Số lần đọc/download: 5248 / 28
Cập nhật: 2017-12-28 08:30:50 +0700
Chương 10
P
hương vừa bước vào phòng thì Diệp Thúy đã tỉnh. Nàng mở mắt nhìn Phương mỉm cười và cảm thấy trong mình khỏe khoắn hơn mọi hôm. Phương hỏi nàng:
- Đêm hôm, cô có ngủ được không?
Diệp Thúy khẽ đáp:
- Cám ơn cô. Em ngủ ngon lắm! Ngủ một giấc đến bây giờ đó.
Nàng nhìn ra ngoài cửa sổ thấy nắng lên trên các ngọn cây thì hỏi Phương:
- Mấy giờ hả cô?
- Hơn chín giờ rồi đó.
Diệp Thúy hoảng hốt:
- Trời! Hơn 9 giờ sao?
Nàng gượng ngồi dậy, hỏi tiếp:
- Bác sĩ đã đi qua rồi?!
Phương mỉm cười:
- Bác sĩ đi hồi 8 giờ rưỡi như mọi bữa.
- Trời bậy quá, vậy mà em ngủ quên! Phải chi cô đánh thức em?
- Chi vậy? Bộ cô cần nói chuyện với bác sĩ hả?
Diệp Thúy ấp úng:
- Dạ... không... em không muốn mình vô lễ với bác sĩ. Ồng chịu khó đến đây mà mình nằm ngủ, cô thấy có kỳ không?
Phương lắc đầu:
- Có gì đâu mà kỳ. Bác sĩ còn sợ làm động giấc ngủ của cô nữa đó.
Diệp Thúy cảm động lắm. Đã hơn hai tháng nằm điều trị trong bệnh viện nầy, nếu không có sự tận tâm của bác sĩ Vũ, chắc là nàng không sống được. Bác sĩ trông nom dãy phòng bên mặt, nhưng do sự cần thiết về bệnh tình của nàng mà bác sĩ đặc biệt sang đây. Sáng nào cũng vậy, đúng 8 giờ rưỡi là đã thấy ông bước vào phòng. Một đôi khi vào buổi chiều, trước khi về, ông cũng đến thăm Thúy. Nàng nghĩ chắc bác sĩ thương hại cảnh đời côi cút bơ vơ của nàng nên mới tận tâm như vậy! Phần đông các cô điều dưỡng đều nể Vũ nên hết lòng chăm sóc cho nàng. Bởi thế mà Diệp Thúy cho rằng từ khi mẹ chết đến giờ, nàng mới được sống bình yên và hạnh phúc. Nàng bỗng hỏi Phương:
- Lúc nãy bác sĩ vào, em... nằm ngủ ra sao, cô?
Phương lộ vẻ không hiểu:
- Cô muốn nói gì?
- Em năm ngủ... có kỳ không?
Phương vụt hiểu, lắc đầu:
- Có gì mà kỳ.
Thúy đưa tay lên sờ đám tóc còi cọc của nàng vừa chớm mọc ra... rồi quay sang bên cạnh không nói gì hết. Phương nhìn nàng như cố tìm hiểu tâm tình sâu kín trong lòng bệnh nhân. Nàng cũng mừng vì thấy bệnh Thúy giảm nhiều nên cô ta mới chú ý làm đẹp. Phương nhìn Thúy với đôi mắt trìu mến:
- Cô Thúy càng ngày... càng dẹp.
Diệp Thúy úp mặt xuống gối, có vẻ xấu hổ:
- Thôi đi... cô đừng ngạo em mà. Em bây giờ không khác gì con "ma lem”.
Phương cất giọng thành thật:
- Đâu mà xấu. Thúy mỗi ngày một hồng ra... ít lâu nữa, mái tóc ra dài đẹp lắm...
- Cô đừng nói, em xấu hổ lắm.
- Kìa... Có gì mà xấu hổ? Cô không tin tôi sao? Bữa nay, cô khác hơn hôm mới vào nhiều lắm. Kiếng đâu?... Để tôi lấy cho cô xem.
Diệp Thúy lắc đầu nhìn Phương:
- Em... không có kiếng! Em... đập bỏ hết rồi.
- Sao vậy Thúy?
- Hồi mới đau, em còn năng săn sóc sắc đẹp, nhưng lần lần bệnh tình không thuyên giảm, thân hình gầy đét, gương mặt xanh xao, tóc cứ rụng dần, em không còn muốn nhìn kiếng nữa. Trong nhà có bao nhiêu kiếng em đập bỏ hay cho người ta hết.
Phương xúc động lắm! Nàng cảm thông được nỗi đau của một thiếu nữ cứ mỗi ngày nhìn nhan sắc của mình tàn phai. Thà là đừng săn sóc đến nữa, cứ bỏ mặc cho thời gian. Nhưng giờ đây, bệnh tình của Thúy thuyên giảm rất nhiều, sắc đẹp của nàng sẽ trở lại như xưa. Nếu nàng nhìn thấy được mình trong kiếng thì sẽ thấy lòng phấn khởi hơn. Phương nghĩ thế nên bảo Thúy:
- Cô nên trang điểm chút đỉnh nhé. Để lát nữa, tôi đem đồ tới cho. Cô đẹp trở lại rồi mà.
Diệp Thúy nhìn Phương với vẻ ngờ vực:
- Thật sao cô?
- Tôi gạt Thúy làm gì? Lát nữa tôi đem kiếng tới cho Thúy tự xem lấy. Thôi, bây giờ tôi phải sang phòng khác.
Phương ra ngoài rồi thì Diệp Thúy ngồi dậy. Nàng nhìn qua cửa sổ. Trời trong xanh quá. Những chiếc lá me động đậy dưới trời trưa, phản chiếu ánh sáng lung linh. Lòng nàng tự nhiên tràn ngập niềm vui. Nàng muốn được ra ngoài sân kia, nhảy tung tăng trên nệm cỏ. Đã lâu lắm rồi, Thúy không được vui đùa mà chỉ phải nằm im lìm ở một chỗ, nhìn cuộc đời đi qua. Tại sao nàng không được vui đùa như bao thiếu nữ khác cùng trạc tuổi với nàng? Càng nghĩ Thúy càng oán trách người cha mà hiện giờ nàng không còn nhớ tên, nhớ mặt. Phải chi ông biết nghĩ đến mẹ con nàng thì đời nàng đâu phải khổ đến điều như vậy?!
Có tiếng gõ nhè nhẹ ngoài cửa phòng. Thúy quay ra cất tiếng:
- Ai đó? Cứ vào!
Cánh cửa từ từ mở, nàng vụt nhìn thấy bác sĩ Vũ đang tươi cười bước vào. Diệp Thúy hơi bất ngờ, nên ngồi ngay ngắn trở lại.
