Chỉ có một thành công mà thôi, đó là sống cuộc sống của mình theo cách của chính mình.

Christopher Morley

 
 
 
 
 
Tác giả: Ngô Thế Vinh
Biên tập: Oanh2
Upload bìa: Oanh2
Số chương: 17
Phí download: 3 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 2067 / 61
Cập nhật: 2015-10-21 20:49:31 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
In Retrospect - Nhìn Lại
Was the character of my valor less intense than those at Lexington? Was the pain of my wounds any less severe than those at Normandy? And was my loneliness any less sorrowful than those at Inchon? Then why am I forgotten amongst those remembered as Heroes?
George L. Skypeck
Tạm gọi tên anh là Gumber để tôn trọng sự riêng tư của nạn nhân và gia đình. Do cái chết mới đây, anh ta chẳng còn dịp đôi lần là bệnh nhân của Phan nữa. Đã là thầy thuốc thì sự sống và chết đôi khi là sự tiếp cận của thường ngày, nhưng Phan cũng không tránh khỏi kinh ngạc khi nghe tin về cái chết đột ngột của anh, nhất là với cách thế mà anh chọn lựa để tự kết liễu đời mình.
Anh sống cô quạnh, một lần ly dị và không con. Sự thể cô vợ rất sớm phải bỏ anh vì không chịu được tính nết hung hãn bất thường của chồng cho dù họ vẫn còn thương nhau. Từng là lính cổ da, thuộc một trong những đơn vị Thủy quân Lục chiến đặc trách xây dựng phòng tuyến McNamara từ trước Tết Mậu Thân, cựu chiến binh Mỹ ở Việt nam, hai lần bị thương, với số tuổi nay đã gần 50. Anh đã bắt đầu nghiện rượu và hút cần sa từ lúc còn rất trẻ khi mới qua Việt nam. Giải ngũ, thất nghiệp từ nhiều năm và không thấy có một tương lai. Anh sống qua ngày bằng số tiền trợ cấp tàn phế nhỏ nhoi. Tất cả đều liên hệ tới những mất mát từ chiến trường Việt nam: chứng động kinh do vết thương sọ não. Anh đã từng bị sốt rét ác tính, và cũng là người duy nhất sống sót của một tiểu đội mất tích; tuy bị thương nặng ở bụng và chân do những miểng mìn claymore sau khi rơi vào ổ phục kích đêm của Việt cộng ở một nơi xa xôi nào đó trong vùng cao nguyên Trung phần Việt nam cách đây 27 năm. Cũng phải kể tới vết thương khác không chảy máu Bloodless Wounds PTSD - hội chứng tâm thần sau chấn thương ở những năm sau khi anh đã trở lại nước Mỹ.
Chỉ vài tuần trước đây, cùng với khoảng 500 người tình nguyện khác, anh Gumber đã tham gia trong chiến dịch Stand Down, tổ chức mỗi năm ở thành phố này, để chăm sóc cho những người cựu chiến binh không cửa không nhà.
Stand Down - một thuật ngữ quân sự có nghĩa là di chuyển từ vùng chiến trận về một nơi an toàn - ở đây là một chiến dịch kéo dài ba ngày, tìm nhặt những người cựu chiến binh vô gia cư đang sống trên hè phố, đưa về một địa điểm tạm trú, cung cấp cho họ những dịch vụ cần thiết như những bữa ăn nóng, áo quần, thuốc men, cố vấn pháp luật mà đa số đều có vấn đề, rồi sau đó là giúp họ tìm việc làm.
Chỉ nguyên ở thành phố nhỏ này, theo ước lượng của sở xã hội, đã có khoảng hơn 600 cựu chiến binh không cửa không nhà. Họ không biết hoặc cũng chẳng thiết tìm nơi để được giúp đỡ. Và con số không đếm được sẽ là bao nhiêu ở các thành phố lớn khắp trên nước Mỹ thì không ai biết chắc.
Đã không thiếu những cuộc duyệt binh với rừng cờ sao và sọc và cả rực rỡ những dải băng vàng để chào mừng những người lính như những anh hùng trở về sau cuộc chiến tranh chớp nhoáng mấy tuần ở Vùng Vịnh Desert Storm và rồi cả với những cuộc chiến tranh khác; nhưng hình như đã không có một đối xử như vậy đối với những người cựu chiến binh trở về từ Việt nam với hàng năm dài chịu trận ròng rã. Hai mươi năm sau, một số không ít vẫn còn mang những vết thương, vẫn lang thang trên đường phố, họ vẫn mãi chưa được trở về nhà.
