Nguyên tác: Origin (2017)
Số lần đọc/download: 0 / 133
Cập nhật: 2024-02-07 10:23:34 +0700
Chương 8
Á
nh mắt Robert Langdon bị cuốn từ khối hình đồ sộ này sang khối tiếp theo. Mỗi khối đều là một tấm thép sừng sững được cuộn lại rất khéo và rồi đặt đứng chênh vênh bằng rìa cạnh của nó, tự giữ thăng bằng để tạo thành một bức tường không hề có sự chống đỡ. Những bức tường uốn cong này cao tới ngót nghét bốn mét rưỡi và được uốn vặn thành những hình thù khác nhau - một dải ruy băng lượn sóng, một vòng tròn mở, một cuộn thép để lỏng.
“Vật chất thời gian,” Winston nhắc lại. “Và nghệ sĩ là Richard Serra. Cách ông ấy sử dụng những bức tường không hề được chống đỡ bằng thứ phương tiện nặng nề như vậy tạo ảo giác về sự thiếu vững chãi. Nhưng thực tế, những thứ này rất vững. Ngài thử hình dung một tờ tiền đô la mà ngài cuộn tròn quanh một chiếc bút chì, khi ngài tháo bút chì ra, đồng tiền được cuộn lại của ngài có thể đứng khá ổn trên rìa cạnh của nó, được chống đỡ bằng chính dạng hình học của nó.”
Langdon dừng bước và trân trân nhìn cái vòng tròn khổng lồ bên cạnh mình. Kim loại đã bị ô xy hóa, tạo cho nó thứ màu đồng cháy và một lượng hữu cơ thô. Tác phẩm này toát lên cả sức mạnh rất lớn lẫn cảm giác thăng bằng rất tinh tế.
“Thưa Giáo sư, ngài có nhận thấy hình thù đầu tiên này lại không hoàn toàn kín không?”
Langdon tiếp tục đi quanh hình tròn và thấy rằng hai đầu của bức tường không gặp nhau, như thể một đứa trẻ đã cố vẽ một vòng tròn nhưng thiếu nét vậy.
“Cách kết nối được làm lệch tạo ra một lối đi thu hút du khách tiến vào bên trong để khám phá không gian âm tính.”
Trừ phi vị khách đó tình cờ lại sợ cảm giác bị nhốt kín, Langdon nghĩ, chân bước nhanh hơn.
“Tương tự,” Winston nói, “trước mặt ngài, ngài thấy ba dải ruy băng thép uốn khúc, chạy theo một đội hình song song tương đối, đủ gần nhau để hình thành hai đường hầm lượn sóng dài hơn ba mươi mét. Nó được gọi là Con rắn, và các vị khách trẻ của chúng tôi rất thích chạy qua đó. Thực tế, hai vị khách đứng ở hai đầu đối diện có thể khẽ thì thầm và vẫn nghe rõ được tiếng nhau, như thể họ đang đối diện nhau vậy.”
“Ấn tượng đây, anh Winston, nhưng anh làm ơn giải thích xem tại sao Edmond lại đề nghị anh cho tôi xem gian triển lãm này đi.” Cậu ta biết mình đâu có thích thứ này.
Winston trả lời. “Tác phẩm cụ thể mà ông ấy đề nghị tôi chỉ cho ngài xem có tên là Đường xoắn ốc và nó ngay phía trước ở góc bên phải. Ngài thấy nó không?”
Langdon nheo mắt nhìn về phía xa. Cái thứ trông như cách xa đến nửa dặm kia ấy hả? “Vâng, tôi thấy rồi.”
“Tuyệt lắm, chúng ta đi tới đó chứ?”
Langdon đưa ánh mắt thăm dò một lượt không gian mênh mông rồi tiến tới đường xoắn ốc ở phía xa trong khi Winston tiếp tục nói.
