Số lần đọc/download: 3614 / 73
Cập nhật: 2016-02-18 21:13:13 +0700
Chương 9
S
au khi Lý Lan đi Thượng Hải, cuộc đại cách mạng văn hóa đã diễn ra ở thị trấn Lưu chúng tôi, Tống Phàm Bình sáng đi tối về, suốt ngày ở trong trường, Lý Trọc và Tống Cương cũng sáng đi tối về, suốt ngày lang thang trên đường phố. Trên phố lớn của thị trấn Lưu bắt đầu đông nghìn nghịt, ngày nào cũng có dòng người diễu phố đi qua đi lại, ngày càng có nhiều người đeo băng đỏ ở cánh tay, đeo huy hiệu đỏ Mao Chủ Tịch ở ngực, tay cầm quyển bìa đỏ in những lời dạy của Mao Chủ Tịch. Ngày càng có nhiều người đi trên phố lớn hò hét và ca hát như những đàn chó to chó nhỏ, họ hô những khẩu hiệu cách mạng, hát những bài ca cách mạng, ngày càng nhiều những tờ báo chữ to dán trên tường chồng chất lên nhau mỗi ngày một dày, khi gió thổi, những bức tường này nổi lên những tiếng kêu phần phật như lá cây. Bắt đầu có những người đội mũ chóp cao bằng giấy trên đầu, có những người đeo biển gỗ lớn trước ngực, còn có cả những người gõ xoong thủng bát vỡ hô khẩu hiệu đả đảo chính mình; Lý Trọc và Tống Cương biết những người đội mũ chóp cao đeo biển gỗ to và gõ vung nồi thủng, là kẻ thù giai cấp như mọi người đã nói. Ai cũng có thể vung tay tát vào mặt họ, giơ chân đá vào bụng họ, nhổ bọt xì mũi vào cổ họ, măn dương vật đái tồ tồ vào thân họ. Họ bị đe nẹt mà không dám nói, cũng không dám liếc nhìn người khác, người khác cười hỉ hỉ hả hả, lại còn yêu cầu người ta giơ tay tát vào mặt mình, lại còn yêu cầu người ta hô khẩu hiệu chửi mình, chửi mình rồi, còn yêu cầu họ chửi tổ tông … Đây là mùa hè khó quên nhất khi Lý Trọc và Tống Cương còn ở tuổi nhi đồng, các cậu không biết đại cách mạng văn hoá đã nổ ra, không biết thế giới đã thay đổi, chúng chỉ biết thị trấn Lưu ngày nào cũng tưng bừng náo nhiệt như ăn tết.
Như hai con chó hoang, Lý Trọc và Tống Cương chui luồn khắp nơi trong thị trấn Lưu chúng tôi, chúng đi theo hết dòng người diễu hành này đến dòng người diễu hành khác trên phố lớn. Mồ hôi dính nhớp nháp ở sau lưng, chúng hô theo những khẩu hiệu "vạn tuế" hết lượt này đến lượt khác, hô theo những khẩu hiệu "đả đảo" cũng hết lần này đến lần khác, chúng hô đến rát cổ bỏng họng, hô tới mức cổ họng vừa đỏ vừa sưng trông như lỗ đít khỉ.
Trên đường diễu hành, Lý Trọc tranh thủ "cưỡng dâm" mấy lần tất cả các cột điện bằng gỗ ở thị trấn Lưu chúng tôi, cậu bé chưa đầy tám tuổi, ôm chặt cột điện, coi việc cọ lên xát xuống như chuyện đương nhiên. Lý Trọc vừa cọ xát mình đỏ bừng mặt, vừa hớn hở nhìn đội ngũ diễu hành trên phố, khi cọ xát người mình, nắm đấm tý tẹo của cậu cũng giơ lên giơ xuống theo tiếng hô "vạn tuế" và "đả đảo". Những người qua lại trên phố nhìn thấy Lý Trọc ôm cột điện làm như vậy, ai cũng nhắy mắt che mồm cười, họ biết cậu đang làm gì, họ không nói ra mồm, nhưng cười thầm hoài trong bụng. Cũng có người không biết, có một bà ở cửa hàng điểm tâm bên cạnh bến xe đường dài, khi đi qua trông thấy Lý Trọc đang say sưa cọ xát mình, đã ngạc nhiên hỏi cậu:
Cháu bé đang làm gì thế?
