Giá trị thật của một người không phải ở chỗ cách anh ta xử sự lúc đang thoải mái và hưởng thụ, mà là ở chỗ lúc anh ta đối mặt với những khó khăn và thử thách.

Martin Luther King Jr.

 
 
 
 
 
Thể loại: Tiểu Thuyết
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: Oanh2
Số chương: 18
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 5974 / 184
Cập nhật: 2015-11-12 19:26:28 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
Mình cảm thấy có gì đó không ổn. Rất có thể mình sẽ gặp nguy hiểm, không phải chuyện đùa. Biết Hoàng "vô can " trong vụ này chúng nó sẽ buông Hoàng, bằm mình.
Đây là lúc mình cần Hoàng hơn lúc nào hết. Sở dĩ chúng chưa động đến mình vì còn nể Hoàng. Cũng có thể chúng chưa thấy Hoàng giở võ nên chưa dám ra đòn. Đối với chúng Hoàng là một bí mật. Vậy hãy để Hoàng bí mật cho đến khi chuồn khỏi nơi đây.
Hoàng lại nhìn mình rất lạ, như đang yêu. Hay hắn yêu mình thật?
Ối giời... đã bảo cancel là cancel, lại còn tiếc.
Nhưng cancel để làm gì, phí của giời?
Tiên sư lập trường của con ranh!
He he!
o O o
Quá trưa Ly Ly mới quay về. Cô ngao ngán thấy Hoàng trần truồng đứng chết giấc giữa sân nhà khách Ủy ban huyện. Ly Ly vừa lay vừa gọi năm bảy lần Hoàng mới tỉnh. Anh đứng đây từ khi nào? Ly Ly ghìm giọng, cô muốn réo thật to mới hả. Anh cũng không biết nữa, anh nhớ là anh đang tắm.
Cái mặt thộn của Hoàng.
Giời ạ! Vào nhà mặc áo quần đi... Ly Ly thở hắt. Nín nhịn cho xong, đằng nào Hoàng vậy rồi, cằn nhằn chẳng ích gì.
Ly Ly mở túi bốc ra gói lá chuối. Nhậu!... Thịt chó Cu Le của anh đây. Hoàng vồ lấy gói lá chuối ngửi ngửi. Thơm quá nhỉ! Sao không ra quán, mua về làm gì? Ra quán... say lên anh văng tục chửi bậy thì sao? Tốt. Biết bảo vệ chồng như vậy là tốt. Hoàng bốc một miệng nhai ngồm ngoàm. Chồng nào? Cái lườm sém mặt của Ly Ly. Hoàng tỉnh bơ, vớ lấy chai rượu rót ra hai cốc. Không cãi nhau nữa. uống.
Ly Ly tu sạch cốc rượu, lại tu sạch một cốc nữa. Hoàng trợn tròn mắt. Em trở thành sâu rượu từ khi nào thế? Ly Ly gắp thịt chó bỏ miệng Hoàng. Ần đi! nhớ ai mà mặt đực như ngỗng ỉa thế hả? Hoàng gặng hỏi. Ly Ly vẫn không mở miệng, cô không muốn cho Hoàng biết cô vừa qua một trận võ mồm có mày không tao với Phó Chủ Tịch Văn Xã. Chưa khi nào Hoàng chịu chia sẻ những chuyện liên quan đến phóng sự phóng séo của cô.
Phó Chủ Tịch Văn Xã gặp Ly Ly ở cổng Ủy ban huyện vào lúc cô vừa rời phòng Chủ Tịch Huyện. Khi nào Ly Ly về? Anh đuổi em à? Khiếp, anh có quyền to thế à? Phó Chủ Tịch Văn Xã nhẹ nhàng khoác nhẹ vai Ly Ly. Nếu có quyền thì anh đã tống cổ tụi em ra khỏi khu vực anh trị vì từ lâu rồi, phải không? Mặt Ly Ly vểnh lên. Phó Chủ tịch Văn Xã lắc đầu nhăn mũi, lấy cái kính cận ra lau. Con gái Hà Thành sắc sảo quá, tôi chịu.
Ly Ly xốc nách hắn vào quán cà phê. Em muốn nói chuyện với anh. Nhưng đừng vặn vẹo tôi chuyện mồ mả nữa nghe. Không, nếu anh không muốn em sẽ không đả động gì đến chuyện đó. Thật chứ? Mắt rắn hấp háy dưới cặp kính bốn diop. Thật mà. Miệng Ly Ly cong vêu rất hấp dẫn.
Cà phê phố huyện ở đâu cũng chỉ thứ bột ngũ cốc tẩm hương liệu cà phê Thơm điếc mũi, nhấp một ngụm thấy nhạt hoét. Thôi kệ, không quan trọng. Mắt Ly Ly lóng lánh. Anh đẹp trai thật đấy. Em rất
thích tip đàn ông như anh. Chết chết... tôi gầy như con nhện nước, đẹp cái gì. Em thích thế, cứ gầy gầy là em thích, nhất là những ông cận thị. Phó Chủ Tịch Văn Xã cười cười lắc đầu. Cô quái lắm Ly Ly à. Ly Ly hiểu hắn biết cái câu gầy gầy thầy đ., cô biết hai tai mình đang đỏ tím.