“Thưa Giáo sư, tôi nghe nói Edmond Kirsch là người rất ngưỡng mộ công việc của ngài - đặc biệt là những tư tưởng của ngài về sự ảnh hưởng lẫn nhau giữa các truyền thống tôn giáo xuyên suốt lịch sử và những tiến hóa của các truyền thống ấy như phản ánh trong nghệ thuật. Bằng nhiều cách thức, lĩnh vực lý thuyết trò chơi và tin học dự báo của Edmond khá tương đồng - phân tích sự lớn mạnh của các hệ thống khác nhau và dự đoán xem chúng sẽ phát triển như thế nào theo thời gian.”
“Chậc, rõ ràng cậu ấy rất thạo rồi. Nói cho cùng thì người ta gọi cậu ấy là Nostradamus* thời hiện đại cơ mà.”
“Vâng. Mặc dù cách so sánh ấy hơi xúc phạm, nếu ngài có hỏi tôi.”
“Sao anh phải nói như vậy chứ?” Langdon vặn lại. “Nostradamus là nhà tiên tri nổi tiếng nhất mọi thời đại đấy.”
“Tôi không có ý phản đối, thưa Giáo sư, nhưng Nostradamus viết gần một nghìn bài thơ tứ tuyệt lời lẽ dễ dãi mà, hơn bốn thế kỷ qua, được hưởng lợi từ những cách hiểu đầy sáng tạo của những kẻ mê tín luôn tìm cách nghĩ ra ý nghĩa ở những chỗ chẳng có nghĩa gì cả tất cả mọi chuyện từ Thế chiến Thứ hai đến cái chết của Công nương Diana hay vụ tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới. Quá ư ngớ ngẩn. Ngược lại, Edmond Kirsch công bố một số lượng rất hạn chế những dự đoán rất cụ thể nhưng đều trở thành sự thật trong một thời gian rất ngắn ngủi - tin học đám mây, xe hơi không người lái, con chip xử lý vận hành chỉ cần năm nguyên tử. Ngài Kirsch không phải Nostradamus.”
Mình sai rồi, Langdon nghĩ. Người ta nói Edmond Kirsch tạo ra lòng trung thành rất ghê gớm trong những người làm việc cùng cậu ấy và rõ ràng Winston là một trong những đệ tử nhiệt thành của Kirsch.
“Vậy ngài có thích chuyến tham quan của tôi không?” Winston hỏi, đổi chủ đề khác.
“Rất thích. Edmond thật đáng nổi danh vì đã tạo ra công nghệ hướng dẫn tham quan từ xa quá hoàn hảo này.”
“Vâng, hệ thống này là giấc mơ của Edmond suốt nhiều năm và ông ấy đã dành ra một số lượng thời gian và tiền bạc không thể tính được để bí mật phát triển hệ thống ấy.”
“Thật sao? Công nghệ này xem ra cũng không phức tạp lắm. Tôi phải thừa nhận rằng lúc đầu tôi có phần hoài nghi, nhưng anh vừa thuyết phục được tôi - quả là một cuộc trò chuyện thú vị.”
“Ngài nói vậy thật là rộng bụng, mặc dù tôi hy vọng lúc này tôi không làm hỏng mọi chuyện bằng việc thừa nhận sự thật. Tôi e là tôi đã không hoàn toàn thành thực với ngài.”
“Sao cơ?”
“Trước hết, tên thật của tôi không phải là Winston. Mà là Art.”
Langdon bật cười. “Một hướng dẫn viên bảo tàng tên là Art à? Chà chà, tôi không trách anh dùng một cái tên giả đâu. Rất hân hạnh được biết anh, Art.”
“Hơn nữa, khi ngài hỏi tôi tại sao tôi lại không đích thân bách bộ cùng ngài, tôi đã cho ngài câu trả lời chính xác về việc ngài Kirsch muốn duy trì các nhóm nhỏ. Nhưng câu trả lời đó chưa hoàn chỉnh. Còn một lý do nữa khiến chúng ta nói chuyện qua tai nghe chứ không phải trực diện.” Anh ta ngừng lại. “Thực tế, tôi không có khả năng di chuyển về mặt vật lý.”
