Số lần đọc/download: 0 / 18
Cập nhật: 2021-02-08 09:04:33 +0700
Chương 10: Ngỗ Nghịch
C
hu Phỉ đầu tiên là giật mình, như một con rắn nhỏ bị gậy khua vào cỏ làm kinh động, theo bản năng nhảy vào khu rừng bên cạnh, nhưng chạy được một nửa mới phục hồi tinh thần lại, có chút không yên lòng, bèn trốn lên một cây đại thụ, từ trên cao nhìn xuống, trong lòng nghĩ mãi mà không hiểu.
Nàng không hiểu tại sao Tạ Doãn chịu đưa thư giúp một ông lão không quen biết, cũng không hiểu tại sao hắn vất vả chạy trốn cả đêm còn quay lại tự chui đầu vào lưới. Mấy câu hắn nói rõ ràng là vớ vẩn nhưng ngẫm kỹ thì lại như lẽ dĩ nhiên, không thể nào phản bác.
Chu Phỉ chân trước vừa chạy thì Tạ Doãn chân sau liền bị một đám đệ tử trong trại mặc giáp cầm vũ khí bao vây, tay Chu Phỉ nắm chặt viên đạn sắt, nàng cẩn thận nhìn qua kẽ lá, nhận ra vài vị sư huynh ưu tú. Xem ra Lý Cẩn Dung đưa các tinh nhuệ của 48 trại đều mai phục ở gần tiểu viện của Chu Dĩ Đường.
Những người này chắc là đều được Lý Cẩn Dung chỉ thị, sau khi tới thì không nói câu nào, trực tiếp ra tay, phối hợp lẫn nhau cực kỳ ăn ý. Trước tiên họ trông coi bốn phía, phong bế đường lui của Tạ Doãn, kế đó ba cao thủ dùng kiếm cùng nhau tiến lên, hai người giỏi khinh công một trước một sau nhảy lên đại thụ hai bên, đề phòng hắn thoát từ trên cây, một phía khác có mười ba cái nỏ dài ngắn đều kéo căng nhắm ngay Tạ Doãn, dù hắn là chim cũng có thể bị bắn thành cái sàng.
Chu Phỉ lặng lẽ cúi đầu càng thấp hơn, trong lòng nghĩ nếu là mình thì sẽ chạy thế nào. Nàng không thích trốn trốn tránh tránh, chắc là sẽ nhảy xuống dưới tàng cây, cành và lá cây sẽ chặn giúp một số mũi tên sau lưng, chỉ cần tốc độ nhanh, ra tay độc, nhắm chuẩn phương hướng, liều mạng chịu vài nhát đao thì có thể mở đường máu thoát thân.
Nhưng nàng cảm thấy Tạ Doãn sẽ không làm như vậy, từ khinh công xuất thần nhập hóa của hắn mà xét thì những bản lĩnh khác ắt cũng sâu không lường được… thêm vào đó là thái độ thản nhiên của hắn khiến Chu Phỉ không hề lo lắng mà ngược lại có chút tò mò.
Ai dè Tạ Doãn “ui da” một tiếng, thấy có người chém mình thì co lại theo bản năng, nhắm nghiền hai mắt đưa sáo trúc ra đỡ, sáo trúc bị chém đứt một đoạn, hắn dường như sợ hết hồn, nhấc vạt áo nhảy loi choi trên cây mấy cái, tay chân luống cuống trốn đông trốn tây, nháy mắt trên người lại có thêm mấy chỗ rách, thành một gã ăn mày phong độ ngời ngời, chạy trối chết giữa ánh đao bóng kiếm.
Chu Phỉ:
- …
“Tình huống gì thế này?” Chu Phỉ nghĩ: “Thâm tàng bất lộ trong truyền thuyết đây sao?”
Đúng lúc này nàng nghe tiếng “phốc” “phốc”, mấy nhánh cây xẹt qua không khí lao tới, nhắm thẳng vào Tạ Doãn.
Chu Phỉ kinh hãi, đạn sắt trong tay suýt bắn ra thì thấy Tạ Doãn tựa bồ công anh nhẹ nhàng trong gió, hắn nhảy lên trên ba thước giữa không trung, thân pháp xinh đẹp như tiên cưỡi mây bay.
Ngón tay Chu Phỉ nhẹ nhàng co lại, thu đạn sắt về lòng bàn tay, thầm nghĩ: “Quả nhiên lợi hại”.
Nhưng trái tim nàng vẫn chưa hoàn toàn rơi vào ngực, Tạ Doãn một lần nữa bị ba kiếm khách đuổi theo, hắn chợt nhấc tay lên, tinh thần Chu Phỉ chấn động, chờ xem cao chiêu của hắn.
