Số lần đọc/download: 4267 / 143
Cập nhật: 2016-02-24 12:08:21 +0700
Chương 2
Ông vua già Nghệ Tôn sắp băng hà. Đã xong những cuộc tiếp xúc đầy thù hận, ngoài miệng thơn thớt, mà trong lòng chỉ muốn chém giết. Đã xong những âm mưu cuối cùng, mà hậu quả của chúng là những đợt sóng ngầm tương lai; những điều ai có thể đoán biết được kiểm soát được, khi thân xác đã bị vùi kín dưới ba thước đất. Đã xong nốt những màn kịch trần gian, những phút huy hoàng. những ngày lo âu, những giọt lệ những tiếng cười, để rồi đến phút lâm chung mới thấy mình là một diễn viên tồi, để rồi đến lúc sắp nhắm mắt ngoái đầu lại mới thấy đời mình chỉ xứng... một tiếng thở dài.
Ông vua già nằm trên chiếc giường vàng, trải đệm màu hoàng yến, gối đầu trên chiếc gối vàng. đắp chiếc chán cũng màu vàng... Người ta muốn thay quần áo, mặc cho ông bộ đại triều phục có thêu đôi rồng vàng trước ngực, bộ quần áo có lần có lót mà thợ may thêu phải mất mấy tháng ròng mới xong, bộ quần áo mỗi năm ông chỉ xỏ tay vài lần vào những ngày đại lễ. Ông vua già xua tay:
- Trẫm không muốn mặc đâu.
Viên thái giám cung kính:
- Tâu bệ hạ, đó là thể lệ của các tiên vương.
Song, Nghệ Tôn vẫn lắc đầu quầy quậy:
- Khanh biết không. nó nặng lắm. Hôm hội thề, trẫm đã cảm thấy như bị mang cùm... bây giờ thân hình ta... chỉ còn xương. Đến cái chăn vàng lúc này ta cũng thấy nạng.
Thưa... - Viên thượng thư bộ lễ còn muốn giảng giải thêm, nhưng ông vua già đã nhắm mắt lại. xua tay, ra hiệu đuổi đám cậu thần lui ra. Ông thều thào nói với viên thái giám:
- Các khanh hãy thương ta... một lần cuối... Ta không muốn mặc đại triều phục. Hãy mặc cho ta chiếc áo lụa vàng, chiếc khán lụa vàng, chiếc thắt lưng lụa vàng. Ta muốn ra đi được nhẹ nhàng... mát mẻ.
Cô thị tì vào tâu:
- Đức vua Thuận Tôn xin được vào.
Thái thượng hoàng thều thào:
- Gọi quan gia đến đây ngay.
Ông vua con quỳ bên cạnh đầu giường cha, nước mắt ròng ròng. Ông vua già hỏi:
- Sáng nay con ở đâu? Ta cứ chờ con mãi.
- Bẩm phụ hoàng, con ở ngoài đạo quán.
Đạo quán ư?
- Vâng, con cầu nguyện cho cha. Con cầu xin cho cha được khỏi bệnh. được trường sinh bất lão.
Nói xong, ông vua trẻ lại khóc. Ông vua già thở dài, thầm nghĩ: "Trường sinh bất lão ư?". Đôi môi khô héo của ông không khỏi nhếch một nụ cười chua chát. Ông đưa mắt nhìn bộ mặt khôi ngô tuấn tú của Thuận Tôn, sao nó giống ông đến thế...
Khi đứa con út ra đời, rồi lớn lên, cả hoàng tộc đều vui mừng vì ông đã sinh được quý tử Hoàng tử Ngung giống cha một cách lạ lùng, từ khuôn mặt khôi ngô đến cái vóc dáng gầy guộc, thâm trầm, từ nết chăm chỉ đọc sách đến đức độ nhân từ hiếm có, sự nhân từ mà người đời vẫn hằng ca tụng ở các đấng minh quân. Nhân từ ư? Thương dân ư? Những đức hạnh tốt đẹp đó hỏi trên đời này có ông vua nào hơn được cha con ông? Thế mà tại sao, tại sao nước Đại Việt này vẫn đói khát, loạn lạc; tại sao cơ đồ của tổ tiên ông vẫn ngả nghiêng. Nghiệp báo chăng? Không? Tổ tiên ông đã chẳng từng lập bao chiến công hiển hách, có thể nói chưa từng thấy trong lịch sử, nhà Trần đã ba lần đánh tan giặc Nguyên hung bạo. Thời trẻ, ông đã từng tận mắt được thấy cảnh thời thịnh trị, thóc lúa đầy bồ, dân gian hoà lạc âu ca. Mà cả ông nữa, ba mươi năm chấp chính ông đã hết lòng làm những việc tu nhân tích đức, lợi cho trăm họ. Ông lỗi lầm gì đâu? Ông có tạo nghiệp ác đâu? Cả một chuôi năm tháng dài dặc, cố phấn đấu để trở thành một ông vua sáng lại hiện ra trước mặt...