Lý Trọc nhìn người đàn bà có tên gọi mẹ Tô, không trả lời. Cậu đang bận túi bụi, vừa phải cọ xát, vừa phải hô khẩu hiệu. Vừa vặn, ba học sinh trung học đi tới, chúng không còn bảo Lý Trọc đã phát dục, chúng chỉ vào Lý Trọc và cột điện cậu đang ôm, lại chỉ vào dây điện ở trên, nói với mẹ Tô:
Thằng nhãi đang phát điện.
Người đi trên phố nghe vậy, cười toáng lên, Tống Cương đứng một bên cũng khúc khích cười hoài, tuy Tống Cương không biết vì sao mình phải cười. Lý Trọc rất buồn vì bị người ta hiểu sai, cậu không cọ xát nữa, gạt mồ hôi trên trán, cậu nói với ba học sinh trung học một cách khinh bỉ:
Bọn các anh chẳng hiểu đếch gì.
Sau đó Lý Trọc đắc ý nói với mẹ Tô:
Ham muốn tính dục của cháu đấy bà ạ.
Nghe vậy mẹ Tô hết sức kinh ngạc, bà lắc đầu lia lịa nói:
Nghiệp chướng, gây nghiệp chướng.
Lúc này, đội ngũ diễu hành dài nhất chưa từng có trong lịch sử của thị trấn Lưu chúng tôi đã đi tới, kéo dài suốt từ đầu đến cuối phố, rừng cờ đỏ dày chi chít như lông trâu bay phấp phới, những lá cờ to tướng như ga trải giường, những lá cờ nhỏ to bằng khăn mùi soa, cán cờ nọ va vào cán cờ kia, lá cờ nọ quấn vào lá cờ kia, cứ nghiêng nghiêng ngả ngả trong gió.
Đồng thợ rèn của thị trấn Lưu chúng tôi giơ cao búa sắt nói to: Phải làm một thợ rèn cách mạng dũng cảm vì việc nghĩa, đập cho bẹp, đập cho nát đầu chó, chân chó của kẻ thù giai cấp, đập bẹp như lưỡi liềm lưỡi cuốc, đập nát như những đồ đồng nát.
Thợ nhổ răng họ Dư của thị trấn Lưu chúng tôi giơ cao chiếc kìm nhổ răng, hô to: Phải làm thầy thuốc chữa răng cách mạng, yêu ghét phân minh, phải nhổ bỏ cái răng chắc của kẻ thù giai cấp, nhổ bỏ cái răng sâu của anh chị em giai cấp.
Thợ may Trương của thị trấn Lưu chúng tôi vắt lên cổ cái thước da nói to: Phải làm một thợ may cách mạng, tim trong mắt sáng, nhìn thấy anh chị em cùng giai cấp, phải may những bộ quần áo đẹp nhất mới nhất trên thế giới, trông thấy kẻ thù giai cấp, phải may những chiếc áo thọ rách nhất nát nhất trên thế giới, không! Sai rồi! Những vải bọc xác chết rách nhất nát nhất.
Ông Vương bán kem của thị trấn Lưu chúng tôi đeo thùng kem kêu to: Phải làm những que kem cách mạng không bao giờ tan, ông vừa hô khẩu hiệu, vừa rao bán kem, chỉ bán kem cho anh chị em cùng giai cấp, không bán kem cho kẻ thù giai cấp. ông Vương phất to, mỗi que kem ông bán ra là một giấy chứng nhận cách mạng, ông ta hô mau mau đến mua, mua kem của tôi đều là anh chị em giai cấp, không mua kem của tôi đều là kẻ thù giai cấp.
Hai bố con họ Quan mài kéo của thị trấn Lưu chúng tôi giơ hai chiếc kéo lên hô to: Phải làm chiếc kéo cách mạng thật sắc bén, trông thấy kẻ thù giai cấp là phải cắt dái cắt cu của chúng, ông bố vừa dứt lời, thằng con không nín nổi buồn đái, mồm thì đọc liến thoắng "cắt … cắt … cắt", "cu … cu … cu", xông ra khỏi đội ngũ diễu hành, gí sát đương vật vào góc tường, cởi quần đái tồ tồ.