Kết quả, nàng thấy hắn vứt sáo trúc trong tay, hô to lên:
- Ôi ôi đừng đánh, đừng đánh nữa, ta đánh không lại các người! Cẩn thận chút, kẻo đâm chết người!
Ba thanh kiếm gác lên cổ của “tiên cưỡi mây bay”, tóm hắn từ trên cây xuống, Tạ Doãn vì phòng ngừa ngộ thương nên cố gắng duỗi cổ ra thật dài:
- Chư vị anh hùng hạ thủ lưu tình, lão đại nhà các vị không chừng còn muốn hỏi chuyện tôi đấy, lỡ quẹt qua cổ thì tôi không nói được rồi.
Trên cây bên cạnh, cảm xúc của Chu Phỉ nãy giờ lên xuống thực quá lớn, vẻ mặt thẫn thờ.
Lúc này đoàn người đột nhiên yên tĩnh, một hàng đệ tử tách ra hai bên, rối rít thi lễ, Lý Cẩn Dung đến.
Không biết có phải Chu Phỉ bị ảo giác hay không, nàng cảm thấy hình như Lý Cẩn Dung liếc mắt nhìn về phía nàng, nàng vội ép thân mình càng thấp hơn.
- Lý đại đương gia.
Tạ Doãn từ xa cười với bà, ánh mắt quét qua ba thanh kiếm đang gác lên cổ.
Lý Cẩn Dung không sợ hắn giở trò gì trước mắt mình, lập tức thận trọng gật đầu, ba thanh kiếm gác trên cổ hắn đồng thời tra vào vỏ. Tạ Doãn vô cùng hoảng sợ sờ sờ cổ, sau đó lấy trong ống tay áo ra một lệnh bài cổ, cúi đầu nhìn, cười nói:
- Đây chính là An Bình Lệnh, “Quốc vận xương long”, rõ là đại cát đại lợi, vậy mà không phù hộ ta tiêu dao thêm một chút.
Ánh mắt Lý Cẩn Dung đảo qua lệnh bài trên tay hắn, gay gắt nói:
- Năm xưa Tần hoàng (1) làm ngọc tỷ truyền quốc “Thụ mệnh vu thiên, ký thọ vĩnh xương” (2), khẩu khí cũng thật lớn, là lời may mắn thiên trường địa cửu, nhưng thế thì sao? Hai đời đã mất, Vương Mãng phản loạn, thiếu đế bỏ trốn__cuối cùng rơi vào một bó đuốc lầu cao, ngọc đá cùng tan.
(1) Tần hoàng: tức Tần Thủy Hoàng.
(2) Nhận mệnh trời ban, mãi mãi trường tồn.
Chu Phỉ chưa từng nghe mẹ nàng nói một tràng dài như vậy, suýt thì tưởng bà bị Chu Dĩ Đường nhập.
Tạ Doãn lắc lắc đầu, treo khối An Bình Lệnh ấy lên nhánh cây bên cạnh.
Mắt Lý Cẩn Dung lóe lên:
- Không phải ngươi nói nó còn ngươi còn hay sao?
Tạ Doãn cười nói:
- Vãn bối ngàn dặm đến đây vốn là để đưa thư, An Bình Lệnh chẳng qua là một tín vật nho nhỏ, bây giờ thư đã đưa rồi, vật này chỉ còn là một khối sắt vụn mà thôi, liều mạng vì nó chẳng phải là đầu đuôi lẫn lộn hay sao?
Lý Cẩn Dung càng u ám hơn:
- Thư đã đưa rồi? Ngươi thực sự cho rằng mình thuận miệng thổi một khúc nhạc không ra ngô không ra khoai là có thể bảo toàn tính mạng sao? Ta không ngại nói cho ngươi biết, người ngươi muốn tìm căn bản không có ở đây.
Chu Phỉ ở trên cây sững sờ___đúng vậy, đại đương gia vì để không kinh động cha nàng, ngay cả việc dần nàng một trận cũng tránh thì sao có thể để mặc Tạ công tử nghênh ngang thổi sáo bên ngoài viện của Chu Dĩ Đường? Lẽ nào viện này trống rỗng?
Nàng tức thì hơi khẩn trương, cũng không biết khẩn trương vì ai, mẹ nàng không bao giờ hại cha nàng, hiển nhiên trong phong thư đó có dính dáng gì đấy, nhưng nếu “thư” của Tạ công tử không đưa được thì hắn có biến thành nhân bánh chẻo cuối năm không?
