I love to lose myself in other men's minds.... Books think for me.

Charles Lamb

 
 
 
 
 
Biên tập: Buusan Nguyen
Upload bìa: Nguyen Tien
Số chương: 30 - chưa đầy đủ
Phí download: 5 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1230 / 42
Cập nhật: 2019-04-12 13:00:36 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10: Tướng Cướp Đổi Mạng - Tình Câm III
au đó một lát, sinh viên y khoa Hoàng Trí cũng thót lên ngựa sắt vù về Saigon.
Ra đến xa lộ thẳng tắp, rần rộ xe cộ, Hoàng Trí bừng tỉnh mộng. Thật vậy, chàng đang vùi đắm trong một giấc mơ kỳ dị. Mơ mà không mơ. Mơ mà tỉnh. Tỉnh mà mơ… Chàng hãm bớt độ nhanh, lái sát vệ đường, phồng ngực thở một hơi dài. Dưỡng trí viện tọa lạc trên khu đất lớn, khoảng khoát, tứ phía là đồng trống, nhưng không hiểu sao buồng phổi của chàng cứ luôn luôn thèm thiếu oxigen. Mỗi lần về Saigon chàng thường đậu xe dọc đường để thở bù...
Mặc dầu là chiều cuối tuần, Hoàng Trí chẳng có việc gì để về thủ đô. Gia đình chàng ở cách thủ đô một ngày xe đò, qua mấy cái «bắc» cộng với nửa ngày ca-nô. Vì thế xuân thu nhị kỳ chàng mới về thăm. Chàng chỉ có một căn gác xép ọp ẹp, nóng như lò nướng bánh, thuê tháng trong xóm lao động, cuộc đời của chàng trải qua hầu hết ở nhà trường rồi nhà thương.
Hoàng Trí chưa có bạn gái thân kể cũng lạ. Sinh viên Y khoa đeo trên bờ-lu 3, 4 ngôi sao - mỗi năm học là một sao - thường đã có nơi, có chốn đàng hoàng. Dễ tính (hoặc bất hạnh?) thì cơm bưng tận miệng, nước rót mời tận môi trong một đêm mưa phùn gió bấc lạnh lùng nào đó trong phòng trực bệnh viện. Khôn ngoan hơn thì giữ vững tay chèo lái, chờ sự chiếu cố của một ông bố vợ giầu nứt đố đổ vách. Bạn bè thường đùa «không khéo thằng Trí ái nam ái nữ chúng mày ơi... lẽ nào nó đã lên năm thứ 6, sửa soạn làm ông đốc-tưa thứ thiệt mà vẫn... mồ côi người yêu?»
Họ lầm.
Lòng Hoàng Trí rộn ràng khó tả. Chàng bắt đầu yêu. Yêu bà Thúy thì không đúng. Chàng không gắn bó với các hình thức ngoại tình, yêu đương tội lỗi. Vậy chàng yêu ai?
Chàng bắt đầu yêu nên tâm thần bấn loạn. Chàng không cần về Saigon thì xách xe ra xa lộ làm gì? Và nếu chàng nhận thấy về Saigon vô lý, tại sao chàng cứ tiếp tục ngốn đường?
Đột nhiên chàng đau nhói nơi tim. Trong kiếng chiếu hậu nhỏ bé của chiếc Hon-đa 2 bánh, chàng vừa bắt gặp chiếc Mét-xê-đét sơn đen quen thuộc.
Nó còn cách chàng 50 mét, Hồi nãy chàng đã thấy nó. Nó hiện lên trong kiếng chiếu hậu ngay từ khi chàng rời tỉnh lộ băng ra đường lớn. Xe Mét-xê-đét kiểu 250 này rượt đuổi mô-tô đua còn kịp, huống hồ chiếc Honda 50 phân khối yếu đuối và già nua của chàng!
Nó vẫn ở sau chàng 50 mét, điều này có nghĩa nó chạy theo chàng. Chàng nhớ không sai một chữ: bảng số của nó là bảng số của một trong những chiếc Mét-xê-đét sang trọng chở triều đình Vĩnh Chân đến dưỡng trí viện Biên Hòa...
Hoàng Trí phóng nhanh. Như thể chàng là từ thạch, chàng nhanh thì chiếc Mét-xê-đét cũng nhanh. Chàng chạy chạm. Chậm cà-rề, cà-rề. Nó cũng cà-rề, cà-rề. Tài xế Mét-xê-đét bị những xe sau bóp kèn inh ỏi xin vượt bèn lái sát tay phải trên lộ giành cho xe gắn máy.
Trời sắp tối. Trước mắt Hoàng Trí là đường rẽ. Đây là một trong nhiều con đường nhỏ dính móc với xa lộ tráng nhựa rộng mênh mông. Chàng thuộc hết những lối đi nhằng nhịt chung quanh thị trấn Biên Hòa. Vù, vù... chàng mất hút. Xe Mét-xê-đét chỉ làm mưa làm gió được trên xa lộ. Trên đường đồng chật chội, gập ghềnh và quanh co nó chỉ có nước đầu hàng vô điều kiện.