Ông nhớ đến hồi dẹp loạn tên vua phường chèo Dương Nhật Lễ. Thực bụng ông không bao giờ có ý muốn làm vua. Chí của ông là một khu rừng vắng, được làm bạn với chim rừng vượn núi, được tiêu dao với suối với hoa. được sớm tối bầu bạn ngâm thơ với tùng với hạc... Khi trốn lên Tam Giang, ông đã cố chối từ khi mọi người làm kiệu tay tôn ông lên làm vua, nhưng không được.
Đến như Trần Nguyên Đán, một người cùng chí với ông, chỉ thích tiêu dao cùng suối rừng, cũng bảo: Ông phải làm vua thôi. Tình thế lúc này bắt buộc. Tôi xin hết sức phò tá. Mọi người đồng lòng nên ông phải lên ngôi. Nhưng khi ở ngôi, cái nợ suối rừng ấy ông cũng chẳng lúc nào nguôi. Ông sai lập cung Bảo Hoà ở núi Phật Tích huyện Tiên Du là nơi có phong cảnh đẹp lại gần kinh đô, thường lên ở đó để đọc sách làm thơ, rồi triệu các bậc lão thần khoa bảng đến, hỏi những việc cũ xưa, chép lại thành bộ sách "Bảo hoà dư bút" gồm tám quyền truyền cho đời sau.
Chỉ có những việc như vậy mới làm lòng ông khoan khoái. Chính vì thế, ở ngôi được ba năm, ông đã nhường ngôi cho em trai, tức vua Duệ Tôn. Nhưng cái chí nhàn du của ông trời không cho hưởng. Bốn năm sau, Duệ Tôn bị mắc mưu Chế Bồng Nga, tử trận ở thành Đồ Bàn, gánh nặng non sông lại đè lên đôi vai ông. Giá như là người có hùng tâm, Nghệ Tôn phải tự tay cầm cương lại đất nước. Đằng này, một lần nữa, ông lại thích chữ nhàn. Và, vốn là người có lòng nhân, chẳng tham quyền, nên Nghệ Tôn không cho con trai mình kế vị, mà lại truyền ngôi cho Trần Đế Nghiễn, cháu của ông, con cả của Duệ Tôn.
Việc truyền ngôi cho cháu của ông, được người đời rất ca tụng. Thậm chí vua Minh, khi thấy Duệ Tôn chết, định nhân cơ hội đục nước béo cò, muốn đem quân sang cướp nước ta, nay thấy Nghệ Tôn truyền ngôi cho cháu, bèn nói rằng:
"Em chết vì việc nước, mà anh lập con của em lên ngôi. Việc người làm như thế, đủ biết nước An Nam mệnh trời hãy còn...".
Việc dấy binh, nhà Minh bèn bỏ đi. Chỉ có một người đàn bà phản đối việc truyền ngôi này. Người đó là Lê Thị, vợ Duệ Tôn, mẹ Đế Nghiễn. Bà cắt tóe đi tu, can ngăn Nghệ Tôn:
- Tâu Thượng hoàng, con trai tôi đức mỏng, khó kham nổi trách nhiệm lớn. Ở ngôi cao chỉ hại cơ nghiệp tổ tiên, và nguy cho bản thân nó.
Nghệ Tôn không nghe, cứ bắt Đế Nghiễn tức Trần Phế Đế lên ngôi.
Lời tiên đoán của bà Lê Thị, mười hai năm sau được chứng nghiệm. Nghệ Tôn cho cháu làm vua, nhưng lại vô cùng tín nhiệm Lê Quý Ly. Nghệ hoàng ngả theo những chính sách cải cách của quan thái sư, gây nên hai phe bảo thủ và cách tân đối nghịch nhau kịch hệt ở triều đình. Cuối cùng phe bảo thủ nổi loạn định giết Quý Ly. Và Nghệ Tôn đã nghe theo lời Quý Ly diệt phe bảo thủ.
Trần Phế Đế, người cháu cũng bị giết. Lần này Nghệ hoàng phải cho con trai út là Trần Nhung, tức Trần Thuận Tôn lên ngôi vua.
