Tôi luôn cố gắng làm những gì tôi chưa biết và nhờ đó, tôi có thể làm được những điều tưởng như ngoài khả năng của mình.

Pablo Picasso

 
 
 
 
 
Tác giả: Charles Dickens
Thể loại: Tiểu Thuyết
Dịch giả: Lê Đình Chi
Biên tập: Yen Nguyen
Upload bìa: Yen Nguyen
Số chương: 59 - chưa đầy đủ
Phí download: 7 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 0 / 9
Cập nhật: 2023-06-21 21:12:42 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 10
ôi nảy ra một ý tưởng hay ho vào buổi sáng khi thức giấc một hai
ngày sau, đoan chắc bước đầu tiên tôi cần thực hiện để thoát khỏi cảnh tầm
thường là học lấy từ Biddy tất cả những gì cô biết.
Để theo đuổi ý tưởng sáng láng này, tôi bèn nói với Biddy khi tới nhà
bà cô ông Wopsle buổi tối rằng tôi có lý do đặc biệt để muốn thành công
trong cuộc sống, và tôi sẽ rất biết ơn cô nếu cô truyền đạt lại hết vốn học vấn
cho tôi. Biddy, cô gái luôn sẵn lòng giúp đỡ, lập tức nhận lời, và quả thực bắt
đầu ngay vào thực hiện lời hứa chỉ năm phút sau.
Chương trình hay kế hoạch giáo dục do bà cô ông Wopsle thiết lập có
thể được tóm tắt như sau. Học sinh ăn táo và chuồi cọng rơm dưới lưng áo
nhau, cho tới khi bà cô ông Wopsle gom đủ sức lực mà vung vẩy cây roi tập
toạng đánh bừa lấy lệ. Sau khi nhận đòn trừng phạt với đủ hương vị của trò
cười như trên, đám học sinh đứng vào hàng và rì rầm chuyền tay nhau một
quyển sách rách mướp. Trong quyển sách có một bảng chữ cái, vài con số và
bảng tính, và một ít đánh vần - có nghĩa là từng có. Ngay khi quyển sách bắt
đầu được chuyền tay, bà cô ông Wopsle bắt đầu chìm vào hôn mê, do buồn
ngủ hay cơn thấp khớp. Lũ học sinh thế là quay sang ganh đua nhau về chủ
đề những đôi ủng để tìm ra đứa nào giậm được mạnh nhất lên ngón chân đứa
nào. Bài rèn luyện tinh thần này kéo dài cho tới khi Biddy nhào tới và phân
phát cho chúng ba quyển Kinh Thánh mất bìa (có hình thù như thể được vụng
về cắt ra từ mẩu đầu thừa đuôi thẹo của thứ gì đó) được in mờ tịt hơn bất cứ
công trình in ấn quý hiếm nào tôi từng gặp qua từ bấy đến nay, các trang lấm
chấm những vết gỉ sắt, kèm theo những mẫu vật côn trùng đủ loại bị ép vào
giữa các trang. Phần này của buổi học thường trở nên náo nhiệt với vài cuộc
đấu tay đôi giữa Biddy và những học sinh bướng bỉnh. Khi cuộc chiến kết
thúc, Biddy chọn ra một trang, vậy là tất cả chúng tôi cùng đọc to lên những
gì chúng tôi biết - hay những gì chúng tôi không biết - thành một dàn đồng ca
thật ghê tai; Biddy cầm trịch bằng giọng thật cao, chói tai, đều đều, và chẳng
ai trong số chúng tôi có dù một chút ý tưởng, hay kính cẩn, về những gì đang
đọc. Khi tràng ồn ào kinh khủng kéo dài được một lúc, nó tự động đánh thức
bà cô ông Wopsle dậy, bà lão lại tập tễnh đi bừa tới cạnh một cậu nhóc rồi
véo tai cậu ta. Tất cả cùng hiểu vậy là buổi học tối hôm ấy kết thúc, và chúng
tôi cùng ùa ra ngoài trời, vừa chạy vừa hò hét inh ỏi khúc ca đắc thắng của
học vấn. Công bằng mà nói, phải thừa nhận tại đây không hề có chuyện cấm
học sinh tự giải khuây bằng bảng hay thậm chí cả mực (những khi có), nhưng
thật khó lòng theo đuổi kiểu học hành đó vào mùa đông, vì cửa hàng tạp hóa
tí xíu nơi lớp học được tổ chức - đồng thời cũng là phòng tiếp khách và
phòng ngủ cho bà cô ông Wopsle - chỉ được thắp sáng lờ mờ bằng độc một
cây nến sáp cháy leo lét, đã thế lại chẳng có cây cắt bấc.