Trong loáng mắt Hoàng Trí về đến dưỡng trí viện. Chàng tất tưởi xuống phòng bà Thúy Thúy. Nàng vẫn còn đó. Chàng yêu cầu người y tá quen đổi phòng. Được hỏi lý do chàng chỉ đáp ngắn “cần lắm, cần lắm” rồi nhảy lên yên xe.
Chàng đến ngã tư Thủ Đức thì bóng tối đã bao chùm tất cả. Chàng không thấy chiếc Mét-xê-đét kia đâu nữa. Nghi ngờ nó đợi chàng ở ngã tư Gia Định, chàng vượt qua lề trái, giắt xe luồn hẻm và đổ ra hướng về Thị Nghè. Chàng đoán đúng ngắc: chiếc Mét-xê-đét đang đậu chềnh ềnh bên kia đường, tài xế ló đầu ra ngoài khung cửa. Dưới ánh đèn đường sáng quắc, chàng thấy vẻ mặt nhớn nhác của hắn.
Saigon tối Thứ bẩy là Saigon náo nhiệt, Saigon vui sống. Hoàng Trí lại cô đơn và buồn chán hơn bao giờ hết. Chàng không lái xe về nhà, ở trong cùng trong kiệt một con hẻm ngoằn ngoèo như chữ z ở Đakao. Xe qua vùng Đakao, bon bon vào Chợ Lớn; Con đường thẳng tắp, rộng bề ngang, hai bên có toàn cây cao đầy lá này chàng đã phóng qua cả ngàn lần trong 6 nặm học trường thuốc. Chàng quen chúng đến nỗi mỗi cây đối với chàng có một đặc tính riêng, cây nào cũng có hồn như người, chúng cũng run lạnh những buổi sáng ngập sương, hoặc những chiều mưa tầm tã, chúng cũng ũ rũ cúi đầu dưới trận gió phũ phàng. Buổi trưa nắng gắt, các bạn nam nữ đồng khóa sánh vai nhau dưới bóng lá xanh mát dọc đại lộ Hồng Bàng, bàn bạc, hẹn hò với nhau về dự định tương lai khi họ ra trường...
Về phần Hoàng Trí, buổi trưa nắng gắt chàng ở lại trong trường. Đôi khi chàng ra đại lộ Hồng Bàng nhiều cây xum xuê. Nhưng chỉ có mình chàng. Với giòng xe cộ bất tận muốn làm chàng chóng mặt. Với cõi lòng trống trải của chàng trai 25, 26 tuổi đời chưa có người yêu...
Hoàng Trí vượt qua trường Y khoa, rẽ sang Trần Quốc Toản. Chàng đi đâu? Quẹo tay phải để làm gì vậy?
Thì ra tòa biệt thự cực kỳ tráng lệ của ông tỉ phú Vĩnh Chân nằm choán một khu lớn gần đường Trần Quốc Toản. Ngày nghỉ, vợ chồng ông đi Đà Lạt, Nha Trang hoặc Cấp vì có nhà riêng ở đó. Bận việc, không rời được Saigon thì tạm đổi gió trong dinh cơ nguy nga dọc xa lộ Biên Hòa. Kỳ dư những ngày khác trong tuần, vợ chồng ông ở tại đây.
Diện tích của nó rộng trên ba ngàn mét vuông. Chỉ riêng tiền đất cũng đủ làm Hoàng Trí hoa mắt, chứ chưa dám nói đến kiến trúc và thiết trí. Tường xây cao như thành, bên trên có song sắt và dây kẽm gai, cửa cổng bít tôn kín mít, đứng ngoài chỉ nhìn thấy các tầng lầu. Nhìn thấy cũng như không vì mọi cánh cửa đều đóng im ỉm.
Bà Thúy Thúy mất trí là phải. Từ bao năm nay người đẹp bị giam giữ trong nhà tù bê-tông máy lạnh, không được tận hưởng hương vị thần tiên của tuổi hồng. Chồng nàng có thể mua sắm đủ mọi tiện nghi vật chất nhưng không thể mang lại cho nàng một sự đồng hành tình cảm. Chồng nàng và nàng là hai thái cực kình chống dữ dội. Chỉ về tuổi tác nó đã tạo ra hố ngăn cách ghê gớm. Tuổi ông gấp đôi tuổi bà. Gọi giai nhân là «bà» e không xứng, vì nàng còn quá trẻ. Trẻ như thể chưa chồng. Trẻ như thời còn kẹp tóc...