Nàng đang “Hoàng thượng không vội gì gì đó đã vội” (3) thì Tạ Doãn hoàn toàn không để ý, thong thả nói với Lý Cẩn Dung:
- Đại đương gia, tùy vào số mệnh vậy. Nếu hôm nay thư này không đưa được, đó chẳng qua là thời vận của tôi___nhưng thời vận của đại đương gia, của Chu tiên sinh sẽ không vì những tiểu nhân vật như tôi mà thay đổi. Điều gì nên đến rồi sẽ đến, tránh được nhất thời không tránh được cả đời, trong lòng đại đương gia chắc hẳn hiểu rõ đạo lý này, bằng không sao ngay cả một tiểu khúc cũng không dám để Chu tiên sinh nghe?
(3) Chế từ “Hoàng thượng không vội thái giám đã vội”.
Lời này rõ ràng đã chọc giận Lý Cẩn Dung, bà nghiến răng thốt ra mấy chữ:
- Ngươi cho là ta sẽ không giết ngươi?
Bà còn chưa dứt lời, cung tên buông xuống cách đó không xa một lần nữa được giương lên, tay ai nấy đều đặt trên vũ khí, bầu không khí bỗng chốc căng thẳng, một đệ tử trẻ tuổi trượt tay cầm nỏ, “vút” một tiếng, mũi tên nhỏ lao thẳng vào giữa lưng Tạ Doãn, không ngờ dọc đường bị một viên đạn sắt đánh bay giữa không trung, Chu Phỉ cảm thấy Tạ công tử này e chỉ có cái mã ngoài chứ trong bụng rỗng tuếch, chả có bản lĩnh gì. Nàng nhảy từ trên cây xuống, kêu lên:
- Mẹ!
Lý Cẩn Dung không hề ngẩng đầu, nói:
- Cút.
Chu Phỉ không những không cút mà còn mặt không đổi sắc tiến về trước mấy bước, đứng chếch chắn trước mặt Tạ Doãn, đuôi mắt liếc nhìn lệnh bài treo trên cành cây, thấy nó màu sắc cũ kỹ, ánh sáng ảm đạm, đúng là đồ bỏ vứt vào tiệm cầm đồ cũng không lấy được xu nào.
- Đại đương gia.
Chu Phỉ hành lễ giống như những đệ tử khác trong trại, nhỏ giọng nói:
- Đêm qua đại đương gia đã nói chỉ cần hắn giao ra khối lệnh bài này là có thể đi, vậy tại sao bây giờ lại nuốt lời?
- Chu Phỉ.
Lý Cẩn Dung gằn từng chữ:
- Ta lệnh cho con đóng cửa tự kiểm điểm, con lại dám một mình trốn ra đây, ta không đánh gãy chân con không được, cút qua một bên cho ta, ta có rất nhiều thời gian xử lý con đấy.
Một đệ tử cầm kiếm ban nãy vội nói:
- Đại đương gia bớt giận___A Phỉ, nghe lời, mau tránh ra.
Chu Phỉ đời này có hai từ không học được, một là “sợ”, hai là “nghe lời”, nói tới cũng lạ, con nhà người ta nếu từ nhỏ phải sống trong đòn roi thì luôn sợ hãi trưởng bối nghiêm khắc, còn nàng thì ngược lại, càng đánh càng hỗn, càng đánh càng không sợ.
Chu Phỉ không né không tránh mà nghênh đón ánh mắt của Lý Cẩn Dung:
- Được, vậy chúng ta một lời đã định, đại đương gia nhớ lời mình nói đấy, đưa hắn ra khỏi 48 trại, tôi đứng ở đây cho bà đánh gãy chân.
Tạ Doãn ban nãy giống như thần tiên trên trời bây giờ cuối cùng cũng kinh hãi, không kiềm được nói:
- Ôi, chuyện đó…
Lý Cẩn Dung cả giận nói:
- Bắt!
Đệ tử cầm kiếm bên cạnh nhỏ giọng nói:
- A Phỉ…
Lý Cẩn Dung quát to:
- Bắt cả tiểu nghiệt súc này lại cho ta!
Các đệ tử không dám trái lời đại đương gia, nhưng họ đều nhìn Chu Phỉ lớn lên nên không quá muốn ra tay với nàng, rề rà hồi lâu cuối cùng mới có một người hạ quyết tâm giơ kiếm xuất chiêu, đồng thời nháy nháy mắt với Chu Phỉ, ý bảo nàng nhận lỗi chịu thua.
Nào ngờ cô nhãi này hoàn toàn không biết nhìn ánh mắt người khác, đao của nàng đã bị dây trận làm vỡ, nàng không biết lấy từ đâu được một thanh kiếm, nghiêm túc trả lời:
- Sư huynh, đắc tội rồi.