“Ồ… tôi xin lỗi.” Langdon hình dung ra Art đang ngồi trên một chiếc xe lăn trong một tổng đài điện thoại và cảm thấy tiếc là Art sẽ nhận thức được việc phải giải thích tình trạng của bản thân.
“Không cần phải cảm thấy thương hại cho tôi đâu. Tôi quả quyết với ngài rằng chân cẳng trông sẽ rất kỳ lạ với tôi đấy. Tôi không hoàn toàn trông như ngài hình dung đâu.”
Bước chân Langdon chậm lại. “Ý anh là sao?”
“Cái tên ‘Art’ không hẳn là một cái tên vì nó là một cụm viết tắt. ‘Art’ là rút gọn của từ ‘artificial’ (nhân tạo) mặc dù ngài Kirsch thích từ ‘synthetic’ hơn.” Giọng nói dừng lại một lúc. “Sự thật của vấn đề, thưa Giáo sư, là buổi tối nay ngài đang tương tác với một hướng dẫn viên nhân tạo. Một dạng máy tính.”
Langdon nhìn quanh, vẻ ngờ vực. “Đây có phải là một trò đùa vui không?”
“Không hề, thưa Giáo sư. Tôi rất nghiêm túc. Edmond Kirsch đã mất một thập kỷ và gần một tỷ đô la cho lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, và tối nay ngài là một trong những người đầu tiên trải nghiệm kết quả sức lao động của ông ấy. Toàn bộ chuyến tham quan của ngài được thực hiện bởi một hướng dẫn viên nhân tạo. Tôi không phải con người.”
Langdon không chấp nhận nổi chuyện này dù chỉ một giây. Cách diễn đạt và ngữ pháp của người kia rất hoàn hảo và ngoại trừ tiếng cười hơi vụng về, anh ta là một diễn giả lịch thiệp như bất kỳ ai Langdon từng gặp. Hơn nữa, cuộc trò chuyện vui vẻ của họ tối nay bao quát rất nhiều chủ đề và đủ sắc thái.
Mình đang bị theo dõi, giờ Langdon nhận ra như vậy, đưa mắt rà khắp các bức tường để dò các máy quay video giấu kín. Ông nghi ngờ mình đã vô thức tham gia vào một tác phẩm lạ lẫm của “nghệ thuật trải nghiệm” - một kịch bản được dàn dựng rất khéo từ những điều vô lý. Họ biến mình thành một con chuột trong mê cung.
“Tôi không thấy dễ chịu lắm với chuyện này,” Langdon tuyên bố, giọng ông vang rền khắp gian trưng bày vắng vẻ.
“Tôi rất xin lỗi,” Winston nói. “Điều đó hoàn toàn hiểu được. Tôi phỏng chừng rằng có thể ngài thấy khó tiếp nhận được tin này. Tôi hình dung được đó là lý do tại sao Edmond lại đề nghị tôi đưa ngài vào đây trong một không gian riêng tư, tránh khỏi mọi người khác. Thông tin này không được tiết lộ cho những vị khách khác của ông ấy.”
Mắt Langdon nhìn thật kỹ không gian lờ mờ để xem liệu còn ai khác ở đó không.
“Đương nhiên như ngài biết,” giọng nói tiếp tục, nghe không hề bối rối trước sự khó chịu của Langdon, “bộ não người là một hệ thống nhị phân - các khớp thần kinh hoặc kích thích hoặc không - chúng bật hoặc tắt, giống như bộ chuyển mạch của máy tính. Bộ não có hơn một trăm nghìn tỉ bộ chuyển mạch, có nghĩa là làm ra một bộ não không hẳn là vấn đề công nghệ mà là vấn đề về quy mô.”