Nàng đẹp bao nhiêu thì chồng nàng xấu bấy nhiêu. Dành rằng gái mới cần sắc, trai chỉ cần tài, song ít ra cũng phải có bản mặt coi được, bề cao tiềm tiệm và cách cư xử sạch nước cản. Tất cả những cái đàn ông cần tới để chinh phục đàn bà ông Vĩnh Chân đều thiếu. Ngoại trừ... cái giầu bạc tỉ. Tối kị trong tính nết đàn ông là ghen. Vĩnh Chân lại là vô địch về ghen... Bà Thúy không nói, ông Vĩnh Chân không nói nhưng chuyên viên thần kinh học Hoàng Trí không thể không biết. Cách nhìn bằng đuôi mắt, cách mím môi day đứt, cách nhún vai bực bội và cách thở ra nhè nhẹ của ông chồng ngũ tuần có cô vợ ngũ tiểu tuyệt đẹp đã bộc lộ một nội tâm bất an, đầy rẫy mặc cảm.
Hoàng Trí sưc nhớ đến chiếc Mét-xê-đét và tên tài-хế theo chàng từ dưỡng trí viện về. Chắc Vĩnh Chân nổi ghen sai đàn em làm thịt chàng... Chàng ngó quanh quất. Dầu sao chàng cũng phải đề phòng.
Chàng đậu xe trước một quán cóc từ nãy, tiếng trò truyện khề khà, tiếng ly chén chạm nhau, và mùi thịt bò nướng lá lốt, mùi tôm khô củ kiệu ngâm dấm chua ngọt từ trong quán vẳng ra mà chàng không để ý. Thần trí chàng đang bị tòa biệt thự đồ sộ với người đẹp vô hình thu hút.
Một bàn tay đập vai chàng. Kèm theo câu chào:
- Ê, quan đốc-tưa đi đâu vậy?
Chàng ngoảnh lại và nhận ra Tư cớm. Bạn nối khố từ lớp ba đến gần hết trung học. Tên cúng cơm của hắn là Trần Văn Tư. Anh em gọi hắn là cớm vì hắn có lối phục sức và cử chỉ bí mật bật mí nửa kín nửa hở như cớm... công an. Tư cớm trượt vỏ chuối ở kỳ thi Tú tài nhất. Hắn tiếp tục «không ngậm ớt mà cay» trong kỳ sau. Luôn trong ba năm hắn bị ông thần thi cử cho ra dìa. Hoàng Trí vào trường Thuốc thì Tư cớm đăng lính nhảy dù với cấp bậc trung sĩ. Bẵg một thời gian chàng chỉ mới được «đánh đụng» với hắn mỗi một lần. Đánh đụng, nghĩa là ăn thịt chó. Hồi ấy, Hoàng Trí còn lẹt đẹt ở năm thứ hai. Trên đường từ bệnh viện thực tập về, trời mưa như trầm như trút, chàng rúc dưới một hàng hiên gần trường Khoa học thì gặp Tư cớm mặc quân phục oai vệ, nuôi râu mép và diện lon trung sĩ đàng hoàng. Với nơi ngực một giẫy huy chương. Hắn mừng rú, thót lên chiếc xe gắn máy ốm o của chàng, và nói liến thoắng «quan đốc-tưa ơi, tao vừa lãnh lương, lãnh 3 tháng lương một lúc, chưa tiêu đồng nào, tao lại vừa được gắn mề-đay đánh giặc giỏi, tao phải khao một chầu, mày không được từ chối, mày phải đánh đụng với tao...»
Từ chập choạng tối, đôi bạn thân đánh đụng một lèo đến gần giờ giới nghiêm, say khướt mồng tơi. Say đến nỗi Tư cớm không leo được lên xe, chỉ đứng ì rồi khóc nức nở. Khóc chán rồi văng tục. Rồi cười. Rồi khóc.
Đôi bạn không còn kịp chén tạc chén thù với nhau nữa vì Tư cớm bị thuyên chuyển ra miền địa đầu. Hoàng Trí chỉ được tin Tư cớm bị thương được giải ngũ, về Saigon, làm nghề buôn bán nhì nhằng. Điều quan trọng là hắn đã lấy vợ. Và có con...
Hoàng Trí ôm bạn mừng rú:
- Té ra cậu Tư cớm... Cậu làm nghề ngỗng gì ở đường này?
Tư cớm vẫn không đổi khác. Chỉ phải cái già đi sau những tháng, những năm nằm sương gối đất. Vẻ… cớm của hắn vẫn... cớm như xưa. Trời tối hắn vẫn thượng cái kiếng mát đen sì trên mặt. Sơ-mi rộng thả ngoài quần, lưng lại hơi cồm cộm.
Hắn lại đập vai Hoàng Trí:
- Lẽ ra tôi phải hỏi cậu câu ấy. Cậu làm nghề ngỗng gì ở đường này?
- Lang thang.
- Hơi lạ. Lần đầu tiên tôi nghe nói quan đốc-tưa có dư thời giờ đi lang thang. Nào... mời cậu vào quán tôi nhậu một phát.
Hoàng Trí chỉ đống bàn ghế san sát và cái quầy gỗ bầy la liệt món nhậu, giọng bán tin bán nghi:
- Cậu là chủ quán?
- Chính hiệu con nai vàng.
- Khá chứ?