Như vậy, tóm lại, năm nay ông 74 tuổi, đã ở ngôi tột đỉnh 30 năm tròn. Ngẫm nghĩ về toàn bộ đời mình, ông lại thở dài não ruột. Bởi vì, nói cho đúng, tiếng rằng cho em, cho con cháu làm vua, nhưng thực quyền tất cả vẫn trong tay ông. Chính vì vậy nên khi Phế Đế trái ý, ông đã truất ngôi rồi giết luôn. Vậy, trách nhiệm về sự đổ vỡ của nhà Trần hiện nay, ông phải gánh chịu tất cả.
Và, chỉ đến lúc cuối đời này, lúc sắp nhắm mắt xuôi tay, ông mới nhận được ra một điều hệ trọng ghê gớm: chính bản thân ông là người đỡ đầu ra cả hai phe phái cách tân và bảo thủ hiện nay trong triều đình. Chính ông là bà đỡ cho những cải cách của Quý Ly, đã giúp Quý Ly tiêu diệt những đối thủ, ngay cả khi đối thủ ấy là con cháu ông. Lại cũng vẫn chính ông là người muốn kéo dài đến vô hạn cơ nghiệp của nhà Trần, tổ tiên ông, mặc dầu ông biết điều đó không thực tế, mặc dầu ông biết các tôn thất, các cựu thần nhà Trần ở mọi nơi hiện đang thối ruỗng.
Vậy ông đang tự chống lại bản thân. Ông có miếng thịt thối, muốn cắt đi, nhưng vì nó là cơ thể ông nên không đành lòng.
Mâu thuẫn đến thế, tự giáng xé đến thế. vậy mà ông lại muốn ra đi một cách nhẹ nhàng sao? Ông muốn mạc đồ lụa vàng, lụa dù nhẹ nhưng cất sao nổi gánh nặng trong lòng ông. Trong tâm tưởng, chợt nghe một tiếng ai đó thét lên:
"Ngươi đã làm đổ vỡ cơ nghiệp nhà Trần"
"Không Chẳng phải tại tôi. Đó là vận nước?"
"Tội lỗi do ngươi quá nhân từ".
"Sách chẳng nói chữ nhân là cái đức đầu tiên của ông vua sáng đó sao?"
Nghệ Tôn, đầu nhức như búa bổ, nước mắt chảy ròng ròng, tự quyết liệt đấu tranh với mình. Ông nhìn vào mặt Thuận Tôn lúc này cũng đầm đìa giọt lệ. Ông bàng hoàng vì như chợt thấy hình bóng của mình trong một tấm gương. Con ta đấy dòng giống của ta đấy? Bóng hình của ta đấy sự đẹp đẽ của ta đấy? Sự yếu mềm của ta đấy Cả tương lai của ta cũng là đấy! Ôi! Con của ta ơi. Cha con ta cùng một nòi đa cảm. Giá như chúng ta sinh vào một thời thái bình thịnh trị. Loại người như cha con ta, sinh ra vào thời bão tố, chỉ làm mồi cho lũ người cương mãnh.
Ông vua già lại thở dài, thở dài mãi. Bàn tay bắt đầu lạnh của ông nắm chặt bàn tay Thuận Tôn, như một lần cuối cố bám víu vào cuộc đời. Cuối cùng tiếng nức nở của ông cũng dứt. Những giọt nước mắt của ông cũng cạn kiệt, và đôi mắt trở nên ráo hoảnh của ông cứ trừng trừng nhìn vào cõi xa xăm như muốn tìm ra những giải đáp cho những câu hỏi mà cả đời ông không tìm ra.
Viên thái giám già đứng bên cạnh theo dõi từng cử chỉ cuối cùng của Nghệ Hoàng. Ông vua già dồn dập thở hắt ra. Khi ông hít thở. viên thái giám đặt chiếc gương con ở trước mũi cho đến lúc chẳng thấy hơi mờ. Quan thái y vào chẩn mạch lần cuối. Thái sư Quý Ly hỏi:
- Thế nào?
- Bẩm, ngài đã đi hẳn rồi ạ.
Thái sư phất tay ra hiệu.
Chuông khánh ngoài điện Đại Minh nổi lên. Trăm quan, từ sáng sớm, đã mũ áo tề chình tề tựu ở sân đại diện, nghe chuông khánh vang lên, lập tức ôm lấy mặt, quỳ xuống, đầu rạp đất. Tất cả miệng ô hô than khóc.