Langdon chẳng nghe mấy. Ông lại bước đi, tập trung chú ý đến một tấm biển “Exit” (Lối thoát) có mũi tên chỉ về đầu kia của phòng trưng bày.
“Thưa Giáo sư, tôi nhận ra chất người trong giọng nói của tôi khó nhận ra là do máy móc tạo ra, nhưng thực tế lời nói là bộ phận quá dễ. Thậm chí một thiết bị sách điện tử chín mươi chín đô la cũng làm được công việc khá ổn là bắt chước giọng nói người. Edmond đã phát minh ra cả tỷ.”
Langdon dừng bước. “Nếu anh là máy tính, hãy nói với tôi chuyện này. Chỉ số trung bình Công nghiệp Dow Jones ở mức nào lúc đóng cửa ngày 24 tháng 8 năm 1974?”
“Đó là ngày thứ Bảy,” giọng nói trả lời tức thì. “Cho nên thị trường không mở cửa.”
Langdon cảm thấy ớn lạnh. Ông đã chọn một mốc thời gian đánh lừa. Một trong những hiệu ứng phụ từ trí nhớ rành rẽ của ông là việc những ngày tháng cứ khắc ghi mãi mãi trong tâm trí ông. Ngày thứ Bảy đó là sinh nhật người bạn thân nhất của ông, và Langdon vẫn nhớ bữa tiệc bên bể bơi buổi chiều đó. Helena Wooley mặc một bộ áo tắm màu xanh dương.
“Tuy nhiên,” giọng nói bổ sung ngay, “vào ngày hôm trước, thứ Sáu, 23 tháng 8, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đóng cửa ở 686,80, giảm 17,83 điểm vì mất 2,53 phần trăm.”
Langdon nhất thời không nói lên lời.
“Tôi rất vui được chờ đợi,” giọng nói vang lên, “nếu như ngài muốn kiểm tra dữ liệu trên điện thoại thông minh của mình. Mặc dù tôi không có lựa chọn nào ngoài việc mỉa mai sự việc đó.”
“Nhưng… tôi không…”
“Thử thách với trí thông minh nhân tạo,” giọng nói tiếp tục, sắc thái Anh nhẹ lúc này dường như là lạ hơn lúc trước, “không phải là truy cập dữ liệu mau lẹ, vốn thật sự khá đơn giản, mà là khả năng nhận thức được dữ liệu được kết nối và đan kết như thế nào - điều tôi tin ngài rất xuất chúng, phải không nhỉ? Mối quan hệ qua lại của các ý tưởng ư? Đây là một trong những lý do ngài Kirsch muốn kiểm tra năng lực của tôi với riêng ngài.”
“Một bài kiểm tra à?” Langdon hỏi. “Với… tôi sao?”
“Không hẳn.” Lại tiếng cười vụng về vang lên. “Một bài kiểm tra với tôi. Để xem liệu tôi có thể thuyết phục được ngài tôi là con người không.”
“Một phép thử Turing.”
“Chính xác.”
Phép thử Turing, Langdon nhớ ra, là một thử thách được chuyên gia giải mã Alan Turing* đề xuất nhằm đánh giá khả năng của một cỗ máy có thể ứng xử theo cách thức không khác biệt với ứng xử của một con người, về cơ bản, một người đánh giá nghe một cuộc đối thoại giữa một cỗ máy và một con người, và nếu người đánh giá không thể phân biệt được bên nào là con người thì phép thử Turing được xem là thành công. Thử thách chuẩn của Turing đã thành công năm 2014 tại Hiệp hội Hoàng gia ở London. Kể từ đó công nghệ trí thông minh nhân tạo đã tiến bộ với một tốc độ chóng mặt.
“Cho đến giờ trong buổi tối nay,” giọng nói tiếp tục, “không một vị khách nào của chúng tôi nghi ngờ gì cả. Tất cả đều có một quãng thời gian tuyệt vời.”