Không đến nỗi. Lát nữa cậu sẽ thấy. Trong nhà, ngoài hè chật ních, không chỗ chen chân. Nhờ trời món nhậu hợp khẩu, giá phái chăng, khách hàng luôn luôn đông đảo nên vợ chồng tôi có tiền để giành. Nhưng này... cậu lên năm thứ mấy rồi nhỉ? Thong thả, để tôi tính coi, ba, bốn, năm... à, năm nay cậu lên năm thứ 6, sắp sửa ra trường với tấm bằng quan đốc-tưa to tổ bố... Cậu đặt cái đít bác sĩ thơm tho của cậu xuống đây, để tôi kêu bà xã ra chào rồi hai đứa mình nhậu một mách...
Vợ Tư cớm đã xuất hiện không biết từ lúc nào. Nàng còn trẻ, những năm lam lũ trong bếp, sửa soạn món nhậu cho thiên hạ, không làm mất nơi nàng cái vẻ thanh xuân sung mãn. Răng nàng đều và trắng, mắt nàng trong veo. Rõ thằng Tư cớm tốt phúc... Vị tất mình kiếm được cô vợ xuông xẻ và khả ái như nó...
Tư cớm bô bô:
- Thằng bạn con chấy cắn đôi anh thường khoe với em đó...
Nàng cười:
- Em biết rồi. Chắc là anh Hoàng Trí, học Thuốc.
Hoàng Trí chưa kịp biểu lộ sự kinh ngạc thì nàng đon đả:
- Nhà em cứ nhắc đến anh luôn. Mấy lần ra trường tìm anh không gặp. Nhà em thiếu bạn nhậu tri kỷ, buồn quá...
Hoàng Trí đáp:
- Cám ơn chị. Bản lãnh... nhậu của tôi còn thua anh Tư cả trăm cây số.
Đến lượt Tư cớm sửng sốt:
- Thôi, đừng giả bộ khiêm nhường nữa cậu đốc-tưa. Cậu nhớ không? Hồi tôi rớt Tú một, tôi kéo cậu đi nhậu để khuây sầu, cậu quá bết, tôi xài xể cậu thì cậu hẹn chừng nào thành sinh viên Y khoa cậu sẽ phục thù... Buổi chiều chúng mình chở nhau dưới mưa đến quán mộc tồn đánh đụng, cậu đã học năm thứ 2, cậu còn kém nhưng đã cừ hơn trước nhiều. Cậu nói «Tư cớm ơi, tao đang tiếp tục luyện chưởng, vài ba năm nữa mày biết tay tao», tôi cười khẩy thì cậu tiếp «tao hứa đúng boong, tao không xạo đâu, trường Y khoa là lò luyện chưởng Lưu linh cự phách, thằng sinh viên nào sợ rượu, chê rượu đều biến thành sâu rượu»... Tối nay, tôi đấu rượu đế với cậu, xem công lực Y khoa của cậu tới đâu?
Tư cớm cười hề hề ra vẻ khoái chí. Thì ra Tứ cớm nhớ dai kinh khủng! Hoàng Trí vốn không có duyên nợ với chất cay. Chàng uống một hớp huýt-ky là mặt mũi đỏ gay. Nam vô tửu như kỳ vô phong, chàng bèn thỉnh giáo các anh ở lớp trên. Nhiều người khuyên chàng kiên nhẫn, Trí ơi, tưởng gì chứ vấn đề uống rượu không say thì dễ ợt, mày ráng đậu Y khoa là học được tài nhậu...
Tại sao?
Lớp đàn anh hơi phóng đại sự thật. Tuy vậy, trong năm đầu sinh viên Hoàng Trí đã phải uống rượu nhiều lần. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ có thấy ai chết bao giờ đâu. Giờ đây ngày nào cũng thấy. Eo ơi, bữa thực tập cơ thể học đầu tiên, lò dò vào căn phòng sơn đen sì, lạnh buốt căm căm, với cái xác người vừa từ hồ ngâm fot-môn kéo lên, nó nâu nâu, nó đen đen, nó răn rúm như da trái táo tầu, hàm răng nhe ra, nửa cười, nửa mếu... thì dây thần kinh bằng thép cũng... đứt phựt. Lưỡi dao xẻ thịt, này phổi, này phèo, này gan, này ruột, lòng thòng, bèo nhèo... Hoàng Trí lờm lợm cuống họng, không dám ăn thịt cả tuần. Và tối hôm ấy để quên hàm răng người chết trắng nhởn, chàng khiệng hai chai la-ve, điều chàng chưa hề làm. Lâu dần, quen đi, chàng không lờm lợm nữa. Song chàng cũng quen với la-ve. Chàng hỏi bạn, nhiều người cũng lờm lợm như chàng. Các chị sinh viên kín miệng như bình, song nếu nam nhi 7 thước còn nhờ đến rượu thì không lẽ nữ nhi...