Kế đó cổ tay nàng run lên, trường kiếm nhanh nhẹn bắn ra ngoài, vỏ kiếm tung lên thật cao, hất rơi vũ khí của mấy đệ tử kia không chút lưu tình, đầu của mấy sư huynh như to ra, thấy nàng không chịu nhượng bộ thì cũng không dám nhường nàng trước mặt Lý Cẩn Dung, tức thì có bốn người bao vây lại, hai thanh kiếm một trên một dưới đâm về phía Tạ Doãn, còn một đao một kiếm hướng về phía Chu Phỉ muốn để nàng dùng kiếm đỡ, bình thường Chu Phỉ đều dùng đao lưng hẹp cứng hơn thanh kiếm này không biết bao nhiêu lần, hai đệ tử đó đoán được nàng nội lực không đủ nên chỉ dùng một chiêu áp chế kiếm trong tay nàng, khiến nàng không thể nào làm loạn mà cũng không đến mức làm nàng bị thương.
Nào ngờ Chu Phỉ thường ngày vì trốn tránh Lý Thịnh mà luôn che giấu bản lĩnh, đao của nàng còn là đao một lưỡi, cứng rắn vô song, che giấu khó hơn thể hiện rất nhiều, ngoài ra, mười mấy năm như một ngày nàng luôn nằm mơ muốn đánh bại Lý Cẩn Dung, cộng thêm thiên phú của nàng vốn không thấp, tính khí lại còn cao hơn thiên phú nên căn bản chưa từng để các đệ tử khác vào mắt, nàng nhanh chóng lùi về sau một bước, đưa một tay đẩy mạnh Tạ Doãn.
Tạ Doãn cũng rất có tiền đồ, tùy cơ ứng biến, không chút do dự bị một tiểu cô nương đẩy ngã nhào, vừa vặn tránh được hai kiếm, còn dọn chỗ cho Chu Phỉ, tức thì nàng lấy chân trái làm trục, đưa kiếm lên ngang ngực, bất ngờ xoay chuyển, chỉ nghe tiếng kim loại chói tai vang lên, nàng lấy kiếm làm đao, phá tan ba thanh kiếm, thân kiếm uyển chuyển tiếp đó quấn lấy thanh cương đao cuối cùng, người cầm đao nọ cảm thấy như có một luồng sức mạnh cuốn tới, đao trong tay vuột ra, bị Chu Phỉ xoắn thành hai đoạn!
Ngay cả Lý Cẩn Dung cũng hơi giật mình, Lý đại đương gia lập tức phản ứng được là chuyện gì đang xảy ra, lửa giận càng dữ dội, một chưởng đánh về phía sau lưng Chu Phỉ.
Chu Phỉ tuy mồm mép không sợ ai, lại thường xuyên có những ảo tưởng đại nghịch bất đạo nhưng thực sự động thủ với mẹ thì nàng vẫn chưa dám thực hành, tức thì nàng như “chim én lướt trên mặt nước” nhẹ nhàng nhảy lên cây, dùng chuôi kiếm mắc lên ngọn cây, xoay một vòng, đầu cũng không quay lại đã tránh thoát được chưởng thứ hai của Lý Cẩn Dung rồi rơi xuống đất một cách hiểm hóc cùng với cành cây bị gãy, nàng nhảy lên phóng xuống rất liền mạch lưu loát.
Mấy đại đệ tử xung quanh nhìn mà kinh hồn bạt vía, chỉ sợ Chu Phỉ làm loạn như vậy sẽ thực sự chọc giận đại đương gia, khiến đại đương gia dưới cơn thịnh nộ xuất ra hiểm chiêu, thế là họ bèn vội vàng tiến lên, ngăn lại đường lui của nàng.
Đúng lúc này, có một người kêu lên:
- Dừng tay!
Tạ Doãn lúc nãy còn hơi khẩn trương bỗng chốc thả lỏng, một lần nữa lộ ra khuôn mặt tươi cười mồm mép ba hoa, từ dưới đất bò dậy, phủi phủi bụi đất trên người, rồi chỉnh lại vạt áo, ung dung điềm tĩnh hành lễ với người mới tới:
- Hậu sinh tham kiến Chu tiên sinh.
- Không dám nhận.
Chu Dĩ Đường từ từ đi tới, bước chân ông không nhanh, thậm chí còn hơi yếu ớt, ông cong tay búng vào trán Chu Phỉ, mắng:
- Không có phép tắc.
Sau đó ông và Lý Cẩn Dung nhìn nhau, rồi ánh mắt chậm rãi chuyển sang khối lệnh bài treo trên cây, nhẹ giọng nói:
- Tình sư đồ, Chu mỗ đã trả, giờ đây ta chẳng qua là một phế nhân quay lưng với đời, còn tới tìm ta làm gì?