Phó Chủ Tịch Văn Xã chẳng đẹp trai chút nào, tất nhiên. Hắn thuộc tip đàn bà con gái không muốn cặp nách đi sóng đôi nhưng rất thích ngủ cùng. Nếu không vì cái phóng sự bốn kì, biết đâu Ly Ly đã nhấc lão lên giường... Ngày mai em ra Hà Nội à? Phó Chủ Tịch Văn Xã chẳng biết hỏi gì hơn. Sao anh cứ nôn nao chuyện em đi hay ở thế? Không, tiện mồm thì hỏi thế thôi. Em thấy anh đã ba bốn lần 'Tiện mom rồi.
Phó Chủ Tịch Văn Xã vẻ khó chịu, hắn lại lấy cái kính ra lau. Em đừng nghĩ anh ghét em đến nỗi muốn đuổi em đi. Vụ hai nghìn mộ giả, nếu em thấy đúng cứ làm, không sao đâu. Nhưng nói trước là anh sẽ cãi lại và cãi thắng. Thế a? Ly Ly dướn mày khiêu khích. Anh nói thật mà. Phó Chủ Tịch Văn Xã hạ giọng. Anh chẳng muốn hơn thua với em đâu, ai lại muốn hơn thua với người đẹp, nhưng phàm là sự thật thì phải bảo vệ. Đúng không em? Vâng. Ly Ly đổi giọng ngoan hiền. Anh cũng đừng nghĩ em bẻ hành bẻ tỏi, có bé xé ra to. Thật lòng em rất muốn anh đúng...
Màn diễn trữ tình của cả hai rất đạt, cứ như họ sắp yêu nhau. Phó Chủ Tịch Văn Xã chưa biết Ly Ly đã đủ bằng chứng lão cầm trịch vụ này, mọi tội vạ đều do lão mà ra cả.
o O o
Thoạt kì thủy Phó Chủ Tịch Văn Xã không quan tâm gì lắm việc đi tìm hài cốt liệt sĩ đưa từ Trường Sơn về đặt cho hết cái nghĩa trang to đùng một phút cao hứng Chủ Tịch Huyện đã làm ra nó. Có gì đâu, lập vài đội đi tìm kiếm hài cốt, một bộ hài cốt đưa về tận nghĩa trang phải chi bốn triệu đồng, cứ đếm mộ ăn tiền, giao cho phòng Thương binh Xã hội là xong, khỏe re.
Ròng rã một năm trời, cả ba đội đi tìm, đào bới khắp Trường Sơn cũng chỉ được vài mươi bộ hài cốt, toàn những liệt sĩ vô danh. Kiểu này đến chục năm cũng không xong, nghĩa trang chứa được hai ngàn mộ chứ ít đâu. Danh sách liệt sĩ của huyện nhà kể từ Thời chống Pháp đến giờ hơn bốn trăm người, thực tế qui tập được có tám chục mộ thôi, tất cả còn lại không biết họ ở phương trời nào mà tìm.
Nếu không qui tập chí ít được một nửa, thể nào dân cũng ta thán. Đó, bày đặt ra làm cả cái nghĩa trang chục tỉ bạc rồi bỏ không, liệt sĩ cái gì, tham nhũng thì có. Phó Chủ Tịch Văn Xã thây lo lo, dù gì đây cũng là phần việc của hắn, kì đại hội sắp đến rồi, khéo không vì việc này người ta cho hắn ra rìa thì nguy.
Trưởng Phòng Thương binh Xã hội là tay láu cá, nó biết lãnh đạo đang nghĩ gì. Một ngày đẹp trời nó a lô đã tìm được thêm ba trăm bộ hài cốt nữa. Phó Chủ Tịch Văn Xã sướng rêm, cho tổ chức thật rầm rộ, cò xí rợp trời, diễn văn trào nước mắt.
Ba trăm bộ hài cốt là một tỉ hai, vừa kí duyệt xong, bỏ vào túi tiền lại quả được hơn trăm triệu, Phó Chủ Tịch Văn Xã giật mình tự hỏi: quái lạ, mới hơn một tháng tìm kiếm đã có ba trăm bộ hài cốt là thế nào? Sao dễ thế được? Liệt sĩ hy sinh rải rác khắp Trường Sơn khó tìm vô cùng. Những ai dễ tìm người ta đã đưa về hết rồi, bây giờ chỉ là những người hy sinh ở những nơi không ai biết, hoặc có biết cũng lo mo mù mò không đích xác. Một tháng tìm được ba trăm bộ hài cốt đó là điều không thể.