Đến năm thứ 3, thứ 4... thực tập tại bệnh viện… trên người thật, thì thần Lưu linh lại trở về lần nữa. Học lý thuyết trong trường, trên sách và thực tập... giả thì rất khéo tay, khi đứng bên bàn mổ thì vụng ôi là vụng. Thắt nút dây thì méo xẹo hoặc lỏng lẻo, dây dứt lung tung, thậm chí còn khâu lộn vào găng tay... Cái đêm chàng thực tập khâu ruột chàng lui cui mãi không ngủ được. Nửa đêm vùng dậy, bồ hôi lạnh đầy mình, chàng lẩm bẩm «... chết rồi... mình khâu không chắc, ruột bung ra thì nguy to...». Bệnh nhân được bình phục đúng thời hạn khiến chàng yên tâm, nhưng trong 4, 5 đêm dài chập chờn ấy chàng đã cầu cứu đến... rượu.
Món nhậu được dọn ra ê hề, Tư cớm trịnh trọng so đũa mời Hoàng Trí. Đôi bạn vừa cạn một ly la-ve bự thì một đoàn xe Mét-xê-đét sơn đen mới tinh hảo chạy xẹt qua quán nhậu, tốp trước cổng biệt thự của tỉ phủ Vĩnh Chân, kèn bóp pin-pin ồn ào, kênh kiệu, gần như ngang ngược, cửa cổng mở rộng, đoàn xe lăn tuột vào. Trong xe chắc có Vĩnh Chân và đủ mặt bá quan văn võ...
Tư cớm dằn mạnh cái ly cạn rượu xuống bàn, chửi đổng:
- Mẹ kiếp, đứa giàu quá, đứa lại nghèo quá!
Hoàng Trí mừng húm nhưng làm mặt không hiểu:
- Cậu chởi tôi?
- Bậy nè... cậu được tôi chửi thì đã sướng lắm rồi. Tôi chửi là chửi lão Vĩnh Chân. Lão giầu ngoài sức tưởng tượng cậu ơi. Riêng đàn chó bẹt-giê Đức của lão đởp một bữa đã hết mẹ nó một đùi con bò. Một đùi con bò, cậu nghe ra chưa? Bằng vợ chồng con cái tôi ăn trong một năm... Đáng kiếp cho lão... giầu mà không được hưởng, cô vợ đẹp như hằng nga giáng thế của lão lại mắc bệnh câm...
Tư cớm đẩy cái đĩa thịt bò nướng lá lốt thơm ngào ngạt về phía bạn, giọng khề khà:
- Cậu thưởng thức đi. Con vợ của tôi làm đồ nhậu có thớ lắm... Đớp tiếp đi, rồi tôi kể chuyện lão Vĩnh Chân cậu nghe. Một thiên tình sử não nùng. Bí mật ghê gớm.
- Bí mật ghê gớm nhưng cậu đã biết, cậu nói lại với tôi thế tất chẳng còn bí mật nữa.
- Không, bí mật lắm. Cậu là người thứ nhất được tôi phanh phui. Ngoài tôi ra, chắc chẳng ai biết. Tại sao tôi thó được bí mật động trời này? Vì tôi là Tư cớm, tôi có máu cớm trong mình. Cậu nhích lại gần tôi, ừ, kéo cái ghế của cậu lại sát vách, mở rộng tai ra nghe, tôi sẽ nói rất nhỏ...
- Hừ... cậu làm như chúng mình bàn âm mưu đảo chánh!
- Thì là đảo chánh chứ còn cái mẹ gì nữa?
- Thôi, tôi xin cậu. Tôi không thích chính trị.
- Đồ ngu... mày chẳng hiểu đếch gì cả. Đảo chánh đây không phải đảo chánh Nhà nước mà là đảo chánh «ma-phăm», đảo chánh bà xã...
- Cậu lập phòng nhì?
- Phòng nhì không đúng hẳn. Chỉ là bồ tèo, không hơn không kém. Thân thiết đáo để, mê ly đáo để. Con vợ tôi nghe được thì ốm đòn. Nó ghen có môn bài, và dữ một cây. Số là tôi có bộ mặt sạch sẽ, giọng nói êm ru, kiến thức cũng đường được nên con bé làm cho bà Công tằng tôn nữ thị Thúy Thúy, vợ lão Vĩnh Chân, khoái tôi.
- Nàng là xến?
- Bậy nè. Hạng tôi mà mê xến hả? Nàng cũng sinh trưởng ở đất Thần kinh như bà chủ, ông Vĩnh Chân cần thư ký riêng cho vợ để lo liệu những việc vặt như mua son phấn, vải vóc, hẹn làm tóc, sửa sắc đẹp, nàng có chữ nghĩa, gốc gác tin cậy, tính tình khả ái nên được thu dụng. Lương tháng hậu hĩ ra phết, cậu ơi... Nàng ở cạnh bà chủ đêm ngày, do đó chuyện gì cũng biết.