Tống Phàm Bình cao to lực lưỡng đi ở hàng đầu của đội ngũ, anh giơ thẳng hai tay cầm một lá cờ đỏ khổng lồ, lá cờ đỏ to bằng hai tấm ga trải giường, có thể còn chưa đủ, phải nối thêm cả hai cái khăn phủ gối nữa mới bằng. Cờ đỏ của Tống Phàm Bình bay trong gió cuồn cuộn như sóng vỗ. Tống Phàm Bình dường như giơ một mảng mặt nước đang dào dạt đi trên phố. Chiếc áo lót màu trắng của anh đã ướt sũng mồ hôi, cơ bắp của anh như con sóc nhỏ nhảy nhót trên cánh tay và bả vai, trên khuôn mặt đỏ phừng phừng của anh ngay đến mồ hôi cũng đang cuồn cuộn chảy, cặp mắt anh sáng như tia chớp ở chân trời, trông thấy Tống Cương và Lý Trọc, anh cất tiếng gọi to:
Các con ơi, lại đây.
Lúc này, Lý Trọc đang ôm cột điện, hỏi người bên cạnh một cách hiếu kỳ:
- Tại sao Mẹ Tô lại nói gây "nghiệp chướng"?
Sau khi nghe tiếng gọi của Tống Phàm Bình, cậu lập tức bỏ cột điện, cùng Tống Cương chạy bổ đến. Hai đứa trẻ mỗi đứa một bên, kéo áo lót trắng của Tống Phàm Bình, Tống Phàm Bình hạ thấp cán cờ trong tay để hai con bám vào cán cờ. Tay Lý Trọc và Tống Cương nắm chặt cán cờ có lá cờ đỏ to nhất của thị trấn Lưu chúng tôi đi ở hàng đầu của đội ngũ diễu hành dài nhất của thị trấn Lưu chúng tôi. Tống Phàm Bình sải bước về phía trước, hai cậu bé chạy lon ton bám sát bên người anh, rất đông trẻ con hâm mộ đến nhỏ dãi, cũng chạy theo, chúng đành phải chen nhau túi bụi, chạy ngoài rìa đường, ba học sinh trung học hớn hở, lúc này cũng cười ngặt cười nghẽo chạy theo, chúng cũng đành phải chạy trong đám người ở bên đường. Lý Trọc và Tống Cương bám theo Tống Phàm Bình, giống như chó con bám theo bước chân con voi lớn, hai cậu bé chạy mệt bơ phờ, cổ họng rát bỏng, khi chạy đến một chiếc cầu, Tống Phàm Bình cuối cùng đã đứng lại, sau đó cả đội ngũ diễu hành cũng đứng lại.
Đám người đông nghìn nghịt, đứng chen chật phố to ngõ nhỏ ở dưới cầu, tất cả mọi người đều nhìn Tống Phàm Bình trên cầu, mọi lá cờ to nhỏ đều phấp phới trên cầu, hai tay Tống Phàm Bình giơ lá cờ đỏ khổng lồ quá đỉnh đầu, gió thổi phần phật lá cờ đỏ lớn nhất của thị trấn Lưu chúng tôi, kêu giòn như pháo tết. Sau đó Tống Phàm Bình phất lá cờ đỏ của anh sang trái sang phải, Lý Trọc và Tống Cương ngẩng mặt nhìn lá cờ khổng lồ bắt đầu bay liệng như thế nào, nó bay nghiêng từ bên trái sang bên phải, sau đó lại bay từ bên phải sang bên trái, nó cứ phất đi phất lại trên cầu, khi lá cờ đỏ phất đi phất lại, tạo thành luồng gió, thổi rối tung mái tóc của rất nhiều người, mái tóc của họ cũng bắt đầu bay từ bên này sang bên kia. Khi Tống Phàm Bình phất lá cờ đỏ, đám đông bắt đầu gào thét như sóng thần. Lý Trọc và Tống Cương nhìn thấy rừng nắm tay cứ giơ lên giơ xuống, khẩu hiệu họ hô lên cứ ầm ầm ở xung quanh như tiếng pháo.
Lý Trọc bắt đầu kêu ôi ối, y như kêu khi cậu ôm cột điện, cậu xúc động tới mức nổi gân cổ, đỏ bừng mặt, nói với Tống Cương:
- Ham muốn tình dục của em lại lên cơn.
Nhìn thấy mặt Tống Cương đỏ bừng, rướn cổ nhắm mắt hô hét, cậu mừng rỡ, dơ tay dẩy Tống Cương, nói:
- Anh cũng lên cơn ham muốn tính dục à?