“Khoan đã, tất cả mọi người ở đây tối nay đều đang nói chuyện với máy tính à?!”
“Về mặt kỹ thuật, tất cả đều đang nói chuyện với tôi. Tôi có thể phân thân rất dễ dàng. Ngài đang nghe giọng nói mặc định của tôi - giọng nói mà Edmond ưa thích - nhưng những người khác thì đang nghe các giọng hoặc ngôn ngữ khác. Dựa trên tiểu sử của ngài là một nam giới học thuật người Mỹ, tôi chọn chất giọng Anh quốc nam mặc định của mình cho ngài. Tôi đoán rằng như thế sẽ tạo ra sự tự tin lớn hơn là một giọng nữ trẻ kéo dài kiểu miền nam chẳng hạn.”
Có phải cái thứ này vừa nói mình là một kẻ sô vanh không nhỉ?
Langdon nhớ ra một đoạn ghi âm rất thịnh hành từng được lưu hành trên mạng vài năm trước: Ông trưởng ban Michael Scherer của tạp chí Time được một người máy tiếp thị qua điện thoại gọi điện và người máy giống người đến mức Scherer đã đăng tải đoạn ghi âm cuộc gọi lên mạng để tất cả mọi người cùng nghe.
Chuyện đó nhiều năm trước rồi, Langdon nhận ra vậy.
Langdon biết rằng Kirsch đeo đuổi trí thông minh nhân tạo đã nhiều năm, thỉnh thoảng lại xuất hiện trên bìa các tạp chí ca ngợi những đột phá khác nhau. Rõ ràng, hậu duệ “Winston” của Kirsch chính là đại diện cho trình độ tân tiến hiện tại của cậu ấy.
“Tôi nhận ra toàn bộ việc này diễn ra rất mau chóng,” giọng nói tiếp tục, “nhưng ngài Kirsch có yêu cầu rằng tôi cho ngài xem đường xoắn ốc này ở đúng chỗ lúc này ngài đang đứng. Ông ấy đề nghị rằng ngài hãy vui lòng bước vào trong đường xoắn ốc và tiếp tục đi hết đến phần trung tâm.”
Langdon ngó vào cái lối đi uốn cong chật hẹp và cảm thấy các cơ của mình cứng lại. Có khi đây là ý tưởng của Edmond về một trò tinh nghịch thời đại học chăng? “Anh có thể nói cho tôi biết trong đây có gì không? Tôi vốn không phải người chuộng những không gian chật hẹp lắm.”
“Rất thú vị, tôi không biết chi tiết đó về ngài.”
“Tâm lý sợ không gian tù túng không phải là chuyện tôi đưa vào lý lịch trên mạng của mình.” Langdon sực tỉnh, vẫn không thể hình dung được mình đang nói chuyện với một cỗ máy.
“Ngài không cần thiết phải sợ. Không gian ở trung tâm đường xoắn ốc khá rộng rãi và ngài Kirsch đặc biệt có yêu cầu rằng ngài hãy xem xét phần trung tâm. Tuy nhiên, trước khi ngài bước vào, Edmond có đề nghị rằng ngài hãy gỡ tai nghe và đặt lên sàn ở phía ngoài đây.”
Langdon ngập ngừng nhìn khối cấu trúc lù lù.
“Anh sẽ không đi cùng với tôi à?”
“Hẳn nhiên là không rồi.”
“Anh biết đấy, toàn bộ việc này rất lạ lùng, và tôi không hoàn toàn…”
“Thưa Giáo sư, nghĩ đến chuyện Edmond đưa ngài đi cả chặng đường tới sự kiện này thì dường như ngài đi bộ một quãng ngắn vào trong tác phẩm nghệ thuật này là một đề nghị rất nhỏ nhoi. Trẻ con vẫn làm việc đó hằng ngày và sống khỏe mà.”