Theo lời nàng thì bà Thúy về làm vợ ông Vĩnh Chân chẳng khác Thúy Kiều bán mình chuộc cha. Cha mẹ bà Thúy khi xưa rất giàu, ruộng nương thẳng cánh cò bay, vàng nén cả chum, cuộc đảo chánh Nhật, cuộc khởi nghĩa Việt Minh và cuộc kháng chiến toàn quốc sau đó làm gia đình khánh tận. Hai cụ thuộc giòng vua chúa quen nhung lụa và cao lương mỹ vị, nhất là quen con bài, lá bạc. Mắc nợ quá nhiều, bán hết sản nghiệp không đủ trả, hai cụ bèn gán cô con gái đẹp nhất. Tuổi vợ chưa bằng nửa tuổi chồng, bà Thúy thương cha mẹ và các em đành hy sinh hạnh phúc cá nhân.
Lấy bà Thúy, ông Vĩnh Chân càng ngày càng giầu. Gia đình bên vợ được lão ta đối xử tử tế hết mực, tiền bạc và quà cáp ê hề. Đột nhiên bà Thúy bị câm.
- Trước ngày bà Thúy bị câm, trong nhà lục đục gì không?
- Chắc không. Bà Thúy rất ngoan. Luôn luôn phục tùng chồng. Suốt ngày không hề nói to. Chồng bảo gì nghe theo răm rắp. Thật tội nghiệp, bà Thúy còn trẻ măng mà ông chồng nhốt kỹ trong lồng son, mỗi tuần chỉ được ra phố một lần. Lão vừa già, vừa xấu, không dám đi chơi chung với vợ, sợ dư luận chê bai. Lão ghen tuông một cây. Con vợ tôi đã là chúa ghen tuông, lão Vĩnh Chân còn hơn nó gấp chục lần. Từ sáng đến tối, bà Thúy phải ở trong phòng ở lầu nhì, được điều hòa khí hậu, chỉ trổ một cửa sổ nhìn xuống đường thì cửa sổ này bị che riềm dầy. Những khi nổi cơn ghen, lão lôi người đẹp ra đánh đập tàn nhẫn...
- Thằng vũ phu!
- Anh hùng bắt đầu nóng mắt rồi đấy! Tôi cũng tức bực như cậu, lắm lúc muốn xông vào nhà lão, nện cho lão một thoi... Phiền một nỗi biệt thự của lão được canh gác cẩn mật như dinh thủ tướng, lão đi đâu đều có cận vệ bám gót đến đấy. Tôi chỉ còn nước ngắm trộm bà Thúy cho đỡ nhớ.
- Nàng ra bao lơn ư?
- Hừ... ra bao lơn thì lão ta ăn gỏi liền. Nàng hé một tí riềm cửa rồi nhìn dưới đường bằng viễn kính. Tôi cũng vậy, tôi xoay một cái ống nhòm thật tốt và hàng ngày tôi ngắm nàng. Bên ấy bị nắng chiều nên nàng hay ngồi sau cửa buổi sáng. Buổi sáng quán nhậu của tôi đóng. Thành ra tôi tha hồ biểu diễn tài làm... cớm.
- Cậu khám phá được cái gì lạ phải không?
- Phải. Nàng dùng viễn kính theo những giờ giấc nhất định. Đúng 9 rưỡi đoàn xe Mét-xê-đét chở lão Vĩnh Chân và tùy tùng ra khỏi cổng. 5 phút sau nàng vén riềm. Thoạt tiên tôi tưởng nàng nhìn xe cộ và dân chúng qua lại dưới đường để khuây cảnh cá chậu chim lồng. Dần dà tôi nghĩ khác. Là vì trong suốt ba tiếng đồng hồ dài giằng giặc nàng chỉ hướng ống nhòm về một phía, về một mục phiêu không thay đổi. Sau hơn một tuần rình mò tôi phăng ra. Ly kỳ như tiểu thuyết trinh thám cậu ơi. Cậu đoán thử xem nàng nhìn cái gì?
- Tôi chưa học nghề thầy bói.
- Hừ... thầy bói cũng trật lất. Mục phiêu hàng ngày của người đẹp Thúy Thúy là căn nhà số 73 cùng đường này. Quán nhậu của tôi mang số 55, nghĩa là căn nhà 73 chỉ hơi trếch nhà nàng. Căn 73 là căn phố nhỏ xíu, có gác, cửa trên gác cũng che riềm kín mít. Buổi sáng nàng vén riềm để chĩa ống nhòm thì ở căn lầu 73 cũng vậy...
- Có người ngồi sau cửa sổ?
- Tất nhiên. Không lẽ nàng nhìn một khe cửa vô tri vô giác. Tôi điều tra không mấy khó khăn. Căn 73 chỉ có hai người ở. Hai mẹ con. Bà mẹ trên 60, tóc bạc phơ, mắt sâu hoắm, thân thể gầy còm, vẻ mặt lúc nào cũng buồn thiu buồn chảy. Bà ta phiền muộn là phải, vì đứa con trai duy nhất của bà bị bệnh bán thân bất toại.
- Thúy Thúy nhìn chàng trai tê liệt?