Hắn chụp cổ Trưởng Phòng Thương binh Xã hội cật vấn. Thằng này chối quanh. Đang đêm khua khoắt không ai biết, hắn lôi cổ Trưởng Phòng Thương binh Xã hội ra nghĩa trang, bắt bói một mộ xem sao. trời đất thiên địa ơi, toàn xương cốt trâu bò lợn gà, một mẩu xương người cũng không có đừng nói là hài cốt liệt sĩ.
Trưởng Phòng Thương binh Xã hội quì sụp xuống. Tụi em bí quá làm liều! Phó Chủ Tịch Văn Xã chết điếng. Việc này nếu bung ra thì ăn cứt cả lũ. Người Á đông xưa nay vẫn trọng cái phần hồn, nghe nói tham ô vài chục tỉ người ta chỉ ghét chứ không căm, với việc bất lương vô đạo này tất hết thảy nổi khùng, trước sau gì hắn cũng tan xác pháo.
Bây giờ biết làm thế nào? Im thôi chứ biết làm thế nào! Phó Chủ Tịch Văn Xã cầm trăm triệu Trưởng Phòng Thương binh Xã hội đưa thêm, nghiêm giọng đe nẹt. Tụi bay làm gì tao không biết đâu nghe. Nếu việc này bung ra tụi bay chịu lấy nhé, đừng có kêu tao đó. Lối đe nẹt nửa nạc nửa mõ, khác nào tín hiệu đèn xanh.
Đã trót thì trét, một bộ hài cốt giả mạo cũng chết, hai nghìn bộ cũng chết, thà kiếm đủ hai nghìn bộ rồi chết có phải khỏe hơn không. Cái lý cùn mấy anh đầu chày đít thót đã là biến nghĩa trang liệt sĩ uy nghiêm thành bãi thải xương động vật trong vòng 9 tháng. hơn hai nghìn mộ đã qui tập xong, Phó Chủ Tịch Văn Xã trúng số phiếu cao thứ hai sau Bí Thư Huyện ủy. Hết khóa này Bí Thư Huyện ủy về hưu, cái ghế ấy hắn cầm chắc xí chỗ. Chẳng ngờ có đứa nào nó tâu lên, bung bét tất cả. Chó thế không biết.
Phó Chủ Tịch Văn Xã vẫn cứ phải diễn vở đắng cay oan ức. Suy đoán tai hại quá, tôi không hiểu sao người ta lại suy đoán đến nước đó. Cặp kính bốn diop ươn ướt nước mắt, hắn lại lột kính ra lau. Ly Ly nghĩ xem, tụi tôi là người, dù bẩn thỉu đến đâu cũng là người, nõ nào làm việc đó?
Vâng... Ly Ly nhếch mép cười lạnh lẽo.
Không tin, tôi đào lên một vài mộ cho Ly Ly xem, có thể bị nhầm hài cốt của người thường chứ dứt khoát không có xương cốt động vật. Có họa mù mới nhầm xương súc vật với xương người. Đây không phải là nhầm anh ạ. Nếu tìm kiếm ở Trường Sơn có thể nhầm, cái nhầm ấy dễ được bỏ qua. Đằng này... Thế cô bảo ở đâu, ở đây a?
Lại "cô" rồi! Ly Ly cười thầm.
Hắn ngẩng phắt lên, hai tròng mắt muốn nổ. cô bảo chúng tôi nhặt xương trâu bò ở đây nhét vào mộ liệt sĩ a? Vâng. Ly Ly vẫn không nao núng. Còn hơn thế nữa. Các anh còn cho đào mồ mả các nghĩa địa quanh đây để lấy hài cốt trộn lẫn với xương trâu bò cho ra vẻ nhầm lẫn.
Láo! Phó Chủ Tịch Văn Xã đập bàn cái rầm, đổ cả hai ly cà phê. Ly Ly từ tốn nhặt hai ly cà phê, tự nhủ không được ''chạy theo lối đá của đối phương". Em rất tiếc đó là sự thật. Sự thật nào mà ghê tởm thế? Phó Chủ Tịch Văn Xã rít lên. Đừng nghĩ chúng tôi quá xấu xa, chúng tôi là người, là người Ly Ly ạ, không phải chó má đâu!
Chừng như thấy mình diễn trò nóng nảy hơi quá đà, Phó Chủ Tịch Văn Xã ngồi im buồn bã, hồi lâu xuống giọng tâm tình. Ly Ly đang nghĩ tụi tôi mặt Phật tâm xà phải không? Mà thôi, Ly Ly muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, muốn thế nào cũng được hết, chỉ cần Ly Ly chấp nhận chúng tôi không làm cái việc thối tha kia là được.
Có gì ẩn ý trong hai tiếng "chỉ cần" nhỉ? Có phải hắn muốn nói chỉ cần mình không đưa cái việc thất nhân tâm kia lên báo thì, muốn gì hắn cũng chiều? Mặc cả chăng? Không rõ, cái sự ú ó khôn khéo kia thật khó đoán.
