The longer you wait for something, the more you appreciate it when you get it, because anything worth having is definitely something worth waiting.

Unknown

 
 
 
 
 
Tác giả: Vũ Ngọc Anh
Thể loại: Hồi Ký
Biên tập: Little Rain
Upload bìa: Toan Nguyen
Số chương: 24
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 28
Cập nhật: 2024-10-26 21:10:07 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 9: “Homestay” Ở Thanh Hóa
gôi nhà bác bán lạc cho tôi tạm trú ở Thanh Hóa là ngôi nhà cấp 4 bình thường như những ngôi nhà của các hộ dân vùng biển khác, nó có một hàng rào sắt ở ngoài, bên trong là một vườn rau trồng mấy luống rau theo thời vụ. Tôi bước vào trong nhà thì chỉ thấy có hai vợ chồng bác bán lạc. Bác bán lạc, gọi là bác Nam. Bác dặn vợ bác chuẩn bị chỗ nghỉ ngơi cho tôi. Bác gái dẫn tôi vào buồng trong, dù trời tối, nhập nhoạng ánh điện nhưng không thể che giấu được thân hình mập mạp, phúc hậu của bác gái. Tôi nghĩ thầm đúng là vợ chồng bù trừ cho nhau, trong khi bác Nam gái đẫy đà thì bác Nam trai gầy gò, khắc khổ, mặt nghiêm nghị, có nét hơi khó tính.
Căn buồng tôi nằm có chiếc giường đôi đã được trải chiếu mới sạch sẽ, có đầy đủ gối chăn, quạt được cắm sẵn, Internet thì tôi luôn thủ sẵn cục USB 3G trong túi nên chỗ này không khác gì nhà nghỉ bên biển cả. Làm gì tiếp theo, chả nhẽ cứ ở đây vài hôm, đi ra biển rồi lại về nhà trọ? 600K này chắc chỉ đủ tiêu khoảng 4 ngày, còn phải để dành tiền xe về Hà Nội nữa. Không có tiền, đi chơi thực sự tù túng, bí bách! Bỏ qua mọi quà cáp, đồ lưu niệm, hay những món ăn xa xỉ, tôi cố gắng tằn tiện trong 150K/ngày cả tiền nhà trọ. Khi con người ta ít tiền, tự dưng lại vô tình trở thành những “cao thủ” tính toán. Nhưng tính đi tính lại thì tôi vẫn còn rất nhiều bạn sẵn sàng giúp, nếu tiêu hết tiền thì gọi điện nhờ mọi người, tôi đang ở Việt Nam chứ có phải ở nước ngoài đâu mà lo không ai cho vay được vài trăm, cùng lắm nếu không ai cho vay thì lăn xe đi ăn xin hay khỏa thân kiếm tiền. Đang chìm trong suy nghĩ mông lung về tiền nong thì bác gái gọi tôi ra ăn tối.
- Rượu chứ? - Bác trai hỏi và lôi ra chai rượu trắng.
- Dạ, cháu uống 1 chén thôi. - Vừa nói xong bác Nam đã rót cho tôi chén rượu mà tôi nghĩ đây là cái cốc thì đúng hơn.
Bữa cơm người vùng biển thực sự là rất tươi ngon, một nồi cá kho với canh riêu cá, ngoài cá thì còn có cả tôm luộc nữa. Loáng cái tôi đã chén xong 3 bát với một tốc độ không thể nhanh hơn gió. Lúc tôi ăn xong, hai bác vẫn còn đang ăn và thắc mắc tình trạng của tôi.
- Cháu bị sao mà ngồi xe lăn? Bác thấy tay chân cũng bé, hình như bị teo hả?
- Cháu bị xương thủy tinh.
- Xương thủy tinh à? Chưa nghe bao giờ, bệnh này, chắc lạ.
- Nó là một kiểu giòn xương ấy bác, va chạm mạnh là gãy tay hoặc gãy chân. - Tôi từ tốn giải thích.
- Vậy mà cũng đi như thế này à?
- Vâng, cháu thích đi lắm, từ bé cháu ngồi một chỗ nhiều rồi, đến bây giờ lớn lên cháu mới có động lực để đi. Hai bác ở nhà có một mình thôi ạ?
- Bác có hai đứa, thằng con trai thì vào nam làm. Còn đứa con gái đang học ngoài Hà Nội.
- Em gái học gì thế bác?
- Báo chí, thợ viết. Không biết sau này có ra hồn không nhưng nó thích thì cứ để nó học.