- Đúng boong. Tôi cố dọ hỏi song không ai biết tông tích của hai mẹ con. Chỉ biết họ là người Huế. Tôi đã gặp bà mẹ, chưa được gặp cậu con. Cậu này hơn tuổi chúng mình. Ba mươi hoặc trên vài tuổi nữa là cùng, Còn trẻ lắm. Y ở liền tù tì trong phòng, tôi phải trèo ẩn trên cây me xum xuê gần đó để quan sát diện mạo y cho rõ. Y mang bệnh tật dầm dề mà còn khôi ngô, luồng mắt và miệng cười còn quyến rũ, chẳng hiểu nếu y khỏe mạnh như chúng mình y còn khôi ngô và quyến rũ đến đâu.
- Y bị bệnh bán thân bất loại, nghĩa là...
- Nghĩa là nửa mình dưới hoàn toàn hết xíu quách.
- Vậy y bị thương ở xương sống.
- Hà, hà... tôi quên phứt cậu là quan đốc-tưa. Phải, y bị trúng đạn ngoài mặt trận, y được điều trị tại Trung tâm Tê liệt Tủy sống một thời gian ở Vũng Tàu rồi bà mẹ lãnh mang về nuôi tại Saigon.
Tôi lập kế bắt chuyện bà mẹ nhiều lần, và lần nào bà ta cũng thủ khẩu như bình. Mỗi tuần bà ta mới đi chợ một buỗi. Đồ ăn, thức uống cất trữ trong tủ lạnh. Cửa đóng suốt ngày đêm.
- Hàng ngày bà ta cũng phải đổ rác nữa chứ!
Cậu Hoàng Trí ơi, thằng Tư cớm này không ngu lắm đâu... Xe rác qua đường này khoảng 7 giờ sáng, tôi chực sẵn dưới gốc me, chờ bà ta xuất hiện. Té ra mỗi tuần bà ta chỉ đổ rác một lần.. Ngày đi chợ bà ta mới làm cái chuyện vệ sinh cầu thiết ấy.
- Còn khách khứa?
- Dê rô. Chẳng thấy mống nào hết.
- Cậu con không hề đi chơi?
- Hai chân tê liệt thì đi đâu.
- Ngồi xe lăn chẳng hạn.
- Không. Hoặc có nữa thì tôi không biết. Về điểm này tôi xin thẳng thắn thú nhận cái dốt. Trước kia quân đội dạy mã-tự thì lười biếng không học. Thành ra tôi chẳng hiểu gì hết.
- Nàng ra hiệu bằng mót-sờ với chàng trai tê liệt?
- Đúng boong. Hai người nhìn nhau một lát rồi liên lạc với nhau bằng bàn tay. Chắc có nhiều chuyện khoái trá nên họ cười luôn. Tôi ngồi ngó trộm cũng lây cái vui của họ.
- Họ là người yêu của nhau?
- Tôi chỉ đoán phỏng vậy thôi. Căn cứ vào miệng cười và ánh mắt họ khó thể chỉ là bằng hữu hoặc anh em ruột thịt. Vã lại, nếu họ không phải là tình nhân thì việc gì họ sợ, việc gì họ phải liên lạc bằng dấu một cách lén lút, khuất tất...
- Ngoài sự đoán phỏng này cậu có chứng cớ cụ thể nào không?
- Dêrô.
- Rõ dại. Nếu tôi là cậu tôi đã hỏi nhỏ cô bé thư ký riêng của giai nhân Thúy Thúy...
- Tôi đã hỏi nhưng khi ấy quá chậm... Trong những ngày đầu, tôi rụt rè vì 2 lý do. Thứ nhất, nếu chàng trai tê liệt quả là người tình của Thúy Thúy thì tôi sẽ phạm tội bép sép, tố cáo họ; lão Vĩnh Chân có bản mặt đáng ghét, ngày nào tôi cũng rủa thầm cho trời đánh thánh vật lão, cho nên Thúy Thúy có cắm một đống sừng lên đầu lão tôi cũng phớt lờ. Thứ hai... tôi bị mặc cảm, tôi tự nghĩ mình là Tư cớm, mang máu cớm chuyên nghiệp trong huyết quản, mình sẽ tìm ra ngọn ngành, mình cóc cần hỏi ai... Đến khi tôi cảm thấy bất lực, hoàn cảnh lại thúc hối tôi khám phá bí mật thì cô bé thư kỷ đã... chết.
- Chết?
- Tôi xìu luôn cả tháng. Không thèm hé răng nói nửa lời. Cơm không buồn ăn. Đêm nào cũng mở mắt nhìn trần phòng. Tôi xọp đi trông thấy. Con vợ tôi tưởng tôi lâm bệnh, lo sợ cuống cuồng... Cậu Trí ơi, ai đời cô bé đang đẹp, đang khỏe bỗng lăn đùng ra chết. Tối hôm trước tôi còn... còn có hẹn... mới kỳ lạ chứ!
- Chết bệnh?
- Bệnh tim. Khi không quả tim nó đứng lại. Cô bé được chở bằng phi cơ riêng về Huế ma chay. Lão Vĩnh Chân bao luôn một chuyến phản lực cơ. Đám tang nghe đâu lớn lắm. Tốn 3, 4 triệu bạc thì phải.
