Người ta không đánh giá tôi bởi số lần tôi vấp ngã mà là những lần tôi thành công. Bởi thành công đó chính là những lần tôi thất bại nhưng không bỏ cuộc.

Tom Hopkins

 
 
 
 
 
Tác giả: Takeyama Michio
Thể loại: Truyện Ngắn
Dịch giả: Đỗ Khánh Hoan
Biên tập: kmejoko
Upload bìa: Thanh Minh Le
Số chương: 21
Phí download: 4 gạo
Nhóm đọc/download: 0 / 1
Số lần đọc/download: 1745 / 23
Cập nhật: 2016-12-10 10:33:18 +0700
Link download: epubePub   PDF A4A4   PDF A5A5   PDF A6A6   - xem thông tin ebook
 
 
 
 
Chương 5
ào khoảng tháng bảy hoặc tháng tám anh em tù binh chúng tôi bắt đầu đi ra ngoài đều đều làm công tác xây cất. Chúng tôi phải sửa chữa một tòa nhà phía sau ngôi chùa ở Mudon. Sau đó, khi công tác hoàn tất đúng hạn, hài cốt của nhiều lính Anh sẽ được đem vào trong tòa nhà này.
Một hôm, vì đang là ngày lễ, chúng tôi được phép đến thăm ngôi chùa trong giờ nghỉ.
Ngôi chùa đông nghịt người. Mặc quần áo lễ màu tươi sáng, họ tụ tập đông đến độ mình không còn biết đang đi ở đâu. Những con chim bồ câu đang lượn quanh những ngọn tháp vàng óng, nhọn hoắt như mũi kim và các nóc chùa uốn cong vút; hoa rắc tứ tung trên các lối đi cùng những cầu thang bằng đá. Tuy nhiên, mặc dù đông người, quang cảnh vẫn rất yên tĩnh. Người Miến Điện đi chân đất; họ đi đi lại lại như những cái bóng, không một tiếng động.
Chúng tôi cũng tụt giày ra. Những người đi lễ dừng lại nhìn chúng tôi. Họ im lặng tránh sang một bên nhường bước cho chúng tôi, có lẽ vì họ cảm thấy thương hại những người lính Nhật đã một thời hùng mạnh.
Một thiếu niên mắt sáng trong, tóc loăn quăn, da bánh mật, đang gảy đàn thụ cầm ở dưới chân một con sư tử khổng lồ bằng đá, miệng há hốc đứng lù lù ngay cổng vào chùa. Người ta ném tiền cho thằng bé khi đi ngang qua.
Cây đàn thụ cầm Miến Điện là một nhạc cụ kỳ diệu làm bằng gỗ, đánh bóng nhẵn nhụi, chạm trỗ kỳ khu và đẽo theo hình bầu dục.
Người ta bảo khởi đầu âm nhạc Miến Điện bắt chước tiếng mưa rơi; dù sao nó cũng có một truyền thống lâu đời và người dân Miến Điện thích âm nhạc đến độ họ có rất nhiều nhạc khí khác nhau và nhiều tiết điệu phức tạp phát triển rất cao.
Chúng tôi thường giật mình mỗi khi nghe tiếng thụ cầm, vì nó làm chúng tôi nhớ Mizushima. Nhưng cho đến bây giờ thì chúng tôi đã quen với cái đó rồi và không còn giật mình hoặc buồn bã nữa. Thằng bé ngồi dưới chân con sư tử, chơi những bản nhạc nó nghĩ sẽ làm khách qua đường thích thú. Khi nhìn thấy chúng tôi, nó bắt đầu chơi một bản nhạc Nhật Bản, nhưng chúng tôi chẳng còn đồng nào để cho nó.
Chúng tôi trèo lên bực thang và đi vào chùa.