Đây là ngày huy hoàng nhất của Tống Phàm Bình, sau khi kết thúc diễu hành, ai về nhà nấy, Tống Phàm Bình dắt tay hai con vẫn đi trên phố lớn, rất đông người trên phố gọi tên Tống Phàm Bình, Tống Phàm Bình cứ vâng vâng đáp lại họ, có một số người bước đến bắt tay anh. Lý Trọc và Tống Cương đi cạnh bố, hai cậu bé bắt đầu nghênh ngang, chúng cảm thấy mọi người trong thành phố đều biết Tống Phàm Bình. Chúng hớn hở hỏi bố, người gọi tên bố là ai? Người bắt tay bố là ai? Ba bố con cứ đi về phía trước,hai cậu bé cảm thấy mỗi lúc một cách xa nhà, liền hỏi Tống Phàm Bình đi đâu? Tống Phàm Bình trả lời sang sảng:
- Đi ra khách sạn ăn cơm.
Ba bố con đến khách sạn Nhân Dân, người viết hoá đơn, người phục vụ, người đang ăn trong khách sạn đều cười, vẫy tay chào họ, Tống Phàm Bình cũng vẫy bàn tay hộ pháp chào mọi người, giống như tay Mao chủ tịch trên thành lầu Thiên An Môn.Ba bố con ngồi cạnh một cái bàn trước cửa sổ, người viết hoá đơn và người phục vụ xúm đến, những người đang ăn, bưng cơm và thức ăn đến gần ngồi, người đầu bếp ở bên trong nghe tin cũng đi ra, toàn thân đầy mùi dẫu mỡ, đứng đằng sau Lý Trọc và Tống Cương. Họ nhao nhao hỏi rất nhiều vấn đề, câu hỏi họ nêu lên phong phú đa dạng, bắt đầu từ Mao chủ tịch lãnh tụ vĩ đại và cuộc đại cách mạng văn hoá của giai cấp vô sản vĩ đại, họ hỏi đến vợ chồng cãi nhau và con cái ốm đau. Cũng là do phất lá cờ đỏ to nhất chưa từng có xưa nay trong lịch sử thị trấn Lưu chúng tôi, Tống Phàm bình đã trở thành nhân vật quan trọng nhất xưa nay chưa từng có trong lịch sử thị trấn Lưu chúng tôi. Anh ngồi ngay ngắn tại chỗ, hai tay to mập để trên bàn, lần nào trả lời, anh cũng nói trước một câu:
- Mao chủ tịch dạy chúng ta…
Trong trả lời của anh toàn là lời Mao chủ tịch, không có câu nào của mình. Trả lời của anh khiến những người có mặt cứ gật đầu tơi tới như chim gõ kiến, mồm họ há hốc ra khen rối rít, ái à, ái à như đau nhức răng. Lúc này Lý Trọc và Tống Cương bụng đói lép kẹp, đói tới mức rắm đánh không có mùi, hai cậu bé vẫn im lặng,vẫn nhìn bố một cách sùng kính. Chúng cảm thấy mồm miệng Tống Phàm Bình là mồm miệng Mao chủ tịch, nước bọt Tống Phàm bình bắn ra là nước bọt Mao chủ tịch.
Lý Trọc và Tống Cương không biết đã ngồi bao lâu trong khách sạn Nhân Dân, không biết mặt trời đã lặn từ bao giờ, không biết lúc nào trời tôí đã lên đèn, sau đó, hai cậu mới được ăn mì Dương Xuân, hơi nóng bốc lên ngùn ngụt. Người đầu bếp toàn thân dầu mỡ, cúi xuống hỏi chúng:
- Canh mì có ngon không?
Hai cậu đồng thanh trả lời:
Ngon cực.
Vị đầu bếp đầy người dầu mỡ vô cùng đắc ý, ông bảo:
- Đây là canh thịt…Cho người khác ăn đều là nước đun sôi, cho các cháu ăn là canh thịt.