- Hoài của... Trong thời gian cô bé thư ký chết, giai nhân Thúy Thúy còn tiếp tục liên lạc bằng ống nhòm và ngón tay với chàng tê liệt nữa không?
- Tôi quên kể với cậu là mọi việc đã oong-boong fi-nan trước đó một tuần lễ. Thúy Thúy đột nhiên không vén riềm và chĩa viễn kính về căn nhà 73 nữa. Ngày thứ nhất, ngày thứ nhì không thấy nàng, tôi ngỡ nàng ốm. Đến ngày thứ ba, tôi nóng ruột phát điên song còn ráng ngồi chờ. Ngày thứ tư nàng vẫn vắng mặt tôi bèn láng cháng đến trước nhà 73, và...
- Không thấy ai...
- Không thấy ai. Chàng trai tê liệt mất tăm.. Bà mẹ cũng mất tăm. Dường như căn nhà được sang lại cho chủ khác....
- Tại sao lại dường như?
- Vì tôi kẹt... bà xã...
- Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt?
- Đâu có. Tôi kẹt là vì... con vợ tôi chọn đúng những ngày tôi bị bấn súc sích ấy để đập chum. Trăm chuyện lớn bé đều đổ lên đầu lôi, tôi phải lo vấn đề chợ búa, nấu nướng, hầu khách cho quán nhậu, chưa kể việc chăm nom một đống con, đứa đi học, đứa còn ẵm ngửa. Và chăm nom cả cho mụ vợ đập chum tại hộ sinh viện nữa. Thường lệ nó chỉ nằm ba, bốn ngày là về, lâu lắm là một tuần lễ, chuyến này nó chơi luôn một phát 20 ngày... đúng 20 ngày, 20 đêm, không thiếu giờ nào nó mới chịu rời nhà thương. Nó về nhà, phải một tuần sau nó mới «tiếp thu» nhiệm vụ, vị chi ttôi đi đoong gần một tháng trời. Cậu tính... một tháng dòng dã, biết bao nước chảy dưới cầu, giai nliân Thúy Thúy đã câm...
- Câm sau ngày chàng trai biệt tích?
- Phải.
- Sau ngày chàng trai biệt tích và cô giai nhân Thúy Thúy bị câm thì cô bé thư ký chết bệnh tim?
- Phải.
Sinh viên Y khoa Hoàng Trí xô ghế, bàng hoàng đứng dậy. Tay chàng run run, chân chàng run run, Môi chàng cũng run run. Tư cớm băn khoăn nhìn bạn:
- Cậu làm gì thế?
- Không.
- Cậu giấu thằng Tư cớm này sao được? Thái độ bối rối cực độ và vẻ mặt biến sắc của cậu chứng tỏ câu chuyện tôi vừa kể đã làm cậu xúc động ghê gớm. Hừ... tôi có linh tính cậu quen giai nhân Thúy Thúy, cậu đang trồng cây si với nàng cũng nên.
- Nhảm.
- Thú nhận đi để tao giúp cho... ồ, mà... kỳ cục chưa... mày mới 25, 26 mày mê một thiếu phụ 30. Quan đốc-tưa tương lai như mày thiếu gì vợ đẹp và giàu, tại sao mày có thể rúc đầu vào đàn bà có chồng, và lão chồng lại ghen tuông kinh khủng... Mày muốn chết hả?
- Nhảm.
Hoàng Trí quên cám ơn. Quên nói lời từ giã. Vợ Tư cớm nghiêng mình chào, chàng quên chào lại. Tư cớm chìa tay, chàng cũng quên bắt. Hoàng Trí sử sự như người mất hồn.
Chàng hối hả ra xe. Tư cớm gọi giựt:
- Nè cậu... cậu quay mặt lại cho tôi nhìn ngực áo...
Hoàng Trí choáng váng, da tay lạnh ngắt:
- Ngực áo tôi có gì?
Tư cớm lẩm bẩm:
- Quái gở, quái gở! Áo của cậu cũng có con rồng... con rồng đỏ...
Hoàng Trí nắm bàn tay bạn trong một động tác hốt hoảng khác thường:
- Trên ngực áo của chàng trai bán thân bất toại có thêu con rồng đỏ?
Tư cớm chưa kịp gật đầu Hoàng Trí đã đẩy cái xe 2 bánh ra khỏi lề và thót lên yên. Chàng phóng như bay trên con đường vắng. Hừ... quả là định mạng an bài... chàng mặc áo thêu con rồng đỏ là do một bệnh nhân biếu. Ông ta té gẫy chân được chàng bó bột, và săn sóc tận tình. Lành lặn, ông ta tặng chàng một lố áo ngắn tay, loại mặc chơi tơ-nít, cái nào cũng thêu rồng. Hoàng Trí mặc hơn năm nay chưa hết.
Đèn ở trung tâm thành phố sáng như sao sa.
Tướng Cướp Đổi Mạng Tướng Cướp Đổi Mạng - Người Thứ Tám Tướng Cướp Đổi Mạng