Bắt gặp mắt rắn của Phó Chủ Tịch Văn Xã lóe lên một tia sáng sắc lạnh, ngay sau đó là nụ cười hiền lành mộc mạc. Hắn đang tính nước cờ nào đây? Ly Ly băn khoăn mãi.
o O o
Rượu thịt no say, Hoàng đánh một giấc tới năm giờ chiều. Tỉnh dậy không biết Ly Ly chạy đi đâu.
Chắc cô đang dò la xem tối nay người ta sẽ đào bới ở nghĩa địa nào. Phóng sự đang tới hồi kết. Để phóng sự của mình không bị liệt vào loại nghe hơi nồi chõ, Ly Ly quyết chụp cảnh đào bới mồ mả lấy trộm hài cốt đặt vào các nấm mộ trống tại nghĩa trang liệt sĩ. Hoàng đã hứa sẽ theo Ly Ly "đuổi ma" cho cô, giúp cô kết thúc phần việc cuối cùng, mau chóng cút khỏi nơi đây.
Còn một việc cực quan trọng Hoàng phải làm, đấy là gặp cho bằng được Xê Trưởng. Nghĩ đến gặp Xê Trưởng là Hoàng thấy ớn. Với Xê Trưởng tội đào ngũ ngang với tội phản quốc, công khó truy nã hai mươi năm, không dễ gì ông tha bổng cho anh. Có điều hơi lạ, Xê Trưởng thừa biết Hoàng về đây đã một tuần rồi, thể nào Chị Giặt Chiếu cũng đã cho ông biết, tại sao ông không ra tay chộp cổ anh, nhanh chóng đưa anh ra ánh sáng?
Cũng có thể lệnh truy nã kẻ đào ngũ đã chấm dứt, mọi tội lỗi của người lính trong chiến tranh đều được tha bổng, chỉ còn lại sự khinh bỉ Hoàng vẫn ứ đầy khiến Xê Trưởng không muốn gặp anh chăng? Dù thế nào Hoàng vẫn phải gặp Xê Trưởng, ông là người duy nhất có thể biết chút gì tung tích Xóm Cát và Thùy Linh.
Gặp hay không gặp? Hoàng tắc lưõi vọt ra khỏi ngõ. Gặp hay không gặp? Hoàng đi như chạy trên đường cái quan, anh sợ nếu lừng khừng sẽ làm mình quay gót. Thoáng chốc Hoàng đã đứng cửa nhà Chị Giặt Chiếu. Ngôi nhà cửa đóng then cài. Hoàng tính tháo lui. Có tiếng đàn cò cất lên ở đâu đó. Tiếng đàn cò của ông Rúm!
Ngực Hoàng rung lên.
Đúng là tiếng đàn cò ông Rúm. Điệu Nam ai quen thuộc vẫn nỉ non cùng ông Rúm bên gốc đa già lúc nửa đêm về sáng. Năm ngón tay già nua lúc bấm lúc buông, lúc nắm lúc vuốt run rẩy trên cần đàn. Ngón vuốt ngón nhấn ngón láy ngón chuyền... cùng với ngón cái đẩy cung vĩ làm bằng gỗ cây mưng mắc lông đuôi ngựa lên lên xuống xuống, cung liền tới cung ngắt, cung rời tới cung rung... ngọt mềm quyến rũ.
Hoàng nhận ra tiếng đàn ông Rúm không chỉ vì chừng đó, chính là hai dây đàn của ông. Hai dây to dùng lâu ngày đã đứt, không kiếm đâu ra dây to, ông thay bằng một dây đồng và một dây gai. Tiếng đàn ông Rúm khác thường cũng vì thế. Dây gai trầm và ngọt, dây đồng cao và thanh, như đôi tình nhân than thở trước giờ ly biệt, dây gai khóc nghẹn ngào dây đồng cười chua chát; dây gai buồn như khóc, dây đồng đau như thét... cứ thế cuốn quít lấy nhau trọn đêm thâu.
Nhớ. Lại nhớ rồi.
o O o
Ông Rúm sống thui thủi một mình cùng với cây đàn cò và con Mực. Đêm xuống trăng lên, Xóm Cát ngủ yên giữa mênh mông ánh trăng. Không ngủ được, ông ra ngồi tựa gốc cây đa, một mình ngửa mặt nhìn trăng, một mình vẩy lên thứ âm thanh thoạt nghe tưởng buồn não ruột, ngẫm kĩ lại thấy vui. Thứ niềm vui lẻ loi đơn chiếc cất lên da diết trong đêm vắng.