Tôi nhận thấy sẽ phải mất khá thời gian để không còn tầm thường trong
những hoàn cảnh này; dẫu vậy, tôi quyết tâm sẽ cố gắng, và ngay vào buổi tối
Biddy bắt tay vào thực hiện thỏa thuận đặc biệt giữa hai chúng tôi bằng cách
chia sẻ vài thông tin từ cuốn cẩm nang nhỏ ghi giá tiền của cô, dưới đề mục
đường vàng, và cho tôi mượn để về nhà chép lại một chữ D theo phông chữ
in Anh cũ cô đã bắt chước từ tiêu đề một tờ báo nào đó, và thoạt đầu tôi cứ
nghĩ cái chữ đó là mẫu vẽ kiểu một cái khóa thắt lưng cho tới khi cô cho tôi
hay nguồn gốc thực của nó.
Tất nhiên trong làng tôi cũng có một quán rượu, và tất nhiên Joe thích
thỉnh thoảng được hút tẩu thuốc tại đó. Tôi đã nhận được nghiêm lệnh từ chị
tôi phải rẽ vào quán Ba Thủy Thủ Vui Vẻ tối hôm đó để gọi anh khi đi học
về, và nhất định phải kéo được anh về nếu không sẽ chết đòn. Vậy là tôi
thẳng bước tới quán Ba Thủy Thủ Vui Vẻ.
Tại quán này có một quầy rượu, với mấy dãy số ghi nợ bằng phấn dài
phát khiếp trên tường cạnh cửa, những món nợ này dường như chẳng bao giờ
được trang trải. Chúng đã hiện diện ở đó kể từ khi tôi bắt đầu biết nhớ, và còn
lớn nhanh hơn cả tôi. Nhưng ở vùng chúng tôi vốn chẳng thiếu gì phấn, nên
có lẽ người ta không bỏ sót bất cứ dịp nào để dùng đến chúng.
Tối hôm ấy là thứ Bảy, tôi thấy ông chủ quán đang nhìn khá ngán
ngẩm vào bản thống kê này; nhưng vì nhiệm vụ của tôi là đi tìm Joe chứ
không phải ông ta, tôi chỉ lên tiếng chúc ông chủ quán một buổi tối tốt lành
rồi đi vào căn phòng chung ở cuối lối đi, trong đó có một bếp lửa lớn cháy
sáng, và Joe đang ngồi hút tẩu thuốc đánh bạn cùng ông Wopsle và một
người lạ mặt. Joe chào tôi như thường lệ “Xin chào anh bạn, Pip!” và ngay
khi anh lên tiếng, người lạ quay đầu lại nhìn tôi.
Ông ta là một người đàn ông trông đầy vẻ bí ẩn mà trước đây tôi chưa
bao giờ gặp. Đầu ông ta ngả hẳn sang một bên, một mắt lim dim nhắm hờ,
như thể đang ngắm vào đâu đó với một khẩu súng vô hình. Ông ta đang ngậm
tẩu, lấy tẩu khỏi miệng rồi gật đầu sau khi phả hết khói thuốc ra và trong suốt
thời gian đó nhìn tôi chằm chằm không rời mắt. Thế là tôi cũng gật đầu, rồi
ông ta gật đầu lần nữa, rồi nhích người dành chỗ bên cạnh mình để tôi có thể
ngồi xuống đó.
Nhưng vì đã quen ngồi cạnh Joe bất cứ khi nào tới nơi này, tôi nói,
“Không cần đâu ạ, cảm ơn ông,” rồi ngồi xuống khoảng trống Joe dành ra
cho tôi ở ghế đối diện. Người đàn ông lạ mặt, sau khi liếc mắt nhìn Joe và
thấy anh đang để tâm vào chuyện khác, lại gật đầu với tôi khi tôi đã ngồi
xuống, rồi xoa xoa chân mình - theo một cách thật kỳ cục, như tôi thấy.
“Ông đang nói,” người lạ mặt quay sang Joe nói, “rằng ông là một thợ
rèn.”
“Vâng. Tôi có nói thế, ông biết mà,” Joe nói.