Vũ đến bên nàng hỏi:
- Cô thức rồi đó à?
Diệp Thúy cúi đầu:
- Dạ.
Vũ nhìn Thúy với đôi mắt thương yêu:
- Cô thấy thế nào? Có được khỏe không?
Diệp Thúy đang băn khoăn, không hiểu sao bác sĩ trở lại phòng mình, nên vội đáp:
- Dạ... Khỏe lắm ạ! Đêm hôm tôi ngủ mê quá.
Vũ kéo ghế ngồi cạnh giường con, nhưng rồi cũng không hỏi gì hơn ngoài những câu thông thường, mà không hỏi, chàng cũng đã biết. Chàng chỉ muốn được ở gần bên con thôi, dù trong những giây phút ngắn ngủi. Hiện tại, chàng chưa có thể cho con biết mình là cha ruột của nó, nhưng chàng muốn con tìm lại được niềm vui. Lúc nào trong lòng Vũ cũng mang nặng một niềm thương xót Diệp Thúy. Giữa hai đứa con chàng. Ngọc Dung thì được nuôi nấng, chăm sóc đầy đủ quá, còn Diệp Thúy lại phải bơ vơ, lạc lõng trên đường đời. Chàng tìm gặp lại con khi nó đã thân tàn ma dại và trong lòng mang nặng một mối căm hờn đối với cha. Nhiều lúc chàng muốn thú thật với Diệp Thúy, mình là cha ruột của nó, nhưng thấy chưa tiện, lại thôi. Nếu Mộng Ngọc và Ngọc Dung biết được Thúy chính là cô Lệ thợ may, trước đây cũng đã từng bị Trân làm hại và sống cuộc đời không được trong sạch, rồi mới làm sao? Chắc chắn Diệp Thúy cũng vì tủi hổ mà ra đi. Vũ không muốn xa con nữa, dù phải đổi bằng bất cứ giá nào! Chàng cố gắng trị bệnh cho Diệp Thúy và nhứt quyết gầy dựng cho con một sự nghiệp trong tương lai. Sau khi Thúy lành bệnh, chàng sẽ giúp đỡ con làm việc, buôn bán. Bao giờ, con chàng tạo được sự nghiệp và sống cuộc đời bình thường thì chàng sẽ cho nó biết rõ sự thật. Nhưng mỗi lần đến thăm con, chàng không biết phải nói với nó những gì? Sau những câu thăm hỏi thông thường, chàng chỉ còn biết im lặng, hút thuốc. Diệp Thúy cũng chẳng biết nói gì hơn, nhưng trong lòng nàng cảm nhận lờ mờ bác sĩ dành sẵn một mối cảm tình tha thiết với nàng. Vũ bỗng hỏi con:
- Đến hôm nay, chắc cô Thúy đã biết bệnh mình không phải là chứng nan y rồi chớ! Tôi đã bảo đảm với cô là sẽ trị dứt hẳn mà.
Thúy cúi đầu đáp:
- Dạ... Nếu không có sự tận tâm của bác sĩ, chắc là tôi chết lâu rồi.
Hai người lại im lặng. Vũ bỗng hỏi tiếp:
- Sau khi lành mạnh, rời khỏi bệnh viện nầy, cô định làm gì hả cô Thúy?
Diệp Thúy ngước nhìn chàng, lộ vẻ buồn:
- Thưa bác sĩ. Tôi... cũng chưa biết sẽ làm gì?
Vũ nói:
- Tôi nghĩ cô nên nghĩ trước một cái nghề cho thích hợp với mình.
Diệp Thúy nghe Vũ nói, chợt nhớ đến cái nghề bất đắc dĩ nàng phải sống bấy lâu nay mà ứa nước mắt. Nàng nghẹn ngào bảo Vũ:
- Tôi đã lầm lỡ nhiều rồi, bác sĩ à. Sợ không thể làm nghề gì khác được nữa. Ngày xưa, tôi đi “nhảy", không biết khi hết bệnh rồi, có làm nghề đó trở lại được không?
Vũ cảm thấy chua xót trong lòng, chàng nhìn Diệp Thúy lắc đầu:
- Sao cô... còn định trở lại cái nghề đó làm gì?
Diệp Thúy ngước mắt nhìn chàng:
- Không làm lấy gì mà sống, thưa bác sĩ? Hơn nữa đời tôi...
Vũ sợ phải nghe những lời chua chát của con, nên nói:
- Cô đừng quá bi quan! Trước kia khác, bây giờ khác. Cô nên chọn lấy một "việc làm" thích hợp hơn...
Diệp Thúy lặng thinh một lúc rồi nói:
- Tôi biết làm gì bây giờ? Từ mấy năm nay, tôi chỉ sống bằng nghề vũ nữ.
Vũ hỏi lại:
- Cô không biết làm nghề gì khác sao? Đánh máy? Thợ...
Vũ muốn nói đến "thợ may" nhưng lại sợ con nghi ngờ. Diệp Thúy vô tình lắc đầu:
- Dạ, không biết...
Rồi nàng vội tiếp:
- Trước kia, tôi có đi học may. Nhưng chỉ biết làm khuy nút... rồi thôi.
Thúy lại im lặng. Vũ cũng không biết nói thêm lời gì. Hai cha con cùng một lúc nghĩ đến Trân... Vũ biết Diệp Thúy đang nhớ đến tên "sở khanh" đó cũng như mình nhưng chắc chắn là nó không ngờ chàng đã biết rõ mọi chuyện. Vũ khẽ nói:
- À... nghề may... sao cô không trở lại nghề cũ?
Diệp Thúy cúi đầu lặng thinh. Vũ lại hỏi:
- Sao vậy, cô Thúy? Nghề may dù sao cũng... tốt hơn!
Thúy đáp:
- Thưa bác sĩ! Tôi may dở lắm, sợ không ai mướn. Vả lại tôi... không còn muốn "đi may" nữa vì nó gợi cho tôi những chuyện buồn!
Vũ biết con không muốn làm nghề may vì sợ nghĩ đến Trân, kẻ đã làm hại đời nó. Chàng càng thấy tội nghiệp con hơn. Chàng làm ra vẻ tự nhiên:
- Chuyện riêng của cô, tôi không muốn tò mò biết tới. Nhưng theo ý tôi, đi làm nghề may vẫn đỡ hơn làm vũ nữ.
Rồi chàng cất giọng chân thành:
- Nêu cô muốn làm nghề may tôi sẽ giúp cô... đủ phương tiện.