Tối hôm ấy, sau khi về nhà, Tống Phàm Bình dẫn Lý Trọc và Tống Cương ra đứng cạnh giếng, múc nước tắm, cả ba bố con đều mặc quần đùi, xát xà phòng lên người ướt rườn rượt, sau đó Tống Phàm Bình múc từng gầu nước dội rửa cho hai con, rồi dội rửa cho bản thân. Những người hàng xóm ngồi cửa hóng mát, vừa phe phẩy quạt, vừa nói chuyện dông dài với Tống Phàm Bình không dứt, họ bảo đội ngũ tuần hành trông rất hùng dũng, họ bảo Tống Phàm Bình phất lá cờ đỏ nom rất oai phong, nói đến nỗi Tống Phàm Bình đang mệt phờ cũng hăng máu, mặt đỏ bừng bừng,giọng nói oang oang, khi về trong nhà, Lý Trọc và Tống Cương lăn quay ra ngủ, Tống Phàm Bình da dẻ hồng hào, ngồi dưới đèn viết thư cho Lý Lan. Trước khi đi vào giấc ngủ, Lý Trọc liếc nhìn bố, cậu cười khúc khích bảo Tống Cương, bố anh viết đỏ cả cổ lên. Tống Phàm Bình viết rất lâu, anh viết trong thư tất cả những gì đã diễn ra hôm nay.
Sáng hôm sau, khi Lý Trọc và Tống Cương thức dậy, Tống Phàm Bình đã đứng trước giường, nét mặt anh vẫn hồng hào tươi rói, anh xoè hai tay ra trước mặt hai con, hai chiếc huy hiệu Mao chủ tịch đỏ tươi,đang lấp lánh trong lòng bàn tay anh, anh bảo phải đeo huy hiêụ này lên ngực, nơi trái tim đang đập, sau đó anh lại đeo một chiếc khác lên ngực mình, cầm trong tay quyển sách bìa đỏ in những lời dạy bảo của Mao chủ tịch, mặt anh cũng đỏ tươi như bìa sách và huy hiệu, anh bước ra khỏi nhà. Khi đi, tiếng bước chân anh nện thình thịch. Lý Trọc và Tống Cương nghe thấy tiếng hàng xóm hỏi bố:
- Hôm nay còn phất cờ đỏ nữa không?
Tống Phàm Bình trả lời sang sảng:
- Còn!
Lý Trọc và Tống Cương ghé sát tai vào ngực nhau, nhằm đúng chỗ tim đang đập, cài cho nhau huy hiệu đỏ Mao chủ tịch. Mao chủ tịch trong huy hiệu của Tống Cương là ở trên Thiên An Môn, Mao chủ tịch của Lý Trọc là ở trên mặt biển lớn. Hai cậu bé ăn sáng xong, đi ra phố lớn theo hướng mặt trời lúc tám chín giờ sáng, những lá cờ đỏ to bằng khăn trải giường và những là cờ nhỏ bằng khăn mùi xoa vẫn bay phấp phới đầy phố lớn của thị trấn Lưu chúng tôi.
Những người tuần hành hôm qua, hôm nay lại hỉ hỉ hả hả kéo đến, những người hôm qua đến dán báo chữ to, hôm nay lại đến quét hồ trên tường,Đồng thợ rèn hôm qua dơ cao búa sắt, hôm nay vẫn dơ cao búa sắt, lại hô hét phải đập bẹp đập nát chân chó đầu chó của kẻ thù giai cấp, ông Dư nhổ răng hôm qua dơ cao kìm, hôm nay vẫn dơ cao kìm, lại hô hào phải nhổ bỏ cái răng chắc của kẻ thù giai cấp, ông Vương rao bán kem hôm qua, hôm nay vẫn đeo thùng kem, bám sát đội ngũ diễu hành, gõ gõ đập đập, hò hét phải bán kem cho anh chị em giai cấp, thợ may Trương hôm qua vắt thứơc da trên cổ diễu hành, hôm nay cổ vẫn vắt thứơc da, hô hét phải may cho kẻ thù giai cấp chiếc áo thọ rách nhất nát nhất, lại à quên, nói sai, lại vội vàng sửa thành vải bó xác, lão Quan hôm qua dơ cao kéo, hôm nay vẫn dơ cao kéo, cắt sồn sột cái dương vật hư ảo của kẻ thù giai cấp trong không trung, Tiểu Quan hôm qua nép vào góc tường đái xoe xoé, hôm nay lại đứng đó cởi quần, những ai hôm qua nhổ bọt tứ tung, ho sù sụ, hắt xì hơi, đánh rắm, khạc đơm và cãi nhau, hôm nay vẫn đầy đủ không thiếu một ai trên phố lớn.