Người Miến Điện cúng dường chùa chiền nhiều đến thế nên mặc dù nhà ở của họ rất tồi tàn, xộc xệ, song chùa chiền của họ lại rất khang trang, lộng lẫy. Tại đây, cái bàn thờ to lớn bằng đá hoa cương chạm trổ tỉ mỉ đặt trong nội cung được trang hoàng rát lộng lẫy và hình ảnh đức Phật ở khắp nơi.
Người Phật tử Miến Điện ngồi trước mặt những hình đó, cúi đầu, chắp tay cung kính cầu nguyện. Anh có thể nghe tiếng người đọc kinh ở tứ phía. Khói hương bay lên cao. Một cảm giác ngây ngất, lâng lâng một cách kỳ lạ thấm nhập vào làn không khí. Đa số người đi lễ là đàn bà con gái: họ đang cầu nguyện để kiếp sau được tái sinh làm đàn ông con trai. Người nào cũng có những điếu thuốc lá dài và diêm để ngay ở chỗ đang quì lễ. Ở Miến Điện ngay cả trẻ con cũng hút thuốc lá; và những người đàn bà con, gái này bày đặt thuốc lá ngay bên cạnh để khi lễ xong có thế châm hút liền. Họ không đi ngay sau buổi lễ nhưng ngồi nán lại hàng giờ trong trạng thái mê mẩn, xuất thần như thế đang thưởng thức lạc thú của cõi Niết Bàn.
Trong một xó, một thiếu nữ ngồi trên nền đá đang ôm chặt một bông hoa sen trắng tinh. Trước mặt nàng, sát ngay bức tường lờ mờ tối, là một pho tượng Phật hơi mỉm cười, một cánh tay dài trắng nõn từ một bên vai trần trụi buông thõng xuống. Trông dường như cánh tay ấy có thể sắp sửa ngọ nguậy.
Bên cạnh cô bé, một ông lão đang ngồi trầm tư. Người tái mét, gầy gò trông chẳng khác gì một bộ xương. Để mắt nhìn, chúng tôi lờ mờ nhận ra ông ta là một người hủi. Chúng tôi thường không vào chùa, vì những người cùi ngồi ở trong đó đế ăn xin và trầm ngâm suy tư. Nhìn ông lão này, chúng tôi cảm thấy gót chân trần trụi của mình ngứa ngáy.
Thật là một thế giới khác biệt! Cứ mỗi khi nhìn thấy cái gì thuộc loại này, chúng tôi cũng tự hỏi làm sao dân chúng lại có thể sống một đời sống như vậy.
Mà có lẽ ngày xưa Nhật Bản cũng chẳng khác gì - chúng ta mới trở nên tân tiến có tám mươi năm mà thôi. Vì sự thay đổi đã xảy ra quá nhanh nên nó tạo ra cho chúng ta đủ thứ phiền toái. Vào thời gian chúng tôi được chở bằng tàu ra hải ngoại, dân ta đang sống trong sợ sệt, lo âu, thường khi bị đói ăn, thường khi phải làm việc như những tên nô lệ tù đày. Họ xanh xao, vàng vọt vì lo lắng về kết quả của cuộc chiến tranh. Trái lại dân tộc Miến Điện, tuy mảnh mai, ốm yếu và nghèo khó, cứ tiếp tục thầm lặng vui hưởng đời sống sung sướng, thanh bình. Họ chỉ quan tâm đến sự giải thoát linh hồn.
Một người lính Anh bước vào trong chùa đưa mắt nhìn xung quanh một cách tò mò. Anh ta cũng cởi giày theo tục lệ bản xứ, nhưng vừa nhìn thấy ông lão anh ta liền co giò đi ngay. Khi người lính ấy đi rồi, tiếng đàn thụ cầm dìu dặt lọt qua cửa vào trong chùa. Dường như thằng bé ngồi ở ngoài cổng đã đến gần hơn. Nó đang chơi bài Hanvu no Yado - Home Sweet Home - Trở về Mái Nhà Xưa - Có lẽ để làm vui lòng người lính Anh ấy.