Diệp Thúy ngước lên nhìn Vũ. Sự xúc động khiến nàng không giỡ ý được nữa:
- Trời! Thưa bác sĩ. Sao ông tốt với tôi... quá vậy? Tôi biết làm sao đền đáp được ơn ông?
Ngay trong khi đó, Phương trở lại với các vật dụng trang điểm. Nàng bước vào thấy bác sĩ, toan trở ra, nhưng Vũ đã lên tiếng:
- Kìa, cô Phương... Cái gì đó?
Phương ấp úng đáp:
- Dạ... phấn son và kiếng...
Vũ ngạc nhiên hỏi:
- Cô đem những thứ đó đi đâu vậy?
- Dạ... dạ...
Diệp Thúy đỡ lời nàng:
- Dạ... tôi nhờ cô Phương mượn giùm.
Vũ chợt hiểu ra:
- “À! Diệp Thúy muốn làm đẹp!"
Chàng mỉm cười đứng lên, bảo con:
- Thôi tôi về... Hôm khác sẽ lại thăm cô. Cô nên nghĩ suy cho kỹ về những lời tôi vừa nói.
Diệp Thúy vâng dạ, nhìn Vũ với đôi mắt biết ơn. Vũ bước ra khỏi phòng rồi, Phương mới ngồi xuống ghế, hỏi Thúy:
- Bác sĩ trở lại chi vậy?
Diệp Thúy đáp thành thật:
- Bác sĩ hỏi thăm bệnh em và hỏi xem khi rời khỏi bệnh viện này, em sẽ làm gì?
Cô Phương thoáng vẻ ngạc nhiên. Tại sao Vũ quá chăm sóc đến nữ bệnh nhân nầy như vậy? Đã đi thăm bệnh hồi sáng rồi còn trở lại một lần nữa. Vì lẽ gì ông lại có cảm tình đặc biệt với Diệp Thúy? Vũ Là người gương mẫu từ trước đến nay. Nếu không, đố khỏi bị nghi ngờ.
Diệp Thúy đón lấy mấy thứ đồ dùng để trang điểm trên tay Phương, rồi hỏi:
- Của ai vậy cô?
- Của cô Hồng đó. Cô ấy cẩn thận lắm, lúc nào cũng mang đồ trang điểm theo mình.
Diệp Thúy cầm kiếng đưa lên xem. Nàng ngẩn người ra, không tưởng được sắc diện của mình ngày nay biến đổi nhiều đến như vậy? Nàng bỏ kiếng xuống, thở ra, nhìn Phương:
- Thôi cô Phương ạ. Trang điểm làm gì?
Phương thầm đoán, đã lâu lắm rồi, Diệp Thúy không soi kiếng, nên an ủi nàng:
- Diệp Thúy đừng chán nản. Lúc Thúy vào đây... thật nói xin lỗi... mình không đoán được là già hay trẻ. Mới mấy tháng mà da dẻ Thúy hồng hào trở lại thì đủ biết sắc đẹp của Thúy phục hồi không mấy lúc đâu.
Dịệp Thúy nhìn Phương, trong lòng tràn đầy hy vọng:
- Thật vậy sao cô Phương... Hôm mới vô bệnh viện, em "xấu" lắm sao?
- Không chỗ nào nói được... Ai cũng tưởng không thể cứu Thúy nổi. Bác sĩ Trọng đã muốn chạy rồi đó! Nếu không có ông Vũ thì... chưa biết sao?
Diệp Thúy lộ vẻ mơ màng và nói không suy nghĩ:
- Em cũng biết mình mang ơn bác sĩ rất nặng. Ông tận tụy chăm sóc cho em, nếu không làm sao em sống được.
Phương bỗng cười, bảo Diệp Thúy:
- Bệnh tình như vậy mà không chịu trị, lại còn muốn tự vận nữa chớ. Có bữa, cô làm tôi, cô Hồng và chú gác-dan hết cả hồn vía...
Diệp Thúy cúi đầu bẽn lẽn:
- Lúc đó! Em khổ quá, cô à! Em không còn thiết sống nữa. Ý nghĩ chết chóc cứ ám ảnh trong đầu em. Nhưng cũng chính bác sĩ Vũ đã tạo cho em ý nghĩ yêu đời trở lại. Chừng vào được ở đây, em mới thấy loài người không phải hoàn toàn xấu xa hết...
Phương nhìn Thúy thương hại, nàng cũng hiểu lờ mờ là trước kia, Thúy đi làm vũ nữ... Chắc nàng đã bị hất hủi nhiều trên trường đời nên mới có những ý tưởng bi quan như vậy. Diệp Thúy bỗng nói:
- Đối với bác sĩ Vũ, nói thật với cô, dù có làm gì để đền đáp công ơn của ông, em cũng không từ...
Phương lắc đầu nói:
- Bác sĩ tốt lắm. Ống giúp đỡ bao nhiêu người rồi, nhưng không hề chịu cho ai trả ơn.
- Dù gì, em cũng phải tìm cách đền đáp ơn ông.
Diệp Thúy bỗng nghẹn lời, khiến Phương kinh ngạc hỏi:
- Sao vậy Thúy? Hình như cô còn có ẩn tình gì chưa tiện nói ra phải không?
Thúy gượng nói:
- Dạ không! Em nhớ đến cái đời vô phước của em mà buồn!
Phương an ủi nàng:
- Việc gì cô cứ buồn mãi vậy? Đời ai chẳng có lúc thăng trầm, khi xuống khi lên.
Diệp Thúy lặng thinh vì nàng biết Phương không làm sao hiểu được những uẩn khúc trong lòng mình. Phương chỉ khuyên nàng bằng những câu "thông thường" mà trước những chuyện buồn phiền, chán nản của bất cứ ai, cũng có thể dùng đến. Một lúc nàng bảo Phương:
- Người đời thật bạc bẽo... Trước kia, em còn đẹp, ở nhà em ít khi vắng khách, bạn gái, bạn trai đủ cả. Lúc em mới lâm bệnh, cũng thường có bạn bè tới thăm, gởi bánh trái cho. Nhưng lần hồi theo thời gian, họ vắng đến dần và khi biết em bị lao thì chẳng còn ai tới nữa.
Cô Phương nắm lấy tay Thúy, an ủi:
- Hơi đâu mà cô nghĩ đến sự đời cho thêm phiền lòng. Người ta thường ví chúng mình như những cành hoa đẹp, mà giống đàn ông như loài ong bướm si tình. Khi hoa không còn tươi đẹp nữa, tức nhiên ong bướm phải lánh xa. Đời là thế, cô Thúy à!