Ba học sinh trung học Tôn Vĩ, Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công cũng đến, chúng nhìn huy hiệu Mao chủ tịch trên ngực Lý Trọc và Tống Cương, cười hì hì như ba tên Hán gian trong phim chiến đấu, cười tới mức Lý Trọc và Tống Cương đâm ra hoang mang trong lòng. Tôn Vĩ để tóc dài, chỉ vào cây cột điện bên đường phố, bảo Lý trọc:
- Này, thằng nhóc, ham muốn tính dục của mày đâu?
Lý Trọc cảm thấy bọn họ có ý đồ xấu, kéo Tống Cương tránh sang một bên, câu lắc lắc đầu trả lời:
- Không có, hiện giờ không có.
Tôn Vĩ tóc dài túm luôn Lý Trọc, đẩy cậu đến chỗ cột điện, cười hì hì giục:
Mày thử lên cơn ham muốn tính dục một chút xem nào.
Lý Trọc dẫy dụa nói:
Hiện giờ em không có ham muốn tính dục.
Triệu Thắng Lợi và Lưu Thành Công cười Ha ha, túm Tống Cương, cũng đẩy cậu đến chỗ cột điện, bảo:
Mày cũng thử lên cơn ham muốn tính dục một chút xem nào.
Nét mặt Tống Cương vẫn thản nhiên, cậu vừa dẫy dụa, vừa giải thích với bọn kia:
Em không có ham muốn tính dục, thật mà, em chưa bao giờ có ham muốn tính dục.
Ba học sinh trung học đẩy Lý Trọc và Tống Cương đến trước cột điện, sáu cái tay bóp mũi Lý Trọc và Tống Cương, bẹo cả tai, cả mặt hai cậu,y như bẹo bánh bao, bẹo đến nỗi Lý Trọc và Tống Cương cứ kêu lên ối ối. Cuối cùng ba học sinh trung học thò tay rứt luôn huy hiệu Mao chủ tịch đeo trước ngực Lý trọc và Tống Cương, rồi bỏ đi.
Ba học sinh trung học đã bỏ đi, Tống Cương đứng tại chỗ khóc khóc mếu mếu, khóc tới mức chảy nước mắt nước mũi vào mồm, lại nuốt nước mắt nước mũi vào bụng, cậu khóc hu hu, nói với tất cả những ai đi qua, Mao chủ tịch trên ngực cậu và Lý Trọc đã bị ba thằng kia cướp mất.Tống Cương chỉ vào cái bóng sau lưng của ba học sinh trung học, sau khi ba đứa đi khuất, Tống Cương chỉ phương hướng ba đứa đã đi. Tống Cương cứ nhắc đi nhắc lại huy hiệu Mao chủ tịch, cậu nói:
Mặt Mao chủ tịch màu hồng, một khuôn mặt ở thành lầu Thiên An Môn, còn một khuôn mặt nữa trên ngọn sóng của biển lớn...
Lý Trọc không khóc, cậu cũng chỉ hướng ba học sinh đi khuất, ra vẻ hết sức phẫn uất, cậu tố cáo ba học sinh trung học với những người đang đi đến. Cậu nói:
Hiện giờ em không có ham muốn tính dục, thế mà chúng nó cứ bắt em phải lên cơn ham muốn tình dục một chút cho bằng được...
Những người qua lại cười hì hì ha ha liên tục, Lý Trọc nhìn Tống Cương khóc tới mức cái đầu run lên như bị nấc, cũng buồn lòng, cậu chùi nước mắt,nghĩ đến huy hiệu Mao chủ tịch của mình bị ba học sinh trung học tước mất. Tống Cương chỉ ngực mình nói:
Huy hiệu Mao chủ tịch mới đeo sáng sớm nay...
Lý Trọc cũng chỉ vào ngưc mình nói:
Trái tim bên trong vẫn còn đập thình thình, Mao chủ tịch bên ngoài đã mất…
Trên phố lớn, hai cậu bé bơ vơ cô lập, chúng nghĩ đến Tống Phàm Bình, ông bố cao to khoẻ mạnh, một chân bố có thể gạt một cái nghã mấy người. Chúng tin tưởng Tống Phàm Bình sẽ đi dạy bảo ba học sinh trung học, sẽ đòi lại Mao chủ tịch cho chúng, Tống Phàm Bình sẽ túm cổ áo ba học sinh trung học, y như xách gà con, dơ bổng chúng nó lên, khiến chúng nó sợ khiếp vía,kêu oai oái, khiến chân chúng nó run rẩy co quắp trong không trung.