“Ông muốn uống gì nhỉ, ông…? Mà ông vẫn chưa cho tôi biết tên
đấy.”
Joe liền cho ông này biết tên, và người lạ mặt liền gọi anh bằng tên.
“Ông muốn uống gì nhỉ, ông Gargery? Tôi trả? Để thêm cốc nữa?”
“À,” Joe nói, “nói thực với ông, tôi không có thói quen uống bằng tiền
của ai khác ngoài mình.”
“Thói quen à? Không,” người lạ mặt đáp, “chỉ một lần thôi mà, và lại
vào tối thứ Bảy nữa. Thôi nào! Hãy nói ra một cái tên đi, ông Gargery.”
“Tôi không muốn làm người bạn khó tính,” Joe nói. “Rum.”
“Rum,” người lạ mặt nhắc lại. “Và xin mời quý ông còn lại bày tỏ ý
muốn?”
“Rum,” ông Wopsle nói.
“Ba rum!” người lạ mặt lớn tiếng gọi chủ quán. “Mang ly ra nào!”
“Quý ông đây,” Joe lên tiếng để giới thiệu ông Wopsle, “chắc ông sẽ
thích nghe ông ấy thuyết giảng. Ông quản nhà thờ của chúng tôi.”
“À!” người lạ mặt nhanh nhảu lên tiếng, đưa mắt về phía tôi. “Ngôi
nhà thờ đơn độc nằm ngay cạnh đầm lầy, bao quanh là những ngôi mộ!”
“Phải rồi,” Joe nói.
Người lạ mặt, vừa hầm hừ thật thoải mái từ trong khuôn miệng ngậm
tẩu vừa gác cả hai chân lên ghế ông ta có riêng cho mình. Ông ta đội một cái
mũ đi đường rộng vành, và dưới cái mũ là một chiếc khăn tay buộc túm để
đội đầu; vậy là ông ta chẳng để lộ ra sợi tóc nào cả. Trong khi người lạ mặt
nhìn vào bếp lửa, tôi nghĩ tôi đã trông thấy một cái nhìn ma mãnh, tiếp theo
là một nụ cười nửa miệng, hiện lên trên khuôn mặt ông ta.
“Tôi không quen thuộc lắm với vùng này, thưa các quý ông, nhưng có
vẻ đây là một vùng đất ven sông khá cô tịch.”
“Phần lớn các vùng đầm lầy đều cô tịch,” Joe nói.
“Hẳn rồi, hẳn rồi. Ở quanh đây các vị có tìm thấy người Di gan, những
kẻ lang thang vô gia cư đủ loại không?”
“Không,” Joe nói, “chẳng có gì ngoài một gã tù trốn năm thì mười họa.
Và yên tâm đi, bây giờ chúng ta không tìm thấy họ đâu. Phải không, ông
Wopsle?”
Ông Wopsle, với bộ dạng đạo mạo nhớ lại lần mất hứng ngày trước,
thừa nhận; nhưng chẳng mấy hào hứng.
“Có vẻ như ông từng đi lùng bắt một tên như thế?” người lạ mặt hỏi.
“Một lần,” Joe đáp. “Ông biết đấy, cũng chẳng phải là chúng tôi muốn
bắt họ; chúng tôi chỉ đi theo để xem thôi; tôi, ông Wopsle và Pip. Phải vậy
không, Pip?”
“Vâng, anh Joe.”
Người lạ mặt lại nhìn tôi - và tiếp tục nheo mắt, như thể cố tình ngắm
vào tôi bằng khẩu súng vô hình của ông ta - rồi nói, “Trông cậu bạn trẻ này
có vẻ xương xẩu thật. Ông gọi cậu bé là gì nhỉ?”
“Pip,” Joe nói.
“Pip là tên thánh à?”
“Không, không phải tên thánh.”
“Vậy họ cậu ta là Pip sao?”
“Không,” Joe nói, “là một kiểu tên gọi ở nhà mà cậu ấy tự gọi mình khi
còn bé xíu, rồi mọi người cứ thế gọi vậy luôn.”
“Con trai ông phải không?”
“A,” Joe trầm ngâm nói, tất nhiên không phải vì cần ngẫm nghĩ về câu
trả lời, mà vì ở quán Ba Thủy Thủ Vui Vẻ người ta dường như luôn ngẫm
nghĩ rất lung tung về mọi thứ khi vừa bàn luận vừa ngậm tẩu thuốc, “à,
không. Không, cậu bé không phải con tôi.”