Diệp Thúy gật đầu:
- Em cũng hiểu vậy. Và cũng chính vì thế mà em càng kính mến bác sĩ Vũ hơn. Ông cứu giúp em chỉ vì lương tâm nghề nghiệp, săn sóc em tận tụy mà không có ý gì khác. Thú thật với cô, từ khi mẹ em chết đến giờ, chưa có ai giúp đỡ em mà không có hậu ý.
Phương nhìn đồng hồ rồi nói:
- Chết! Đến giờ "làm thuốc" cho phòng số 10, ở đây nói chuyện mãi.
Thúy mỉm cười với Phương:
- Không có cô, em còn khổ nhiều hơn.
Phương ra đến cửa còn quay lại nheo mắt với Thúy. Bẩm sinh hơi cau có, nhưng Phương rất thành thật với mọi người. Nàng thẳng thắn, thấy sái quấy là nói ngay, không bao giờ chịu úp mở, nên nhiều bác sĩ không ưa nàng. Phương cũng biết vậy, nhưng nàng tin tưởng ở sự sáng suốt của Vũ. Nàng vừa mở cửa phòng, bỗng thấy một thanh niên đứng trước cửa. Hình như anh chàng đi tìm phòng ai? Diệp Thúy cũng vừa nhìn thấy thanh niên, liền quay mặt vào trong. Anh ta chưa kịp thấy Thúy nên hỏi Phương:
- Thưa cô! Tôi muốn hỏi bác sĩ Vũ.
Phương đáp ngay:
- Bác sĩ ở văn phòng, bên dãy A kia. Phiền ông sang đó.
Thanh niên khẽ nói:
- Dạ, tôi vừa bên đó sang! Người ở văn phòng bảo với tôi là bác sĩ đang ở bên nầy.
Phương hơi khó chịu:
- Lạ chưa? Sao họ không để ông ngồi đợi mà chỉ qua đây? Lỡ gặp bác sĩ đang bận việc thì sao? Làm như vậy thế nào cũng bị quở?
Thanh niên vội nói:
- Họ có bảo tôi ngồi đợi, nhưng tôi muốn sang đây. Tôi là người nhà của bác sĩ Vũ, cô không ngại.
Phương ngạc nhiên nhìn thanh niên. Nàng đã từng đến nhà Vũ và biết rõ Mộng Ngọc với Ngọc Dung. Vậy thanh niên nầy là ai? Hay là vị hôn phu của Ngọc Dung? Nàng nghĩ thế nên mĩm cười hỏi:
- Ông đây là...
- Dạ, kỹ sư Trân...
- À! Tôi có nghe nói... Nhưng thưa ông, bác sĩ hồi nãy ở đây. Không chừng ông đã trở về văn phòng rồi.
Trân cúi chào Phương:
- Cám ơn cô. Tôi về bên đó đợi cũng được. Nếu cô biết bác sĩ hiện ở đâu, xin cô nói qua giùm.
- Được rồi! Ông không phải lo.
Trân vừa bước đi thì Phương nghe tiếng Diệp Thúy gọi:
- Cô Phương trở vào em hỏi cái nầy.
Phương ngạc nhiên nhìn vào phòng:
- Thúy cần hỏi gì?
Diệp Thúy ngập ngừng hỏi:
- Ai... vậy cô?
- Người nhà của bác sĩ Vũ.
Thúy kêu lên:
- Người nhà? Là em hay là gì của bác sĩ?
Phương đáp nhanh:
- Vị hôn phu của Ngọc Dung đó! Nay mai gì là con rể của ông Vũ.
Diệp Thúy lặng người đi. Trời ơi! Sao nàng lại gặp tên "sở khanh" đó trong trường hợp nầy. Hắn sắp sửa cưới con bác sĩ Vũ? Phương bỗng nói tiếp:
- Ông ta là kỹ sư Trân đó mà. Mặt mày coi sáng sủa quá chớ!
Diệp Thúy đã muốn nói:
- "Song tâm địa rất hèn mạt!"
Nhưng nghĩ kỹ nàng lại thôi. Nàng không dám chắc Trân thành thật muốn cưới con bác sĩ Vũ? Hắn ta nhiều thủ đoạn lắm và đã làm hại không biết bao người rồi?! Nàng hỏi Phương:
- Chừng nào đám cưới vậy cô?
Phương lắc đầu nói:
- Mình cũng không biết rõ. Nhưng nghe nói về ông kỹ sư nầy cũng mấy tháng nay rồi. Sao mà chưa thấy thiệp báo tin mừng không biết nữa? Ý! Thôi đi chớ... Trễ nải hết công việc...
Nàng mỉm cười với Thúy rồi bước vội ra ngoài, khép cửa lại. Diệp Thúy ngồi yên trên giường nghĩ ngợi vẩn vơ. Không ngờ Trân lại đi cưới con của bác sĩ Vũ! Không biết hắn thành thật trong cuộc hôn nhân nầy, hay lại làm trò giả dối? Chắc bác sĩ Vũ chưa hiểu được con người của Trân! Thúy không biết mình có nên nói với bác sĩ về Trân chăng? Tức nhiên là nàng không thể giấu giếm dĩ vãng xấu xa của mình được. Như vậy nàng sẽ giúp bác sĩ một việc dù không có là bao, nhưng cũng có thể gọi là để đáp tạ ơn người.
*
Vũ vừa bước vào văn phòng, đã thấy Trân ngồi chờ tự lúc nào. Chàng thấy khó chịu trong lòng nhưng vẫn tỏ vẻ niềm nở:
- Kìа cậu! Hôm nay rảnh rang, đến đây chơi đó hả?
Trân đứng lên, cung kính chắp tay xá chàng:
- Dạ... Thưa bác.
Vũ đoán biết hắn đến đây làm gì rồi, nên chỉ tay bảo:
- Cậu ngồi xuống đi. Thế nào? Lúc nầy có chuyện gì vui không?
Trân ngồi xuống chỉ vâng dạ, chớ không biết nói gì hết. Cốt ý chàng ta đến đây là để hỏi thăm về Ngọc Dung. Hai hôm trước, Dung có hẹn đến buyn đinh Rose gặp chàng, nhưng nàng không tới. Trân chờ hết một buổi chiều, trong lòng phiền giận lắm và nhứt định không thèm gặp Dung. Trân tưởng hành động như vậy, Ngọc Dung sẽ đến xin lỗi mình, nào ngờ hai hôm nay chẳng thấy tăm dạng của nàng.
Trong lòng rất băn khoăn, Trân tìm đến nhà Vũ thì không thấy Ngọc Dung ở nhà. Hắn ta hỏi thăm chị bếp mới hay là Ngọc Dung đi Đà Lạt với mẹ từ mấy hôm nay. Trân muốn biết Ngọc Dung và Mộng Ngọc đi Đà Lạt làm gì, nhưng chị bếp không rõ và cho biết Vũ hiện ở bệnh viện. Trân thắc mắc lắm! Tại sao Ngọc Dung đi Đà Lạt mà còn hẹn đến với mình? Vì lý do gì nàng đi hai hôm rồi mà không gởi thư hay điện tín cho mình biết?