Họ vẫn sống ngoài lề xã hội, thường xuyên phải chịu đựng thiếu thốn và bị gán cho những thói hư tật xấu của bọn nghiện ngập và dân phạm pháp, đẩy họ tới đáy vực sâu của sự sa sút niềm tin và mất cả lòng tự trọng. Họ, đa số là những cựu chiến binh Việt nam bị lãng quên; phải chăng chỉ vì họ bước ra từ một trận chiến đã không có được chiến thắng vinh quang hay nói trắng ra là trận chiến mà lần đầu tiên nước Mỹ đã bị thua.
Trở lại câu chuyện anh Gumber. Bấy giờ là khoảng 7 giờ 30 sáng thứ Sáu, hạ tuần của tháng Sáu, mà Phan còn nhớ rõ như mới ngày hôm qua. Khi Phan vừa tới sân vận động, dưới một bầu trời hừng nắng của một ngày rất đẹp miền Nam California, thì khung cảnh trông đã giống như một trại lính với những lều vải khaki có phủ lưới ngụy trang màu xanh rừng.
Đi lại trong sân là những người cựu chiến binh vô gia cư, họ đã được những chuyến xe bus đón về đây từ chiều hôm qua. Cho dù râu tóc vẫn còn rậm rịt nhưng được tắm rửa với áo quần đã được giặt rũ, cũng khó mà phân biệt họ với đám thiện nguyện viên cũng là những người lính cũ năm nào. Nói chung họ đã là những người lính thuộc đủ mọi binh chủng, đủ hạng tuổi, màu da và đã từng tham dự vào những cuộc chiến tranh khác nhau, hy sinh một phần đời tuổi trẻ của họ, chịu đựng cả những mất mát -để phục vụ cho một xứ sở có tiếng là giàu có nhất thế giới, để rồi khi giải ngũ, một số không ít phải sống như những người vô gia cư trên các đường phố, chịu đói khát thiếu thốn trong tình cảnh cô đơn và tuyệt vọng. Câu chuyện nghe thật buồn và cả khó tin nhưng lại có thật. Trên nón, trên lưng hay ngực áo của họ là những giòng sử thật cô đọng, mà đa số liên hệ tới cuộc chiến tranh Việt nam. The Forgotten War, The Forgotten Warriors, It’s Time To Remember. Nam Vet, Graduate From University of Khe Sanh. Vietnam Vets, We Were Always Right, And Proud of it...
Như một khúc phim hồi tưởng, một thoáng Phan đã sống lại những kỷ niệm chiến trận gian lao với những người lính đồng đội Việt nam của anh ngày nào. Và rồi ngay sau đó, trở lại với thực tại, Phan phải chuẩn bị bước vào một ngày biết trước là sẽ rất bận rộn. Đây cũng là năm thứ tư Phan lại có dịp làm việc chung với khoảng 500 thiện nguyện viên khác, như một chu kỳ hàng năm nhằm đem lại ít ngày nghỉ ngơi cho các cựu chiến binh không nhà.
Và Phan ngạc nhiên khi thấy anh Gumber đã có mặt ở đó. Anh ta rõ ràng là khác hẳn mọi ngày: rất ư là sạch sẽ và gọn gàng. Anh trẻ trung hẳn ra, với ánh mắt long lanh và khuôn mặt thì rạng rỡ. Hôm nay anh tới đây như một người thiện nguyện làm việc nơi bệnh xá, chứ không phải là người bệnh không cửa không nhà như mọi năm khác. Phan đọc được giòng chữ You’re Not Alone With your Pain trên ngực chiếc áo T-shirt của anh. Trông anh tích cực khỏe mạnh và năng nổ làm người chạy dẫn -runner, mỗi khi anh được gọi tên. Rất nhanh nhẹn cho dù anh vẫn phải dùng gậy, chạy tới chạy lui qua các trạm hẹn khác nhau. Phan nhớ là anh ta đã phải dùng gậy chống từ nhiều năm vì vết thương cũ với những mảnh mìn nơi chân. Thật là khó mà tin rằng anh ta lại có thể hữu hiệu đến như vậy; trái ngược với hình ảnh vốn quen thuộc của anh Gumber lúc nào trông cũng buồn bã trầm cảm, cả xa cách nhưng cũng rất dễ nổi nóng và gây hấn và luôn luôn than vãn về những chuyện nhỏ nhặt không đâu. Như cơm bữa, anh thường hay lui tới các phòng ngoại chẩn, đi khám bệnh chỉ là cái cớ nhưng thực ra điều anh cần là chút hơi ấm nhân sinh. Cả với số điện thoại 911 và xe ambulance, anh cũng là khách quen. Lâu lâu anh lại được xe cứu thương chở tới phòng cấp cứu của những bệnh viện khác nhau, hoặc vì chứng động kinh tái phát do không chịu uống thuốc hoặc bị trúng độc thuốc vì uống quá liều, và phải kể cả đôi lần anh cắt mạch máu cổ tay để tự vẫn.