“Cháu à?” người lạ mặt hỏi.
“Ồ,” Joe nói, lại với cùng vẻ ngẫm nghĩ đăm chiêu, “cậu ấy không phải
- không, chẳng giấu gì ông, cậu bé không phải - cháu tôi.”
“Vậy thì cậu bé này là thế nào với ông vậy?” người lạ mặt hỏi. Một câu
vặn hỏi tôi thấy có phần soi mói không cần thiết.
Đến đây ông Wopsle xen vào mà trình bày tường tận mối quan hệ giữa
tôi và Joe với tư cách một người biết mọi thứ về những mối quan hệ, bởi cơ
hội nghề nghiệp đã cho phép ông nhớ rõ những họ hàng nữ giới nào thì một
người đàn ông không được kết hôn cùng. Nhúng tay xong, ông Wopsle hạ
màn bằng một đoạn lời thoại cắm cảu kinh khủng tột độ từ vở kịch Richard
Đệ Tam, và có vẻ nghĩ ông đã làm quá đủ để được ghi nhận vai trò khi nói
thêm, “như nhà thơ nói.”
Và tới đây tôi những muốn bổ sung là khi ông Wopsle nhắc tới tôi, ông
tiện tay vò đầu tôi làm tóc chọc cả vào mắt, coi đó như một phần cần thiết khi
đề cập. Tôi chẳng thể hiểu nổi tại sao vị khách nào ở vị thế của ông ta từng
tới thăm nhà chúng tôi cũng cứ nhất thiết buộc tôi phải trải qua cùng quá
trình khó chịu như vậy trong hoàn cảnh tương tự. Dù không nhớ nổi hồi còn
bé tôi có từng bao giờ là chủ đề nhận xét trong phạm vi xã giao của gia đình
không, song đúng là cũng đã từng có người với đôi tay thật to tỏ ý chiếu cố
theo các bước y chang như vậy.
Trong suốt thời gian này, người đàn ông lạ mặt chỉ nhìn chằm chằm
vào tôi, và nhìn tôi như thể ông ta cuối cùng cũng đã quyết ý phải bắn cho tôi
một phát và hạ tôi thẳng cẳng. Song ông ta chẳng nói gì thêm sau khi hỏi han
về quan hệ họ hàng của tôi, cho tới tận khi những ly rum và nước được mang
tới; và lúc đó ông ta tung ra phát súng của mình, và đó quả là một phát súng
lạ thường hiếm có.
Nó không phải một nhận xét bằng lời, mà là một màn kịch câm rõ ràng
dành cho tôi. Ông ta khuấy cốc rum pha nước của mình hướng vào tôi, hướng
vào tôi khi nhâm nhi cốc rum pha nước của ông ta. Rồi lại khuấy và nhâm
nhi; không phải bằng cái thìa được mang tới cho ông ta, mà bằng một cái
giũa.
Ông ta làm thế theo cách khiến cho ngoài tôi không ai khác trông thấy
cái giũa; và khi làm xong ông ta lại lau cái giũa rồi cất vào trong túi ngực.
Tôi biết đó là cái giũa của Joe, và biết người đàn ông này quen người tù tôi
từng gặp ngay khi tôi thấy món dụng cụ. Tôi ngồi nhìn ông ta chằm chằm
như bị hút hồn. Nhưng lúc này người lạ mặt lại tựa lưng vào ghế, hầu như
không để ý đến tôi, và chủ yếu nói chuyện về củ cải.
Ở làng chúng tôi luôn có một thói quen thú vị là dành các buổi tối thứ
Bảy cho dọn dẹp rửa ráy và lặng lẽ nghỉ ngơi trước khi tiếp tục trở lại với
cuộc sống thường nhật, vì thế Joe đã có cảm hứng để cứ thứ Bảy lại dám nấn
ná bên ngoài lâu hơn nửa giờ vào các ngày thứ Bảy so với các ngày khác.
Nửa giờ này kết thúc vừa khéo cùng lúc với rum pha nước, Joe liền đứng dậy
để ra về, và cầm lấy tay tôi.
“Đợi chút đã, ông Gargery,” người lạ mặt nói. “Tôi nghĩ tôi có một
đồng shilling mới tinh sáng bóng đâu đó trong túi, và nếu tôi có, nó sẽ thuộc
về cậu bé.”