Một ông, một cây đa, một con chó, một vầng trăng, một cây đàn. Thế cũng đủ xôm trò. Tiếng đàn cò nỉ non kể lể dông dài chuyện gì đó không ai hiểu. Trong xóm chỉ có một người hiểu được đó là chị Rá tâm thần. Chị đang ngủ vùi sau hồi nhà chợt vùng dậy ngơ ngác như ai vừa gọi mình. Không ai cả, chỉ có tiếng đàn cò của ông Rúm. Tiếng đàn cò bao giờ cũng làm chị bừng thức.
Chị ngồi tựa vào vách đờ đẫn nhìn bốn xung quanh. Rồi chị bê nồi khoai môn luộc lững thững đi về phía cây đa. Ngồi bệt trước mặt ông Rúm, chị lẩn mẩn bóc vỏ khoai bỏ miệng chậm rãi nhai, mắt không thôi nhìn vào cái cần đàn của ông Rúm đang day qua day lại. Tiếng đàn kể lể nguồn con gì đó. Chị Rá mắt rưng rưng đầu lắc lư theo nhịp đàn của ông Rúm.
Ông Rúm không phải là trưởng xóm. ồng mạo nhận là để độp vào mặt Xê Trưởng vào lúc sôi gan trước câu hỏi xược, sống gần mới biết ông Rúm rất lành, tháng năm một tiếng, tháng Mười một tiếng. Không vợ con không họ hàng thân thích, mười một nóc nhà Xóm Cát chẳng nhà nào họ hàng với nhà nào, một mình ông lủi thủi vào ra.
Từ ngày Thủy Linh mang con về Xóm Cát nhận ông làm cha, ông có một con và một cháu, gọi là một gia đình. Ồng cất cho mẹ con Thủy Linh một túp lều ra ở riêng. Chẳng phải sợ thiên hạ dị nghị, chỉ vì ông thích sống một mình. Bé Thùy Dương lớn chừng ba tuổi, thỉnh thoảng ông đón con bé về ngủ chung với ông. Chứng mất ngủ có phần được cứu vãn nhờ có con bé đáng yêu này.
Nằm lọt thỏm giữa lòng ông, nó bi bô nói những chuyện linh tinh, ông ơi răng mắt ông không chớp được? Ông bị mù. Răng ông bị mù? Bom bắn. Con xòe tay ra ông có thấy chi không? Không. Rứa ông không thấy chi cả à? ừ. Một tí ti cũng không à? ừ, ngủ đi con. Không, ông kể chuyện con khỉ. Kể mãi rồi mà. Kể nữa đi ông! Ngày xửa ngày xưa có một con khỉ sống một mình trên cây. Không phải, sống một mình trong hang đá. ừ, sống một mình trong hang đá, ông quên. Khi nào ông cũng quên!...
Nó ngủ rồi, ông ôm nó vào lòng, chỉ cần ngửi mùi tóc cháy của con bé, nghe tiếng thở đều và mảnh của nó là mắt ông ríu lại, thiếp đi trong giấc mơ thơm mềm con trẻ. Hơn giờ sau ông đã tỉnh. Con Mực đang ngồi ngước mặt chờ. Ông sờ soạng tìm lu nước uống cạn một gáo dừa. Con Mực ngậm cây đàn cò chạy thẳng ra cây đa già. Nửa giờ sau tiếng đàn cò nỉ non hết điệu Nam ai sang điệu Nam xuân.Con Mực ngồi im như đúc, thè lưỡi hết cỡ chừng như muốn liếm hết tiếng đàn tri âm của chủ nó.
Điệu Nam ai ba lần điệu Nam xuân bảy lượt, ông Rúm chuyển sang hát xẩm chợ Tiễn chân anh khóa xuống tàu, chỉ một bài không có bài thứ hai. Anh khóa ơi! Em tiễn chân anh xuống tận bến tàu/ Đôi tay em đỡ cái khăn trầu, em lấy đưa anh/
Tay cầm trầu giọt lệ chạy quanh... Ông hát đi hát lại cho đến khi con Mực sủa to ba tiếng đầy cảm khoái và ngút ngoắt đuôi chạy vòng quanh ông, ấy là lúc gà gáy sang canh ba.
Canh ba là thời điểm nhà ông Rinh thức giấc. Tiếng điếu cày réo vang như một tiếng còi thổi gắt. Tiếp sau là cơn ho kéo dài, lúc hực lên lúc nghẽn lại tưởng có thể chết vì tắc thở. ông vẫn hút, thêm một điếu nữa và ho, cơn ho kéo dài có khi năm, bảy phút. Lúc này bà Rinh mới lồm cồm bò dậy. Bà ngáp một tiếng rõ dài, nhỏ to nhịp nhàng theo hơi thở và kết thúc bằng tiếng rên thê thảm ''Hờ-ôi... mạ ơi!" Đầu tiếng ngáp nghe như tiếng than của một kẻ chán đời, cuối tiếng ngáp lại như tiếng rên của đàn bà đang giữa cơn động cỡn.