Chợt nghe bản nhạc bất ngờ đến thế, chúng tôi cảm động quá chừng. Lâu lắm rồi anh em mới được nghe bài ấy phát ra từ cây đàn thụ cầm. Chúng tôi đều cúi đầu lắng nghe. Ngay cả những pho tượng Phật quay mặt về phía này hay về phía kia hình như cũng đang lắng nghe. Tiếng nhạc nhẹ nhàng, run rẩy ngân lên nghe như tiếng mưa bụi bay rơi trên những bông hoa miền nhiệt đới. Chúng tôi nghĩ đến Mizushima, và cầu đức Phật phù hộ độ trì linh hồn anh yên nghỉ trong thanh bình, siêu thoát.
Vì tiếng đàn ở bên ngoài chùa nên chúng tôi không thể nghe rõ được. Những âm điệu dặt dìu lúc bổng lúc trầm, nối nhau thành vô số nhịp đoạn xoắn xít khi nhặt khi khoan giống như tiếng thở dài của một linh hồn đang bay về cõi thiên phúc.
Một lúc sau, nét mặt đại úy đanh lại. "Nghe kìa," Ông vừa nói vừa căng tai ra. Đoạn, dáng vẻ xúc động. "Có nghe thấy tiếng đàn ấy không?"
"Thưa đại úy, cái gì ạ?" Một anh vừa hỏi vừa nhìn nét mặt lạ lùng của ông.
"Suỵt!" Ông vẫn chăm chú lắng nghe, nhưng tiếng đàn đang mỗi lúc một xa dần. "Thôi, chúng mình đi!" Ông nói, và chúng tôi rời ngôi chùa.
Trong lúc bước nhanh đi đầu, đại úy móc hết tiền ở trong túi ra rồi nắm chặt trong tay. Chúng tôi phải dồn bước, thật vội vã, để đuổi kịp ông nên dân chúng nhìn theo một cách ngạc nhiên.
Sau cùng chúng tôi thoáng nhìn thấy thằng bé ôm cây thụ - cầm đang đứng giữa đám đông gần Cổng chùa. Đại úy đi đến chỗ nó đứng và cho nó hết chỗ tiền rồi ra hiệu bảo nó đánh đàn. Thằng bé trố nhìn ông, hai mắt thao láo, nhưng vẫn ngoan ngoãn nâng đàn lên. Đại úy bắt đầu hát bài Hanyu no Yado và yêu cầu nó chơi bài ấy.
Đúng lúc ấy chúng tôi nghe thấy tiếng còi. Người lính Ấn Độ có nhiệm vụ trông coi chúng tôi đang đứng ở ngoài cổng chùa vẫy gọi và hô khẩu lệnh: "Tập hợp! Hết giờ rồi các anh!"
Chúng tôi phải làm theo ngay. Miễn cưỡng, đại úy dẫn chúng tôi đi ra xa. Khi tan hàng rồi, chúng tôi nghe thấy, từ phía sau, thằng nhỏ chơi một bài dân ca Miến Điện.
Đêm ấy đại úy nói: "Anh em nghĩ thằng nhỏ ấy học bài Hanyu no Yado ở đâu hở?"
Chúng tôi ngập ngừng, tự hỏi tại sao ông lại cứ thắc mắc như thế. Cuối cùng một anh nói: "Đó là một điệu ai cũng biết, và những người Anh ở đây thường hát bài ấy..."
"Không. Đó không phải điều tôi muốn nói. Cái cách thằng bé chơi bài ấy kia. Thế cách chơi ấy không làm anh em ngạc nhiên hay sao?
Chúng tôi cố gắng nhớ lại, nhưng không nghĩ ra cái gì khác thường trong cách chơi ấy cả.
"Điệu nhạc ấy, cái loại hòa âm ấy - có phải đa số người Miến Điện chơi như thế không?"