Ông ta loay hoay tìm nó trong một nắm tiền lẻ, gói nó vào một mảnh
giấy nhàu nhĩ, rồi đưa cho tôi. “Của cậu đây!” ông ta nói. “Nhớ nhé! Của
riêng cậu.”
Tôi cảm ơn ông ta, rồi nhìn ông ta chằm chằm quá mức theo phép lịch
sự, và nắm chặt lấy Joe. Người lạ mặt chào Joe, rồi chào ông Wopsle (ông
này cũng đi ra cùng chúng tôi), còn với tôi ông ta chỉ nhìn chằm chằm bằng
bên mắt ngắm bắn - mà không, không phải là nhìn, vì ông ta nhắm bên mắt
đó lại, nhưng người ta có thể giấu một bên mắt đi mà vẫn làm được chuyện
lạ.
Trên đường về nhà, nếu như tôi có hứng thú nói chuyện, câu chuyện
chắc hẳn chỉ tới từ phía tôi, vì ông Wopsle chia tay chúng tôi ngay ngoài cửa
quán Ba Thủy Thủ Vui Vẻ, còn Joe đi thẳng một mạch về nhà với cái miệng
mở to để tẩy cho hết hơi rum đi bằng càng nhiều không khí càng tốt. Nhưng
tôi lại đang choáng váng đến đờ người ra khi lỗi lầm cũ và người quen cũ đột
nhiên xuất hiện nên chẳng thể nghĩ tới chuyện gì khác.
Chị tôi cũng không tỏ vẻ khó chịu lắm khi chúng tôi về trình diện trong
bếp, và sự việc lạ thường này đã làm Joe có đủ can đảm để nói với chị về
đồng shilling sáng loáng. “Một đồng tiền giả, tôi dám chắc là thế,” bà Joe đắc
thắng nói, “nếu không lão ta đã chẳng cho thằng bé! Thử xem nào.”
Tôi lấy đồng tiền ra khỏi mảnh giấy gói, và hóa ra đó là một đồng tiền
thật. “Nhưng cái gì thế này?” bà Joe nói, thả đồng shilling xuống và chụp
mảnh giấy lên. “Hai tờ một bảng ư?”
Không gì khác hơn hai tờ bạc một bảng, cả hai có vẻ đều đã qua tay tất
cả các chợ bán gia súc trong hạt. Joe lại vo mũ đội lên đầu, rồi cầm hai tờ bạc
chạy tới quán Ba Thủy Thủ Vui Vẻ để trả lại cho chủ nhân. Trong khi anh
vắng nhà, tôi ngồi xuống cái ghế quen thuộc của mình và lơ đãng nhìn bà chị
tôi, cảm thấy chắc chắn là người đàn ông kia không còn ở đó.
Chẳng mấy chốc, Joe quay về, nói người đàn ông đã đi mất, song anh,
Joe, đã để lại lời nhắn ở quán Ba Thủy Thủ Vui Vẻ về mấy tờ bạc. Sau đó,
chị tôi gói chúng vào trong một tờ giấy rồi giấu dưới những chiếc lá hồng khô
bên trong một cái bình trà trang trí làm cảnh để trên nóc tủ trong phòng
khách. Chúng ở nguyên tại đó, trở thành một cơn ác mộng với tôi trong suốt
nhiều đêm, nhiều ngày.
Tôi có giấc ngủ khổ sở đứt quãng khi nằm xuống giường, không ngừng
nghĩ tới người đàn ông luôn ngắm vào tôi với khẩu súng vô hình của ông ta,
rồi việc làm một người tầm thường và thô kệch đáng trách khi lén đồng lõa
với mấy tên tù vượt ngục - một yếu tố trong thân thế thấp kém của bản thân
mà tôi vốn quên khuấy trước đó. Tôi cũng bị cái giũa ám ảnh. Tôi sợ rằng nó
sẽ lại xuất hiện khi tôi ít ngờ đến nhất. Tôi dỗ mình ngủ bằng cách nghĩ tới
cuộc hẹn với cô Havisham vào thứ Tư tiếp theo; và trong giấc ngủ tôi thấy
cái giũa lao về phía tôi từ một cánh cửa nhưng không thấy được người cầm
nó, vậy là tôi hét lên và bừng tỉnh.
Great Expectations (Tiếng Việt) Great Expectations (Tiếng Việt) - Charles Dickens Great Expectations (Tiếng Việt)