Bởi thế mà Trân tìm đến bệnh viện để gặp Vũ. Cực chẳng đã Trân mới hỏi Vũ về Ngọc Dung, chớ hắn cùng dư biết, Vũ không ưa mình, sau lần bắt gặp Ngọc Dung trên buyn đinh Rose.
Vũ bỗng hỏi:
- Cậu đến chơi hay có chuyện gì?
Trân ấp úng nói:
- Dạ... thưa bác. Cháu muốn hỏi thăm Ngọc Dung.
Vũ có dụng ý sẵn, nên im lặng, chăm chú nhìn thẳng vào mặt Trân, chàng đã nghĩ kỹ rồi mới biểu Mộng Ngọc đưa Dung đi Đà Lạt. Mấy tháng qua, Vũ tìm đủ cách để cho con thấy rõ tâm địa hèn mạt của Trân, nhưng vô hiệu. Ngọc Dung vẫn thường lén lút cha mẹ để gặp Trân. Đôi khi, chàng có hỏi con xem gia đình Trân có tính cưới hỏi gì chăng, thì Dung nói là Trân bảo chờ ít lâu nữa. Chính vì chỗ Ngọc Dung tin tưởng Trân thành thật yêu mình, nên Vũ và Mộng Ngọc thêm lo lắng. Cuối cùng chàng đành bảo vợ đưa con lên Đà Lạt ở với ông Thiện một thời gian, để tránh không cho con gặp Trân. Đó chỉ là biện pháp tạm thời thôi, vì chính Vũ cũng đang bối rối không biết phải liệu sao?
Phương pháp giáo dục mới mẻ của chàng gặp một trở ngại là con gái chàng quá tin lời Trân, quá yêu thương tên "sở khanh" đó. Hơn nữa, chàng không tìm được một bằng chứng cụ thể nào để lột trần bộ mặt giả dối của Trân. Chàng càng khó nghĩ hơn, khi Trân đến đây tìm hỏi về Ngọc Dung. Không nói thật với Trân cũng không được, mà cho biết Ngọc Dung lên Đà Lạt, nhứt định hắn sẽ theo lên. Trân hỏi tiếp:
- Dạ... thưa bác. Cháu nghe hình như Ngọc Dung đi Đà Lạt... Không biết có chuyện gì?
Vũ nhủ thầm:
- “À, thì ra nó biết con Dung lên Đà Lạt…"
Vũ phiền giận quá và thấy Trân như một sự xấu xa đen tối cứ theo ám ảnh mình. Hắn đã làm hại đời một đứa con của chàng rồi, bây giờ còn một đứa, cũng không thoát khỏi sao? Nhiều lúc Vũ muốn đứng lên tát vào mặt thằng đểu giả đó khi hình dung đến thân hình tiều tụy của Diệp Thúy, của bé Lệ khi vào bệnh viện. Nhưng chàng phải cố dằn lòng, phải có đủ kiên nhẫn đối phó với tên "sở khanh" đến cùng để bảo vệ Ngọc Dung và tránh cho gia đình mất danh giá. Sự mong muốn của chàng là như vậy đó, nhưng không biết phải thực hành ra làm sao? Mấy tháng nay chàng vẫn lúng túng, không tính tới dược.
Trân ngạc nhiên nhìn Vũ. Từ nãy giờ, hắn hỏi liên tiếp mấy câu mà bác sĩ không trả lời, lại lộ vẻ nghĩ ngợi băn khoăn. Trân ngập ngừng hỏi tiếp:
- Thưa bác! Chắc có chuyện gì nên bác gái và Ngọc Dung mới đi Đà Lạt gấp như vậy?
Vũ đáp lơ là:
- Cũng không có gì gấp. Thấy nó ốm quá, đưa lên đó để nghỉ mát vậy thôi.
- Dạ...
Trân càng băn khoăn hơn. Ngọc Dung đi nghỉ trên Đà Lạt mà không cho mình hay trước? Nhứt định có chuyện gì chớ không phải đơn giản như thế? Hắn nhứt định lên Đà Lạt để gặp Ngọc Dung hỏi cho ra lẽ. Vũ chừng như cũng đoán biết ý nghĩ trong đầu Trân, nên cất tiếng, mà không suy nghĩ:
- Tôi tưởng cậu không nên gặp Ngọc Dung nữa?
Trân lộ vẻ sửng sốt:
- Thưa bác…?!
Vũ biết mình đã quá chịu đựng, nên lỡ lời mà không suy tính kịp. Nhưng biết chừng đâu chàng nói thẳng với Trân thì hắn sẽ để yên cho Ngọc Dung! Chàng nghiêm giọng nói:
- Cậu Trân! Tôi tưởng đã đến lúc tôi cần nói thẳng với cậu là gia đình tôi không muốn cậu gặp Ngọc Dung nữa.
- Thưa bác... Có việc gì, cháu không hiểu rõ?
- Rồi cậu sẽ biết.
Vũ nhìn thẳng vào mặt Trân nói:
- Thật cực chẳng đã, tôi mới nói với cậu những lời nầy. Tôi không bằng lòng cho cậu theo đuổi Ngọc Dung vì... tôi đã hiểu rõ cậu nhiều quá. Cậu đã phá hoại cuộc đời bao nhiêu thiếu nữ ngây thư khờ dại. Họ vì quá tin ở cậu mà phải ôm hận suốt đời.
- Trời ơi! Thưa bác... cháu đâu có vậy!
- Cậu đừng ngắt lời! Hãy để tôi nói hết đã. Mấy tháng qua, tôi đã biết được nhiều chuyện lắm. Tôi đã gặp những "nạn nhân" của cậu rồi. Nếu cần tôi sẽ kể cho cậu nghe tên một vài người.
Trân sửng sốt trước những lời của Vũ, thật không khác những gáo nước lạnh tạt vào mặt hắn. Tuy nhiên, Trân còn hi vọng là lời đối đáp khôn ngoan của mình sẽ đánh lạc hướng câu chuyện. Hắn cố gắng giữ vẻ trầm tĩnh:
- Thưa bác! Cháu không hiểu gì hết và như người từ cung trăng rớt xuống.
Vũ cười nhạt:
- Cậu hiểu làm sao được! Cậu tưởng tôi chỉ nhìn địa vị của cậu, cái dáng "trí thức" sang trọng bên ngoài là gả Ngọc Dung sao? Cậu ngơ ngác là phải.