Tống Cương giục Lý Trọc:
Đi, đi tìm bố.
Lúc này là buổi trưa, hai cậu bé đã đói bụng, dắt tay nhau đi dọc phố, hai cậu luôn luôn cầm tay nhau, có ai đó khi đi qua giữa hai anh em,đã tách chúng ra, nhưng sau đó hai anh em lại lập tức dắt tay nhau. Chúng đi tìm đội ngũ diễu hành, đi xem xem người phất cờ đỏ dẫn đầu có phải là Tống Phàm Binh? Hai anh em lại đi đến chỗ mít tinh, xem xem người đứng trên cao diễn thuyết có phải Tống Phàm Bình? Hai anh em đã đi đến rất nhiều nơi, đã hỏi rất nhiều người, các ông các bà các chú các dì, vẫn không tìm thấy Tống Phàm Bình. Hai anh em đến trên cầu, hôm qua bố chúng đã đứng tại đây phất cao lá cờ đỏ, khiến cả huyện lị reo hò ầm ầm. Trên cầu hôm nay không có cờ đỏ, có máy người cúi đầu đứng đó, đầu đội mũ chóp cao, ngực đeo biển gỗ lớn.Hai anh em biết mấy người này là kẻ thù giai cấp. Hai anh em đứng trước mặt mấy kẻ thù giai cấp, nhìn mấy vị phái tạo phản đeo băng đỏ đi đi lại lại trên cầu. Tống Cương hỏi họ:
Các anh có nhìn thấy bố em không?
Một người đeo băng đỏ hỏi:
Bố em là ai?
Bố em là Tống Phàm Bình – Tống Cương trả lời- Tức là Tống Phàm Bình hôm qua đứng phất cờ ở đây...
Lý Trọc nói thêm:
Tống Phàm Bình là người rất nổi tiếng, Tống Phàm Bình đi ăn mì sợi, người ta đều cho ăn canh thịt.
Lúc này giọng của Tống Phàm Bình đã cất lên sau lưng hai con:
Con ơi, bố ở đây.
Hai đứa con quay lại trông thấy Tống Phàm Bình. Bố chúng đội mũ chóp cao, ngực đeo một tấm biển gỗ to, trên tấm biển viết năm chữ:"Địa chủ Tống Phàm Bình".Hai cậu bé không biết chữ, chúng chỉ trông thấy năm cái gạch chéo đỏ trên từng chữ. Thân thể Tống Phàm Bình như một tấm cánh cửa che ánh nắng, hai đứa con đứng trong bóng râm của bố, ngẩng mặt nhìn bố, mắt bố bị người ta đánh sưng vù, mép bị rách. Tống Phàm Bình mỉm cười nhìn Lý Trọc và Tống Cương, nụ cười của bố gượng gạo. Hai anh em không biết đã sẩy ra chuyện gì, hôm qua bố còn oai phong lẫm liệt ở đây, bây giờ bố đột nhiên hình thù như thế này.Tống Cương rụt rè hỏi:
Bố đứng đây làm gì hả bố?
Tống Phàm Bình khẽ hỏi:
Đói chưa các con?
Hai đứa con cùng một lúc gật đầu, Tống Phàm Bình móc túi quần lấy hai hào, giục hai con đi mua ăn. Người đeo băng đỏ vừa giờ quát Tống Phàm Bình:
Không được nói chuyện, cúi cái đầu chó của mày xuống.
Tống Phàm Bình cúi đầu, Lý Trọc và Tống Cương hoảng quá lùi mấy bước. Người đeo băng đỏ chửi ầm ĩ trên cầu, trong tiếng chửi của anh ta,Tống Phàm Bình đưa mắt nhìn hai con. Hai con thấy bố mỉm cười, đã trở nên mạnh dạn, lại bước đến trước mặt, nói với bố, huy hiệu Mao chủ tịch của chúng đã bị ba thằng học sinh khốn kiếp tước mất. Tống Cương hỏi:
Bố đòi lại được không?
Tống Phàm Bình gật đầu:
- Được.
Lý Trọc hỏi:
Bố đánh được chúng không?
Tống Phàm Bình vẫn gật gật đầu:
Được.
