gái, không phải để đuổi kịp cô, cũng chẳng phải để được nhìn thấy cô thêm phút nào hay phút ấy, mà đơn giản chỉ để đừng quên lời báo trước mà cô biểu thị cho anh.
“Điều duy nhất ta có thể làm bây giờ, là giữ cho óc suy luận của ta được sáng suốt cho đến tận cùng. - Anh nghĩ bụng, và sự nhịp bước giữa anh với hai đứa kia xác nhận những ý nghĩ của anh - Ở đời ta cứ hay muốn tiến hành hai mươi việc cùng một lúc, thêm vào đó ý định không phải lúc nào cũng đáng khen. Đó là một sai lầm; bây giờ chẳng lẽ ta lại tỏ ra chẳng khôn được chút nào sau một năm đeo đuổi vụ án hay sao? Chẳng lẽ ta lại ra đi như một kẻ đần độn chẳng bao giờ hiểu được cái gì? Chẳng lẽ ta lại để cho thiên hạ dị nghị là khi vụ án bắt đầu thì ta muốn cho nó kết thúc, và khi nó kết thúc ta lại muốn cho làm lại từ đầu? Ta không muốn thiên hạ nói như thế. Ta rất mừng là họ đã cử đến với ta hai đứa dở câm dở ngọng này, chúng chẳng hiểu gì hết và họ đã để cho ta nói với chính bản thân ta những điều gì cần nói”.
Cô gái vừa rẽ vào một phố nhỏ, nhưng K. bây giờ có thể chẳng cần đến cô nữa nên phó mặc bản thân mình cho hai kẻ cùng đi. Từ lúc đó, hoàn toàn nhất trí với nhau, cả ba trèo lên một cái cầu chan hòa ánh trăng; hai đứa kia đã ngoan ngoãn nghe theo mọi nhất cử nhất động của anh; khi anh quay về phía thành cầu, chúng làm theo và quay nhìn xuống sông. Dòng nước loang loáng gợn sóng dưới ánh trăng, tách ra làm đôi bao quanh một hòn đảo nhỏ cây cối um tùm. Dưới lùm cây có các lối đi rải sỏi nhìn không thấy, hai bên kê những chiếc ghế thoải mái, về mùa hè K. thường ra ngồi đấy nghỉ ngơi.
“Tôi có muốn dừng lại đâu”, anh nói với chúng và hơi ngượng vì thấy chúng dễ bảo quá.
Ở sau lưng anh, hình như đứa nọ trách đứa kia tại sao dừng lại để gây ra hiểu lầm, sau đó cả bọn lại tiếp tục đi.
Họ đi đến những phố thoai thoải lên dốc và nhìn thấy khi gần khi xa những lính cảnh sát hoặc đứng hoặc đương đi đi lại lại. Một nhân viên cảnh sát có bộ ria mép to tướng, tay đặt trên đốc gươm, cố ý gần lại nhóm người này vì thấy có vẻ khả nghi. Hai đứa cùng đi với K. dừng lại, gã cảnh sát hình như đã mở miệng định nói, nhưng K. ra sức kéo chúng đi. Anh thận trọng quay lại nhiều lần để xem gã cảnh sát có đi theo không; nhưng khi cả ba vừa rẽ ngoặt một góc phố, không bị ai nhìn thấy nữa, anh liền chạy băng băng, và hai đứa kia cũng phải chạy theo, thở không ra hơi.
Chẳng mấy chốc họ đã ra khỏi thành phố, về phía ấy tiếp cận với đồng ruộng ngay, hầu như không có vùng ngoại ô. Cạnh một ngôi nhà bề ngoài trông vẫn còn ra vẻ nhà ở thành thị là một công trường nhỏ khai thác đã bỏ hoang. Đến đây, hai đứa dừng lại; có thể từ lúc mới ra đi, chúng đã chủ tâm sẽ tới đây, nhưng cũng có thể là do mệt quá rồi không thể đi tiếp được nữa. Chúng buông K. ra, bỏ mũ cao thành xuống và vừa lấy khăn tay lau trán ướt đẫm mồ hôi, vừa xem xét cái công trường khai thác đá, trong khi K. lặng lẽ chờ đợi. Mặt trăng chan hòa cảnh vật thứ ánh sáng êm ả, thanh thanh mà không ánh sáng khác nào có được.