- Thưa bác... Việc nầy, chắc có người ganh ghét cháu mà nói xấu. Xin bác cho cháu được giãi bày. Cháu muốn biết tên người đã bịa đặt ra những điều đó.
Vũ lắc đầu:
- Bịa đặt! Không đâu cậu. Tôi không bao giờ tin những lời nói xấu của thiên hạ. Chính tôi đã tìm gặp những người đã bị cậu lừa dối, gạt gẫm, rồi bỏ rơi. Phải chi chỉ có một người?
Trân biết mình khó thể giấu giếm những chuyện đã qua, nên làm ra vẻ buồn bã cúi đầu:
- Thưa bác... Cháu thú thật với bác là cháu chịu khổ nhiều lắm rồi! Cháu đã có nói với Ngọc Dung.
- Cậu mà chịu khổ?
- Vâng! Cháu không hề gạt gẫm ai cả. Họ cố tình vu họa cho cháu. Đời nầy bây giờ, bác cũng biết có nhiều hạng gái làm tiền.
Vũ thấy máu nóng dồn lên tận cổ. Thật không còn gì hèn hạ bằng phao vu cho người yêu cũ là hạng gái làm tiền?! Chàng muốn dứng lên tát vào mặt Trân và tống cổ hắn ra khỏi phòng. Nhưng nghĩ kỹ lại, chàng thấy mình phải thật bình tĩnh để đối phó. Trân thấy Vũ im lặng thì tiếp lời:
- Bác cũng biết là cháu có địa vị, có tiền thì họ dễ gieo tai họa hơn.
Vũ chận lời hắn:
- Như cô Duyên, cô Hạnh, con của đại thương gia, bác sĩ, cũng là hạng gái làm tiền muốn gieo họa cho cậu nữa sao?
Trân không ngờ Vũ biết những chuyện đó. Hắn ấp úng đáp:
- Thưa bác. Cháu đâu dám nói vậy. Hạnh hay Duyên đều là con nhà gia giáo. Cháu đã xin cưới hỏi đàng hoàng. Má cháu có đến xem mắt. Nhưng chuyện không thành vì tuổi không hạp. Vì nhiều lẽ khác nữa, bác ạ.
Vũ cười gằn:
- Tôi biết... Tôi biết rõ hết, cậu Trân à! Thủ đoạn của cậu ở Sài Gòn nầy, người ta đã hiểu nhiều rồi. Cậu toan dùng lối đó để phá hại cuộc đời Ngọc Dung nữa mà.
- Thưa bác... cháu...
- Không! Tại cậu, nên tôi phải nói trắng ra. Cậu nói là mình đứng đắn, cư xử đàng hoàng. Thế sao chưa chi cậu phá hại cuộc đời Hạnh và Duyên? Cả hai đều có con với cậu rồi lại bỏ rơi người ta. Mẹ cậu tìm đủ cách lánh mặt không tới nữa. Cậu khôn ngoan thật, mượn lá bài “cưới hỏi” để cho các cô dễ tin lòng. Đối với con Dung không được đâu. Gia đình cô Duyên, cô Hạnh sợ mất danh giá không làm rùm lên. Chớ gặp tôi, cậu không sống được đâu.
Trân ngồi lặng yên. Hắn không ngờ Vũ đã thấu hiểu tất cả hành động của hắn. Nhưng đã lỡ rồi. Vả lại, chính hắn cũng yêu thương Ngọc Dung tha thiết lắm. Có lẽ vì Ngọc Dung khác hơn những cô mà hắn đã gặp. Tuy yêu thương Trân, nhưng nàng không để cho hắn dễ dàng "hái nhụy hoa". Vì thế mà Trân vẫn theo đuổi. Hắn để cho Vũ bớt cơn nóng giận, mới nói:
- Thưa bác. Cháu không biết nói sao cho bác hiểu lòng cháu. Đối với Ngọc Dung cháu yêu thương thành thật và cháu chỉ xin được cưới hỏi.
Vũ lắc đầu:
- Tôi không dám nhận lời xin cưới của cậu. Vì gia đình tôi chơn chất. Còn cậu quá nhiều thủ đoạn... Chúng tôi làm sao biết cậu đang dùng thủ đoạn nào đây?!
- Thưa bác. Bác nghĩ thương giùm chúng con. Chính Ngọc Dung cũng thật tình yêu cháu.
- Cậu khỏi phải lo! Nó sẽ hết yêu cậu khi hiểu thêm vài sự thật nữa. Con tôi, tôi biết...
Rồi như nhớ đến cuộc đời của bé Lệ cũng vì Trân mà tan nát, Vũ uất hận nhìn hắn:
- Tôi mong từ nay, cậu nên lánh xa Ngọc Dung, đừng để giữa tôi và cậu có nhiều chuyện không tốt xảy ra. Cậu nên nhớ Ngọc Dung còn cha... Và cha nó cũng đã sống nhiều rồi. Cậu không thể hại nó như những “cô gái côi cút" nghèo khổ phải đi làm thuê, làm mướn đâu.
Trân đứng lên nói:
- Thưa bác. Xin bác nghĩ thương giùm cháu. Cháu thành thật yêu Ngọc Dung.
- Cậu đừng nói thêm nữa. Cậu gieo cho tôi nhiều sự đau khổ lắm rồi. Tôi không muốn cậu còn léo hánh đến nhà tôi. Tôi mong từ nay, cậu chấm dứt sự gặp gỡ Ngọc Dung. Нãу để cho nó yên.
Vũ đứng lên, trong khi Trân nắm chặt lấy thành ghế. Hắn cũng đang khổ tâm lắm. Từ xưa nay, hắn quen đùa giỡn với ái tình, bây giờ gặp lúc yêu thương thành thật, thì gia đình người yêu lại xua đuổi hắn, như đuổi tà. Trân biết có nói thêm lời gì cũng vô ích. Hắn nghĩ đến Ngọc Dung. Dù sao hắn cũng phải gặp nàng để giãi bày mọi nỗi.
*
Vào khoảng 01 giờ đêm, Diệp Thúy trở bệnh nặng, nhiệt độ tăng lên bất thường, bác sĩ thường trực phải đến thăm qua mấy lần. Cô Phương lo ngại lắm. Nàng định kêu điện thoại tới nhà riêng của bác sĩ Vũ đúng theo lời căn dặn của ông, nhưng Diệp Thúy nhứt định không cho. Nàng sợ làm bận lòng Vũ trong đêm khuya. Sáng sớm, Vũ đến phòng con và nhìn thấy biểu đồ có ý trách Phương. Diệp Thúy đã phải đỡ lời cho nàng:
- Thưa bác sĩ! Tôi thấy không sao nên không cho cô Phương gọi vì sợ làm nhọc lòng bác sĩ.