Chỉ mới năm ngoái thôi, anh Gumber tới đây như một cựu chiến binh không nhà. Nhưng năm nay thì khác hẳn, anh tới đây với một vị trí để giúp người khác. Hình như anh đã thực sự chán và mỏi mệt với cái hình ảnh bất ưng nơi chính mình: một anh Gumber vô gia cư và không có chút giá trị nào. Hôm nay thì anh tới đây như một con người có trách nhiệm, mong có cơ hội làm điều tốt và anh ta tỏ ra rất kiêu hãnh. Anh đã tự mình đứng dậy để được đếm xỉa tới, và không thể chấp nhận sự đối xử lạnh lùng vô ơn của xã hội đối với những người như anh -điều mà chính anh biết rằng nó đã có khả năng xô ngã và nhận chìm cả đời anh.
Sự hiện diện của anh Gumber nơi đây như là một thách đố. Rằng phải làm một cái gì cho nỗi thất vọng và cả chua sót với những người cựu chiến binh không nhà. Lẽ ra thì họ phải được kính trọng và quan tâm nhiều hơn. Anh Gumber và cũng như mọi cựu chiến binh khác, họ là những người sống sót sau chiến trận nhưng lại mang những dấu ấn xấu xí chỉ vì họ bước ra từ một cuộc chiến đã không có kết thúc bằng sự thắng trận vinh quang. Nhưng dù muốn hay không thì họ vẫn là một phần gắn bó thiết thân với thực- tại- nước-Mỹ này.
Và rồi chiến dịch Stand Down cũng qua đi, người ta lại thấy anh Gumber đến khu cấp cứu của một bệnh viện khác vào tuần trăng tròn -full moon. Anh trở lại vẻ buồn bã và xa cách. Anh không ăn từ mấy hôm nay, than mất ngủ, lo lắng vô cớ và tinh thần thì sa sút nhưng anh không hề có ý định tự vẫn. Trông anh xuống sắc hẳn nhưng anh đã từ chối nhập viện theo lời khuyên của bác sĩ.... Một khoảng thời gian khá lâu sau không ai còn nghe nhắc tới anh. Tình cờ trong câu chuyện của mấy cô y tá nhắc tới những bệnh nhân đặc biệt của khu cấp cứu. Tên anh Gumber và cả tin anh chết “he hung himself” được dửng dưng nhắc tới, lẫn vào những cái tên quen thuộc khác. Nhưng riêng bác sĩ Phan thì không thể không bàng hoàng khi lần đầu tiên nghe tin này. Và bây giờ thì chính Phan phải lớp lang dàn dựng lại những gì đã xảy ra xoay quanh cái chết của anh Gumber......Hôm đó khi rời phòng cấp cứu, anh Gumber trở lại nơi tạm trú - là căn phòng tồi tàn của một khách sạn cũ dưới Downtown. Anh vẫn không thiết ăn không ngủ và tinh thần thì thêm sa sút. Vậy mà hằng đêm, như một tra tấn anh vẫn cứ phải nghe tiếng cánh quạt vần vũ của mấy chiếc trực thăng cảnh sát bay lượn trên bầu trời thành phố lúc nào cũng đen nghịt.
Vẫn tiếng trực thăng ấy vang vọng từ hơn 30 năm, vẫn bám riết và theo đuổi anh trên khắp vùng chiến trận từ đồng lầy của những thửa ruộng lúa xanh đồng bằng sông Cửu long tới lớp lớp rừng già rậm rịt và đẫm chất da cam của núi non Trường sơn. Âm thanh ấy đã làm thức dậy ký ức và những kỷ niệm kinh hoàng từ Việt nam - Vietnam flashback, đã làm bung mở tất cả những vết thương chưa bao giờ thực sự lành.