Hai đứa con cười khúc khích. Lúc này người đeo băng đỏ đi tới tát Tống Phàm Bình hai cái, chửi to:
Đã bảo mày không được nói chuyện, mẹ kiếp vẫn cứ nói.
Mép Tống Phàm Bình toé máu, giục hai con:
Mau mau đi.
Lý Trọc và Tống Cương chuồn vội xuống dưới cầu, toàn thân run rẩy, càng chạy càng nhanh, chúng luôn luôn quay đầu nhìn Tống Phàm Bình trên cầu, Tống Phàm Bình cúi gằm xuống, đầu anh như treo ở cổ. Hai cậu bé đi trên đường phố ồn ào ngột ngạt, đi đến một hiệu điểm tâm, mua hai chiếc bánh bao, hai cậu đứng bên ngoài hiệu ăn từng miếng. Hai đứa trông thấy bố mình đứng trên cầu xa xa, ngay đến lưng cũng cúi rạp, chúng biết bố mình hôm nay đã không còn là bố hôm qua,Tống Cương cúi đầu khóc không thành tiéng, hai tay Tống Cương cuộn laị, như ống nhòm,dơ lên chùi nước mắt. Lý Trọc không khóc, cậu đang nghĩ đến chiếc huy hiệu Mao chủ tịch trên biển lớn, có thể không đòi lại được. Khi Tống Cương khóc thút thít, Lý Trọc đi đến trước một cột điện gỗ, ôm cột điện cọ xát mấy cái, rồi cúi đầu buồn bã quay về, bảo Tống Cương:
Em không có ham muốn tính dục.
Khi Tống Phàm Bình về đến nhà, trời đã tối.Bước chân anh nặng trịch,như hai chân giả, anh lẳng lặng đi vào trong nhà, nằm không động đậy hai tiếng đồng hồ trên giường, ở nhà ngoài,ngay đến tiếng trở mình,Lý Trọc và Tống Cương cũng không nghe thấy. ánh trăng ngoài cửa sổ chiếu vào lành lạnh, hai cậu bé bắt đầu cảm thấy sợ, liền đi vào nhà trong, Tống Cương leo lên giường trước, Lý Trọc cũng leo lên, chúng ngồi cạnh chân Tống Phàm Bình. Không biết bao nhiêu thời gian lại đã trôi đi, Tống Phàm Bình đột nhiên ngồi dậy, anh bảo:
- ồ, bố đã ngủ.
Sau đó đèn sáng, tiếng cười cũng vang nhà, Tống Phàm Bình nấu cơm tối trên bếp dầu, Lý trọc và Tống Cương đứng cạnh bố, bắt đầu học nấu cơm như thế nào. Tống Phàm Bình dạy các con đãi gạo rửa rau như thế nào, đốt bếp dầu ra làm sao, làm như thế nào nấu chín cơm. Khi xào nấu thức ăn, Tống Phàm Bình bảo Lý Trọc cho mỡ vào chảo,bảo Tống Cương tra muối vào rau, lại cầm tay các con, bảo chúng thay nhau mỗi con xào nấu ba lần, sau khi mỗi con xào nấu chín lần, một bát rau xanh đã đưa lên mâm. Ba bố con ngồi quây quần quanh bàn ăn cơm tối, tuy chỉ có một bát rau xanh, nhưng ba bố con ăn vã mồ hôi. Sau khi ăn cơm tối, Tống Phàm Bình nói với hai con, từ sau khi mẹ các con đi Thượng Hải chữa bệnh, bố vẫn chưa dẫn các con đi chơi bờ biển. Anh nói, nếu ngày mai không gió lớn mưa to, sẽ đưa các con ra bờ biển, xem sóng trên biển lớn, xem những con chim hải âu bay liệng giữa bầu trời và bỉên cả.
Lý Trọc và Tống Cương xúc động reo ầm ĩ, Tống Phàm Bình sợ quá dơ tay bịt mồm hai con, hai con cũng hoảng tái mặt. Nhìn dáng hai đứa con sợ hãi, Tống Phàm Bình lập tức buông tay, chỉ lên nóc nhà, cười bảo;
Tiếng reo của các con suýt nữa tốc mái nhà.
Lý Trọc và Tống Cương cảm thấy bố nói thú vị quá, lần này hai cậu tự che mồm cười khúc khích.