Langdon chưa bao giờ bị một cỗ máy trách cứ cả, nếu thực tế thứ này đúng là như vậy, những lời nhận xét gay gắt có tác dụng như mong muốn liền. Ông gỡ tai nghe và thận trọng đặt lên sàn, giờ quay mặt đối diện với lối vào đường xoắn ốc. Những vách tường cao hình thành một đường hẻm rất hẹp uốn cong hút tầm nhìn, biến mất trong bóng tối.
“Chẳng vấn đề gì cả,” ông tự nói với mình
Langdon hít một hơi thật sâu và sải bước vào trong.
Lối đi uốn cong mãi, xa hơn ông hình dung, ngoằn ngoèo sâu hơn và chẳng mấy chốc Langdon không còn biết mình đã xoay vòng bao nhiêu lần rồi. Với mỗi vòng xoay thuận chiều kim đồng hồ, lối đi lại trở nên hẹp hơn, và đôi vai rộng của Langdon lúc này gần như cọ sát vào vách. Thở đi, Robert. Các tấm kim loại đặt xiên có cảm giác như chúng có thể đổ sập vào trong bất kỳ lúc nào và đè bẹp ông bên dưới hàng tấn thép.
Tại sao mình lại làm chuyện này nhỉ?
Ngay trước lúc Langdon định quay lại và đi ngược ra thì lối đi đột ngột kết thúc, để ông xuất hiện trong một không gian mở rộng rãi. Đúng như đã hứa, một căn phòng lớn hơn ông mong đợi. Langdon bước nhanh khỏi đường hầm ra khoảng trống, thở hắt ra trong lúc xem xét mặt sàn trơ trụi và những bức tường kim loại cao, lại cảm thấy băn khoăn không biết đây có phải là một màn chơi xỏ tinh vi của đám sinh viên đại học không.
Một cánh cửa lạch xạch đâu đó bên ngoài, và những tiếng chân bước nhanh nhẹn vang lên phía ngoài những bức tường cao. Có ai đó vừa bước vào phòng trưng bày, đi qua cánh cửa gần đó mà Langdon đã thấy. Tiếng bước chân tiến lại đường xoắn ốc và sau đó bắt đầu đi vòng sang phía Langdon, càng lúc càng rõ hơn sau mỗi khúc ngoặt. Có ai đó đang bước vào cái đường ống kia.
Langdon tựa lưng và đối diện lối ra trong khi tiếng bước chân tiếp tục đi lượn vòng, tiến lại gần hơn. Tiếng lách cách ngắt âm rõ hơn cho tới khi một người đàn ông đột ngột xuất hiện từ trong đường hầm. Anh ta thấp lùn và mảnh dẻ với làn da xanh xao, đôi mắt rực sáng và một mớ tóc đen buông tự nhiên.
Langdon trân trân nhìn người đàn ông một lúc lâu và cuối cùng mới cho phép mình nở nụ cười ngoác đến mang tai. “Edmond Kirsch vĩ đại lúc nào cũng có màn xuất hiện long trọng.”
“Có mỗi cơ hội duy nhất để gây ấn tượng lần đầu thôi mà thầy,” Kirsch niềm nở đáp lời. “Em rất nhớ thầy, thầy Robert. Cảm ơn thầy đã đến.”
Hai người đàn ông ôm chầm lấy nhau. Khi Langdon vỗ vỗ lên lưng người bạn cũ, ông cảm thấy Kirsch gầy hơn hẳn.
“Em giảm cân đấy,” Langdon nói.
“Em ăn chay mà,” Kirsch đáp. “Còn dễ dàng hơn là phép tinh lược.”
Langdon bật cười. “Chà, thật vui được gặp em. Và, lúc nào cũng vậy, em khiến tôi cảm thấy mình ăn mặc quá diện.”