Trong cơn đau cùng cực với sợ hãi và cảm giác vô vọng, anh xuống giường và vội vã chống gậy bước ra khỏi cửa, để lao vào bóng đêm, khập khễnh lang thang trên những đường phố vắng, không mục đích không có nơi để tới và chẳng thể nào mà trở về. Bấy lâu thiếu ăn thiếu ngủ, anh mau chóng kiệt sức, anh phải dừng lại nơi một trạm xe bus ban đêm không một bóng ai.
Anh thì đã quá quen thuộc với trạm bus này, là phương tiện giao thông duy nhất để anh đi từ Shelter Downtown tới các bệnh viện hay cả một nơi bất định nào khác. Trước đây anh đã từng có hàng giờ ngồi chờ ở trạm bus và có dịp quan sát từ chiếc cột tới thanh xà, và như một khám phá anh thấy rằng chỉ cần một dây lưng da cho tốt thì bất cứ tên vô lại chán đời nào - nhưng không phải là anh, cũng có thể tự treo cổ dễ dàng.
Bụng đói lép kẹp, không ăn không ngủ anh ốm đi tới hai chục “pounds”chứ không ít đâu. Quần anh rộng như không còn bám lấy bụng mà cứ tụt trễ xuống, khiến anh phải luôn tay nắm dây lưng kéo lên. Chiếc dây lưng da và trạm xe bus - bấy giờ như một kết hợp gợi ý định mệnh và đúng lúc.
Nhìn quanh chẳng có tên vô lại nào khác ngoài chính anh. Ý nghĩ tự vẫn đến bất chợt, và rồi cứ thế như trên một sa bàn, anh thực hiện từng bước kế hoạch đã được điều nghiên trước. Anh đã tự treo cổ với chiếc dây lưng da to bản kiểu cowboy Texas, món quà sinh nhật mà vợ anh đã tặng cho năm nào. Anh đã tự tử nhiều lần nhưng chẳng may lần nào anh cũng được cứu sống. Nhưng lần này thì anh toại nguyện. No more Vietnam, Vietnam never again. Cuộc chiến Việt nam và cả nỗi đau của những vết thương thực sự chấm dứt từ đây. Việt nam, nay thì anh đã thực sự giã từ. Đã không có một bài báo hay cả đôi dòng tin ngay trên tờ báo nhỏ địa phương đề cập tới cái chết của anh. Thực sự thì từ lâu anh đã chết như một người lính vô danh kể từ ngày bước ra khỏi trận địa Việt nam để mãi chẳng bao giờ về được tới nhà. Sống trong thời bình, thật khó mà hiểu được là chiến tranh đã có hậu quả tác dụng lâu dài trên mỗi con người ra sao, như đối với anh Gumber. Người ta chữa trị cho anh bằng tất cả tiến bộ kỹ thuật y khoa, nhưng đồng thời cũng đã lạnh lùng phân đoạn con người và cuộc đời tình tự của anh. Điều mà lẽ ra không thể quên, từ một câu nói quen thuộc của Trousseau “Không có bệnh mà chỉ có người bệnh”, và mục đích tối hậu của y khoa phải là “thêm sức sống cho tháng năm chứ đâu phải chỉ cộng thêm năm tháng để kéo dài đời người.”
Cho đến bây giờ trong ký ức Phan vẫn không thể nào xóa nhòa cái hình ảnh rạng rỡ và khuôn mặt hạnh phúc của anh Gumber khi bỗng chốc anh được thấy mình trở lại có ích, cho dù chỉ ngắn ngủi ở mấy ngày của chiến dịch Stand Down năm đó. Lẽ ra anh đã không chết và cả sống hạnh phúc nữa nếu anh thực sự được trở về nhà với một tấm căn cước và có cơ hội sống cho và sống với người khác. Và anh Gumber vẫn chưa phải là người lính Mỹ cuối cùng chết trong trận chiến tranh Việt nam.
California 02/1996
Mặt Trận Ở Sài Gòn Mặt Trận Ở Sài Gòn - Ngô Thế Vinh Mặt Trận Ở Sài Gòn