Sau khi nhường nhau ai sau ai trước - có lẽ hai đứa cùng nhau nhận chung nhiệm vụ với nhau - một đứa bước lại gần K., lột áo vét, gi-lê và sơ-mi của anh ra, K. bất giác rùng mình; tên đó khẽ vỗ vào lưng K. một cái để động viên anh, sau đó hắn gấp quần áo lại một cách cẩn thận, như thể sau này sẽ có lúc cần dùng, tuy chưa biết lúc nào. Để cho K. khỏi phải đứng im trong đêm tối lạnh, hắn bèn khoác tay K. dẫn anh đi đi lại lại, trong lúc đứa kia tìm trong công trường đá một địa điểm thích hợp. Khi đã tìm xong địa điểm, hắn ra hiệu cho đứa kia dẫn K. tới. Địa điểm chọn sát ngay vách đá, một tảng đá nạy ra rồi, hãy còn vứt đấy. Hai đứa đặt K. ngồi xuống đất, người ngả ra, đầu kê lên tảng đá. Mặc dầu hai đứa loay hoay vất vả và K. không hề cưỡng lại, nhưng tư thế nằm vẫn chưa được thoải mái. Vì vậy một trong hai đứa đề nghị đứa kia để cho một mình hắn xoay xở đặt K. nằm xem sao. Nhưng cũng chẳng hơn gì. Cuối cùng, chúng đành để anh nằm theo một tư thế thậm chí chẳng phải là tư thế tốt nhất chúng đã lựa chọn từ nãy đến giờ. Một đứa liền phanh áo rơ-đanh-gốt, lôi từ trong bao đeo ở thắt lưng quấn quanh áo gi-lê ra một con dao hàng thịt hai lưỡi dài và mỏng, giơ dao ra ánh sáng kiểm tra lại xem có sắc không. Đến đây, hai đứa diễn lại cái trò nhường nhau ghê tởm như lúc nãy; đứa này với tay qua đầu K. đưa dao cho đứa kia, đứa kia trả dao lại cũng theo cách ấy. Lúc này, K. hiểu rõ có lẽ bổn phận của anh là phải tự mình nắm lấy con dao đương chuyển qua trên đầu từ tay này sang tay khác, và đâm thẳng vào người mình. Nhưng anh lại không làm thế; cổ vẫn còn được cử động, anh liền quay đi quay lại nhìn chung quanh. Anh không thể giữ vai trò của mình đến cùng được, anh không làm hộ các nhà chức trách tất cả mọi công việc được; trách nhiệm của cái lỗi lầm cuối cùng này thuộc về kẻ đã không cho anh còn đủ sức để làm việc đó. Anh ngẫu nhiên đưa mắt nhìn tầng gác trên cùng của ngôi nhà sát cạnh công trường đá. Hai cánh cửa sổ trên cao mở toang, giống như ánh sáng lóe ra, một người đàn ông - vì ở xa và cao nên trông mảnh dẻ, yếu ớt - thình lình cúi người ra ngoài, hai tay vung về phía trước. Ai thế nhỉ? Một người bạn chăng? Một tâm hồn từ thiện chăng? Một người chia sẻ nỗi bất hạnh của anh chăng? Một người muốn giúp đỡ anh chăng? Chỉ có một người ư? Hay là tất cả? Còn có chuyện chống án chăng? Còn có những lập luận bác bỏ người ta chưa nêu lên chăng? Nhất định thế. Cái lô gích dù không lay chuyển được thế nào đi nữa, nó cũng không cưỡng lại được một con người đương muốn sống. Viên quan tòa anh chưa gặp bao giờ ở đâu? Tòa án tối cao anh chưa đến bao giờ ở đâu? Anh giơ hai bàn tay và căng các ngón tay ra.
Nhưng một trong hai đứa vừa túm lấy cổ họng anh; đứa kia thọc dao vào tim anh và ngoáy ngoáy hai lần. Đôi mắt lờ đờ, nhưng K. vẫn còn nhìn thấy hai đứa chụm đầu vào nhau cúi sát xuống mặt anh để quan sát cảnh chót.
“Như một con chó!”, anh nói, như để gửi lại nỗi nhục nhã ở đời.
HẾT
Vụ Án Vụ Án - Franz Kafka Vụ Án