- Bình thường bác hay đi bán lạc lúc nào ạ?
- Rỗi thì bác đi, thường là chút chiều và tí buổi trưa. Còn lại thời gian sáng sớm với chiều muộn thì phải phụ bà ấy ngoài chợ cá. - Vừa nói, người đàn ông có làn da rám nắng này nhìn sang người vợ có chút phốp pháp của mình mỉm cười âu yếm.
- Bác gái bán cá ạ? Bán sáng hay chiều, bác?
- Thường là sáng, chiều cũng có nhưng không nhộn nhịp.
- Hôm nay hình như bác không đi chợ chiều?
- Bác thấy ông ấy nói nhà có khách, nên về sớm chuẩn bị cơm. Bác gái nhanh tay xới cho bác trai bát cơm.
- Mà sáng mai bác có đi không?
- Có chứ, ngày nào chả đi.
- Vậy sáng mai cho cháu đi ra đấy với nhé.
- Đi được không?
- Được chứ, cháu ra bán cá hộ bác luôn.
Bác gái và bác trai cười lớn, có vẻ như câu nói của tôi làm cho hai bác thấy buồn cười. Tôi cũng cười theo hai bác mà chả cần lý do gì. Cứ thế câu chuyện quanh mâm cơm tiếp tục mãi cho đến khi hai con người tần tảo kia kết thúc bữa cơm tối cùng chén rượu đã cạn từ lúc nào.
Ăn uống no say xong thì tôi gọi điện về nhà báo cáo tình hình cho bố mẹ rồi muốn ra biển chơi một lát, bác Nam dặn đi dặn lại tôi phải đi cẩn thận, tuy chỗ này không có cướp nhưng đề phòng vẫn hơn, bác còn dặn dò thêm là có ai hỏi thì bảo cháu bác Nam ngoài Hà Nội về chơi và không quên đưa cho tôi cái ô nếu mưa có cái mà che. 7 giờ tối, biển tối như màu mực tàu, xa xa có vài ánh đèn len lỏi của tàu đánh cá, ánh trăng soi và màu lờ nhờ của màn đêm làm ẩn hiện bờ biển, vài ánh sáng le lói từ mấy quán ăn hắt ra biển. Biển ở đây không nhộn nhịp, tấp nập như nhiều bãi biển khác nhưng không vì thế mà không có khách du lịch ở đây. Để xuống gần biển, tôi phải lăn xe qua bãi cát trải dài quanh biển. Lăn xe qua cát là mất sức nhất, phải lết từng chút từng chút một, mãi tôi mới lăn đến gần mép nước. Ngửa đầu về phía sau, hít hà hơi biển, nhắm mắt cảm nhận cái mát rượi khi gió biển lùa qua tóc, qua quần áo, cứ thế tôi thiếp đi lúc nào không hay…
- Con cái nhà ai ra đây ngồi thế này? Tôi giật mình choàng tỉnh giấc.
- Dạ, cháu là cháu bác Nam.
- Ông Nam hay đi bán lạc luộc đó hả? Giọng nữ kia hỏi.
- Vâng. - Tôi trả lời nhưng không nhìn rõ được mặt người hỏi vì ngược sáng và ngoái đầu lại hơi khó khăn.
- Ông ấy đâu mà để ngồi một mình thế này?
- Cháu ra có một mình thôi.
- Muộn rồi đấy, về đi, biển đêm nguy hiểm lắm!
Thế rồi sau câu đó, người phụ nữ đi mất một cách lạnh lùng và đầy bí ẩn. Cũng chả còn gì để ngắm nên tôi ra về. Tiếng biển đêm, sóng đêm vẫn “hát” trong đầu tôi, chúng có một cái gì đó đầy ma mị như những giai điệu tôi đang nghe, nó cuốn hút và pha tạp cảm xúc khá lạ lùng. 10 giờ tối, các hàng quán quanh biển bắt đầu đóng cửa, chỉ còn lại một hay tay bợm nhậu ôm rượu đi giải sầu, tôi lăn xe về con đường cũ, quay về nhà bác Nam.