Vũ nhìn nàng với đôi mắt nghiêm nghị:
- Việc trị bệnh cho cô, người ở bệnh viện biết rành hơn, cô không nên bàn xen vào như vậy.
Diệp Thúy im lặng vì nhận thấy lỗi của mình. Riêng Phương thì chăm chú nhìn Vũ trong lòng nghĩ ngợi băn khoăn. Lần thứ nhứt, từ khi vào làm ở bệnh viện nầy, Phương mới thấy Vũ rầy bệnh nhân. Đó là điều tối kỵ mà ai phạm phải, Vũ sẽ khiển trách nặng nề. Hôm nay Vũ sơ sót như vậy, chắc còn có lý do nào khác?
Khi Vũ sắp sửa đi, Diệp Thủy bỗng nói:
- Thưa bác sĩ! Tôi muôn nói với bác sĩ một chuyện...
Vũ ngạc nhiên nhìn con:
- Chuyện gì vậy?
Diệp Thúy quay sang Phương:
- Cô Phương! Em muốn được nói riêng chuyện nầy...
Phương gật đầu nhìn Thúy, rồi lui ra, trong lòng không khỏi thắc mắc. Vũ khẽ hỏi:
- Có chuyên gì đó cô Thúy? Có quan trọng lắm không?
Diệp Thúy lắc đầu:
- Dạ cũng hơi quan trọng. Tôi muốn bác sĩ nghe qua chuyện nầy để đề phòng.
Vẻ nghiêm trọng của Thúy khiến cho Vũ chú ý và chàng kéo ghế ngồi xuống bên con. Diệp Thúy ấp úng nói:
- Trước tiên xin bác sĩ... tha thứ cái tội tò mò của tôi.
Vũ chưa hiểu gì hết nên hỏi:
- Chuyện gì vậy? Cô nói ngay đi?
- Dạ, có phải bác sĩ... quen với ông Trân, kỹ sư, đó không?
Vũ gật đầu và thắc mắc không hiểu sao Diệp Thúy biết chuyện đó? Chàng hỏi:
- Đúng vậy! Nhưng làm sao cô biết?
- Hôm qua tôi thấy kỹ sư Trân đến đây. Tôi mới hỏi cô Phương.
- À, thì ra vậy?
Diệp Thúy sợ Vũ rầy Phương, nên nói:
- Dạ... Tôi biết hết mọi chuyện là tại tôi hỏi mãi, chớ không phải cô Phương nói tới nói lui.
Đến lượt Vũ ngạc nhiên:
- Mà cô Phương đã nói gì?
- Dạ... Dạ... cô ấy nói kỹ sư Trân là rể tương lai của bác sĩ. Bác sĩ định gả cô Ngọc Dung cho Trân.
Vũ nhìn con và thầm đoán được phần nào ý nghĩ của nó. Nhưng chàng thử hỏi:
- Vâng, đúng như vậy đó! Hình như cô có ý kiến gì phải không?
Diệp Thúy đáp nhanh:
- Dạ. Tôi muốn khuyên bác sĩ hãy thận trọng với ông kỹ sư đó. Ông ấy nhiều thủ đoạn lắm.
Vũ nhìn con gật đầu, trong lòng xúc động bồi hồi. Diệp Thúy biết nghĩ đến chàng như vậy thật đáng mến vô cùng. Thúy bỗng gục đầu xuống gối, ràn rụa nước mắt, khiến Vũ sửng sốt đứng lên gọi:
- Kìa! Diệp Thúy... sao vậy?
Vũ hỏi nhưng thầm đoán biết con mình đang nhớ lại những ngày nhục nhã sống với Trân rồi bị chuyền tay trong đám bạn bè của hắn.
Thúy bỗng ngước nhìn Vũ, đôi mắt đầy lệ:
- Bác sĩ thấy thân hình tiều tụy của tôi ngày nay rồi chắc ông không ngờ là tôi đã có một thời tươi đẹp lắm.
Vũ nói ngay:
- Sao lại không ngờ? Nhứt định mấy năm trước cô Thúy đẹp lắm. Nhưng không sao, rồi đây cô cũng sẽ đẹp trở lại.
Diệp Thúy lắc đầu, nói như đang mê sảng:
- Không! Chẳng bao giờ Diệp Thúy còn đẹp lại như xưa! Chẳng bao giờ! Bác sĩ đừng an ủi tôi vô ích. Tôi chỉ có một thời tươi đẹp, mà thời đó đã qua rồi.
Nàng lại úp mặt xuống gối, đồi vai run run. Vũ chua xót vô cùng. Chàng muốn nắm lấy vai con vỗ về an ủi nó, nhưng lại thấy ngại ngùng. Đối với Ngọc Dung, thì chàng không ngập ngừng, e ngại như vậy. Cả hai con đều cùng chung máu huyết của chành sinh ra, nhưng Ngọc Dung thì được chàng dưỡng dục, còn Diệp Thúy... lại sống xa chàng. Nó đã gần như người xa lạ đối với chàng...
Thúy bỗng ngước lên nhìn thẳng vào mặt Vũ, cất lời oán hận:
- Bác sĩ có biết ai đã làm tan nát cuộc đời của tôi chăng? Chính kỹ sư Trân đó! Tôi lầm tin tưởng hắn cưới hỏi mình theo đúng pháp luật. Tôi đã khờ dại quá nên bị hắn đẩy vào con đường lầm lỡ. Trời ơi...
Vũ lo sợ nhìn con:
- Diệp Thúy... Đừng làm bậy. Đừng quá xức động, có hại cho bệnh tình của cô...
Thúy rũ người ra, nước mắt cứ tuôn dài xuống má. Vũ tìm lời an ủi con:
- Chuyện đó đã qua rồi. Cô Thúy nhớ đến làm gì cho thêm khổ. Tôi không ngờ kỹ sư Trân lại hèn mạt như vậy? Cám ơn cô Thúy. Cô không phải lo. Tôi không điên dại gì gả con cho thằng lừa đảo đó...
Rồi chàng bảo Thúy:
- Tôi cám ơn cô lắm. Tôi thành thật khen cô, đã dám nói sự thật giúp tôi.
Diệp Thúy thôi khóc, chỉ lặng lẽ cúi đầu, trong lòng cảm thấy sung sướng hơn bao giờ hết. Vũ nhìn con, thương mến vô cùng. Diệp Thúy bước chân vào cuộc đời là gặp toàn những chuyện không may. Nàng bơ vơ, không nơi nương tựa, chớ phải chi được gia đình chăm sóc như Ngọc Dung thì nàng đâu có bị Trân làm hại cả cuộc đời!