Liền sau tiếng ngáp rền rĩ của bà Rinh là tiếng quát gọi con của anh Ranh: "Dậy... hua bay!" Thằng Rim, thằng Rú, con Rì nhất loạt vùng dậy. Chúng lục tục đỏ lửa nấu cơm, soạn sửa đồ lề chuẩn bị lên rừng lấy củi. Mười một nóc nhà Xóm Cát lần lượt sáng đèn đỏ lửa. Tiếng đàn cò ông Rúm tắt ngúm. Chị Rá cũng đã no khoai, bê nồi khoai đi qua hết nhà này đến nhà khác, nhà nào cũng chìa nồi ra hỏi: "Ăn không?". Không ai trả lời, chị lại lui cui bê nồi về nhà, ngồi bệt giữa sân, cắm cúi ăn cho bằng hết.
Đoàn người đi lên rừng lấy củi lên đường. Dần đầu là anh Ranh, sau anh Ranh là ông Ro, rồi chị Rí anh Rùng con Reng thằng Rú thằng Rim con Rì... rồng rắn lầm lũi hướng núi Ngậm Ngùi mà tiến.
Thế đấy. Cuộc sống ở nơi đây bắt đầu bằng tiếng rít điếu cày của ông Rinh và kết thúc bằng dăm bảy tiếng sủa hờ của con Mực nhà ông Rúm vào lúc mười giờ tối.
o O o
Mười giờ tối ông Rúm sang đón bé Thùy Dương. Chào chú đi con. ông Rúm nhắc. Nó không chào Hoàng, vừa đi vừa ngoái lại xét nét nhìn anh. Tuổi lên ba đủ cho con bé biết yêu chú bộ đội, cũng đủ mẫn cảm để không thích gã đàn ông nào gần mẹ nó. Thùy Dương ghét Hoàng ra mặt, chỉ vì anh luôn quấn quít bên Thủy Linh.
Hoàng nhớ con bé vô cùng. Nhớ nhất những khi nó dằn dỗi với anh. Chú không được ngồi gần mẹ cháu! Hoàng lập tức tuân lệnh, vội vàng dịch ra. Chú ngồi đây được chưa? Chưa! Hoàng chạy ra sân ngồi. Ngồi đây được chưa? Chưa! Thế ngồi ở đâu mới được? Con bé cúi gầm mặt không nói, bất ngờ ngẩng phắt lên trợn trừng với Hoàng. Chú đi đi!
Thủy Linh vội vàng a tới, bập hai tay lên má con. Đừng nói rứa con, răng đuổi chú đi? Rứa chú về đây mần chi? Chú về đây để canh bãi dầu cho xóm mình, chú là bộ đội mà. Con không yêu chú bộ đội à? Con bé vẫn không chịu, cái mặt phụng phịu của nó đến là yêu. Răng chú không ở nhà khác? Chú là bạn học của mạ, không ở đây thì ở mô! Mắt con bé ươn ướt. Rứa ba về... ba ở mô? Đến lượt Thùy Linh bối rối, cô dở cười dở mếu.
Những lúc như vậy Hoàng thường bỏ nhà đi ra trảng cát phía sau xóm, chọn lấy một đụn cát cao nằm dài ở đấy, đợi đến đêm mới mò về. Hoàng còn bối rối gấp bội. Anh không biết mình phải làm gì, bỏ đi chẳng được ở lại không xong. Hoàng đã nói dối với Thùy Linh và Xóm Cát anh được đơn vị cử về đây để 'Cùng dân canh giữ bãi dầu". Thế thì còn đi đâu? Nhưng ở lại để làm gì, để ôm ấp một người đàn bà đã thuộc về kẻ khác ư? Rõ vô duyên. Tàn nhẫn nữa. Hoàng không muốn chất đầy thêm nỗi buồn khổ cho một đứa bé vô tội.
Nửa đêm Thùy Linh đi tìm Hoàng, cô biết anh đang ở đâu. Anh đừng giận con bé. Thùy Linh rủ rỉ. Tội nghiệp con bé mong ba nó về từng ngày... nhưng ba nó có đâu mà về. Sao em không cho ba nó gặp con? Hoàng buột miệng, anh nhận ra sai lầm ngay sau câu hỏi ấy. Anh đã thề sẽ không bao giờ chạm đến cõi riêng của Thùy Linh. Em đã chạy trốn khỏi hắn... Thùy Linh buồn rầu đáp. Cô không muốn kể hết nguồn cơn cho Hoàng, vả, Hoàng cũng sợ cô nhắc tên của gã đàn ông đã cướp đoạt tình yêu của anh.
Hắn là Bí thư Đoàn huyện Tuy, ấy là do ông Rúm kể lại. Chẳng phải Thủy Linh kể cho ông Rúm, chính ông Cu Le cho ông biết. Một lần ông Rúm về chợ Thị Trấn mua dầu đúng lúc máy bay Mỹ oanh tạc. Mắt mù chân chậm chẳng biết hầm hố ở đâu, ông Rúm lớ ngớ chạy ngược lộn xuôi giữa chợ tao tác, ầm ĩ tiếng máy bay tiếng bom tiếng người la hét. Bỗng có người lôi tuột ông Rúm xuống hầm, đó là ông Cu Le.