"Họ có chơi như thế không?" Chúng tôi tự hỏi. Bài nhạc soạn riêng cho đàn thụ cầm chúng tôi biết ấy là bài của anh Mizushima và hôm-nay, ở trong chùa, chúng tôi chỉ được nghe có một phần thôi. Chẳng biết dựa vào cái gì, chúng tôi khó mà đoán được.
"Dĩ nhiên, mỗi phần soạn có một đặc tính riêng," đại úy nói thêm. "Hôm nay, tôi có cảm tưởng đang nghe nhạc pháp của Mizushima. Đó không phải là phần chú ấy soạn ra hay sao? Có ai không nghĩ như vậy không?"
Điều này khiến tất cà anh em ngơ ngác.
"Nhưng, thưa đại úy có thế cho anh em biết từ đâu mà ra như thế?" Một anh hỏi.
"Ừ, có lẽ không." Đại úy bắt đầu có dáng vẻ nghi ngờ. "Có lẽ đó chỉ là do trí tưởng tượng của tôi mà thôi."
Dầu sao, đây cũng là một điều gợi ý khó hiểu, nên chúng tôi thức suốt đêm đó đế bàn luận.
Có người cho biết đại úy là một nhạc sĩ tốt nghiệp trường âm nhạc. Vì thế dù chỉ mới thoáng nghe một vài nốt ông phải có đủ khả năng nói đó có phải là điệu nhạc người Miến Điện thường chơi không. Anh em có thể tin tưởng vào tai ông. Nhưng nếu đó là bản nhạc chính Mizushima soạn thì thằng bé ấy đã học được ở đâu? Ai dạy nó? Ước gì chúng mình nắm được thằng bé và hỏi nó thì có lẽ chúng mình có thể theo sát mà tìm ra manh mối về Mizushima.
Rất có thể Mizushima đã dạy một người nào đó bản nhạc ấy trước khi anh ấy chết. Cũng giống như người chiến binh thổi sáo trong một truyện cổ tích của chúng ta, hẳn người ấy đã muốn truyền những bí mật về nghệ thuật của mình trước khi nhắm mắt ở ngoài mặt trận. Ước gì chúng mình được tự do, thì chúng mình sẽ đi ra ngoài tìm thằng bé và hỏi nó xem Mizushima đã chết ra sao.
Câu chuyện của chúng tôi mỗi lúc một trở nên gay cấn hơn - nhưng rồi nó đổi chiều bất chợt.
Liệu có thực anh ấy có thì giờ dạy ai bản nhạc anh ấy soạn không? Khi Mizushima đi tới đỉnh núi hình tam giác ấy mặt trận đang sôi động. Vừa khi tới, anh ấy đã phải lao mình chạy tới chạy lui trong giữa làn đạn như lời những người lính bị thương kể lại. Trong trường hợp đó, anh ấy chỉ có thể dạy bản nhạc ấy sau khi đại đội kia đã đầu hàng. Điều đó có nghĩa là Mizushima còn sống sau trận đánh, anh ấy hãy còn sống...
Đến lúc này tất cả anh em đều nôn nóng.
Phải, sau khi suy đi tính lại, chúng tôi thấy điều khả dĩ hình như rất mơ hồ. Vấn đề hoàn toàn là do ở việc thằng bé ấy có chơi bản nhạc chính Mizushima soạn ra hay không - nhưng làm sao chúng tôi có thể biết chắc được? Đại úy coi Mizushima như chính em trai ông, và nhất là, cảm thấy trách nhiệm vì đã sai anh ấy tới chỗ chết. Đó là lý do tại sao ông hãy còn bám vào hy vọng, ngay cả niềm hy vọng mong manh nhất, cho rằng Mizushima hãy còn sống.
Sau đó, chúng tôi không còn nhìn thấy thằng bé nữa. Và thế rồi, hết ngày này đến ngày khác, chúng tôi cũng quên cả điều khả dĩ mơ hồ ấy.
Cây Đàn Hạc Miến Điện Cây Đàn Hạc Miến Điện - Takeyama Michio Cây Đàn Hạc Miến Điện