“Ai cơ, em à?” Kirsch liếc nhìn xuống chiếc quần bò đen lẳng nhẳng cùng áo phông cổ chữ V trắng và chiếc áo khoác ngắn tay chun của mình. “Thế này là sang rồi.”
“Dép xỏ ngón màu trắng là sang à?”
“Dép xỏ ngón ạ?! Đôi này là hàng Ferragamo Guineas đấy.”
“Và tôi đoán chúng còn đắt hơn toàn bộ phục trang của tôi ấy chứ.”
Edmond bước lại và kiểm tra nhãn hiệu trên chiếc áo khoác cổ điển của Langdon.
“Thật ra,” anh nói, mỉm cười ấm áp, “đây là chiếc áo đuôi tôm rất đẹp. Vừa vặn lắm.”
“Tôi phải nói với em, Edmond ạ, anh bạn nhân tạo Winston của em… rất đáng ngại.”
Kirsch cười toét. “Phi thường phải không ạ? Thầy không thể tin nổi những gì em đã hoàn thành trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo trong năm nay đâu - những bước nhảy vọt ngoạn mục. Em đã phát triển một số công nghệ độc quyền mới giúp máy móc giải quyết vấn đề và tự kiểm soát theo những cách thức hoàn toàn mới. Winston là một dự án đang triển khai, nhưng nó tiến bộ hằng ngày.”
Langdon nhận thấy những nếp nhăn hằn sâu xuất hiện quanh đôi mắt trẻ con của Edmond sau một năm qua. Anh chàng này trông rất mỏi mệt. “Edmond, em có ngại nói cho tôi biết tại sao em lại đưa tôi đến đây không?”
“Tới Bilbao ạ? Hay là vào đường xoắn ốc Richard Serra?”
“Chúng ta bắt đầu từ đường xoắn ốc đi,” Langdon nói. “Em biết tôi sợ không gian tù túng mà.”
“Chính xác. Tối nay là nhằm đẩy mọi người ra khỏi vùng dễ chịu của họ,” anh nói kèm nụ cười đầy tự mãn.
“Vẫn luôn là đặc trưng của em.”
“Hơn nữa,” Kirsch nói thêm, “em cần nói với thầy và em không muốn bị trông thấy trước buổi diễn.”
“Bởi lẽ các ngôi sao nhạc rock không bao giờ trà trộn với khách mời trước buổi hòa nhạc à?”
“Chính xác!” Kirsch đáp lại vẻ bông lơn. “Các ngôi sao nhạc rock xuất hiện một cách kỳ diệu trên sân khấu trong màn khói mù mịt.”
Phía trên đầu, các bóng đèn đột ngột dịu xuống rồi bật lên. Kirsch kéo ống tay áo và nhìn đồng hồ. Rồi anh liếc Langdon, vẻ mặt đột nhiên trở nên nghiêm trọng. “Thầy Robert, chúng ta không có nhiều thời gian. Tối nay là một thời điểm khác thường với em. Thực tế, nó sẽ là một thời điểm quan trọng cho toàn thể nhân loại.”
Langdon bỗng cảm thấy phải đề phòng.
“Gần đây, em có một phát hiện khoa học,” Edmond nói. “Đó là một đột phá sẽ có ý nghĩa ảnh hưởng rất sâu rộng. Gần như không ai trên thế giới này biết về nó, và tối nay - không lâu nữa - em sẽ trực tiếp phát biểu với cả thế giới và công bố những gì em đã tìm ra.”
“Tôi không biết chắc phải nói gì,” Langdon đáp. “Việc này nghe chấn động quá nhỉ.”
Edmond hạ giọng, và tiếng anh trở nên căng thẳng khác thường. “Trước khi em công khai thông tin này, thầy Robert, em cần lời khuyên của thầy”. Anh ngừng lại. “Em sợ rằng mạng sống của em có thể tùy thuộc vào điều đó.”