Xong đợt oanh tạc, họ mới hỏi thăm nhau. Thịt chó Cu Le nổi tiếng khắp huyện Tuy, lần đầu ông Rúm xáp mặt chủ quán. Họ vui vẻ nói chuyện như thân quen từ lâu lắm, say sưa đến nỗi không nhớ máy bay đã cút khi nào, đến chiều tối họ mới chui ra khỏi hầm. Nhờ ông Rúm mà ông Cu Le biết Thùy Linh đang ở Xóm Cát. ông Cu Le đưa ông Rúm về quán đãi ông một bữa rượu thịt chó no say.
Bây giờ ông Rúm mới biết mẹ Thùy Linh chết vì tình, ba cô chết trận, ông Cu Le nhận Thùy Linh làm con nuôi, họ sống với nhau ở cái quán này. Một chiều Thùy Linh nằm khóc trong buồng, hỏi mãi mới chịu nói cô đã có chửa với thằng Bí Thư Huyện Đoàn. Thôi chết rồi, ai chứ thằng này thì xong phim. Đời nào nó cưới cho. Vợ nó cưới hỏi đàng hoàng, lại là con một người quyền thế, còn bị nó lập mưu tống cổ ra khỏi nhà, nữa là... Thằng này rất lắm trò đểu. Không chừng nó giở trò đểu với ông cũng nên. Nó đã giở trò ra với ai thì người đó chỉ có cách hộc máu mà chết chứ không làm được gì tốt. Hãi lắm.
Điều ông Cu Le đoán quả không sai. Khi Thùy Linh vừa sinh con, Bí Thư Huyện Đoàn chủ động đưa tin và nói luôn mọi người chắc chắn đang nghi hắn. Nghi là đúng, mấy vụ gái gú Bí Thư Huyện Đoàn quá nhiều tiền án tiền sự, ai mà không nghi. Nhưng tại sao không nghĩ đứa con trong bụng Thủy Linh là con của Cu Le nhỉ? Xưa nay đàn ông chết vợ sống với con gái chưa chồng trong ngôi nhà vắng người có ai tránh được chuyện đó đâu!
Hắn nói đúng quá, không cãi được, không có lí gì cãi được. Chỉ còn cách đâm cho hắn một nhát rồi muốn ra sao thì ra. ông Cu Le cầm con dao phay sắc ngọt, vũ khí ông đã tiêu diệt hơn ba ngàn con chó, lội ngược trảng cát lên thẳng làng Yên Khê, nơi cơ quan huyện sơ tán. Một nhát cho hắn, một nhát cho ông. Xong, khỏi phải nghĩ ngợi gì nhiều, mệt.
Ông đã sống quá nửa đời người, chẳng còn gì mà ham hố nữa. Đâm một nhát, xong một đời chó. Một nhát nữa, xong một đời người. Thế là đủ hả hê xuống âm ti cho Diêm Vương hặc tội. ông sát sinh nhiều như thế còn lâu mới được lên Thiên Đường. Âm ti thì Âm ti, có khốn nạn cũng chẳng khốn nạn hơn những gì ông đã từng khốn nạn giữa dương gian, đếch sợ.
Ông Cu Le cầm dao phay xộc thẳng vào phòng làm việc Bí Thư Huyện Đoàn. May đời cho hắn, vào lúc ông đang rực lửa sát nhân hắn biến đi đằng nào. ông lượn vòng quanh phòng ốc lằng nhằng các cơ quan huyện. A, hắn đang trên hội truờng. Bí Thư Huyện Đoàn đang nói cái gì đó hăng lắm. Hội trường mấy trăm con người đang im thin thít.
Bỗng vỗ tay rào rào. gớm chết, người ta đang hoan hô hắn. Bây giờ xông vào, chẳng giết được hắn có khi còn bị mấy trăm con người kia xé xác phanh thây, vỗ tay, lại vỗ tay rào rào. Hắn đang nói tội ác trời không dung đất không tha của Đế Quốc Mỹ. Đúng quá rồi, có mà cãi đằng trời. Hắn đang nói sức mạnh vô bờ bến của nhân dân và vai trò của người cán bộ đầu tàu. Lại đúng nữa. Mả cha cái thằng toàn nói đúng. Toàn những vấn đề nghiêm trọng và toàn đúng. Còn ông chẳng qua là vấn đề tự ái nhà quê và cái lý cùn là con dao phay trong tay ông đây. Chưa giết được hắn đâu, hắn nói đúng thế, giết thế quái nào được.