Mọi việc đều do lỗi ở chàng! Bởi thế mà dù cho Diệp Thúy có hư hỏng thế nào đi nữa, có sa chân vào vũng lầy tội lỗi, chàng cũng nhứt định không bỏ con. Tạm thời bây giờ, chàng ráng lo cho Lệ lành bệnh trước đã, rồi sẽ chọn cho con một cái nghề thích hợp... Chàng quyết giúp con làm lại cuộc đời, mà không cho nó biết mình là cha ruột của nó. Chớ trong giờ phút nầy, nếu Diệp Thúy biết nó là con của chàng và là chị một cha khác mẹ với Ngọc Dung, nhứt định nó sẽ tủi hổ mà bỏ trốn đi.
Không! Nhứt định dù với giá nào, chàng cũng phải giữ con ở lại, giúp nó quên đi một dĩ vãng đau buồn, nhục nhã, để tạo lập một cuộc đời mới tươi đẹp hơn. Vũ bỗng cất tiếng:
- Cô Thúy!
- Dạ.
- Cô đã nghĩ kỹ chưa?
Diệp Thúy ngơ ngác nhìn chàng:
- Thưa bác sĩ! Việc gì ạ?
- Kìа... Hôm qua, tôi có hỏi cô định làm gì, sau khi rời khỏi bệnh viện? Cô nhớ chưa?
- Dạ... dạ... nhớ rồi. Nhưng tôi vẫn chưa biết phải làm gì để sống, vì bác sĩ không thích tôi trở lại nghề cũ.
Vũ gật đầu:
- Dĩ nhiên là như thế. Nếu cô trở lại nghề xưa thì chẳng bao lâu, cô sẽ quay vào đây, hoặc giả là tôi không còn nhìn thấy cô nữa.
Diệp Thúy cúi đầu, ngầm hiểu ý Vũ muốn nói là nàng sẽ trở bệnh và rất có thể không còn cứu được nữa, nếu sống với nghề vũ nữ.
Nàng khẽ cất tiếng:
- Thưa bác sĩ! Tôi sẽ cố gắng tìm một nghề khác cho bác sĩ vui lòng. Nhưng bác sĩ muốn tôi làm nghề gì bây giờ?
Vũ tươi cười bảo con:
- Cô chọn nghề nào thích hợp với cô là hơn, miễn cô sống một cuộc đời bình thường như bao nhiêu cô gái khác. Tôi hứa sẽ giúp đỡ cô về vật chất, trong những lúc đầu.
Hai người cùng yên lặng. Một lúc, Vũ tiếp lời:
- Sao cô không mở một tiệm may, thử xem thế nào?
Diệp Thúy đang vui, vụt sa sầm ngay nét mặt. Vũ biết mình vô tình chạm đến dĩ vãng thiếu tươi đẹp của con. Chàng vội đỡ lời:
- À, mà thôi... Thiếu gì nghề khác. Hay là cô mở một tiệm Bazar, bán đồ dùng học trò hoặc bán sách.
Diệp Thúy băn khoăn nhìn Vũ và chỉ biết vâng dạ. Đối với nàng, tất cả mọi nghề đều mới hết, nhưng với sự cố gắng làm lại cuộc đời và sự giúp đỡ tận tình của Vũ, nàng tin tưởng mình sẽ thành công. Bỗng có liếng gõ cửa. Vũ quay ra hỏi:
- Ai đó? Cứ vào?
Cánh cửa vụt mở, Phương bước vào nhìn Vũ:
- Xin lỗi bác sĩ và Diệp Thúy... Tôi cần nhắc bác sĩ là gần đến giờ giải phẫu bệnh nhân 17B.
Vũ nhìn đồng hồ, kêu lên:
- Gần 9 giờ rưỡi rồi. Ấy chết, tôi phải đi.
Chàng đứng lên bảo con:
- Cô Thúy ráng tịnh dưỡng và đừng quá lo nghĩ mà mất ngủ. Bên cô còn có người giúp mà.
Diệp Thúy chỉ cúi đầu vâng dạ. Vũ bước nhanh ra cửa. Phương theo sau chàng, trên mặt lộ vẻ băn khoăn. Tự nhiên mà nàng muốn biết rõ câu chuyện Vũ nói với Diệp Thúy. Nàng dự dịnh sẽ hỏi Thúy, lúc rảnh rang. Một điều lạ là tại sao Vũ chăm sóc cho Diệp Thúy một cách quá đáng như vậy? Có hôm, cô Hồng đã tỏ ý thắc mắc về chuyện đó, nhưng Phương cố tình đánh lạc hướng suy nghĩ của bạn. Nàng đã bảo cho Hồng biết là mình bao giờ cũng tin cậy vào tấm lòng của Vũ. Và theo ý nàng, Vũ là một bác sĩ gương mẫu nhứt, đừng bao giờ nghĩ xấu cho ông. Nhưng sáng nay, chính Phương cũng phải thắc mắc về thái độ của Vũ và Diệp Thúy. Hai người đã nói gì với nhau có vẻ riêng tư như vậy? Vũ trở sang dãy phòng A thăm bệnh rồi về văn phòng để sửa soạn ca giải phẫu. Phương lo sắp đặt mọi việc giúp chàng. Nhưng trước khi rời văn phòng sang phòng mổ, Vũ bỗng hỏi Phương:
- Cô Phương!
- Dạ.
- Cô thấy Diệp Thúy thế nào? Có đáng thương không?
Phương ngập ngừng đáp:
- Dạ... Tánh tình cô ấy cũng hiền lắm!
Nàng thấy Vũ có vẻ tươi vui khác thường. Nàng muốn hỏi thẳng bác sĩ một câu, nhưng lại ngại rồi thôi. Một lúc Phương bảo Vũ:
- Thưa bác sĩ. Cô Thúy trước kia đã từng là một vũ nữ?
Vũ ngạc nhiên:
- Phải... Nhưng sao cô biết?
- Dạ, cô ấy thường khóc và tâm sự với tôi.
Vũ tò mò hỏi:
- Diệp Thúy thường nói những gì hả cô?
Phương đáp thành thật:
- Về chuyện gia đình... về cảnh đời bơ vơ của cô thuở còn nhỏ. Thật là tội!
Vũ nhìn Phương mỉm cười:
- Cô cũng thương cho hoàn cảnh cô ấy nữa sao?
- Dạ. Tôi mến cô ấy lắm!
Vũ không nói gì thêm, nhưng Phương cảm thấy chàng vừa lòng lắm! Nhứt định giữa Vũ và Diệp Thúy đã có một tình cảm gì khác hơn tình cảm của bác sĩ đối với bệnh nhân.