Cửa nhà bác Nam vẫn chưa đóng, có ý chờ tôi về, vừa thấy tôi, bác gái vội vàng dậy đóng cửa, kêu tôi đi nghỉ sớm. Đi chơi cả tối không sao, tự nhiên đến lúc này cái bụng tôi biểu tình, đòi đi vệ sinh. “Cả ngày nay hình như mình chưa đi vệ sinh”. Do chân tôi yếu, không thể đứng được lên như bình thường nên khi tôi đến bất cứ đâu, nghỉ bất cứ chỗ nào thì việc đầu tiên tôi quan tâm là nhà vệ sinh có bệ bệt để ngồi không, chứ nếu bệ ngồi xổm thì tôi chịu chết và đó là lý do tôi hay chọn nhà nghỉ là chốn dừng chân khi đi xa chỉ vì chuyện “đưa nỗi buồn vào nơi hoang vắng”. Theo hướng bác gái chỉ, tôi tiến tới chỗ vệ sinh rồi chỉ muốn đứng khóc ở đó.. Ở đây người ta vẫn ngồi bệ xổm đồng nghĩa với việc tôi không thể đi “giải quyết” được trong cảnh trời tối, đèn bóng 20W lập lòe như ma trơi, không đủ soi sáng những gì có trong đó. “Chỉ cần một cú trượt chân là đời “tèo”, thôi đành ôm bụng ọc ạch đi tắm rồi đi ngủ vậy.”
Giường lạ, chiếu lạ không bao giờ làm tôi mất ngủ cả, mắt đã díp nhưng tôi cố lọ mọ lấy điện thoại và cuốn sổ nhỏ ghi lại những điều hôm nay đã làm, nhẩm tính xem còn lại bao nhiêu tiền, đã cần gọi cứu viện chưa. Tính toán chán, tôi lôi truyện ra đọc nhưng cảm giác rít nhờn trên tay vì muối biển làm quyển truyện trên tay tôi trở nên nhạt nhẽo, gác quyển truyện, tôi đang tính ngủ thì anh Ngọc gọi điện:
- Ngủ chưa? Đang đâu đấy?
- Hải Hòa anh.
- Sao lại ra đấy, anh tưởng trong thành phố mà.
- Trong thành phố chán òm, em đi một vòng mà chả gì hay cả.
- Uh, thế ăn ngủ đâu?
- Ở nhờ nhà dân anh, 80K/ngày, bao bữa trưa, bữa tối nữa thì thêm 20K.
- Vệ sinh sao?
- Hơi khó chút, em đang đau bụng, chắc để mai trời sáng rồi ra xem thế nào.
- Uh. Lịch trình mai thế nào?
- Chắc sáng mai dậy sớm ra bán cá với bà bác này, sau đó trưa em lượn lờ linh tinh tí rồi về ăn uống, chiều thì chưa biết.
- Uh rồi, nghỉ ngơi đi sáng mai dậy sớm. Anh vừa về, mệt quá.
- Rồi, em nằm tí rồi ngủ luôn, có gì em nhắn.
Gác điện thoại cũng là lúc cơn buồn ngủ ập đến, tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Trong cơn mơ, tôi thấy mình đang bước đi trên những con sóng, thậm chí cả trên mây nữa. Trời vừa rạng sáng thì tôi vội lăn đến cái nhà vệ sinh đầu tiên. Thôi trời không chịu đất thì đất phải chịu trời, tôi sắn vội cái quần quỳ xuống nhà vệ sinh để giải quyết “nỗi buồn” ôm cả đêm qua. Sung sướng hết cả người, nhất là vừa “đi” xong lại tắm luôn, cả tấn muối như được trút bỏ hết, không còn bám trên người tôi nữa. Nhẹ nhõm lên nhà thì vừa đúng lúc bác trai và bác gái chuẩn bị đi chợ.
- Thế nào có đi theo bác không? Bác gái vừa nói vừa cười.
- Có chứ bác. Để cháu dọn đồ đã.
Nói rồi tôi dọn đồ và đi cùng hai bác, nói là dọn đồ nhưng cũng chỉ gom mấy thứ linh tinh quý giá như tiền bạc và điện thoại máy ảnh mang theo, còn những thứ như quần áo và vài đồ lặt vặt thì để ở nhà. Trong lúc đi có trò chuyện một lúc, hai bác bảo để hai bác đẩy xe đi cho nhanh nhưng tôi cảm ơn hai bác và nói muốn tự đi, hai bác cứ đi trước tôi sẽ theo sau. Việc này đơn giản hơn leo núi ở Thái Nguyên hay Hà Giang gấp vạn lần nên tôi đuổi theo hai bác khá nhanh. Ra đến chợ, mọi người đã tụ họp ở đó từ lúc nào rồi, cả chợ vang lên những tiếng rao, tiếng trả giá hòa lẫn mùi cá, mùi hải sản và cả mùi biển nữa.
Không Thể Vỡ Không Thể Vỡ - Vũ Ngọc Anh Không Thể Vỡ