Ông Cu Le cầm dao phay lủi thủi quay lui, tự thấy bẽ bàng quá. Lửa rơm cháy hết, chỉ còn đám tàn tro tan tác trước gió lào, đấy là tư cách Cu Le. Ngượng chết đi được, ông không biết sẽ nói năng với Thủy Linh ra sao đây. Tội nghiệp con bé, mười sáu tuổi đầu đã phải bưng cái mặt mo. Nó có chịu được không miệng lưõi thế gian? Khắp Thị Trấn này có ai dám trơ gan cùng nhật nguyệt? Bốc phét hết. Văn thơ ra vẻ thế thôi, hễ ngộ sự ai nấy đều cụp đuôi rụt cổ trốn vào chốn không người. Tất thế. Ông chửa hoang ông cũng trốn mất tăm. Thánh thần chửa hoang chắc cũng thế...
''Con lạy bác, con đi".
Thủy Linh đi rồi, biết ngay mà. ông Cu Le ngẩn ngơ cầm mảnh giấy gài trước cửa ngồi bệt xuống đất. Ông ngồi im như chết cho đến khi mặt trời lặn, không một lần đứng lên.
Gặp được ông Rúm, ông Cu Le mừng như cha chết sống lại, thế là mẹ con Thùy Linh đã có chốn nương thân, ông hứa với ông Rúm sẽ không tìm về Xóm Cát để Thùy Linh yên tâm không ai biết cô đang trốn ở đấy.
Buổi chiều thịt chó no say, ông Cu Le và ông Rúm ôm nhau khóc như mưa, khóc đến sưng húp mắt cả hai chẳng biết họ đang khóc vì nỗi gì.
o O o
Hoàng bừng tỉnh, ngạc nhiên thấy mình đang nằm trên chõng tre nhà Chị Giặt Chiếu. Tiếng đàn cò ông Rúm đã đưa Hoàng vào con mê. Ai đưa anh vào đây nhỉ?
Hoàng không buồn dậy. Chắc Chị Giặt Chiếu đưa anh vào đây ngủ rồi đi chợ. Thế thì làm thêm giấc nữa đợi chị về. Nhập nhòa cái mặt thằng Bí Thư Huyện Đoàn. Mặt hắn thế nào Hoàng không biết, chỉ thấy những cái mặt nạ xanh đỏ bay qua lượn lại trước mặt anh.
Ông Rúm kể đi kể lại mãi Hoàng vẫn không biết hắn là ai. Làm sao anh biết Bí Thư Huyện Đoàn là thằng nào. Biết hỏi ai bây giờ. Thằng này làm bí thư đoàn huyện Tuy từ 1966 đến năm 1972 vẫn bí thư đoàn huyện Tuy, Thời này đường hoạn lộ gọi là tối mò, Thời chiến chuyện đó chẳng có gì lạ. Bây giờ hắn lên chức gì rồi? Chắc mải vơ vét gái gú quá khó kiếm được cái ghế nào cao hơn. Thôi kệ mẹ nó, nghĩ ngợi làm gì thêm mệt,
Cậu Hoàng tỉnh rồi à? Chị Giặt Chiếu bê rổ khoai lang đi vào. ôi chị về khi nào? Hoàng vui vẻ ngồi dậy. Em nhớ em đang đứng trước ngõ, không biết vào đây khi nào? Tui đưa cậu vô nhà đó... Chị Giặt Chiếu rót nước mời Hoàng. Cậu Hoàng có cơn chết giấc lạ quá hè, ai nói chi cũng không biết. Hoàng cười ngượng, anh biết dân Thị Trấn đã biết những con "chết giấc" kì quặc của anh, kể từ sau buổi chiều kinh động tại Ủy ban huyện.
Anh đâu rồi chị? Hoàng không sao nhớ được tên thật của Xê Trưởng. Đi rồi. Chị Giặt Chiếu chép miệng. Gặp cậu ảnh mừng lắm, hét vang trời mà cậu chẳng nghe. Đợi cả tiếng cậu vẫn không tỉnh... ảnh phải đi làm. Một mình anh quản lý cả nghĩa trang? Hoàng hỏi. Quản lý mô cậu, ảnh làm bảo vệ. Cả tổ ba người, ảnh là tổ trưởng. Hoàng không hỏi thêm nữa, anh thừa biết tinh thần trách nhiệm khủng khiếp của Xê Trưởng. Thôi được, để em ra nghĩa trang gặp anh Xuyến. A... nhớ được tên Xê Trưởng rồi!
Không được mô cậu. Chị Giặt Chiếu bỗng thất sắc. Có lệnh cấm người lạ vô nghĩa trang. Nhưng em là dân Thị Trấn, đâu phải người lạ? Hoàng vẫn không hiểu ý Chị Giặt Chiếu. Không được mô cậu ơi! Cậu mới là người lạ... Chị Giặt Chiếu hạ giọng thì thầm, mắt lấm lét như sợ có ai nghe trộm.
Tại sao thế nhỉ?
Tình Cát Tình Cát - Nguyễn Quang Lập Tình Cát